Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu như Trung Quốc có bao giờ thực hiện thành công một cuộc Đại nhảy vọt, thì đó chính là ở Thâm Quyến. Và lý do cơ bản của thành công này là vì thành phố này được phân quyền một cách đích thực.

thamquyen1

Một góc Thâm Quyến nhìn từ trên cao. Ảnh : Tân Hoa xã (chụp ngày 13/8/2020).

Tôi vẫn còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, một người bạn Hong Kong dẫn tôi tới dải đất sát bờ biển Hong Kong, chỉ vào một dãy nhà cao tầng san sát ở bờ bên kia và nói đó là thành phố Thâm Quyến

Anh kể trước đây rất nhiều người Trung Quốc đại lục bị hấp dẫn bởi Hong Kong phồn hoa đã bơi từ Trung Quốc đại lục để vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Hong Kong. Tôi bèn hỏi vui : "Bây giờ còn không anh ?". Anh trả lời rất nhanh : "Bên đó bây giờ thậm chí còn giàu hơn bên đây thì vượt biên làm gì".

Anh bạn Hong Kong không quá lời. Giờ đây, GDP của Thâm Quyến đã vượt Hong Kong. Thành phố đại lục này cũng đi trước Hong Kong về đổi mới công nghệ và là nơi có nhiều công ty nằm trong top 500 công ty thành công nhất thế giới. Năm 2019, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát cho thấy Thâm Quyến được coi là thành phố kinh doanh số 1 Trung Quốc.

Đại nhảy vọt thứ thiệt

Nằm ở tỉnh Quảng Đông, chỉ cách thủ phủ Quảng Châu 100km về phía đông nam, Thâm Quyến có vị trí chiến lược trên đồng bằng sông Châu Giang, liền kề các thành phố công nghiệp Trung Sơn, Đông Quản và Phật Sơn.

Thâm Quyến càng đặc biệt khi nằm sát biên giới Hong Kong, chỉ cách bán đảo Cửu Long chưa đầy 20 phút đi tàu hỏa nhanh. Sự gần gũi về địa lý này tạo ra nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư và kinh doanh : chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm thấp, dễ dàng giám sát quá trình sản xuất, dễ dàng phối hợp với trụ sở công ty chính tại Hong Kong.

Nếu như Trung Quốc có bao giờ thực hiện thành công một cuộc Đại nhảy vọt, thì đó chính là ở Thâm Quyến. Tháng 8/2020, khi thành phố này kỷ niệm 40 năm ngày trở thành đặc khu kinh tế, GDP đầu người ở đây đã tăng gấp 10.000 lần.

Vâng, các bạn không đọc lầm đâu, mười ngàn lần. GRDP của Thâm Quyến năm 2021 thậm chí đã vượt qua GDP cả nước Việt Nam, lên tới khoảng 475 tỉ USD, đồng nghĩa mức đầu người khoảng 30.000 USD/năm.

Đó là một hành trình chóng mặt : Thâm Quyến mới chính thức trở thành đơn vị hành chính đô thị của Trung Quốc năm 1979, và là đặc khu kinh tế đầu tiên của nước này một năm sau đó. Trong bốn thập niên, thành phố đã duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ít nhất 20%, từ một làng chài nhỏ trở thành một thành phố công nghệ cao nhộn nhịp với dân số khoảng 18 triệu người.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa hài lòng với những gì Thâm Quyến đạt được. Họ thấy rằng ngay cả tư cách "đặc khu" cũng không còn phù hợp với tốc độ phát triển của siêu đô thị này. Trong chuyến thăm tới thành phố năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao cho Thâm Quyến quyền tự chủ chưa từng thấy để theo đuổi cải cách.

Ngày 11/10/2020, chính quyền trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm cải cách toàn diện, chỉ định Thâm Quyến là "Khu vực thí điểm chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đầu tiên của đất nước, một vị thế đặc biệt để thực hiện những cải cách táo bạo hơn như một hình mẫu cho các thành phố khác.

Kế hoạch cải cách Thâm Quyến cho tầm nhìn 2035 bao gồm :

1) Cải thiện hệ thống phân bổ theo định hướng thị trường hơn trong quản lý đất đai, lao động và vốn ;

2) Tạo môi trường kinh doanh hợp pháp hóa theo định hướng thị trường. Các cải cách sẽ tăng cường cạnh tranh công bằng và mở cửa thị trường bằng cách nới lỏng một số hạn chế trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tiện ích công cộng, giao thông, giáo dục và công nghệ, hoặc bằng quy định mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ("IPR"), bao gồm một hệ thống bồi thường – trừng phạt trong trường hợp vi phạm IPR ; và

3) Thiết lập một nền kinh tế mở cao.

thamquyen2

Toàn cảnh cảng quốc tế Thâm Quyến. Ảnh : Produce Report

Có cả quyền lập pháp

Theo đó, Thâm Quyến sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong ba khía cạnh chính : quản lý đất đai, hệ thống đăng ký hộ khẩu, và mở cửa kinh doanh một số ngành (như tài chính và vận tải) cho nguồn vốn cả trong và ngoài nước.

Bắc Kinh đưa ra danh sách 40 hạng mục cải cách cụ thể : 14 vấn đề liên quan đến phân bổ các yếu tố sản xuất dựa trên thị trường, 7 vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, 6 vấn đề đổi mới công nghệ, 7 vấn đề mở cửa thị trường, 3 vấn đề về hệ thống dịch vụ công, và 3 vấn đề về quy hoạch đô thị và sinh thái. Mục tiêu là biến Thâm Quyến thành trung tâm đổi mới, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và sáng tạo với tầm ảnh hưởng quốc tế và GDP bình quân đầu người năm 2035 tăng gấp đôi so với năm 2020.

