Thái Lan yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar giảm bạo lực
Reuters, VOA, 12/04/2024
Thái Lan đã đánh tiếng tới chính quyền quân sự Myanmar là cần giảm bạo lực, Ngoại trưởng Thái Lan nói hôm 12/4 và cho biết thêm rằng họ đang chuẩn bị trước khả năng dòng người vượt biên từ Myanmar vào Thái Lan sau khi một thị trấn biên giới rơi vào tay quân nổi dậy.
Người dân tụ tập tại cửa khẩu cầu hữu nghị Thái-Myanmar ở thị trấn Myawaddy
Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết Thái Lan cũng đang làm việc với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để theo đuổi kế hoạch hòa bình cho Myanmar, còn được gọi là đồng thuận năm điểm vốn đang bị ngưng đình trệ.
"Thái Lan muốn thấy hòa bình và đối thoại", ông Parnpree nói với các phóng viên sau chuyến thăm đến Mae Sot nằm đối diện thị trấn Myawaddy trên lãnh thổ Myanmar. Thị trấn này đã bị quân kháng chiến chống chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) giành lấy từ tay quân đội Myanmar.
Ông nói thêm rằng Thái Lan đang xem xét các tuyến đường giao thương thay thế trong trường hợp giao tranh dẫn đến các con đường bị phong tỏa.
Dòng người đều đặn, trong đó có những người lo sợ bị không kích, đã xếp hàng tại một cửa khẩu để tháo chạy khỏi Myanmar hôm 12/4.
"Tôi sợ không kích", bà Moe Moe Thet San, một cư dân thị trấn Myawaddy đang đứng xếp hàng rồng rắn cùng hàng chục người khác trong cái nóng oi bức để qua biên giới sang Thái Lan, nói với Reuters. Bà qua được biên giới cùng với đứa con trai khoảng năm tuổi.
"Họ làm những tiếng động rất lớn rung chuyển căn nhà tôi", người mẹ 39 tuổi này nói thêm. Bà nằm trong số những người kéo về cửa khẩu biên giới duy nhất ở Mae Sot. Bà cho biết tiếng bom đã khiến họ rời bỏ nhà cửa do lo sợ cho sự an toàn của họ.
"Đó là lý do tại sao tôi trốn tới đây. Họ không thể đánh bom ở Thái Lan", bà nói thêm.
Theo các nhà phân tích, việc để mất thị trấn Myawaddy đã khiến chính quyền quân sự Myanmar, vốn đã vật lộn với nền kinh tế rơi tự do, mất đi nguồn thu quan trọng từ giao thương biên giới trong khi làm cho các nhóm phiến quân trở nên mạnh thêm.
Nguồn : VOA, 12/04/2024
************************
Quân đội Myanmar rút lui khi phiến quân tuyên bố kiểm soát thị trấn biên giới quan trọng
Reuters, VOA, 11/04/2024
Khoảng 200 binh sĩ Myanmar đã rút lui đến một cây cầu dẫn sang Thái Lan hôm 11/4 sau cuộc tấn công kéo dài nhiều ngày của lực lượng kháng chiến chống chính quyền.
Các thành viên của lực lượng dân quân Myanmar bên kia sông Moei ở phía Myanmar, ảnh chụp từ tỉnh Mae Sot của Thái Lan vào ngày 11/4/2024.
Lực lượng này tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới quan trọng Myawaddy trong một chuỗi chiến thắng của phiến quân này.
Chính phủ do quân đội điều hành của Myanmar đang phải chiến đấu với quân nổi dậy trên nhiều mặt trận và đã hứng chịu một loạt thất bại ở các khu vực biên giới kể từ tháng 10 năm ngoái, khi các nhóm nổi dậy tiến hành một cuộc tấn công phối hợp gần biên giới Trung Quốc.
Quốc gia Đông Nam Á nghèo khó này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử trong cuộc đảo chính năm 2021, gây ra một cuộc kháng chiến vũ trang trên toàn quốc, hiện đang có sự tham gia của một số nhóm nổi dậy thiểu số lâu đời.
"Hôm nay, lực lượng kháng chiến chung do KNU lãnh đạo đã chiếm được căn cứ quân sự còn lại ở Myawaddy", ông Kyaw Zaw, người phát ngôn của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar, nói với Reuters.
Tổ chức này là một chính phủ ngầm của các nhà lập pháp bị lật đổ và các nhóm chống chính quyền.
