Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/11/2018

Mỹ-Trung, Việt-Trung thượng lượng về thương mại và Biển Đông

Tổng hợp

Sau cơ bắp, Mỹ-Trung "nắn gân" nhau qua đối thoại (RFI, 09/11/2018)

Trong bối cảnh tấn công ngoại giao chống Bắc Kinh, chính quyền Mỹ đón tiếp hai viên chức cao cấp của Trung Quốc trong ngày thứ Sáu 09/11/2018.

mytrung1

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore, 18/10/2018. Reuters/Phil Stewart/File Photo (Ảnh minh họa) -

Kết quả cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" Mỹ-Trung lần thứ hai có thể cho phép suy đoán hai bên tìm được đồng thuận xuống thang chiến tranh thương mại hay chưa, ba tuần trước cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình tại Achentina.

Theo dự trù, sau cuộc họp tay tư giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis với hai đồng sự Trung Quốc Dương Khiết Trì (chánh văn phòng đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản) và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa, sẽ có một cuộc họp báo chung tại Washington.

Đây là cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" Mỹ-Trung lần thứ hai (lần đầu vào tháng 06/2017) trong tiến trình vực dậy quan hệ song phương, theo quyết định của tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 04/2017 tại Florida, vốn được tân chủ nhân Nhà Trắng xem là "cơ sở của mối quan hệ thân hữu" với lãnh đạo Trung Quốc.

Thế nhưng, từ đó đến nay, quan hệ hai nước trở thành dầu sôi lửa bỏng. Tổng thống Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và tấn công trên nhiều mặt trận khác : tố cáo Bắc Kinh đánh cắp kỹ năng công nghệ, bành trướng quân sự, đàn áp các quyền tự do của công dân và các sắc dân thiểu số. Trung Quốc còn bị tố "can thiệp vào bầu cử" để triệt hạ tổng thống Donald Trump.

Song song với các biện pháp áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington bật đèn xanh bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Đài Bắc với giá khoảng 330 triệu đô la, với lập luận "vì an ninh của nước Mỹ và vì an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực". Cùng lúc, Mỹ giáng đòn trừng phạt - "phong tỏa ngoại hối, cấm giao dịch qua ngân hàng Mỹ, tịch biên tài sản…" - đối với Cục quản lý phát triển vũ khí Trung Quốc, một đơn vị chủ chốt của quân đội và cục trưởng Lý Thượng Phúc, vì mua vũ khí Nga.

Hệ quả là cuộc đối thoại "ngoại giao và an ninh" lần hai, lẽ ra phải được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 10, đã bị "dời lại". Theo AFP, cuộc họp ngày hôm nay tại Washington có thể xem là tín hiệu "hạ nhiệt". Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Brandstad, tuyên bố muốn có quan hệ "xây dựng" với Trung Quốc và "hướng về tương lai". Hoa Kỳ không tìm cách "ngăn chặn Trung Quốc", nhưng muốn đối tác phải ứng xử "công bằng và có qua có lại". Cũng theo đại sứ Mỹ, cuộc đối thoại hôm nay phải đề cập một cách "thẳng thắng, cởi mở" trên nhiều vấn đề như quân sự hóa biển Đông, Bắc Triều Tiên, nhân quyền tại Trung Quốc, nạn xuất khẩu đại trà ma túy tổng hợp fentanyl cực mạnh gây chết người hàng loạt tại Mỹ…

Còn đối với Trung Quốc, chủ đề chính vẫn là Đài Loan mà Bắc Kinh dứt khoát xem là chuyện nội bộ. Tuy nhiên, trên vấn đề này, Bắc Kinh tỏ ra muốn hợp tác với Mỹ "trong tinh thần đôi bên cùng có lợi" để tránh đụng độ. Trích lời chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, sau cuộc gặp của ông với cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton hôm thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Đâu là điểm, đâu là diện ?

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh đấu dịu và dịu tới đâu ? Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, đặc trách Châu Á của Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm xóa bỏ chính sách ngoại giao mà hai nước xây dựng trong thời Barack Obama. Hải quân Trung Quốc không được mời tham gia các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương. Những sự kiện này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington nhằm đối đầu với Trung Quốc.

Liệu Bắc Kinh sẽ ký với Washington một "hiệp định thương mại lớn" như tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách lạc quan ? Cuộc họp tại Washington sẽ trả lời phần nào câu hỏi này trước cuộc gặp Trump-Tập bên lề G20 tại Achentina vào cuối tháng 11/2018.

Tú Anh

********************

Việt Nam Trung Quốc họp phân định cửa Vịnh Bắc bộ (RFA, 09/11/2018)

Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 11 vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã họp bàn về phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và hợp tác trên biển.

Bản tin của Thông tấn xã nhà nước Việt Nam cho biết như vậy.

mytrung2

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) và người đồng cấp Vương Nghị, tại Sài Gòn, 16/9/2018. AFP

Đây là vòng đàm phán lần thứ 10 về việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, và lần thứ bảy về hợp tác trên biển. Cuộc họp diễn ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang miền Đông Trung Quốc.

Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, phụ trách Ủy ban biên giới của Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Phía Trung Quốc là ông Chu Kiện, đại diện bộ phận các vấn đề biển và biên giới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo Thông tấn xã VN, cuộc họp đã diễn ra thẳng thắn và hữu nghị, hai bên đồng ý trên nguyên tắc tiến dần từng bước để giải quyết việc phân định cửa Vịnh Bắc bộ, hợp tác chung trên biển, phù hợp với luật quốc tế nhất là Công ước về luật biển 1982, mà hai bên đều đã cùng công nhận.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000, xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ sau nhiều năm đàm phán. Hai bên cũng đặt ra một vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ.

Đến năm 2004, chính phủ Việt Nam công bố những tọa độ chính xác liên quan đến việc phân định Vịnh Bắc Bộ làm dấy lên những lo ngại và phản đối từ phía người dân Việt Nam vì cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều.

Hai bên từ năm 2005 cũng đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Vào tháng giêng năm 2005, hai tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị một Tàu Cảnh sát Biển của Trung Quốc nổ súng tấn công khiến 9 ngư dân Việt Nam tử vong, 7 người bị thương.

Những đàm phán liên quan đến cửa Vịnh Bắc Bộ hiện vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng vì theo như đánh giá của một số chuyên gia quốc tế là do Việt Nam không muốn nhượng bộ những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc.

Ngoài tranh chấp ở vùng cửa Vịnh Bắc Bộ, hai bên còn tranh chấp về chủ quyền liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974. Tại Trường Sa, Trung Quốc hiện đang chiếm giữ một số đảo, trong đó có đảo Gạc Ma mà họ giành từ tay Việt Nam vào năm 1988.

Quay lại trang chủ
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)