Sau cơ bắp, Mỹ-Trung "nắn gân" nhau qua đối thoại (RFI, 09/11/2018)
Trong bối cảnh tấn công ngoại giao chống Bắc Kinh, chính quyền Mỹ đón tiếp hai viên chức cao cấp của Trung Quốc trong ngày thứ Sáu 09/11/2018.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore, 18/10/2018. Reuters/Phil Stewart/File Photo (Ảnh minh họa) -
Kết quả cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" Mỹ-Trung lần thứ hai có thể cho phép suy đoán hai bên tìm được đồng thuận xuống thang chiến tranh thương mại hay chưa, ba tuần trước cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình tại Achentina.
Theo dự trù, sau cuộc họp tay tư giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis với hai đồng sự Trung Quốc Dương Khiết Trì (chánh văn phòng đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản) và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa, sẽ có một cuộc họp báo chung tại Washington.
Đây là cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" Mỹ-Trung lần thứ hai (lần đầu vào tháng 06/2017) trong tiến trình vực dậy quan hệ song phương, theo quyết định của tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 04/2017 tại Florida, vốn được tân chủ nhân Nhà Trắng xem là "cơ sở của mối quan hệ thân hữu" với lãnh đạo Trung Quốc.
Thế nhưng, từ đó đến nay, quan hệ hai nước trở thành dầu sôi lửa bỏng. Tổng thống Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và tấn công trên nhiều mặt trận khác : tố cáo Bắc Kinh đánh cắp kỹ năng công nghệ, bành trướng quân sự, đàn áp các quyền tự do của công dân và các sắc dân thiểu số. Trung Quốc còn bị tố "can thiệp vào bầu cử" để triệt hạ tổng thống Donald Trump.
Song song với các biện pháp áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington bật đèn xanh bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Đài Bắc với giá khoảng 330 triệu đô la, với lập luận "vì an ninh của nước Mỹ và vì an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực". Cùng lúc, Mỹ giáng đòn trừng phạt - "phong tỏa ngoại hối, cấm giao dịch qua ngân hàng Mỹ, tịch biên tài sản…" - đối với Cục quản lý phát triển vũ khí Trung Quốc, một đơn vị chủ chốt của quân đội và cục trưởng Lý Thượng Phúc, vì mua vũ khí Nga.
Hệ quả là cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" lần hai, lẽ ra phải được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 10, đã bị "dời lại". Theo AFP, cuộc họp ngày hôm nay tại Washington có thể xem là tín hiệu "hạ nhiệt". Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Brandstad, tuyên bố muốn có quan hệ "xây dựng" với Trung Quốc và "hướng về tương lai". Hoa Kỳ không tìm cách "ngăn chặn Trung Quốc", nhưng muốn đối tác phải ứng xử "công bằng và có qua có lại". Cũng theo đại sứ Mỹ, cuộc đối thoại hôm nay phải đề cập một cách "thẳng thắng, cởi mở" trên nhiều vấn đề như quân sự hóa biển Đông, Bắc Triều Tiên, nhân quyền tại Trung Quốc, nạn xuất khẩu đại trà ma túy tổng hợp fentanyl cực mạnh gây chết người hàng loạt tại Mỹ…
Còn đối với Trung Quốc, chủ đề chính vẫn là Đài Loan mà Bắc Kinh dứt khoát xem là chuyện nội bộ. Tuy nhiên, trên vấn đề này, Bắc Kinh tỏ ra muốn hợp tác với Mỹ "trong tinh thần đôi bên cùng có lợi" để tránh đụng độ. Trích lời chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, sau cuộc gặp của ông với cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton hôm thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết như trên.
Đâu là điểm, đâu là diện ?
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh đấu dịu và dịu tới đâu ? Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, đặc trách Châu Á của Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm xóa bỏ chính sách ngoại giao mà hai nước xây dựng trong thời Barack Obama. Hải quân Trung Quốc không được mời tham gia các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương. Những sự kiện này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington nhằm đối đầu với Trung Quốc.
Liệu Bắc Kinh sẽ ký với Washington một "hiệp định thương mại lớn" như tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách lạc quan ? Cuộc họp tại Washington sẽ trả lời phần nào câu hỏi này trước cuộc gặp Trump-Tập bên lề G20 tại Achentina vào cuối tháng 11/2018.
Tú Anh
********************
Việt Nam Trung Quốc họp phân định cửa Vịnh Bắc bộ (RFA, 09/11/2018)
Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 11 vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã họp bàn về phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và hợp tác trên biển.
