Đài Loan : Thế hệ "hoa hướng dương" thách đố Bắc Kinh
Chiến thắng của phe dân chủ tại Đài Loan là thảm kịch đối với Trung Quốc. Mỹ-Iran sẽ quyết chiến bằng mọi giá ? Libya, sân chơi mới của Putin và Erdogan, Nước Úc trong cơn bão lửa, Mùa Xuân sẽ đến với nước Nga … là những chủ đề nóng bỏng trên các tạp chí Pháp cuối tuần.
Giới trẻ Đài Loan trong một cuộc tuần hành trước kỳ bầu cử tổng thống 11/01/2020. Reuters/Ann Wang
Thế hệ bất khuất
Mục điểm tuần báo được phát thanh trên RFI cũng đúng vào ngày bầu cử tại Đài Loan. Căng thẳng Mỹ - Trung và phong trào phản kháng tại Hồng Kông là những ngọn gió đưa Đài Loan lên tuyến đầu thời sự thế giới. Courrier International đặt câu hỏi : Liệu cuộc tranh luận triền miên giữa thế hệ già và thế hệ trẻ lần này có tác động gì lên kết quả bầu tổng thống và Nghị viện ? Trong khi đó, L’Express khẳng định : Thế hệ "hoa hướng dương" tham gia chính trị bảo vệ nền dân chủ mong manh của Đài Loan.
Trước hết, theo Courrier International, mỗi lần bầu cử là mỗi lần khái niệm "Tổ quốc lâm nguy" được đặt ra tại Đài Loan. Vấn đề là đối với một bộ phận cử tri, Trung Hoa Dân Quốc, với các định chế được Tôn Dật Tiên thành lập từ năm 1912 , phải di tản sang Đài Loan vào năm 1949, đang bị lâm nguy vì phe đòi độc lập. Còn phe chủ trương độc lập thì nghĩ rằng chính Hoa lục mới là mối đe dọa của Đài Loan. Tác động của cuộc tranh cãi lên kết quả bầu cử ngày 11/01 sẽ rất lý thú đối với giới quan sát.
Dưới bức ảnh đoàn biểu tình ở Cao Hùng ủng hộ Hồng Kông, đặc phái viên Sébastien Le Benzic của L’Express đưa độc giả tiếp cận với một số khuôn mặt trẻ tiêu biểu của thế hệ "hoa hướng dương". Hàng chục ngàn sinh viên từng bao vây Nghị viện năm 2014, chống dự luận thương mại với Hoa lục vốn bất lợi cho lao động hải đảo. Những sinh viên đó, sau năm 2014, có người đi Mỹ, có người qua Thượng Hải học hỏi và làm việc, nay trở về dấn thân vào các tổ chức chính trị khác nhau, kể cả trong Quốc Dân Đảng.
Cách nay một năm, thế hệ trẻ này đã thổ lộ với L’Express là họ rất chán đảng Dân Tiến vì đảng này thiếu năng động. Tương lai ở Thượng Hải có vẻ tươi sáng hơn ở Đài Bắc. Nhưng tình hình Hồng Kông trong một năm qua đã làm cho thế hệ hoa hướng dương, nay là những thanh niên ở tuổi gần 30, ý thức được việc không thể chấp nhận thống nhất với Hoa lục. Bởi vì Đài Loan và Trung Quốc là hai chế độ trái ngược : Ở Đài Loan là nền dân chủ mở rộng, chính phủ phải minh bạch. Còn ở Trung Quốc, chính quyền độc tài bí mật nhưng bắt dân không được che giấu gì, kể cả đời sống riêng tư.
Trước hiểm họa Trung Quốc, "loài rùa biển", biệt danh của cộng đồng kiều dân Đài Loan ở hải ngoại, quyết định hồi hương giúp nước. Brian Hiao, 28 tuổi, chủ nhiệm tạp chí New Bloom (Đóa hoa mới), cơ quan báo chí độc lập lớn nhất tại hải đảo khẳng định : Câu hỏi chính trị then chốt ở đây là "Chống hay ủng hộ độc lập ?". Giữa Washington và Bắc Kinh, họ phải chọn một trong hai.
Phe Dân Tiến chiến thắng sẽ là kịch bản xấu đối với Trung Quốc. Người Hoa lục sẽ bị hạn chế đến Đài Loan, các công ty Đài Loan sẽ rút về quê nhà vì sợ nhân viên bị công an Trung Quốc truy bức, bỏ tù theo lệnh đảng Cộng Sản.
Đài Loan không sợ cô đơn. Theo chuyên gia Jean Pierre Cabestan, giáo sư Đại Học Tin Lành ở Hồng Kông, Washington không xem nhẹ an ninh Đài Loan. Từ tháng 07/2019, Mỹ đã bán cho Đài Loan 10 tỷ đô la vũ khí. Mỗi năm, hơn 3.000 cố vấn quân sự Hoa Kỳ tới Đài Bắc.
