Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/06/2023

Myanmar : ốc đảo ngục tù của giới trẻ và di dân Việt Nam ?

Kelly Ng - Huyền Trân

Myanmar : Người trẻ đối mặt với ước mơ tan vỡ khi phải sống lưu vong

Kelly NG, BBC, 19/06/2023

Năm 2019, Pann Pann bắt đầu công việc đầu tiên của mình, lưu giữ hồ sơ bệnh án tại một bệnh viện nhà nước ở thành phố Bago, miền nam Myanmar. Cô từng khao khát trở thành trưởng bộ phận.

myanmar1

Những người trẻ biểu tình chống đảo chính giơ ba ngón tay hiện đã trở thành biểu tượng đòi quyền dân chủ

Nhưng bốn năm sau, cô gái 25 tuổi lại đang làm bồi bàn ở Bangkok, ước mơ của cô bị gác sang một bên khi chế độ quân sự bạo tàn tiếp tục cai trị đất nước.

"Nếu không vì cuộc đảo chính, tôi sẽ không bao giờ rời đi", cô nói. "Tôi muốn xây dựng cuộc sống của mình ở Myanmar. Nhưng không còn nơi nào an toàn ở đất nước tôi nữa".

Khi Pann Pann tốt nghiệp đại học, Myanmar vẫn đang được hưởng nền tự do chính trị hiếm có, lần đầu tiên sau 50 năm. Nền kinh tế, bị tàn phá sau nhiều thập kỷ bất ổn, bắt đầu hồi phục khi khách du lịch đến và đầu tư nước ngoài đổ vào.

Rồi đến tháng 2/2021, quân đội đã bắt giữ Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo được bầu nên dân chủ. Điều này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống đảo chính quy mô lớn, gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu và khiến nền kinh tế bị tuột dốc.

Những ngày đầu của phong trào hậu đảo chính được ghi dấu bằng sự phản kháng của sức trẻ, nhưng sự lạc quan đó nhanh chóng bị suy yếu.

Rủi ro khi ở lại Myanmar tăng lên đối với những người như Pann Pann, từng là thành viên tích cực của phong trào bất tuân dân sự, một cuộc đình công quy mô rộng khắp do công nhân ở lĩnh vực công khởi xướng, nhằm chống lại sự cai trị của quân đội.

Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 70.000 người đã rời khỏi Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính. Sự ra đi là do những người trẻ bất mãn muốn tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ít hơn 1,1 triệu người Miến Điện đang làm việc trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2020.

Trong nhiều thập kỷ, các dân tộc thiểu số của nước này đã trốn chạy khỏi sự đàn áp. Sau đó, hàng trăm ngàn người Rohingya cũng chung số phận khi quân đội bị cáo buộc phạm tội diệt chủng nhằm vào cộng đồng Hồi giáo.

Giờ đây, sau cuộc đảo chính, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và thậm chí cả những người dân thường Myanmar, kiệt sức vì cuộc nội chiến, đã muốn ra đi.

myanmar2

Thời kỳ dân chủ ngắn ngủi của Myanmar đã bị dập tắt bởi cuộc đảo chính năm 2021

Với Pann Pann, quyết định rời khỏi Myanmar không phải là một điều dễ dàng.

Cô đã dành nhiều tháng lẩn trốn chính quyền bằng cách chuyển từ nhà họ hàng này sang nhà người khác. Cô tiếp tục sống ở Bago khi một số người bạn của cô bị chính quyền quân sự sát hại. Cuối cùng, một người bạn ở Mỹ đã giúp quyên góp tiền mua vé máy bay một chiều đến Chiang Mai cho cô.

Khi không tìm được việc làm ở đó, cô chuyển đến Bangkok. Cô đã trải qua bảy công việc trái phép như trông trẻ, giúp việc, hầu bàn và công nhân xây dựng trong năm đầu tiên.

Nhưng cô ấy cho biết đã có đôi chút ổn định. Hiện cô kiếm được 12.000 baht (350 USD) mỗi tháng, đủ để trả tiền thuê một căn phòng nhỏ gần đó.

"Cuộc sống ở Thái Lan rất chật vật vì tôi không nói được tiếng của họ và không nói tốt tiếng Anh. Tôi vẫn không thể ở lại đây một cách hợp pháp... nhưng lại an toàn hơn", cô nói.

Pann Pann tin rằng tên mình nằm trong "danh sách đen" khiến cô lo lắng về chuyện hồi hương. Vì vậy, cô ấy không biết khi nào mình sẽ gặp lại gia đình.

