Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN kết thúc ngày 13/05/2022 với cam kết nâng quan hệ từ "Đối tác Chiến lược" lên thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện" vào tháng 11, cùng với hàng loạt dự án hợp tác, đầu tư mới trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tổng thống Joe Biden vẫn không thuyết phục được khối ASEAN lên án hành động bành trướng, hăm dọa của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh kỷ niệm với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 12/05/2022 nhân thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. © Susan Walsh - AP
hủ trương của các nước ASEAN là không muốn bị kẹt giữa các cường quốc. Điều này được thể hiện phần nào trong lập trường của Việt Nam, được thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong buổi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ngày 12/05. Ông nói : "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng".
Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ song phương, có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh cả thế giới chú ý đến chiến tranh Nga ở Ukraine ? Tình hình ở Ukraine có gây hệ lụy cho khu vực Đông Nam Á không ? Liệu Mỹ có thể gia tăng sức ép để các nước ASEAN dần hạn chế mua vũ khí và dầu lửa của Nga theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây ?
RFI tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon (Ecole Normale supérieure de Lyon, ENS Lyon), về chủ đề này.
---------------------
RFI : Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 12-13/05/2022 có phải là cơ hội để Washington nhắc lại tầm quan trọng của ASEAN trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy of the United States) được công bố tháng 02/2022 và khu vực này không bị "quên" trong khi Mỹ đang cùng các đồng minh tập trung vào chiến tranh ở Ukraine ?
Laurent Gédéon : Đây là một sự kiện rất quan trọng bởi vì 5 điểm chính của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ là thúc đẩy một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thiết lập những mối quan hệ bên trong và bên ngoài vùng, tạo điều kiện cho sự thịnh vượng, tăng cường an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và tăng cường khả năng ứng phó của vùng trước những mối đe dọa xuyên quốc gia trong thế kỷ 21.
Đó là những mục tiêu đầy tham vọng, hoàn toàn nhất quán với chính sách được theo đuổi trước đây dưới thời chính quyền Obama và Trump. Mối bận tâm của Washington chính là một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và được tổng thống Joe Biden nhắc lại thường xuyên kể từ khi ông lên nắm quyền.
ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược này. Thực vậy, trong 10 điểm đánh dấu Kế hoạch Hành động của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Action Plan), điểm thứ 4 có tên "Strenthen an Empowred and Unified ASEAN", có nghĩa là củng cố một ASEAN tự chủ, đoàn kết, hoàn toàn dành cho vấn đề này. Điểm này công nhận tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động của ASEAN ở trong vùng. Ngoài ra, cũng có thể thấy việc tổng thống Joe Biden tham gia cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN qua hình thức trực tuyến vào tháng 10/2021 càng củng cố sự can dự của Mỹ, đặc biệt là cuộc họp đó lại diễn ra vào lúc những hoạt động trao đổi song phương hơi mờ nhạt dưới thời chính quyền Trump.
Vì thế, theo tôi, cuộc họp thượng đỉnh lần này không phải mang hiệu ứng thông báo mà cho thấy rõ mong muốn của Washington tập trung tái triển khai lực lượng và sự năng động chính trị sang châu Á, tiếp nối hoạt động đã được các chính quyền trước thực hiện, dù là dưới thời chính quyền Trump hay Obama.
RFI : Xin ông nhắc lại những sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và ASEAN ! Hoa Kỳ cũng đã mở rộng, tăng cường hợp tác sang nhiều lĩnh vực khác, đồng thời vẫn nhấn mạnh đến những cam kết về tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Mục đích của những sáng kiến này là gì ?