Donald Trump bị báo Mỹ chỉ trích nặng nề …
Vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani ngày 03/01/2020 tại Baghdad mở ra một tương lai bất trắc. Donald Trump có lường hết các hệ quả hay không ? Le Courrier International trích dẫn phân tích của các nhà báo Mỹ phê phán gay gắt chủ nhân Nhà Trắng.
Phe chủ chiến tại Tehran cám ơn Donald Trump. Những cam go lớn nhất đang chờ trước mắt. Đó là một số phản ứng công kích tổng thống Mỹ trên báo chí Mỹ. George Packer của The Atlantic cho rằng "Quyết định ám sát của Qasem Soleimani cho dù có thể biện minh được thì việc này sẽ đưa đến một cuộc leo thang xung đột với những hậu quả khó lường". Viên tướng này tuy là một thành viên cột trụ của chế độ nhưng không phải là thủ lĩnh khủng bố. Bàn tay ông ta đẫm máu hàng ngàn người, nhưng đó là máu của người Hồi giáo không cùng hệ phái. Giết ông ta không giải quyết được gì cả.
Vậy thì tại sao Donald Trump ra tay giết Qasem Soleimani ? Theo nhà báo George Packer, lý do duy nhất của Trump là mở ra một cuộc chiến mà Mỹ thừa sức thắng. Điều đáng trách là trong giới thân cận của tổng thống và bản thân chủ nhân Nhà Trắng, không ai nghĩ đến hậu quả, và trả lời ít nhất các câu hỏi này : Mục đích chiến tranh của chúng ta là gì ? Thế nào là chiến thắng ? Làm cách nào để không bị sa lầy ? Nếu Jerusalem bị oanh kích và Israel nhập trận thì chuyện gì sẽ xảy ra ?...
…nhưng chủ nhân Nhà Trắng được sự ủng hộ trên báo Pháp
Khác với các đồng nghiệp Mỹ, tuần báo Pháp Le Point giới thiệu hai bài phân tích nhìn từ góc cạnh chiến thuật. Chính Tehran, chứ không phải Donald Trump, làm căng thẳng leo thang. Iran nay đã biết Trump ra tay bất ngờ.
Nhìn từ Tehran, hoàng hôn đã đến với phe ôn hòa. Theo tuyên bố của một nhà ngoại giao Iran ẩn danh, mũi tên của Donald Trump giết hai con chim : vừa đóng hẳn khả năng thương lượng một hiệp định hạt nhân mới với Mỹ, vừa củng cố phe bảo thủ từ trước đến nay vẫn chống hiệp định 2015.
Tuy nhiên, đối với nhà phân tích Luc de Barochez, không nên xem Mỹ là thủ phạm còn Iran là nạn nhân, theo phản xạ bài Mỹ của phe tả Châu Âu.
Trong những tháng gần đây, chính Iran đã bắn máy bay tự hành của Mỹ, uy hiếp thương thuyền quốc tế ở Vịnh Ba Tư, oanh kích các trung tâm dầu khí của Saudi Arabia mà Washington không có phản ứng gì, đến nỗi Mỹ bị lên án là co cụm.
Chế độ Hồi giáo có dám đánh lớn hay không ? Theo Luc de Barochez, thái độ diễu võ dương oai của Iran không có nghĩa là Tehran muốn chiến tranh. Chế độ này phải lo sống còn trước đã. Bản thân Donald Trump cũng lo tái tranh cử hơn là chiến tranh.
Đây cũng là ý kiến của Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington. Trong bài "Chúng ta không đi đến chiến tranh", tác giả lý giải : Iran sẽ dẹp hiệp định 2015. Hệ quả là trong những tháng tới sẽ xảy ra nhiều vụ xung đột có thể làm cho vùng Vịnh rơi vào hỗn loạn nhưng điều chắc chắn là chính quyền Hồi giáo đã chứng minh họ không phải là một kẻ liều mạng. Từ nay, họ biết rằng Trump sẵn sàng ra tay một cách bất ngờ.
Libya, sân chơi mới của Putin và Erdogan
L’Express của Ý giải thích vì sao tương lai một lãnh thổ quan trọng của Châu Phi bị bàn tay của Ankara và Moskva định đoạt.
Từ khi tướng Haftar, được Nga ủng hộ, tung quân tiến về Tripoli, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc bị vi phạm đến 45 lần. Haftar được hàng ngàn quân đánh thuê của Nga, Wagner, với những tay súng thiện xạ và chiến binh tinh nhuệ giúp sức đe dọa chính quyền Tripoli, chế độ được Liên Hiệp Quốc công nhận, đến mức nguy ngập. Trong lúc đó, Châu Âu, Ý và Pháp mải lo chia rẽ nhau. Pháp ủng hộ Haftar vì muốn chặn di dân, còn Ý, vì là mẫu quốc cũ của Lybia, nên muốn giúp chính quyền trung ương ổn định.