Bản tin của Thông tấn xã nhà nước Việt Nam cho biết như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) và người đồng cấp Vương Nghị, tại Sài Gòn, 16/9/2018. AFP
Đây là vòng đàm phán lần thứ 10 về việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và lần thứ bảy về hợp tác trên biển. Cuộc họp diễn ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang miền Đông Trung Quốc.
Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, phụ trách Ủy ban biên giới của Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Phía Trung Quốc là ông Chu Kiện, đại diện bộ phận các vấn đề biển và biên giới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo Thông tấn xã VN, cuộc họp đã diễn ra thẳng thắn và hữu nghị, hai bên đồng ý trên nguyên tắc tiến dần từng bước để giải quyết việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, hợp tác chung trên biển, phù hợp với luật quốc tế nhất là Công ước về luật biển 1982, mà hai bên đều đã cùng công nhận.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000, xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán. Hai bên cũng đặt ra một vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ.
Đến năm 2004, chính phủ Việt Nam công bố những tọa độ chính xác liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ làm dấy lên những lo ngại và phản đối từ phía người dân Việt Nam vì cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều.
Hai bên từ năm 2005 cũng đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Vào tháng giêng năm 2005, hai tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị một Tàu Cảnh sát Biển của Trung Quốc nổ súng tấn công khiến 9 ngư dân Việt Nam tử vong, 7 người bị thương.
Những đàm phán liên quan đến cửa Vịnh Bắc Bộ hiện vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng vì theo như đánh giá của một số chuyên gia quốc tế là do Việt Nam không muốn nhượng bộ những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc.
Ngoài tranh chấp ở vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, hai bên còn tranh chấp về chủ quyền liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974. Tại Trường Sa, Trung Quốc hiện đang chiếm giữ một số đảo, trong đó có đảo Gạc Ma mà họ giành từ tay Việt Nam vào năm 1988.
Mỹ-Trung : Cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng "bị hủy" (RFI, 01/10/2018)
Không chỉ về kinh tế, quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc về an ninh quốc phòng đang trở nên căng thẳng hơn. Hôm qua, Chủ Nhật 30/09/2018, một quan chức cao cấp Mỹ cho biết cuộc gặp dự kiến trong tháng 10/2018, giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung đã "bị hủy". Cả Nhà Trắng và bộ quốc phòng Mỹ, cũng như phía bộ Ngoại Giao và bộ quốc phòng Trung Quốc, đều từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đón đồng nhiệm Mỹ Jim Mattis tại Bắc Kinh ngày 27/06/2018. Mark Schiefelbein/Pool via Reuters
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức cao cấp Mỹ xin ẩn danh, theo đó không rõ khi nào cuộc hội kiến nói trên sẽ được lên kế hoạch lại. Giới chức này cũng đưa ra cảnh báo : "căng thẳng giữa hai nước đang tăng cao và điều này có thể là nguy hiểm cho cả đôi bên". Báo New York Times là phương tiện truyền thông đầu tiên đăng tải thông tin nói trên.
Hồi tuần trước, một số nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết cuộc họp về an ninh Mỹ-Trung có thể sẽ không xảy ra do quan hệ song phương căng thẳng. Trong một cuộc trả lời họp báo hôm thứ Ba, 25/09, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết chỉ huy hải quân Trung Quốc, phó đô đốc Trầm Kim Long (Shen Jinlong) đã được triệu về nước, một cuộc họp dự kiến với đồng nhiệm Mỹ bị hủy bỏ, và Quân Đội Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa, nếu cần. Phát ngôn viên Trung Quốc cũng để ngỏ khả năng chuyến đi Mỹ của tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, có thể bị hủy.
Quan hệ Mỹ-Trung về an ninh trở nên căng thẳng hơn, sau một loạt sự kiện, như Washington quyết định trừng phạt một doanh nghiệp quân sự Trung Quốc, mua phi cơ chiến đấu SU-35 và các thiết bị của hệ thống chống tên lửa S-400 của Nga, vi phạm Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA-Countering America's Adversaries Through Sanctions Act), được đưa ra năm 2017, để trừng phạt Matxcơva, do can thiệp vào bầu cử Mỹ, cũng như can thiệp quân sự vào Ukraina và nội chiến tại Syria. Hay vụ Hoa Kỳ bán 300 triệu đô la vũ khí cho Đài Bắc, với mục tiêu giúp Đài Loan tự vệ, duy trì "cân bằng quân sự" giữa hai bờ eo biển, góp phần bảo đảm "ổn định chính trị", "tiến bộ kinh tế" trong khu vực.
