Đoàn xe Myanmar cháy ở biên giới với Trung Quốc khi đại sứ nước này họp với phía Myanmar
Reuters, VOA, 24/11/2023
Một đoàn xe tải chở hàng hóa từ Trung Quốc vào Myanmar đã bốc cháy, truyền thông nhà nước vào ngày thứ Sáu 24/11 cho rằng đây là một cuộc tấn công của phe nổi dậy. Vụ này càng làm gia tăng tình trạng bất ổn khiến nước láng giềng Trung Quốc lo ngại.
Chiến binh của nhóm Quân giải phóng dân tộc Ta'ang tại bang Shan ở miền bắc Myanmar, 10/11/2023.
Vụ cháy xảy ra ở thị trấn Muse cùng lúc đại sứ Trung Quốc tại Myanmar gặp các quan chức hàng đầu ở thủ đô Myanmar để hội đàm về tình hình biên giới sau khi có những dấu hiệu gần đây cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang rơi vào tình trạng căng thẳng hiếm thấy.
Tờ Global New Light của nhà nước Myanmar đưa tin : "Do hành động khủng bố này … khoảng 120 trong số 258 xe chở hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, quần áo và vật liệu xây dựng đã bị lửa thiêu rụi". Báo này đề cập đến một liên minh đối lập, là khối đã phát động một cuộc tấn công chống lại chính quyền cách đây một tháng.
Li Kyar Win, phát ngôn viên của một trong số các lực lượng nổi dậy, phủ nhận việc đốt đoàn xe và nói rằng họ không tiến hành các cuộc tấn công "hủy hoại lợi ích của người dân".
Quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và tiền đồn quân sự ở miền đông bắc và các nơi khác trên khắp đất nước, giữa lúc nước này phải vật lộn với cuộc tấn công phối hợp lớn nhất mà họ phải đối mặt kể từ khi nắm quyền bằng đảo chính hồi năm 2021.
Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 2 triệu người đã mất nhà cửa ở các vùng khác nhau trên đất nước do giao tranh gia tăng.
Trung Quốc lâu nay kêu gọi hòa bình và ổn định ở Myanmar. Tình trạng bất ổn mới đây nhất đã xảy ra khi đại sứ nước này, Chen Hai, đang gặp Than Swe, ngoại trưởng do quân đội Myanmar bổ nhiệm, và các quan chức quân sự ở thủ đô Naypyitaw.
Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin họ đã thảo luận về "quan hệ song phương, tiếp tục thực hiện các dự án song phương cùng có lợi" và "hợp tác trong hòa bình, ổn định và pháp quyền dọc biên giới".
Trung Quốc đã ủng hộ giới quân đội Myanmar kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 2021 nhưng chính quyền Trung Quốc trong nhiều năm đã có mối quan hệ xuyên biên giới phức tạp với các phe phái ở miền đông bắc Myanmar vốn thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương.
Chính quyền Myanmar từ lâu đã nghi ngờ Trung Quốc có can thiệp theo hướng hỗ trợ cho một số phe phái nổi dậy.
Vào cuối tuần qua, trong một cuộc biểu tình hiếm hoi ở Myanmar kể từ cuộc đàn áp sâu rộng những người bất đồng chính kiến, hàng chục người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố chính Yangon với các biểu ngữ và áp phích chỉ trích Bắc Kinh.
"Chúng tôi yêu cầu chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ các nhóm khủng bố ở miền bắc", một trong những tấm áp phích của họ viết bằng tiếng Anh.
VOA, 24/11/20023
****************************
Myanmar bàn giao cho Trung Quốc hàng ngàn nghi phạm lừa đảo viễn thông
Reuters, VOA, 22/11/2023
Chính quyền Myanmar đã bàn giao 31.000 nghi phạm lừa đảo viễn thông cho Trung Quốc kể từ khi các nhân viên chấp pháp từ cả hai nước mở cuộc trấn áp nạn lừa đảo trực tuyến vào tháng Chín, chính quyền Trung Quốc cho biết hôm 21/11.
Các nghi phạm lừa đảo viễn thông bị bắt ở Myanmar
Các nghi phạm bao gồm 63 ‘nhà tài chính’ và đầu sỏ các tập đoàn tội phạm vốn đã lừa đảo công dân Trung Quốc khoản tiền lớn, Bộ Công an Trung Quốc cho biết.
"Cuộc trấn áp đã đạt được kết quả đáng kể", cơ quan này cho biết.
Hơn 100.000 người có hành vi lừa đảo viễn thông mỗi ngày tại ít nhất 1.000 tụ điểm lừa đảo ở Myanmar, nước có chung biên giới với tây nam Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Cảnh sát Trung Quốc bắt đầu trấn áp tình trạng lừa đảo hồi tháng Chín và trong tháng này, cảnh sát đã phát động cái mà họ gọi là ‘tấn công chớp nhoáng’ vào các băng đảng tội phạm ở Myanmar.
Kẻ cầm đầu một băng đảng ở Myanmar đã tự sát hồi tuần trước khi đang trên đường chạy trốn chính quyền Myanmar, cảnh sát Trung Quốc cho biết.
Ba thành viên trong băng của tên này sau đó đã được bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc.
Với các vụ lừa đảo viễn thông ở Myanmar nhằm vào công dân Trung Quốc đang gia tăng, Trợ lý Ngoại trưởng Nông Dung đã đến thăm Myanmar trong tháng này. Ông nói rằng Trung Quốc đã sẵn sàng hợp tác với Myanmar để giải quyết nạn tội phạm xuyên biên giới bao gồm cả cờ bạc trực tuyến.
Ông Nông cũng nói rằng Trung Quốc ủng hộ Myanmar duy trì sự ổn định trên biên giới chung của họ trong lúc chính quyền quân sự Myanmar đang chiến đấu với quân nổi dậy trong vùng.
Quân đội Myanmar đang đối mặt với các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận ở biên giới khi liên minh của các nhóm nổi dậy của các sắc dân thiểu số kết hợp với các chiến binh dân chủ để chống lại sự cai trị của chính quyền quân sự.
Trung Quốc kêu gọi hòa bình.
"Trung Quốc đã và đang đóng vai trò xây dựng theo cách riêng của mình để thúc đẩy các cuộc hòa đàm và kêu gọi các bên liên quan đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 20/11.
VOA, 23/11/2023
Chính quyền Myanmar ra lệnh cho quân đội và nhân viên dân sự có kinh nghiệm quân sự "chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp", Reuters đăng tin hôm 16/11/2023.
Năm 2015, sau các giao tranh dữ dội với phiến quân, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Kokang. Năm nay, chiến sự lại bùng nổ ở khu vực này, nằm bên phía Nam đường biên giới của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Diễn biến tình hình Myanmar đang ngày càng phức tạp với quân chính phủ quân sự (junta) vừa phải đối mặt với các nhóm vũ trang mở thêm một mặt trận phía Tây Bắc.
Cùng lúc, giao tranh với một liên minh các lực lượng vũ trang đối kháng ở vùng Đông Bắc đất nước vẫn chưa yên.
Tuần trước Tổng thống Myanmar do quân đội đưa lên sau đảo chính năm 2021, cựu tướng Myint Swe công khai cảnh báo rằng nước này có nguy cơ tan vỡ nếu chính phủ không thể kiểm soát được tình hình giao tranh bùng phát ở bang Shan.
Ba lực lượng nổi dậy ở bang Shan, được hỗ trợ bởi các nhóm vũ trang khác chống lại chính phủ, đã tấn công hàng chục đồn biên phòng, cửa khẩu biên giới.
Các thách thức lớn nhất từ nhiều năm
Các báo quốc tế ngày 15/11 đăng tin nói rằng lực lượng sắc tộc mang tên Quân đội Liên minh Quốc gia Dân chủ Myanmar (Myanmar National Democratic Alliance Army) nói họ đã chiếm được thêm được một căn cứ quân sự của chính phủ ở phía Bắc đất nước.
Họ cũng nói 129 binh lính của quân đội chính phủ "đã đầu hàng hôm Chủ Nhật".
Một lực lượng khác, là Arakan Army thì thông báo có 28 nhân viên cảnh sát đầu hàng họ, và 10 quân nhân chính phủ bị họ bắt ở bang Rakhine.
Trong tháng 11 này, các lực lượng phiến quân khác nhau đã liên kết, phối hợp tác chiến ở ít nhất ba bang Shan, Rakhine và Kayah states, và "chiếm 144 doanh trại, căn cứ, đồn cảnh sát".
‘Quan ngại’ và trách nhiệm
Trung Quốc hôm đầu tuần đã lên tiếng yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar "đảm bảo an ninh ở các khu vực dọc biên giới", theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Mao Ninh.
Báo chí Đông Nam Á nói các nhóm quân sự Ta’ang, Arakan và Shan chống chính phủ đã đồng loạt tấn công các thị trấn dọc biên, khiến đường giao thông và mậu dịch của Myanmar (bang Shan) sang Trung Quốc bị gián đoạn.
Trung Quốc cũng tung ra tiền thưởng lớn cùng lệnh truy nã một cựu lãnh đạo khu vực tự trị Kokang gồm nhiều người gốc Hoa ở bang Shan sau khi người này gây ra các vụ lừa đảo, tống tiền công dân Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là kẻ bị truy nã, Ming Xuechen, một ông trùm xã hội đen trong vùng Kokang, là người gốc Hoa và từng là đại diện của chính phủ quân nhân Myanmar ở nghị viện bang Shan.
Năm nay 69 tuổi, ông ta cùng con trai Ming Xiaoping (Ming Guoping), con gái Ming Julan và cháu nội Ming Zhen Zhen đều bị công an tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc truy nã. Trung Quốc treo giải thưởng từ 12 tới 38 nghìn USD cho ai giúp bắt được họ. Trong các vụ lừa đảo tầm cỡ quốc tế, những thủ phạm đã "giết chết một số công dân Trung Quốc", theo phía Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã bắt 11 người từ Kokang khi họ tới Lan Thương, Vân Nam. Một số đã lên video do Trung Quốc quay và công bố, kêu gọi đồng đảng "không hãm hại công dân Trung Quốc".
Một số báo đối lập Myanmar cho rằng các xung đột băng đảng nội bộ vùng biên giới của Myanmar có liên quan đến các vụ tấn công vũ trang gần đây.
Các nhóm vũ trang đã mở Chiến dịch 1027 để xử lý vấn đề mà họ cho là "phe Kokang thất bại, không giải quyết được băng đảng Trung Quốc", theo trang Irrawady .
Trung Quốc đã bắt những người ở Myanmar mà họ cho là "thủ phạm các vụ lừa đảo, gây án làm chết công dân Trung Quốc" về Vân Nam
Trung Quốc cũng ra lệnh truy nã một số lãnh đạo bang Wa của Myanmar và bắt giữ cháu của một lãnh tụ vũ trang Wa khi người này sang thăm Trung Quốc.
Hôm 19/07 năm nay, truyền thông Anh đưa tin lãnh đạo ngành tình báo nước này, Sir Richard Moore nói với SkyNews rằng "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình bi kịch ở Myanmar vì họ từng ủng hộ mạnh nhất cho chính quyền quân nhân".
Sir Richard Moore nói về tình hình gần đây nhưng cho biết cách đây vài năm ông "có thăm Myanmar" và thấy rõ là tình hình "đi vào bi kịch".
Mới tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương của Trung Quốc thăm Myanmar và hội đàm với lãnh đạo chính quyền quân nhân, tướng Min Aung Hlaing.
Nay thì ông Tần Cương đã bị hạ bệ nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa cử ai thăm Myanmar, ngoài việc đưa ra những tuyên bố ngày càng cứng rắn yêu cầu trao nộp các trùm băng đảng và muốn các bên giao tranh "thi hành ngưng bắn, ổn định tình hình".
Đây không phải là lần đầu tiên tình hình ở Kokang, bang Shan bất ổn.
