Boeing vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng 737 Max (RFI, 25/12/2019)
Hôm 24/12/2019, một trợ lý của Ủy ban Giao thông Quốc hội Hoa Kỳ cho hãng tin AFP biết là tối thứ Hai vừa qua hãng Boeing đã tự trao ủy ban này những tài liệu mới, với nội dung đáng quan ngại về cách thức mà tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ xử lý vấn đề an toàn của máy bay 737 MAX.
Boeing 737 MAX trên bãi đỗ khu nhà chế tạo máy bay tại Renton, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/03/2019 Reuters/Lindsey Wasson/File Photo
Những tài liệu nói trên được gởi đi ngay sau khi giám đốc điều hành của Boeing Dennis Muilenburg thông báo từ chức ngay lập tức vì bị chỉ trích nặng nề về cách xử lý khủng hoảng 737 MAX. Tuy nhiên, chưa biết là hai sự kiện nói trên có liên quan gì đến nhau hay không.
Viên trợ lý của Ủy ban Giao thông Quốc hội cũng không nói rõ nội dung những tài liệu này là nói về tình hình của Boeing trước hay sau các vụ tai nạn của hai hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines, xảy ra vào tháng 10/2018 và tháng 03/2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Cả hai chiếc máy bay bị rơi đều là Boeing 737 MAX.
Nhiều cuộc điều tra cho nhà chức trách Indonesia tiến hành về tai nạn của Lion Air ở Indonesia, cũng như của nhà chức trách Ethiopia sau tai nạn của Ethiopian Airlines đã cho thấy nguyên nhân hai tai nạn này chủ yếu là do một phần mềm của máy bay 737 MAX, cụ thể là Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS). Các cuộc điều tra của Indonesia và Ethiopia cũng làm nỗi rõ những sai phạm khác của Boeing.
Còn tại Hoa Kỳ, điều tra của các ủy ban Quốc hội đã cho thấy có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Cục Hàng không Liên bang với Boeing, cơ quan liên bang này đã giao cho hãng sản xuất máy bay tự tiến hành nhiều khâu trong quy trình cấp phép an toàn cho máy bay Boeing 737 MAX.
Thanh Phương
******************
Phóng viên Nga mất việc sau khi dám hỏi Putin một câu (BBC, 25/12/2019)
Hiện chưa rõ lý do tại sao Alisa Yarovskaya lại mất việc tại một kênh truyền hình địa phương ở khu vực Yamal sau khi đặt một câu hỏi trong cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Putin.
Alisa Yarovskaya lấy chiếc microphone để đặt câu hỏi cho ông Putin (tiếng Anh)
Một số tin cho biết, giới chức ở khu vực Yamal, Bắc Cực, nằm ở phía tây bắc Siberia không hài lòng với câu hỏi của cô.
Tuy nhiên, Yarovskaya nói rằng cô đã nộp đơn từ chức.
Nhưng câu chuyện này cho thấy thách thức mà các nhà báo Nga gặp phải khi truy vấn giới lãnh đạo.
Nữ phóng viên đã hỏi gì ?
Khi cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/12 đã kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, chiếc micro được chuyển đến tay các nhà báo đến từ vùng Yamal.
Alisa Yarovskaya cầm chiếc micro, mặc dù nó rõ ràng là dành cho một nhà báo khác được người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov chọn.
Cô bắt đầu bằng cách nhấn mạnh vào vấn đề sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến khu vực Yamal, khiến tuyến đường biển ở Bắc Cực đang tan chảy.
Cơ sở hạ tầng địa phương, bao gồm cả tuyến đường sắt, đang được xây dựng.
Tuy nhiên, cô nói rằng việc xây dựng một cây cầu bắc qua sông Ob đang bị đình trệ. Cây cầu này kết nối hai thành phố địa phương, Salekhard và Labytnangi.
"Thống đốc của chúng tôi, Dmitry Artkyukhov, không có chút nỗ lực nào để biến điều này thành hiện thực", Yarovskaya nói. "Tuy vậy, những vấn đề này ít được thảo luận và ngày càng ít hơn ở cấp liên bang. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể nhờ đến sự can thiệp 'trọng pháo' của liên bang hay không ?"
