Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/06/2023

Thể chế và tổ chức Đảng có vấn đề

Nguyễn Nam, Thới Bình

Thể chế có vấn đề ?

Nguyễn Nam, VNTB, 18/06/2023

"Một nhà nước pháp quyền sao lại đặt vấn đề chủ nghĩa cá nhân trong công việc quản trị quốc gia ?"

theche1

Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…

"Một nhà nước pháp quyền sao lại đặt vấn đề chủ nghĩa cá nhân trong công việc quản trị quốc gia" – đây là câu hỏi dễ bật ra khi người dân hiểu rằng với đề nghị này của chính phủ, có nghĩa lâu nay động từ ‘dám’ trong chuyện quản lý hành chính mới là điều quyết định, chứ không phải tuân thủ theo pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ mới là nguyên tắc chung.

Hệ quả của Đảng trị

Trong một hội luận cuối tuần của nhóm thân hữu đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, bàn luận chủ đề trên, nhiều ý kiến nhìn nhận sở dĩ phải lệ thuộc vào động từ "dám" vì rất nhiều trường hợp phía lãnh đạo Đảng đã đưa ra những "định hướng" mang tính chủ quan của "thượng tầng chính trị bảo thủ", nên phía thực hiện ở cấp dưới để làm tốt trách nhiệm công vụ, họ phải cần đến hành động gọi là "dám" của "dám chơi, dám chịu" cho việc mà Chính phủ đang muốn được "luật hóa" từ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Đơn cử tại phiên họp đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào sáng ngày 11/8/2021, trong diễn văn huấn thị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại về cung cách quản trị quốc gia của Đảng :

"Chúng ta biết rằng, hệ thống chính trị ở nước ta gồm có 3 bộ phận : Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo có nghĩa là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại.

Nhà nước bao gồm Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp quản lý có nghĩa là Nhà nước tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, biến nó thành hiện thực. Nhân dân thông qua Mặt trận, các tổ chức quần chúng thành viên của Mặt trận làm chủ là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do mình làm ra.

Riêng về các cơ quan nhà nước thì Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ; Chính phủ là cơ quan hành pháp, có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, biến luật pháp của Nhà nước, tức cũng là đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước ; các cơ quan tư pháp gồm Tòa án, Viện Kiểm sát… là cơ quan bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cho xã hội, cho nhân dân".

Thượng tầng chính trị bảo thủ đã khiến hạ tầng rối ren

Vẫn theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì mối quan hệ hữu cơ trên được ông nhìn nhận đầy phấn khích rằng :

"Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta ; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt".

Vì sao tôi dám nói như vậy ? Tôi xin chứng minh : Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã tiến hành rất thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021) ; tiếp theo đó là 3 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (tháng 5/2021) ; tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đại hội XIII và các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng.

Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương theo đúng tiến độ, kịp thời, với sự đồng thuận, nhất trí cao, dư luận quốc tế rất quan tâm. Chính phủ họp hôm nay cũng chỉ sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV có mấy ngày.

Tôi được biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị để sẽ họp Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Hội nghị này của Chính phủ. Rõ ràng, đây là sự phối hợp rất cần thiết, rất nhịp nhàng, bài bản, và thực tế cho thấy đây là cách làm hợp lý, cho kết quả tốt đẹp"…

Như vậy, với cách hiểu thông thường của tam đoạn luận, rõ ràng là một khi định hướng của đường lối – chủ trương từ Đảng thiếu rõ ràng, nặng tính duy ý chí, thì buộc cấp thừa hành nếu muốn quản trị tốt quốc gia, họ cần phải biết "dám" lên tiếng và "dám" hành động dứt khoát với những gì mà Đảng đã quá bảo thủ.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 18/06/2023

****************************

Vì còn Đảng còn mình nên "Đảng bảo gì, làm đấy"

Thới Bình, VNTB, 18/06/2023

Chính phủ Phạm Minh Chính đang đề nghị Quốc hội ‘luật hóa’ việc "dám nghĩ – dám làm" bằng một nghị quyết…

theche2

"Sếp bảo gì làm đấy, cứ đều đều, cầm chừng cho an toàn !"

Có một vấn đề cần bàn luận cho đề nghị đó : nếu đã "còn Đảng thì còn mình" như nhắc nhở của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở hội nghị của Bộ Công an hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, thì một khi "Đảng bảo gì" cần "phải làm đấy" (!?).

Ông bạn của người viết bài này kể rằng khi sinh hoạt lúc trà dư tửu hậu ở Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, ông đã chứng kiến không ít cán bộ, kể cả người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị không dám ký các văn bản, nhất là liên quan đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai… do lo sợ nếu chẳng may có vấn đề sai phạm sẽ phải "vào tù".