Năm 2015, sau các giao tranh dữ dội với phiến quân tại đây, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật ở Kokang.
Miền đất giáp biên này có lịch sử xung đột lâu dài và nhóm người Hán nói tiếng Quan thoại xuất hiện ở đây đã nhiều thế hệ.
Trong tiếng Trung, họ xưng là 'Hán nhân Quả Cảm' và tiếng Anh dịch là 'Kokang Chinese'.
Tuy thế, các lãnh tụ của họ lại là những cựu quân nhân Quốc Dân Đảng chạy từ Trung Quốc sang Myanmar năm 1951 và sau này được Trung Quốc cộng sản thu phục.
Trong bức tranh sắc tộc đa dạng ở Myanmar, người Hoa Kokang sống ở phần phía Bắc bang Shan, nơi đa số dân thuộc tộc nói tiếng Thái và có quan hệ truyền thống với người nói cùng ngôn ngữ này ở Thái Lan và Vân Nam, Trung Quốc.
BBC, 16/11/2023
Liên Hiệp Quốc có đủ bằng chứng truy tố thủ phạm "tội ác chiến tranh" ở Miến Điện
Thu Hằng, RFI, 09/08/2023
Ngày 08/08/2023, Liên Hiệp Quốc thông báo có những bằng chứng chắc chắn về tình trạng "tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại tăng mạnh" ở Miến Điện. Quân đội Miến Điện và các lực lượng dân quân trực thuộc bị tố cáo "phạm tội ác chiến tranh ngày càng thường xuyên và trắng trợn hơn".
Ảnh chụp từ máy bay làng Bin tại Mingin Township tỉnh Sagaing ngày 03/02/2022 sau khi bị quân đội Miến Điện phóng hỏa. Reuters – Stringer
Báo cáo thường niên của Cơ chế Điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện (IIMM) - được Hội Đồng Nhân Quyền thành lập năm 2018 - xác nhận thông tin của các tổ chức Liên Hiệp Quốc khác, cũng như những tổ chức phi chính phủ hoặc của các Nhà nước về tình trạng bạo lực ở Miến Điện từ khi tập đoàn quân sự đảo chính năm 2021.
AFP nhắc lại các thành viên của IIMM chưa bao giờ được phép tới Miến Điện. Nhưng họ đã trao đổi với hơn 700 nguồn tin, thu thập và xử lý "hơn 23 triệu yếu tố cung cấp thông tin", trong đó có lời kể của nhân chứng, tài liệu, ảnh, video, bằng chứng pháp y và hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Những bằng chứng này sẽ được sử dụng để truy tố những kẻ phạm tội ác chiến tranh.
Trả lời RFI ngày 09/08, ông Nicholas Koumjian, đứng đầu Cơ chế Điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, giải thích :
"Trong số những tội ác mà chúng tôi thống kê và thu thập được chứng cứ, có nhiều tội ác xảy ra trong quá trình giam giữ. Trên khắp cả nước, rất nhiều người bị bắt và bị giam giữ mà không xét xử. Chúng tôi cũng thu thập được những lời chứng về các hành động tra tấn ở trong tù, xâm hại tình dục đối với đàn ông và phụ nữ trong các nhà giam.
Chúng tôi cũng có nhiều bằng chứng về việc lính Miến Điện chiếm một ngôi làng, bắt giữ dân cư, thường dân và chiến binh rồi hành quyết họ. Chúng tôi cũng nhận thấy hiện tượng này được mở rộng, đặc biệt trong những tháng gần đây, các vụ oanh kích thường dân, tấn công vào các ngôi làng thường có, kết cục là rất nhiều người thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em.
Chúng tôi tập hợp tất cả những bằng chứng này để một ngày nào đó sử dụng trong quá trình tố tụng hình sự và buộc những người chịu trách nhiệm về những tội ác này phải bị nghiêm trị. Chúng tôi muốn nói là chúng tôi ở đó, thu thập bằng chứng. Đối với những người phạm tội ác, chúng tôi muốn nói là có một cơ chế sẽ làm mọi cách để truy tố họ và họ sẽ bị đưa xét xử trước pháp luật một ngày nào đó".
Liên Hiệp Quốc : Tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar ‘thường xuyên và trắng trợn hơn’
VOA, 08/08/2023
Tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar, bao gồm cả ném bom vào dân thường, đã trở nên ‘ngày càng thường xuyên và trắng trợn’, một nhóm các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết trong một phúc trình được công bố hôm 8/8.
Quân đội Myanmar bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh
Phúc trình của Cơ chế điều tra độc lập Myanmar (IIMM), nói về giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, cho hay có ‘bằng chứng thuyết phục’ cho thấy quân đội Myanmar và các lực lượng dân quân thuộc hạ đã phạm 3 loại tội ác chiến tranh trong chiến đấu với tần suất và sự trắng trợn ngày càng tăng’.
Những tội ác này bao gồm nhắm bắn bừa bãi hoặc không cân xứng vào dân thường bằng cách ném bom và đốt nhà dân, đôi khi khiến toàn bộ làng mạc bị phá hủy.
Phúc trình cũng dẫn ra ‘việc sát hại dân thường hay binh lính bị bắt giam trong các chiến dịch’.
"Bằng chứng của chúng tôi cho thấy tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại ở nước này gia tăng đáng kể, với các cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân, và chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để tòa có thể sử dụng nhằm trừng trị các thủ phạm", ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu IIMM, nói.
Kể từ khi giới quân đội chiếm đoạt quyền lực 2 năm trước, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau khi quân đội đàn áp đẫm máu các đối thủ, khiến các nước phương Tây tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Reuters không thể liên lạc được phát ngôn nhân của tập đoàn quân sự cầm quyền để đề nghị họ bình luận về những kết luận của các nhà điều tra Liên Hợp Quốc.
Tập đoàn quân sự trước đây đã phủ nhận chuyện có xảy ra hành động tàn bạo, và nói rằng họ đang thực hiện một chiến dịch hợp pháp chống lại quân khủng bố.
Mặc dù họ đã biện minh cho các vụ đánh bom là nhằm vào các mục tiêu quân sự, song các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nói rằng quân đội Myanmar ‘lẽ ra phải biết hoặc thực sự đã biết’ rằng đông đảo thường dân đang có mặt ở đó hoặc xung quanh các mục tiêu khi các cuộc tấn công diễn ra.
(Reuters)
Mỹ và Trung Quốc đang định hình lại cuộc nội chiến Myanmar như thế nào ?
Biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tại Yangon, Myanmar, tháng 2/2021 - Stringer / Reuters
Kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền trong cuộc đảo chính vào đầu năm 2021, nước này đã rơi vào vòng xoáy chết chóc. Những cuộc biểu tình ôn hòa chống chính quyền của quần chúng đã dần bùng lên thành kháng chiến vũ trang, khiến phần lớn đất nước rơi vào cuộc nội chiến mới. Kể từ đó, xung đột đã chuyển sang nổi dậy kéo dài, với các lực lượng mới, ủng hộ dân chủ chiến đấu bên cạnh các nhóm vũ trang sắc tộc, vốn đã đối đầu chính quyền trung ương suốt hàng chục năm. Dù ngày càng có khả năng xảy ra bế tắc chiến lược, cả chính quyền quân sự lẫn lực lượng kháng chiến đều tỏ ra quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Các quốc gia láng giềng đã cố gắng làm trung gian hòa giải, nhưng một nền hòa bình thông qua thương lượng vẫn còn rất xa vời.
Trong hai năm qua, khủng hoảng Myanmar hầu như ít nhận được sự quan tâm từ Mỹ và Trung Quốc, dù nó diễn ra vào thời điểm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc. Washington và các đối tác đã lên tiếng ủng hộ phe dân chủ ở Myanmar. Tuy nhiên, những cân nhắc về địa chính trị đã khiến họ chần chừ thực hiện các hành động mạnh mẽ chống lại chính quyền quân sự. Dù Bắc Kinh ủng hộ chế độ độc tài quân sự ở một số khía cạnh, nhưng họ cũng lựa chọn cách chờ-và-xem.
Tuy nhiên, sự kiềm chế của hai cường quốc đang dần bị phá vỡ. Vì tin rằng một số diễn biến là dấu hiệu cho thấy lực lượng chống chế độ là lực lượng ủy nhiệm của Mỹ, Bắc Kinh đã quyết tâm củng cố chính quyền quân sự. Kết quả là cái có thể được gọi là "Chiến tranh lạnh hóa" : nội chiến ở Myanmar đang thu hút sự can thiệp của các cường quốc đối thủ, và mỗi bên đều sợ rằng việc không hành động sẽ có lợi cho bên kia.
Tình hình đó đặt các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vào thế khó. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là tổ chức này sẽ không lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, họ coi trọng việc duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai cường quốc. Nhưng khi nội chiến ở Myanmar dần có những đặc điểm của một cuộc xung đột ủy nhiệm thời Chiến tranh lạnh – một tình huống xảy ra một phần là bởi các chính phủ trong khu vực không sẵn lòng đoàn kết chống lại chính quyền quân sự từ sớm – các nước láng giềng của Myanmar có thể sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn : không chỉ giữa một chính quyền quân sự và một lực lượng kháng chiến ủng hộ dân chủ, mà còn là giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, đối với Washington và các đồng minh của họ, việc củng cố một chính quyền quân sự gắn kết với Trung Quốc sẽ báo trước sự suy giảm tầm ảnh hưởng và sự bất ổn lớn hơn trên khắp Đông Nam Á.
Nội chiến mới
Cuộc đảo chính tháng 2/2021 đã đẩy Myanmar vào con đường dẫn đến xung đột và tàn phá. Những nhân vật tham gia đảo chính không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, những người vốn đã ủng hộ nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình ôn hòa. Các thành viên của chính phủ bị lật đổ đã cùng với một số nhóm chính trị và sắc tộc khác tuyên bố thành lập một tổ chức dân sự – Chính phủ Thống nhất Quốc gia – để khôi phục nền dân chủ. Nhưng quân đội đã đáp trả bằng làn sóng bạo lực không ngừng, nhắm vào tất cả các đối thủ.
Tính đến mùa xuân năm 2021, Myanmar đã chuẩn bị có một cuộc nội chiến mới, khi những người phản đối chế độ độc tài quân sự bắt đầu cầm vũ khí và thề sẽ đánh trả chứ không rút lui. Lực lượng kháng chiến đã tìm thấy các đồng minh là gần 20 nhóm vũ trang sắc tộc – các tổ chức nằm dọc theo vùng ngoại vi của Myanmar, một số có quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với nước láng giềng Trung Quốc. Các nhóm này đã đấu tranh đòi quyền tự trị hoặc độc lập hoàn toàn kể từ khi Myanmar được thành lập vào năm 1948.
Dù phải đối mặt với một kẻ thù tàn nhẫn và được trang bị tốt hơn, các nhóm vũ trang sắc tộc và dân chủ đã nhanh chóng chiếm được nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là dọc theo biên giới giữa Myanmar với Ấn Độ, Trung Quốc, và Thái Lan. Ngay từ giữa năm 2021, lãnh đạo của chính quyền quân sự, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã thừa nhận rằng binh lính của ông không kiểm soát được toàn bộ đất nước. Kể từ đó, quân kháng chiến đã giữ vững vị trí của mình ở vùng nông thôn nhưng gặp khó khăn trong việc chiếm các thành phố và thị trấn, một phần vì họ bị tiêu diệt bởi pháo binh hạng nặng và không quân của chính quyền quân sự. Tính đến cuối mùa xuân năm 2023, hai bên dường như đã rơi vào bế tắc chiến lược.
