Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/10/2018

ASEM 2018 : Kết nối với Châu Á, thách thức hàng đầu của Liên Âu

Trọng Thành

Ngày 18 và 19/10/2018, tại Bruxelles sẽ diễn ra Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Châu Âu (ASEM-Asia-Europe Meeting) lần thứ 12, với sự tham gia của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ từ hơn 50 quốc gia Châu Âu và Châu Á.

asem1

Logo ASEM 2018 - Ảnh minh họa

Diễn đàn ASEM ra đời cách nay 22 năm (1), có mục tiêu thúc đẩy các đối thoại về mọi phương diện giữa hai lục địa Á – Âu. Tại Diễn đàn ASEM lần này, có gì đáng chú ý ?

Nếu như tại thượng đỉnh ASEM lần thứ 11 ở Mông Cổ, vấn đề khủng bố và căng thẳng tại Biển Đông, trong bối cảnh Tòa Trọng Tài Thường Trực vừa ra phán quyết bác bỏ tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại phần lớn vùng biển này, thì khung cảnh nổi bật của thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 này là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khởi sự từ vài tháng nay, với quyết định tăng thuế nhập khẩu song phương, với tổng số hàng trăm tỉ đô la hàng hóa.

Hàng loạt vấn đề quan trọng với Châu Âu và Châu Á, cũng có nghĩa là với thế giới (bởi các đối tác ASEM chiếm 60% dân số , 65% GDP và 55% thương mại toàn cầu), sẽ được thảo luận tại Diễn đàn này. Từ các hồ sơ an ninh lớn như hạt nhân Bắc Triều Tiên, việc Mỹ hành xử đơn phương trong việc trừng phạt Iran, đến các triển vọng hợp tác kinh tế Á-Âu, sẽ được bàn thảo. Tuy nhiên, tăng cường hợp tác và nối kết Âu-Á trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng, đặc biệt do lập trường của chính quyền Mỹ, cũng như xu thế lấn lướt của Trung Quốc, một quốc gia được điều hành không minh bạch, có lẽ là thách thức hàng đầu của thượng đỉnh ASEM lần này.

Chi nhánh Châu Âu của Viện tư vấn về chính trị quốc tế Carnegie Endowment for International Peace (CEIP) nêu ra một số vấn đề đáng chú ý, qua nhận định của một số chuyên gia.

Diễn đàn ASEM diễn ra trong bối cảnh nào ? Khả năng đạt đồng thuận ra sao ?

Trước hết bà Lizza Bomassi, phó giám đốc chi nhánh Châu Âu của Carnegie, nhấn mạnh đến các khó khăn trong nội bộ Châu Âu khiến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các nước thành viên, có thể bị phân tâm trong dịp đối thoại quan trọng này, đặc biệt là cuộc thương lượng cam go với Luân Đôn cho Brexit, thái độ khó lường của chính phủ dân túy tại Ý, hay quan hệ khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Về phần mình, Châu Á cũng có những mối bận tâm riêng. Cụ thể như Hàn Quốc đang xoay xở để bình ổn quan hệ với người anh em khó chơi phía bắc. Nhật Bản tìm cách hoàn tất thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Âu. Ấn Độ thì chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử mùa xuân năm tới. Chưa kể đến Trung Quốc đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại gia tăng.

Trong một bối cảnh đầy trở ngại như vậy sẽ khó có thể có được một đồng thuận vững chắc trong khuôn khổ Diễn đàn này. Cũng có thể các bên sẽ bày tỏ sự nhất trí nào đó trong vấn đề Bắc Triều Tiên và Iran, nhưng điều này chỉ để cho thấy là phương pháp hành xử ngoại giao theo kiểu truyền thống vẫn còn đất sống. Vấn đề hệ trọng nối kết Âu-Á ắt hẳn sẽ là thách thức lớn nhất, do nhiều điểm khác biệt giữa các bên, đặc biệt là giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lizza Bomassi, điều mà các nước Châu Âu và Châu Á đều có chung quyền lợi, đó là bảo vệ định chế Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vị chuyên gia này nhấn mạnh : Bất chấp các lập trường hết sức khác biệt, WTO vẫn là định chế duy nhất có sức sống, có khả năng mang lại một cơ chế dựa trên luật pháp, để xử lý các tranh chấp thương mại toàn cầu.

Liên Hiệp Châu Âu hy vọng đạt được gì từ các đối thoại cấp cao này ?

