Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, gọi tắt là ADMM+, mở ra trực tuyến vào hôm nay, 16/06/2021, lãnh đạo Quốc phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác của ASEAN, Nhật Bản lại công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước bộ Luật Hải Cảnh mới vừa được Bắc Kinh ban hành, cho phép tàu cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài. Ngoài Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á cũng có những phê phán tương tự.

luathaicanh1

Tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016.  AP

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong phát biểu của mình tại hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng dưới quyền chủ trì của Brunei, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nêu bật vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định rằng Tokyo mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Trong phát biểu mình, bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích một luật của Trung Quốc được áp dụng kể từ tháng 2 vừa qua, cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc.

Ông Kishi tố cáo : "Luật này có những điều khoản có vấn đề nếu xét trên bình diện nhất quán với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như những điểm mập mờ về vùng biển nơi có thể áp dụng luật, cũng như về cấp có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí".

Theo báo mạng Philippines Rappler, Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc cũng bị một số nước ASEAN chỉ trích nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM mở ra hôm qua.

Trích dẫn thông tin từ bộ Quốc phòng Philippines, Rappler cho biết là nhân cuộc họp, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều quan ngại trước các hành động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông, trong lúc một số bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về Luật Hải Cảnh Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng có liên quan đã nêu bật tính chất mơ hồ trong việc áp dụng luật này tại Biển Đông, nơi các quốc gia thành viên ASEAN khác như Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Từ khi được ban hành, luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng như tại nhiều khu vực trên biển Hoa Đông, trong đó có vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý.

Hồ sơ Biển Đông nhìn chung đã chiếm một phần quan trọng trong hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng lần này với việc các nước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, quyền hoạt động thương mại không bị cản trở và việc sớm thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông COC, đang đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc phòng 18 nước

Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, các đối tác của ASEAN trong hội nghị ADMM+ - từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand, vào hôm nay cũng hoan nghênh lời mời của ASEAN tham gia vào chương trình thành lập đường dây nóng cấp bộ trưởng của toàn khối nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Đường dây nóng, mang tên Cơ sở hạ tầng Truyền thông trực tiếp ASEAN, hay ADI, nhằm mục đích cho phép đối thoại để thúc đẩy giảm thiểu nguy cơ xung đột, giải tỏa những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong các tình huống khủng hoảng hoặc khẩn cấp.

Đây là phương án nhằm mục đích cung cấp thông tin liên lạc an toàn bằng giọng nói, fax hoặc email, theo một tài liệu định nghĩa khái niệm đã được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua vào năm 2019 để mở rộng ADI cho tám quốc gia đối tác bên ngoài nhóm.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Thủ tướng Nhật Suga hứa giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng an ninh trên biển

Thanh Phương, RFI, 21/10/2020

Hôm 21/10/2020, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga kết thúc chuyến thăm hai nước Việt Nam và Indonesia, chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức thủ tướng. 

nhat1

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga họp báo tại Jakarta trong chuyến thăm Indonesia, ngày 21/10/2020.  AP - Dita Alangkara

Theo hãng tin AP, trong cuộc họp báo tại thủ đô Jakarta hôm nay, thủ tướng Suga cam kết là Nhật Bản sẽ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng bảo vệ an ninh trên biển, trong có có việc huấn luyện và chuyển giao thiết bị từ lực lượng tuần duyên Nhật Bản.

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Suga đã một lần nữa tuyên bố : "Nhật Bản chống lại mọi hành động khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông". Thủ tướng Nhật kêu gọi các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông không dùng vũ lực hoặc có hành động cưỡng ép, mà nên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông Suga nói thêm là hành động của Nhật Bản ở vùng Biển Đông không nhắm vào quốc gia nào và Tokyo cũng không hề có ý định thành lập một khối "NATO thu nhỏ" để kềm chế bất cứ quốc gia nào.

Chuyến công du hai nước Đông Nam Á của thủ tướng Nhật đã diễn ra vài ngày sau một cuộc họp tại Tokyo giữa các ngoại trưởng của bốn nước trong nhóm QUAD ( Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ ). Bắc Kinh đã lên án nhóm 4 quốc gia dân chủ của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khối "NATO thu nhỏ" nhằm cản trở sự phát triển của Trung Quốc.

Tuy vậy, chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của thủ tướng Suga chính là nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam và Indonesia, hai nước có vai trò trọng yếu trong khối ASEAN, nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Tokyo vẫn xem các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh đối với Nhật Bản, đồng thời vẫn tố cáo việc Bắc Kinh đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông

Trong chiều hướng thắt chặt quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á, hôm qua, thủ tướng Suga đã đồng ý với tổng thống Joko Widodo là Nhật Bản và Indonesia sẽ đẩy nhanh đàm phán về xuất khẩu công nghệ quốc phòng của Nhật sang Indonesia, đồng thời sẽ sớm tổ chức cuộc họp 2+2, tức là cuộc họp giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao của hai nước.