Trò nước đôi
Sau cuộc đảo chính, Mỹ đã tiếp cận Myanmar bằng hành động cân bằng thận trọng và thực tế, giữa các giá trị và lợi ích. Washington phản đối chính quyền quân sự, tuy nhiên họ cũng cảnh giác trước việc xa lánh các đồng minh và đối tác trong khu vực, vì một vài trong số những nước này vẫn duy trì quan hệ với quân đội Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo đối lập của Myanmar, và chính phủ Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự cấp cao. Tuy nhiên, các biện pháp này đã không có ảnh hưởng đến tài sản quý giá nhất của chính quyền quân sự : Tập đoàn Dầu khí Myanmar, một công ty thuộc sở hữu của quân đội, hiện có doanh thu hàng năm khoảng 1,5 tỷ đô la, cung cấp cho chế độ khả năng tiếp cận ngoại tệ mà họ cần. Washington cũng kiềm chế không áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những công ty làm ăn với chính quyền quân sự, chẳng hạn như các công ty năng lượng Thái Lan và các công ty tài chính Singapore.
Sự kiềm chế này của Mỹ có lẽ là nhằm xoa dịu các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, nơi chính phủ – lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 – vẫn ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar và duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với chế độ này. Các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản, đã bày tỏ "quan ngại" về khủng hoảng ở Myanmar, nhưng lo ngại rằng áp lực quá mức sẽ chỉ khiến chế độ này phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Kết quả là, họ đã duy trì, hoặc trong trường hợp của Ấn Độ, đã mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao với chính quyền quân sự và có lẽ sẽ không hỗ trợ cho phe kháng chiến.
Tương tự, Trung Quốc cũng nhìn nhận sự hỗn loạn ở Myanmar với thái độ nước đôi. Bắc Kinh có quan hệ tốt với chính phủ của bà Aung San Suu Kyi trước khi họ bị lật đổ. Từ quan điểm của Trung Quốc, việc nội chiến bùng nổ ở một nước láng giềng – Trung Quốc và Myanmar có chung đường biên giới dài hơn 2.090 km – là tin xấu đối với sự ổn định khu vực và đối với các khoản đầu tư hàng tỷ đô la của Trung Quốc vào Myanmar theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc đã và đang là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Myanmar, nhưng họ chưa bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của quân đội, vốn bị cho là quá khó lường. Bắc Kinh cũng hỗ trợ một số nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số của Myanmar, thậm chí chấp nhận hoạt động buôn bán vũ khí ngầm xuyên biên giới.
Vì lý do này và nhiều lý do khác, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã chọn cách phòng ngừa rủi ro khi hỗ trợ cả hai phe sau đảo chính. Dù họ chưa bao giờ tố cáo chính quyền quân sự hoặc công khai kêu gọi quay trở lại chế độ dân sự, nhưng họ đã mở một kênh hậu thuẫn cho Chính phủ Thống nhất Quốc gia, và gây áp lực buộc chính quyền quân sự không được giải tán đảng của Aung San Suu Kyi, Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ. Khi giao tranh giữa chính quyền quân sự và một nhóm vũ trang sắc tộc dẫn đến vụ pháo kích vô tình vào một thị trấn biên giới Trung Quốc, Bắc Kinh được cho là đã cảnh báo chính quyền quân sự rằng một sự cố tương tự sẽ dẫn đến "phản ứng cần thiết". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng giữ khoảng cách với các tướng lĩnh cầm quyền. Khi Vương Nghị, lúc đó còn là Ngoại trưởng Trung Quốc, đến thăm Myanmar vào mùa hè năm 2022, ông đã từ chối gặp Min Aung Hlaing, lãnh đạo của chính quyền quân sự, một động thái bị xem là khinh thường ngoại giao vào thời điểm đó.
Trung Quốc tấn công
Những lợi ích phức tạp của Mỹ và Trung Quốc ở Myanmar đã cho phép quốc gia Đông Nam Á gần như tránh được ảnh hưởng của cạnh tranh Mỹ-Trung, chí ít là trong một thời gian. Các bên tham chiến có thể xem cuộc nội chiến ở nước này là một phần của cuộc đấu tranh toàn cầu giữa dân chủ và chuyên chế. Thực tế này được thể hiện rõ trong sự ủng hộ của phe kháng chiến đối với Ukraine và sự đồng tình của chính quyền quân sự đối với Nga. Nhưng điều tương tự không đúng với Washington và Bắc Kinh, những người xem nội chiến Myanmar là một bài kiểm tra về cân bằng quyền lực (balancing) và phòng bị nước đôi (hedging), chứ không phải chiến tranh ủy nhiệm. Tháng 9/2021, Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn hợp tác để ngăn chặn chính quyền quân sự tiếp quản ghế của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, khi Bắc Kinh từ bỏ sự thận trọng ban đầu và chấp nhận chính quyền quân sự. Động lực thúc đẩy sự thay đổi này là nhận thức của Trung Quốc rằng chính Mỹ đã thay đổi hướng đi và rằng Washington hiện hoàn toàn ủng hộ và đang củng cố ảnh hưởng của mình đối với lực lượng kháng chiến ủng hộ dân chủ. Hai diễn biến cụ thể đã khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ : một đạo luật mới của Mỹ về vấn đề Myanmar và quyết định của Chính phủ Thống nhất Quốc gia về việc mở văn phòng tại Washington vào năm ngoái.
Trên thực tế, cả hai sự kiện này đều không báo hiệu một sự thay đổi có ý nghĩa trong chính sách của Mỹ. Đạo luật Burma 2023 chỉ nhắc lại mục tiêu của Washington là đảo ngược cuộc đảo chính và kêu gọi cung cấp viện trợ quân sự phi sát thương (chủ yếu là thiết bị liên lạc) cho các lực lượng chống chế độ. Tuy nhiên, đạo luật không nhắc đến hỗ trợ quân sự sát thương hay các lệnh trừng phạt hoạt động kinh doanh dầu khí của chính quyền quân sự, và thậm chí việc giải ngân viện trợ phi sát thương cũng bị chậm trễ. Những nỗ lực của Mỹ thay mặt cho quân nổi dậy ở Myanmar là không đáng kể so với những hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đối với văn phòng mới của Chính phủ Thống nhất Quốc gia ở thủ đô Mỹ, mục tiêu của nó là phối hợp và truyền bá chủ trương của phe kháng chiến, nhưng liệu nó có thành công trong nhiệm vụ này hay không lại là một câu hỏi khác.
Bất chấp những cảnh báo này, phản ứng của Bắc Kinh là dồn sức mạnh cho chính quyền quân sự, chấm dứt hai năm tương đối không can dự. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã gặp Min Aung Hlaing, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ giúp Myanmar "đạt được sự hòa giải trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật" – ngôn ngữ ngoại giao cho việc ủng hộ chế độ quân sự. Đầu năm nay, chính quyền quân sự đã chính thức cấm đảng của Aung San Suu Kyi, điều mà họ sẽ không làm nếu không nghĩ rằng mình có sự đồng ý của Bắc Kinh. Theo những người trong cuộc, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã thúc giục phong trào kháng chiến ủng hộ dân chủ không phát triển quan hệ với phương Tây.
Đại sứ mới của Bắc Kinh tại Myanmar, Đặng Tích Quân, cũng có nhiều động thái. Trong những tháng gần đây, ông đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự và đại diện của một số nhóm vũ trang sắc tộc, và được cho là đang thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa các bên. Một kết quả như vậy sẽ có lợi cho chính quyền quân sự và cản trở cuộc kháng chiến : một thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm vũ trang sắc tộc có liên kết với Trung Quốc sẽ tạo ra sự chia rẽ trong liên minh giữa các nhóm sắc tộc và phe ủng hộ dân chủ, lực lượng dựa vào các nhóm vũ trang sắc tộc này để nhận huấn luyện, nhân lực, và trang thiết bị (phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc được chế tạo từ các bộ phận do Trung Quốc sản xuất). Mặt khác, chính quyền quân sự chỉ còn chiến đấu trên ít mặt trận hơn và có thể điều chuyển lực lượng đến những điểm nóng quan trọng nhất. Kết quả sẽ là một chính quyền quân sự tự tin hơn về cơ hội sống sót của mình và sẵn sàng chiến đấu.
Chọn phe
Mối quan tâm và sự can dự của Trung Quốc ở Myanmar gợi nhớ đến các xung đột thời Chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á, chẳng hạn như các cuộc chiến ở Campuchia, Lào, và Việt Nam. Trước đây cũng như bây giờ, các phe phái đối địch trong một quốc gia sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các siêu cường đối địch – các siêu cường thường dễ chấp nhận những nỗ lực này, vì lo sợ rằng nếu họ không hành động thì bên kia sẽ giành được lợi thế.
Myanmar ngày nay cũng không phải ngoại lệ. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và các đối thủ của họ – trên hết là Mỹ và Ấn Độ – đang định hình lại nền chính trị trong nước ở nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi các chủ thể địa phương cảm thấy buộc phải chọn phe. Suốt nhiều năm, Maldives và Sri Lanka đã bị cuốn vào cuộc giằng co địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Câu hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc, và việc chấp nhận hay bác bỏ tham vọng khu vực ngày càng tăng của nước này, đã trở thành một "cột thu lôi chính trị" ở nhiều quốc gia tại Nam Á, Đông Nam Á, và Châu Đại Dương. Nhưng lợi ích liên quan là đặc biệt cao trong một cuộc xung đột vũ trang như ở Myanmar, nơi mà sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc có nguy cơ kéo dài đau khổ và gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc.
Xét đến tình trạng quan hệ Mỹ-Trung và khía cạnh ý thức hệ của cuộc nội chiến ở Myanmar, có lẽ không thể tránh khỏi việc các bên tham chiến sẽ vướng vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị rộng lớn hơn. Nhưng trách nhiệm đáng kể vẫn nằm trong tay các chủ thể khu vực, những người từ lâu đã thoái thác trách nhiệm và do đó nhường sân chơi lại cho Bắc Kinh. ASEAN đã thể hiện đặc biệt kém. Vì khối này tập trung vào việc xây dựng sự đồng thuận và không can thiệp, họ đã được chứng minh là không có khả năng gây bất kỳ áp lực nghiêm trọng nào đối với chính quyền quân sự. Sáng kiến ngoại giao hàng đầu của ASEAN trong xung đột Myanmar, thỏa thuận không khả thi năm 2021 được gọi là Đồng thuận Năm Điểm, đã nhanh chóng mất tác dụng vì thiếu cơ chế thực thi. Những nỗ lực ngoại giao cửa sau của chính phủ Indonesia, hiện đang là chủ tịch ASEAN, cũng không đạt được tiến bộ. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên ASEAN theo chế độ chuyên chế đang tỏ ra háo hức muốn đưa chính quyền quân sự Myanmar trở lại trong tổ chức, bao gồm Thái Lan và Lào, nước sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2024.
Thay vì tranh cãi không ngừng và nói về việc thu hút sự tham gia của "tất cả các bên liên quan", các thành viên ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực nên đối mặt với thực tế. Đầu tiên, quân đội Myanmar là nguyên nhân cấu trúc và trực tiếp của bạo lực – họ đã nhiều lần nhấn chìm Myanmar trong ba phần tư thế kỷ. Thứ hai, quân đội không có khả năng giành được thắng lợi trên chiến trường, bằng chứng là họ đã không thể giành quyền kiểm soát các vùng nông thôn, đánh bại các nhóm vũ trang sắc tộc, và đàn áp sự phản kháng của quần chúng bất chấp việc có hỏa lực vượt trội. Loại bỏ chính quyền quân sự là lựa chọn thực tế duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài ở Myanmar. Các nỗ lực ngoại giao của ASEAN và các quốc gia khác cần phản ánh thực tế đó. ASEAN nên học hỏi từ Liên minh Châu Phi, những người vào năm 2019 đã đình chỉ quyền của Sudan vì quân đội nước này không bàn giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Cuối cùng, ASEAN sẽ trở nên lỗi thời nếu khối này chỉ tìm kiếm sự hợp tác và cố gắng hòa hợp với cả hai cường quốc. Cách tiếp cận này đã không hiệu quả ở Biển Đông trước sự bành trướng lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc. Tại Myanmar, ASEAN cần đưa ra một số lựa chọn khó khăn và chọn phe cho mình. Các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm củng cố chính quyền quân sự, nếu chúng thành công, sẽ chỉ kéo dài xung đột và củng cố một chế độ phục tùng các mục tiêu địa chính trị của một Trung Quốc xét lại. Kết quả đó có thể sẽ gây áp lực lớn, buộc các quốc gia khác trong khu vực phải liên kết với Washington hoặc Bắc Kinh – một kết quả mà không ai trong ASEAN mong muốn.