Trước đó trong lần cải cách 1.0, giống như nhiều đặc khu kinh tế khác, Thâm Quyến từng được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về ngân sách, thuế, thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh, nhưng vấn đề mấu chốt giúp đô thị này chuyển mình hoàn toàn là chính quyền địa phương được trao quyền lập pháp vào 1992.

Chủ động trong ban hành nhiều văn bản pháp quy đặc thù, Thâm Quyến đã chủ động được những cơ chế chính sách cần thiết phục vụ cho phát triển, những điều mà chỉ giới lãnh đạo địa phương mới có thể hiểu và nắm bắt kịp thời cơ hội, khi Bắc Kinh thì vừa xa lại vừa cao. Đáng nói hơn, 1/3 các văn bản pháp quy thí điểm ở Thâm Quyến sau này đã được chính quyền trung ương ban hành trên phạm vi cả nước !

Những cải cách táo bạo này được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi giới lãnh đạo cao nhất đất nước, đầu tiên là Đặng Tiểu Bình. Năm 1992, ông Đặng có chuyến "Nam tuần" nổi tiếng, với một điểm đến là Thâm Quyến. Ông khuyến khích chính quyền địa phương tiến hành cải cách và chấp nhận thử – sai ở các đặc khu kinh tế.

Những người kế vị ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều đã đến thăm Thâm Quyến các dịp kỷ niệm 20 và 30 năm thành lập đặc khu kinh tế – phát đi thông điệp rõ ràng về sự tiếp nối và nhất quán của chính quyền trung ương ủng hộ cải cách. Thâm Quyến trở thành biểu tượng của cải cách cho Trung Quốc và "vườn ươm" cho các cải cách sau đó trên cả nước.

Để phân quyền hiệu quả và tự tin, cần một tư duy chiến lược

Khi lựa chọn Thâm Quyến để triển khai cải cách, giới lãnh đạo Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã xác định rõ hai vai trò chiến lược cho đô thị non trẻ này : trung gian giữa không gian kinh tế Trung Quốc và không gian quốc tế. (Ông Đặng coi Thâm Quyến là "cửa sổ nhìn ra thế giới") ; trung gian giữa các giai đoạn phát triển – nơi để đất nước Trung Quốc hướng tới tương lai, tức để thử nghiệm nhiều cải cách sau này có thể mở rộng ra cả nước.

Nghiên cứu của Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UNHSP) công bố năm 2019 cho biết sự phát triển nhanh chóng của Thâm Quyến từ năm 1979 có thể chia thành bốn giai đoạn :

- 1979-1992 là thời kỳ phát triển thâm dụng lao động được hỗ trợ bởi cải cách thể chế và mở cửa đất nước. Foxconn, nhà thầu phụ của Apple, đã thành lập nhà máy đầu tiên tại Thâm Quyến vào năm 1988, sản xuất các bộ phận máy tính.

- 1992-2003 là thời kỳ sau khi đã tích lũy được vốn và kinh nghiệm sản xuất để chuyển sang tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng vốn. Thâm Quyến bắt đầu thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn và dần chuyển sang các ngành công nghiệp điện tử và thông tin, trở thành trung tâm cung cấp thiết bị viễn thông của thế giới.

- 2003-2013, Thâm Quyến vươn lên vị trí trung tâm của chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu với các cụm doanh nghiệp công nghệ cao tư nhân. Năm 2010, Công ty công nghệ Huawei, được thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, lần đầu tiên lọt vào danh sách Fortune Global 500.

- Từ năm 2013 đến nay, Thâm Quyến đã vươn lên bậc cao nhất của chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu khi được hỗ trợ bởi nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại đây như Tencent, Huawei, hay DJI (công ty chế tạo máy bay không người lái hàng đầu thế giới). Năm ngoái, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của Thâm Quyến đứng đầu trong các thành phố lớn ở Trung Quốc, chiếm 6,23% tổng số cả nước. Thành phố đã trở thành một trung tâm công nghệ của châu Á và được truyền thông gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Hiện nay, khi căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng cao trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, Thâm Quyến lại trở thành "lá cờ đầu" trong cải cách của Trung Quốc để chính quyền dựa vào phát triển năng lực tự chủ công nghệ. Giữa năm ngoái, Thâm Quyến đã công bố kế hoạch xây dựng cụm ngành công nghiệp bán dẫn trước năm 2025, bao gồm phát triển năng lực quốc gia trong sản xuất, đóng gói và thử nghiệm chip, để mang lại doanh thu hằng năm khoảng 250 tỉ nhân dân tệ (37,5 tỉ USD).

Dù cuộc cải cách 2.0 của Thâm Quyến đi đến đâu thì vị thế đô thị hàng đầu thế giới và động lực cho sự phát triển của toàn Trung Quốc của họ hiện giờ là không thể phủ nhận. Những thành tựu này, có lẽ chính ông Đặng Tiểu Bình cũng chưa từng nghĩ tới.

Nguyễn Thành Trung

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/07/2023

Additional Info

  • Author Nguyễn Thành Trung
Published in Diễn đàn

Trung Quốc : Thẩm Quyến trúng hai ngư lôi nhưng không chìm

"Bạo lực, hỗn loạn, nền dân chủ bị đe dọa…" trận đấu khẩu giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn còn dư âm trên báo chí Pháp hôm 01/10/2020 bên cạnh lò lửa Trung Á, khủng hoảng chính trị Belarus, đại dịch corona hay nhân quyền tại Trung Quốc.

thamquyen1

Tencent tại Thẩm Quyến, một trong những con chim đầu đàn của công nghệ Trung Quốc. Ảnh minh họa.  AFP/File

Cuộc tranh luận Donald Trump-Joe Biden, diễn biến đại dịch Covid-19 và chiến sự tại vùng Thượng Karabakh là ba chủ đề lớn trên báo Pháp trong ngày. "Bạo lực và Hỗn loạn" trong cuộc tranh luận Trump-Biden, Thổ Nhĩ Kỳ thổi gió vào đám than hồng xung đột ở Thượng Karabakh, hai tựa trên trang nhất của Le Monde. Trong cơn thịnh nộ của cuộc tranh luận đầu tiên, Joe Biden đương cự với Donald Trump, tựa của Le Figaro. Dịch Covid-19, chính phủ Pháp trước giờ quyết định khó khăn, một tựa khác của Le Figaro trong khi La Croix, một lần nữa đặt câu hỏi : Khi nào có vac-xin ?