Lợi dụng Châu Âu không có một chiến lược chung, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mặc sức thao túng. Tháng 01/2020, Ankara đưa quân sang Libya giúp Tripoli. Theo chuyên gia quốc tế, Erdogan và Putin không phải là bạn nhưng cũng không phải là thù. Bản thân Putin cũng không tin Haftar đủ sức đánh thắng, cho nên, hai bên Thổ và Nga sẽ "đồng tình" với nhau chia chác quyền lợi địa chiến lược và tài nguyên của Libya.
Cuộc tự sát khí hậu : Nước Úc trong mùa hè hỏa ngục.
Với bức ảnh một con Kangourou trốn lửa và bức hí họa thủ tướng Morrison chữa cháy bằng than đá, Courrier International minh họa tình hình nghiêm trọng tại Úc với tựa ngắn : Cuộc tự sát khí hậu.
Các bài xã luận báo chí quốc tế và Úc có cùng một kết luận : Với một nền kinh tế đặt trọng tâm lên tài nguyên quặng mỏ, nước Úc không dứt khoát tiến hành các biện pháp chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Từ năm 1996, (từ thời nghị định thư Kyoto), các chính phủ khác nhau tại Úc đã kháng cự lại mọi thỏa thuận về môi trường. Hậu quả là Úc trở thành nạn nhân đầu tiên của chính sách này.
Nga : Mùa Xuân sẽ đến
Về thời sự nước Nga, trong khi dân chúng than phiền ngày đầu năm 2020 Moskva không có tuyết, Kommersant tiên liệu : không bao lâu nữa mùa xuân sẽ đến.
Nhật báo còn tương đối độc lập tại Nga dành một bài với tựa "Xã hội công dân Nga giữa hưng phấn và trầm cảm" để phân tích diễn tiến, đúng hơn là từng thành quả nhỏ nhưng cụ thể trong cuộc đọ sức với chế độ Putin trong năm qua.
Đó là những cuộc đấu tranh chống chính sách đưa rác thủ đô về tỉnh lẻ, chống các bản án bỏ túi, chống những bản cáo trạng vu khống nạn nhân chống người thi hành công vụ trong khi nghi can, thật ra là một kẻ qua đường, vô tình đi ngang một cuộc mít-tinh.
Thái độ đồng lòng của giới nghệ sĩ, tinh thần đoàn kết của giới phóng viên, kể cả những người làm việc cho cơ quan tuyên truyền đã giúp cho ít nhất bốn tù nhân hay nghi can thoát nạn. Theo báo Kommersant, phong trào tranh đấu này làm sáng tỏ những nhược điểm, những sai trái trong bộ máy tư pháp. Ý thức công dân, do các nhà tranh đấu dấn thân đánh động, cuối cùng đã lan ra đến những người dân vẫn có truyền thống trung thành với chế độ và công chức cao cấp.
Đích thân tổng thống Putin phải "quyết định" điều chỉnh một vài vụ án oan sai, cách chức tướng cảnh sát ngụy tạo chứng cớ. Tuy nhiên, con đường dân chủ hóa và tự do cho dân Nga thật sự còn xa.
Mượn hình ảnh hiếm hoi trong mùa tết dương lịch năm nay Moskva không có tuyết, Kommersant triết lý : Tuyết sẽ có thời giờ để đến, nhưng điều quan trọng nhất là mùa xuân. Mùa Xuân không còn xa lắm !
Tú Anh
Đài Loan : ‘Giấc mộng Trung Hoa’ của Tập Cận Bình biến thành ác mộng
Bắc Kinh đã mất hết mọi cơ hội sáp nhập Đài Loan một cách hòa bình, nay chỉ còn giải pháp quân sự. Nhưng nếu "Hồng Kông là thất bại cho Bắc Kinh, Đài Loan có thể sẽ là địa ngục".
Những người ủng hộ tổng thống Thái Anh Văn trong một cuộc mít-tinh tại Đài Bắc ngày 10/10/2020. Reuters/Tyrone Siu
Đài Loan, xung đột Mỹ-Iran, cháy rừng ở Úc, đình công tại Pháp chưa thấy lối thoát, vợ chồng hoàng tử Harry rút lui khỏi các nhiệm vụ chính của Hoàng gia Anh, đó là các chủ đề chính của các nhật báo Pháp hôm nay 10/01/2020. Đặc biệt Đài Loan sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống ngày mai, dưới móng vuốt đe dọa của Trung Quốc, được tất cả các báo Paris đề cập đến.
