Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/06/2021

Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á chỉ trích Luật Hải Cảnh Trung Quốc

RFA tồng hợp

Tại hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, gọi tắt là ADMM+, mở ra trực tuyến vào hôm nay, 16/06/2021, lãnh đạo Quốc phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác của ASEAN, Nhật Bản lại công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước bộ Luật Hải Cảnh mới vừa được Bắc Kinh ban hành, cho phép tàu cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài. Ngoài Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á cũng có những phê phán tương tự.

luathaicanh1

Tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016.  AP

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong phát biểu của mình tại hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng dưới quyền chủ trì của Brunei, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nêu bật vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định rằng Tokyo mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Trong phát biểu mình, bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích một luật của Trung Quốc được áp dụng kể từ tháng 2 vừa qua, cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc.

Ông Kishi tố cáo : "Luật này có những điều khoản có vấn đề nếu xét trên bình diện nhất quán với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như những điểm mập mờ về vùng biển nơi có thể áp dụng luật, cũng như về cấp có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí".

Theo báo mạng Philippines Rappler, Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc cũng bị một số nước ASEAN chỉ trích nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM mở ra hôm qua.

Trích dẫn thông tin từ bộ Quốc phòng Philippines, Rappler cho biết là nhân cuộc họp, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều quan ngại trước các hành động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông, trong lúc một số bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về Luật Hải Cảnh Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng có liên quan đã nêu bật tính chất mơ hồ trong việc áp dụng luật này tại Biển Đông, nơi các quốc gia thành viên ASEAN khác như Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Từ khi được ban hành, luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng như tại nhiều khu vực trên biển Hoa Đông, trong đó có vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý.

Hồ sơ Biển Đông nhìn chung đã chiếm một phần quan trọng trong hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng lần này với việc các nước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, quyền hoạt động thương mại không bị cản trở và việc sớm thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông COC, đang đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc phòng 18 nước

Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, các đối tác của ASEAN trong hội nghị ADMM+ - từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand, vào hôm nay cũng hoan nghênh lời mời của ASEAN tham gia vào chương trình thành lập đường dây nóng cấp bộ trưởng của toàn khối nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Đường dây nóng, mang tên Cơ sở hạ tầng Truyền thông trực tiếp ASEAN, hay ADI, nhằm mục đích cho phép đối thoại để thúc đẩy giảm thiểu nguy cơ xung đột, giải tỏa những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong các tình huống khủng hoảng hoặc khẩn cấp.

Đây là phương án nhằm mục đích cung cấp thông tin liên lạc an toàn bằng giọng nói, fax hoặc email, theo một tài liệu định nghĩa khái niệm đã được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua vào năm 2019 để mở rộng ADI cho tám quốc gia đối tác bên ngoài nhóm.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)