Nhân quyền quốc tế lên án Myanmar xóa dấu vết các vụ thảm sát người Rohingya (RFA, 23/02/2018)
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy giới chức Myanmar đã dùng xe ủi để ủi ít nhất 55 ngôi làng của người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine trong những tháng qua.
Người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya đợi thực phẩm ở trại tỵ nạn Thankhali ở quận Ukhia, Bangladesh hôm 12/1/2018 - AFP
Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) cho biết như vậy vào hôm 23/2, và lên án chính phủ Myanmar đang tìm cách xóa các bằng chứng nơi những vụ thảm sát do quân đội thực hiện đã diễn ra.
Bang Rakhine ở miền Bắc Myanmar là nơi quân đội Myanmar đã tiến hành chiến dịch trấn áp nhắm vào các phần tử Hồi giáo người Rohingya có vũ trang kể từ tháng 8 năm ngoái khiến khoảng 700,000 người Rohingya phải chạy sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh.
Liên Hợp Quốc lên án Myanmar đã thực hiện chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Rohingya.
Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc này, đồng thời ngăn cản không cho các nhân viên điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc đến những vùng được cho là có hàng ngàn người Rohingya bị giết hại.
Trong những tháng đầu của cuộc trấn áp tại bang Rakhine, hàng trăm ngôi làng của người Rohingya đã bị thiêu rụi bởi những người lính và những người theo Phật giáo.
Theo Human Rights Watch, có ít nhất 55 ngôi làng bị phá hủy bởi pháo hạng nặng, xóa sạch mọi cấu trúc, rau màu, trong đó có ít nhất 2 ngôi làng trước đó không bị đốt nhưng lại bị san bằng sau đó.
**********************
Philippines : Daech muốn lập thánh địa ở miền Nam (RFI, 23/02/2018)
Quân đội Philippines vào hôm nay 23/02/2018 cảnh báo : Các phần tử thánh chiến sau khi bị đánh đuổi khỏi vùng Marawi ở phía nam, đang quay trở lại tấn công với ý đồ thiết lập "vương quốc" ở vùng này.
Một khu phố vắng bóng người tại thành phố Marawi, khi quân đội Philippines tiến vào, ngày 25/06/2017 Reuters/Jorge Silva
Trả lời hãng tin Pháp AFP, đại tá Romeo Brawner cho biết là một lực lượng võ trang bao gồm khoảng 200 người đã tiến hành một loạt tấn công năm nay và xung đột với quân đội Philippines. Theo ông Brawner, lực lượng Hồi Giáo thánh chiến không từ bỏ mục tiêu thành lập một "vương quốc" ở Đông Nam Á và Mindanao được coi là vùng đất thuận lợi. Đây là một vùng nghèo, bất ổn, có một phong trào Hồi Giáo ly khai đòi độc lập, trong lúc chính quyền không đủ người để theo dõi các trường học Hồi Giáo ở đây, nơi mà quân thánh chiến tuyển mộ thành viên trẻ.
Vẫn theo viên sĩ quan này, năm ngoái, sau khi quân đội Philippines được Mỹ hậu thuẫn, lấy lại được Marawi sau 5 tháng bị chiếm đóng, thì những người trốn thoát đã cố tuyển mộ lực lượng mới, tìm nguồn tài chính, cướp ngân hàng và dân chúng, trang bị súng ống.
Đối tượng tuyển mộ phần lớn là ở địa phương, nhưng cũng có người Indonesia mới đến trong thời gian gần đây. Một số biết chế tạo bom thành thạo.
Những vụ tấn công đã diễn ra trong tháng Giêng và tháng Hai này ở thành phố lân cận Marawi như Piagapo, Pantar, Masiu, Pagayawan.
Lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro, ông Ebrahim Murad, hôm thứ Ba, 20/02, cũng lên tiếng cảnh báo rằng quân thánh chiến đang tuyển quân và có thể tấn công chiếm lấy một thành phố khác của Philippines.
Mai Vân
*****************
Ân xá Quốc tế lên tiếng việc Thực tập sinh Việt Nam bị lạm dụng ở Nhật (VOA, 24/02/2018)
Trong một phúc trình thường niên hôm 22/2, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói do thiếu lao động nội địa trong ba năm qua, Nhật đã tiếp nhận 10 ngàn thực tập sinh Việt Nam, nhưng họ bị ngược đãi, lao động quá sức, và trong một số trường hợp bị lạm dụng tình dục.
Một nữ thực tập sinh kỹ năng người Việt tại Nhật (Ảnh chụp từ trang Kyodo News)
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng chương trình tiếp nhận Thực tập sinh- thực chất là tuyển dụng lao động của Nhật, đã vấp phải chỉ trích của nhiều tổ chức nhân quyền. Hội Ân xá Quốc tế cho rằng việc Nhật mở rộng chương trình này mà không ngó ngàng tới các hệ lụy, có thể làm tăng các vấn nạn như lạm dụng tình dục, tử vong trong nghề nghiệp, môi trường làm việc độc hại, và lao động cưỡng bức.
Tháng 10 năm ngoái, báo Japan Times trích lời bác sĩ Junpei Yamamura thuộc bệnh viện Minatomachi ở thành phố Yokohama phía nam thủ đô Tokyo, khuyến cáo rằng một số chương trình thực tập kỹ năng đã lợi dụng hình ảnh tốt đẹp của nước Nhật để dụ dỗ lao động nước ngoài.
Bác sĩ này cảnh báo lao động Việt Nam khi đến Nhật học nghề nên cẩn trọng, ông cho rằng một số chương trình thực tập nghề ở Nhật không khác mấy với "chế độ nô lệ".
Những người trả lời phỏng vấn bao gồm một lao động nam 24 tuổi bị mù một mắt sau tai nạn ở công trường xây dựng tại Nhật. Thanh niên này cho biết sau tai nạn, anh bị cơ quan quản lý thực tập sinh ép trở về Việt Nam ngay lập tức. Thanh niên này không được làm đầy đủ thủ tục bảo hiểm tại Nhật và đành phải nộp đơn xin bồi thường sau khi đã về đến Việt Nam.
Trong video được Mạng lưới Luật sư vì Người Lao động Nước ngoài tải lên YouTube, các thực tập sinh khác tiết lộ chi tiết về tình trạng bạo hành và làm thêm giờ mà không được trả công.
Raporti i Amnesty International
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến cuối năm 2016, có khoảng 229.000 lao động nước ngoài làm việc tại đất nước này dưới hình thức các thực tập sinh học nghề hoặc kỹ năng. Lao động Việt Nam chiếm số lượng đông nhất với 88.000 người, tiếp theo là Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Mục đích của chương trình nhằm giúp lao động nước ngoài nâng cao kỹ năng nghề và họ có thể sử dụng kỹ năng đã học hỏi khi quay trở về quê nhà. Tuy nhiên, đã xảy ra những trường hợp các công ty Nhật Bản lợi dụng chương trình này để bóc lột sức lao động của người nước ngoài và coi đây là nguồn cung cấp lao động giá rẻ.
Bác sĩ Yamamura khuyên rằng Nhật Bản nên "tiếp nhận người nước ngoài với tư cách người lao động chứ không phải là thực tập sinh