"Hôm nay Hồng Kông, ngày mai đến lượt Đài Loan"
Trong bài phân tích mang tựa đề "Đài Loan : Khi ‘giấc mộng Trung Hoa’ của Tập Cận Bình biến thành ác mộng", Les Echos nhận xét bà Thái Anh Văn, "tội đồ" của Bắc Kinh rất nhiều hy vọng sẽ tái đắc cử tổng thống. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông là một cú sốc lớn tại hòn đảo, nơi mà lời đe dọa của Tập Cận Bình đã gây ác cảm cho hàng loạt người dân Đài Loan.
"Hôm nay Hồng Kông, ngày mai đến lượt Đài Loan", câu khẩu hiệu này nở rộ trên tường các trường đại học Đài Loan và trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phản ánh nỗi lo ngày càng tăng của 23 triệu dân của hòn đảo chỉ nằm cách Hoa lục có 160 km.
Người dân Đài Loan vốn có "Phong trào Hoa hướng dương" trước cả "Phong trào Dù vàng" Hồng Kông năm 2014, cảm thấy mình là một cộng đồng cùng chung vận mệnh với cựu thuộc địa Anh. Libérationnhắc lại, người Đài Loan theo dõi từng ngày các sự kiện ở Hồng Kông, và cuối tháng 9/2019, đã có trên 100.000 người Đài Loan biểu tình ủng hộ phong trào đòi dân chủ Hồng Kông.
La Croixtrong bài "Trung Quốc cộng sản ám ảnh cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan", nêu thêm một câu khẩu hiệu khác : "Chống lại Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan". Đây là khẩu hiệu tranh cử của bà Thái Anh Văn, 63 tuổi, nữ tổng thống đầu tiên của thế giới Hoa ngữ. Một cái tát cho Trung Quốc, nhưng nhất là đối với đối thủ Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), 62 tuổi, người cho rằng "Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của nền văn minh Trung Quốc".
Chống Trung Quốc : Yếu tố chính trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan
Quan hệ Đài-Trung – ngày thêm căng thẳng – trở thành điểm chính của cuộc bầu cử lần này. Nhà chính trị học Vương Nghiệp Lập (Wang Yeh Lih) nhận xét : "Tình cảm chống Trung Quốc đã trở thành nhân tố chủ chốt trong các cuộc thăm dò".
Theo Les Echos, Tập Cận Bình đã phải trả giá đắt cho bài diễn văn hung hăng trên truyền hình ngày 02/01/2019 gởi đến "đồng bào Đài Loan" nơi mà ông không loại trừ việc thống nhất bằng vũ lực. Nếu bà Thái Anh Văn tái đắc cử, sẽ là thất bại trong ngắn hạn của ông Tập, người muốn hoàn thành giấc mơ của Mao Trạch Đông. Ông ta tin rằng thời gian sẽ đứng về phía mình, nhưng theo Les Echos, việc thống nhất Đài Loan một cách hòa bình nay đã là ảo tưởng.
Libérationcho rằng bà Thái phải cảm ơn ông Tập về bài diễn văn nói trên. Tập Cận Bình đe dọa : "Sự độc lập của Đài Loan chỉ dẫn đến một thảm họa khủng khiếp". Nữ tổng thống Đài Loan đáp trả ngay : "Trung Quốc phải đối mặt với một thực tế về sự hiện hữu của Trung Hoa Dân Quốc, không nên chối bỏ chế độ dân chủ mà người dân Đài Loan đã xây dựng nên". Stéphane Corcuff, chuyên gia về thế giới Trung Hoa đương đại ở Sciences-Po Lyon nhận xét : "Tập Cận Bình đã phạm một sai lầm chính trị với bài diễn văn này".
Đài Loan sẽ là địa ngục cho Bắc Kinh ?
Bài viết "Ở Đài Loan, nữ tổng thống không cúi mình trước đế quốc" chiếm hai trang lớn trên Libération nhắc lại cách đây một năm, bà Thái Anh Văn, được mệnh danh là "Tiểu Anh", uy tín đang sa sút và có nguy cơ thất bại. Nhưng nay bà rất nhiều khả năng tái đắc cử, vượt xa hai đối thủ khác đến 25 điểm.
Ông Ngô Chí Trung (Chih Chung Wu), đại diện Đài Loan tại Pháp thổ lộ Thái Anh Văn không phải là một chính khách truyền thống, bà được đào tạo để trở thành giảng viên đại học chứ không phải nhà lãnh đạo chính trị. Tuy nhiên ông Corcufff nhận xét gần đây bà có rất nhiều nỗ lực, bớt đi phương diện kỹ trị, xử sự phù hợp với văn hóa ngoại giao.
