Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ-Hàn tập trận : Bắc Triều Tiên dọa đáp trả tương xứng

Thu Hằng, RFI, 13/08/202

Ngày 22/08/2022, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi, lớn nhất từ 5 năm qua và huy động đến hàng chục nghìn quân. Ngay lập tức, Bắc Triều Tiên đe dọa đáp trả tương xứng về mặt quân sự.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên ngày 10/08/2022. © AFP - STR

Cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên Ryomyong lên án "các cuộc tập trận điên rồ sẽ diễn ra trên trời, dưới đất, dưới biển ở Hàn Quốc cho đến đầu tháng 9 là một lời khiêu khích quân sự nguy hiểm khiến tình hình trên bán đảo đã bất ổn lại càng căng thẳng hơn, để phát động một cuộc chiến xâm lược".

Theo Yonhap, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị cơ quan ngôn luận của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc Ryomyong chỉ trích với những lời lẽ thậm tệ, như "kẻ cuồng chiến hiếm hoi" "phải chịu trách nhiệm về việc tình hình thêm trầm trọng". Đối với Bình Nhưỡng, chính sách cứng rắn của ông Yoon, khác với người tiền nhiệm Moon Jae-in, "là thái độ ngu xuẩn của một kẻ phản quốc không chăm sóc đời sống người dân và chỉ tìm cách dùng vũ lực đè bẹp người anh em nhằm phục vụ ý đồ chinh phục thế giới của Hoa Kỳ".

Trang Ryomyong không che giấu đe dọa đáp trả "thái độ đáng thương khi đối đầu với một cường quốc nguyên tử như chúng ta" (Bắc Triều Tiên). Cụ thể, có thể sẽ là một vụ thử hạt nhân vào trước kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ để khẳng định năng lực nguyên tử, theo dự đoán của cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won với đài phát thanh KBS ngày 23/08. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên sẽ có nhiều hành động khiêu khích khác để phản đối cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi.

Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ và Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã hoàn tất các bước chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện vụ thử vào bất kỳ lúc nào. Nếu diễn ra, đó sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ bẩy của Bắc Triều Tiên.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 23/08/2022

*************************

Mỹ-Hàn phối hợp đáp trả áp lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Thu Hằng, RFI, 23/08/2022

5 năm được cho là hòa hoãn dưới thời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không mang lại tiến bộ như mong đợi về vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên mà ngược lại, Bình Nhưỡng tăng tốc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tân chính quyền Seoul bắt đầu điều chỉnh chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với Bình Nhưỡng : vẫn dùng công cụ kinh tế để trao đổi, nhưng đồng thời tỏ ra cứng rắn hơn về khả năng đáp trả quân sự.

myhan3

Quân đội Mỹ-Hàn trong cuộc tập trận chung (Ulchi Freedom Guardian) năm 2022.  AFP Jung Yoan-je

Đoạn tuyệt với chính sách hữu hảo của tổng thống Moon

Lời hứa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và nối lại các cuộc tập trận song phương được tân tổng thống Yoon Suk Yeol bắt đầu từ cuộc tập trận "Lá chắn Tự do Ulchi" (Ulchi Freedom Shield), kéo dài từ 22/08 đến 01/09/2022. Đây là điểm "đoạn tuyệt" với chính sách hữu hảo của người tiền nhiệm Moon Jae-in. Trong suốt nhiệm kỳ, ông Moon đã cho hủy hoặc thu nhỏ quy mô hai đợt tập trận thường niên, mùa Xuân và mùa Hè, của quân đội Hàn Quốc và Mỹ để tránh làm đảo lộn chính sách cởi mở và đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, chiến lược của tổng thống Moon, bị nhiều người chỉ trích là "dễ dãi", đã không đạt được kết quả. Thậm chí, Bình Nhưỡng như "được đằng chân lân đằng đầu" trong suốt 5 năm, khi tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và hơn 30 vụ thử tên lửa đạn đạo, trong đó có nhiều lần thử tên lửa liên lục địa, đặc biệt là vào tháng 03 với tên lửa Hwasong-17, được cho là có tầm bắn hơn 15.000 km.