Về phần mình, Mỹ nên hiểu rằng họ không còn có thể coi Myanmar là không quan trọng về mặt chiến lược nữa. Xét đến vị trí giao thoa giữa Nam Á và Đông Nam Á, một Myanmar ổn định là điều cần thiết cho sự ổn định chung trong khu vực. Bước đầu tiên, Mỹ nên chú ý nhiều hơn đến Myanmar, như nước này đã cam kết thực hiện trong Đạo luật BURMA, đồng thời thuyết phục các đồng minh và đối tác thống nhất chính sách của họ.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không nên coi nội chiến Myanmar là một cuộc cạnh tranh có tổng bằng không với Trung Quốc. Vị trí địa lý gần và các lợi ích lớn ở Myanmar khiến Trung Quốc trở thành một phần cần thiết của bất kỳ giải pháp nào. Vì thế, Washington nên cố gắng phối hợp chính sách Myanmar của mình với Bắc Kinh, để xây dựng các hàng rào bảo vệ cần thiết nhằm ngăn chặn leo thang. Các quan chức Mỹ nên kêu gọi chủ nghĩa thực dụng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc : Lợi ích chung của Mỹ và Trung Quốc về ổn định khu vực có nghĩa là chính quyền quân sự phải ra đi. Và vì chính quyền quân sự sẽ chỉ xem xét một giải pháp thương lượng hòa bình nếu họ thấy không còn con đường nào dẫn đến chiến thắng quân sự, nên sự trợ giúp của Mỹ cho lực lượng kháng chiến theo Đạo luật BURMA thực chất không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc, nhưng phù hợp với các mục tiêu của chính Bắc Kinh. Hơn nữa, Bắc Kinh nên nhận thức rõ rằng việc chính quyền quân sự hoàn toàn thiếu sự ủng hộ của quần chúng khiến họ trở thành một đối tác lâu dài đầy rủi ro.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, việc giữ cho các động lực của Chiến tranh lạnh không làm rạn nứt khu vực nên là mối quan tâm hàng đầu, vượt lên trên các quy tắc không can thiệp và đồng thuận đang ngày càng trở thành bất khả thi. Những động thái gần đây của Thái Lan nhằm hỗ trợ chính quyền quân sự là một cách tiếp cận hoàn toàn sai lầm, khiến chế độ ở Myanmar hiểu lầm rằng họ có thể nắm giữ quyền lực. Thay vào đó, mối quan tâm của ASEAN đối với ổn định khu vực chỉ nên hướng đến một giải pháp duy nhất : loại bỏ tác nhân gây bất ổn chính ở Myanmar, tức chính quyền quân sự, khỏi quyền lực.
Ye Myo Hein & Lucas Myers
Nguyên tác : "Is Myanmar the Frontline of a New Cold War ?", Foreign Affairs, 19/06/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/07/2023
Ye Myo Hein là học giả tại Viện Hòa bình Mỹ.
Lucas Myers là chuyên viên cao cấp phụ trách Đông Nam Á tại Trung tâm Wilson.
Myanmar : Người trẻ đối mặt với ước mơ tan vỡ khi phải sống lưu vong
Kelly NG, BBC, 19/06/2023
Năm 2019, Pann Pann bắt đầu công việc đầu tiên của mình, lưu giữ hồ sơ bệnh án tại một bệnh viện nhà nước ở thành phố Bago, miền nam Myanmar. Cô từng khao khát trở thành trưởng bộ phận.
Những người trẻ biểu tình chống đảo chính giơ ba ngón tay hiện đã trở thành biểu tượng đòi quyền dân chủ
Nhưng bốn năm sau, cô gái 25 tuổi lại đang làm bồi bàn ở Bangkok, ước mơ của cô bị gác sang một bên khi chế độ quân sự bạo tàn tiếp tục cai trị đất nước.
"Nếu không vì cuộc đảo chính, tôi sẽ không bao giờ rời đi", cô nói. "Tôi muốn xây dựng cuộc sống của mình ở Myanmar. Nhưng không còn nơi nào an toàn ở đất nước tôi nữa".
Khi Pann Pann tốt nghiệp đại học, Myanmar vẫn đang được hưởng nền tự do chính trị hiếm có, lần đầu tiên sau 50 năm. Nền kinh tế, bị tàn phá sau nhiều thập kỷ bất ổn, bắt đầu hồi phục khi khách du lịch đến và đầu tư nước ngoài đổ vào.
Rồi đến tháng 2/2021, quân đội đã bắt giữ Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo được bầu nên dân chủ. Điều này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống đảo chính quy mô lớn, gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu và khiến nền kinh tế bị tuột dốc.
Những ngày đầu của phong trào hậu đảo chính được ghi dấu bằng sự phản kháng của sức trẻ, nhưng sự lạc quan đó nhanh chóng bị suy yếu.
Rủi ro khi ở lại Myanmar tăng lên đối với những người như Pann Pann, từng là thành viên tích cực của phong trào bất tuân dân sự, một cuộc đình công quy mô rộng khắp do công nhân ở lĩnh vực công khởi xướng, nhằm chống lại sự cai trị của quân đội.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 70.000 người đã rời khỏi Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính. Sự ra đi là do những người trẻ bất mãn muốn tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ít hơn 1,1 triệu người Miến Điện đang làm việc trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2020.
Trong nhiều thập kỷ, các dân tộc thiểu số của nước này đã trốn chạy khỏi sự đàn áp. Sau đó, hàng trăm ngàn người Rohingya cũng chung số phận khi quân đội bị cáo buộc phạm tội diệt chủng nhằm vào cộng đồng Hồi giáo.
Giờ đây, sau cuộc đảo chính, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và thậm chí cả những người dân thường Myanmar, kiệt sức vì cuộc nội chiến, đã muốn ra đi.
Thời kỳ dân chủ ngắn ngủi của Myanmar đã bị dập tắt bởi cuộc đảo chính năm 2021
Với Pann Pann, quyết định rời khỏi Myanmar không phải là một điều dễ dàng.
Cô đã dành nhiều tháng lẩn trốn chính quyền bằng cách chuyển từ nhà họ hàng này sang nhà người khác. Cô tiếp tục sống ở Bago khi một số người bạn của cô bị chính quyền quân sự sát hại. Cuối cùng, một người bạn ở Mỹ đã giúp quyên góp tiền mua vé máy bay một chiều đến Chiang Mai cho cô.
Khi không tìm được việc làm ở đó, cô chuyển đến Bangkok. Cô đã trải qua bảy công việc trái phép như trông trẻ, giúp việc, hầu bàn và công nhân xây dựng trong năm đầu tiên.
Nhưng cô ấy cho biết đã có đôi chút ổn định. Hiện cô kiếm được 12.000 baht (350 USD) mỗi tháng, đủ để trả tiền thuê một căn phòng nhỏ gần đó.
"Cuộc sống ở Thái Lan rất chật vật vì tôi không nói được tiếng của họ và không nói tốt tiếng Anh. Tôi vẫn không thể ở lại đây một cách hợp pháp... nhưng lại an toàn hơn", cô nói.
Pann Pann tin rằng tên mình nằm trong "danh sách đen" khiến cô lo lắng về chuyện hồi hương. Vì vậy, cô ấy không biết khi nào mình sẽ gặp lại gia đình.
"Nhưng tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn", cô nói. "Tôi không đến Thái Lan vì ở đây thoải mái hơn. Tôi thậm chí còn không biết Thái Lan như thế nào. Nhưng khi ở Myanmar, trong đầu tôi chỉ có một điều duy nhất : Tôi phải ra đi".
Nỗi sợ hãi cũng là điều đã buộc Augustine Thang phải đạp xe xuyên biên giới từ bang Chin của Myanmar đến Mizoram ở Ấn Độ vào tháng Giêng năm ngoái cùng vợ và hai con nhỏ.
Anh không bao giờ quay trở lại, mặc dù vẫn đang cầu nguyện để có cơ hội.
Người đàn ông 34 tuổi này là phó phòng phúc lợi xã hội của bang Chin khi cuộc đảo chính xảy ra. Anh tham gia phong trào bất tuân dân sự một tuần sau đó.
Quân đội Myanmar dập tắt các cuộc biểu tình chống đảo chính, châm ngòi cho cuộc nội chiến kéo dài
Nỗi khiếp sợ về sự trả thù từ quân đội và áp lực phải chăm lo cho gia đình của anh là quá lớn.
"Đó là một quyết định khó khăn. Tôi yêu quê hương, làng mạc của mình và tôi muốn làm việc cho người dân của mình, nhưng tôi đã chọn ra đi vì cuộc sống của chúng tôi rất quý giá", anh nói.
Thang hiện đảm nhận các công việc 'gọi khi cần' trong xây dựng.
"Tôi muốn trở thành giám đốc bộ phận [cũ] của mình và tập trung vào sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Bây giờ tôi không có được một công việc thường xuyên. Tôi giúp đỡ bạn bè và họ chia sẻ thu nhập của họ với tôi. Điều này không ổn", anh nói.
"[Mizoram] không phải là nhà của chúng tôi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác".
Trong số những điều Thang nhớ nhất về Myanmar là "được sống yên bình, được đi đánh cá trên biển và có cá tươi". Nhưng anh vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó đất nước anh sẽ "lấy lại dân chủ" với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
4444444444444444444444444
Quân đội Myanmar đang sử dụng các cuộc không kích và thậm chí đốt cháy cả ngôi làng để đàn áp sự phản kháng
Không phải tất cả những ai chạy khỏi Myanmar đều vì sợ hãi. Có một số người như Julia Khine, một sinh viên kỹ thuật người Myanmar ở Hong Kong, rời đi vì việc học. Nhưng chứng kiến những gì đã xảy ra với đất nước mình, cũng khiến cô không sẵn lòng quay trở lại.
"Tôi hy vọng được đóng góp cho đất nước và người dân của mình, nhưng từ bên ngoài Myanmar", cô gái 21 tuổi về quê lần cuối vào tháng 8/2022. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy nói muốn đi du lịch khắp thế giới "để nói về sự bất công đang diễn ra ở Myanmar".
Cô nói rằng thật rối bời khi sống một cuộc sống tương đối yên bình khi bạn bè và gia đình ở quê nhà phải đối mặt với bạo lực và bất ổn mỗi ngày.
"Thật khó để kết thân ở Hong Kong vì họ không thể thấu hiểu với những mối bận tâm của tôi", cô nói. "Tôi đã rất kinh hoàng trước các cuộc không kích gần đây [ở Myanmar], nhưng tôi không cảm thấy họ sẽ hiểu được cảm giác của mình, vì vậy tôi phải vờ như không có chuyện gì xảy ra".
Cuộc không kích mà cô ấy đề nhắc đến đã cướp đi hơn 100 sinh mạng tại một ngôi làng ở phía tây bắc.
Cô ấy cũng không sẵn lòng chia sẻ chi tiết về cuộc sống của mình với những người ở quê nhà - và thậm chí không sử dụng mạng xã hội - vì sợ bị xem là thiếu cân nhắc.
Julia Khine nói thêm, cha mẹ của bạn bè cô, những người bị quân đội giết chết sẽ đặc biệt "bị kích động nếu họ thấy rằng tôi đang sống tốt".