Họp báo thường niên thứ 15 của ông Putin kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ
Ông Putin nói, chính phủ liên bang không thể tùy ý chọn lựa một dự án cụ thể , nhưng ông nói, cây cầu Ob là một "kết nối chính" với cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực, vì việc mở các cảng Bắc Cực là một sáng kiến quan trọng phải được đồng bộ hóa với tăng trưởng vận chuyển hàng hóa.
Chính phủ đã nhận thức được vấn đề và sẽ quan tâm hơn, ông nói thêm.
Tại sao Yarovskaya mất việc ?
Theo trang Ura.ru, các quan chức cấp cao ở quận Yamal-Nenets không hài lòng với câu hỏi của Yarovskaya và kênh truyền hình đã không hài lòng khi cô đã lấy chiếc micro khỏi tay một đồng nghiệp.
Tuy nhiên, trang này cũng chỉ ra rằng, chính quyền địa phương sở hữu kênh truyền hình mà cô đang làm việc. Ura.ru dẫn lời một nguồn tin chính phủ nói rằng, thống đốc không đánh giá cao hành động này và một câu hỏi khác về tuyến đường ray đã được đồng ý trước để được hỏi.
Cuộc họp báo luôn là một cuộc tranh giành của các nhà báo để được đặt câu hỏi, như Steve Rosenberg của BBC đã đặt câu hỏi về việc Thủ tướng Anh gọi ông Putin với nhân vật yêu tinh (Dobby) trong Harry Potter.
"Boris Johnson so sánh ông với Dobby", nhà báo BBC Steve Rosenberg hỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin (tiếng Anh)
Tuy nhiên, Yarovskaya nói với một số báo chí Nga rằng, cô đã nộp đơn từ chức thay vì bị sa thải, nhưng không nói liệu nó có liên quan đến câu hỏi của cô không.
Một bản tin cho rằng vụ việc có thể liên quan đến một bài đăng trên Facebook, trong đó Yarovskaya bình luận về một tấm hình của ông Putin.
"Tôi không thấy botox [một hợp chất tác động đến cơ mặt để làm giảm nếp nhăn] hoặc chất làm đầy. Ông ta trông đúng với độ tuổi của ông ta", bình luận của Yarovskaya.
Bình luận này không thể được xác minh vì bài đăng đã bị xóa.
Người phát ngôn của ông Putin hôm thứ Ba nói không rõ lý do cô ra đi là gì và liệu cô đã bị từ chức hay bị sa thải, theo trang web của tờ Izvestia đưa tin.
Tuy nhiên, sa thải là thẩm quyền của biên tập viên kênh truyền hình.
Quân đội Phillipines đóng trên đảo Thị Tứ (Thitu/Pag Asa) mà Việt Nam đòi chủ quyền. Ảnh chụp ngày 21/04/2017. Reuters/Erik De Castro
Ngày 04/04/2019, chính quyền Manila buộc phải lên tiếng phản đối, thậm chí tổng thống Duterte đe dọa "tử chiến", sau khi bộ Ngoại giao nước này thông báo chỉ trong ba tháng đầu năm, có đến 275 tầu Trung Quốc lượn lờ quanh đảo Thị Tứ (Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, nhưng Philippines đang kiểm soát và gọi là Pag Asa). Đại sứ Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) của Trung Quốc tại Manila khẳng định đó chỉ là tầu đánh cá và không có vũ khí.
"Đây là sự kiện chẳng tốt đẹp gì cho các nước trong vùng, như Philippines", hiện đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, theo đánh giá của giáo sư kinh tế Panos Mourdoukoutas, trường đại học LIU Post ở New York và đại học Colombia, trong bài viết "Philippines đang bắt đầu trả giá cho chính sách quay ngoắt về Biển Đông của Duterte" trên trang Forbes (06/04).
Ngoài ra, sự căng thẳng trong khu vực sẽ tác động đến hoạt động kinh tế của vùng trong tương lai vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dè chừng trước những rủi ro địa-chính trị.