Trước đó, hôm thứ Ba, tại Việt Nam, thủ tướng Suga và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về việc xuất khẩu thiết bị và công nghệ quân sự của Nhật Bản sang Việt Nam.

Tại Việt Nam cũng như tại Indonesia, thủ tướng Suga đều xem hai nước Đông Nam Á này có vai trò trọng yếu trong chiến lược của Nhật nhằm thiết lập một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 21/10/2020

************************

Mỹ Nhật Úc lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông

Tú Anh, RFI, 20/10/2020

Đây là lần thứ năm trong năm nay, hải quân ba nước tập trận trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dũơng, cùng với một số nước khác, nhưng là lần đầu tiên giữa ba nước trong bộ Tứ tại Biển Đông. Theo thông cáo của hải quân Mỹ, cuộc tập trận có mục đích đối phó với mọi tình huống.

nhat2

Tàu hộ tống Kurama (trái) của hải quân Nhật tham gia cuộc diễu hành ở ngoài khơi Vịnh Sagami, Kanagawa, Nhật Bản, ngày 18/10/2015.  AFP – Toru Yamanaka

Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Úc diễn ra trong ngày 19/10/2020. Trong số các chiến hạm tham gia có khu trục hạm Mỹ USS John S. McCain, Kirisame của Nhật và HMAS Arunta của hải quân Úc.

Theo thông báo của bộ chỉ huy Hạm đội 7, các chiến hạm của ba nước đồng minh diễn tập hành quân chung nhằm gia tăng khả năng tập thể duy trì an ninh và tự do hàng hải cũng như để đối phó với mọi tình huống bất trắc trong khu vực Biển Đông. Cụ thể, cuộc tập trận chung, lần thứ năm kể từ tháng Hai năm nay, gồm phòng thủ trên mặt biển, chống tàu ngầm và phòng không cũng như nhiều bài tập huấn khác để phát huy khả năng bảo vệ ổn định và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình dương.

Hạm trưởng Úc và Nhật cũng đưa ra những lời tuyên bố tương tự, xem đây là cơ hội để hải quân ba nước nỗ lực chung vì hoà bình và tự do hàng hải.

Khu trục hạm USS John S. McCain tham gia tập trận ngay sau khi hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cùng với hải đội tác chiến quay trở lại Biển Đông trong khuôn khổ yểm trợ cho chiến dịch tự do hàng hải.

Úc tái hội nhập "Malabar" cùng bộ tứ "Quad"

Cũng trong ngày thứ Hai, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Linda Reynolds loan báo hải quân Úc sẽ tham gia cuộc tập trận "Malabar" vào tháng 11 tới đây, trong vùng biển Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu tiên từ năm 2007, Úc quay trở lại tập cùng với Mỹ, Ấn, Nhật tổ chức một cuộc tập trận qui mô, mà theo AFP, sẽ làm Trung Quốc tức giận.

Cuộc tập trận của bộ tứ "Quad" diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và căng thẳng quân sự Ấn–Trung.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 20/10/2020

********************

Quan hệ Việt-Nhật và nguyên tắc "kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta"

David Camroux, Minh Anh, RFI, 19/10/2020

Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 18/10/2020 đến Hà Nội, mở đầu vòng công du nước ngoài đầu tiên tại Đông Nam Á. Ông Suga Yoshihide là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên của một trong những nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam.

nhat3

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (thứ hai từ trái qua) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyên Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam, Hà Nội, ngày 19/10/2020.  AP - Minh Hoang

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản có từ bao giờ và đã đạt đến mức nào ? Đâu là những thách thức cho mối quan hệ song phương này ? Đến thăm Việt Nam và Indonesia, phải chăng Trung Quốc là đích ngắm chính của Nhật Bản ?

Chuyên gia Đông Nam Á, David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội, trả lời các câu hỏi của RFI tiếng Việt.

***

RFI tiếng Việt : Thưa giáo sư, trước hết ông có thể nhắc lại sơ qua quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã được hình thành như thế nào ?

David Camroux : Cần phải đặt mối quan hệ trong một quá trình lịch sử lâu dài. Những mối liên hệ đầu tiên được hình thành từ năm 1905, thời kỳ chiến tranh Nga – Nhật. Thất bại của một đế chế Châu Âu trước một cường quốc Châu Á đầu tiên đã mang lại nhiều cảm hứng cho các nhà nho có tư tưởng tiến bộ ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Sự việc đầu tiên là ông giáo nho Phan Châu Trinh đã cho mở một trường học tự do đầu tiên, Đông Kinh Nghĩa thục ở Bắc Kỳ vào khoảng năm 1906 dưới thời thực dân Pháp. Đây được xem như là trường dạy Tây học dành cho giới trẻ Việt Nam, dựa theo mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục, bây giờ là đại học Keio ở Tokyo. Cảm hứng này xuất hiện trong những làn sóng chống chủ nghĩa thực dân tại những nước thuộc địa Châu Á.

