Dồn dập thử tên lửa : Bình Nhưỡng mất kiên nhẫn ? (RFI, 05/08/2019)
Trong vòng chưa đầy 10 ngày, Bắc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí từ tên lửa tầm ngắn, đạn rốc-két đến vũ khí chiến thuật mới, dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un (ngày 25/07, 31/07 và 02/08/2019). Theo giới phân tích, đây là một lời nhắc nhở về những cam kết mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng là một lời cảnh báo đến Hàn Quốc.
Tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/07/2019, truyền hình chiếu cảnh một tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên được bắn đi. Reuters/Kim Hong-Ji
Các vụ bắn thử tên lửa và vũ khí mới được tiến hành trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung khai diễn hôm nay. Với Bình Nhưỡng, những cuộc tập trận này là "những sáng kiến nguy hiểm và thù địch, đi ngược lại với những tiến triển hướng đến hòa bình đang diễn ra trên bán đảo".
Một mặt, Bình Nhưỡng muốn bắn đi một thông điệp đến Washington nhằm nhắc nhở rằng tại cuộc gặp thượng đỉnh Bàn Môn Điếm hôm 30/06/2019, tổng thống Mỹ đã tái khẳng định cam kết ngưng các "trò chơi chiến tranh". Một lời hứa mà Donald Trump từng đề cập đến tại thượng đỉnh Singapore.
Mặt khác, theo phân tích của giới chuyên gia được báo Le Monde (05/08/2019) trích dẫn, các vụ bắn thử tên lửa này còn nhắm vào Seoul, không chỉ trong vấn đề quân sự mà cả về kinh tế.
Việc quân đội Hàn Quốc trang bị thêm hai chiến đấu cơ tàng hình F-35 tối tân đã khiến Bắc Triều Tiên quan ngại, đánh giá là "cực kỳ nguy hiểm". Do vậy, việc bắn thử tên lửa theo nhiều quỹ đạo khác nhau dường như cho phép Bình Nhưỡng phá tan những nghi vấn về độ vững chắc của hệ thống phòng không Hàn Quốc.
Sự việc cũng cho thấy Bắc Triều Tiên tỏ ra "mất kiên nhẫn" và cảm thấy bị "hụt hẫng" trước tiến độ hợp tác kinh tế liên Triều. Kể từ khi căng thẳng trên bán đảo hạ nhiệt bắt đầu từ năm 2018, giao thương giữa hai miền chỉ giới hạn ở những hành động mang tính biểu tượng, như gặp gỡ giữa các vận động viên thể thao, tổ chức hòa nhạc hay một số dự án nhân đạo.
Nhà nghiên cứu Andrei Lankov, trường đại học Kookmin tại Seoul, nhận định trên báo Le Monde rằng "Bình Nhưỡng muốn tái khởi động lại khu công nghiệp phức hợp Kaesong và nhiều dự án kinh tế. Nói một cách khác, Bình Nhưỡng cần Seoul bơm một số vốn đầu tư đáng kể vào nền kinh tế nước này".
Dù hụt hẫng, mất kiên nhẫn, nhưng có một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng dường như cũng không dám đi quá đà "chọc tức Washington". Phản ứng trước các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, tổng thống Donald Trump cho rằng các cuộc thương lượng về phi hạt nhân hóa không bị ảnh hưởng gì, vì tên lửa bắn đi chỉ là "tầm ngắn". Ông nói : "Chúng tôi chưa bao giờ nói thảo luận về tên lửa này. Chúng tôi chỉ nói đến hạt nhân". Một lời an ủi, vỗ về chăng ?
Minh Anh
***************
Mỹ - Hàn tập trận bất chấp các vụ bắn tên lửa cảnh cáo của Bắc Triều Tiên (RFI, 05/08/2019)
Hôm 05/08/2019, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc tập trận chung mặc dù Bình Nhưỡng đã cảnh báo là các cuộc tập trận chung này có nguy cơ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều.
Ảnh minh họa : Tàu sân bay USS John C. Stennis đến một cảng ở Busan, Hàn Quốc, ngày 13/03/2016, để tham gia cuộc tập trận chung thường niên Key Resolve. Reuters/Cho Jung-ho/Yonhap
Bất chấp một loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định : "Cuộc tập chung nhằm kiểm tra khả năng chỉ huy tác chiến (nếu xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên) đã được chuẩn bị". Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc không cho biết chi tiết về quy mô cuộc tập trận.
Hiệp ước an ninh Mỹ - Hàn quy định trong trường hợp xảy ra chiến sự, quyền chỉ huy quân đội chung sẽ do một tướng Mỹ nắm giữ. Đây chính là điều Hàn Quốc muốn đảo ngược từ bao lâu nay.
AFP trích dẫn các nhà phân tích cho rằng các hoạt động quân sự của cả hai bên có thể gây cản trở cho các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hiện đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hãng tin Pháp nhắc lại rằng sau cuộc gặp thượng đỉnh Singapore, tổng thống Trump đã có những thông báo gây sốc, cho biết ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mà Bình Nhưỡng đánh giá là mang tính "khiêu khích". Nhiều cuộc tập trận lớn như Ulchi Freedom Guardian đã bị tạm ngưng, một số cuộc tập trận khác như Foal Eagle và Key Resolve thì bị giảm bớt thời gian.