Chính quyền Duterte nhu nhược để Trung Quốc vi phạm chủ quyền
Trung Quốc coi Biển Đông là "ao nhà" và sẵn sàng làm mọi việc để đòi quyền kiểm soát từng hòn đảo/đá, dù là tự nhiên hay bồi đắp. Sau khi chiếm đóng và xây dựng các căn cứ quân sự với đường bay, hệ thống radar và nhiều cơ sở khác trên các đảo có tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông, ngày 21/01/2019, Bắc Kinh thông báo khai trương một trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), mà cả Việt Nam và Philippines đều khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên, thay vì phản đối hành động của Trung Quốc, phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, lại nực cười tuyên bố rằng "chúng ta nên biết ơn Trung Quốc đã lập cơ sở đó vì có thể hỗ trợ ngư dân Philippines gặp nạn".
Ngư dân Philippines lại là nạn nhân thường xuyên trong các vụ uy hiếp do chính lực lượng tuần duyên Trung Quốc tiến hành, theo thông báo mới đây của đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
Để bảo vệ ngư dân Philippines, dựa vào lời chứng và nhân danh họ, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu thanh tra viên Conchita Carpio-Morales đã kiện đích danh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì "các tội ác chống nhân loại" như làm mất nguồn sống của ngư dân Philippines do tiến hành xây dựng ồ ạt ở Biển Đông nhằm phục vụ "kế hoạch chiếm khu vực này một cách có hệ thống".
Thế nhưng, nhà báo Val Abelgas, trong mục "Ý kiến" trên trang Manila Standard (06/04), lại chua chát nhận thấy chính quyền của tổng thống Duterte đã không công nhận đơn kiện của hai cựu quan chức trên và khẳng định Tòa án Hình sự Quốc tế không có quyền tài phán vì Philippines chính thức rút khỏi định chế này từ ngày 17/03/2019. Đồng thời, Manila tiếp tục trấn an Bắc Kinh rằng quan hệ song phương vẫn tiếp tục nồng ấm bất chấp đơn kiện trên.
Đáp lại thịnh tình của Philippines, Trung Quốc lại "cử" nhiều đội tầu, được báo chí miêu tả như một lực lượng dân quân biển, đến vây quanh đảo Pag Asa (tên gọi Philippines của đảo Thị Tứ/Thitu), nơi chỉ có khoảng 100 cư dân, chủ yếu làm nghề đánh cá.
Tác giả Val Abelgas lên án chính quyền Manila đã nhiều lần nói dối về việc phản đối những hành động khiêu khích và vi phạm chủ quyền mà Trung Quốc vẫn thường xuyên làm. Một ví dụ được ông đơn cử là phát biểu của cựu ngoại trưởng Alan Peter Cayetano, theo đó bộ Ngoại giao Philippines đã trao "hàng chục, khoảng 50, thậm chí là hàng trăm công hàm phản đối" đến Trung Quốc, nhưng lại chưa từng công bố bản nào trong số đó.
Sau vụ 275 tầu Trung Quốc bủa vây đảo Thị Tứ, ngoại trưởng hiện nay, Toedorro Locsin, cũng khẳng định đã gửi "hàng loạt bản ghi chú ngoại giao" đến chính phủ Trung Quốc. Như người tiền nhiệm, ông lại "nuốt" lời sau khi hứa chắc như đinh đóng cột sẽ công bố một bản sao.
Thực ra con số 275 tầu Trung Quốc cũng được chính ngoại trưởng Philippines giảm bớt so với con số 600 tầu mà quân đội nước này đưa ra trước đó và theo ông, có thể những con tầu trên chỉ đơn thuần tuần tra khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên hành động vì không thể bị trừng phạt ?
Đưa tầu vây Thị Tứ mới chỉ là một trong những bước đầu, chậm mà chắc, của Trung Quốc để chiếm hòn đảo này, theo nhà báo Val Abelgas. Không hề nói quá khi cho rằng Trung Quốc không nhìn Thị Tứ như một hòn đảo nhỏ mà sẽ là một đảo lớn và sinh sống được ở trên đó. Việc đội tầu Trung Quốc xuất hiện ở Thị Tứ như muốn nhắn rõ cho quân đội Philippines hãy lùi bước trong khi lực lượng này đang sửa chữa các căn cứ quân sự trên đảo.