Thẩm Quyến : Soái hạm công nghệ của Trung Quốc trúng thương

Covid-19 và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ là hai quả ngư lôi đánh trúng đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, con tàu công nghệ của Trung Quốc. Qua hình ảnh ẩn dụ này, Le Monde đưa độc giả đến đặc khu kinh tế của Hoa lục nằm sát Hồng Kông và Macau trong cơn dịch và chiến tranh thương mại. Có lệnh của chính phủ từ Bắc Kinh, đặc phái viên Le Monde được một công ty tại Thẩm Quyến tiếp đón (Tencent) nhưng không trả lời một câu hỏi nào. Đặc khu Thẩm Quyến, soái hạm của công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc, với 20 triệu dân, đang khổ đau vì chiến tranh lạnh với Mỹ.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập vùng kinh tế đặc biệt (26/08/1980), Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post thông báo chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến. Cuối cùng chủ tịch không đến, thủ tướng cũng không.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với Mỹ, Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định chọn thái độ khiêm tốn, không khoan nhượng trên các vấn đề cốt lõi nhưng cũng không khiêu khích đối phương.

Tất cả các đại xí nghiệp hàng đầu của Trung Quốc có sơ sở tại đây đều bị thiệt hại trừ tập đoàn sản xuất dụng cụ y tế, nắm được thời cơ đại dịch.

Hoa Vi đã khuỵu một đầu gối, không tan hàng nhưng vị thế số một về viễn thông bị đe dọa nghiêm trọng. Tập đoàn DJI, số một về drone tự hành, một phần bị nằm liệt vì chính quyền Mỹ không được phép trang bị sản phẩm Trung Quốc. Còn Tencent, với ứng dụng WeChat, thoát nạn trong gang tấc.

Dự án lớn của Hoa lục thành lập một "thung lũng Silicone" bao trùm Thẩm Quyến, Hồng Kông, Macau, phát khởi từ 2017, có nhiều lá chủ bài. Đó là trên lý thuyết : nhân công còn rẻ, cơ sở hạ tầng gồm 5 phi trường, bốn cảng nước sâu, trung tâm tài chính, sòng bạc sang trọng. Nhưng hạ tầng cơ sở không phải là vấn đề của "Silicone valley" Trung Quốc. Vấn đề là siêu vi Corona. Từ Hồng Kông đến Thẩm Quyến làm việc, một lãnh đạo xí nghiệp phải mất… hai tuần do cách ly.

Chiến tranh lạnh và Covid-19, hạ nhiệt tham vọng của nhiều nhà đầu tư. Trung tâm triển lãm quốc tế và Trung tâm hội nghị thênh thang 500.000 mét vuông, rộng nhất thế giới, có khả năng vượt qua thử thách hay không ?

Đừng chôn nó quá sớm. Theo giám đốc Phòng Thương mại Châu Âu ở miền nam Trung Quốc, vùng này luôn là nạn nhân đầu tiên khi xảy ra khủng hoảng nhưng cũng là nơi phục hồi sớm nhất.

Tây Tạng, Tân Cương : hạnh phúc của người bị trấn áp

Libération dành hai trang báo cùng nhiều tranh biếm họa để chế diễu chế độ Trung Quốc "huấn nghệ" cho người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng : Hạnh phúc của một người bị áp bức.

Được ở miễn phí trong nhà giam, được giáo huấn bằng búa tạ của Đảng… nhật báo thiên tả nhập đề : không một tuần nào mà không có một báo cáo giúp công luận biết thêm về chính sách đồng hóa thô bạo của Bắc Kinh đối với dân ở Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Để lách bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà phân tích, xã hội học, nhân chủng học của nhiều nước trên thế giới đã so sánh, kiểm chứng lời khai của nhiều nhân chứng khác nhau và xem xét hàng khối tài liệu, thống kê, tham luận, chỉ thị… của bộ máy bàn giấy quan liêu Trung Quốc. Mỗi lần như thế, Bắc Kinh la làng cáo buộc "tin giả" và trục xuất phóng viên nước ngoài, sỉ vả các nhà nghiên cứu. Theo Libération, thế giới tưởng đâu là những lời kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 và quyết định của nhiều hiệu danh tiếng ngưng đặt hàng ở Tân Cương sẽ làm cho Bắc Kinh nương tay, bớt đối xử khắc nghiệt với các cộng đồng thiểu số.

Trái lại là đằng khác. Trong một danh sách dài, xin trích một vài con số tiêu biểu theo báo cáo của viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc Aspi : Tại Tân Cương, đền thờ Hồi giáo, nghĩa trang, thánh địa bị phá hủy hàng loạt. Từ 2017, có đến 8.500 đền thờ mới và cũ, tức một phần ba cơ sở tín ngưỡng bị san bằng không kể 8.000 cơ sở khác bị đập phá. Trang trí bên trong nhà dân nếu có màu sắc tôn giáo, cũng bị tịch thu trong mục đích gọi là "văn minh hóa dân Duy Ngô Nhĩ".