Theo nhà nghiên cứu Go Myung-hyun, Viện Nghiên cứu Chính trị Asean tại Seoul khi trả lời thông tín viên RFI ngày 22/08, "trong suốt nhiệm kỳ, ông Moon Jae-in đã không tìm cách thích ứng với sự cải thiện kho vũ khí của Bình Nhưỡng". Kết quả là gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự tin khẳng định Bắc Triều Tiên "sẵn sàng triển khai" sức mạnh răn đe hạt nhân trong trường hợp đối đầu quân sự với Mỹ và Hàn Quốc.

Thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ trong chính sách phòng thủ

Trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Seoul tìm cách nâng cao khả năng "sẵn sàng đối phó với mọi tình huống", phần nào bị tác động từ quyết định ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Moon Jae-in.

Vẫn theo chuyên gia Go Myung-hyun, nối lại tập trận với Mỹ còn giúp Seoul xoa dịu đồng minh, đồng thời thể hiện lập trường chung của hai bên về "cách đáp trả mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Cả hai bên cho rằng phải chuẩn bị về mặt quân sự ở cấp độ cao, và để làm được việc này thì phải tổ chức các cuộc tập trận chung".

Seoul và Washington "nhất trí mở rộng quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận và huấn luyện chung" nhưng không nêu chi tiết. Giới chuyên gia thẩm định khoảng 28.500 quân nhân của hai bên tham gia, không quân, hải quân, đông đảo tầu chiến và xe tăng cũng sẽ được huy động. AFP cho rằng quyết định nối lại các cuộc tập trận cũng đánh dấu cho sự thất bại về mặt chính trị đối với Bình Nhưỡng

Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng trong 5 năm tới ?

Chính quyền Bình Nhương chưa chính thức lên tiếng nhưng để cơ quan tuyên truyền Ryomyong lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn là nhằm "phát động một cuộc chiến xâm lược", chỉ trích tổng thống Yoon Suk-yeol là "kẻ cuồng chiến hiếm hoi" và dọa Seoul phải trả giá vì "thái độ đáng thương khi đối đầu với một cường quốc nguyên tử như chúng ta" (Bắc Triều Tiên).

Về mặt kinh tế, kế hoạch xây dựng miền Bắc, được tổng thống Yoon Suk-yeol đề xuất để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa, bị Bình Nhưỡng đánh giá là "điên rồ". Chính quyền Seoul bị bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, coi là "có suy nghĩ thô thiển và ấu trĩ" vì Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ "đánh đổi hợp tác kinh tế lấy danh dự, vũ khí nguyên tử".

Trước thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng cũng như sự thay đổi trong lập trường về miền bắc của chính quyền Seoul, có thể thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ thêm căng thẳng trong 5 năm tới. Trước mắt, Bình Nhưỡng có rất nhiều cách để cảnh cáo cuộc tập trận Mỹ-Hàn, như tiến hành nhiều vụ thử tên lửa chiến lược mới nhằm "hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa siêu thanh", theo nhận định của chuyên gia Go Myung-hyun.

Nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 7 trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Một số khác cho rằng Bắc Kinh có thể can thiệp để vụ thử không diễn ra trước kỳ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Nhưng ông Go Myung Hyun tỏ ra nghi ngờ về khả năng trên, trước một Bắc Triều Tiên khó lường, thường không nghe lời Bắc Kinh dù bị phụ thuộc vào kinh tế. Seoul và Washington sẽ không ngồi yên nếu vụ thử xảy ra.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 23/08/2022

*******************************

Mỹ Hàn huy động hàng chục ngàn quân cho cuộc tập trận lớn nhất từ 5 năm qua

Chi Phương, RFI, 22/08/2022

Hôm 22/08/2022, quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trung lớn nhất từ 5 năm qua, một bước để thể hiện lập trường cứng rắn hơn của hai nước đồng minh này đối với Bắc Triều Tiên. Các cuộc tập trận chung mang tên Lá chắn Tự do Ulchi chắc chắn sẽ gây phản ứng phẫn nộ từ Bình Nhưỡng và khiến căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. 