Laurent Gédéon : Thực ra, mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đã có từ lâu, từ năm 1977 và thực sự được tăng cường trong hai thập niên gần đây. Mối quan hệ đó được đánh dấu bằng nhiều thỏa thuận khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Ví dụ Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, trao đổi thương mại song phương đạt gần 300 tỉ đô la. Chúng ta cũng thấy là hai bên có nhiều thỏa thuận về kinh tế, ví dụ thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư được ký năm 2006 tại Kuala Lumpur, cũng như nhiều kiểu cam kết về kinh tế, năng lượng được ký vào tháng 11/2012. Ngoài ra, giữa Mỹ và ASEAN còn có mối quan hệ đối tác được mở rộng và bao trùm lên nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ dừng ở mặt quân sự. Rất nhiều kế hoạch hành động là kế hoạch 5 năm, ví dụ kế hoạch hành động hiện nay là cho giai đoạn 2021-2025.
Cuối cùng phải kể tới nhiều cơ chế hợp tác, như thỏa thuận hợp tác vì phát triển vùng được ký ngày 10/09/2020. Thỏa thuận này bao gồm cả vế chiến lược và quân sự, cho phép tăng cường sự cam kết và uy tín của Mỹ, cũng như củng cố các nguyên tắc đặt nền móng cho cam kết này, đặc biệt hơn cả là cam kết về tự do, nhất là tự do lưu thông hàng hải, mà tôi xin nhắc lại là có lợi cho hoạt động thương mại, kinh tế của Hoa Kỳ trên thế giới.
RFI : Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, tương tự với chuyến công du ba nước Đông Nam Á (Indonesia, Việt Nam, Thái Lan) trước đó của thủ tướng Nhật Bản Kishida, cũng nhằm thuyết phục các nước ASEAN lên án cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine. Liệu Washington sẽ gặp khó khăn hơn không khi mà gần đây chính quyền tổng thống Joe Biden không giấu mục tiêu ủng hộ Ukraine, cung cấp vũ khí hạng nặng cho nước này để làm suy yếu Nga ?
Laurent Gédéon : Lập trường của Mỹ về Ukraine và Nga rất rõ ràng. Chính quyền Joe Biden biết rằng các nước Đông Nam Á có ý kiến rất trái ngược nhau về chiến tranh ở Ukraine. Ví dụ, có những nước như Miến Điện công khai ủng hộ Nga, một số thì tương đối thân Nga như Việt Nam, một số thì tỏ ra trung lập như Indonesia, còn một số khác như Singapore thì có lập trường rất gần với Hoa Kỳ.
Điều chúng ta thấy, đó là chính quyền Mỹ có lẽ sẽ gây thêm sức ép với một số đối tác để những nước đó giữ thêm khoảng cách với Nga. Nhưng đây là việc rất phức tạp, bởi vì nhiều nước trong vùng bị tác động vì giá xăng dầu, khí đốt, ngũ cốc tăng do chiến tranh gây ra. Và về sâu xa, đa số các nước trong vùng tìm cách tránh bị mắc kẹt trong khả năng xảy ra một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, mối liên hệ với Nga là lợi thế để đa dạng và cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc.
Đúng là các nước ASEAN ngày càng khó giữ lập trường giữ cân bằng do sức ép ngày càng lớn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh muốn tiến gần đến các cơ chế liên minh như NATO hay Bộ Tứ - QUAD. Tôi nhắc đến NATO bởi vì ngoại trưởng Anh Liz Truss mới đây tuyên bố rằng NATO phải có một tầm nhìn toàn cầu và phải sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa thế giới. Bà cũng nói thêm là NATO phải dự đoán được những mối đe dọa ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và kết hợp với các đồng minh, như Nhật Bản, Úc cũng như với tất cả các nền dân chủ, như Đài Loan, để có thể phòng thủ. Ngoài những yếu tố trên, còn phải lưu ý thêm việc Washington cho biết là các nước thành viên ASEAN, nếu muốn, thì được mời tham vào nhóm Bộ Tứ - QUAD hiện có Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Như vậy, có thể thấy là phạm vi hành động của các nước Đông Nam Á đang bị thu hẹp và ngày càng khó cho những nước không muốn thể hiện rõ lập trường hoặc tránh bày tỏ. Tôi nghĩ rằng cuộc xung đột ở Ukraine là yếu tố tăng tốc. Nếu phải thể hiện lập trường đối với Nga, các nước Đông Nam Á cũng bị gián tiếp kéo vào việc phải làm tương tự với Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh là một trong những bên ủng hộ rõ ràng Matxcơva. Chúng ta chờ xem những tuần tới liệu Washington có gây thêm được sức ép lớn hơn đối với các nhà lãnh đạo ASEAN để giảm bớt mua vũ khí hay dầu lửa của Nga không.