Còn Tây Tạng, trong những ngày gần đây, công luận có được báo cáo của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zen, dựa theo hàng trăm nguồn tin Trung Quốc có kiểm chứng, trong 7 tháng đầu năm 2020, 543.000 nông dân Tây Tạng bị cưỡng bức đưa vào các trại dạy nghề theo mô hình Tân Cương, với kỷ luật bán quân sự, sau đó đi lao động trong các nhà máy. Đợt đầu tiên : 50.000 người. Theo Libération, sự kiện chính quyền áp đặt "định mức" và biện pháp trừng phạt cán bộ địa phương nếu không đạt chỉ tiêu, trong vòng vài tháng, hơn nửa triệu người bỏ thôn xóm hay thú chăn nuôi đi học những nghề không giá trị cao để sống ở những thành phố lạ, cho phép suy đoán, chính sách của Trung Quốc hay ít nhất một phần nào đó, mang tính lao động cưỡng bách.

Trump-Biden : Trận đấu quyền anh ?

Trở lại cuộc tranh luận Trump-Biden hôm 29/09/2020, báo chí Pháp đều chỉ trích tổng thống Donald Trump quá hung hăng và điều này khiến người ta quan ngại cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Libération gọi đó là trận đấu quyền anh. Le Figaro khen cựu phó tổng thống Mỹ cứng cỏi. Le Monde cũng nhận định : Donald Trump phá cuộc tranh luận nhưng không khuynh đảo được Joe Biden. Libération lưu ý thái độ của chủ nhân Nhà Trắng dường như không muốn chấp nhận kết quả bầu là dấu hiệu "nền dân chủ bị suy yếu đi".

Le Monde, trong bài xã luận "Cuộc tranh luận đáng ngại cho nền dân chủ" kết luận như sau : Cuộc đối đầu Trump-Biden rất được quốc tế mong chờ, cũng là hình ảnh nước Mỹ của 2020. Năm này bắt đầu với thảm kịch là vụ án truất phế tổng thống, tiếp theo là loạt bạo động ở thành thị rồi đại dịch corona, trong bối cảnh đó, phản ảnh sự phân cực trong xã hội.

Còn hai cuộc tranh luận nữa từ nay đến trước ngày bầu cử nhưng với những gì diễn ra trong đêm thứ Ba vừa qua, không ít nhà bình luận Mỹ tự hỏi có nên ngừng lại hay không ? Bởi vì chúng ta có quyền thắc mắc, với các cuộc đấu khẩu thô bạo như thế, lý trí và dân chủ được gì ?

Thượng Karabakh : Thổ Nhĩ Kỳ thổi lò thuốc súng

Cuộc chiến đẫm máu ở Thượng Karabakh bước qua ngày thứ tư, Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau muốn chiến tranh. Moskva, cung cấp vũ khí cho hai nước, nhưng có căn cứ tại Armenia, bị cáo buộc duy trì tình trạng căng thẳng để bán vũ khí cũng như ảnh hưởng ở khu vực. Còn Ankara, mục đích rõ ràng là giúp Azerbaijan, đồng minh, đồng đạo và bạn hàng vũ khí, chiếm lại vùng cao nguyên Karabakh, theo tuyên bố của tổng thống Erdogan. Le Figaro trong bài "máy bay tự hành của Baku đốt cháy Thượng Karabakh" xác nhận Azerbaijan chiếm thượng phong quân sự.

Le Monde lo ngại, hai nước Trung Á này, với hận thù dai dẳng, Armenia theo Thiên chúa giáo còn Azerbaijan theo đạo Hồi, lại tham gia với Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc thảm sát hàng triệu dân Armenia hồi đầu thế kỷ 20, sẽ khó mà hòa giải. Cả hai đều từ chối đề nghị đàm phán. Nếu chiến tranh lan rộng, chuyện gì sẽ xảy ra một khi Nga và Thổ đối đầu ?

Belarus : Macron khẳng định ủng hộ đối lập

Liên quan đến khủng hoảng Belarus, sự kiện tổng thống Pháp đến Litva và gặp nhà đối lập Belerus, Svetlana Tsikhanovskaia mang ý nghĩa chính trị như thế nào ? Le Monde lý giải : Thông điệp của tổng thống Pháp là tái khẳng định cam kết của nước Pháp vai kề vai với phong trào phản kháng tại Belarus, được huy động rầm rộ từ sau cuộc bầu cử gian lận đầu tháng 8.

Một điểm then chốt trong cuộc hội kiến Emmanuel Macron và Svetlana Tsikhanovskaia mà phe đối lập giữ kín là "nhận định của tổng thống Pháp đối với thái độ của tổng thống Nga Putin".

Emmanuel Macron và Svetlana Tsikhanovskaia đều đồng ý là phải nhờ Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu nhưng Moskva không mặn mà.

Thái độ lập lờ của chủ nhân điện Kremlin không từ chối cũng không chấp thuận để cho Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu làm trung gian hòa giải, tạo giải pháp chính trị, theo Le Monde, là vì từ năm 2000, cơ quan đa quốc gia này, tham gia vào công việc quan sát bầu cử, bị Moskva nghi ngờ che giấu mục tiêu "hỗ trợ cách mạng màu" ở các nước ven biên của Nga.

Big 5

Cuối cùng trong lãnh vực thể thao, Les Echos tìm hiểu nhờ đâu mà bóng đá Pháp trở thành động cơ xuất khẩu cầu thủ. Trong nhóm được gọi là Big 5, cán cân xuất nhập của bốn nước Anh, Ý, Đức và Tây Ban Nha đều âm. Trong khi đó Pháp thặng dư đến 359 triệu euro trong 10 năm gần đây. Nói cách khác, Pháp bán cầu thủ nhiều hơn là mua về.

Một trong những nội lực của Pháp là các trường đạo tạo mầm non.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Biểu tình Hong Kong : Twitter và Facebook xóa tài khoản Trung Quốc (BBC, 20/08/2019)

Twitter và Facebook đã thực hiện chặn các tài khoản mà họ cho là thuộc một chiến dịch truyền thông sai lệch do Trung Quốc hậu thuẫn.

face1

Twitter cho biết họ đã xóa 936 tài khoản "đang được sử dụng để gieo rắc bất hòa chính trị ở Hong Kong" (ảnh minh họa)

Twitter nói các tài khoản này có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm làm suy yếu tính hợp pháp và các vị thế chính trị của phong trào biểu tình Hong Kong.