Đây là một chiến lược hăm dọa đơn giản : "cắt đứt giao thông hàng hải Philippinnes ở gần đảo Thị Tứ", theo nhận xét của ông Alexander Neill, một thành viên cấp cao của Đối thoại Shangri-La vì an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương. Hành động khiêu khích, hung hăng của Trung Quốc quanh khu vực đảo Thị Tứ xuất phát từ "sự bất lực của lực lượng Philippines trong việc đối phó với chiến lược thăm dò mà Trung Quốc tiến hành".
Về mặt chính trị, tổng thống Duterte lại niềm nở với Trung Quốc và sẵn sàng bác bỏ mối đe dọa từ Trung Quốc đối với lãnh thổ Philippines. Thế nhưng, phải chăng do quá tin Bắc Kinh hoặc cố tình không tin mà ông Duterte không hiểu rằng lực lượng dân quân biển là "tai mắt" của quân đội Trung Quốc ? Vẫn theo chuyên gia Neill, việc đưa tầu đến đảo Thị Tứ "cũng là một lời cảnh cáo rằng Trung Quốc có thể chiếm hòn đảo một cách dễ dàng nếu họ muốn".
Nhà báo Val Abelgas nêu một ví dụ khác về việc tầu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của Philippines. Một con tầu nạo vét của Trung Quốc bỗng xuất hiện gần thành phố biển Lobo ở tỉnh Batangas và dường như không được cấp phép trước. Sự xuất hiện của con tầu này làm hé lộ một dự án nạo vét cát trên sông Lobo của một công ty tư nhân để xây một đường băng cho sân bay quốc tế Hồng Kông. Tuy nhiên, phát hiện này lại làm dấy lên nghi vấn : Phải chăng cát khai thác sẽ được Trung Quốc dùng vào việc chiếm đóng nhiều đảo hơn ở Biển Đông ?
Tác giả bài viết tỏ ra bất bình về những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, cũng như của những công ty tư nhân nước này, mà không bị trừng phạt. Trường hợp tầu hút cát Trung Quốc xuất hiện trong lãnh hải của Philippines chỉ là một bằng chứng mới cho thấy họ đang vi phạm luật pháp và chủ quyền của Philippines. Ngoài ra, chính quyền Duterte còn tránh nhắc đến việc doanh nghiệp Trung Quốc đưa lao động bất hợp pháp vào Philippines, gây ảnh hưởng đến việc làm của người dân địa phương.
Bị thuyết phục về những lời hứa "hòa bình và đối tác vì thịnh vượng", tổng thống Duterte đã bỏ Washington, quay sang bắt tay Bắc Kinh và liên tục tuyên bố Trung Quốc là một người bạn của Philippines. Nhưng liệu có nên chơi với người bạn thường xuyên xâm phạm lãnh thổ, hăm dọa ngư dân và nhăm nhe chiếm từng tấc đất ?
Theo giáo sư kinh tế người Mỹ Panos Mourdoukoutas, "vấn đề ở chỗ, Manila không có chính sách rõ ràng và chặt chẽ để đối phó với chiến lược xâm lấn của Trung Quốc. Điều này được chứng tỏ qua việc nhiều lần chính quyền Duterte thay đổi chính sách. Tại sao ? Có thể là do sợ chiến tranh hoặc vì kêu gọi tiền của Trung Quốc để đầu tư vào các công trình hạ tầng đầy tham vọng".
(Tổng hợp từ Forbes, Manila Standar)
*******************
Biển Đông : Manila đón tàu chiến Nga, tập trận cùng Mỹ và dọa 'cảm tử' với Trung Quốc (BBC, 08/04/2019)
Hai tàu khu trục cùng một tàu dầu cùng thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa cập cảng Philippines hôm thứ Hai 8/4 trong "chuyến thăm thiện chí".
Tàu Admiral Tributs của Hải quân Nga cập cảng Manila hôm 8/4/2019
Tin về chuyến thăm kéo dài năm ngày của các tàu Hải quân Nga đã được hãng thông tấn Philippine News Agency công bố hồi tuần trước, trong bố cảnh căng thẳng leo thang giữa Manila và Bắc Kinh quanh tranh chấp ở Biển Đông.
Hải quân Nga vào khu vực
Các tàu khu trục Admiral Tributs và Vinogradov được Hải quân Nga xếp vào nhóm "các tàu lớn, chống tàu ngầm", còn tàu Irkut được xếp hạng là "tàu dầu đi biển cỡ lớn".
