K5 đầy tranh cãi
Các tranh cãi xoay quanh sự can thiệp quân sự của Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchia đánh đuổi Khmer Đỏ, sau 38 năm, vẫn chưa nguôi lặng.
Mới đây, lãnh tụ đảng đối lập của Campuchia công khai tố cáo rằng Việt Nam đã chỉ đạo cho giới lãnh đạo Campuchia trong giai đoạn cuối thập niên 70, đầu những năm 80 sát hại chính đồng bào của họ.
Ông Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp, mấy ngày qua đã lên Facebook nhắc lại thời kỳ lịch sử sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, cáo buộc kế hoạch K5 của Việt Nam lúc đó đã cướp đi thêm nhiều sinh mạng của dân Campuchia thời hậu Pol Pot.
Ông Rainsy nói với VOA Việt ngữ : "Bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng sẽ nhận ra rằng trong giai đoạn lịch sử Campuchia hồi thập niên 80 có một chiến lược được vạch ra để sát hại thường dân vô tội, giống như chế độ Pol Pot vậy. Xin quý vị hãy vào Facebook của tôi để xem tất cả những tài liệu, bài báo, và sách vở tham khảo. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm phải phơi bày sự thật lịch sử bị quên lãng này ra ánh sáng".
Khởi phát từ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 80, kế hoạch K5 dần dần được đưa vào thực thi trước khi được áp dụng hoàn toàn tại Campuchia trong giai đoạn 1984-1988.
Kế hoạch này liên quan đến việc khai hoang một dải đất dọc theo biên giới giữa Campuchia với Thái Lan để quân Khmer Đỏ không còn chốn ẩn náu, đồng thời gài mìn bẫy để tiêu diệt và ngăn chặn tàn dư Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchia.
Phe chỉ trích kế hoạch này nói rằng nhiều người dân Campuchia được tuyển mộ từ các tỉnh để chuyển tới các khu vực dọc theo dải biên giới ấy để thực hiện công tác khai hoang, đối mặt với những hiểm nguy từ mìn bẫy, sốt rét, đói khát, và lao động quá sức.
Lúc kế hoạch K5 được áp dụng tại Campuchia, ký giả Kimseng Men của ban tiếng Khmer đài VOA đang trong độ tuổi tiểu học. Bố anh là trưởng thôn được lệnh từ cấp trên đi động viên dân làng tham gia kế hoạch K5.
Anh Kimseng cho biết K5 có ba mục tiêu chính : bảo vệ, xây dựng, và khai hoang. Anh nói dân bản địa không mấy ưa chuộng kế hoạch này nhưng buộc phải tham gia. "Lúc bấy giờ, thanh niên 18 tuổi trở lên, hoặc phải nhập ngũ, hoặc bị đưa đi K5. Nhiều người tìm mọi cách gian lận tuổi tác để tránh né. Trở về từ K5, không ít người ốm yếu và bệnh tật", anh kể.
Giới cầm quyền ở Campuchia, đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, người từng sang ‘cầu viện’ Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cho rằng kế hoạch K5 đã giúp mang lại hòa bình và ổn định chính trị cho Campuchia.
Trái lại, phe đối lập của Campuchia nói sự thật đằng sau kế hoạch K5 là phía Việt Nam đã dùng lãnh đạo Campuchia, những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền, tiếp tục chính sách sát hại chính người dân Campuchia, chẳng khác gì Pol Pot.
Ông Hồ Bá Lộc là một sĩ quan quân đội từng chiến đấu ở Campuchia từ trước 1975 đến cuối 1981. Sau 1979 khi Pol Pot bị truy quét ra khỏi Campuchia, ông Lộc nằm trong lực lượng tham gia giải phóng Campuchia trong vai trò trợ lý tham mưu tác chiến của lữ đoàn 127, vùng 5, hải quân. Ông được đưa lên vùng biên giới Campuchia-Thái Lan, đảm nhận các công tác bao gồm nắm tình hình qua lại ở biên giới Campuchia, vận chuyển trang thiết bị, thay quân cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia.
Ông Lộc nói K5 là một chiến lược chung, vì lúc đó Khmer Đỏ có các căn cứ đóng ở sát dọc biên giới Thái Lan-Campuchia : "Nếu mà lơi lỏng, các lực lượng Khmer Đỏ lại đột kích dọc theo chiều dài biên giới trở vào làm cho tình hình bất an. Việc rải mìn không chỉ phía Việt Nam, mà cả phía Khmer Đỏ cũng làm, trong đó Bộ đội Việt Nam chết nhiều nhất, bị thương nhiều nhất vì các bãi mìn của Khmer Đỏ. Trong tổng số 40 ngàn người đã chết trong cuộc chiến 1979 trở về sau, cũng có rất nhiều Bộ đội Việt Nam chết và bị thương chủ yếu là do bãi mìn của Khmer Đỏ".
Sĩ quan này cho biết từ tháng 1/1979 khi lực lượng Khmer Đỏ xem như hoàn toàn bị quét khỏi các cứ địa lớn ở Campuchia, Việt Nam đưa lực lượng biên phòng sang để giúp Bộ đội biên phòng Campuchia, hình thành lực lượng dọc theo đường biên giới Campuchia-Thái Lan, với chủ trương ngăn tại biên giới, không cho Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchia.