"Có cán bộ rất có năng lực, trí tuệ nhưng khi tôi hỏi vì sao không dám làm đã thẳng thắn trả lời rằng "nếu làm chẳng may sau này sai dù không tư lợi, đều vì cái chung nhưng sẽ chẳng có ai bảo vệ, có thể bị kỷ luật, đi tù. Cho nên "sếp bảo gì làm đấy, cứ đều đều, cầm chừng cho an toàn". Nếu việc có chậm trễ, bị phê bình thì cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, phê bình hay mất thi đua…" – người bạn này kể như vậy.

Quản trị quốc gia trong bối cảnh lệ thuộc vào ‘mệnh lệnh’ của các cấp từ Tổng bí thư tối cao cho đến những Bí thư Tỉnh/ Thành/ Đảng/ Đoàn sẽ đưa đến ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, đột phá với vi phạm pháp luật nhiều khi trở nên rất mong manh. Điều này khiến cán bộ chùn bước và mang trong mình tâm lý những gì pháp luật chưa quy định thì thôi không tham mưu, không làm.

Thậm chí đâu đó người ta vẫn nghe có cán bộ đã phát biểu công khai "nếu làm thì sợ sai nên chỉ làm việc cầm chừng để không có sai phạm, không bị xử lý".

Trong quá khứ từng xảy ra sự việc vì "dám nghĩ – dám làm" mà vướng lao lý, đến mức khi ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết rõ sự tình nhưng vẫn không cách gì xoay trở được sự cứng nhắc của người đứng đầu Bộ Chính trị lúc đó.

Đó là ông Vũ Ngọc Hải – cựu Bộ trưởng Năng lượng – đang chịu án tù nhưng được Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 28 bộ trưởng, thứ trưởng tới thăm vì công lao lớn cho đường dây 500 KV.

Sau khi hoàn thành công trình xây dựng đường dây truyền tải điện Bắc Nam 500KV, ông bị khởi tố vì Bộ Chính trị cho rằng ông có những sai phạm trong dự án này. Ông bị án phạt 3 năm tù giam và được đặc xá sau khi thụ án 1 năm tại Trại Thanh Xuân (V26, Bộ Công an).

Thông thường, khi đặc xá mỗi phạm nhân phải viết một bản tường trình, trong đó phải viết "tôi đã nhận rõ tội lỗi" ; nhưng ông Vũ Ngọc Hải dứt khoát không viết như vậy.

Về sau, trong những dịp trò chuyện với báo chí, ông Vũ Ngọc Hải nhắc rằng, "Thủ tướng có nói với tôi, nếu đường dây 500KV không thành công thì ông sẽ từ chức. Tôi có nói với anh em ngành điện là ông Kiệt phát biểu như thế đấy. Ngoài ra, trong quá trình làm, có nhiều người ở miền Nam gọi điện ra nói là trong đó đang rất thiếu điện, càng giúp chúng tôi có thêm động lực để quyết tâm hơn".

Theo ông Hải, thực tế Thủ tướng Võ Văn Kiệt không phải chuyên gia ngành điện nhưng Thủ tướng hiểu rằng không có năng lượng, không có điện thì không thể phát triển kinh tế được. Do đó, Thủ tướng rất ủng hộ và được Thủ tướng hỗ trợ nên công trình gặp nhiều may mắn.

"Một lần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm công trường trên đèo Lò Xo. Khi thấy công nhân còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng cảm và chỉ đạo Bộ Năng lượng và Bộ Y tế tính cơ chế riêng cho anh em kỹ sư, công nhân thực hiện công trình này để Thủ tướng giải quyết. Ngay sau đó, anh em làm việc trên rừng được bổ sung thêm thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe làm việc, đẩy nhanh tiến độ cho công trình", ông Hải kể.

Trong hồi ức, ông Hải nói rằng đầu tiên là những ý kiến phản đối, vì cho rằng công trình sẽ gây lãng phí ngân sách. Một luồng ý kiến khác lại đề xuất bán điện sang Trung Quốc để thắt chặt mối quan hệ bang giao của hai nước.

Nhưng vướng mắc lớn nhất đó là kinh tế. Lúc bấy giờ kinh tế rất khó khăn, công trình quy hoạch là đến năm 1995 nhưng năm 1992 đã bắt đầu, cái này không có trong kế hoạch mà phải chi hàng trăm ngàn tỷ.

"Ngày 5/4/1992, giữa lúc Quốc hội đang có cuộc họp quan trọng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo khởi công công trình tại các cụm điểm : một vị trí ở Mãn Đức (Hòa Bình), một vị trí ở Hòa Sơn – Hòa Vang (Đà Nẵng) và một vị trí ở Phú Lâm" – ông Vũ Ngọc Hải nhắc lại.

Từ câu chuyện trên cho thấy trong yêu cầu "dám nghĩ, dám làm" ở hiện tại đang cần đến những chính khách "dám chơi, dám chịu" ở tầm đứng đầu Chính phủ như ông Võ Văn Kiệt hồi nào.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 18/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Thới Bình
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)