"Nhưng tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn", cô nói. "Tôi không đến Thái Lan vì ở đây thoải mái hơn. Tôi thậm chí còn không biết Thái Lan như thế nào. Nhưng khi ở Myanmar, trong đầu tôi chỉ có một điều duy nhất : Tôi phải ra đi".

Nỗi sợ hãi cũng là điều đã buộc Augustine Thang phải đạp xe xuyên biên giới từ bang Chin của Myanmar đến Mizoram ở Ấn Độ vào tháng Giêng năm ngoái cùng vợ và hai con nhỏ.

Anh không bao giờ quay trở lại, mặc dù vẫn đang cầu nguyện để có cơ hội.

Người đàn ông 34 tuổi này là phó phòng phúc lợi xã hội của bang Chin khi cuộc đảo chính xảy ra. Anh tham gia phong trào bất tuân dân sự một tuần sau đó.

myanmar3

Quân đội Myanmar dập tắt các cuộc biểu tình chống đảo chính, châm ngòi cho cuộc nội chiến kéo dài

Nỗi khiếp sợ về sự trả thù từ quân đội và áp lực phải chăm lo cho gia đình của anh là quá lớn.

"Đó là một quyết định khó khăn. Tôi yêu quê hương, làng mạc của mình và tôi muốn làm việc cho người dân của mình, nhưng tôi đã chọn ra đi vì cuộc sống của chúng tôi rất quý giá", anh nói.

Thang hiện đảm nhận các công việc 'gọi khi cần' trong xây dựng.

"Tôi muốn trở thành giám đốc bộ phận [cũ] của mình và tập trung vào sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Bây giờ tôi không có được một công việc thường xuyên. Tôi giúp đỡ bạn bè và họ chia sẻ thu nhập của họ với tôi. Điều này không ổn", anh nói.

"[Mizoram] không phải là nhà của chúng tôi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác".

Trong số những điều Thang nhớ nhất về Myanmar là "được sống yên bình, được đi đánh cá trên biển và có cá tươi". Nhưng anh vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó đất nước anh sẽ "lấy lại dân chủ" với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.

4444444444444444444444444

Quân đội Myanmar đang sử dụng các cuộc không kích và thậm chí đốt cháy cả ngôi làng để đàn áp sự phản kháng

Không phải tất cả những ai chạy khỏi Myanmar đều vì sợ hãi. Có một số người như Julia Khine, một sinh viên kỹ thuật người Myanmar ở Hong Kong, rời đi vì việc học. Nhưng chứng kiến ​​nhng gì đã xy ra vi đất nước mình, cũng khiến cô không sn lòng quay tr li.

"Tôi hy vọng được đóng góp cho đất nước và người dân của mình, nhưng từ bên ngoài Myanmar", cô gái 21 tuổi về quê lần cuối vào tháng 8/2022. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy nói muốn đi du lịch khắp thế giới "để nói về sự bất công đang diễn ra ở Myanmar".

Cô nói rằng thật rối bời khi sống một cuộc sống tương đối yên bình khi bạn bè và gia đình ở quê nhà phải đối mặt với bạo lực và bất ổn mỗi ngày.

"Thật khó để kết thân ở Hong Kong vì họ không thể thấu hiểu với những mối bận tâm của tôi", cô nói. "Tôi đã rất kinh hoàng trước các cuộc không kích gần đây [ở Myanmar], nhưng tôi không cảm thấy họ sẽ hiểu được cảm giác của mình, vì vậy tôi phải vờ như không có chuyện gì xảy ra".

Cuộc không kích mà cô ấy đề nhắc đến đã cướp đi hơn 100 sinh mạng tại một ngôi làng ở phía tây bắc.

Cô ấy cũng không sẵn lòng chia sẻ chi tiết về cuộc sống của mình với những người ở quê nhà - và thậm chí không sử dụng mạng xã hội - vì sợ bị xem là thiếu cân nhắc.

Julia Khine nói thêm, cha mẹ của bạn bè cô, những người bị quân đội giết chết sẽ đặc biệt "bị kích động nếu họ thấy rằng tôi đang sống tốt".

Trong khi đó, Pann Pann khắc khoải nhớ thương gia đình và bạn bè ở nhà thờ. Nhưng cô luôn tự nhủ rằng mình đã là người may mắn rồi.

"Nhiều bạn bè của tôi vẫn đang phải lẩn trốn, chuyển từ nhà này sang nhà khác. Một số đã bị sát hại", cô nói. "Tôi luôn nhắc mình rằng cuộc sống của họ còn khó khăn hơn tôi nên tôi phải mạnh mẽ lên".