Trong khi đó, Pann Pann khắc khoải nhớ thương gia đình và bạn bè ở nhà thờ. Nhưng cô luôn tự nhủ rằng mình đã là người may mắn rồi.
"Nhiều bạn bè của tôi vẫn đang phải lẩn trốn, chuyển từ nhà này sang nhà khác. Một số đã bị sát hại", cô nói. "Tôi luôn nhắc mình rằng cuộc sống của họ còn khó khăn hơn tôi nên tôi phải mạnh mẽ lên".
Kelly Ng.
Nguồn : BBC, 19/06/2023
**************************
Người Việt kêu cứu từ 'bẫy lừa đảo' ở Myanmar
Huyền Trân, BBC, 18/06/2023
Cách đây vài ngày, BBC News tiếng Việt nhận được lời cầu cứu từ người thân của một nạn nhân người Việt bị mắc kẹt ở Myanmar.
22222222222222222222222
Nói với gia đình đến Singapore làm việc, công dân Việt Nam, anh H lại đang kêu cứu từ Myanmar.
Anh H, sinh năm 1991, quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được một người Việt Nam giới thiệu sang Singapore làm việc.
Tuy nhiên anh H mất liên lạc với gia đình từ ngày 18/05.
Gần đây, anh H nhắn tin qua Facebook với người anh họ là anh Gia, cho biết đang bị giam cầm tại một nơi mà anh tin là cơ sở lừa đảo của Trung Quốc tại Myanmar.
'Lừa được người khác qua thì được thả về'
Theo video định vị do anh H gửi đến người nhà, BBC News tiếng Việt và BBC Visual Team đã xác định có hàng chục người Việt đang ở một tòa nhà cao tầng tại thị trấn Laukkaing, Myanmar.
Laukkaing là thủ phủ vùng tự trị Kokang, bang Shan (Myanmar), giáp biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Luakkaing có hàng chục sòng bài, khách sạn của Trung Quốc. Các chính trị gia địa phương trong thập niên qua có tham vọng biến nơi đây thành một 'đặc khu Macau của Myanmar'.
Theo tường thuật của Frontier Myanmar , năm 2020, khi đến phường trung tâm Tong Chaing ở Laukkaing, người ta ngỡ như tớiTrung Quốc. Nơi đây không chỉ có lối kiến trúc, ngôn ngữ Trung Quốc, mà đơn vị tiền tệ sử dụng chính thức cũng là tiền tệ Trung Quốc, đồng nhân dân tệ.
Anh Gia, anh họ của anh H, nói với BBC News tiếng Việt rằng nạn nhân đã bị tịch thu điện thoại ngay từ sân bay Nội Bài :
"Ngày 05/04, H bay từ Vinh vào Sài Gòn. Từ Tân Sơn Nhất thì hoãn một đêm, xong bay ra Hà Nội, ở một đêm. Từ Hà Nội bị thu mất điện thoại, không biết bay đi đâu. Đến sân bay Myanmar nghỉ chân ở đó một đêm, đi xe ba ngày, rồi mới báo gia đình đang ở Myanmar, nói không phải ở Singapore".
"Bố mẹ có kể với tôi là H có một người bạn quê ở Thanh Hóa rủ đi Singapore. Tên tuổi người này thì không ai nắm được, gia đình cũng không nắm được hợp đồng gì cả. Chỉ biết rằng người ấy đang ở Campuchia".
Anh Gia gửi cho BBC hình anh H bị thương tích, được cho biết là do bị chích điện, đánh đập vì dám bỏ trốn. Những vết thương đã được người ở cùng phòng khâu lại.
3333333333333333333333
Anh H gửi ảnh cho người thân, nói mình bị thương do bị đánh đập vì bỏ trốn, và các vết thương đã được người ở cùng phòng khâu lại
"H bỏ trốn một lần với một người Thanh Hóa, thì bị đánh ở chân. Người ở chung đã giúp khâu vá vết thương. Người kia thì bị đánh gãy tay, mặt không bị đánh. Chúng nói là trừ bộ mặt ra, còn lại bị chích điện hết", anh Gia nói.
"Theo tin nhắn tôi nhận được từ H thì chúng nói nếu lừa được một người Việt sang bên đó sẽ được thả về, và đã có người lừa được người khác sang để mình được thả về".
"H kể trong khu vực có 30 người Việt Nam ở đó. Mỗi phòng bị chia có năm người. Ở bên đấy là giả giọng con gái để lừa tình, lừa tiền, rủ rê đánh bạc qua mạng, gửi trang web khiêu dâm… Mỗi một tháng không lừa đủ hai trăm đô la qua mạng thì bị chích điện".
"Gia đình H cực kỳ lo lắng và đang cầu cứu, đã gửi đơn lên xã và sẽ gửi tiếp lên cấp cao thêm", anh Gia cho biết thêm.
"Công an xã Kim Liên, huyện Nam Đàn có nói ‘nhiều người đi lao động cả năm trời không liên lạc được là bình thường, con ông bà mới có một tháng mà đã lo’. Xã Kim Liên đã tiếp nhận đơn, còn xử lý thế nào thì đang đợi".
Theo nội dung tin nhắn qua Facebook mà anh H gửi đến người nhà mà BBC News tiếng Việt xem được thì những người đang bị giam giữ tại đây đến các tỉnh từ Nam tới Bắc của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An.
"Lâu lâu cứ có người sang anh ạ", anh H gửi tin nhắn cho người thân.
Cảnh sát Myanmar nói gì ?
Các đồng nghiệp ban BBC News Miến Điện đã giúp chúng tôi liên lạc với cảnh sát tại Laukkaing.
Một viên chức cảnh sát địa phương giấu tên tại Laukkaing nói với BBC News Tiếng Miến Điện như sau :
"Cảnh sát quận chúng tôi đã nhận được thư từ đại sứ quán các nước kể từ hồi đầu tháng này, vào khoảng ngày 8 và 9/6 và sau đó họ hướng dẫn cảnh sát phường tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân.
"Chúng tôi hiện đang tìm những người là công dân Việt Nam, Thái Lan và các quốc tịch khác. Có khi chúng tôi phải tìm các nạn nhân mà không có hình ảnh của họ, chỉ có tên, tuổi. Điều này cũng khiến công tác tìm kiếm của chúng tôi bị cản trở. Nếu chúng tôi có thể có hình ảnh các nạn nhân, việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".
"Một số công ty không hợp tác trong quá trình tìm kiếm này. Quy trình là chúng tôi gửi thư đến các công ty trước và cùng tìm kiếm với các sở, ngành khác như giới chức địa phương, cảnh sát chống buôn người, và bao gồm chúng tôi, cảnh sát địa phương".
"Một số casino và khách sạn đã từ chối hợp tác, không muốn quá trình tìm kiếm thực hiện tại cơ sở của họ vì sợ bị ảnh hưởng kinh doanh", viên chức cảnh sát này cho biết.
Thị trấn Laukkaing, 'Macau của Myanmar'
Myanmar gần đây đã tiến hành những hành động nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo trên mạng xuyên biên giới.
Theo tường thuật từ phóng viên của BBC Tiếng Miến Điện, Myanmar đã cấm người nước ngoài vào thị trấn Lashio để ngăn chặn họ tiến hành kinh doanh lừa đảo trên mạng ở thị trấn Mine và Laukkaing ở bang Shan, giáp với Trung Quốc.
Động thái này xuất hiện sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đến Naypyitaw hồi đầu tháng Năm.
Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar xác nhận với BBC tiếng Miến Điện về lệnh cấm này, nhằm trấn áp giới lừa đảo trên mạng và những bên khác. Theo BBC Tiếng Miến Điện thì phía Trung Quốc cũng đang tiến hành trấn áp những hoạt động lừa đảo.
Hiện thị trấn Laukkaing vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật sau cuộc giao tranh năm 2015 giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang thiểu số, Kokant.
Trong những năm qua, Laukkaing được biết đến là một thành phố casino nhưng cũng được người dân địa phương biết đến là trung tâm cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo.
Theo điều tra của BBC tiếng Miến Điện, thì những người chủ casino và kinh doanh tại Luakkaing có lực lượng cảnh vệ riêng.
Khi ra khỏi tổng hành dinh, những người này đều có xe bảo vệ hộ tống. Điều này cho thấy dường như Luakkaing về mặt nào đó đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát địa phương.
Hồi năm ngoái, trả lời The Guardian, ông Jason Tower, Giám đốc quốc gia Myanmar của Viện United States Institute of Peace đã cảnh báo về việc các hoạt động lừa đảo trên mạng chuyển từ Campuchia sang Myanmar. Nguyên do, theo ông, là những kẻ lừa đảo lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc theo sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 tại quốc gia này, và những kẽ hở của luật pháp nơi đây.
Năm 2022, BBC News tiếng Việt đã tường thuật về việc người Việt Nam bị lừa bán sang casino của Trung Quốc ở Campuchia với lời mời chào "việc nhẹ, lương cao". Hàng chục người Việt Nam đã tháo chạy hồi tháng 08/2022 trong sự truy đuổi của những kẻ canh gác casino, họ đã phải nhảy xuống sông để thoát khỏi "địa ngục".
Tường thuật bổ sung từ BBC tiếng Miến Điện.
Chúng tôi sẽ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và tiếp tục thông tin đến độc giả nếu có thêm diễn tiến mới.
Huyền Trân
Nguồn : BBC, 18/06/2023
Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện gây chiến với dân
Thu Hằng, RFI, 04/03/2023
Trong bản báo cáo về tình hình 2 năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, được công bố ngày 03/03/2023, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện coi người dân là đối thủ và gây chiến với nhân dân. Tại Miến Điện, "thảm họa ngày càng tồi tệ", trong khi quân đội "hoàn toàn không bị trừng phạt".
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Naypyidaw, Miến Điện ngày 31/01/2023. AP
Ngoài những lời lên án nghiêm khắc trên, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2.940 người đã chết, trong đó gần 30% tử vong khi bị giam cầm. Tuy nhiên, ông James Rodehaver, phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao ủy Nhân quyền, cho rằng số người chết trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. AFP lưu ý là ông, cũng như các cộng tác viên, không được trực tiếp đến Miến Điện.
Quân đội Miến Điện hoạt động trên khoảng 13 mặt trận, được không lực và pháo binh gia tăng yểm trợ và đã tiến hành hơn 300 đợt không kích trong năm 2022. Gần 80% trên tổng số 330 địa phương ở Miến Điện bị tác động từ các cuộc đối đầu vũ trang. Phát biểu trong buổi họp báo tại Genève, ông James Rodehaver nhận định "chưa có lúc nào cuộc khủng hoảng ở Miến Điện lại đạt đến quy mô như vậy trên khắp cả nước".
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, gần 39.000 ngôi nhà trên khắp Miến Điện đã bị thiêu rụi hoặc bị phá hủy trong các chiến dịch quân sự từ tháng 02/2022, "tăng hơn 1.000 lần" so với năm 2021. Quân đội và lực lượng giữ an ninh đã tiến hành 17.572 vụ bắt giam kể từ cuộc đảo chính. Ngoài ra, tập đoàn quân sự còn sử dụng chiến lược, được gọi là "Bốn kiểu cắt" : cắt lương thực, cắt tuyển mộ, cắt truyền thông và cắt nguồn tiền hoặc phương tiện thay thế của đối lập.
Người phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao ủy Nhân quyền đánh giá hành động của tập đoàn quân sự cho thấy "họ coi nhân dân Miến Điện là đối lập, là đối thủ" và "cả một quân đội đang gây chiến với chính dân tộc của họ", khiến mọi quyền của con người bị thụt lùi.
