Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các tướng lĩnh đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ không thể tiến lên nếu không dùng đến vũ lực nhưng cũng không thể lùi bước.

coup00

Các tướng lĩnh, đại diện cho sự quay về thời kỳ đen tối trước kia, đang đối đầu với một thế hệ hoàn toàn khác. Ảnh minh họa bà Aung San Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing

Sáu tuần sau cuộc đảo chính thảm họa do quân đội dưới quyền tướng Min Aung Hlaing tiến hành, có hai thứ đang ngày càng trở nên nổi bật. Đầu tiên là quy mô của sự phẫn nộ trong dân chúng khi Myanmar quay trở lại chế độ độc tài quân sự.

Hàng trăm nghìn người Miến đã xuống đường biểu tình. Một số lượng lớn công chức, giáo viên, tài xế xe buýt, nhân viên ngân hàng và nhiều ngành nghề khác đã tổ chức đình công nhằm phản đối cuộc đảo chính. Sự tàn bạo của quân đội hàng ngày được đưa tin trên các phương tiện truyền thông xã hội. So với năm 1988, khi sinh viên dẫn đầu những cuộc biểu tình lớn chống lại sự cai trị của quân đội, sự phản kháng trong dân chúng hiện nay thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Thant Myint-U, tác giả cuốn sách "The Hidden History of Burma" (Những trang sử chưa được biết đến của Miến Điện), nói rằng các cuộc biểu tình tự phát giống như các kháng thể đang chống lại mầm bệnh xâm nhập. Lần này, sự khác biệt nằm ở chỗ giới trẻ kiên quyết phản đối việc quay trở lại chế độ độc tài và nghèo đói mà cha mẹ họ đã từng trải qua. Họ là lớp người được lớn lên trong những thập niên cải cách kinh tế dưới sự điều hành của một chính quyền bán dân chủ. Các tướng lĩnh, đại diện cho sự quay về thời kỳ đen tối trước kia, đang đối đầu với một thế hệ hoàn toàn khác.

Trong cuộc tổng đình công ngày 8 tháng 3, không có gì ngạc nhiên khi ít người xuất hiện hơn trên đường phố vì phía quân đội đã bắt đầu nổ súng. Điều thứ hai đang dần hiện rõ, đó là Tatmadaw – tức lực lượng vũ trang của Myanmar – ngày càng sẵn sàng chấp nhận đổ máu. Trong những ngày gần đây, binh lính đã bắn chết khoảng 60 dân thường ở thủ đô Naypyidaw và thành phố thương mại Yangon cùng nhiều nơi khác. Hơn một phần ba số người thiệt mạng là thanh thiếu niên. Kyal Sin, 19 tuổi, được biết đến với cái tên Angel, đã tiết lộ nhóm máu của mình trên Facebook để đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Cô mặc chiếc áo phông có in dòng chữ "Mọi thứ rồi sẽ ổn" khi xuống đường tuần hành ở Mandalay, nhưng ngay sau đó Angel đã thiệt mạng vì bị bắn vào đầu bởi một tay súng bắn tỉa. Cái chết của cô là trường hợp điển hình cho thấy sự tàn bạo của Tatmadaw. Việc chính quyền bất ngờ khai quật thi thể của Angel nhằm "chứng minh" bản thân vô tội cho thấy họ sẵn sàng thực hiện những bước đi, dù có kinh tởm đến đâu, để biện minh cho hành động của mình.

Đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Tatmadaw không phải là lực lượng vũ trang duy nhất trong khu vực tự coi mình là hiện thân của nhà nước thay vì là một bộ phận của nhà nước. Quân đội của nước láng giềng Thái Lan cũng chia sẻ cùng quan điểm. Tuy nhiên, ở Thái Lan, chính quyền quân sự dựa vào hoàng gia để có tính chính danh và hoàng gia không muốn liên can đến những hành động đổ máu bừa bãi. Khi quân đội giết quá nhiều người, nhà vua có xu hướng rút lại sự ủng hộ của mình, khiến chính quyền quân sự sụp đổ.