Facebook cho biết đã xóa "bảy trang, ba nhóm và năm tài khoản Facebook".

"Họ thường đăng bài về các tin tức chính trị địa phương và các chủ đề như biểu tình Hong Kong", ông Nathaniel Gle Rich, người phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, cho hay.

"Mặc dù những người đứng sau hoạt động này cố gắng che giấu danh tính, cuộc điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các liên kết liên quan đến chính phủ Trung Quốc".

Ngoài 936 tài khoản cụ thể, Twitter cho biết có tới 200.000 tài khoản khác được thiết kế để khuếch đại thông tin sai lệch. Các tài khoản này đã bị chặn trước khi kịp 'hoạt động một cách tích cực'.

"Dựa trên các cuộc điều tra chuyên sâu của chúng tôi", Facebook cho hay trong một thông cáo, "chúng tôi có bằng chứng đáng tin cậy rằng đây là một hoạt động được nhà nước hậu thuẫn".

"Cụ thể, chúng tôi đã xác định số lượng lớn các tài khoản hoạt động theo cách phối hợp để khuếch đại các thông điệp liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong".

Facebook nói thêm : "Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác, nghiên cứu mạng lưới này và chủ động thực thi các chính sách của mình".

Động thái này được đưa ra sau khi Twitter bị chỉ trích dữ dội vào cuối tuần qua vì cho phép hãng tin Xinhua của Trung Quốc mua các bài quảng cáo trên trang này. Twitter cho biết vào thứ Hai 17/8 rằng sẽ không cho phép quảng cáo như vậy nữa.

"Từ nay về sau, chúng tôi sẽ không chấp nhận quảng cáo từ các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát".

Tuy nhiên, Twitter cho biết chính sách mới này không áp dụng "đối với các cơ quan có đóng thuế, bao gồm cả các đài truyền hình độc lập".

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong diễn ra như thế nào ?

face2

Người biểu tình Hong Kong đụng độ với cảnh sát

Hàng ngàn người Hong Kong đã biểu tình kể từ tháng Ba để phản đối một dự luật của chính phủ cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.

Những người chỉ trích dự luật cho rằng nó sẽ làm suy yếu nền tư pháp độc lập của Hong Kong và có thể được sử dụng để nhắm vào những người lên tiếng chống lại chính phủ Trung Quốc.

Dự luật đã bị đình chỉ vào tháng Sáu sau một loạt các cuộc biểu tình lớn. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đã biến thành một phong trào lớn hơn đòi hỏi cải cách dân chủ và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

Tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào sân bay Hong Kong, dẫn đến đụng độ với cảnh sát và khiến trăm chuyến bay bị hủy.

Các nhà tổ chức cho biết 1,7 triệu người đã xuống đường biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật 18/8. Nhưng cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều ở mức 128.000.

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sau tình trạng bất ổn ở sân bay, lên án đó là "hành vi gần như khủng bố".

*****************

Biểu tình Hong Kong : Facebook, Twitter phát hiện sự can dự do nhà nước TQ hậu thuẫn (VOA, 20/08/2019)

Mạng xã hội Twitter và Facebook ngày 19/8 loan báo đã tháo dỡ một chiến dch thông tin do nhà nước hậu thuẫn bắt nguồn từ Trung Quốc hầu tìm cách gây phương hại các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

face3

Biểu tình đòi dân ch và ci cách chính tr ti Hong Kong ngày 18/8/19.

Twitter cho hay đã đình chỉ 936 tài khoản và rằng chiến dịch này dường như một nỗ lực có phối hợp được nhà nước hỗ trợ xuất phát từ Trung Quốc.

Facebook cho biết đã hủy các tài khoản và các trang mạng từ một mạng lưới nhỏ mà qua điều tra công ty phát hiện các đường dẫn tới những cá nhân có liên hệ tới chính phủ Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, một trong những thách thức lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012, khởi sự từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi can sang Trung Quốc xét xử. Từ tháng 6 tớnay, các cuộxuống đường củngười dân Hong Kong đã chuyểthành những lờkêu gọdân chủ rộng lớn.

Twitter nói các tài khoản bị họ khống chế gây phương hại tới tính chính đáng và quan điểm chính trị của phong trào biểu tình ở Hong Kong.

Trong một thông báo khác, công ty truyền thông xã hội này cho biết họ đang cập nhật chính sách quảng cáo trên trang Twitter và từ nay sẽ không chấp nhận các quảng cáo từ các cơ quan truyền thông nhà nước.

**********************

Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Thâm Quyến "vượt xa" Hồng Kông (RFI, 19/08/2019)

Chính quyền Bắc Kinh hôm 18/08/2019, công bố bản kế hoạch phát triển Thâm Quyến vượt tầm Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Hồng Kông và Macao sáp nhập, nếu không sẽ "tụt hậu", trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Hồng Kông diễn ra liên tục 11 tuần qua.

face4

Container tại cảng Diêm Điền (Yantian), Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 04/07/2019) Reuters/Stringer

Theo AFP, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thành phố Thâm Quyến lên mức hàng đầu thế giới vào năm 2025. Bản kế hoạch, tuy không có chi tiết cụ thể, cũng bao gồm ý định sáp nhập Hồng Kông và Macao vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến.

Tờ Global Times hôm nay, 19/08/2019, trích dẫn giới chuyên gia, nhận định rằng Hồng Kông nếu không chộp lấy cơ hội phát triển cùng Thâm Quyến, sẽ vấp phải nhiều hạn chế trong tương lai và sẽ bị tụt hậu.

