Liên Hiệp Quốc có đủ bằng chứng truy tố thủ phạm "tội ác chiến tranh" ở Miến Điện
Thu Hằng, RFI, 09/08/2023
Ngày 08/08/2023, Liên Hiệp Quốc thông báo có những bằng chứng chắc chắn về tình trạng "tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại tăng mạnh" ở Miến Điện. Quân đội Miến Điện và các lực lượng dân quân trực thuộc bị tố cáo "phạm tội ác chiến tranh ngày càng thường xuyên và trắng trợn hơn".
Ảnh chụp từ máy bay làng Bin tại Mingin Township tỉnh Sagaing ngày 03/02/2022 sau khi bị quân đội Miến Điện phóng hỏa. Reuters – Stringer
Báo cáo thường niên của Cơ chế Điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện (IIMM) - được Hội Đồng Nhân Quyền thành lập năm 2018 - xác nhận thông tin của các tổ chức Liên Hiệp Quốc khác, cũng như những tổ chức phi chính phủ hoặc của các Nhà nước về tình trạng bạo lực ở Miến Điện từ khi tập đoàn quân sự đảo chính năm 2021.
AFP nhắc lại các thành viên của IIMM chưa bao giờ được phép tới Miến Điện. Nhưng họ đã trao đổi với hơn 700 nguồn tin, thu thập và xử lý "hơn 23 triệu yếu tố cung cấp thông tin", trong đó có lời kể của nhân chứng, tài liệu, ảnh, video, bằng chứng pháp y và hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Những bằng chứng này sẽ được sử dụng để truy tố những kẻ phạm tội ác chiến tranh.
Trả lời RFI ngày 09/08, ông Nicholas Koumjian, đứng đầu Cơ chế Điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, giải thích :
"Trong số những tội ác mà chúng tôi thống kê và thu thập được chứng cứ, có nhiều tội ác xảy ra trong quá trình giam giữ. Trên khắp cả nước, rất nhiều người bị bắt và bị giam giữ mà không xét xử. Chúng tôi cũng thu thập được những lời chứng về các hành động tra tấn ở trong tù, xâm hại tình dục đối với đàn ông và phụ nữ trong các nhà giam.
Chúng tôi cũng có nhiều bằng chứng về việc lính Miến Điện chiếm một ngôi làng, bắt giữ dân cư, thường dân và chiến binh rồi hành quyết họ. Chúng tôi cũng nhận thấy hiện tượng này được mở rộng, đặc biệt trong những tháng gần đây, các vụ oanh kích thường dân, tấn công vào các ngôi làng thường có, kết cục là rất nhiều người thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em.
Chúng tôi tập hợp tất cả những bằng chứng này để một ngày nào đó sử dụng trong quá trình tố tụng hình sự và buộc những người chịu trách nhiệm về những tội ác này phải bị nghiêm trị. Chúng tôi muốn nói là chúng tôi ở đó, thu thập bằng chứng. Đối với những người phạm tội ác, chúng tôi muốn nói là có một cơ chế sẽ làm mọi cách để truy tố họ và họ sẽ bị đưa xét xử trước pháp luật một ngày nào đó".
Thu Hằng
************************
Liên Hiệp Quốc : Tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar ‘thường xuyên và trắng trợn hơn’
VOA, 08/08/2023
Tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar, bao gồm cả ném bom vào dân thường, đã trở nên ‘ngày càng thường xuyên và trắng trợn’, một nhóm các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết trong một phúc trình được công bố hôm 8/8.
Quân đội Myanmar bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh
Phúc trình của Cơ chế điều tra độc lập Myanmar (IIMM), nói về giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, cho hay có ‘bằng chứng thuyết phục’ cho thấy quân đội Myanmar và các lực lượng dân quân thuộc hạ đã phạm 3 loại tội ác chiến tranh trong chiến đấu với tần suất và sự trắng trợn ngày càng tăng’.
Những tội ác này bao gồm nhắm bắn bừa bãi hoặc không cân xứng vào dân thường bằng cách ném bom và đốt nhà dân, đôi khi khiến toàn bộ làng mạc bị phá hủy.
Phúc trình cũng dẫn ra ‘việc sát hại dân thường hay binh lính bị bắt giam trong các chiến dịch’.
"Bằng chứng của chúng tôi cho thấy tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại ở nước này gia tăng đáng kể, với các cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân, và chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để tòa có thể sử dụng nhằm trừng trị các thủ phạm", ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu IIMM, nói.
Kể từ khi giới quân đội chiếm đoạt quyền lực 2 năm trước, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau khi quân đội đàn áp đẫm máu các đối thủ, khiến các nước phương Tây tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Reuters không thể liên lạc được phát ngôn nhân của tập đoàn quân sự cầm quyền để đề nghị họ bình luận về những kết luận của các nhà điều tra Liên Hợp Quốc.
Tập đoàn quân sự trước đây đã phủ nhận chuyện có xảy ra hành động tàn bạo, và nói rằng họ đang thực hiện một chiến dịch hợp pháp chống lại quân khủng bố.
Mặc dù họ đã biện minh cho các vụ đánh bom là nhằm vào các mục tiêu quân sự, song các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nói rằng quân đội Myanmar ‘lẽ ra phải biết hoặc thực sự đã biết’ rằng đông đảo thường dân đang có mặt ở đó hoặc xung quanh các mục tiêu khi các cuộc tấn công diễn ra.
(Reuters)