Ông Erik Brattberg, giám đốc chương trình Châu Âu của Carnegie, lưu ý là chiến lược để kết nối mạnh mẽ Châu Âu với Châu Á là ưu tiên hàng đầu của Liên Âu tại Diễn đàn ASEM lần thứ 12. Cụ thể là kết nối về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số giữa hai lục địa. Ủy Ban Châu Âu vừa công bố một thông cáo làm rõ chiến lược kết nối mới giữa Âu và Á, xác lập một khung khổ cho phép Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy các dự án kết nối khu vực với các quốc gia Châu Á trong nhiều lĩnh vực, như giao thông vận tải, năng lượng đến kinh tế kỹ thuật số (2).

Cho dù một số lãnh đạo Châu Âu phủ nhận, chiến lược này cần phải được coi như một câu trả lời trước dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc, mang tên "Một vành đai, một con đường" (Nhất đới, nhất lộ), mà nhiều lãnh đạo Châu Âu ngày càng lo ngại. Có nhiều lý do khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại dự án "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. Cụ thể là việc các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường, về nhân quyền không được tôn trọng, đấu thầu không minh bạch, không mở rộng. Và đặc biệt là chính sách bẫy nợ của Trung Quốc.

Quan điểm của Châu Âu khi xây dựng chiến lược kết nối này không phải là chống lại Trung Quốc, mà nhằm khẳng định rõ lập trường của Liên Hiệp Châu Âu, là duy trì với thái độ cân nhắc các cam kết với Trung Quốc, cùng lúc với việc làm sáng tỏ các ưu tiên của Châu Âu và "các lằn ranh đỏ".

Trái ngược hẳn với dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu nhằm tới thiết lập các khuôn khổ mang tính pháp lý, nhằm thực thi các dự án kết nối, mang tính minh bạch và bền vững. Việc Liên Hiệp Châu Âu thuyết phục được các nước Châu Á, là dự án của mình có thể thay thế cho dự án của Trung Quốc, cũng như việc Châu Âu có thể đầu tư đủ nguồn lực cho dự án này là thách thức rất lớn.

Liên Âu có thể làm gì trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng ?

Chuyên gia Yukon Huang, thuộc chương trình Châu Á của Carnegie, cho rằng việc Hoa Kỳ tung ra đòn đánh thuế bổ sung với 250 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mới đây cho thấy chiến tranh thương mại đã trở thành hiện thực. Trong bối cảnh hai đối thủ đều có nhiều tiềm lực, cuộc đối đầu hứa hẹn một viễn cảnh tồi tệ. Liên Hiệp Châu Âu có thể đóng vai trò trung gian tháo gỡ khủng hoảng, tuy nhiên dường như các lãnh đạo Châu Âu đang ở trong tình thế rối bời, nên khó lòng đảm nhiệm được công việc này.

Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu có thế mạnh để đảm nhận sứ mạng nói trên. Quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là mật thiết, nhưng giữa Liên Âu với Trung Quốc còn sâu sắc hơn. Trong vòng thập niên vừa qua, đầu tư Châu Âu vào Trung Quốc cao gấp khoảng hai lần so với Mỹ. Điều này là do các nước Châu Âu xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc máy móc, cũng như hàng hóa chất lượng cao, đồng thời sử dụng địa bàn Trung Quốc làm cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, Châu Âu không dễ thực hiện vai trò trung gian tháo gỡ xung đột, bởi bản thân chính Châu Âu cũng có nhiều vấn đề với Trung Quốc, giống như Hoa Kỳ, cụ thể như việc bị đối xử bất công tại thị trường Trung Quốc, liên quan đến đầu tư hay công nghệ cao chẳng hạn (3). Bên cạnh đó, chính Liên Âu cũng ở trong tình thế khó khăn hiện nay với Mỹ, khi một mặt phải thương thuyết một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, mặt khác phải nỗ lực để củng cố Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, định chế quốc tế mà tổng thống Mỹ tìm cách phá bỏ (mời xem thêm : Pascal Lamy : ''WTO cần tiếp tục tồn tại, cho dù không có Donald Trump'').

Vấn đề hết sức nan giải của Liên Hiệp Châu Âu hiện nay là, liệu các nhà lãnh đạo Châu Âu, trong bối cảnh áp lực chính trị nội bộ chồng chất, có đủ khả năng cương quyết hành động và hành động một cách thực tế, để cùng với Trung Quốc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời phải bảo đảm làm sao để cho quan hệ vốn sâu sắc hơn nhiều với nước Mỹ không bị tổn hại.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 18/10/2018

Ghi chú :

1. Hạt nhân đầu tiên của Diễn đàn Á-Âu là Liên Hiệp Châu Âu và Khối ASEAN mở rộng, bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và ba láng giềng Châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc).

