Thượng đỉnh Nhật-Mekong : Tokyo tăng viện trợ để đẩy lùi ảnh hưởng Trung Quốc (VOA, 10/10/2018)
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì, lãnh đạo Nhật Bản và 5 quốc gia Đông Nam Á dọc theo sông Mekong đã đồng ý hợp tác để cổ vũ cho một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Thủ Tướng Shinzo Abe đọc diễn văn tại Hội nghị cấp cao Hợp tác Nhật Bản-Mekong ngày 9/10/2018. (Franck Robichon/Pool Photo via AP)
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Abe mô tả vùng Mekong, với nguồn nhân lực phong phú, là một cây cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ông bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với các quốc gia Mekong hầu có thể xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các nhà lãnh đạo sau đó đã công bố Chiến lược Tokyo 2018, cung cấp các hướng dẫn cho sự hợp tác trong tương lai.
Qua chiến lược này, Nhật Bản dường như muốn củng cố thế đứng của mình về kinh tế để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chiến lược Tokyo kêu gọi thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào tạo ra công nghệ thông tin và truyền thông cũng như đường xá và đường sắt.
Theo chiến lược này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước Mekong bằng cách đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Các nhà lãnh đạo còn đồng ý tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để hối thúc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Hợp tác Nhật Bản-Mekong cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do hàng hải, trên biển và trên không, trong bối cảnh các hoạt động hàng hải ngày càng được tăng cường của Trung Quốc trên Biển Đông.
*****************
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 khai mạc (RFA, 09/10/2018)
Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong- Nhật Bản lần thứ 10 chính thức khai mạc tại thủ đô Tokyo vào ngày 9 tháng 10.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trước Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo vào ngày 9 tháng 10 năm 2018. AFP
Phía Việt Nam có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự. Ngoài thủ tướng nước chủ nhà, còn có mặt lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-Great Mekong Subregion) gồm ông Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha, và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản phù hợp với tình hình khu vực và toàn cầu để góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cân nhắc Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Trong ngày 9 tháng 10, thủ tướng nước chủ nhà và lãnh đạo 5 nước vừa nêu đồng ý chấp thuận chính sách tiếp tục triển khai 150 dự án hạ tầng ở khu vực Sông Mekong bằng nguồn vốn ODA của Nhật.
Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 9 tháng 10 có bài phát biểu tại hội nghị lần này đồng thời làm việc với Liên đoàn kinh tế Nhật Bản, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Tọa đàm với một số Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm Nhật Bản nhằm thắt chặt hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, cũng là dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần này đánh giá 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và ba năm thực hiện Chiến lược Tokyo Mới 2015 với những kết quả đáng chú ý trong xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với quyết tâm của Nhật Bản và GMS, hội nghị dự kiến sẽ tạo ra một mốc mới trong hợp tác song phương với sự đồng thuận về Chiến lược Tokyo 2018 và định hướng hợp tác Mekong-Nhật Bản từ năm 2019 đến năm 2021.
Cho đến nay, Nhật Bản và năm quốc gia GMS đã triệu tập chín hội nghị thượng đỉnh và 11 cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế, đạt được nhiều thỏa thuận và kết quả cụ thể.
*********************
Thượng đỉnh Nhật Bản - Mêkông thúc đẩy các dự án phát triển (RFI, 09/10/2018)
Theo Nikkei Asian Review, hôm nay, 09/10/2018, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, lãnh đạo của Nhật Bản và 5 nước vùng sông Mêkông (Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Miến Điện và Việt Nam) đã thông qua một chính sách mới thúc đẩy việc thực hiện trên 150 dự án sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Nhật.
Lãnh đạo của năm nước vùng sông Mêkông và thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh Mêkông, Tokyo, 09/10/2018.Nicolas Datiche/Pool via Reuters
Các dự án nằm trong khuôn khổ "Tokyo Strategy 2018" sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính : kết nối khu vực, xây dựng các xã hội đặt trọng tâm vào người dân, và bảo vệ môi trường, xử lý thiên tai.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mêkông - Nhật Bản, các lãnh đạo của năm nước vùng sông Mêkông cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, do thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khởi xướng.
Các nước Đông Nam Á hiện đang nhận rất nhiều đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhật Bản cố gắng làm khác Trung Quốc bằng cách tập trung viện trợ vào việc hỗ trợ bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, cũng như trợ giúp tài chính.
Theo Nikkei Asian Review, tại cuộc họp thượng đỉnh Tokyo, các lãnh đạo của Nhật Bản và 5 nước vùng Mêkông cũng đã thảo luận các vấn đền liên quan đến Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự để áp đặt chủ quyền lên vùng biển này.
Tuy không nêu tên Trung Quốc, tuyên bố chung của thượng đỉnh "ghi nhận" một số quan ngại về các dự án bồi đắp đảo và các hoạt động ở Biển Đông gây căng thẳng và có thể gây tổn hại cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Hôm qua, thủ tướng Shinzo Abe và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý sẽ hợp tác với nhau để duy trì hòa bình và an ninh ở vùng Biển Đông. Trong cuộc họp báo chung với ông Abe, ông Nguyễn Xuân Phúc không nêu tên Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, an ninh hàng hải và tự do lưu thông trên biển và trên không ở vùng Biển Đông.