Ngoài ra, theo kế hoạch nói trên, những người Hồng Kông và Macao sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền cư trú, đồng thời mở rộng các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các thành phố. Bản kế hoạch cũng tiết lộ chính sách "mở cửa", tạo điều kiện cho những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Trung Quốc mở công ty công nghệ cao. Đây được cho là biện pháp giúp Thâm Quyến trực tiếp cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ chính sách xây dựng một khu "Vịnh Lớn" với tâm điểm là thành phố Thâm Quyến, qua đó thiết lập một khu kinh tế giữa Hồng Kông, Macao, và tỉnh Quảng Đông.

Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa hôm qua, 18/08/2019, cảnh cáo Canada "nên cẩn thận với từ ngữ và hành động" của mình. Trước đó một ngày, chính quyền Ottawa và Liên Hiệp Châu Âu đưa thông cáo chung khẳng định người Hông Kông hoàn toàn có quyền biểu tình một cách ôn hòa.

Bắc Kinh hôm nay, 19/08/2019, cũng lên giọng với Đài Bắc vì chính quyền hòn đảo này đứng về phía người biểu tình ở Hồng Kông. Tuy không có cơ chế luật pháp chính thức để nhận người tị nạn chính trị, tổng thống Đài Loan tháng trước đã đề nghị giúp đỡ những người tị nạn chính trị từ Trung Quốc. Hôm nay, phát ngôn viên của Văn phòng Các Vấn Đề Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) yêu cầu chính quyền Đài Loan dừng can thiệp vào Hồng Kông và không dung túng cho người biểu tình Hồng Kông mà Trung Quốc cho là những kẻ phạm pháp.

Gia Hưng

Published in Châu Á

Thâm Quyến, cái nôi công nghệ của Trung Quốc để cạnh tranh với Silicon Valley

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, đặc phái viên Sébastien Falleti của báo Le Point tại Thâm Quyến giới thiệu bài viết "Trong thung lũng Silicon của Trung Quốc". Thâm Quyến được chính quyền Trung Quốc đặt cược để trở thành "đầu tầu" thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

shenzen1

(Ảnh minh họa) - Thâm Quyến, Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu trở thành thánh địa công nghệ của thế giới. Lionel BONAVENTURE / AFP

Le Point trích dẫn Quentin Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, theo đó, các công ty khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển mọc lên khắp nơi tại thành phố này. Là thành phố "trẻ" nhất Trung Quốc, Thâm Quyến là cái nôi công nghệ và sáng chế của Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh với thung lũng Silicon. Ngay cả đại tập đoàn Apple của Mỹ cũng mới mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến để tiến gần tới thị trường hàng đầu của công ty.

Sự biến chuyển của Thâm Quyến khiến phương Tây phải sửng sốt. Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, giải thích với Le Point : "Phần lớn người nước ngoài đều không biết chuyện gì đang diễn ra tại thành phố này. Đối với họ, tại Trung Quốc, ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh ra thì chẳng có gì khác. Khi tôi trở về Pháp, tôi sống với quá khứ. Điều đó rất thú vị. Nhưng ở đây, người ta gây dựng tương lai".

Nhà chức trách Thâm Quyến không tiếc tiền thu hút người tài, nhất là các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã theo học tại các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở Thâm Quyến lo ngại vì mất nhiều khách hàng Mỹ, nhưng thành phố này vẫn có "quân át chủ bài" : Thâm Quyến đã trở nên cần thiết đối với nền công nghiệp thế giới. Một chuyên gia dự báo Thâm Quyến sẽ vẫn là một thành phố thu hút các nhà phát triển phần cứng trong thập kỷ tới, bất chấp cuộc chiến thương mại.

Ông Michel Reed, đại diện của Hax, công ty hỗ trợ thúc đẩy phát triển các công ty khởi nghiệp của San Francisco, có có sở tại Thâm Quyến, nhấn mạnh : "Về phần cứng, mọi con đường đều dẫn tới Thâm Quyến". Có những việc nếu làm ở các nơi khác phải mất cả tháng nhưng ở Thâm Quyến thì chỉ cần một tuần là đủ. Chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc, nhưng Thâm Quyến mới có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển công nghệ.

Nhà nghiên cứu Montardy của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến khẳng định với Le Point là Bắc Kinh "chi bộn tiền" cho Thâm Quyến. Năm 2018, Bắc Kinh thông báo lập quỹ đầu tư 12,8 triệu đô la để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Thâm Quyến. "Thánh địa phần cứng của thế giới" đang "lột xác" lần thứ hai để trở thành nơi tập trung công nghệ sạch và trí thông minh nhân tạo. Nhà phân tích Kelsey Broderick của Eurasia Groupe nhận định : "Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khuyến khích các phát minh, sáng chế trong nước để nền công nghiệp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, Thâm Quyến vẫn còn phải vượt qua một số hạn chế. Thâm Quyến hiện vẫn không có các trường đại học lớn danh tiếng như ở Silicon Valley. Có tiền thì Thâm Quyến vẫn thu hút được "những bộ óc tài giỏi nhất", nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ, trong khi đó Thâm Quyến chỉ là "một hoang mạc văn hóa". Cuối tuần, những người làm việc ở đây phải sang Hồng Kông hoặc Quảng Châu để giải trí. Nhưng điều nghiêm trọng nhất là chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của Tập Cận Bình sẽ có hại tới cái nôi công nghệ của Trung Quốc.

DRSD - cơ quan bí mật nhất của Tình báo quân đội Pháp

Tại Pháp, Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng DRSD (Direction du Renseignement et de la Sécurité de la Défense), tiền thân là cơ quan An ninh quân đội Pháp, được thành lập vào năm 1872, sau khi Pháp thất bại trước quân Phổ. Cùng với Cơ quan trinh sát quân đội và và Cơ quan an ninh đối ngoại, DRSD là một trong ba cơ quan bí mật nhất của lực lượng tình báo quân đội Pháp.