Sau Hồng Kông năm 1997 và Macao năm 1999, mục tiêu của Đảng cộng sản Trung Quốc là thống nhất luôn Đài Loan. Nguyên tắc "nhất quốc, lưỡng chế" thật ra ban đầu được đặt ra để dẫn dụ Đài Loan, trước khi áp dụng cho Hồng Kông. Ý tưởng là sáp nhập tất cả những lãnh thổ này vào Hoa lục, nhưng cho tự trị về kinh tế, chính trị và xã hội. Rất hấp dẫn trên giấy tờ, tuy nhiên trên thực tế, sau 22 năm Hồng Kông được trao trả, không có lời hứa nào được giữ về mặt dân chủ. Tất cả những quyền tự do căn bản bị gặm nhấm dần, cộng thêm bạo lực cảnh sát.
Chuyên gia Matthieu Duchatel, giám đốc chương trình Châu Á của Viện Montagne nhận xét trên Les Echos : "Bắc Kinh có năng lực kinh tế và quân sự để chuẩn bị cho thống nhất, nhưng vấn đề chính là mô hình Trung Quốc hoàn toàn không thu hút nổi xã hội Đài Loan dân chủ, vì ngày càng độc tài hơn". Một nhà nghiên cứu khác cảnh báo "Hồng Kông là thất bại cho Bắc Kinh, còn Đài Loan có thể sẽ là địa ngục".
Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên Đài Loan
Trả lời phỏng vấn của nhật báo kinh tế Les Echos, nhà nghiên cứu J.Michael Cole thuộc Global Taiwan Institute cho rằng "Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực" lên Đài Loan.
Chủ trương của Tập Cận Bình cứng rắn hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm, và ông ta không có lý do gì để thay đổi. Việc thống nhất Đài Loan nằm trong "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông Tập đã nhiều lần hứa hẹn với người dân Hoa lục. Nếu thấy tính chính danh của mình bị đe dọa vì việc thống nhất lâu quá vẫn chưa thành, ông ta có thể dùng đến những biện pháp cực đoan hơn.
Trước mắt, Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực lên hòn đảo, kể cả tập trận gần Đài Loan ; cô lập về ngoại giao và tăng cường ảnh hưởng, các hoạt động xâm nhập để chia rẽ xã hội Đài Loan. Trung Quốc cũng tiếp tục cuộc chiến tranh tâm lý để khuyến khích giới trẻ Đài Loan sang Hoa lục làm việc, áp đặt ý tưởng là nền kinh tế Đài Loan không có tương lai.
Thật ra đã từ lâu Bắc Kinh cố gắng chinh phục tình cảm của người Đài Loan bằng mọi cách, nhưng không thành công. Những người muốn thống nhất với Hoa lục chiếm một phần hết sức nhỏ, bản sắc Đài Loan ngày càng đậm nét nhất là ở lớp trẻ. Người dân Đài Loan thấy rõ sự độc tài của Tập Cận Bình : bắt giam cả triệu người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp các tôn giáo, luật sư, tổ chức phi chính phủ, kiểm duyệt báo chí, xâm phạm Nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông…
Nhưng Tập Cận Bình không quan tâm đến những ưu tư của họ, muốn tự mình ấn định thời điểm thống nhất. Bắc Kinh đã mất hết mọi cơ hội sáp nhập Đài Loan một cách hòa bình, nay chỉ còn giải pháp quân sự. Trung Quốc luôn đe dọa, nhưng nhà nghiên cứu J.Michael Cole không tin rằng sẽ biến thành hành động. Bắc Kinh vẫn chưa chắc sẽ thành công với chiến dịch tấn công Đài Loan – cái giá về nhân mạng, các hậu quả về ngoại giao và phản ứng của Hoa Kỳ là những yếu tố mà Trung Quốc phải cân nhắc.
Đài Loan : Mục tiêu của "fake news" Trung Quốc
Cũng về Đài Loan, Le Monde cho biết đảo quốc này đang là mục tiêu của các "fake news" Trung Quốc.
Là một xã hội cởi mở, dân chủ, Đài Loan hơn bao giờ hết đang là đích nhắm bóp méo thông tin của Bắc Kinh. Mục tiêu đầu tiên của các tin vịt này chính là tiến trình bầu cử : nhiều tin đồn nói rằng có một loại sáp được bôi lên phiếu bầu để cản trở việc đếm phiếu của ông Hàn Quốc Du. Tin khác lại khẳng định có những người tình nguyện kiểm phiếu bị từ chối, hoặc lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong đã hành hung một ông già khi sang Đài Loan…
Bà Summer Chen, tổng biên tập Taiwan FactCheck Center, trung tâm kiểm tra tin giả được quốc tế công nhận cho biết : "Vai trò của chúng tôi không phải là đi tìm xuất xứ các tin vịt, mà phải kiểm tra cả đôi bên". Tuy nhiên có những hình ảnh giống y nhau xuất hiện cả ở Hồng Kông lẫn Đài Loan, bằng tiếng Quảng Đông rồi bằng quan thoại. Hoặc sử dụng chữ giản thể của Hoa lục thay vì phồn thể ở Đài Loan, hay những từ ngữ đặc trưng chỉ được dùng ở Trung Quốc.