myhan1

20 máy bay chiến đấu của lực lượng Không quân Hoa Kỳ và Hàn Quốc tập trận chung ở phía tây Hàn Quốc, ngày 07/06/2022.  AP

Theo nhật báo Mỹ The Washington Post, cuộc tập trận này có thể huy động đến hàng chục ngàn quân của Mỹ và Hàn Quốc, cũng như nhiều vũ khí và thiết bị quân sự, trong đó các phi cơ, tàu chiến và xe tăng. Washington và Seoul cho biết cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi là nhằm cải tiến khả năng của quân đội hai nước, cũng như tập dợt phối hợp với nhau trong trường hợp xảy ra xung đột. Nhưng chế độ Kim Jong-un vẫn xem các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là mang tính thù địch và vẫn lấy đó làm cớ để tiến hành thử tên lửa và thử hạt nhân.

Vào tuần trước, Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un đã lên án Seoul về các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, đồng thời bác bỏ đề nghị của tổng thống Yoon Suk Yeol hỗ trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên đổi lấy phi hạt nhân hóa. Sau đề nghị nói trên của tổng thống Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã bắn hai tên lửa hành trình.

Theo nhận định của Washington Post, việc mở lại cuộc tập trận quy mô lớn này phản án nỗ lực của chính phủ bảo thủ mới của Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn từ Bắc Triều Tiên, mà trong năm nay đã nhiều lần bắn thử tên lửa. 

Một số chuyên gia cảnh báo rằng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đang ngày càng bất ổn trong khu vực, trong bối cảnh Hoa Kỳ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Bắc Kinh gia tăng đe dọa Đài Loan.

Chi Phương

***********************

Ulchi 2022 : Mỹ - Hàn khởi động cuộc tập trận chung

Thanh Hà, RFI, 21/08/2022

Sau 4 năm bị gián đoạn, từ ngày 22/08 đến 01/09/2022, Hàn Quốc và Hoa Kỳ nối lại chiến dịch tập trận chung thường niên mang tên Ulchi Freedom Field với những bài tập giả định giúp Seoul đối phó trong trường hợp bị Bắc Triều Tiên tấn công. Bình Nhưỡng luôn coi các chương trình hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là những hành vi khiêu khích. 

myhan2

Đợt tập trận chung Ulchi Mỹ - Hàn gần đây nhất là vào năm 2017. Ảnh chụp ngày 29/08/2017, tại Yongin, Hàn Quốc. AP - Hong Gi-won

Nicolas Rocca, thông tín viên của đài RFI từ Seoul cho biết thêm về bối cảnh đặc biệt năm nay :

"Bắn tên lửa, huy động quân đội và một số lượng xe thiết giáp hùng hậu : chương trình diễn tập quân sự thường niên được khôi phục lại ở phía nam bán đảo Triều Tiên. Mang tên Ulchi Freedom Field, các cuộc tập trận lần này diễn ra từ ngày mai cho đến 01/09 và sẽ là sự kiện quân sự quân trọng nhất từ nhiều năm nay".

Chuyên gia về quốc phòng Triều Tiên, Daniel Pinkston, giảng dạy tại trường đại học Troy - Hoa Kỳ, phân tích :

"Trong 4 năm qua, chương trình đã bị hủy bỏ. Hồi năm 2018-2019 là vì lý do chính trị (Hàn Quốc muốn cải thiện bang giao với Bắc Triều Tiên). Thế rồi, trong hai năm liên tiếp 2020 và 2021, dịch Covid-19 ngăn cản đôi bên mở cuộc tập trận chung. Trong giai đoạn bị đứt quãng đó, Bắc Triều Tiên đã tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Trái lại, khả năng đáp trả quân sự của Seoul đã phần nào bị suy yếu. Cho nên, giờ đây chúng ta đang quay trở lại với chu kỳ bình thường như trước hồi năm 2018".

