Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cùng với Hoa Kỳ mạnh tay trừng phạt các quan chức Hồng Kông tham gia trấn áp phong trào dân chủ, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án tình hình nhân quyền ở đặc khu hành chính.

hongkong1

Jannelle R. Leung và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), ứng viên trong một cuộc bầu cử sơ bộ dân chủ không chính thức. Ảnh chụp ở một trạm tầu điện ngầm ở Hồng Kông, 11/07/2020. AP - Kin Cheung

Trong phiên họp trực tuyến ngày 21/01/2021, các nghị sĩ Châu Âu cho biết sẽ "đề cập cả tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như ở Hồng Kông" khi thông qua dự thảo luật đầu tư, được ký với Bắc Kinh ngày 31/12/2020, sau tiến trình phê chuẩn kéo dài đến đầu năm 2022.

Trong vòng một năm, tranh thủ đại dịch Covid-19 với những biện pháp hạn chế, phong trào đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông bị bóp nghẹt. Hơn 10.000 người tham gia đấu tranh (đủ mọi lứa tuổi) hoặc bị bắt, hoặc bị đưa ra xét xử và kết án. Những gương mặt tiêu biểu của phong trào lần lượt phải ngồi tù hoặc phải trốn ra nước ngoài để tránh bị truy tố, nhiều người nằm trong lệnh truy nã quốc tế của Trung Quốc.

Tình hình phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông hiện như thế nào và sẽ đi đến đâu ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Khoa học Chính trị Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist Hồng Kông.

*****

RFI : Trong thời gian gần đây, rất nhiều nhà đấu tranh Hồng Kông đã bị bắt giam, kết án tù hoặc phải bỏ trốn ra nước ngoài. Xin giáo sư cho biết về tình hình hiện nay của phong trào ủng hộ dân chủ ở đặc khu hành chính !

Jean-Pierre Cabestan :Tình hình phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông rất xấu, rất thảm hại. Người ta vẫn tự hỏi liệu phong trào còn tiếp tục được nữa hay không. Trước tiên là do rất nhiều nhà đấu tranh, thành viên tích cực trong các cuộc biểu tình năm 2019 bị bắt giam hoặc bị cảnh sát và tư pháp sách nhiễu. Nhiều người bị kết án tù và đang thụ án.

Chính quyền đặc khu và Bắc Kinh lại sửa đổi các quy định về ứng cử viên, loại khỏi các cuộc bầu cử tất cả những người từng chỉ trích luật an ninh quốc gia. Dĩ nhiên việc này sẽ làm giảm đáng kể số lượng ứng viên của các đảng ủng hộ dân chủ có khả năng đề cử ứng viên. Cuộc bầu cử lập pháp đã bị hoãn một năm, nhưng cũng có thắc mắc là liệu bầu cử có được tổ chức vào tháng 09/2021 hay không và những đảng dân chủ nào có đủ điều kiện ra ứng cử.

Người ta cũng thấy rõ là chính quyền Bắc Kinh, thông qua luật an ninh quốc gia, không chỉ nhắm đến lực lượng thanh niên đấu tranh cho độc lập của Hồng Kông và chỉ trích chế độ cộng sản, mà còn muốn gạt bỏ những chính đảng thuộc phe dân chủ, trong đó có đảng Dân chủ và đảng Công Dân. Đây mới là thay đổi đáng ngại tại Hồng Kông.

Ngoài vấn đề này ra, dĩ nhiên là việc vi phạm tự do chính trị, quyền tự do về hội họp, tự do ngôn luận và báo chí ngày càng nghiêm trọng. Một bầu không khí chính trị mới đã được thiết lập tại Hồng Kông.

RFI : Liệu phong trào đấu tranh dân chủ này có nguy cơ biến mất hay không, trong khi chính quyền trấn áp ngày càng mạnh hơn các nhà đấu tranh, kể cả trường hợp tỉ phú Jimmy Lai, nổi tiếng trong giới truyền thông ?

Jean-Pierre Cabestan : Liệu phong trào dân chủ có biến mất hay không ? Tôi nghĩ rằng phong trào sẽ bị gạt ra khỏi sân khấu chính trị và các định chế Hồng Kông, như Nghị Viện.