Bắc Kinh cũng giận dữ với nhiều chuyến bay của oanh tạc cơ B-52 Mỹ qua Biển Đông trong tuần qua. Đó là chưa kể đến chuyến tuần tra bảo vệ "tự do hàng hải" của Hải Quân Mỹ trong phạm vi 12 hải lý của đá Gạc Ma và Gaven ở quần đảo Trường Sa, hôm qua, 30/09. Hai thực thể hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng bị Việt Nam, Philippines và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Hôm 29/09, truyền hình Trung Quốc công bố một phóng sự ngắn cho thấy quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, với phi cơ chiến đấu và oanh tạc cơ tại Biển Đông.
Trước đó, theo trang mạng Úc Abcnews.go.com, trong một cuộc tiếp xúc với báo giới tại Lầu Năm Góc, hôm thứ Hai, 24/09/2018, khi được hỏi về căng thẳng với Trung Quốc, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tỏ ra tin tưởng là quan hệ trao đổi an ninh với Bắc Kinh vẫn sẽ được duy trì.
Trọng Thành
***************
Bắc Kinh hủy đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (VOA, 01/10/2018)
Viên chức Mỹ đề nghị không nêu tên nói rằng không rõ liệu cuộc họp sẽ được ấn định lại thời gian hay không.
Trước đó, New York Times là cơ quan báo chí đầu tiên loan tin về việc hủy cuộc họp này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, 21/09/2018.
Viên chức Hoa Kỳ cho biết không rõ liệu việc hủy cuộc họp này có phải là do tranh cãi gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề như bán vũ khí và hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vùng biển khác quanh Trung Quốc hay không.
Viên chức này cho biết : "Sự căng thẳng đang leo thang, và điều đó có thể nguy hiểm cho cả hai bên".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận về việc hủy cuộc họp này. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không phản phản hồi ngay về yêu cầu bình luận của báo chí.
Theo Reuters, các nguồn tin tại Bắc Kinh vào tuần trước cho biết rằng cuộc họp an ninh có thể không diễn ra vì những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 28/9 cho biết rằng "không có gì phải hoảng loạn" vì căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không dễ bị đe dọa hoặc chịu áp lực về thương mại.
***********************
Hoa Kỳ cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông (RFA, 29/09/2018)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ John Sullivan mới đây lên tiếng khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Sullivan tại Bộ Ngoại giao hôm 7/8/2018 - AFP
Thứ trưởng John Sullivan nói điều này tại cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa ASEAN và Mỹ diễn ra ở Washington DC hôm 27/9.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ với các đối tác ASEAN. Ông nói : "chúng tôi tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN, mà theo đó mỗi quốc gia độc lập với văn hóa và ước vọng khác nhau có thể phát triển bên nhau hòa bình và tự do"
Khi nói về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng John Sullivan cho biết : "Có một sự thống nhất là tất cả mọi quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đều tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông nhưng không phải đơn phương, tuy nhiên chúng tôi muốn luật quốc tế phải được tuân thủ".
Ông John Sullivan cũng phản đối việc bất cứ quốc gia nào có các hành động đơn phưong xây lấp các thực thể trên Biển Đông và quân sự hóa khu vực.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông nơi một số nước Đông Nam Á cũng có chủ quyền.
Từ cuối năm 2013 trở lại đây, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Trường Sa và Hoàng Sa.
*****************
‘Biến động’ trong quan hệ đe dọa cuộc họp an ninh Mỹ-Trung (VOA, 30/09/2018)
Một cuộc họp ngoại giao và an ninh quan trọng giữa Trung Quốc và Mỹ trong tháng sau có thể sẽ không diễn ra do căng thẳng trong quan hệ hai nước, các nguồn tin được báo cáo về chuyện này nói với hãng tin Reuters. Đây có thể là nạn nhân mới nhất trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington.
Xích mích giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ đang vượt ra ngoài vấn đề thương mại, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào các cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ.
Bắc Kinh và Washington hiện đang vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt mà trong đó hai bên áp đặt các đợt thuế quan càng lúc càng nặng lên hàng nhập khẩu của nhau.
Xích mích giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ đang vượt ra ngoài vấn đề thương mại, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào các cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ, đánh dấu điều mà các quan chức Mỹ nói với Reuters là một giai đoạn mới trong một chiến dịch đang leo thang của Washington nhằm tăng áp lực lên Trung Quốc.