Kelly Ng.

Nguồn : BBC, 19/06/2023

**************************

Người Việt kêu cứu từ 'bẫy lừa đảo' ở Myanmar

Huyền Trân, BBC, 18/06/2023

Cách đây vài ngày, BBC News tiếng Việt nhận được lời cầu cứu từ người thân của một nạn nhân người Việt bị mắc kẹt ở Myanmar.

22222222222222222222222

Nói với gia đình đến Singapore làm việc, công dân Việt Nam, anh H lại đang kêu cứu từ Myanmar.

Anh H, sinh năm 1991, quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được một người Việt Nam giới thiệu sang Singapore làm việc.

Tuy nhiên anh H mất liên lạc với gia đình từ ngày 18/05.

Gần đây, anh H nhắn tin qua Facebook với người anh họ là anh Gia, cho biết đang bị giam cầm tại một nơi mà anh tin là cơ sở lừa đảo của Trung Quốc tại Myanmar.

'Lừa được người khác qua thì được thả về'

Theo video định vị do anh H gửi đến người nhà, BBC News tiếng Việt và BBC Visual Team đã xác định có hàng chục người Việt đang ở một tòa nhà cao tầng tại thị trấn Laukkaing, Myanmar.

Laukkaing là thủ phủ vùng tự trị Kokang, bang Shan (Myanmar), giáp biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Luakkaing có hàng chục sòng bài, khách sạn của Trung Quốc. Các chính trị gia địa phương trong thập niên qua có tham vọng biến nơi đây thành một 'đặc khu Macau của Myanmar'.

Theo tường thuật của Frontier Myanmar , năm 2020, khi đến phường trung tâm Tong Chaing ở Laukkaing, người ta ngỡ như tớiTrung Quốc. Nơi đây không chỉ có lối kiến trúc, ngôn ngữ Trung Quốc, mà đơn vị tiền tệ sử dụng chính thức cũng là tiền tệ Trung Quốc, đồng nhân dân tệ.

Anh Gia, anh họ của anh H, nói với BBC News tiếng Việt rằng nạn nhân đã bị tịch thu điện thoại ngay từ sân bay Nội Bài :

"Ngày 05/04, H bay từ Vinh vào Sài Gòn. Từ Tân Sơn Nhất thì hoãn một đêm, xong bay ra Hà Nội, ở một đêm. Từ Hà Nội bị thu mất điện thoại, không biết bay đi đâu. Đến sân bay Myanmar nghỉ chân ở đó một đêm, đi xe ba ngày, rồi mới báo gia đình đang ở Myanmar, nói không phải ở Singapore".

"Bố mẹ có kể với tôi là H có một người bạn quê ở Thanh Hóa rủ đi Singapore. Tên tuổi người này thì không ai nắm được, gia đình cũng không nắm được hợp đồng gì cả. Chỉ biết rằng người ấy đang ở Campuchia".

Anh Gia gửi cho BBC hình anh H bị thương tích, được cho biết là do bị chích điện, đánh đập vì dám bỏ trốn. Những vết thương đã được người ở cùng phòng khâu lại.

3333333333333333333333

Anh H gửi ảnh cho người thân, nói mình bị thương do bị đánh đập vì bỏ trốn, và các vết thương đã được người ở cùng phòng khâu lại

"H bỏ trốn một lần với một người Thanh Hóa, thì bị đánh ở chân. Người ở chung đã giúp khâu vá vết thương. Người kia thì bị đánh gãy tay, mặt không bị đánh. Chúng nói là trừ bộ mặt ra, còn lại bị chích điện hết", anh Gia nói.

"Theo tin nhắn tôi nhận được từ H thì chúng nói nếu lừa được một người Việt sang bên đó sẽ được thả về, và đã có người lừa được người khác sang để mình được thả về".

"H kể trong khu vực có 30 người Việt Nam ở đó. Mỗi phòng bị chia có năm người. Ở bên đấy là giả giọng con gái để lừa tình, lừa tiền, rủ rê đánh bạc qua mạng, gửi trang web khiêu dâm… Mỗi một tháng không lừa đủ hai trăm đô la qua mạng thì bị chích điện".

"Gia đình H cực kỳ lo lắng và đang cầu cứu, đã gửi đơn lên xã và sẽ gửi tiếp lên cấp cao thêm", anh Gia cho biết thêm.

"Công an xã Kim Liên, huyện Nam Đàn có nói ‘nhiều người đi lao động cả năm trời không liên lạc được là bình thường, con ông bà mới có một tháng mà đã lo’. Xã Kim Liên đã tiếp nhận đơn, còn xử lý thế nào thì đang đợi".