Tôi muốn nói thêm rằng Việt Nam là một ví dụ rất rõ cho việc khó giữ cân bằng này. Dù có mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ nhưng hai nước lại có lợi ích trái ngược nhau. Cho đến giờ, Hà Nội vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc. Ngoài mối quan hệ gần gũi về chính trị có từ lâu với Nga, chính phủ Việt Nam không thể liên kết mà không gây ảnh hưởng đến chính an ninh quốc gia bởi vì hơn 80% thiết bị quân sự của Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga sản xuất.
RFI : Mỹ có thể làm gì khi một số nước nhất định không thay đổi quan điểm về vai trò của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine ?
Laurent Gédéon : Tôi nghĩ là Mỹ có một nguyên tắc thực tế địa-chính trị. Họ biết rằng, ví dụ trường hợp Việt Nam, việc từ bỏ hoàn toàn vũ khí Nga, hoặc nguồn cung cấp năng lượng đến từ Nga có lẽ sẽ rất phức tạp cho các nước trong khu vực. Do đó, theo tôi, Washington sẽ cố tìm một chính sách cân bằng, bằng cách duy trì sức ép để đẩy các nước ASEAN vào hướng hành động, lựa chọn chính trị nhưng Mỹ cũng sẽ chấp nhận rằng mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Nga không bị cắt đứt.
RFI : Nga khẳng định sự hiện diện tại hai thành phố Kherson, Mariupol của Ukraine bằng cách ủng hộ chính quyền địa phương thân Nga và thay đổi biển hiệu chỉ đường bằng tiếng Nga. Đây có phải là sự vi phạm chủ quyền của Ukraine trước sự bất lực của các bên liên quan ? Từ sự kiện này, có nên lo cho tình hình tương tự ở Biển Đông với việc Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ khu vực này ?
Laurent Gédéon : Theo tôi, có vài điểm khác nhau giữa hai trường hợp. Tại Ukraine, Nga đã tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng là Donetsk và Lugansk ngày 21/02/2022, có nghĩa là trước cuộc xung đột và trước khi Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine. Nhưng cho đến giờ, Matxcơva vẫn không nói đến việc sáp nhập hai vùng lãnh thổ ly khai này vào Liên bang Nga, như đã làm với bán đảo Crimée vào tháng 05/2014. Ngoài ra, điện Kremlin cũng không đưa ra bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với Ukraine bên ngoài Crimée. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh tên gọi ở Mariupol và Kherson sang tiếng Nga là sự vi phạm chủ quyền của Ukraine trong khi hai địa phương này không nằm trong phạm vi của hai nước Cộng hòa tự xưng.
Tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông tương đối khác. Với trường hợp Đài Loan, Trung Quốc đã triển khai một khuôn khổ pháp lý nhằm hợp pháp hóa trước các yêu sách lãnh thổ của họ. Rất nhiều văn bản đã được Quốc Hội Trung Quốc thông qua và ghi rõ các đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là thuộc về Trung Quốc, dĩ nhiên trong đó có Đài Loan. Văn bản nổi tiếng nhất chính là Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được ban hành ngày 25/02/1992. Văn bản đó ghi rõ là các quần đảo đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để củng cố cho yêu sách này, Bắc Kinh đã đặt tên bằng tiếng Trung cho các hòn đảo và rạn san hô để tăng cường tính hợp pháp và những tên này xuất hiện trên tất cả các bản đồ khu vực được in ở Trung Quốc.