Chính quyền Đài Loan đã cảnh báo người dân từ khi ông Hàn Quốc Du, một người vô danh bỗng đắc cử thị trưởng Cao Hùng, thành phố vốn là thủ phủ của đảng Dân Tiến. "Trump của Đài Loan" vốn giỏi xoay sở trong việc xách động mạng xã hội. Facebook từ ngày 01/01/2020 đã lập ra một "war room" chống tin vịt ở Đài Loan, xóa hàng trăm tài khoản đáng ngờ.
Bắc Kinh còn bị nghi ngờ dùng phương tiện công nghệ để tuyên truyền. Đó là những "nhà máy sản xuất nội dung" thường xuyên xuất hiện trên internet Đài Loan. Chẳng hạn "Qiqi đọc thông tin", không hề có quảng cáo, như vậy được ai tài trợ ? Hoặc "Mission", đăng những tin tức ủng hộ Hàn Quốc Du, đã nhiều lần bị Facebook xóa nhưng tái xuất với tên khác. Nhiều youtuber có hàng trăm ngàn người theo dõi thường xuyên xuất hiện, với nhiều điểm tương tự nhau. Một công ty ở Tứ Xuyên đã được nhận ra là kẻ đứng sau lời đề nghị với các thanh niên 20-25 tuổi "trở nên nổi tiếng nếu quảng bá cho việc thống nhất Đài Loan".
Cháy rừng ở Úc : Thảm họa chưa có hồi kết
Về thảm trạng cháy rừng nước Úc, Le Figaro chạy tựa "Thảm họa chưa có hồi kết". Khoảng 30 người thiệt mạng, 100.000 kilomet vuông ra tro, hàng trăm triệu con thú bị thiêu cháy : chính quyền Úc đuối sức trước nạn cháy rừng hoành hành đã ba tháng qua. Trong bài xã luận, tờ báo kêu cứu "Cháy !"
Một đất nước phong cảnh xinh đẹp như trong bưu thiếp, với nhiều loài thực vật và động vật phong phú, những bãi biển tuyệt vời cho những người thích chơi lướt ván, bỗng chốc trở thành địa ngục. Trước thảm họa, nhiều nhân vật nổi tiếng trong thể thao và điện ảnh đã kêu gọi đóng góp.
Cách đây 30 năm, thế giới xúc động trước những thảm họa nhân đạo như boat people, nạn đói ở Ethiopia… và giờ đây đến lượt thảm họa sinh thái. Tại nước Úc đang bốc cháy, bên cạnh những sinh mạng con người, còn có những loài động vật và thực vật bị tiêu diệt, có thể là vĩnh viễn. Theo Le Figaro, người với người từ lâu đã là chó sói, nhưng nay con người còn trở thành con sói đối với hành tinh : khí hậu bị hâm nóng chủ yếu do hoạt động của loài người.
Thụy My
Đài Loan : Đảng Dân Tiến thua to, Bắc Kinh hoan nghênh (RFI, 25/11/2018)
Tại Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn từ chức lãnh đạo đảng Dân Tiến. Trong cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 25/11/2018, đảng cầm quyền thất bại nặng nề mất hơn phân nửa số vùng, từ 13 xuống còn 6. Đối lập Quốc Dân Đảng từ 6 thành phố chiếm thêm 9 trong đó có thành phố cảng Cao Hùng. Ngay lập tức, tổng thống Thái Anh Văn nhận trách nhiệm và tự trừng phạt bằng hình thức từ chức ghế lãnh đạo đảng.
Phe ủng hộ Quốc Dân Đảng tại Cao Hùng (Kaohsiung), 23/11/2018. © Reuters/Tyrone Siu
Phe bảo thủ tại Đài Loan cũng thắng trong hai cuộc trưng cầu dân ý : không chấp nhận hôn nhân đồng giới tính và đòi hỏi bác bỏ ngọn cờ Thế Vận "Đài Bắc-Trung Hoa" hiện nay. Bắc Kinh hài lòng trước chiến thắng của đối lập Đài Loan và xem kết quả này phản ánh ý kiến của đa số dân chúng hải đảo muốn "đôi bên cùng có lợi" trong quan hệ với Hoa lục.
Từ Đài Bắc, đặc phái viên Stephane Lagarde phân tích :
Từ nhiều tuần nay, thành phố Cao Hùng là chủ đề của các cuộc tranh luận trên truyền hình nhất là ứng cử viên vừa đắc cử thị trưởng, một được mô tả là một "vật thể bay không rõ xuất xứ" của Quốc Dân đảng. Nhân vật có lối phát biểu bạo gan bạo phổi chinh phục được cử tri bình dân của thành phố cảng công nghiệp của Đài Loan. Hàn Quốc Du, 61 tuổi, khuấy động đám đông ủng hộ viên trong rừng cờ Trung Hoa Dân Quốc đỏ rực : "Chiến thắng này không những là một thông điệp cho hải đảo mà còn gửi cho toàn thế giới là cùng nhau, chúng ta sẽ là cho Cao Hùng trở thành một thành phố hưng thịnh nhất hành tinh".