Đành rằng, những năm qua Hàn Quốc duy trì các chương trình tập dợt trên mạng, nhưng qua việc huy động binh lính trên thực địa lại là một chuyện khác và điều này có thể khiến Bình Nhưỡng tức giận. Chẳng vậy mà Bắc Triều Tiên ngày càng có những lời lẽ cứng rắn nhắm vào chính quyền bảo thủ tại Hàn Quốc.

Tổng thống Yoon Suk-yeol, trong cuộc tiếp xúc với nguyên thủ Mỹ Joe Biden hồi tháng 5/2022, đã nhấn mạnh đôi bên có nhu cầu tăng cường các cuộc tập trận để chuẩn bị đối phó với một kho vũ khí của Bắc Triều Tiên càng lúc càng hiện đại.

Câu hỏi còn lại là chế độ Bình Nhưỡng sẽ phản ứng tới mức nào. Không biết liệu Bắc Triều Tiên có tát nước theo mưa, nhân dịp này diễu võ dương oai với nước láng giềng hay không".

Báo Rodong Sinmun ca ngợi Kim Jong-un đưa Bắc Triều Tiên lên "đỉnh cao"

Một ngày trước khi diễn ra chiến dịch Ulchi Freedom Field của Mỹ - Hàn, tại Bình Nhưỡng cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Triều Tiên, báo Rodong Sinmum hôm 21/08/2022 khẳng định nhờ sự dẫn dắt "anh minh" trong suốt 10 năm của ông Kim Jong-un mà quốc gia này đã đạt đến "đỉnh cao", cả về kinh tế lẫn quân sự. Từ năm 2017, Bình Nhưỡng đã tuyên bố "đạt chỉ tiêu" về quân sự, phóng thành công tên lửa xuyên lục địa Hwasong-15.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Chi Phương, Thanh Hà
Published in Châu Á

Dồn dập thử tên lửa : Bình Nhưỡng mất kiên nhẫn ? (RFI, 05/08/2019)

Trong vòng chưa đầy 10 ngày, Bắc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí từ tên lửa tầm ngắn, đạn rốc-két đến vũ khí chiến thuật mới, dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un (ngày 25/07, 31/07 và 02/08/2019). Theo giới phân tích, đây là một lời nhắc nhở về những cam kết mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng là một lời cảnh báo đến Hàn Quốc.

myhan1

Tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/07/2019, truyền hình chiếu cảnh một tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên được bắn đi. Reuters/Kim Hong-Ji

Các vụ bắn thử tên lửa và vũ khí mới được tiến hành trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung khai diễn hôm nay. Với Bình Nhưỡng, những cuộc tập trận này là "những sáng kiến nguy hiểm và thù địch, đi ngược lại với những tiến triển hướng đến hòa bình đang diễn ra trên bán đảo".

Một mặt, Bình Nhưỡng muốn bắn đi một thông điệp đến Washington nhằm nhắc nhở rằng tại cuộc gặp thượng đỉnh Bàn Môn Điếm hôm 30/06/2019, tổng thống Mỹ đã tái khẳng định cam kết ngưng các "trò chơi chiến tranh". Một lời hứa mà Donald Trump từng đề cập đến tại thượng đỉnh Singapore.

Mặt khác, theo phân tích của giới chuyên gia được báo Le Monde (05/08/2019) trích dẫn, các vụ bắn thử tên lửa này còn nhắm vào Seoul, không chỉ trong vấn đề quân sự mà cả về kinh tế.

Việc quân đội Hàn Quốc trang bị thêm hai chiến đấu cơ tàng hình F-35 tối tân đã khiến Bắc Triều Tiên quan ngại, đánh giá là "cực kỳ nguy hiểm". Do vậy, việc bắn thử tên lửa theo nhiều quỹ đạo khác nhau dường như cho phép Bình Nhưỡng phá tan những nghi vấn về độ vững chắc của hệ thống phòng không Hàn Quốc.

