Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/11/2018

Myanmar : Aung San Suu Kyi, hủy vụ kiện nhà báo, người Rohingya

RFI tiếng Việt

 

Hồ sơ Rohingya nổi cộm tại Thượng Đỉnh ASEAN ở Singapore (RFI, 12/11/2018)

Singapore bước vào một tuần lễ sôi động về mặt ngoại giao với Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 33 chính thức mở ra từ ngày 12 đến 15/11/2018. Phát biểu trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các đối tác Đông Nam Á đẩy mạnh tiến trình hội nhập trong bối cảnh mô hình đa phương đang bị đe dọa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngoài hồ sơ kinh tế, hồ sơ người Rohingya tại Miến Điện là một trong những trọng tâm của thượng đỉnh lần này.

rohingya1

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Doanh và Đầu Tư ở Singapore ngày 12/11/2018. Reuters/Athit Perawongmetha

Trước cử tọa gồm các doanh nhân ASEAN, trong cương vị chủ nhà thủ tướng Lý Hiển Long sáng nay nhắc lại cuộc đọ sức thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế Singapore và nhấn mạnh : "Đông Nam Á có tiềm năng rất lớn nhưng lại lệ thuộc vào tình hình thế giới ở bên ngoài, do vậy khối này chọn giải pháp đẩy mạnh tiến trình hội nhập trong một thế giới đa phương".

Ngoài hồ sơ kinh tế, khủng hoảng người Rohingya tại Miến Điện là một trong những trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33. Thông tín viên đài RFI từ Singapore, Carrie Nooten cho biết lãnh đạo Miến Điện bà Aung San Suu Kyi sẽ bị các đối tác Đông Nam Á yêu cầu giải thích về hồ sơ nhậy cảm này và đây có thể là một thay đổi trong đường lối hoạt động của ASEAN, vốn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.

"Tuần này lãnh đạo các nước ASEAN có thể sẽ đoạn tuyệt với thái độ thản nhiên vốn có từ trước tới nay. Thông thường, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ được 10 thành viên khối Đông Nam Á tuân thủ. Nhưng lần này, từ những tuần qua, nhiều tiếng nói phản đối chính sách của Miến Điện đối với cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Đây là một sự đương đầu trực tiếp với bà Aung San Suu Kyi.

Thay đổi trong thái độ của ASEAN xuất phát từ những đòn tấn công của thủ tướng Malaysia Mahathir, đã trở lại cầm quyền hồi tháng 5 vừa qua và là một người có lập trường mạnh mẽ bảo vệ ASEAN.

Thủ tướng Malaysia trước tiên đã lên tiếng qua các phương tiện truyền thông và ông đã nêu hẳn vấn đề trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Mahathir đã nói thẳng là không còn tin tưởng vào bà Aung San Suu Kyi.

Có thể dự báo là, nhiều nước Hồi Giáo Đông Nam Á như Brunei hay Indonesia sẽ ủng hộ lập trường của thủ tướng Malaysia.

Một số các nhà ngoại giao ngầm cho biết về phía Miến Điện đã không có những tiến triển nhanh chóng trên, cho nên những lời lẽ mang tính khiêu khích này nhằm buộc Naypyidaw phải hành động.

Singapore trong cương vị nước chủ nhà, luôn giữ thế trung lập trong mọi tình huống, nhưng lần này, chính quyền Singapore dự trù sẽ có thái độ cứng rắn.

Các lãnh đạo ASEAN ý thức được rằng, uy tín của khối Đông Nam Á được đặt lên bàn cân. Trước mắt uy tín đó trên vấn đề người Rohingya đang bị lung lay, đặc biệt là sau báo cáo của Liên Hiệp Quốc về khủng hoảng người Rohingya tại Miến Điện".

Thanh Hà

*****************

Chính quyền Miến Điện hủy vụ kiện nhà báo chỉ trích quan chức đảng NLD (RFI, 10/11/2018)

Ngày 09/11/2018, chính quyền Miến Điện rút đơn kiện ba nhà báo bị bắt cách đây một tháng vì chỉ trích một người thân cận của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Quyết định trên từng bị đánh giá là một dấu hiệu mới cho thấy sự thụt lùi về quyền tự do báo chí ở Miến Điện.

myanmar1

Kyaw Zaw Linn, tổng biên tập tuần báo Eleven Media, cùng hai đồng nghiệp lúc ra khỏi tòa án Tamwe, Rangun, ngày 26/10/2018. Reuters/Ann Wang

Từ Rangun, thông tín viên RFI Eliza Hunt cho biết thêm :

"Ba nhà báo đã viết một bài về việc tài trợ cho hệ thống xe buýt ở thành phố Rangun và lãnh đạo của vùng không hài lòng về bài báo đó.Vị quan chức này lại là một thành viên quan trọng của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD), đảng của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Vị quan chức của đảng NLD đã yêu cầu các nhà báo xin lỗi, đổi lại sẽ rút đơn kiện. Tuy nhiên, ba nhà báo này không xin lỗi.