Tôi cũng cho rằng chính phủ sẽ tìm cách hạn chế ảnh hưởng của phong trào trong Ủy ban Bầu cử, đơn vị bầu ra người đứng đầu cơ quan hành pháp. Cần nhắc lại là những đại biểu trong Ủy ban Bầu cử này là do Hội đồng Quận bầu ra và hiện lực lượng dân chủ và địa phương đang áp đảo tại các hội đồng quận kể từ đợt bầu cử tháng 11/2019.

Có thể thấy là phong trào dân chủ sẽ rất khó hiện diện trong hệ thống chính trị Hồng Kông. Nhưng liệu có phải vì thế mà phong trào biến mất không ? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng xã hội dân sự Hồng Kông sẽ tiếp tục bày tỏ và cố gắng thể hiện tự chủ, cũng như cố gây ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, đến quyền lực chính trị ở Hồng Kông.

Lực lượng nhiệt tình tranh đấu nhất vì dân chủ có đến 100.000-200.000 người, thậm chí nhiều hơn, thêm vào đó là những người ủng hộ dân chủ. Đừng nghĩ rằng tất cả sẽ rời Hồng Kông mà ngược lại, đa số ở lại. Hơn nữa, chúng ta biết là khoảng 50% đến 60% người dân đặc khu vẫn bỏ phiếu cho phe dân chủ. Vì thế, lực lượng chính trị này sẽ vẫn tồn tại. Nhưng do hoạt động chính trị hiện bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên rất khó cho phe dân chủ gây được ảnh hưởng.

RFI : Liệu có khả năng xảy ra làn sóng di dân để tránh bị trấn áp hay không ?

Jean-Pierre Cabestan : Đã có khá nhiều người Hồng Kông rời đặc khu hành chính. Và con số này có tăng thêm hay không ? Có thể là có bởi vì Anh đã tạo điều kiện cấp thị thực nhưng tôi không nghĩ là sẽ tác động đến đông đảo người dân. Đối với một người Hồng Kông không có thân thích ở nước ngoài hoặc khả năng tài chính để di cư sang Anh, Úc hay Canada thì họ sẽ do dự. Trong số những nhà tranh đấu trẻ, rất nhiều người không có người thân ở nước ngoài. Vì vậy, theo tôi, phần lớn thanh niên sẽ ở lại Hồng Kông, chứ không ra đi ồ ạt.

Đúng là đã có nhiều trường hợp di cư, trong đó phải kể đến những người đã bất chấp rủi ro để đấu tranh vào năm 2019 và bị cảnh sát truy nã, thậm chí là bị bắt. Có khoảng 10.000 người đã bị cảnh sát bắt giữ, rồi sau đó được thả. Ngoài số trường hợp này ra, dĩ nhiên sẽ có nhiều người ra nước ngoài. Nhưng tôi vẫn cho rằng sẽ không có làn sóng di cư ồ ạt.

RFI : Các nhà đấu tranh Hồng Kông có thể chờ đợi gì vào chính quyền mới ở Hoa Kỳ ?

Jean-Pierre Cabestan : Tôi nghĩ là chính quyền mới của Mỹ sẽ chú tâm đến tình hình ở Hồng Kông trong các vấn đề mất quyền tự chủ, vi phạm nhân quyền… Theo tôi, Washington có thể sẽ gây sức ép nhiều hơn, đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn, thậm chí là nhắm đến cả chính quyền Trung Quốc.

Nhưng liệu chính quyền của Joe Biden có những phương tiện, khả năng tác động hoặc làm thay đổi tình hình ở Hồng Kông hay không hoặc buộc chính phủ Trung Quốc phải nhân nhượng hay không ? Tôi không nghĩ như vậy. Thậm chí ngược lại, Bắc Kinh làm những gì họ muốn ở đặc khu. Họ đã đưa ra các trừng phạt mang tính biểu tượng cao, nhắm trực tiếp đến những nhân vật chủ chốt (của phong trào) và các quan chức Hồng Kông không thể chi phối được các quyết định này của Bắc Kinh.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist Hồng Kông.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 25/01/2021

Published in Diễn đàn

Lập pháp Đài Loan ủng hộ dân chủ Hong Kong (RFA, 12/06/2017)