Sự việc cũng cho thấy Bắc Triều Tiên tỏ ra "mất kiên nhẫn" và cảm thấy bị "hụt hẫng" trước tiến độ hợp tác kinh tế liên Triều. Kể từ khi căng thẳng trên bán đảo hạ nhiệt bắt đầu từ năm 2018, giao thương giữa hai miền chỉ giới hạn ở những hành động mang tính biểu tượng, như gặp gỡ giữa các vận động viên thể thao, tổ chức hòa nhạc hay một số dự án nhân đạo.

Nhà nghiên cứu Andrei Lankov, trường đại học Kookmin tại Seoul, nhận định trên báo Le Monde rằng "Bình Nhưỡng muốn tái khởi động lại khu công nghiệp phức hợp Kaesong và nhiều dự án kinh tế. Nói một cách khác, Bình Nhưỡng cần Seoul bơm một số vốn đầu tư đáng kể vào nền kinh tế nước này".

Dù hụt hẫng, mất kiên nhẫn, nhưng có một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng dường như cũng không dám đi quá đà "chọc tức Washington". Phản ứng trước các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, tổng thống Donald Trump cho rằng các cuộc thương lượng về phi hạt nhân hóa không bị ảnh hưởng gì, vì tên lửa bắn đi chỉ là "tầm ngắn". Ông nói : "Chúng tôi chưa bao giờ nói thảo luận về tên lửa này. Chúng tôi chỉ nói đến hạt nhân". Một lời an ủi, vỗ về chăng ?

Minh Anh

***************

Mỹ - Hàn tập trận bất chấp các vụ bắn tên lửa cảnh cáo của Bắc Triều Tiên (RFI, 05/08/2019)

Hôm 05/08/2019, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc tập trận chung mặc dù Bình Nhưỡng đã cảnh báo là các cuộc tập trận chung này có nguy cơ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều.

myhan2

Ảnh minh họa : Tàu sân bay USS John C. Stennis đến một cảng ở Busan, Hàn Quốc, ngày 13/03/2016, để tham gia cuộc tập trận chung thường niên Key Resolve. Reuters/Cho Jung-ho/Yonhap

Bất chấp một loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định : "Cuộc tập chung nhằm kiểm tra khả năng chỉ huy tác chiến (nếu xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên) đã được chuẩn bị". Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc không cho biết chi tiết về quy mô cuộc tập trận.

Hiệp ước an ninh Mỹ - Hàn quy định trong trường hợp xảy ra chiến sự, quyền chỉ huy quân đội chung sẽ do một tướng Mỹ nắm giữ. Đây chính là điều Hàn Quốc muốn đảo ngược từ bao lâu nay.

AFP trích dẫn các nhà phân tích cho rằng các hoạt động quân sự của cả hai bên có thể gây cản trở cho các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hiện đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hãng tin Pháp nhắc lại rằng sau cuộc gặp thượng đỉnh Singapore, tổng thống Trump đã có những thông báo gây sốc, cho biết ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mà Bình Nhưỡng đánh giá là mang tính "khiêu khích". Nhiều cuộc tập trận lớn như Ulchi Freedom Guardian đã bị tạm ngưng, một số cuộc tập trận khác như Foal Eagle và Key Resolve thì bị giảm bớt thời gian.

Minh Anh

*****************

Hàn Quốc dự kiến tập trận gần đảo có tranh chấp với Nhật Bản (RFI, 04/08/2019)

Hàn Quốc tỏ ra cứng rắn hơn trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của của Nhật Bản. Theo một số nguồn tin chính phủ và quân đội Hàn Quốc ngày 04/08/2019, Seoul dự tính tổ chức diễn tập phòng thủ trên không và xung quanh quần đảo Dokdo, mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền và gọi là Takeshima, ngay trong tháng 08/2019, trong bối cảnh căng thẳng với Tokyo ngày càng gia tăng.

myhan3

Ảnh tư liệu : Chiến hạm Hàn Quốc bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận gần đảo Dokdo/Takeshima ngày 20/06/2014. Reuters/South Korean Navy/Yonhap

Hàn Quốc tổ chức tập trận ở đảo Dokdo/Takeshima vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, huy động lực lượng hải quân, không quân và hải cảnh. Theo nhiều nguồn tin của Yonhap, Seoul đã quyết định hoãn cuộc tập trận để tránh ảnh hưởng đến quan hệ Nhật-Hàn chừng nào hai bên chưa giải quyết xong tranh chấp. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết "vì Nhật Bản tiếp tục làm tình hình thêm căng thẳng, nên không thể hoãn mãi kế hoạch".