"Đây là một chiến thắng quan trọng cho cuộc cách mạng của chúng tôi vì Myawaddy là một thị trấn biên giới quan trọng đối với chính quyền, một trong những nguồn thu nhập chính từ thương mại biên giới", ông Zaw nói.
Người phát ngôn của chính quyền Myanmar không trả lời các cuộc điện thoại yêu cầu bình luận của Reuters.
Việc rút lui của quân đội chính quyền ở Myawaddy, nơi tiếp giáp với thị trấn Mae Sot của Thái Lan, báo hiệu khả năng mất một tiền đồn thương mại biên giới quan trọng khác có đường cao tốc dẫn thẳng tới các khu vực miền trung Myanmar.
Ông Saw Taw Nee, người phát ngôn của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm chống chính quyền dẫn đầu cuộc tấn công vào Myawaddy, hôm 11/4 cho biết rằng khoảng 200 binh sĩ Myanmar chạy trốn đã tập trung tại một cửa khẩu biên giới sang Thái Lan.
Hãng tin Khit Thit cho biết chính quyền Thái Lan đang đàm phán với các binh sĩ để quyết định xem có cho họ tị nạn hay không.
Sang Thái Lan lánh nạn
Cuộc tấn công vào Myawaddy bắt đầu vào tuần trước sau khi KNU cho biết họ đã tấn công một trại quân sự gần thị trấn, buộc khoảng 500 nhân viên an ninh cùng với gia đình họ phải đầu hàng.
Quân đội đã mất quyền kiểm soát các khu vực dọc biên giới Myanmar với Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời bị tổn thất đáng kể về nhân lực, khiến quân đội lần đầu tiên phải đưa ra kế hoạch cưỡng bách tòng quân.
"Tiếp theo, lực lượng kháng chiến có thể tấn công các thị trấn lớn trên khắp Myanmar", nhà phân tích chính trị Than Soe Naing nói, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng kháng chiến của Myanmar kiểm soát hầu hết các trạm thương mại biên giới sau vụ tiếp quản mới nhất ở Myawaddy.
Các cửa khẩu biên giới trong khu vực đã được mở cho thường dân từ Myanmar đến Thái Lan với số lượng lớn, theo cảnh sát Borwornphop Soontornlekha, giám đốc di trú ở tỉnh Tak của Mae Sot, cho biết.
"Thông thường có khoảng 2.000 người đến Mae Sot từ Myawaddy mỗi ngày, nhưng ba ngày qua con số này lên tới gần 4.000 người một ngày", ông Borwornphop nói với Reuters.
Các gia đình có trẻ em nằm trong số những người xếp hàng dài tại một cửa khẩu biên giới gần Mae Sot hôm 11/4, trong khi binh lính Thái Lan kiểm tra túi xách và đồ đạc của những người qua cửa khẩu.
Binh sĩ Thái Lan đứng gác trên sông Moei phía Thái Lan, gần trạm kiểm soát Tak ở biên giới với Myanmar.
Quân đội Thái Lan đã tăng cường an ninh ở khu vực biên giới, sử dụng xe quân đội được trang bị súng máy gắn trên nóc xe.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, người trước đó nói với Reuters rằng chính quyền Myanmar đang "suy yếu" và thúc đẩy việc mở các cuộc đàm phán với chính quyền, hôm 11/4 nói rằng cuộc giao tranh gần đây không nên tràn sang không phận nước ông.
Ngoại trưởng nước này cho biết Thái Lan vẫn trung lập trong cuộc xung đột ở Myanmar và có thể tiếp nhận tới 100.000 người phải di dời từ Myanmar do tình trạng hỗn loạn.
Theo nhóm xã hội dân sự Mạng lưới Hỗ trợ Hòa bình Karen, ít nhất 2.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Myanmar do đợt giao tranh mới nhất giữa phe nổi dậy và quân đội.
Reuters
VOA, 11/04/2024
**************************
Miến Điện còn loạn, Thái Lan càng lo
Thu Hằng, RFI, 10/04/2024
Hơn ba năm nội chiến khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng tại Miến Điện, trong đó có ít nhất 8.000 thường dân. Tập đoàn quân sự bị thu hẹp quyền lực khi chỉ kiểm soát được 1/2 lãnh thổ, không bảo đảm được an ninh, nạn tội phạm. Bất ổn gia tăng ở Miến Điện khiến các nước láng giềng lo ngại, đặc biệt là Thái Lan. Ngày 08/04/2024, thủ tướng Sretha Thasivin cho rằng đã đến lúc đàm phán với chính quyền Naypidaw vì tập đoàn quân sự "bị suy yếu".