Thu Hằng
**************************
Quân đội Myanmar liên tục gây ra khủng hoảng nhân quyền’
VOA tiếng Việt, 03/04/2023
Phúc trình của Liên Hiệp Quốc ngày 3/3 cáo buộc quân đội Myanmar ‘không ngừng gây ra khủng hoảng nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực.
Các làng mạc ở Myanmar bị đốt cháy
Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền cách nay hai năm, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến đấu tranh chống chính quyền quân sự trên nhiều mặt trận theo sau cuộc đàn áp đẫm máu các đối thủ khiến các nước phương Tây tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Phúc trình, ghi lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong giai đoạn từ ngày 1/2 2022 đến ngày 31/1 năm 2023, cho thấy bạo lực đã gia tăng ở tây bắc và đông nam Myanmar bằng ‘các cuộc không kích bừa bãi và pháo kích, đốt cháy ồ ạt các ngôi làng để di dời dân thường và từ chối cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận’ của quân đội Myanmar.
Phúc trình cho biết chiến thuật được quân đội sử dụng này là nhằm để cắt đứt các nhóm vũ trang phi nhà nước khỏi nguồn cung thực phẩm, tài chính, tình báo và tuyển quân.
"Quân đội, vốn trở nên tàn bạo do từ trước tới nay tuyệt đối không bị trừng phạt, trước sau vẫn thể hiện sự coi thường các nghĩa vụ và nguyên tắc quốc tế", Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, cho biết trong một tuyên bố.
"Cần có hành động cụ thể, khẩn cấp để chấm dứt thảm họa đang manh nha này".
Chính quyền Myanmar không trả lời ngay lập tức các cuộc gọi và email hỏi ý kiến của Reuters.
Chính phủ quân phiệt Myanmar trước đó nói rằng họ có nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và an ninh và phủ nhận họ có hành động tàn bạo và nói rằng họ đang tiến hành chiến dịch hợp pháp chống lại những kẻ khủng bố.
Ông James Rodehaver, đại diện Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Myanmar, cho biết các cuộc đụng độ vũ trang đang xảy ra ở khoảng 77% diện tích đất nước.
"Chưa có lúc nào và hoàn cảnh nào mà khủng hoảng ở Myanmar lại đi xa đến mức này, rộng đến mức này trên khắp đất nước", ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva.
Trong các khuyến nghị của mình, phúc trình kêu gọi các giới chức Myanmar chấm dứt bạo lực và ngừng đàn áp các đối thủ.
"Các hoạt động quân sự phải dừng lại để có chỗ cho đối thoại để có thể chấm dứt khủng hoảng này", phúc trình viết.
Theo Reuters
Ngay trước giờ đi học vào buổi chiều ngày 16/9/2022, Nwe Phyo, 9 tuổi, đã rất xúc động khi được người chú tặng cho một đôi dép mới.
Cô bé pha cho chú mình một tách cafe, xỏ đôi giày mới rồi đi đến trường cách nhà 10 phút đi bộ, ở làng Let Yet Kone, miền trung Myanmar. Ngay sau đó, người chú nhớ lại, ông nhìn thấy hai chiếc trực thăng bay vòng quanh làng. Đột nhiên họ bắt đầu nổ súng.
Zin Nwe Phyo và các bạn cùng lớp vừa đến trường và đang ổn định chỗ ngồi với giáo viên thì có người hét lên rằng máy bay đang lao tới.
Họ bắt đầu chạy tìm chỗ ẩn nấp, sợ hãi và kêu cứu khi tên lửa và đạn bắn vào trường học.
"Chúng tôi không biết phải làm gì", một giáo viên đang ở trong lớp học khi các cuộc không kích bắt đầu cho biết. "Lúc đầu tôi không nghe thấy tiếng trực thăng, tôi nghe thấy tiếng đạn và bom rơi xuống sân trường".
"Trẻ em bên trong tòa nhà chính của ngôi trường bị thương và bắt đầu chạy ra ngoài, cố gắng chạy trốn", một giáo viên khác nói. Cô cùng với lớp trốn được sau một cây me lớn.
Một nhân chứng cho biết : "Họ bắn xuyên qua tường trường học, trúng vào bọn trẻ. "Các mảnh vỡ bay ra khỏi tòa nhà chính khiến trẻ em ở tòa nhà bên cạnh bị thương. Ở tầng trệt xuất hiện những chiếc hố lớn".
Đồ đạc trên sàn lớp học sau cuộc không kích
Bên tấn công là hai trực thăng vũ trang Mi-35 do Nga sản xuất, có biệt danh là "xe tăng bay" hoặc "cá sấu" vì vẻ ngoài hung hãn và lớp giáp bảo vệ.
Chúng mang theo một loạt vũ khí đáng gờm, bao gồm cả súng thần công bắn nhanh, mạnh mẽ và các khoang bắn hàng loạt tên lửa có sức tàn phá lớn đối với con người, phương tiện và tất cả mọi thứ trừ những tòa nhà kiên cố nhất.
Trong hai năm kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, các cuộc không kích như vậy đã trở thành một chiến thuật mới và nguy hiểm trong cuộc nội chiến hiện đang bế tắc và tàn khốc trên khắp đất nước.
Những cuộc không kích này được tiến hành bởi lực lượng không quân mà những năm gần đây đã sở hữu tăng lên khoảng 70 máy bay, chủ yếu do Nga và Trung Quốc sản xuất.
Thật khó để ước tính có bao nhiêu người đã mất mạng trong các cuộc không kích như vậy bởi vì việc tiếp cận phần lớn Myanmar hiện nay là không thể, khiến cho thế giới bên ngoài hầu như không thể biết được thiệt hại thực sự của cuộc xung đột. BBC đã trao đổi với các nhân chứng, dân làng và gia đình qua hàng loạt cuộc điện thoại để tìm hiểu diễn biến vụ tấn công vào trường học.
Các nhân chứng cho biết vụ nổ súng diễn ra trong khoảng 30 phút, xé toạc các bức tường và mái nhà.
Sau đó quân đội đã hạ cánh từ hai chiếc trực thăng khác gần đó tiến vào, một số vẫn đang nổ súng, và ra lệnh cho những người sống sót ra ngoài và ngồi xổm trên mặt đất. Họ đã được cảnh báo là không được nhìn lên, nếu không sẽ bị giết. Những người lính bắt đầu hỏi họ về sự hiện diện của bất kỳ lực lượng chống đối nào trong ngôi làng.
Bên trong tòa nhà chính của ngôi trường, ba đứa trẻ nằm chết. Một là Zin Nwe Phyo. Một em bé khác là Su Yati Hlaing, 7 tuổi - em và chị gái được bà ngoại nuôi. Cha mẹ của họ, giống như rất nhiều người trong làng, đã chuyển đến Thái Lan để tìm việc làm. Những người khác bị thương nặng, một số bị mất chân tay. Trong số đó có Phone Tay Za, cũng 7 tuổi, kêu lên đau đớn.
Những người lính sử dụng thùng nhựa có bọc lót để thu thập các bộ phận cơ thể người. Ít nhất 12 trẻ em và giáo viên bị thương đã được đưa lên hai xe tải do quân đội chỉ huy và chở đến bệnh viện gần nhất ở thị trấn Ye-U. Hai trong số những đứa trẻ sau đó đã thiệt mạng. Trên cánh đồng quanh làng, một cậu bé vị thành niên và sáu người lớn đã bị binh lính bắn chết.
Zin Nwe Phyo, 9 tuổi (trái) và Su Yati Hlaing, 7 tuổi
Đây là một đất nước từ lâu đã có nội chiến. Các lực lượng vũ trang Miến Điện đã chiến đấu với nhiều nhóm nổi dậy khác nhau kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Nhưng những cuộc xung đột này không sử dụng công nghệ cao, chủ yếu dùng bộ binh trong một cuộc tranh giành lãnh thổ không hồi kết ở các vùng biên giới tranh chấp. Chúng thường khác một chút so với chiến tranh chiến hào ở một thế kỷ trước.
Nhưng vào năm 2012 tại tỉnh Kachin - ngay sau khi lực lượng không quân có được chiếc trực thăng Mi-35 đầu tiên - quân đội lần đầu tiên sử dụng vũ khí trên không để chống lại quân nổi dậy. Các cuộc không kích cũng được sử dụng trong một số cuộc xung đột nội bộ khác vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt 10 năm dân chủ của Myanmar, ở các tỉnh Shan và Rakhine.
Tuy nhiên, kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021, quân đội đã phải chịu thương vong nặng nề trong các cuộc phục kích trên đường do hàng trăm người được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, hay PDF - những dân quân tình nguyện được lập ra sau khi chính quyền quân sự đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại cuộc đảo chính.
Vì vậy, quân đội buộc phải dựa vào sự hỗ trợ của không quân - ném bom bằng máy bay thích hợp với việc tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất, hoặc sử dụng súng như ở Let Yet Kone, nơi các máy bay bắn phá trước khi binh lính đến để tiêu diệt hoặc bắt giữ bất kỳ lực lượng đối lập nào mà họ tìm thấy.
Quân đội Myanmar đã tiến hành ít nhất 600 cuộc không kích từ tháng 2/2021 đến tháng 1/2023, theo phân tích của BBC về dữ liệu từ nhóm giám sát xung đột Acled.
Rất khó để ước tính thương vong từ những cuộc tấn công này. Theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG), phe đối lập với chế độ quân sự, các cuộc không kích của lực lượng vũ trang đã giết chết 155 thường dân từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022.
Các nhóm kháng chiến được trang bị kém, không có khả năng chống lại các cuộc không kích. Họ đã sử dụng drone để thực hiện các cuộc tấn công của mình, thả chất nổ nhỏ xuống các phương tiện quân sự và chốt canh gác, nhưng hiệu quả là không đáng kể.
Không rõ tại sao quân đội lại nhắm vào Let Yet Kone. Đó là một ngôi làng nghèo với khoảng 3.000 cư dân, hầu hết là nông dân trồng lúa hoặc đậu phộng, nơi mang màu nâu đặc trưng của vùng khô hạn miền trung Myanmar, vốn khan hiếm nước ngoài mùa gió mùa.
Ngôi làng nằm ở một huyện tên là Depayin, nơi có sự phản đối mạnh mẽ đối với cuộc đảo chính. Depayin đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội và PDF, mặc dù theo người dân, không phải ở làng Let Yet Kone. Ít nhất 112 trong số 268 vụ tấn công được NUG ghi nhận là ở phía nam Sagaing, ở vị trí của Depayin.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự cho biết sau vụ tấn công vào trường học, các binh sĩ đã đến ngôi làng để kiểm tra sự hiện diện của các máy bay chiến đấu từ PDF và từ Quân đội Độc lập Kachin (KIA), và họ đã bị tấn công từ ngôi trường. Phát biểu này mâu thuẫn với câu chuyện mà tất cả nhân chứng đã nói với BBC. Quân đội không đưa ra bằng chứng nào về hoạt động của quân nổi dậy tại ngôi trường.
Ngôi trường mới được thành lập ba tháng trước đó trong một tu viện Phật giáo ở rìa phía bắc của ngôi làng, với khoảng 240 học sinh theo học. Người dân nói với BBC rằng đây là một trong hơn 100 trường học ở Depayin hiện đang được điều hành bởi các cộng đồng phản đối sự cai trị của quân đội.
Các giáo viên và nhân viên y tế là những người ủng hộ sớm nhất của phong trào bất tuân dân sự. Một trong những hành động thách thức đảo chính đầu tiên và được ủng hộ rộng rãi nhất là việc các nhân viên nhà nước tuyên bố sẽ không hợp tác với chính phủ quân sự mới. Kết quả là rất nhiều trường học và trung tâm y tế hiện đang được điều hành bởi các cộng đồng chứ không phải chính phủ.
Mẹ của Phone Tay Za nói rằng cô nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ bắt đầu khoảng 30 phút sau khi tiễn con trai đến trường. Nhưng, giống như chú của Zin Nwe Phyo, cô cho rằng ngôi trường không thể là mục tiêu của trực thăng vũ trang.