Tuy nhiên, việc tàu Nga ghé Manila dường như không khiến Bắc Kinh lo lắng.
Theo kế hoạch, nhóm ba tàu này sẽ ghé thăm một số nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, và tham dự cuộc diễn tập Hải quân chung trên biển Joint Sea 2019 với Trung Quốc, vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, hãng tin Tass của Nga tường thuật.
Trước đó, một chỉ huy Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad, nói rằng việc hợp tác với Nga được trông đợi sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, và hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác Hải quân vào tháng Bảy này.
Đây là lần thứ hai các tàu Nga cập cảng Philippines trong năm nay, và là lần thứ sáu kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, 6/2016.
Hồi đầu tháng Giêng, ba tàu Hải quân khác của Nga đã đậu tại Manila trong chuyến thăm nhằm "tăng cường hơn nữa và duy trì dài lâu việc giữ hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải".
Chuyến thăm của ba tàu Nga diễn ra đúng lúc Philippines cùng Hoa Kỳ đang có cuộc tập trận chung thường niên, Balikatan, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 12/4.
'Hoa Kỳ là đồng minh quân sự duy nhất'
Tuy đón tiếp tàu Nga và có kế hoạch ký kết thỏa thuận hợp tác Hải quân với Moscow, nhưng Manila coi Hoa Kỳ là "đồng minh quân sự duy nhất" của mình, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr viết trên Twitter hôm Chủ Nhật 7/4.
"Chúng tôi không cần bất kỳ ai khác", ông Locsin viết.
Tuy nhiên, ông Locsin cũng đề cao Nga trong vai trò đồng minh.
"Đồng minh về mặt tự nhiên gồm có Mỹ ở Thái Bình Dương và Nga ở phía sau Trung Quốc. Với Trung Quốc thì khôn ngoan nhất là tình hữu nghị : không bao giờ là đồng minh quân sự. Logic về cân bằng quyền lực", ông viết trên Twitter hôm 8/4, sau khi tái khẳng định Hoa Kỳ là đồng minh quân sự duy nhất.
Nhận xét của ông Locsin được đưa ra trong lúc Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Philippines dưới thời Tổng thống Duterte.
Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước Phòng thủ Chung (MDT) từ gần 70 năm trước, theo đó hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu một bên bị bên thứ ba tấn công có vũ trang.
Trong một cuộc họp báo chung giữa ngoại trưởng hai nước, diễn ra tại Manila hồi tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói rằng nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo MDT là "thực sự tồn tại".
"Vì Biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế của Biển Đông) là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ tấn công có vũ trang nào vào các lực lượng của Philippines, hay máy bay, tàu bè, cũng đều làm phát sinh các nghĩa vụ phòng thủ theo Điều 4 của MDT", ông Pompeo được Philippine Star dẫn lời nói.
Mỹ và Philippines tiến hành tập trận chung Balikatan hàng năm. Trong hình là cuộc tập trận 5/2018 tại tỉnh Casiguran của Philippines
'Sẵn sàng cảm tử'
Tổng thống Duterte của Philippines vốn bị coi là đã xếp lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra hồi 7/2016 về tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh trên Biển Đông, để theo đuổi những khoản viện trợ kinh tế, đầu tư và mở rộng thương mại từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, mới đây, ông đã cảnh cáo rằng Trung Quốc cần lui khỏi một hòn đảo có tranh chấp và đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu Bắc Kinh "đụng" đến đảo này.
Đảo Thị Tứ thuộc Quần đảo Trường Sa hiện do Philippines quản lý, là nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan
Ông Duterte ra lời cảnh cáo hôm thứ Năm tuần trước sau sự kiện hàng trăm tàu tuần tra và tàu cá Trung Quốc "tràn vào" khu vực quanh đảo Thị Tứ, nơi Manila gọi là đảo Pag-asa, vốn do Philipines kiểm soát.
"Hãy buông Pag-asa ra, bởi tôi có binh lính ở đó", ông Duterte được hãng tin AFP trích lời. "Nếu quý vị đụng đến nó, thì câu chuyện sẽ khác. Khi đó tôi sẽ nói lính của tôi 'chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cảm tử'", ông nói thêm.