Một khu trại tị nạn ở Miến Điện, nhìn từ bên kia sông Moei phía Mae Sot ở tỉnh Tak của Thái Lan, ngày 25/03/2024. AP - Sakchai Lalit
Quân đội Miến Điện hiện chỉ kiểm soát được các thành phố lớn như Rangun, Mandalay, Naypyidaw. Thái Lan có 2.400 km biên giới với Miến Điện. Những bất ổn ở nước láng giềng gây rối loạn cho các dự án cơ sở hạ tầng và an ninh khu vực buộc chính phủ Thái Lan, lên nắm quyền từ tháng 08/2023, phải thay đổi chính sách với Naypiydaw.
Miến Điện bất ổn đến mức nào phải khiến Thái Lan lo lắng ?
Thất bại gần đây của quân đội Miến Điện ở Kokang cho thấy chính các nhóm dân tộc có vũ trang, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, đang trấn áp tình trạng tội phạm ở các vùng biên giới tại bang Shan miền bắc. Bangkok ngày càng lo lắng về việc tập đoàn quân sự Miến Điện không thể hoặc không muốn kiểm soát làn sóng di dân, tình trạng tội phạm, buôn lậu ma túy xuyên biên giới giữa hai nước.
Nạn lừa đảo viễn thông, vượt ngoài tầm kiểm soát của tập đoàn quân sự Miến Điện, liên tục được truyền thông Thái Lan đề cập từ đầu năm. Sau khi Trung Quốc và Cam Bốt thắt chặt luật pháp, các mạng lưới tội phạm tìm được miền đất hứa và nở rộ ở Miến Điện. Theo Liên Hiệp Quốc, nạn lừa đảo viễn thông thu về hàng tỉ đô la mỗi năm. Nghiêm trọng hơn là rất nhiều người bị lừa bán vào những trung tâm này, trong đó có cả công dân Thái Lan. Ngày 17/01, thông tín viên RFI Carole Isoux tại Bangkok cho biết khoảng 500 người Thái làm việc trong những trung tâm như này được hồi hương, trong đó gần 200 người khẳng định là nạn nhân của mạng lưới buôn người.
Vấn nạn thứ hai là buôn bán ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, Miến Điện trở thành nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới năm 2023, vượt qua Afghanistan. Từ lâu, cây thuốc phiện nở rộ ở các vùng núi gần biên giới với Thái Lan và Lào, sau đó được các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số và băng đảng tội phạm biến thành heroin trong khi lực lượng an ninh nhắm mắt làm ngơ cho hoạt động tội phạm mang lại hàng tỉ đô la. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc được AFP trích dẫn ngày 14/03, Miến Điện sản xuất khoảng 1.080 tấn thuốc phiện trong năm 2023, so với 790 tấn năm 2022.
Kinh tế lao dốc sau cuộc đảo chính, nông nghiệp thất bát do chi phí gia tăng và vận tải ách tắc vì giao tranh nên người nông dân chuyển sang trồng cây anh túc, giúp họ có thu nhập. Thêm vào đó, người dân Miến Điện phải sơ tán vì xung đột tạo thành nguồn nhân lực dồi dào vì không còn công việc nào khác. Thu hoạch anh túc cũng nhiều hơn nhờ được đầu tư nhiều và cải thiện hệ thống tưới tiêu.
Các cuộc giao tranh kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính tháng 02/2021 đã buộc khoảng 2,8 triệu người phải sơ tán trong nước (chiếm gần 5% dân số Miến Điện), trong đó gần một triệu người sống ở biên giới với Thái Lan. Ngày 27/03, tướng Aung Min Hlaing thông báo muốn bắt buộc thời hạn nghĩa vụ quân sự ít nhất là hai năm đối với nam giới trong độ tuổi 18-35 và nữ giới từ 18-27. Điều này giải thích cho dòng người đằng đẵng trước đại sứ quán Thái Lan ở Rangun.