Ngược lại, khi quyền lực của Tatmadaw lung lay, họ sẽ sử dụng vũ lực để củng cố sự cai trị của mình như đã từng xảy ra hồi năm 1988. Giới tướng lĩnh vừa đa nghi, vừa không muốn nhượng bộ. Đóng trong các doanh trại quân đội do người Anh để lại, một tầng lớp sĩ quan quyền lực đang dần hình thành trong một đất nước đầy thù địch. Phải thừa nhận rằng Myanmar, hay Miến Điện trước đây, chưa có một năm hòa bình nào kể từ khi người Nhật ném bom xuống Yangon (thời đó gọi là Rangoon) vào cuối năm 1941. Đất nước giành được độc lập năm 1948 nhưng đi kèm với đó là một cuộc nổi dậy do những người cộng sản tiến hành, vốn uy hiếp cả thủ đô Yangon. Xung đột ở bang Kayin (trước đây là Karen) được xem là cuộc nội chiến dài nhất thế giới. Hàng chục các cuộc xung đột sắc tộc khác đang nổ ra ở những vùng biên giới của nước này.

Đối với những người lính cấp thấp trong Tatmadaw, họ bị cấp trên ép thực hiện các hành vi đáng khinh bỉ trong những cuộc chiến sắc tộc tàn khốc. Các chiến thuật được sử dụng trên chiến trường gồm hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, sử dụng dân thường làm lá chắn. Những người lính tàn bạo này hiện đang tuần tra trên khắp các tuyến phố của Myanmar.

Giống như các cuộc đảo chính trước đây, báo chí đã bị bịt miệng : có năm tổ chức truyền thông vừa bị cấm hoạt động trong tuần này. Nhưng cũng có sự khác biệt. Tướng Min Aung Hlaing ít quan tâm đến sự thuần nhất về văn hóa hay sự tự cung tự cấp về kinh tế, vốn từng là nỗi ám ảnh của một số tướng lĩnh tiền nhiệm của ông, những người đã đóng cửa đất nước Myanmar với thế giới. Thay vào đó, mối quan tâm của ông là các đặc quyền của quân đội. Chúng bao gồm cổ phần trong các doanh nghiệp chính thức, bên cạnh đó là ma túy, ngọc bích, gỗ và các hoạt động buôn bán bất hợp pháp khác đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế ngầm. Trên tất cả, như ông Thant nói, quân đội muốn "quay ngược đồng hồ và trở lại nền chính trị của nhiều thập kỷ trước", với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.

Tuy nhiên, với việc đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình, Tatmadaw đã khiến Myanmar lại một lần nữa bị cộng động quốc tế xa lánh, và do đó kim đồng hồ đã bị quay ngược xa hơn những gì mà họ dự định, trở lại thời kỳ biệt lập trước thời kỳ mở cửa một thập niên vừa qua. Với việc đầu tư sụp đổ, nền kinh tế sẽ phải vật lộn để phục hồi sau đảo chính. Điều đó cũng sẽ tác động xấu đến quân đội. Tuy nhiên, việc nhượng bộ lại không thực sự là một lựa chọn : với hành vi của Tatmadaw trong những tuần gần đây, bất kỳ chính quyền dân sự nào cũng sẽ quét sạch hết những đặc quyền mà quân đội đang phải can thiệp để bảo vệ. Cuộc đảo chính không có kết quả tốt cho bất kỳ ai.

The Economist

Nguyên tác : "Myanmar’s generals have not thought their coup through", The Economist, 13/03/2021

Nguyễn Thanh Hải dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 19/03/2021

Additional Info

  • Author The Economist
Published in Diễn đàn

Điều gì đã tạo nên một lực lượng quân đội có thể lũng đoạn cả đất nước như vậy ?

miendien1

Quân đội Myanmar. Ảnh : Frontier Myanmar

Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar ngày 1/2/2021 khiến cả thế giới chú ý. Quân đội đã bắt giữ và khởi tố các thành viên chính phủ dân cử, nắm toàn quyền cai quản đất nước, đàn áp người biểu tình và áp đặt thiết quân luật ở nhiều nơi.

Điều gì đã tạo nên một lực lượng quân đội có thể lũng đoạn cả đất nước Myanmar như vậy ?

Bài viết cung cấp cho độc giả những thông tin cơ bản về Lực lượng vũ trang Myanmar (Tatmadaw).

1. Do cha của bà Aung San Suu Kyi sáng lập

Quân đội Myanmar do tướng Aung San, thân phụ của bà Aung San Suu Kyi, thành lập năm 1941 với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Mặc dù tướng Aung San bị ám sát vào năm 1947, di sản của ông vẫn tồn tại, và quân đội Myanmar vẫn tham gia nắm quyền điều hành đất nước trong vài chục năm sau.

miendien2

Tướng Aung San (thứ hai từ trái qua), người sáng lập quân đội Myanmar, lực lượng hiện đang kiểm soát đất nước và giam giữ con gái ông. Ảnh : Keystone/ Hulton Archive/Getty Images.