Các nhà lập pháp ở Đài Loan vừa khởi động một nhóm mới để hỗ trợ thúc đẩy dân chủ tại Hong Kong trước dịp kỷ niệm 20 năm đặc khu này được Anh trao trả cho Trung Quốc.

hongkong1

Các nhà lập pháp ở Đài Loan vừa khởi động một nhóm mới để hỗ trợ thúc đẩy dân chủ tại Hong Kong trước dịp kỷ niệm 20 năm đặc khu này được Anh trao trả cho Trung Quốc. AFP

Nhóm mới có tên "Quốc hội Đài Loan hỗ trợ Hongkong", gồm có 18 nhà lập pháp, là những người muốn giúp thúc đẩy quán trình dân chủ hóa ở Hongkong ; trong đó có lãnh đạo của Phong trào Hoa Hướng Dương là Hoàng Quốc Xương, hiện là người đứng đầu của Đảng Sức mạnh Mới (NPP).

Các thành viên còn lại của nhóm gồm bốn thành viên khác của NPP và các thành viên thuộc Đảng Dân Tiến (DPP).

Ông Hoàng vào hôm thứ Hai, ngày 12/6/2017 nói với AFP rằng nhóm "Quốc hội Đài Loan hỗ trợ Hongkong" được thành lập vì những người tham gia nhận thấy Bắc Kinh tiếp tục đàn áp người dân Hong Kong theo đuổi nền dân chủ thật sự và nhóm sẽ hỗ trợ những người vận động chính sách ở Đài Loan và Hongkong về quan điểm cũng như các chính sách công.

Phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan và Phong trào Dù vàng ở Hong Kong được nhận định là những cái gai đối với Trung Quốc và nhóm "Quốc hội Đài Loan hỗ trợ Hongkong" vừa khởi động sẽ là một động thái khiến cho Bắc Kinh nổi giận.

********************

Đài Loan lập tổ chức dân biểu hỗ trợ dân chủ Hồng Kông (RFI, 12/06/2017)

Đồng thanh tương ứng. Trong buổi lễ ra mắt tại Đài Bắc ngày 12/06/2017, các dân biểu Đài Loan thành lập tổ chức để giúp Hồng Kông phát huy dân chủ trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hạn chế các quyền tự do tại bán đảo.

hongkong2

Hoàng Chi Phong (T) và La Quán Thông (G), hai gương mặt tiêu biểu của phong trào Dù Vàng tại Hồng Kông.Reuters

Dù Vàng Hồng Kông và Hoa Hướng Dương Đài Loan là hai phong trào dân chủ nổi dậy chống chế độ độc tài Bắc Kinh với những cuộc biểu tình lớn trong năm 2014.

Theo AFP, vào lúc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm thu hồi Hồng Kông (1997-2017), 18 dân biểu Đài Loan gồm thành viên đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn và đảng Tân Lực Lượng (NPP), xuất thân từ phong trào Hoa Hướng Dương, thành lập Ủy ban Dân Biểu Đài Loan-Hồng Kông để hỗ trợ cho phong trào dân chủ tại nhượng địa cũ của Anh Quốc.

Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wang) và dân biểu Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law), hai khuôn mặt biểu tượng của phong trào chiếm đóng đường phố làm lung lay chính quyền Lương Chấn Anh cách nay ba năm.

Theo giải thích của dân biểu Đài Loan Hoàng Quốc Xương, chính quyền Trung Quốc tiếp tục trấn áp người dân Hồng Kông tranh đấu vì dân chủ. Ủy Ban Dân Biểu được thành lập để trợ giúp những nhà dân chủ Đài Loan và Hồng Kông "trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chính trị công khai".

Trả lời phỏng vấn của AFP, Hoàng Chi Phong và La Quán Thông xem Đài Loan là "đồng minh" của Hồng Kông và cần phải "đoàn kết với nhau để đối đầu với áp bức".

Hai nhà tranh đấu trẻ tuổi này khẳng định không chủ trương đòi độc lập mà chỉ cần Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, theo dự báo của nhà phân tích William Lam, Bắc Kinh sẽ "tấn công thô bạo" nhóm dân biểu mới này và xem đây là một bằng chứng các phe đòi độc lập với Trung Quốc kết nối với nhau.

Tú Anh

Published in Châu Á