Thế nhưng, tại nước láng giềng đã có gần 3 triệu người Miến Điện sinh sống. Một dấu hiệu cho thấy Thái Lan lo lắng về làn sóng di dân Miến Điện là chính quyền Bangkok ban hành luật mới về nhập cư có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, trong đó thắt chặt thủ tục xác định người xin tị nạn chính trị và giao cho cảnh sát phụ trách vấn đề này. Luật mới bảo đảm tiếp nhận, cấp chỗ ăn ở cho người tị nạn nhưng họ không được quyền làm việc. Trong khi đó, theo trang web của Hội Thừa Sai Paris, các hiệp hội nhân quyền lo ngại về định nghĩa giữa quy chế di dân kinh tế và tị nạn chính trị tại Thái Lan.
Tại sao và từ khi nào Thái Lan thay đổi thái độ đối với chính quyền Naypyidaw ?
Chính phủ Thái Lan hiện nay muốn thay đổi hẳn cách tiếp cận về Miến Điện. Trang The Diplomat nhận thấy sự thay đối thái độ của chính phủ Thái Lan qua ba phương diện.
Thứ nhất là thông qua những quyết định và phát biểu của các nhà lãnh đạo Thái Lan. Tháng 12/2023, thủ tướng Sretha Thasivin khẳng định quyết tâm đóng vai trò hàng đầu trong việc đối thoại với Tatmadaw. Ý định này được tái khẳng định trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 08/04 khi cho rằng tập đoàn quân sự Miến Điện "đang bị suy yếu" và đây là thời điểm để đàm phán với Naypyidaw.
Thứ hai, chính quyền Bangkok không ngừng nỗ lực đối thoại với các bên liên quan ở Miến Điện và các đối tác quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bên lề Diễn đàn Davos tháng 01/2024, thủ tướng và ngoại trưởng Thái Lan tuyên bố chính quyền Bangkok sẽ tìm cách phối hợp với ASEAN và các đối tác khác để thúc đẩy hòa bình trong vùng. Đến tháng 03, Quốc hội Thái Lan đã tổ chức một buổi thảo luận về tình hình Miến Điện và mời nhiều nhà đối lập với tập đoàn quân sự tham gia.
Thứ ba, Thái Lan đã đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn Miến Điện ở biên giới khi lập "một vùng an toàn nhân đạo" gần cửa khẩu Mae Sot (Thái Lan) - Myawaddy (Miến Điện). Được ASEAN ủng hộ, hội Chữ Thập Đỏ Thái Lan bắt đầu chuyển hàng cứu trợ cho hội Chữ Thập Đỏ Miến Điện từ ngày 25/03. Lô đầu tiên, được giao ở đồn biên phòng Mae Sot - Myawaddy, gồm hơn 4.000 túi hàng gồm gạo, thực phẩm khô và nhiều vật dụng cần thiết khác cho khoảng 20.000 người. Số hàng này được đưa đến ba khu vực thí điểm ở bang Kayin.
Thái Lan còn phải nỗ lực như thế nào ?
Những nỗ lực hiện nay của Thái Lan là rất tích cực nhưng chưa đủ nếu thực sự muốn đối đầu với cuộc khủng hoảng trong khi người dân Miến Điện lại đang dồn sang biên giới Thái Lan sau khi Myawaddy - nằm trong hành lang nhân đạo - trở thành điểm giao tranh dữ dội giữa quân đội Miến Điện và các lực lượng nổi dậy.
Theo The Diplomat, chính quyền Bangkok cần phối hợp sâu sắc và trực tiếp hơn với các nước ASEAN, đặc biệt là với Indonesia, về khủng hoảng Miến Điện và vấn đề viện trợ nhân đạo vì có đến 12,9 triệu người Miến Điện (khoảng 25% dân số) bị thiếu lương thực trong năm 2024, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc.
Thái Lan có thể đạt được vai trò chiến lược trong vùng nếu điều phối thành công nỗ lực của ASEAN để đàm phán hòa bình cho nước láng giềng bởi vì ít có nước nào trong khu vực thông hiểu và được ưu ái tiếp xúc với Miến Điện như Thái Lan. "Nước được lợi nhất khi Miến Điện thống nhất, ổn định và thịnh vượng chính là Thái Lan". Thủ tướng Sretha Thasivin đã không giấu mục tiêu của Thái Lan trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 08/04.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 10/04/2024
***************************
Miến Điện : Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
Minh Anh, RFI, 10/04/2024
Phe nổi dậy sắc tộc Karen vừa chiếm được quyền kiểm soát một trong số các thành phố chính tại Miến Điện, giáp biên giới với Thái Lan, cửa ngõ đi vào phần còn lại của Đông Nam Á. Đây là một vố đau mới cho tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 02/2021.