Giai đoạn thứ hai là trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Việt Nam bị Nhật Bản chiếm đóng trong vòng hai năm. Nhưng trong suốt giai đoạn này, chính quyền thực dân Pháp thời Vichy vẫn cầm quyền. Khác với những nước Đông Nam Á khác, giai đoạn bị chiếm đóng này không để lại nhiều di hại sâu sắc. Ngược lại, sự hiện diện của người Nhật còn được xem như là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh hơn nữa cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam sau này.

Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ những năm 1980. Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ ông Yasuhiro Nakasone phát động làn sóng đầu tư tại Đông Nam Á. Tuy tại Việt Nam chưa có làn sóng này do các lệnh cấm vận, nhưng những sự việc này dẫn đến tình hình hiện nay.

Bởi vì đến năm 2019, Việt Nam qua mặt Thái Lan trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của Nhật Bản tại vùng Đông Nam Á. Làn sóng đầu tư này còn được xúc tiến nhanh hơn nữa trong giai đoạn đối đầu Mỹ - Trung hiện nay. Trong bối cảnh này, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều trước làn sóng di dời nhà xưởng từ Trung Quốc sang các nước khác của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, thủ tướng Suga đi theo bước chân người tiền nhiệm Shinzo Abe. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, 2006/2007, ông Abe đã ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam. Khi trở lại cầm quyền năm 2012, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á mà ông Abe đến thăm. Có thể nói là tân thủ tướng Nhật Bản cũng đang đi theo cùng một đường lối với người tiền nhiệm khi ưu tiên quan hệ với Việt Nam.

RFI : Đâu là những thách thức cho mối quan hệ Nhật – Việt ? Hà Nội và Tokyo có lợi ích gì khi tăng cường các mối quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quân sự ?

David Camroux : Thử thách đặt ra cho cả hai nước là đều có liên quan đến Trung Quốc. Đó chính là những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế hiện nay như những gì đang diễn ra với Bộ Tứ. Nguyên tắc đầu tiên là "Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta". Thế nên, việc tăng cường các mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích hội tụ vừa cả cho Việt Nam lẫn Nhật Bản.

Đầu tiên hết là trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam mong muốn đa dạng hóa nguồn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam cũng muốn củng cố vị thế điểm xuất khẩu trung chuyển thay thế Trung Quốc. Chính vì điểm này Việt Nam rất cần đến các khoản đầu tư của Nhật Bản, cũng như là Châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Kế đến là những lợi ích chiến lược. Vấn đề thật sự đặt ra cho vùng Đông Nam Á là khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. Trong trường hợp này, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước trên tuyến đầu do có những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng như là giữa Trung Quốc với Việt Nam.

Hơn nữa, Bắc Kinh ngày càng có thái độ hung hăng, thậm chí là khiêu khích nữa trong các mối quan hệ với các nước láng giềng. Do vậy, việc thành lập một mặt trận chung chống Trung Quốc tại khu vực này là một điều có lợi cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

RFI : Thưa ông, việc chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến đầu tiên trong chuyến xuất ngoại lần đầu của ông Suga, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do ông Shinzo Abe vạch ra ?

David Camroux : Hoàn toàn đúng vậy. Cả hai nước này là hai nền kinh tế quan trọng với Nhật Bản. Cũng giống như Việt Nam, Indonesia cũng được lợi nhiều từ các nguồn đầu tư Nhật Bản. Chính phủ Indonesia cũng có những chính sách giống như Việt Nam khi mong muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nhật Bản cũng như là phương Tây. Có thể nói là Hà Nội và Jakarta gần như có cùng một quan điểm về Trung Quốc.

Tôi tin rằng có một sự tiếp nối trong cách tiếp cận của ông Suga về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, Indonesia – quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, có một vị thế không thể bỏ qua để có thể gây ảnh hưởng đối với toàn khối ASEAN.

Chính Indonesia là quốc gia đề xuất tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương cho ASEAN. Do vậy lợi thế của Nhật Bản ở đây là tầm nhìn này của ASEAN gần như hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Nhật Bản cũng như là của Việt Nam, vốn dĩ có những mối quan hệ hợp tác với các nước đối tác của Bộ Tứ - tức Diễn đàn an ninh không chính thức giữa ngoại trưởng bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Đúng là cho tới lúc này, Indonesia chưa bị tác động gì nhiều trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Dù vậy, người ta cũng thấy là tại quần đảo Natuna của Indonesia, các ngư dân Trung Quốc và tầu hải cảnh Trung Quốc cũng bắt đầu gây ra những căng thẳng như là những gì họ đã làm với Việt Nam.