Từ 20 năm nay, Cao Hùng là một căn cứ địa của đảng Dân Tiến. Thế nhưng, từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống vào năm 2016, hoạt động kinh tế ở Cao Hùng, nhất là kỹ nghệ du lịch bị giảm đi do quan hệ căng thẳng với Hoa lục. Ông Benni Ngô, chủ tịch nghiệp đoàn công ty lữ hành, giải thích : "Trong hai năm trở lại đây, chúng tôi thấy số du khách từ Hoa lục sang thăm Đài Loan giảm đi nhiều. Tôi không nói những cá nhân mà là những đoàn có tổ chức. Nếu nhìn kỹ chi tiết thì rõ ràng là các thành phố phía nam như Cao Hùng, Bình Đông, Đại Đông bị mất du khách đến từ Trung Quốc".
Câu hỏi đặt ra là liệu kết quả bầu cử hôm Chủ Nhật mang ý nghĩa trừng phạt ? Nhân vật vừa đắc cử thị trưởng Cao Hùng, với lối phát biểu bộc trực, bị các đối thủ tố cáo tung tin thất thiệt và bị Bắc Kinh giựt dây.
Tú Anh
****************
Tổng thống Đài Loan từ chức chủ tịch đảng sau thất bại bầu cử (VOA, 25/11/2018)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từ chức chủ tịch Đảng Dân tiến đương quyền chủ trương ủng hộ độc lập sau khi đảng này chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử ngày thứ Bảy, để mất hai vị trí thị trưởng tại hai trong số những thành phố quan trọng nhất ở hòn đảo này.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thông báo quyết định của bà từ chức chủ tịch Đảng Dân tiến sau các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24 tháng 11, 2018.
Kết quả của cuộc bầu cử, diễn ra chỉ hơn một năm trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan, có thể sẽ làm hài lòng Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đài Loan tự cai trị và dân chủ và đã gia tăng áp lực lên bà Thái và chính quyền của bà kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016.
Trong khoảng thời gian trước cuộc bầu cử, bà Thái và chính phủ của bà đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc đang tìm cách lung lạc cử tri với việc "bắt nạt chính trị" và "tin vịt," một cáo buộc mà Bắc Kinh phủ nhận.
Đảng Dân tiến đánh mất ghế thị trưởng ở thành phố đông dân thứ hai của Đài Loan là Đài Trung và một chiến trường trọng yếu ở miền Nam là thành phố Cao Hùng, nơi mà đảng này đã giữ ghế thị trưởng hai thập niên qua và đóng vai trò trung tâm trong phong trào ủng hộ dân chủ ở Đài Loan trong những năm 1970.
Đảng Quốc dân giành chiến thắng ở cả hai nơi này. Đảng Quốc dân có chủ trương thân Trung Quốc từng cai trị đại lục trước khi chạy sang Đài Loan vào cuối cuộc nội chiến với phe Cộng sản vào năm 1949.
Bà Thái nói Đảng Dân tiến sẽ suy ngẫm về thất bại này, nhưng bà tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương của mình.
"Tiếp tục các cải cách, tự do và dân chủ, và bảo vệ chủ quyền của đất nước là sứ mệnh mà Đảng Dân tiến sẽ không từ bỏ," bà nói với các phóng viên.
Bà nói bà sẽ không chấp nhận đề nghị từ chức Thủ tướng Lại Thanh Đức được đưa ra trước đó vào buổi tối.
Đảng Dân tiến bám trụ được tại hai trong số các thành trì khác của họ, giữ được Đài Nam ở phía nam và Đào Viên ở phía bắc.
Không có phản ứng tức thời nào từ Bắc Kinh về kết quả bầu cử. Truyền thông nhà nước chỉ đơn giản nhắc tới việc bà Thái từ chức chủ tịch đảng để "chịu trách nhiệm về thành tích của đảng trong các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan".
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi Đài Loan vì "tỏ rõ sức mạnh của hệ thống dân chủ sinh động của họ thông qua một vòng bầu cử thành công".
Tổng thống Đài Loan tới Hawaii dù Trung Quốc phản đối (VOA, 30/10/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp xuống Honolulu hôm 28/10 trên đường tới thăm các đồng minh ngoại giao của hòn đảo này ở Thái Bình Dương, bất chấp phản đối mạnh của Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn, thứ ba từ trái sang, tại khu tưởng niệm USS Arizona Memorial tại Pearl Harbor gần Honolulu, Hawaii, hôm 28/10.