Thành phố Myawaddy của Miến Điện nằm sát biên giới với Thái Lan. © CC BY 2.0 DEED
Từ Bangkok, thông tín viên RFI trong khu vực, Carole Isoux tường thuật :
Thành phố Myawaddy, giáp biên giới với Thái Lan, là một điểm trung chuyển thương mại và là điểm dừng quan trọng trên một trục được gọi là "xa lộ châu Á". Từ nhiều ngày qua, những cuộc giao tranh ở đây giữa các nhóm vũ trang người Karen và quân đội Miến Điện đã diễn ra khốc liệt. Hàng trăm binh sĩ Miến Điện đã đầu hàng các lực lượng nổi dậy và thành phố này từ giờ dưới sự kiểm soát của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), tổ chức điều hành chính ở địa phương.
Chính phủ Thái Lan đã cấp phép đặc biệt cho nhiều chuyến bay hồi hương đi từ thành phố biên giới Mae Sot của Thái Lan về thành phố Rangun của Miến Điện. Và bất chấp sự phủ nhận của ngoại trưởng Thái Lan, không muốn tỏ ra ủng hộ chế độ Miến Điện, nhiều nguồn tin chính phủ cho biết trên các chuyến bay hồi hương có nhiều sĩ quan và binh sĩ Miến Điện.
Ngoại trưởng Thái Lan còn khẳng định rằng đất nước ông sẵn sàng tiếp nhận 100 ngàn người tị nạn Miến Điện vào lúc các cuộc giao tranh đã đẩy hơn hai triệu người ở trong nước phải di tản và Thái Lan được kêu gọi đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Miến Điện.
Minh Anh
**************************
Miến Điện xin mở các "chuyến bay đặc biệt" ở biên giới Thái Lan
Minh Anh, RFI, 09/04/2024
Bộ ngoại giao Thái Lan ngày 08/04/2024 cho biết tập đoàn quân sự Miến Điện xin phép mở các chuyến bay "đặc biệt" để hồi hương người Miến Điện ở Thái Lan, sau khi xảy ra giao tranh tại một cửa khẩu chiến lược ở Miến Điện.
Trại tị nạn ở Thái Lan, tập trung những người di tản từ Miến Điện, ngày 08/02/2024. AP - Jintamas Saksornchai
AFP dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Thái Lan nêu rõ một máy bay của Miến Điện đã hạ cánh xuống phi trường Mae Sot hôm Chủ Nhật 07/4 và đã cất cánh trở lại trong ngày. Chuyến bay này đã được cấp phép vì "lý do nhân đạo".
Cũng theo nguồn tin này, đại sứ quán Miến Điện ở Bangkok hôm 06/4 đã đệ trình một thỉnh cầu cho ba chuyến bay "đặc biệt" tuyến Rangun – Mae Sot để vận chuyển "hành khách và hàng hóa". Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chuyến bay.
Tuy nhiên, sau chuyến bay hôm Chủ Nhật, hai chuyến bay khác theo lịch trình đã bị hủy, theo như thông cáo, nhưng không nêu chi tiết. Phía Thái Lan cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở biên giới với Miến Điện và "sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết để vãn hồi hòa bình, trật tự và an ninh cho người dân".
Bị giới báo chí chất vấn, thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin khẳng định "chuyến bay này không vận chuyển vũ khí cũng như là quân nhân" và trên máy bay chỉ có "lao động thường dân".
Theo truyền thông Thái Lan, cuối tuần qua, giao tranh dữ dội đã xảy ra giữa quân đội Miến Điện và các nhóm chống tập đoàn quân sự ở gần thị trấn Myawaddy, cách thị trấn Mae Sot của Thái Lan bởi một con sông.
Trong tình hình này, hôm nay, ngoại trưởng Thái Lan cho biết đất nước ông sẵn sàng tiếp nhận 100 ngàn người tị nạn Miến Điện.
Minh Anh
******************************
Thủ tướng Thái Lan nói chế độ quân sự Myanmar ‘đang suy yếu’
Reuters, VOA, 08/04/2024
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với Reuters rằng lúc này là thời điểm tốt để mở các cuộc đàm phán với Myanmar khi chế độ quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2021 đang suy yếu.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong cuộc phỏng vấn với Reuters trên đảo Koh Samui
Myanmar đang khốn đốn với cuộc nổi dậy trên nhiều mặt trận, với các nhóm chống chính quyền quân sự liên minh với nhau và được một chính phủ ủng hộ dân chủ hỗ trợ. Họ đang nắm quyền kiểm soát một số đồn quân sự và thị trấn, bao gồm một phần của một thị trấn then chốt nằm ở biên giới với Thái Lan vào cuối tuần qua.