Ông Lộc nói : "Cái chuyện lập K5 ra để tàn sát hoàn toàn là lập luận hết sức vu cáo, nhằm vu cáo Bộ đội Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là lập các khu an toàn để người dân trở về. Ngay cả những người đi lính Khmer Đỏ có nguyện vọng trở về lại với nhân dân cũng đều được bảo vệ. Nhưng chính vì vậy mà lực lượng Khmer Đỏ giả vờ về, rồi gia nhập lại lực lượng kháng chiến của Hun Sen. Rất nhiều người đội lốt, tức là Khmer Đỏ trở về mặc áo của người lính ban ngày, đêm lại quay lại báo cho Khmer Đỏ vị trí đóng quân để đột kích lại lực lượng quân đội. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Điều đó tạo ra thêm hy sinh sau chiến tranh, trở ngại cho Bộ đội Việt Nam và Campuchia rất nhiều".
Chưa có đánh giá chính thức về kế hoạch K5 thành công hay thất bại, cũng không có thống kê chính thức số tử vong vì K5, nhưng tờ Khmer Times trong tuần dẫn tin tức báo chí rằng kế hoạch này đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mà theo lời ông Sam Rainsy, trong đó có rất nhiều thường dân Campuchia, chưa kể số bị thương tật và tàn phế suốt đời.
Người sĩ quan Việt Nam tham chiến tại Campuchia cho biết sau giải phóng, phần đông dân Campuchia đã bị Khmer Đỏ lùa lên rừng và ‘chính lực lượng trong rừng là chiến tranh du kích, ban ngày họ có thể là dân, đêm họ có thể trở thành lính của Khmer Đỏ.’ ‘Thành ra, khó có thể xác định được có phải là dân hay không. Đó là thực tế trong chiến tranh.’
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cả Campuchia lẫn Việt Nam lúc đó đều đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ dân, đưa những người sơ tán khỏi họa diệt chủng đang sống rải rác trong rừng hoặc bị Khmer Đỏ ép lên các vùng núi cao trở lại các thôn làng.
Trà Mi
********************
'Bài Việt', lá bài trong tranh cử Campuchia (VOA, 03/02/2017)
Tư Liệu- Người dân Việt Nam và Campuchia đụng độ nhau trên biên giới.
Công an tỉnh An Giang vừa yêu cầu cảnh sát Campuchia bảo vệ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc đối với người Việt ở Campuchia trong thời gian dẫn đến các cuộc bầu cử tại nước này.
Hôm 3/2, Khmer Times dẫn lời cảnh sát trưởng huyện Chhoeun Bunchhorn, ông Koh Thom, cho biết các giới chức cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) đã có một cuộc họp với công an Việt Nam ở tỉnh An Giang và thảo luận về vấn đề này.
"Tại cuộc họp, các đối tác công an Việt Nam của chúng tôi ở tỉnh An Giang đã yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo phải hành động để ngăn chặn sự kích động và phân biệt đối xử đối với người Việt Nam", ông Koh Thom nói và cho Khmer Times biết thêm rằng công an Việt Nam cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ người Việt đang hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật ở Campuchia.
Phong trào bài Việt dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian dẫn tới bầu cử tại Campuchia vì có nhiều khả năng các đảng chính trị Campuchia sẽ tung ra những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc như một công cụ để giành lá phiếu của cử tri.
Các cuộc bầu cử hội đồng cấp xã sắp diễn ra trong vài tháng tới và cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào năm sau đang gây áp lực lên chính quyền Campuchia về vấn đề cân bằng chủng tộc tại nước này.
Hồi tháng Giêng, phe đối lập, là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) tuyên bố có gần 2.500 người nước ngoài, chủ yếu là người Việt, đã đăng ký bỏ phiếu bất hợp pháp trong các cuộc bầu cử sắp tới. Đảng này yêu cầu loại tên những người này khỏi danh sách cử tri tạm thời, nhưng sau đó đã bị Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia bác bỏ vì thiếu "bằng chứng hợp pháp".
Channel News Asia dẫn lời ông John Coughland, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhận định : "Đảng cầm quyền biết rõ sự ác cảm này sâu sắc tới mức nào và có thể sẽ tạo ra một chương trình trục xuất những người Việt yếu thế, sinh sống dọc khu vực biên giới như là một công cụ để tránh mất đi một lượng lớn ủng hộ cho phe đối lập".
Người Việt nhập cư đã trở thành mối quan tâm của nhiều người dân Campuchia. Sự hiện diện ngày càng tăng của người Việt bị cho là gắn liền với vấn đề di trú mất kiểm soát, nguồn tài nguyên suy kiệt và sự mở rộng quyền lực của Việt Nam, điều mà một số người Campuchia xem là một cuộc xâm lăng thầm lặng.
Thống kê của Cục xuất nhập cảnh Campuchia ghi nhận từ giữa năm 2010 đến năm 2014, có hơn 160.000 người nhập cư Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia. Một chiến dịch của chính quyền Campuchia đối với người di cư bất hợp pháp hồi năm ngoái đã dẫn tới hơn 2.400 người bị trục xuất về Việt Nam và hơn 6.000 bị trả về nước trong năm 2015.
Bất chấp tình trạng bài Việt, chính quyền Campuchia dưới thời của Thủ tướng Hun Sen được nhiều người xem là có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội, một yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến khả năng lên nắm quyền của ông Hun Sen trong những năm 1980.