Hàn Quốc cũng sẽ rút Nhật Bản khỏi danh sách trắng ưu đãi

Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo gia tăng thêm một bậc sau khi một tòa án Hàn Quốc buộc các tập đoàn Nhật Bản bồi thường cho những người Triều Tiên bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy của các tập đoàn này thời Thế Chiến Thứ Hai.

Để trả đũa, ngày 02/08, Tokyo thông qua kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng"gồm 27 nước đối tác được Nhật Bản ưu đãi về thương mại. Seoul đã kịch liệt phản đối quyết định trên, đồng thời thông báo kế hoạch rút Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" của Hàn Quốc.

Trong cuộc họp ngày 04/08, thủ tướng Hàn Quốc lên án "Nhật Bản tránh mọi đàm phán ngoại giao và vai trò hòa giải của Mỹ, thay vào đó là tấn công trực tiếp (Hàn Quốc) về mặt kinh tế".

Phát biểu trong một cuộc họp với đồng nhiệm năm nước tiểu vùng sông Mêkông ngày 04/08 tại Bangkok, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cảnh báo những biện pháp hạn chế thương mại của chính quyền Nhật Bản có thể sẽ là một "mối đe dọa nghiêm trọng" cho sự thịnh vượng của khu vực.

Thu Hằng

*****************

Bắc Triều Tiên dồn dập bắn tên lửa, Trump vẫn thản nhiên (RFI, 02/08/2019)

Các nguồn tin quân sự Hàn Quốc và Mỹ đồng loạt thông báo Bắc Triều Tiên lại cho bắn thử tên lửa vào sáng sớm ngày 02/08/2019. Đây là đợt thử nghiệm thứ ba trong chưa đầy 10 ngày. Phản ứng tức thời, tổng thống Mỹ tuyên bố, đối với ông, các vụ thử tên lửa tầm ngắn "không là một vấn đề".

tenlua1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở đường ranh giới tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque/File Photo

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ bắn tên lửa vào lúc 3 giờ sáng nay, giờ địa phương, từ bãi phóng Yonghung, tỉnh Nam Hamgyong, hướng ra biển Nhật Bản. Các tên lửa bay được khoảng 220 cây số ở độ cao 25 km. Nhưng theo các giới chức quân sự Hàn Quốc, nếu như đấy là loại tên lửa tầm ngắn, tốc bộ của chúng là "cao một cách bất thường".

Vẫn theo nguồn tin trên, loại vũ khí được bắn thử lần này rất giống với tên lửa được Bình Nhưỡng phóng đi cách nay hai ngày (31/07/2019). Trước đó, hôm 25/07/2019, Bắc Triều Tiên đã phóng hỏa tiễn, bay được khoảng gần 700 cây số trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Hãng tin AFP cho biết, phủ tổng thống Hàn Quốc không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên đang thử nghiệm "tên lửa đạn đạo tầm ngắn đời mới".

Trong phiên họp kín hôm qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng nhanh chóng "đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giải trừ hạt nhân một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược".

Lời kêu gọi này trái ngược hoàn toàn với phản ứng của Donald Trump. Sau vụ bắn tên lửa sáng nay của Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ tuyên bố : Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên "chưa bao giờ có thỏa thuận về tên lửa tầm ngắn". Do vậy, đó không phải "là một vấn đề" đối với Trump. Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm, bắn tên lửa tầm ngắn là "chuyện bình thường".

Thanh Hà

Published in Châu Á