Cuộc nổi dậy là thách thức lớn nhất mà chính quyền quân sự Myanmar phải đối mặt kể từ khi họ tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2021.
"Chế độ hiện tại đang bắt đầu mất đi phần nào sức mạnh", ông Srettha nói trong một cuộc phỏng vấn trên đảo nghỉ mát Samui hôm 7/4, và nói thêm rằng ‘nhưng ngay cả khi họ thua, họ vẫn có sức mạnh, họ có vũ khí’.
"Có lẽ đã đến lúc tiếp cận họ để thảo luận một thỏa thuận", ông nói.
Thái Lan đã tìm cách can dự với Myanmar qua nhiều kênh kể từ khi ông Srettha lên nắm quyền hồi tháng 8 năm ngoái, bao gồm cả cung cấp viện trợ cho Myanmar theo một sáng kiến nhân đạo nhằm mở đường cho đàm phán giữa các phe tham chiến.
Quốc hội Thái Lan cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng trước về tình hình chính trị ở Myanmar với sự tham gia của các phe phái đối lập với quân đội Myanmar, bất chấp sự phản đối của tập đoàn quân sự.
Ông Srettha cho biết Myanmar rất quan trọng đối với Thái Lan và ông và các quan chức Thái Lan khác đã nói chuyện với các phe phái khác nhau ở Myanmar và các đối tác quốc tế bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ.
"Quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu Myanmar trở nên thống nhất, hòa bình và thịnh vượng là Thái Lan", ông Srettha nói.
Chính phủ Thái Lan sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở nước ngoài và chính sách của họ sẽ là giải quyết xung đột một cách hòa bình, phát ngôn nhân chính phủ Chai Watcharong cho biết hôm 8/4 khi được truyền thông hỏi về tình hình ở Myanmar.
Nguồn : VOA, 08/04/2024
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Miến Điện, Thái Lan đã đưa ra sáng kiến mới, cho phép xây dựng một vùng an toàn nhân đạo nhằm cung cấp viện trợ và mở đường cho đàm phán giữa các phe tham chiến ở Miến Điện, ba năm sau cuộc đảo chính gây ra bất ổn và làn sóng bạo lực trên khắp nước này.
Người dân từ miền đông Miến Điện chạy sang tị nạn tại tỉnh Tak, Thái Lan, ngày 06/04/2023. AP - Chiravuth Rungjamratratsami
Trả lời phỏng vấn báo Nikkei Asia, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết nước này đang xây dựng kế hoạch thiết lập một vùng an toàn nhân đạo vào cuối tháng này tại biên giới với Miến Điện, gần cửa khẩu Mae Sot-Myawaddy, để cung cấp thực phẩm và vật tư y tế cho người dân địa phương cùng 20.000 người phải sơ tán do giao tranh.
Ông Sihasak cho biết mục tiêu của kế hoạch này là kiểm soát xung đột và mở ra các kênh đối thoại cho cuộc nội chiến tại Miến Điện. Ông nói : "Chúng tôi không muốn thấy một Miến Điện bất ổn hơn nữa", đồng thời cho biết thêm rằng quá trình này phải "hiệu quả, đáng tin cậy và minh bạch".
Sáng kiến này, được các ngoại trưởng ASEAN và đại diện từ Miến Điện thông qua trong cuộc gặp vào tuần trước. Các gói hàng cứu trợ sẽ do Hội chữ thập đỏ Thái Lan và Miến Điện cung cấp cho người dân dưới sự giám sát của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thiên tai (AHA).
Ông cũng cho biết thêm, trước khi đưa ra sáng kiến này, Thái Lan đã tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc, các nước láng giềng khác của Miến Điện. Ông còn bày tỏ tin tưởng rằng kế hoạch này sẽ mở đường cho Miến Điện tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Miến Điện đã rơi vào xung đột kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 2021, chấm dứt một thập kỷ nỗ lực dân chủ và cải cách. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2,6 triệu người dân tại đây đã phải đi di tản do xung đột và hơn 18 triệu người đang cần được hỗ trợ.
Minh Phương