Theo nội dung tin nhắn qua Facebook mà anh H gửi đến người nhà mà BBC News tiếng Việt xem được thì những người đang bị giam giữ tại đây đến các tỉnh từ Nam tới Bắc của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An.

"Lâu lâu cứ có người sang anh ạ", anh H gửi tin nhắn cho người thân.

Cảnh sát Myanmar nói gì ?

Các đồng nghiệp ban BBC News Miến Điện đã giúp chúng tôi liên lạc với cảnh sát tại Laukkaing.

Một viên chức cảnh sát địa phương giấu tên tại Laukkaing nói với BBC News Tiếng Miến Điện như sau :

"Cảnh sát quận chúng tôi đã nhận được thư từ đại sứ quán các nước kể từ hồi đầu tháng này, vào khoảng ngày 8 và 9/6 và sau đó họ hướng dẫn cảnh sát phường tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân.

"Chúng tôi hiện đang tìm những người là công dân Việt Nam, Thái Lan và các quốc tịch khác. Có khi chúng tôi phải tìm các nạn nhân mà không có hình ảnh của họ, chỉ có tên, tuổi. Điều này cũng khiến công tác tìm kiếm của chúng tôi bị cản trở. Nếu chúng tôi có thể có hình ảnh các nạn nhân, việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".

"Một số công ty không hợp tác trong quá trình tìm kiếm này. Quy trình là chúng tôi gửi thư đến các công ty trước và cùng tìm kiếm với các sở, ngành khác như giới chức địa phương, cảnh sát chống buôn người, và bao gồm chúng tôi, cảnh sát địa phương".

"Một số casino và khách sạn đã từ chối hợp tác, không muốn quá trình tìm kiếm thực hiện tại cơ sở của họ vì sợ bị ảnh hưởng kinh doanh", viên chức cảnh sát này cho biết.

Thị trấn Laukkaing, 'Macau của Myanmar'

Myanmar gần đây đã tiến hành những hành động nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo trên mạng xuyên biên giới.

Theo tường thuật từ phóng viên của BBC Tiếng Miến Điện, Myanmar đã cấm người nước ngoài vào thị trấn Lashio để ngăn chặn họ tiến hành kinh doanh lừa đảo trên mạng ở thị trấn Mine và Laukkaing ở bang Shan, giáp với Trung Quốc.

Động thái này xuất hiện sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đến Naypyitaw hồi đầu tháng Năm.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar xác nhận với BBC tiếng Miến Điện về lệnh cấm này, nhằm trấn áp giới lừa đảo trên mạng và những bên khác. Theo BBC Tiếng Miến Điện thì phía Trung Quốc cũng đang tiến hành trấn áp những hoạt động lừa đảo.

Hiện thị trấn Laukkaing vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật sau cuộc giao tranh năm 2015 giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang thiểu số, Kokant.

Trong những năm qua, Laukkaing được biết đến là một thành phố casino nhưng cũng được người dân địa phương biết đến là trung tâm cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo.

Theo điều tra của BBC tiếng Miến Điện, thì những người chủ casino và kinh doanh tại Luakkaing có lực lượng cảnh vệ riêng.

Khi ra khỏi tổng hành dinh, những người này đều có xe bảo vệ hộ tống. Điều này cho thấy dường như Luakkaing về mặt nào đó đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát địa phương.

Hồi năm ngoái, trả lời The Guardian, ông Jason Tower, Giám đốc quốc gia Myanmar của Viện United States Institute of Peace đã cảnh báo  về việc các hoạt động lừa đảo trên mạng chuyển từ Campuchia sang Myanmar. Nguyên do, theo ông, là những kẻ lừa đảo lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc theo sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 tại quốc gia này, và những kẽ hở của luật pháp nơi đây.

Năm 2022, BBC News tiếng Việt đã tường thuật về việc người Việt Nam bị lừa bán sang casino của Trung Quốc ở Campuchia với lời mời chào "việc nhẹ, lương cao". Hàng chục người Việt Nam đã tháo chạy hồi tháng 08/2022 trong sự truy đuổi của những kẻ canh gác casino, họ đã phải nhảy xuống sông để thoát khỏi "địa ngục".

Tường thuật bổ sung từ BBC tiếng Miến Điện.

Chúng tôi sẽ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và tiếp tục thông tin đến độc giả nếu có thêm diễn tiến mới.

Huyền Trân

Nguồn : BBC, 18/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kelly Ng, Huyền Trân
Read 264 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)