Theo tôi, mối đe dọa chính ở đây không nằm ở khía cạnh tên gọi vì việc này chỉ mang tính biểu tượng và đơn phương mà chủ yếu liên quan đến hành động của quân đội Trung Quốc trên thực địa. Quân đội Trung Quốc có khả năng tìm cách dùng vũ lực để chiếm các vùng lãnh thổ đó bằng việc tận dụng một hiệu ứng bất ngờ hoặc một thời cơ địa-chính trị bỏ ngỏ. Vì thế, Trung Quốc theo dõi rất sát tình hình ở Ukraine và tiến triển chiến dịch của Nga bởi vì chiến dịch này sẽ mở ra hoặc ngược lại, sẽ hạn chế những triển vọng cho bất kỳ hành động nào của Trung Quốc trong khu vực, hoặc đối với Biển Đông, hoặc đối với Đài Loan.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 16/05/2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã tuyên bố "cam kết tiếp tục hợp tác" với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm "đẩy lùi" đại dịch virus Corona và "xây dựng một tương lai tươi sáng cho khu vực".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng coi các thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam, là "đối tác chiến lược lâu dài khi chúng ta ứng phó với đại dịch Covid-19 và lên kế hoạch phục hồi kinh tế".
"Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ một cách hào phóng cho các quốc gia ASEAN để giúp các quốc gia này ứng phó với đại dịch Covid-19. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước thực hiện việc chia sẻ thông tin đầy đủ và minh bạch. Sự minh bạch giúp chúng ta cứu được nhiều mạng sống ; sự kiểm soát thông tin khiến nhiều mạng sống bị đe dọa", ông Pompeo nói trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN cuối tháng trước.
Nhân dịp này, quan chức ngoại giao Mỹ cũng thông báo "Sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ - ASEAN" nhằm "tăng cường nỗ lực trong lĩnh vực an ninh y tế thông qua nghiên cứu, y tế cộng đồng và đào tạo thế hệ cán bộ y tế kế tiếp tại ASEAN".
Theo sáng kiến này, Hoa Kỳ và ASEAN sẽ tăng cường nghiên cứu, thử nghiệm y tế cũng như tăng cường năng lực hệ thống y tế và phát triển nguồn lực về y tế.
Cho tới nay, theo ông Pompeo, Hoa Kỳ đã chi hơn 35,3 triệu đôla cho các khoản tài trợ y tế khẩn cấp để giúp các nước ASEAN ứng phó với virus Corona, nối tiếp các khoản tài trợ cho y tế cộng đồng với tổng giá trị 3,5 tỷ đôla dành cho toàn ASEAN trong hai mươi năm qua.
Ngoại trưởng Mỹ cũng ngỏ lời "cám ơn" các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, vì "sự hỗ trợ quý giá" trong việc "đẩy mạnh cung cấp các thiết bị y tế quan trọng cho Hoa Kỳ cũng như hỗ trợ các chuyến bay hồi hương công dân Mỹ".
Ông Pompeo cũng cho biết Hoa Kỳ "cam kết sử dụng tất cả các công cụ có được để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra và khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu".
"Với ASEAN, chúng tôi bắt đầu từ một nền tảng vững chắc với thương mại hai chiều năm 2019 đạt 294 tỷ đôla và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ tại các nước ASEAN trị giá 273 tỷ đôla. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đang đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực. Cơ chế Một cửa ASEAN do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đang tạo điều kiện cho thương mại không tiếp xúc ngày càng phát triển trên toàn khu vực ASEAN..." ông Pompeo nói.
"Chúng tôi giữ vững cam kết duy trì các khoản đầu tư dài hạn dành cho hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển kinh tế và phát triển năng lực con người thông qua các chương trình hợp tác song phương của USAID với các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam".
Ông Pompeo cũng lên tiếng cảnh báo rằng kể cả khi Hoa Kỳ và ASEAN ứng phó với đại dịch, các bên "vẫn cần nhớ rằng những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung", như vấn đề Biển Đông và sông Mekong, "chưa hề biến mất".
2020 là năm Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cũng là năm đánh đấu 25 năm ngày Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ.
Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam 9,5 triệu đôla để phòng chống virus Corona. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam tuyên bố "hỗ trợ Hoa Kỳ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam" và "trao tặng 50.000 khẩu trang y tế tới Văn phòng Nhà Trắng".