"Sau khi tiếng súng hạng nặng im bặt, tôi đi về phía trường học. Tôi nhìn thấy những trẻ em và người lớn ngồi xổm trên mặt đất, cúi đầu xuống. Những người lính đang đá những người ngẩng đầu lên".
Cô cầu xin những người lính cho mình đi tìm con trai. Họ từ chối. Một người nói với cô : "Các người quan tâm khi phía các người bị bắn, nhưng không quan tâm khi điều đó xảy ra với chúng tôi".
Sau đó, cô nghe thấy tiếng gọi của Phone Tay Za, và họ để cô đến gặp con trai mình trong phòng học đổ nát.
"Tôi tìm thấy con trên vũng máu với đôi mắt nhấp nháy chậm chạp. Tôi nói với con rằng con sẽ ổn thôi. 'Con sẽ không chết đâu'".
"Tôi đã khóc hết nước mắt, hét lên 'sao các người có thể làm điều này với con trai tôi'. Cả ngôi trường chìm trong im lặng một cách tuyệt đối. Khi tôi hét lên, âm thanh vang vọng khắp các tòa nhà. Một người lính hét vào mặt tôi rằng không được hét lên như vậy và bảo tôi ngồi yên tại chỗ. Vì vậy, tôi ngồi trong lớp học khoảng 45 phút, ôm con trên tay. Tôi thấy xác của ba đứa trẻ ở đó. Tôi không biết đó là con của ai. Tôi không thể nhìn vào mặt chúng".
Phone Tay Za chết ngay sau đó. Quân đội không cho mẹ em giữ xác và mang đi. Thi thể của Zin Nwe Phyo và Su Yati Hlaing cũng được quân đội mang đi trước khi gia đình họ có thể nhìn thấy, và sau đó được bí mật hỏa táng.
Cách đó hàng ngàn km ở Thái Lan, cha mẹ của Su Yati Hlaing đang làm việc theo ca trong nhà máy sản xuất linh kiện điện tử thì nghe tin quân đội đã tấn công ngôi làng của họ.
Cha mẹ của Su Yati Hlaing đang làm việc ở Thái Lan với hy vọng kiếm đủ tiền để mang lại cho em một cuộc sống tốt hơn
"Vợ chồng tôi vô cùng đau đớn. Chúng tôi không thể tập trung vào công việc được nữa", cha cô bé nói.
"Lúc đó khoảng 2h30 chiều nên chúng tôi không thể ra về. Chúng tôi cứ làm việc mà lòng trĩu nặng. Đồng nghiệp hỏi thăm có sao không. Vợ tôi không cầm được nước mắt nữa và bắt đầu khóc. Chúng tôi quyết định không làm thêm giờ như thường lệ vào ngày hôm đó và yêu cầu trưởng nhóm cho chúng tôi về phòng".
Cuối buổi tối hôm đó, họ nhận được cuộc gọi từ bà của Su Yati Hlaing thông báo rằng cô bé đã bị giết.
Cuộc tấn công ở Let Yet Kone đã khiến dư luận quốc tế và bàng hoàng và lên tiếng chỉ trích, nhưng các cuộc không kích vẫn tiếp tục diễn ra.
Vào ngày 23/10/2022, các máy bay phản lực của lực lượng không quân đã ném bom một buổi biểu diễn ở Kachin để kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc nổi dậy của KIA.
Những người sống sót cho biết ba vụ nổ lớn đã tấn công đám đông đang tập trung cho sự kiện, giết chết 60 người, bao gồm cả các chỉ huy cấp cao của KIA và một ca sĩ Kachin nổi tiếng. Nhiều người khác được cho là đã thiệt mạng trong những ngày tiếp theo sau khi quân đội ngăn chặn việc sơ tán những người bị thương nặng trong vụ tấn công.
PDF hoặc dân quân tình nguyện đã gây thương vong nặng nề cho quân đội
Ở đầu kia của đất nước, lực lượng không quân đã ném bom một mỏ chì ở phía nam tỉnh Karen, gần biên giới với Thái Lan, vào ngày 15/11, khiến ba thợ mỏ tử vong và làm bị thương tám người khác. Người phát ngôn của chính quyền biện minh cho cuộc tấn công với lý do việc khai thác là bất hợp pháp và trong khu vực do Liên minh dân tộc Karen (KNU) kiểm soát.
Và chỉ trong tháng trước, không quân đã ném bom căn cứ chính của Mặt trận Quốc gia Chin nổi dậy, cạnh biên giới với Ấn Độ. Quân đội cũng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào hai nhà thờ ở tỉnh Karen, giết chết 5 dân thường.
Năng lực tác chiến trên không gia tăng này đang được duy trì nhờ sự hỗ trợ liên tục từ Nga và Trung Quốc sau cuộc đảo chính, bất chấp việc nhiều chính phủ khác tẩy chay chế độ quân sự của Myanmar.
Đặc biệt, Nga đã từng bước trở thành nhà ủng hộ ngoại quốc mạnh mẽ nhất. Các thiết bị của Nga, như Mi-35 và máy bay phản lực tấn công mặt đất Yak-130, là trung tâm của chiến dịch trên không nhằm chống quân nổi dậy. Trung Quốc gần đây đã cung cấp cho Myanmar các máy bay huấn luyện FTC-2000 hiện đại, loại máy bay cũng rất phù hợp cho các cuộc tấn công mặt đất.
Ai đang cung cấp máy bay cho Myanmar ?
Số người chết lớn trong các cuộc tấn công này đã thu hút sự chú ý của các nhà điều tra tội phạm chiến tranh. Các lực lượng vũ trang Myanmar thường bị cáo buộc về những tội ác như vậy trong quá khứ - thường là những hành vi của bộ binh, đặc biệt là đối với người Rohingyas vào năm 2017. Nhưng việc sử dụng sức mạnh không quân kéo theo những kiểu hành động tàn bạo mới.
Đối với những người sống sót ở ngôi làng Let Yet Kone, cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc vào ngày 16/9.
Họ nói rằng nhiều trẻ em và một số người lớn vẫn còn bị tổn thương bởi những gì họ nhìn thấy vào ngày hôm đó. Quân đội tiếp tục nhắm mục tiêu vào ngôi làng của họ, tấn công thêm ba lần nữa và đốt cháy nhiều ngôi nhà.
Đây là một ngôi làng nghèo. Họ không có tài nguyên để xây dựng lại, và trong mọi trường hợp, họ không biết khi nào những người lính sẽ quay lại đốt cháy ngôi làng lần nữa.
"Con cái là tất cả đối với cha mẹ", một chỉ huy dân quân địa phương nói. "Bằng cách giết chết những đứa con của chúng tôi, quân đội đã nghiền nát tinh thần chúng tôi. Và tôi phải nói rằng chúng đã thành công. Ngay cả đối với bản thân mình, tôi sẽ cần rất nhiều động lực để tiếp tục cuộc chiến đấu cách mạng lúc này".
Cha mẹ của Su Yati Hlaing vẫn đang ở Thái Lan, không thể trở về sau cái chết của con gái. Họ không đủ khả năng chi trả cho chuyến đi, cũng như nguy cơ mất việc làm tại nhà máy mà họ luôn hy vọng sẽ mang lại cho cô con gái nhỏ của họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người mẹ nói : "Tôi đã tưởng tượng rất nhiều. Tôi tưởng tượng rằng khi trở về, tôi sẽ sống hạnh phúc với các con gái của mình, tôi sẽ nấu ăn cho chúng, bất cứ món gì chúng muốn. Tôi có rất nhiều ước mơ. Tôi muốn các con khôn ngoan và có học thức, không như cha mẹ, là những kẻ thất học. Các con vừa mới bắt đầu cuộc hành trình. Con gái tôi thậm chí không có được tình cảm và sự ấm áp gần gũi của cha mẹ, bởi vì chúng tôi đã đi xa quá lâu. Giờ đây, cháu đã ra đi mãi mãi".
BBC đã phân tích dữ liệu từ Acled, nơi thu thập các báo cáo về các sự cố liên quan đến bạo lực chính trị và các cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Các cuộc không kích được định nghĩa là các sự kiện xung đột liên quan đến máy bay ở các địa điểm cụ thể trong một cuộc đụng độ vũ trang hoặc là một cuộc tấn công độc lập. Dữ liệu bao gồm khoảng thời gian từ ngày 1/2/2021 đến ngày 20/1/2023.
Jonathan Head
Phân tích dữ liệu : Becky Dale
Sản xuất : Lulu Luo, Dominic Bailey
Thiết kế : Lilly Huynh
Tường thuật bổ sung : BBC Burmese, 01/02/2023
Bầu cử do tập đoàn quân sự Miến Điện tổ chức khiến "bạo lực gia tăng"
Trọng Thành, RFI, 31/01/2023
Hai năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự ở Miến Điện, tập đoàn quân sự thông báo sẽ tổ chức một cuộc bầu cử "tự do và công bằng" trong năm nay. Liên Hiệp Quốc cảnh báo, bầu cử nếu được tổ chức sẽ khiến việc trở lại với tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện "thêm khó khăn", đồng thời kêu gọi quốc tế phản đối.
Tướng Min Aung Hlaing, thủ tướng Miến Điện, đi duyệt các đơn vị quân đội trong lễ kỷ niệm 75 năm Miến Điện Độc Lập, tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 04/01/2023. AP - Aung Shine Oo
Theo AFP, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, nhà ngoại giao gốc Singapore Noeleen Heyzer, hôm 31/01/2023, ra thông cáo, có đoạn "tổ chức bầu cử sẽ làm xung đột kéo dài, khiến cho việc quay trở lại nền dân chủ và tình trạng ổn định thêm khó khăn hơn". Trước đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về dự án tổ chức bầu cử của tập đoàn quân sự. Hôm 30/01, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến các điều kiện hiện tại không cho phép tổ chức bầu cử, với "không kích gia tăng, nơi cư trú của thường dân bị đốt phá, cùng lúc với việc các lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo liên tiếp bị bắt bớ, đe dọa và hành hung".
Bầu cử nếu được tổ chức có thể khiến chiến sự gia tăng tại nhiều khu vực ở Miến Điện. Trả lời AFP, Lin Lin, thành viên của một trong số hàng chục nhóm Tự Vệ Nhân Dân, hiện đang có mặt tại một vùng rừng núi sát biên giới Thái Lan, khẳng định cuộc bầu cử của tập đoàn quân sự sẽ không mang lại thay đổi gì cho tình hình hỗn loạn hiện nay. Ông nói : "Chúng tôi sẽ cầm vũ khí cho đến khi nào Miến Điện có được một chính quyền dân cử". Các nhóm Tự Vệ Nhân Dân, được thành lập ít lâu sau cuộc đảo chính, trung thành với Chính phủ Đoàn Kết Dân tộc (GNU - government of national unity) chống tập đoàn quân sự.
Theo Jakarta Post, báo mạng Indonesia, hôm thứ Sáu tuần trước 27/01, tập đoàn quân sự đã ra thời hạn hai tháng cho các đảng phái chính trị đăng ký để tham gia bầu cử. Tập đoàn quân sự đề ra các quy định nghiêm ngặt, như bất kỳ đảng phái nào cũng phải huy động đủ 100.000 thành viên mới được phép ra tranh cử, hay phải mở văn phòng tại một nửa số đô thị trên toàn quốc trong vòng 180 ngày.
Hiện tại, tập đoàn quân sự Miến Điện chưa chính thức thông báo thời điểm bầu cử. Theo AFP, "trong tình hình đối lập chính trị hoàn toàn bị trấn áp, và được sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc và Nga, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức trước tháng 8/2023, thể theo quy định trong Hiến pháp" do tập đoàn quân sự ấn định. Chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định bất cứ cuộc bầu cử nào dưới sự điều hành của tập đoàn quân sự đều là "dàn dựng".