Vì thế, đích thân tổng thống Miến Điện phải can thiệp để nhắc nhở chính quyền địa phương và yêu cầu họ tuân theo luật về truyền thông. Có nghĩa là trước tiên phải giải quyết vụ việc thông qua trung gian của Hội đồng Báo chí Miến Điện.

Đây là sự can thiệp hiếm hoi tại một quốc gia bị chỉ trích từ nhiều tháng qua vì vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vụ việc của các nhà báo làm việc cho tạp chí Eleven xảy ra ngay sau khi hai phóng viên của hãng tin Reuters bị kết án 7 năm tù vì thực hiện phóng sự về một vụ thảm sát nhắm vào sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi giáo.

Kể từ khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2016, hơn 40 nhà báo đã bị truy tố tại Miến Điện theo một loạt các luật đàn áp, trong đó có 17 nhà báo bị quan chức chính phủ kiện. Vậy mà, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, kiêm cố vấn quốc gia, từng tuyên bố cách đây không lâu rằng : "Tôi nghĩ là báo chí rất được tự do" ở Miến Điện".

Thu Hằng

*****************

Miến Điện : Các tổ chức phi chính phủ tố cáo kế hoạch hồi hương Rohingya (RFI, 09/11/2018)

Hàng chục tổ chức phi chính phủ nhóm họp tại Bangkok, Thái Lan, ngày hôm nay, 09/11/2018, để tố cáo kế hoạch của chính phủ Miến Điện liên quan đến việc đưa người tị nạn Rohingya từ Bangladesh trở về Miến Điện vào tuần tới, và cho rằng kế hoạch này làm cho những người phải hồi hương "kinh hãi".

myanmar2

Người Hồi giáo thiểu số Rohingya Miến Điện vượt sông Naf sang tị nạn ở Bangladesh. Ảnh chụp ngày 12/11/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hôm thứ Ba, 06/11, tờ báo chính thức của Miến Điện, The Global New Light of Myanmar, cho biết, kể từ ngày 15/11, nhóm đầu tiên bao gồm 2.260 người tị nạn Rohinygya sẽ được đưa về nước, theo nhịp độ 150 người mỗi ngày. Vẫn theo nguồn tin trên, Miến Điện đã đạt thỏa thuận với Bangladesh, nơi đang có khoảng 720 ngàn người Hồi giáo Rohingya tị nạn để tránh bị quân đội Miến Điện trấn áp, kể từ tháng 08/2017.

Tuy nhiên, 42 tổ chức phi chính phủ đã ký một bức thư ngỏ được công bố ngày hôm nay, cho rằng việc hồi hương là nguy hiểm, chưa có đủ điều kiện bảo đảm an ninh cho sắc dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, tại một quốc gia đã xẩy ra nhiều vụ bạo lực do các phần tử Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan tiến hành.

Theo các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Miến Điện, được AFP trích dẫn, những người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh để được an toàn và "họ kinh hãi khi nghĩ đến những gì sẽ xẩy ra nếu họ trở về Miến Điện vào lúc này". Người Rohingya lo ngại là có thể lại bị cưỡng bức đưa vào các trại tị nạn tồi tệ, nơi sinh sống của khoảng 120 ngàn người Rohingya từ nhiều năm qua, tại bang Rakhine, Miến Điện.

Cuối năm 2017, Miến Điện và Bangladesh đã ký một thỏa thuận hồi hương người Rohingya, nhưng mọi việc không tiến triển và hai bên đổ lỗi cho nhau, trong lúc đó, người Rohingya từ chối hồi hương chừng nào an ninh và các quyền công dân của họ không được chính phủ Miến Điện bảo đảm.

Các hành động trấn áp người Rohingya bị Liên Hiệp Quốc tố cáo như một vụ "diệt chủng".Hồi tháng 06/2018, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và tổ chức Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc đã ký với chính phủ Miến Điện một thỏa thuận hỗ trợ tạo các điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương an toàn và tự nguyện của người Rohingya.

Đức Tâm

 

Quay lại trang chủ
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)