Trong những năm đầu từ khi thành lập, quân đội Myanmar nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng với lý tưởng chống áp bức thuộc địa và đấu tranh vì độc lập, tự do, giải phóng dân tộc.

Tuy nhiên, 20 năm sau, mọi chuyện hoàn toàn khác. Người dân quay lưng lại với một tổ chức quân đội tha hóa, tham nhũng, cai trị theo đường lối hà khắc, tàn bạo.

Đáng chú ý, con gái của tướng Aung San, bà Aung San Suu Kyi, đã đấu tranh chống lại di sản của cha mình và bị quân đội giam giữ trong nhiều năm. Năm 1991, Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh của bà cho nền dân chủ và tự do.

2. Từng lèo lái đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962, quân đội do Tướng Ne Win lãnh đạo đã ngay lập tức cấm tất cả các đảng phái đối lập và các tổ chức truyền thông độc lập hoạt động, đồng thời tiến hành quốc hữu hóa các doanh nghiệp, nhà xưởng lớn. Họ áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa qua việc giới thiệu "Con đường đi đến chủ nghĩa xã hội của Miến Điện" (Burmese Way to Socialism).

Hệ tư tưởng này gồm 21 điểm, do Hội đồng Cách mạng, đứng đầu là Tướng Ne Win, viết ra. Nó mô tả mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa là phương tiện duy nhất để người dân Myanmar thoát khỏi những tệ nạn xã hội, tận hưởng sự sung túc và tạo ra một xã hội thịnh vượng.

miendien3

Bưu thiếp tuyên truyền về nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Miến Điện, với hình ảnh búa và liềm quen thuộc, vào khoảng năm 1963. Ảnh : Chronicle / Alamy Stock Photo.

Trong thời gian xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, Ne Win đã cô lập Miến Điện với thế giới bên ngoài và từ chối đứng về bất kỳ phe nào trong Chiến tranh Lạnh. Ông áp dụng một hệ thống độc đảng do Đảng Cương lĩnh Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện (Burma Socialist Programme Party) lãnh đạo, trong đó quân đội đóng vai trò thống trị.

Chính quyền của Tướng Ne Win không ngừng in tiền để tài trợ cho các mục tiêu chính trị và các dự án phô trương, nhưng không thiết lập được một hệ thống tài chính thích hợp. Việc in tiền vô tội vạ khiến cung tiền và lạm phát tăng cao đến mức không kiểm soát được.

Vào năm 1987, Ne Win quyết định xóa sổ khoảng 80% lượng tiền ở Myanmar, gây ra tác động nghiêm trọng đến đời sống vốn đã nghèo khó của người dân. Sự kiện này dẫn đến cuộc cách mạng vào năm 1988, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa của Myanmar.

Đến năm 1987, sau 26 năm đi lên chủ nghĩa xã hội, Myanmar trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đất nước bị cô lập, nền kinh tế bị tàn phá, trình độ kinh tế, giáo dục và xã hội bị hạ thấp đáng kể. Công nhân và sinh viên phải xuống đường thường xuyên để biểu tình.

3. Tatmadaw đã từng thảm sát người biểu tình trong cuộc cách mạng 1988

Các cuộc đàn áp bạo lực của quân đội Myanmar trong gần hai tháng qua gợi nhớ đến cuộc cách mạng năm 1988.

miendien4

Đám đông lớn biểu tình tại thủ đô Rangoon (tên gọi trước kia của Yangon) vào năm 1988, phản đối chế độ độc tài và yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ. Ảnh : Alain Evrard/ Science Source.

Năm 1988, khi Miến Điện vẫn còn theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, sinh viên và các nhà hoạt động đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc, phản đối tình trạng quản lý kinh tế yếu kém, yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội leo thang với tốc độ chóng mặt. Binh lính sử dụng vũ lực gây chết người ở mức độ ngày càng tăng, đến mức khiến hàng nghìn người chết.

Những người thuộc "thế hệ 88" (88 Generation) đã bị quân đội bắt bớ, giam giữ. Nhiều người phải chịu đựng thiếu thốn và bị ngược đãi suốt hai thập niên trong tù. Một số người tiếp tục góp mặt trong các cuộc biểu tình hiện tại.