Trọng Thành
************************
Quan chức Liên Hợp Quốc lên án đàn áp nhân quyền quy mô lớn ở Myanmar
VOA, 29/01/2023
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên án sự tàn bạo ngày càng gia tăng và sự đàn áp quy mô lớn của các lãnh đạo quân sự Myanmar nhằm duy trì và củng cố quyền lực.
Kỳ họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 22/12/2022 bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về Myanmar.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên án sự tàn bạo ngày càng gia tăng và sự đàn áp quy mô lớn của các lãnh đạo quân sự Myanmar nhằm duy trì và củng cố quyền lực.
Ông Türk nói rằng Myanmar ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kể từ khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của đất nước gần hai năm trước, vào ngày 1 tháng 2/2021.
Người phát ngôn của ông Türk, Jeremy Laurence, nói rằng đất nước này đã trải qua một sự đàn áp quy mô lớn về nhân quyền.
Ông nói rằng bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát, hoàn toàn bất chấp nghĩa vụ pháp lý của quân đội để bảo vệ thường dân theo luật pháp quốc tế.
Ít nhất 2.890 người được cho là đã chết dưới tay quân đội. Tuy nhiên, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc tin rằng con số đó quá thấp. Cơ quan này báo cáo rằng hành động quân sự chống lại dân thường đã khiến 1,2 triệu người bị thất tán, trong khi bạo lực và đàn áp đã buộc khoảng 70.000 người khác phải rời bỏ đất nước.
Ông Türk nói rằng không có cách nào dễ dàng thoát khỏi tình hình thảm khốc. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, ông nói rằng các tướng lĩnh của Myanmar đã coi thường sự đồng thuận năm điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Myanmar.
Ông Laurence nói rằng cao ủy đã xác định các biện pháp khác là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chúng bao gồm việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết hiếm hoi về Myanmar, nghị quyết đầu tiên trong hơn bảy thập kỷ, yêu cầu "chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực trên khắp đất nước".
Nguồn : VOA, 29/01/2023
*************************
Tập đoàn quân sự Myanmar ra quy định bầu cử có lợi cho họ
Reuters, VOA, 27/01/2023
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Myanmar hôm 27/1 công bố các yêu cầu khó khăn mà các chính đảng phải đáp ứng để chạy đua trong cuộc bầu cử trong năm nay, bao gồm phải có số lượng đảng viên cao hơn nhiều so với trước đây. Động thái này có thể gạt các đối thủ của quân đội ra bên lề và củng cố sự kiểm soát của quân đội đối với đất nước.
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing
Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã lãnh đạo cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng trong hệ thống chính trị gần như là dân sự do quân đội dựng nên, dẫn đến một thập kỷ cải cách chưa từng có.
Đất nước này đã rơi vào hỗn loạn kể từ vụ đảo chính, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau một cuộc đàn áp đẫm máu các đối thủ khiến phương Tây áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt
Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay. Một thông báo trên truyền thông nhà nước hôm 27/1 cho biết các đảng phái có ý định ra tranh cử trên phạm vi toàn quốc phải có ít nhất 100.000 đảng viên, tăng từ mức 1.000 trước đó và phải cam kết tranh cử trong 60 ngày tới nếu không sẽ bị hủy tư cách đảng phái.
Các quy định này tạo thuận lợi cho Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một đảng phái đại diện cho phe quân sự với thành phần là nhiều cựu tướng lĩnh, vốn đã bị Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi làm cho thua tơi tả trong cuộc các bầu cử/2015 và 2020.
NLD đã sụt giảm số lượng thành viên sau cuộc đảo chính, với hàng nghìn đảng viên bị bắt hoặc bỏ tù, bao gồm cả bà Suu Kyi, và nhiều người khác đang lẩn trốn.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đã làm việc tại Myanmar trong 15 năm, cho biết các quy định này nhằm khôi phục hệ thống chính trị mà quân đội có thể kiểm soát.
"Các đảng phái hoặc là sẽ quá sợ hãi, bị xúc phạm trước sự giả hiệu của cuộc bầu cử, hoặc là chiến dịch tranh cử trên toàn quốc trong hoàn cảnh đó sẽ quá tốn kém. Ai sẽ tài trợ cho một đảng chính trị vào lúc này ?", ông nói.
"Toàn bộ màn trình diễn này là để duy trì sự cai trị của quân đội. Đó là gánh hát. Quy định chẳng cần phải hợp lý, bởi vì họ đã quyết định kết quả bầu cử".
Tập đoàn quân sự cầm quyền nói họ cam kết thực thi dân chủ và họ phải giành lấy quyền lực vì có những vi phạm không được giải quyết trong cuộc bầu cử/2020 mà khi đó đảng NLD cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo.
Đảng NLD hồi tháng 11 đã mô tả cuộc bầu cử là ‘giả hiệu’ và nói họ sẽ không thừa nhận nó. Cuộc bầu cử này cũng đã bị các chính phủ phương Tây bác bỏ và xem là ‘giả hiệu’.
(Reuters)
Nguồn : VOA 27/01/2023
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới "đừng quên Miến Điện"
Phan Minh, RFI, 23/09/2022
Trước Hội Đồng Nhân Quyền, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews hôm 22/09/2022 đã có một bài phát biểu nhằm đánh động cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng Miến Điện dường như đang bị lãng quên.
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews, ngày 22/09/2022. AFP – Fabrice Coffrini
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
Phải chăng Đại Hội Đồng Liên Quốc ở New York đã làm cho cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền trống vắng đến ba phần tư đại diện các nước ? Tuy nhiên, những lời phát biểu của ông Tom Andrews vẫn còn vang vọng trong hội trường ở Geneve. Vị đặc phái viên người Mỹ đã tố cáo một cách chi tiết, những hành động sách nhiễu của chính quyền quân sự Miến Điện, cũng như việc cộng đồng quốc tế bỏ rơi hồ sơ Miến Điện nhưng nhanh chóng phản ứng trong vấn đề Ukraine.
Ông nói : Không giống như trong hồ sơ Ukraine, không có phiên họp đặc biệt của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cũng không có bộ phận phản ứng nhanh nào chịu trách nhiệm phong tỏa tài sản của giới tướng lãnh Miến Điện. Hành động có sức thuyết phục lời nói. Và sự tương phản trong hai cuộc xung đột này nói lên rất nhiều điều đối với người dân Miến Điện.
Báo cáo viên đặc biệt cũng đề cập lại về vụ tấn công một trường học cách đây vài ngày và dường như đã giết chết hơn một chục trẻ em. Ông cũng kêu gọi các nước hãy cô lập chính quyền quân sự về mặt kinh tế và chính trị. Ví dụ, qua việc từ chối công nhận cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự định tổ chức vào năm tới.
Ông Andrews nói tiếp : Đó sẽ không phải là một cuộc bầu cử. Đó sẽ là một vụ đánh cắp. Không thể có bầu cử tự do nếu bỏ tù, tra tấn và hành quyết các nhà đối lập.
Mặc dù xúc động, ông Tom Andrews vẫn tỏ ra rất thực tế. Ông nói : Tôi biết Hội Đồng Bảo An sẽ không hành động, nhưng các quốc gia riêng lẻ thì cần phải hành động.
Phan Minh
**************************
Hoa hậu Myanmar bị kẹt lại ở sân bay Thái Lan, lo sợ bị bắt nếu về nước
Reuters, VOA, 23/09/2022
Một hoa hậu từng lên tiếng chống đối giới quân đội cầm quyền của Myanmar bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế của Thái Lan 3 ngày nay, tính đến thứ Sáu 23/9. Cô hy vọng sẽ được cấp phép nhập cảnh, trong khi các nhà hoạt động và hãng chủ quản của cô kêu gọi nhà chức trách Thái không đưa cô trở về tổ quốc của cô.
Hoa hậu Han Lay của Myanmar ở Bangkok, Thailand, hồi ngày 31/3/2021 (ảnh tư liệu).
Hoa hậu Han Lay thu hút sự chú ý của quốc tế hồi năm ngoái với bài phát biểu trong cuộc thi hoa hậu về hành động đàn áp chết chóc của quân đội đối với các cuộc biểu tình chống chính quyền ở tổ quốc Myanmar. Những ngày này, cô bị chính quyền Thái Lan từ chối nhập cảnh mặc dù cô đã tị nạn ở Thái Lan trong cả năm qua.
Giờ là người mẫu 23 tuổi, hoa hậu có tên thật là Thaw Nandar Aung, đã bị chặn lại tại sân bay Suvarnhabhumi, Bangkok, hôm 21/9, khi quay lại Thái Lan sau chuyến thăm ngắn ngày ở Việt Nam. Cục xuất nhập cảnh Thái cho biết cô sử dụng giấy thông hành không hợp lệ.
Han Lay nói với Reuters rằng cô đã bị bộ phận xuất nhập cảnh chặn lại và bị giữ một đêm trong phòng tạm giam nhưng "hiện tại đã ổn".
"Tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", cô nói qua điện thoại, không tiết lộ hiện tại cô đang ở đâu.
Đội ngũ quản lý sự kiện làm việc với Han Lay cho biết họ hy vọng cô có thể tái nhập cảnh vào Thái Lan.
"Điều duy nhất chúng tôi muốn là cô ấy không quay trở lại Myanmar vì nếu cô ấy quay trở lại, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với cô ấy", một vị đại diện giấu tên cho biết.
Khi được hỏi về trường hợp của Han Lay hôm 23/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho hay nhà chức trách "không bắt giữ và không có kế hoạch đưa cô ấy đi bất cứ đâu trong giai đoạn này".
Reuters không thể liên lạc được với người phát ngôn của quân đội Myanmar để đề nghị đưa ra bình luận về trường hợp của Han Lay.
Trong một bài đăng trên Facebook, Han Lay cho biết cảnh sát Myanmar có mặt ở sân bay Bangkok để tìm cách gặp cô, nhưng cô từ chối gặp và đã liên lạc với cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
UNHCR cho hay chính sách của họ là không xác nhận về các trường hợp riêng rẽ.
Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra ý kiến trên Twitter rằng chính quyền Thái Lan nên bảo vệ Han Lay và "trong bất kỳ hoàn cảnh nào" cũng đừng trả cô về Myanmar.
(Reuters)
Án tử hình nhắm vào các nhà đối lập chính trị ở Miến Điện có thể cấu thành tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại. Đây là nhận định của ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện.
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện thông báo sẽ xử tử 4 người, trong đó có một cựu đảng viên đảng của bà Aung San Suu Kyi và một nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng.
Ngày 03/06, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện thông báo sẽ xử tử 4 người, trong đó có một cựu đảng viên đảng của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự đã bị quân đội Miến Điện lật đổ trong vụ đảo chính ngày 01/02/2021, và một nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng. Đây là những vụ hành quyết tư pháp đầu tiên ở Miến Điện kể từ năm 1990.
Theo AFP, trong một tuyên bố bằng văn bản, Koumjian, lãnh đạo Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, cho biết đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện này. Ông viết : "Thông tin đã cho thấy rõ ràng là, theo luật pháp quốc tế, các quyền cơ bản của những người bị kết án trong quá trình tố tụng này đã bị vi phạm một cách trắng trợn".
Lãnh đạo Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện nhấn mạnh : "Việc áp đặt một bản án tử hình, hoặc thậm chí một thời gian giam giữ, dựa vào một quy trình không đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một phiên tòa công bằng, có thể cấu thành một hoặc nhiều tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh".
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đã kết án tử hình vài chục nhà đấu tranh chống đảo chính năm 2021, trong khi ở Miến Điện không ai bị hành quyết trong hơn 30 năm qua. Các phán quyết được đưa ra trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp tàn bạo nhắm vào các cuộc đấu tranh chống vụ đảo chính của quân đội.
Thùy Dương