Điều nghịch lý ở đây là người xúc tiến tích cực để hình thành nên một mặt trận chung chống Trung Quốc chính là ông Tập Cận Bình. Chính cách hành xử mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông đang giúp định hình, tuy chưa phải là một liên minh, mà là một thỏa thuận giữa các nước láng giềng lập một mặt trận chung nhằm chống lại ông khổng lồ phương Bắc hung hăng.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư David Camroux.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 19/10/2020

***********************

Tại Việt Nam, thủ tướng Nhật lên án "các hoạt động bất hợp pháp" ở Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 20/10/2020

Trong ngày thứ hai chuyến công du Việt Nam, tại Hà Nội, tân thủ tướng Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ các "hoạt động bất hợp pháp" ở Biển Đông.

nhat4

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Văn Phòng Chính Phủ, Hà Nội, Việt Nam, ngày 19/10/2020.  Reuters - POOL

Theo hãng tin Nhật Kyoto, sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã chỉ trích các hành động "chống lại luật pháp" ở Biển Đông. Thủ tướng Nhật nhấn mạnh, "điều quan trọng là tất cả các quốc gia liên quan cần phải làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp hòa bình cho các xung đột ở Biển Đông, không dùng đến vũ lực".

Các hoạt động quân sự hóa và lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là mối lo ngại của Nhật Bản và Việt Nam. Hôm 19/10, Tokyo và Hà Nội đã nhất trí hợp tác an ninh chặt chẽ hơn. Chính phủ hai nước đã ký một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng.

Đúng ngày thủ tướng Nhật đang công du Việt Nam, ba nước trong Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm Mỹ, Nhật và Úc, lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận hải quân tại Biển Đông.

Nhật – Indonesia siết chặt quan hệ quốc phòng 

Hôm nay, thủ tướng Nhật tới Indonesia, quốc gia thứ hai trong vòng công du đầu tiên, kể từ khi ông nhậm chức. Theo Reuters, trong buổi làm việc hôm nay, Tokyo và Jakarta nhất trí thúc đẩy các đàm phán về xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản sang Indonesia. Hai bên dự kiến "sớm tổ chức" các cuộc họp giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước.

Trong một cuộc họp báo với lãnh đạo Nhật Bản, tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định mối quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa Tokyo và Jakarta là rất quan trọng,"đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh giữa các cường quốc trên thế giới", ngụ ý nhắc đến thế đối đầu ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 20/10/2020

**********************

Việt Nam, Nhật Bản đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng

Thanh Phương, RFI, 19/10/2020

Trong khuôn khổ chuyến công du tại Việt Nam, hôm nay, 19/10/2020, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hãng tin Reuters cho biết, theo thông báo của ông Suga, sau cuộc gặp này, hai bên đã "cơ bản" đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

nhat5

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (trái) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, Hà Nội, ngày 19/10/2020.  AFP – Nhac Nguyen

Reuters nhắc lại là từ năm 2014 Tokyo đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí ra nước ngoài để giúp củng cố tiềm lực quân sự của Nhật Bản và giảm bớt chi phí của các thiết bị quân sự sản xuất trong nước. Nhật Bản hiện đang đàm phán với Việt Nam, Indonesia và Thái Lan về các hiệp định bán vũ khí cho các nước này.

Không nói rõ chi tiết về thiết bị quân sự mà Nhật sẽ bán cho Việt Nam, thủ tướng Suga đánh giá thỏa thuận về chuyển giao công nghệ là "một bước tiến lớn trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước". Ông nói thêm : "Việt Nam, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược của Nhật Bản về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Suga, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết lãnh đạo hai nước đã "tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình".

Về mặt kinh tế, thủ tướng Suga thông báo là Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý hợp tác với nhau về việc phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, đạt được thoả thuận về việc bắt đầu áp dụng quy chế đi lại ngắn ngày và khởi động lại đường bay quốc tế hai chiều. Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản đang bị ảnh hưởng vì đại dịch.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với trao đổi mậu dịch hai chiều năm nay đã lên đến 28,6 tỷ đôla. Nhật Bản cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, với tổng cộng 23 tỷ đôla trong năm 2019, chiếm hơn một phần tư vốn vay nước ngoài của Việt Nam.

Chuyến viếng thăm Việt Nam là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của thủ tướng Suga kể từ khi ông nhậm chức vào giữa tháng 9. Ông cũng là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi nước này đóng cửa biên giới để ngăn chận dịch Covid-19. Sau Việt Nam, ông sẽ đi thăm Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 19/10/2020

Published in Diễn đàn