Trên mặt trận quân sự, Trung Quốc đã tức giận về chuyện Mỹ ban hành các chế tài nhắm vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) vì mua vũ khí từ Nga, và về điều mà Bắc Kinh xem là Mỹ tăng cường sự ủng hộ dành cho đảo Đài Loan tự trị, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ thiêng liêng của họ.
Hai nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh nắm rõ các kế hoạch nói với Reuters rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis dự định sẽ đến Bắc Kinh vào tháng sau để dự cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung mà năm ngoái diễn ra tại Washington, và khởi động lại các cuộc đàm phán cao cấp trước đó dưới các chính quyền trước.
Tuy nhiên, cả hai nguồn tin đều nói cuộc họp này giờ không rõ có diễn ra nữa hay không.
"Có rất nhiều sự bất định vì biến động trong mối quan hệ", một trong hai nguồn tin nói.
Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, Vương Nghị, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 28 tháng 9, 2018.
Nguồn thứ hai nói rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân đặc biệt bất mãn với Mỹ vào thời điểm này vì Mỹ chế tài quân đội Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan, bao gồm việc chấp thuận một đợt bán vũ khí mới trong tuần này.
"PLA đang chán ngấy với vấn đề Đài Loan. Họ đang ngày càng cứng rắn về chuyện này", nguồn tin cho biết.
Cả hai nguồn tin đều phát biểu với điều kiện ẩn danh vì chuyến đi chưa được công khai. Họ cũng cẩn trọng lưu ý rằng các cuộc họp vẫn có thể diễn ra theo kế hoạch, và hiện giờ chưa có quyết định cuối cùng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ đang thảo luận với Mỹ về cuộc đối thoại.
"Trung Quốc và Hoa Kỳ trước giờ vẫn duy trì liên lạc về cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh", bộ nói trong một phát biểu gửi cho Reuters nhưng không nêu thêm chi tiết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một phát biểu ngắn gọn gửi cho Reuters rằng hai nước đang liên lạc chặt chẽ về cuộc đối thoại và rằng nếu có bất kì thông tin nào khác, họ sẽ công bố kịp thời.
Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh từ chối bình luận, và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy. Lầu Năm Góc nói họ không thảo luận về kế hoạch du hành trong tương lai.
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị, hôm thứ Sáu nói rằng "không có lí do gì để hoảng sợ" về xích mích giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng cảnh báo Trung Quốc sẽ không để mình bị hăm dọa hoặc nhún nhường trước áp lực về thương mại.
******************
Đại sứ cáo buộc Trung Quốc ‘tuyên truyền’ trên báo chí Mỹ (VOA, 30/09/2018)
Một tuần sau khi một tờ báo chính thống của Trung Quốc chạy bốn trang quảng cáo trên một tờ nhật báo của Mỹ, ca ngợi lợi ích chung từ mối quan hệ thương mại song phương, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cáo buộc Bắc Kinh sử dụng truyền thông Hoa Kỳ để "tuyên truyền".
Ông Terry Branstad gặp ông Tập Cận Bình khi còn là Thống đốc tiểu bang Iowa năm 2012.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/9 đề cập chuyện tờ China Daily mua các trang quảng cáo trên Des Moines Register, tờ báo có số phát hành lớn nhất ở tiểu bang Iowa, sau khi cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội Mỹ ngày 6/11, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ chuyện đó.
Hãng tin này nói rằng việc các chính phủ nước ngoài mua quảng cáo để thúc đẩy thương mại là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, Bắc Kinh và Washington đang đối đầu với các đợt đánh thuế vào hàng hóa của nhau.
Theo các chuyên gia, giai đoạn đầu trong cuộc chiến thương mại, các biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc đánh vào các nhà xuất khẩu từ các tiểu bang như Iowa, vốn ủng hộ Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.
Ông Terry Branstad, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và từng là thống đốc Iowa, tiểu bang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp sang Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã gây hại cho các công nhân, nông dân và doanh nhân Mỹ.
Bình luận trên trang Des Moines Register hôm 30/9, ông Branstad nói rằng Trung Quốc "nay tăng cường bắt nạt bằng cách chạy các quảng cáo tuyên truyền trên báo chí tự do của chúng ta".
Đại sứ này cũng nói tới chuyện "một trong các tờ báo nổi bật nhất của Trung Quốc từ chối đề nghị xuất bản" bài báo của ông.
Tuy nhiên, theo Reuters, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Bắc Kinh không cho biết đó là báo nào.