Vào năm 1988, quân đội đã đàn áp thành công hàng trăm ngàn người biểu tình, bởi những sinh viên Miến Điện chỉ có thể dựa vào những quyển sách nhỏ được in ấn thô sơ và những lời truyền miệng để kết nối với nhau. Nhưng môi trường xã hội đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, người dân ở những vùng xa nhất của Myanmar cũng có thể ngay lập tức nhận được tin tức trên Facebook và Twitter về các cuộc biểu tình và đàn áp.

miendien5

Quân đội Myanmar được huy động để đàn áp các cuộc biểu tình sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 vừa qua. Ảnh : AFP/ Getty Images.

Với việc hầu như mỗi người dân đều có smartphone, các vụ đụng độ chết người và các hành vi lạm dụng của lực lượng an ninh đều được ghi hình và tải lên mạng. Các thủ lĩnh trẻ của Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM) ứng dụng công nghệ để kết nối và phối hợp với nhau một cách tinh tế hơn. Họ còn đoàn kết với các sắc tộc thiểu số để cùng chống lại chính quyền quân đội.

4. Tatmadaw đã từng đảo ngược kết quả bầu cử

Vụ đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 ở Myanmar không phải là lần đầu tiên quân đội Myanmar đảo ngược kết quả bầu cử. Lần trước đó là năm 1990.

Nó khởi đầu từ các cuộc biểu tình vào năm 1988 như đã đề cập ở trên. Hàng ngàn sinh viên và nhân viên văn phòng đổ ra đường đòi cải cách dân chủ cho đất nước.

Cùng năm đó, bà Aung San Suu Kyi thành lập Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD), bắt đầu gây sức ép buộc chính phủ quân sự tổ chức bầu cử. Đảng NLD tổ chức các cuộc mít tinh khắp đất nước, kêu gọi cải cách dân chủ hòa bình và bầu cử tự do.

Trước các áp lực trong nước và quốc tế, quân đội đã tổ chức một cuộc bầu cử vào năm 1990. NLD giành chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, chính quyền quân đội từ chối thừa nhận kết quả bầu cử. Họ giam giữ bà Aung San Suu Kyi gần 15 năm.

5. Tatmadaw là cha đẻ của Hiến pháp Myanmar năm 2008

Gần hai thập niên sau cuộc bầu cử năm 1988, quân đội đã tự tay soạn thảo Hiến pháp mới vào năm 2008. Sau đó, họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mà không có sự tham gia của bất kỳ tổ chức đối lập nào. Cuộc trưng cầu được tổ chức hai ngày sau khi cơn bão Nargis quét qua đất nước, gây khó khăn cho việc bỏ phiếu.

miendien6

Người dân xếp hàng để lấy gạo sau khi cơn bão Nargis quét qua thị trấn Phyar Pon ngày 08/05/2008. Hai ngày sau, 10/05/2008, chính quyền Myanmar kêu gọi công dân thực hiện nghĩa vụ yêu nước và bỏ phiếu cho bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, không quan tâm đến việc 1,5 triệu người bị ảnh hưởng vì bão. Ảnh : Reuters/ Stringer.

Bất chấp việc NLD tố cáo cuộc trưng cầu dân ý là gian lận, Tatmadaw thông báo rằng dự thảo Hiến pháp đã được công chúng công nhận và sẽ nhanh chóng đi vào hiệu lực.

Hiến pháp mới bảo toàn quyền kiểm soát của quân đội đối với đất nước. Nó trao cho Tatmadaw một hạn ngạch (không qua bầu cử) 25% tổng số ghế trong lưỡng viện Quốc hội và các cơ quan lập pháp ở địa phương.

Cơ cấu này giúp quân đội dễ dàng ngăn chặn bất kỳ ý định sửa đổi Hiến pháp nào do các nhà lập pháp dân sự đưa ra, vốn đòi hỏi ¾ số phiếu đồng thuận trong Quốc hội.

6. Quân đội thống trị nền kinh tế, cũng nhờ Hiến pháp

Bản Hiến pháp cũng trao cho quân đội quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyên khai thác khác.

Điều này giúp Tatmadaw độc lập về tài chính, cho phép họ vươn chiếc vòi bạch tuộc đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Myanmar. Phần lớn lợi nhuận của các công ty quân sự đều chảy vào ngân sách của quân đội. Chiếc bóng của quân đội bao phủ từ bia, thuốc lá, hàng tiêu dùng cho đến khai thác mỏ, nhà máy, du lịch, bất động sản và viễn thông.

miendien7

Biếm họa mô tả những tướng lĩnh quân đội Myanmar – những ông trùm trong ngành khai thác ngọc bích của đất nước. Ảnh : Global Witness.

