Biển Đông : Tổng thống Duterte khẳng định "chiến thắng La Haye" trước Tập Cận Bình (RFI, 27/04/2019)
Trong chuyến công du Bắc Kinh tuần này, tổng thống Philippines có cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc. Báo chí Philippines hôm nay, 27/04/2019, dẫn lời một quan chức cao cấp Philippines cho biết trong dịp này, nguyên thủ Philippines lần đầu tiên, trước đồng nhiệm Trung Quốc, đã nhắc đến chiến thắng pháp lý của Manila trong vụ kiện Bắc Kinh về Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 25/04/2019. Kenzaburo Fukuhara/Pool via Reuters
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon cho hay, trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Tư, 24/04/2019, tổng thống Rodrigo Duterte đã nhắc đến chiến thắng pháp lý với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ hầu như toàn bộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.
Nguyên thủ Philippines hứa hẹn sẽ trở lại vấn đề này trong hai năm tới. Theo kênh truyền thông ABS-CBN News, cố vấn an ninh quốc gia Philippines thuật lại là tổng thống Duterte đã có một thái độ "rất cứng rắn" trong vấn đề chủ quyền quốc gia tại "vùng biển Tây Philippines" (tức Biển Đông). Tổng thống Philippines cũng nêu bật các quan ngại của Manila về tình hình căng thẳng xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), mà Philippines kiểm soát, nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc, được Tuần duyên và Hải quân yểm trợ, liên tục hiện diện từ đầu năm đến nay.
Ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường vốn có của Bắc Kinh, là không thừa nhận phán quyết của tòa án La Haye. Theo cố vấn an ninh Philippines, hai bên đều bảo vệ lập trường của mình trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, nhưng cũng đồng ý đàm phán song phương để cải thiện tình hình. "Chiến tranh chỉ là điều cùng bất đắc dĩ", ông Hermogenes Esperon nhấn mạnh.
Đây là lần thứ tư ông Duterte công du Trung Quốc. Theo truyền thông Philippines, từ trước đến nay, tổng thống Duterte thường xuyên từ chối trực tiếp nêu vấn đề phán quyết của tòa án La Haye ra với Trung Quốc, với lý do tránh gây căng thẳng song phương. Chính quyền Duterte thường bị lên án là nhu nhược trước Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây sức ép tại khu vực bãi cạn Scarborough và đảo Thị Tứ, và Hoa Kỳ chính thức khẳng định sẽ hậu thuẫn đồng minh về quân sự, Manila dường như đang thay đổi cách xử sự với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
*******************
Một năm thượng đỉnh Liên Triều : Bình Nhưỡng cảnh báo "nguy cơ chiến tranh gia tăng" (RFI, 28/04/2019)
Ngày 27/04/2019 đánh dấu tròn một năm thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc tổ chức lễ kỷ niệm tại Bàn Môn Điếm. Bắc Triều Tiên tẩy chay sự kiện này, đồng thời cảnh báo "nguy cơ chiến tranh gia tăng".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh tại làng Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018. Reuters
Tổng thống Hàn Quốc không trực tiếp tham gia, nhưng gửi thông điệp khẳng định hai miền Nam-Bắc đang trên đường đi đến hòa bình, bất chấp nhiều khó khăn hiện tại.
Ủy Ban Tái thống nhất Hòa bình Bắc Triều Tiên, phụ trách liên lạc giữa hai miền, ra thông cáo nhấn mạnh : Tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn, có nhiều nguy cơ trở lại với các căng thẳng như trong quá khứ, do "nguy cơ chiến tranh gia tăng". Thông báo được hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đăng tải.
Theo chính quyền Bắc Triều Tiên, nguyên nhân của tình trạng hiện nay là do Hoa Kỳ gây áp lực với Hàn Quốc. Ủy Ban Tái thống nhất Hòa bình Bắc Triều Tiên kêu gọi Seoul "nỗ lực" để cải thiện quan hệ.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, chính quyền Seoul tổ chức ở quy mô nhỏ lễ kỷ niệm một năm thượng đỉnh Kim Jong-un - Moon Jae-in. Một năm về trước, cuộc thượng đỉnh này được coi là bước đột phá, trong việc giúp Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau. Tuy nhiên, dịp kỉ niệm một năm diễn ra trong không khí trầm lắng.
Lễ kỷ niệm diễn ra tại làng biên giới Bàn Môn Điếm, cũng là nơi lãnh đạo hai miền gặp nhau tại đây lần đầu tiên vào năm 2018. Khoảng 500 giới chức, nhà ngoại giao Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tham dự. Nghi thức được truyền hình trực tiếp.
Trọng Thành
******************
10 ngày sau khi Indonesia tổ chức các cuộc bầu cử lớn nhất thế giới trong một ngày, hơn 270 nhân viên bầu cử đã tử vong, phần lớn là vì mệt mỏi do làm việc nhiều giờ để kiểm hàng triệu lá phiếu bằng tay.
Theo Reuters, cuộc bầu cử ngày 17/4 là lần đầu tiên quốc gia gồm 260 triệu người kết hợp giữa cuộc bầu cử tổng thống với cuộc bầu cử quốc hội và địa phương nhằm cắt giảm chi phí.
Cuộc bỏ phiếu phần lớn diễn ra suôn sẻ và ước tính đã thu hút 80% trong tổng số 193 triệu cử tri, mà mỗi người trong số này phải bỏ tới 5 lá phiếu tại hơn 800 nghìn điểm bỏ phiếu.
Nhưng việc tiến hành cuộc bỏ phiếu trong vòng 8 giờ đồng hồ tại một quốc gia trải dài hơn 5 nghìn km từ mũi phía tây tới mũi phía đông là cả một sự kỳ công về hậu cần nhưng có thể gây chết người đối với các quan chức vốn phải kiểm phiếu bằng tay.
Reuters dẫn lời Ủy ban Tổng Tuyển cử nói rằng cho tới ngày 27/4, 272 nhân viên bầu cử đã tử vong vì làm việc quá sức, trong khi 1.878 người lâm bệnh.
Tin cho hay, Bộ Y tế hôm 23/4 đã ra một thông tư, yêu cầu các cở sở y tế chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho các nhân viên bầu cử bị bệnh.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang làm việc để bồi thường cho các gia đình những người tử vong.
Theo Reuters, Ủy ban Tổng Tuyển cử quốc gia hiện đối mặt với chỉ trích vì con số người chết gia tăng.