Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/08/2019

Đất đai của cơ sở tôn giáo : mượn xong rồi chiếm luôn

Thảo Vy

Pháp luật công nhận việc sở hữu tài sản đất đai của các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên trên thực tế thì cho đến nay rất nhiều tài sản bất động sản của tổ chức tôn giáo đã bị chiếm giữ từ công quyền.

muon01

Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm năm 2018

Đất cơ sở tôn giáo được quy định tại Điều 159 Luật đất đai 2013 :

"1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. 2. UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo".

Điều khoản "căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo", chỉ áp dụng với những đất đai thời điểm hiệu lực của Luật Đất đai 2013. Như vậy, đất đai của cơ sở tôn giáo có từ trước đó, phải chăng có thể quốc hữu hóa mà không cần đến viện dẫn pháp luật phù hợp ?

"Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai" lại là mẫu câu thường dùng khi cơ quan quản lý trả lời cho các yêu cầu đòi lại đất đai thuộc sở hữu của cơ sở tôn giáo, nhưng đã ‘được’ nhà nước ‘mượn’ rồi… chiếm luôn.

Đơn cử một vụ việc ‘đòi đất’ kéo dài đến tận hôm nay tại Hà Nội. Dòng Thánh Phaolô đến Hà Nội từ năm 1883, tiến hành mua đất xây dựng cơ sở và tham gia các công tác xã hội giáo dục, từ thiện, y tế... Sau năm 1954, chính quyền cách mạng đã thể hiện trên giấy tờ hành chính là ‘mượn’ các bất động sản là cơ sở giáo dục, y tế của Dòng Thánh Phaolô để phục vụ cho bộ máy chính quyền mới.

Về sau, những bất động sản đó đã được bên ‘mượn’ tự tiện chuyển đổi công năng, và chuyển đổi luôn chủ sở hữu tư nhân, bất chấp đây là đất đai có nguồn gốc sở hữu hợp pháp của cơ sở tôn giáo.

Tương tự, sau năm 1975 ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng có khu trường học thuộc Dòng nữ tu này được chính quyền ‘mượn’ để tiếp tục làm trường học, sau đó thì chuyển sang làm trụ sở chính quyền và… chiếm luôn đến giờ.

Giáo hoàng Học viện Piô X (Collegium Pontificium Sancti Pii X) Đà Lạt là một dẫn chứng khác về việc đất đai của cơ sở tôn giáo đã bị chính quyền ‘mượn’ rồi mất luôn. Giáo hoàng Học viện nằm tại số 13 Đinh Tiên Hoàng, trong một khuôn viên rộng gần 8 ha, kế cận trường trung học Bùi Thị Xuân và đồi cù. Đây là cơ sở đào tạo tu sĩ Công giáo tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tương đương với Đại chủng viện ngày nay.

Trả lời phỏng vấn trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào tháng 11/2009, Giám mục Nguyễn Văn Nhơn cho biết mảnh đất Giáo hoàng Học viện Piô X này đã được cấp quyền sở hữu vĩnh viễn cho Tòa Khâm mạng Tòa thánh Vatican tại Việt Nam vào ngày 21/09/1964. Từ cuối năm 1993, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bắt đầu có kiến nghị và từ đó nhiều lần đề nghị Nhà nước Việt Nam trao lại cơ sở Giáo hoàng Học viện cho Giáo hội. Thế nhưng không có sự phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

Trên thực tế, dù có thực tâm muốn giải quyết các khiếu nại yêu cầu trả lại tài sản bất động sản từng thuộc sở hữu hợp pháp của những tổ chức tôn giáo, thì dễ vấp phải chuyện vi phạm pháp luật. 

Tại khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai 2013 có quy định : "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". 

Chính cụm từ rất chung chung ‘trong quá trình thực hiện chính sách đất đai’ đã hợp thức hóa tất cả các đất đai thuộc tôn giáo trong mọi trường hợp bị mượn rồi chiếm luôn, kể cả việc ai đó nhân danh chính quyền dùng quyền lực để chiếm đoạt.

Đây chính là một trong những yếu tố cho thấy quyền tự do tôn giáo trong lãnh vực sở hữu tài sản của tôn giáo đã bị xâm phạm, nhưng lại ít được đề cập đến CPC, tức Countries of Particular Concern ; có nghĩa vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55). 

Thuật ngữ "đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo" có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo. Câu chuyện về đất đai tôn giáo như nói trên là một minh chứng. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 405 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)