Hiếm khi ông Duterte lên tiếng mạnh mẽ tới vậy để phản đối Bắc Kinh.
Ông từng lặp đi lặp lại rằng chiến tranh với Trung Quốc là chuyện phù phiếm, không hiệu quả, và Philippines sẽ thua, sẽ tổn thất nặng nề.
Việc tàu Trung Quốc hiện diện dày đặc ở đảo Thị Tứ khiến Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói rằng đó là sự xâm phạm "bất hợp pháp" đối với chủ quyền Philippines.
****************
Tàu chiến Nga đến Manila giữa lúc có tập trận chung giữa Mỹ và Philippines (RFA, 08/04/2019)
3 tàu chiến của Hải quân Nga đã đến cảng Manila, Philippines, hôm 8 tháng 4 bắt đầu chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày, vào giữa lúc Philippines và Hoa Kỳ đang có tập trậ chung mang tên Balikatan. Hãng tin Philippine loan tin này hôm 8/4.
Ban nhạc Hải quân Philippines chào đón tàu chiến Nga đang chuẩn bị cập cảng quốc tế Manila ngày 8 tháng 4, 2019 - AFP
Đây là chuyến thăm hữu nghị lần thứ hai của tàu chiến Hải quân nga tới Philipinnes trong năm 2019 kể từ chuyến thăm lần thứ nhất diễn ra vào tháng 1 vừa qua.
Thuyền trưởng Hải quân Philippines Constancio Reyes Jr. nói với báo chí rằng chuyến thăm của đối tác Hải quân Nga nhấn mạnh nỗ lực liên tục nhằm thắt chặt hươn nữa mối quan hệ giữa chính phủ và hai quân hai nước. Điều này sẽ giúp cải thiện hơn nữa và duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển.
Chuyến thăm bao gồm tàu chống ngầm mang tên Đô đốc Tributs và Vinogradov, cùng tàu Irkut.
Trong khi đó, cuộc tập trận chung giữa Philippines và Mỹ mang tên Balikatan đâng diễn ra và dự định kết thúc vào ngày 12/4 tới.
Cuộc tập trận bao gồm 7.500 quân với sự tham gia của các máy bay chiến đấu F-35B, luyện tập bắn đạn thật và các hoạt động cả trên biển và đất liền.
Mới đây, chính phủ Philippines lên tiếng cáo buộc các tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của nước này khi đi gần vào khu vực đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.
Tổng thống Philipines hôm 4/4 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được chạm vào Thị Tứ, nếu không ông sẽ gửi quân cảm tử đến để bảo vệ đảo.
********************
Tàu chiến Nga thăm cảng Philippines (RFI, 08/04/2019)
Vào lúc Mỹ và Philippines đang tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên, tàu chiến Nga ghé thăm cảng Manila ngày 08/04/2019.
Chuẩn đô đốc Nga Eduard Mikhailov (P) và thiếu tướng Hải quân Philippines Francisco Gabidao, bên cạnh tầu khu trục chống ngầm Đô Đốc Tributs, cập cảng Philippines. Ảnh chụp ngày 03/01/2017. Reuters
Theo hãng tin Rappler, ba tàu chiến Nga gồm 2 tàu khu trục chống tàu ngầm mang tên Đô đốc Tributs và Vinogradov cùng một chiếc tàu chở dầu Irkit đã cập cảng Philippines ngày 08/04. Hạm đội Thái Bình Dương Nga bắt đầu chuyến thăm hữu nghị trong 5 ngày.
Đây là lần thứ nhì kể từ đầu năm 2019, Hải quân Nga thăm hữu nghị Philippines. Hãng tin Rappler lưu ý, các chuyến viếng thăm hữu nghị nói trên nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác mà Hải quân hai nước đã ký kết với nhau vài tháng trước đây.
Đáng chú ý là Hải quân Philippines đón tàu Nga đúng vào lúc đang diễn tập với Mỹ trong khuôn khổ các cuộc tập trận hàng năm mang tên Balikatan.
Năm 2019, chương trình diễn tập mở ra từ ngày 01 đến 12/04, huy động hơn 7.500 lính, chiến đấu cơ F-35B, tàu lội nước... Hoa Kỳ và Philippines còn có chương trình tập trận bằng đạn thật.
Thanh Hà