Trong lần đầu tiên mở cửa trụ sở ở Vanves, ngoại ô Paris để đón tiếp một vài phóng viên, tướng Eric Bucquet, giám đốc DRSD, giải thích với báo L’Express là DRSD không phải là một cơ quan bí mật, nhưng kín đáo là điều cần thiết. DRSD mở cửa với truyền thông lần này vì họ đang có nhu cầu tuyển dụng do nhiệm vụ ngày càng nhiều. Hiện DRSD có 1.300 nhân viên, nhưng theo dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ tuyển thêm 300 người. Việc này không đơn giản, đặc biệt để tuyển được các nhân tài, nhất là các chuyên gia tin học và những người am hiểu các ngôn ngữ ít người biết.

Hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly, DRSD có nhiệm vụ đấu tranh chống gián điệp và các âm mưu thâm nhập của tình báo nước ngoài. Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng bảo vệ gần 10.000 cơ quan, đơn vị khoa học và kỹ thuật của nước Pháp, trong đó có 4.000 doanh nghiệp tiếp cận với thông tin mật hoặc được coi là các cơ sở nhạy cảm. DRSD cũng là cơ quan chuyên bảo vệ và giám sát đội ngũ quan chức của bộ Quân lực và các quân nhân đang tham gia chiến dịch ở nước ngoài.

Từ khi xảy ra hàng loạt vụ khủng bố trong năm 2015, đấu tranh chống khủng bố cũng trở thành một ưu tiên của DRSD. Cơ quan này đã ngăn chặn được nhiều kế hoạch khủng bố nhắm vào quân đội Pháp, chẳng hạn ngay trong năm 2015, phối hợp với cơ quan phản gián Pháp DGSI (Direction Générale de la Sécurité Intérieure), Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng đã bắt được 3 người lên kế hoạch tấn công vào một khu huấn luyện đặc công Pháp và bắt cóc lãnh đạo của đơn vị này. Ba tháng sau đó, DRSD cũng thành công khi phá vỡ một âm mưu tấn công nhắm vào một căn cứ Hải Quân tại Toulon, miền nam nước Pháp.

Paul Chiappore, phó giám đốc phụ trách chiến lực và nguồn lực của DRSD phát biểu với L’Express là mối đe dọa về an ninh kinh tế đang bùng nổ. Chiến tranh kinh tế hiện giờ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn đánh cắp thông tin mật, tấn công mạng…, trong khi đó các loại hình truyền thống như dùng tiền, tình dục, tham nhũng… thì vẫn tiếp diễn. Phản gián là một thách thức thường trực của DRSD, nhất là trước các nước mạnh như Trung Quốc, Israel, Nga…

Nghịch lý về chăm sóc tù nhân nhà tù quân sự Guantanamo

Nhìn sang Hoa Kỳ, báo Courrier International giới thiệu với độc giả bài viết "Già đi tại Guantanamo" đăng trên The New York Times. Bài viết đặt ra những câu hỏi về việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho các tù nhân trong nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ đặt tại Căn cứ Hải quân Vịnh Guantanamo, Cuba. Được mở từ cách nay 17 năm, hiện giờ vẫn còn 40 tù nhân bị giam giữ trong nhà tù Guantanamo. Những tù nhân này đang già đi và sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, không chỉ do tuổi tác, mà theo nhiều luật sư, thì đó chủ yếu là do những người này đã nhiều lần bị tra tấn tàn bạo cả về thể xác và tinh thần trong tù.

Theo dự kiến, nhà tù Guantanamo sẽ được duy trì đến khoảng năm 2043. Khi đó, nếu còn sống, tù nhân già nhất sẽ được khoảng 96 tuổi. Theo các luật sư, một số tù nhân hiện đã có vấn đề về sức khỏe do bị tra tấn, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi họ về già. Hiện giờ, quân đội Mỹ đang đối mặt với nhiều câu hỏi như phải chăm sóc các tù nhân này thế nào trong tương lai ? Quốc hội sẽ thông qua ngân sách bao nhiêu cho việc này ?

Hiện giờ bệnh viện quân y Mỹ gần nhất là ở Jacksonville, bang Florida, cách nhà tù Guantanamo 1.300 km. Đây là nơi chăm sóc các quân nhân Mỹ nếu cơ sở y tế quân y cấp đơn vị không đảm đương được. Nhưng luật Mỹ cấm di chuyển tù nhân Guantanamo vào lãnh thổ Mỹ. Chính vì thế, nhiều bác sĩ chuyên khoa được điều đến để chăm sóc những người này trong những trường hợp đặc biệt. Còn ngay tại Guantanamo, có 140 bác sĩ, y sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ tâm lý chăm sóc 1.500 quân nhân và cả các tù nhân.

Hiện bộ Quốc phòng Mỹ cần 88,5 triệu đô la để xây dựng một nhà tù nhỏ để giam giữ và chăm sóc 15 tù nhân bị giam tại các trại giam tuyệt mật của Tình báo Mỹ CIA, trong đó có 6 người đang chờ bị kết án tử hình vì bị cho là đã tham gia vào các vụ khủng bố tòa tháp đôi năm 2001 và vụ tấn công tàu Mỹ USS Cole tại Yemen, khiến tổng cộng gần 3.000 thiệt mạng. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn không thông qua khoản tiền này vì cho rằng bộ Quốc phòng cần ưu tiên đầu tư vào nhiều công trình khác quan trọng hơn.

The New York Times coi việc quân đội Mỹ bàn luận về các biện pháp chăm sóc tốn kém và phức tạp cho tù nhân Guantanamo trong khi bộ trưởng Quốc phòng lại muốn họ bị kết án tử hình là "một nghịch lý". Nhưng bác sĩ tâm thần trong quân đội, Stephen N.Xeankis, người thường xuyên được tham khảo về các tù nhân trại Guantanamo từ năm 2008, giải thích là không thể để cho mọi người chết như vậy vì điều này là trái với nguyên tắc, đạo đức y khoa.