Theo Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, coi đó là một vấn đề quan trọng cũng như nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ, đồng thời thường phản ứng với Washington về các lần quá cảnh ở Mỹ của các tổng thống Đài Loan.
Bà Thái, người Trung Quốc tin rằng đang mưu tìm độc lập cho Đài Loan, rời Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới ba đồng minh ở Thái Bình Dương là Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall, và quá cảnh ở Honolulu và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/10/7/7c/7c956973-6aac-45fa-aa2f-bf79b8ce2b34.mp4
************************
Đài Loan sẽ tăng chi phí quốc phòng (RFA, 30/10/2017)
Đảo quốc Đài Loan sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% mỗi năm trong thời gian tới. Đó là lời phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tại Hawaii vào ngày 30 tháng 10. Tuy nhiên bà Thái không nói rõ là lúc nào thì việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ bắt đầu.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại một hội nghị về quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc do Hội đồng sự vụ của Đài Loan tổ chức ở Đài Bắc hôm 26/10/2017 - AFP
Bà Thái Anh Văn đưa ra lời phát biểu như vậy để đáp lại những quan ngại của Trưởng phái bộ Mỹ tại Đài Loan, Đại sứ James Moriaty, rằng hiện nay có sự mất cân bằng quá lớn về quân sự hai bên eo biển Đài Loan. Ý ông muốn nói rằng Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự của mình, và việc này đe dọa đến Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn nói với ông Moriaty rằng Đài Loan có tất cả các kế hoạch toàn diện có thể đáp ứng những nhu cầu quốc phòng ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.
Đài Loan và Trung Quốc lục địa thực sự được cai trị bởi hai chế độ khác nhau kể từ năm 1949 khi ông Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và có thể dùng vũ lực để thu hồi khi cần thiết.
Mỹ hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, vì Washington công nhận chỉ một chính phủ Trung Quốc của Bắc Kinh, tuy vậy Mỹ vẫn là một đồng minh cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Đài Loan.
**********************
Đài Loan muốn đột phá trong quan hệ với Trung Quốc (VOA, 27/10/2017)
Đài Loan và Trung Quốc cần gạt bỏ gánh nặng lịch sử để tìm kiếm một bước đột phá trong quan hệ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong những phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi Đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc ra mắt dàn lãnh đạo mới.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc bài diễn văn mừng Ngày Quốc Khánh trước Phủ Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng 10, 2017.
Quan hệ giữa hai bờ eo biển xấu đi nghiêm trọng sau khi bà Thái, người lãnh đạo Đảng Dân Tiến ủng hộ Đài Loan độc lập, nhậm chức vào năm ngoái. Trung Quốc nghi ngờ bà muốn thúc đẩy sự độc lập chính thức cho hòn đảo, một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã đình chỉ một cơ chế đối thoại thường xuyên với Đài Bắc được thành lập dưới thời chính phủ thân Trung Quốc trước kia của Đài Loan, và số lượng du khách Trung Quốc tới Đài Loan đã giảm mạnh dưới chính quyền của bà Thái.
"Ngay bây giờ là một bước ngoặt cho sự thay đổi. Tôi một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả hai bên hãy tìm kiếm một bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và để làm lợi cho phúc lợi lâu dài của người dân ở cả hai phía và để loại trừ mãi mãi những thù nghịch và xung đột", bà Thái phát biểu trước một diễn đàn.
Dù ghi nhận những thay đổi trong ban lãnh đạo của Trung Quốc công bố hôm thứ Tư, bà Thái không bình luận cụ thể về thành phần đội ngũ nòng cốt của ông Tập.
Nhưng bà nhắc lại rằng dù thiện chí của hòn đảo đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi, Đài Bắc sẽ không khuất phục trước áp lực.
Phản ứng về bài diễn văn của bà Thái, Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc nói cơ sở chính trị cho các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan là nguyên tắc "một Trung Quốc", nói rằng đại lục và Đài Loan là một phần của một nước Trung Quốc.
Miễn là điều này được công nhận, không có trở ngại nào đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa đôi bên, văn phòng cho biết trong một thông cáo được truyền thông nhà nước loan tải.
Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh áp lực lên Đài Loan.
Năm nay, không quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều đợt tập trận gần Đài Loan, khiến cho không quân hòn đảo này phải điều động máy bay chiến đấu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cử tọa vỗ tay nồng nhiệt vào tuần trước vào lúc khai mạc Đại hội Đảng khi ông nói bất kỳ nỗ lực tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị chặn đứng.
Ủy hội Đại lục của Đài Bắc đưa ra phản ứng nhanh chóng, nói rằng 23 triệu người dân Đài Loan "tuyệt đối" có quyền quyết định tương lai của họ.
Trung Quốc xem đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là một tỉnh ly khai của mình, được đưa về sự cai trị của Bắc Kinh bằng vũ lực nếu cần thiết.