Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2019

Tố cáo Thiếu tướng công an vụ Trần Bắc Hà với mục đích gì ?

Phạm Chí Dũng

Bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tử vong bất ngờ hôm 18/7/2019 với nguyên nhân được báo chí trong nước loan là tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo về gan. Sau đó trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết cho rằng ông Trần Bắc Hà chết do tuyệt thực và đơn tố cáo Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc là một tác nhân gây ra cái chết cho ông Trần Bắc Hà.

RFA phỏng vấn ông Phạm Chí Dũng, người từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.

tocao1

Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 - Bộ Công an. Photo : Sputnik

Diễm Thi : Thưa ông Phạm Chí Dũng, đây là lần đầu tiên có một bức thư tố cáo có tên tuổi rõ ràng được gửi tới các cấp lãnh đạo tố cáo một thiếu tướng công an. Theo ông thì vì sao lại có chuyện này ? Bao nhiêu phần trăm ông tin vụ tố cáo này là đúng ? Ông có nghĩ rằng "tố cáo" do tư thù cá nhân hoặc phe –nhóm "đánh" nhau vì quyền lợi ?

Phạm Chí Dũng : Nói một cách chính xác thì có thể nói đây là một trong những lần hiếm hoi có đơn thư tố cáo mà có địa chỉ, tên tuổi và số điện thoại di động rõ ràng và được công khai lên mạng xã hội. Điều nầy nhắc chúng ta trở lại thời tiền Đại hội XII vào năm 2015 để chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam thì lúc đó cũng có khá nhiều đơn thư tố cáo. Và trong đó có một ít đơn thư tố cáo trong nội bộ đã đưa lên mạng xã hội. Vấn đề hiện nay, thư tố cáo này tố cáo trực tiếp Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục 3 của Bộ Công an về vấn đề để cho Trần Bắc Hà chết trong trại giam.

Tôi thấy vấn đề nầy rất không bình thường. Thứ nhất, Trần Bắc Hà chết trong trại giam 771 là của quân đội nhưng thư tố cáo lại tố cáo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc của Bộ Công an. Theo một bài viết đưa lên mạng xã hội về sự thật cái chết của Trần Bắc Hà thì cho là ông nầy đã được di chuyển từ trại T16 của Bộ Công an sang trại 771 của quân đội. Như vậy, nếu như Trần Bắc Hà chết trong trại giam nào thì cơ quan quản lý trại giam đó phải chịu trách nhiệm chứ tại sao lại tố cáo Nguyễn Duy Ngọc ? Như vậy Bộ Công an có vai trò gì trong cái chết của Trần Bắc Hà ? Trong khi đó, lại không tố cáo Bộ Quốc phòng hay một quan chức nào đó thuộc Bộ nầy vì trại giam 771 là của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là một ẩn số lớn.

Theo tôi, nó có vẻ liên quan đến nội bộ của công an. Bên cạnh đó, cũng cần ráp nối với một thông tin nữa là sau Đại hội Trung ương X vào tháng 5/2019 thì bắt đầu sắp xếp cơ bản phần nhân sự các cấp Ủy viên Trung ương để sau đó tiến tới sắp xếp phần nhân sự của cấp Ủy viên Bộ Chính trị vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tôi nghe nói, trong danh sách Ủy viên Trung ương có Nguyễn Duy Ngọc, Thiếu tướng của Bộ Công an. Còn có thông tin nữa là Nguyễn Duy Ngọc là một trong những ứng cử viên cho chức Thứ trưởng Bộ Công an tại Đại hội XIII.

Như vậy, phải chăng đây là đòn đánh trong nội bộ nhân cái chết của Trần Bắc Hà rồi tung ra những vụ giống như "scandal" liên quan đến các nhân vật lãnh đạo và đơn thư tố cáo những nhân vật đó ?