Chạy marathon để được đến Bắc Triều Tiên

Chuyển sang Châu Á, L’Obs đưa độc giả đến với đất nước khép kín nhất thế giới - Bắc Triều Tiên - qua bài phóng sự của phóng viên ảnh Maja Atie. Để được đến Bắc Triều tiên du lịch, nữ phóng viên ảnh Maja Atie đã liều lĩnh đăng ký tham gia giải marathon Mangyongdae Prize Marathon do Bình nhưỡng tổ chức vào tháng 04 hàng năm và cho phép người ngoại quốc tham gia, cho dù cô chưa từng chạy việt dã. Sau đó thông qua dịch vụ của một lữ hành đoàn Trung Quốc, Maja Atie có được visa du lịch của Bình Nhưỡng để được lưu lại Bắc Triều Tiên tham quan sau giải marathon.

Thay vì tập chạy việt dã, nữ phóng viên Maja Atie lao vào kiếm thông tin trên mạng, tìm cách gặp những người từng đến Bắc Triều Tiên để tìm hiểu mọi việc, chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu. Cô nhận được một tài liệu 17 trang thông báo những điều phải làm và không được làm khi đến đất nước này. Những vi phạm được cho là nhỏ nhặt ở các quốc gia khác có thể sẽ bị trừng phạt nặng ở Bắc Triều Tiên. Điều cuối cùng trong tài liệu này là Bình Nhưỡng cấm mọi nhà báo, phóng viên đến Bắc Triều Tiên với visa du lịch !

Trên tàu từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên, phóng viên Maja Atie nhìn thấy rất nhiều nông dân cào đất, nhiều khi là bằng tay không, có rất ít máy kéo, chỉ có xe bò, xe đạp và nhiều người dân đi bộ. Tại Bình Nhưỡng, quy hoạch đô thị là phương tiện để chính quyền phô trương sức mạnh. Các tòa tháp đều nhằm ngợi ca tính hiện đại và xa hoa của chế độ.

Ban đêm, thành phố tối om, điện chỉ để thắp sáng các công trình tưởng niệm, tượng và ảnh của các lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il, vài tòa nhà của chính quyền. Tại đa phần các đường phố, hệ thống đèn chiếu sáng rất ít, thậm chí là không có. Nhiều người đi bộ trên phố với đèn pin trong tay.

Sau giải marathon, Maja Atie đi tham quan Bình Nhưỡng. Thư viện thành phố, dường như cũng giống các trường học và công trình văn hóa, không có hệ thống sưởi ấm. Hiệu sách mà cô được đưa tới thăm chỉ có toàn sách dịch từ các tác phẩm của Kim Il-sung và Kim Jong-il. Phóng viên Atie hài hước nhận xét dường như mọi cuốn sách được phát hành tại đất nước này đều do cha con Kim Il-sung và Kim Jong-il viết ! Phóng viên Atie cũng có cảm giác người dân Bắc Triều Tiên đang sống trong một thế giới mà quá khứ tồn tại song song với hiện tại, và rồi tương lai cũng sẽ chỉ hướng về quá khứ.

Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời

Trong lĩnh vực môi trường, xã hội, báo Le Point giới thiệu bài viết "Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời", nhân sự kiện bang Washington, Mỹ, mới đây cho phép tạo phân ủ từ thi thể người quá cố để bón cây. Đây được coi là một phương pháp mai táng thân thiện với môi trường. Washington là bang đầu tiên tại nước Mỹ cho phép làm điều này.

Các phương pháp chôn cất hay hỏa táng hiện tại đều gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại bang Washington, hiện có 22.000 nghĩa trang, mỗi năm làm ngấm vào đất 16 triệu tấn hóa chất, phần lớn là formaldéhyde, chất có nguy cơ gây bệnh ung thư, tiêu tốn 1,6 triệu tấn bê tông, 47 triệu m3 ván gỗ và hàng chục ngàn tấn đồng… Hỏa táng cũng không kém phần ô nhiễm, vì thải nhiều khí CO2, phát tán thủy ngân và tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo một cơ quan thống kê, tới năm 2037, hàng năm Mỹ sẽ có 3,6 triệu người qua đời, nhiều hơn 1 triệu người mỗi năm so với con số người chết năm 2015, nghĩa trang sẽ không còn chỗ cho người quá cố.

Ý thức được về điều này, phong trào mai táng thân thiện với môi trường đang dần phát triển. Khoảng 15 bang ở Mỹ đã hợp pháp hóa biện pháp hóa lỏng thi thể người chết bằng dung dịch gồm nước và xút ở nhiệt độ cao. Thi thể người chết sẽ tan sau 4-6 giờ, chỉ còn lại một chất lỏng màu cà phê. Tiêu tốn ít năng lượng và thải ít khí carbon, nhưng công nghệ hóa lỏng thi thể người quá cố lại bị coi là gây tốn nước và thải chất lỏng ra hệ thống thoát nước chung.

Một công nghệ khác được gọi là "pyjama ninja", để chỉ một bộ quần áo màu đen có vạch trắng, lớp vải bên trong có một loại nấm ăn thịt. Người quá cố được mặc bộ quần áo này, đặt nằm dưới đất, loại nấm ăn thịt sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể và hấp thụ độc tố toxin có trong thi thể người chết để tạo thành một loại phân bón sạch. Một bộ "pyjama ninja" có giá 1.500 đô la, nhưng công ty phân phối cho biết họ đang hết hàng.

Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác gần gũi với thiên nhiên như chôn cất người chết chỉ trong một tấm vải liệm, không quan tài hoặc trong quan tài tự phân hủy, không có bia mộ, hoặc trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây không phải các hình thức chôn cất mới, mà đã có từ thời xa xưa. Điều mới là giờ đây người ta coi thi thể người chết như một sản phẩm tự nhiên, được xử lý để góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng thiên nhiên.

Thùy Dương

Published in Châu Á