2. Thông cáo nói trên được sử dụng làm tài liệu để thảo luận với các đối tác Châu Á trong hai ngày làm tại ASEM.

3. Mời xem thêm : "Thương mại : Châu Âu –Trung Quốc, liên minh khập khiễng", ngày 17/07/2018.

******************

Mời đọc thêm

"Kết nối bền vững" : chiến lược tổng thể của Châu Âu với Châu Á

(trích thuật một số nét chính trong thông cáo chung của Ủy Ban Châu Âu)

Thông cáo chung của Ủy Ban Châu Âu, cùng ủy viên Liên Âu về đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini, "dựa trên kinh nghiệm thành công của Liên Hiệp Châu Âu trên phương diện tăng cường liên hệ giữa các quốc gia thành viên của mình, cũng như tại và với một số khu vực khác". Đối với Liên Hiệp Châu Âu, vấn đề cốt lõi là "một sự kết nối lâu bền, toàn diện và được dựa trên các chuẩn tắc". Chính nguyên tắc cốt lõi này sẽ tham gia định hướng các hành động đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu trong chiến lược kết nối tổng thể với Châu Á.

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, kiêm phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Federica Mogherini, giải thích rõ hơn về điểm này : "Tính kết nối là con đường của tương lai. Chúng ta càng kết nối, thì sẽ càng lớn hơn khả năng của chúng ta đi đến được các giải pháp chính trị chung, cũng như mang lại sự thịnh vượng cho người dân". "Tiếp cận kết nối của chúng tôi (với Châu Á – người viết) chính là con đường mà Liên Hiệp Châu Âu đã đi : Đó là thiết lập các mạng lưới ngày càng dầy đặc hơn nữa và tăng cường các quan hệ đối tác vì một sự kết nối bền vững hơn nữa, trong tất cả mọi lĩnh vực và dựa trên sự tôn trọng các chuẩn tắc chung. Đó chính là tiếp cận mà Liên Hiệp Châu Âu đã sử dụng để vượt qua các thách thức đặt ra, và nắm bắt lấy những cơ hội mới xuất hiện, vì lợi ích của các công dân tại Châu Âu, cũng như tại Châu Á".

Theo Ủy Ban Châu Âu, việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác, kết nối hai khu vực Âu – Á cho phép Liên Âu chia sẻ với Châu Á mô hình nối kết bền vững và dựa trên các chuẩn tắc chung mà Châu Âu đã xây dựng. Đồng thời, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục cùng với các tổ chức quốc tế, nỗ lực xác định các khuôn khổ pháp lý và các hình thức cụ thể của tính kết nối này, nhằm hướng đến việc thiết lập các thực hành bền vững và công bằng.

Trong số các mạng lưới mà Liên Âu muốn mở rộng để nối kết với Châu Á có "các mạng lưới vận tải xuyên Châu Âu (Trans-European Transport Networks / RTE-T)", hạ tầng cơ sở kỹ thuật số phục vụ phát triển (Digital 4 Developement strategy), cũng như các kinh nghiệm về việc xây dựng các thị trường năng lượng tự do hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ thị trường hướng sang năng lượng sạch.

Một Châu Âu nối kết tốt hơn với Châu Á thông qua các tuyến đường giao thông, các mạng lưới năng lượng, kỹ thuật số, các nối kết về con người (giáo dục, văn hóa, nghiên cứu, du lịch…) sẽ tăng cường sự vững mạnh của các xã hội và các khu vực, tạo điều kiện cho trao đổi, cho sự trưởng thành của một trật tự quốc tế giữa trên các chuẩn tắc chung, và mở ra các triển vọng mới cho một tương lai phát triển bền vững hơn, ít phát thải hơn.

Chiến lược kết nối với Châu Á của Liên Hiệp Châu Âu nhằm hướng đến mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Châu Âu sẽ nỗ lực để tìm được các phối hợp mang tính cộng hưởng với các sáng kiến hiện có, như "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, sáng kiến "vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở» của Mỹ và Nhật Bản, hay kế hoạch tăng cường kết nối hướng đến 2025 của Hiệp hội ASEAN.

Quay lại trang chủ
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)