Tatmadaw bắt đầu tham gia hoạt động kinh tế khi Tướng Ne Win quốc hữu hóa các doanh nghiệp trong nước – một phần trong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội vào năm 1962.

Khi Myanmar từ bỏ chủ nghĩa xã hội, giới quân đội đã xây dựng một hình thức chủ nghĩa tư bản thân hữu để có thể dễ dàng tiếp cận vào nhiều lĩnh vực kinh tế. Ở một số lĩnh vực, chỉ có các công ty quân sự và các chi nhánh của chúng mới được cấp phép hoạt động.

Thậm chí, khi Myanmar đang trong tiến trình dân chủ và cải cách đất nước, các tướng lĩnh quân đội vẫn thống trị nền kinh tế. Nhiều báo cáo còn cáo buộc quân đội tham gia sản xuất ma túy và vơ vét các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Trong quá trình mở cửa nền kinh tế, hai tập đoàn lớn nhất của quân đội là Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holding Ltd (MEHL) đã lợi dụng chính sách tư nhân hóa để thâu tóm các doanh nghiệp công với giá rẻ mạt.

Mặc dù đã có những cải cách kinh tế quan trọng trong thập niên qua, hiện các tập đoàn quân đội vẫn đang kiểm soát các hoạt động kinh doanh và đầu tư trong gần như mọi lĩnh vực ở Myanmar.

Lee Nguyen

Nguồn : Luật Khoa, 19/03/2021

Tài liệu tham khảo chính :

- Marco Bünte (2017), The NLD-Military Coalition in Myanmar : Military Guardianship and Its Economic Foundations.

- Britannica, Myanmar

- BBC, Myanmar Profile – Timeline

- Egreteau Renaud (2009) The repression of the August 8-12-1988 (8-8-88) uprising in Burma/ Myanmar

- Myanmar Constitution 2008

Additional Info

  • Author Lee Nguyen
Published in Diễn đàn

Miến Điện-Bangladesh dự trù hồi hương người Rohingya trong 2 năm (RFI, 16/01/2018)

Hôm 16/01/2018, sau các cuộc thảo luận ở cấp ngoại trưởng từ đầu tuần tại Naypyidaw, Bangladesh và Miến Điện đã nhất trí trong 2 năm sẽ hồi hương khoảng 650 nghìn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh, để tránh các đợt trấn áp của quân đội Miến Điện từ hồi cuối tháng 8 năm ngoái.

myanmar1

Một trại tị nạn cho người Rohingya ở Bangladesh, ngày 14/01/2018. Reuters/Tyrone Siu TPX IMAGES OF THE DAY

Thông tín viên RFI tại Rangoon Eliza Hunt cho biết thêm chi tiết :

"Việc hồi hương người tị nạn về Miến Điện bình thường sẽ phải được bắt đầu vào tuần tới. Nhưng thời điểm trên không thể thực hiện được, theo như thông báo từ phía Bangladesh, đồng thời Dacca không cho biết khi nào việc hồi hương sẽ bắt đầu.

Điều có thể thực hiện trong những ngày tới đó là tiến hành đăng ký những người tị nạn muốn trở về quê cũ. Trong cuộc gặp tại thủ đô Miến Điện, hai nước đã cùng nhau ấn định hồ sơ giấy tờ để người tị nạn khai. Phía Bangladesh cũng cho biết họ sẽ cho dựng 5 trại chuyển tiếp người Rohingya cũng như hai trại đón tiếp tại Miến Điện. Những trại trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Hiện tại, chính quyền Miến Điện không bình luận gì về các cuộc thảo luận diễn ra từ đầu tuần này. Điều chắc chắn là còn một số vấn đề xung quanh việc hồi hương người tị nạn Rohingya : Có bao nhiêu người sẽ muốn trở lại đất nước mà họ đã bị kỳ thị ? Họ có thể thực sự rời các trại đón tiếp để trở về làng cũ của mình ? Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc có thể giám sát điều kiện các chuyến hồi hương đó ?

Theo kênh truyền hình Anh BBC, Liên Hiệp Quốc đã đề nghị được tham gia các cuộc đàm phán hôm qua tại Miến Điện, nhưng không nhận được câu trả lời".