Minh Anh
*****************
Hàn Quốc dự kiến tập trận gần đảo có tranh chấp với Nhật Bản (RFI, 04/08/2019)
Hàn Quốc tỏ ra cứng rắn hơn trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của của Nhật Bản. Theo một số nguồn tin chính phủ và quân đội Hàn Quốc ngày 04/08/2019, Seoul dự tính tổ chức diễn tập phòng thủ trên không và xung quanh quần đảo Dokdo, mà Nhật Bản cũng đòi chủ quyền và gọi là Takeshima, ngay trong tháng 08/2019, trong bối cảnh căng thẳng với Tokyo ngày càng gia tăng.
Ảnh tư liệu : Chiến hạm Hàn Quốc bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận gần đảo Dokdo/Takeshima ngày 20/06/2014. Reuters/South Korean Navy/Yonhap
Hàn Quốc tổ chức tập trận ở đảo Dokdo/Takeshima vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, huy động lực lượng hải quân, không quân và hải cảnh. Theo nhiều nguồn tin của Yonhap, Seoul đã quyết định hoãn cuộc tập trận để tránh ảnh hưởng đến quan hệ Nhật-Hàn chừng nào hai bên chưa giải quyết xong tranh chấp. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết "vì Nhật Bản tiếp tục làm tình hình thêm căng thẳng, nên không thể hoãn mãi kế hoạch".
Hàn Quốc cũng sẽ rút Nhật Bản khỏi danh sách trắng ưu đãi
Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo gia tăng thêm một bậc sau khi một tòa án Hàn Quốc buộc các tập đoàn Nhật Bản bồi thường cho những người Triều Tiên bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy của các tập đoàn này thời Thế Chiến Thứ Hai.
Để trả đũa, ngày 02/08, Tokyo thông qua kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng"gồm 27 nước đối tác được Nhật Bản ưu đãi về thương mại. Seoul đã kịch liệt phản đối quyết định trên, đồng thời thông báo kế hoạch rút Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" của Hàn Quốc.
Trong cuộc họp ngày 04/08, thủ tướng Hàn Quốc lên án "Nhật Bản tránh mọi đàm phán ngoại giao và vai trò hòa giải của Mỹ, thay vào đó là tấn công trực tiếp (Hàn Quốc) về mặt kinh tế".
Phát biểu trong một cuộc họp với đồng nhiệm năm nước tiểu vùng sông Mêkông ngày 04/08 tại Bangkok, ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cảnh báo những biện pháp hạn chế thương mại của chính quyền Nhật Bản có thể sẽ là một "mối đe dọa nghiêm trọng" cho sự thịnh vượng của khu vực.
Thu Hằng
*****************
Bắc Triều Tiên dồn dập bắn tên lửa, Trump vẫn thản nhiên (RFI, 02/08/2019)
Các nguồn tin quân sự Hàn Quốc và Mỹ đồng loạt thông báo Bắc Triều Tiên lại cho bắn thử tên lửa vào sáng sớm ngày 02/08/2019. Đây là đợt thử nghiệm thứ ba trong chưa đầy 10 ngày. Phản ứng tức thời, tổng thống Mỹ tuyên bố, đối với ông, các vụ thử tên lửa tầm ngắn "không là một vấn đề".
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở đường ranh giới tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque/File Photo
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ bắn tên lửa vào lúc 3 giờ sáng nay, giờ địa phương, từ bãi phóng Yonghung, tỉnh Nam Hamgyong, hướng ra biển Nhật Bản. Các tên lửa bay được khoảng 220 cây số ở độ cao 25 km. Nhưng theo các giới chức quân sự Hàn Quốc, nếu như đấy là loại tên lửa tầm ngắn, tốc bộ của chúng là "cao một cách bất thường".
Vẫn theo nguồn tin trên, loại vũ khí được bắn thử lần này rất giống với tên lửa được Bình Nhưỡng phóng đi cách nay hai ngày (31/07/2019). Trước đó, hôm 25/07/2019, Bắc Triều Tiên đã phóng hỏa tiễn, bay được khoảng gần 700 cây số trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Hãng tin AFP cho biết, phủ tổng thống Hàn Quốc không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên đang thử nghiệm "tên lửa đạn đạo tầm ngắn đời mới".
Trong phiên họp kín hôm qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng nhanh chóng "đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giải trừ hạt nhân một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược".
Lời kêu gọi này trái ngược hoàn toàn với phản ứng của Donald Trump. Sau vụ bắn tên lửa sáng nay của Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ tuyên bố : Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên "chưa bao giờ có thỏa thuận về tên lửa tầm ngắn". Do vậy, đó không phải "là một vấn đề" đối với Trump. Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm, bắn tên lửa tầm ngắn là "chuyện bình thường".
Thanh Hà