Vấn đề thứ hai, tôi đang tự tìm hiểu thì ngoài bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" thì đã có một đơn thư tố cáo ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Trại giam 771 là của Bộ Quốc phòng. Do vậy, cán bộ trại giam 771 cũng là quân nhân Bộ Quốc phòng chứ không phải là sĩ quan công an. Như vậy, trường hợp xảy ra là người bên quân đội tố cáo người bên công an. Có cái gì đó không hợp lý lắm vì lẽ ra phải tố cáo Cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý trại giam. Thêm nữa, lá thư tố cáo này được gởi đến nhiều cấp lãnh đạo nhưng chưa làm rõ được Trần Bắc Hà chết vì cái gì.

Tóm lại, theo tôi nhận xét, có một số điểm rất tương đồng với nhau giữa bài viết "Sự thật về cái chết của Trần Bắc Hà" ở trên mạng xã hội và trong đơn tố cáo mà người ký tên là Nguyễn Tất Thắng, cán bộ trại giam 771. Tôi cho rằng nó xuất phát từ một người hoặc một nhóm người, thậm chí là một thế lực chính trị. Nó logic luôn cả chuyện đưa thông tin từ trong nội bộ ra và cũng chính nhóm người đó hoặc tác giả đó đã chuyển thông tin từ trong nội bộ về cái chết của Trần Bắc Hà vào ngày 18 tháng 7 thì báo chí nhà nước mới có tin để đăng. Nguồn tin này phải từ trong nội bộ, còn độ chính xác như thế nào thì tất nhiên chúng ta không thể kiểm chứng được vì chúng ta cũng chỉ là những người bên ngoài. Kinh nghiệm trước nay cho thấy chỉ vì mục đích tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ thì tin tức nội bộ được tuồn ra.

Diễm Thi : Ngày 1/8, trả lời báo chí về quá trình làm rõ vụ việc bị can Trần Bắc Hà, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang phối hợp với Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà. Theo ông thì điều này có bình thường không khi ông Hà chết từ ngày 18/7 ?

Phạm Chí Dũng : Chúng ta cần chú ý là Trung tướng Lương Tam Quang cho biết hôm 1/8 là đang khám nghiệm tử thi, tức là sự việc đang diễn ra và theo ông Quang thì cơ quan khám nghiệm tử thi không phải là Bộ Công an mà là Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chủ trì. Như vậy rõ ràng đây có một sự không bình thường, tức là Trần Bắc Hà được thông báo chết vào ngày 18/7 và sau đó đưa về gia đình chôn cất, có thông tin là đã chôn cất mà đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 mới khám nghiệm tử thi. Có nghĩa là lôi xác Trần Bắc Hà lên và khám nghiệm tử thi. Tại sao cơ quan pháp y lại không khám nghiệm tử thi ngay lúc Trần Bắc Hà chết tại bệnh viện 105 của quân đội, đơn giản và dễ dàng hơn nhiều ?

Việc khám nghiệm tử thi như vậy phải chăng cho thấy một số quan chức nào đó hay một cơ quan nào đó không tin Trần Bắc Hà chết một cách bình thường ?

Diễm Thi : Theo báo chí nhà nước thì ông Trần Bắc Hà chết do bệnh. Theo những bài viết trên mạng xã hội thì ông Hà chết do tuyệt thực, bây giờ lại đang khám nghiệm tử thi. Ông có cho rằng sẽ ra một kết quả khác với hai kết quả trên không ạ ?

Phạm Chí Dũng : Tôi nghĩ sẽ khó hoặc không bao giờ cơ quan điều tra công bố kết quả khám nghiệm tử thi ông Trần Bắc Hà, vì đó là việc họ không mong muốn. Thứ nhất kết quả khám nghiệm tử thi được xem là một trong những nội dung được bảo mật của bên công an và quân đội. Thứ hai là khó có thông tin Trần Bắc Hà chết được tung lên trên báo chí nhà nước, tôi nghĩ rằng có một số quan chức trong Bộ công an hoặc trong Bộ quốc phòng hoặc cả hai bộ này không hài lòng, vì họ hoàn toàn không muốn lộ ra thông tin về cái chết của Trần Bắc Hà.