Anh Vũ

******************

Miến Điện : Bà Suu Kyi khen quân đội vì thú nhận 1 vụ giết dân Rohingya (RFI, 14/01/2018)

Cách đây vài ngày, quân đội Miến Điện đã thừa nhận trách nhiệm về một vụ thảm sát 10 người Rohingya, thi thể bị vùi trong một hố chôn tập thể ở bang Arakan. Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hôm thứ Sáu 12/01/2018 đã đề cập đến vụ thảm sát và coi những lời thú nhận của quân đội là một "tín hiệu tích cực".

myanmar1

Ảnh minh họa : Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo ngày 12/01/2018, tại Naypyidaw. Reuters/Stringer

Từ Rangun, thông tín viên RFI Eliza Hunt giải thích :

"Đất nước đã bước sang một giai đoạn mới". Đây là những lời phát biểu hôm thứ Sáu của lãnh đạo Miến Điện, sau khi có kết quả điều tra của quân đội. Theo bà Aung San Suu Kyi, "đó là một tín hiệu tích cực" cho thấy đất nước nhìn nhận trách nhiệm về những việc đã xảy ra. Bà cũng nhấn mạnh là vụ sát hại xảy ra từ tháng 09/2017 chứ không phải mới xảy ra.

Vì thế, theo nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, không có gì cản trở người Rohingya tị nạn hồi hương về Miến Điện. Theo thỏa thuận chính quyền Miến Điện ký với Bangladesh, việc hồi hương người Rohingya dự kiến bắt đầu trong những tuần tới đây.

Hôm thứ Tư tuần vừa qua, quân đội đã thừa nhận có một hố chôn tập thể và đảm bảo là những người có liên quan đến vụ thảm sát sẽ bị xét xử, nhưng họ cho rằng 10 người Rohingya bị giết là khủng bố, thủ phạm tấn công lực lượng an ninh Miến Điện.

Sáng hôm nay, trên mạng xã hội Twitter, phe nổi dậy ARSA Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan cho rằng thông tin trên là sai. Họ khẳng định 10 người Rohingya bị sát hại là thường dân chứ không phải chiến binh.

Phát ngôn viên chính phủ Miến Điện đáp lại : "Rất khó để phân biệt ai là khủng bố, ai là dân làng vô tội", nhất là khi họ thường liên kết với nhau. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng tuyên bố sẽ cho điều tra để xác định liệu 10 người Rohingya trên có phải là thành viên của Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan hay không.

Thùy Dương

*******************

Quân đội Miến Điện thừa nhận dính líu đến một vụ giết người Rohingya (RFI, 11/01/2018)

Ngày 10/01/2018, quân đội Miến Điện đã thừa nhận có dính líu đến vụ thảm sát 10 người Rohingya. Đồng thời, lần đầu tiên, quân đội cũng thừa nhận là có một hố chôn tập thể các nạn nhân của cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, tại bang Arakan, phía bắc Miến Điện.

nama2

Một binh sĩ Miến Điện đứng gác gần Maungdaw, phía bắc bang Arakan, ngày 27/09/2017. Reuters/Soe Zeya Tun

Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt cho biết thêm thông tin :

"Theo thông báo của quân đội Miến Điện, ngày 01/09/2017, có 10 người Rohingya bị quân đội bắt giữ trong một chiến dịch truy lùng tại làng Inn Din những tên khủng bố có dính líu đến các vụ tấn công của Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan.

Phải bận lo quá nhiều việc, lực lượng an ninh không thể dẫn giải những người này đến trạm cảnh sát và do vậy, đã quyết định hành quyết những người này. Bản thông cáo nói rõ là ba người dân làng và bốn quân nhân đã làm việc này. Những người dân làng nói trên muốn trả thù cho người cha của họ bị người Rohingya giết hại.

Hôm qua, quân đội Miến Điện thông báo là những người phải chịu trách nhiệm trong vụ này sẽ bị xét xử theo luật pháp. Đồng thời, lần đầu tiên, quân đội cũng thừa nhận sự tồn tại một hố chôn tập thể được phát hiện trong cuộc điều tra do chính quân đội tiến hành.

Tuy nhiên, quân đội không thay đổi lập trường trong việc trả thù nhắm vào thường dân, theo đó, không một thường dân vô tội nào bị binh lính Miến Điện giết chết. Đó cũng là kết luận của cuộc điều tra nội bộ quân đội và được công bố hồi tháng 11 năm ngoái.

Từ tháng 08/2017 đến nay, để tránh bạo lực tại bang Arakan, hơn 650 ngàn người đã phải chạy sang Bangladesh. Hai nước đã đạt thỏa thuận về việc hồi hương những người đang tị nạn tại Bangladesh. Bình thường ra, việc hồi hương sẽ được bắt đầu trong khoảng 10 ngày tới".

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á