Diễm Thi : Ông đánh giá phe cánh của ông Trần Bắc Hà (hay còn nói là phe của 3X – Ba Dũng) hiện nay ra sao sau cái chết của ông Trần Bắc Hà ?

Phạm Chí Dũng : Có nhiều dư luận về thực lực của phe cánh này. Có dư luận cho rằng họ tan tác từ năm 2016 tức sau Đại hội XII, nhưng cũng có dư luận cho rằng phe này cũng đang ngấm ngầm có sự vận động hậu thuẫn và tập hợp ở khu vực miền Nam để chống lại chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng.

Có điều tôi biết rõ là có một "vướng cản" đủ lớn mà chiến dịch đốt lò từ năm 2016 tới giờ chưa rớ được tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí chưa đến được cửa nhà Lê Thanh Hải.

Phe nhóm này đến nay chắc chắn còn tồn tại nhưng thực lực của nó có đủ mạnh để chống chiến dịch đốt lò lâu dài hay không thì lại là vấn đề khác, vì thực ra trước Trần Bắc Hà đã có một đại gia ngân hàng trong nhóm Nguyễn Tấn Dũng là Trầm Bê bị bắt vào tháng 8/2017.

Phải nói đây là vụ đình đám. Là đòn giáng khá mạnh vào phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Dũng. Có thể nói đến khi Trần Bắc Hà bị bắt thì phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản là tan rã.

Diễm Thi : Trong thư tố cáo Thiếu tướng Trần Duy Ngọc có đề cập tin con trai ông Trần Bắc Hà đang trốn ở Lào, ông nghĩ gì về điều này ?

Phạm Chí Dũng :Vụ này làm chúng ta nhớ lại vụ Bùi Quang Huy – Giám đốc công ty Nhật Cường cũng được Bộ Công an cho biết đã bắt, nhưng tới nay vẫn không bắt được và Bùi Quang Huy đã trốn biệt.

Như vậy trong thời gian gần đây đã có ít nhất hai hiện tượng xáo xào trong nội bộ của Bộ Công an.

Hiện tượng thứ nhất liên quan tới Nguyễn Đức Chung bị đánh vì có thông tin Nguyễn Đức Chung có thể trở lại Bộ Công an và làm Bộ trưởng, ngồi ghế Ủy viên Bộ chính trị cho nên bị đánh. Vụ thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc với đồn đoán có thể nhận ghế Thứ trưởng Bộ công an tại Đại hội XIII. Cho nên tổng hợp vụ Nhật Cường, Chung con và vụ Trần Bắc Hà thì thấy trong nội bộ Bộ Công an một lần nữa xáo xào trước Đại hội XII.

Diễm Thi : Là một nhà báo, ông dự đoán truyền thông chính thống sẽ đối phó như thế nào với những bài viết về cái chết Trần Bắc Hà lan truyền trên mạng xã hội như vừa qua ?

Phạm Chí Dũng : Nói về truyền thông nhà nước thì thực ra nó là một thể hỗn tương đầy mâu thuẫn không thống nhất, vì từ khi phát sinh những nhóm lợi ích và những nhóm quyền lực, sau đó là những nhóm quyền lực - lợi ích xen cài với nhau, thì truyền thông nhà nước trở nên cát cứ và phân hóa dữ dội.

Một số ủng hộ phe phái này, một số ủng hộ phe phái kia. Các phe phái không chỉ mượn mạng xã hội mà còn mượn luôn truyền thông nhà nước để tấn công nhau, đấu đá, tranh giành lẫn nhau.

Liên quan đến cái chết của Trần Bắc Hà thì tôi không nghĩ rằng sẽ có những bài viết thống nhất của nhà nước át vụ này đi hoặc mở tung vụ này ra, mà sẽ có một số tờ báo chủ yếu bên công an, quân đội, lực lượng vũ trang sẽ lên tiếng và cho rằng cái chết của ông Hà là do bệnh tật, trong khi đó sẽ có những tờ báo khác muốn khui vụ này ra.

Diễm Thi : Cảm ơn ông Phạm Chí Dũng đã dành thời gian cho RFA.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 07/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 604 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)