Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/10/2020

Điểm báo Pháp - Thâm Quyến trúng hai ngư lôi nhưng không chìm

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Thẩm Quyến trúng hai ngư lôi nhưng không chìm

"Bạo lực, hỗn loạn, nền dân chủ bị đe dọa…" trận đấu khẩu giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn còn dư âm trên báo chí Pháp hôm 01/10/2020 bên cạnh lò lửa Trung Á, khủng hoảng chính trị Belarus, đại dịch corona hay nhân quyền tại Trung Quốc.

thamquyen1

Tencent tại Thẩm Quyến, một trong những con chim đầu đàn của công nghệ Trung Quốc. Ảnh minh họa.  AFP/File

Cuộc tranh luận Donald Trump-Joe Biden, diễn biến đại dịch Covid-19 và chiến sự tại vùng Thượng Karabakh là ba chủ đề lớn trên báo Pháp trong ngày. "Bạo lực và Hỗn loạn" trong cuộc tranh luận Trump-Biden, Thổ Nhĩ Kỳ thổi gió vào đám than hồng xung đột ở Thượng Karabakh, hai tựa trên trang nhất của Le Monde. Trong cơn thịnh nộ của cuộc tranh luận đầu tiên, Joe Biden đương cự với Donald Trump, tựa của Le Figaro. Dịch Covid-19, chính phủ Pháp trước giờ quyết định khó khăn, một tựa khác của Le Figaro trong khi La Croix, một lần nữa đặt câu hỏi : Khi nào có vac-xin ?

Thẩm Quyến : Soái hạm công nghệ của Trung Quốc trúng thương

Covid-19 và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ là hai quả ngư lôi đánh trúng đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, con tàu công nghệ của Trung Quốc. Qua hình ảnh ẩn dụ này, Le Monde đưa độc giả đến đặc khu kinh tế của Hoa lục nằm sát Hồng Kông và Macau trong cơn dịch và chiến tranh thương mại. Có lệnh của chính phủ từ Bắc Kinh, đặc phái viên Le Monde được một công ty tại Thẩm Quyến tiếp đón (Tencent) nhưng không trả lời một câu hỏi nào. Đặc khu Thẩm Quyến, soái hạm của công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc, với 20 triệu dân, đang khổ đau vì chiến tranh lạnh với Mỹ.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập vùng kinh tế đặc biệt (26/08/1980), Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post thông báo chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến. Cuối cùng chủ tịch không đến, thủ tướng cũng không.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với Mỹ, Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định chọn thái độ khiêm tốn, không khoan nhượng trên các vấn đề cốt lõi nhưng cũng không khiêu khích đối phương.

Tất cả các đại xí nghiệp hàng đầu của Trung Quốc có sơ sở tại đây đều bị thiệt hại trừ tập đoàn sản xuất dụng cụ y tế, nắm được thời cơ đại dịch.

Hoa Vi đã khuỵu một đầu gối, không tan hàng nhưng vị thế số một về viễn thông bị đe dọa nghiêm trọng. Tập đoàn DJI, số một về drone tự hành, một phần bị nằm liệt vì chính quyền Mỹ không được phép trang bị sản phẩm Trung Quốc. Còn Tencent, với ứng dụng WeChat, thoát nạn trong gang tấc.

Dự án lớn của Hoa lục thành lập một "thung lũng Silicone" bao trùm Thẩm Quyến, Hồng Kông, Macau, phát khởi từ 2017, có nhiều lá chủ bài. Đó là trên lý thuyết : nhân công còn rẻ, cơ sở hạ tầng gồm 5 phi trường, bốn cảng nước sâu, trung tâm tài chính, sòng bạc sang trọng. Nhưng hạ tầng cơ sở không phải là vấn đề của "Silicone valley" Trung Quốc. Vấn đề là siêu vi Corona. Từ Hồng Kông đến Thẩm Quyến làm việc, một lãnh đạo xí nghiệp phải mất… hai tuần do cách ly.

Chiến tranh lạnh và Covid-19, hạ nhiệt tham vọng của nhiều nhà đầu tư. Trung tâm triển lãm quốc tế và Trung tâm hội nghị thênh thang 500.000 mét vuông, rộng nhất thế giới, có khả năng vượt qua thử thách hay không ?

Đừng chôn nó quá sớm. Theo giám đốc Phòng Thương mại Châu Âu ở miền nam Trung Quốc, vùng này luôn là nạn nhân đầu tiên khi xảy ra khủng hoảng nhưng cũng là nơi phục hồi sớm nhất.

Tây Tạng, Tân Cương : hạnh phúc của người bị trấn áp

Libération dành hai trang báo cùng nhiều tranh biếm họa để chế diễu chế độ Trung Quốc "huấn nghệ" cho người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng : Hạnh phúc của một người bị áp bức.

Được ở miễn phí trong nhà giam, được giáo huấn bằng búa tạ của Đảng… nhật báo thiên tả nhập đề : không một tuần nào mà không có một báo cáo giúp công luận biết thêm về chính sách đồng hóa thô bạo của Bắc Kinh đối với dân ở Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Để lách bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà phân tích, xã hội học, nhân chủng học của nhiều nước trên thế giới đã so sánh, kiểm chứng lời khai của nhiều nhân chứng khác nhau và xem xét hàng khối tài liệu, thống kê, tham luận, chỉ thị… của bộ máy bàn giấy quan liêu Trung Quốc. Mỗi lần như thế, Bắc Kinh la làng cáo buộc "tin giả" và trục xuất phóng viên nước ngoài, sỉ vả các nhà nghiên cứu. Theo Libération, thế giới tưởng đâu là những lời kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 và quyết định của nhiều hiệu danh tiếng ngưng đặt hàng ở Tân Cương sẽ làm cho Bắc Kinh nương tay, bớt đối xử khắc nghiệt với các cộng đồng thiểu số.

Trái lại là đằng khác. Trong một danh sách dài, xin trích một vài con số tiêu biểu theo báo cáo của viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc Aspi : Tại Tân Cương, đền thờ Hồi giáo, nghĩa trang, thánh địa bị phá hủy hàng loạt. Từ 2017, có đến 8.500 đền thờ mới và cũ, tức một phần ba cơ sở tín ngưỡng bị san bằng không kể 8.000 cơ sở khác bị đập phá. Trang trí bên trong nhà dân nếu có màu sắc tôn giáo, cũng bị tịch thu trong mục đích gọi là "văn minh hóa dân Duy Ngô Nhĩ".

Còn Tây Tạng, trong những ngày gần đây, công luận có được báo cáo của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zen, dựa theo hàng trăm nguồn tin Trung Quốc có kiểm chứng, trong 7 tháng đầu năm 2020, 543.000 nông dân Tây Tạng bị cưỡng bức đưa vào các trại dạy nghề theo mô hình Tân Cương, với kỷ luật bán quân sự, sau đó đi lao động trong các nhà máy. Đợt đầu tiên : 50.000 người. Theo Libération, sự kiện chính quyền áp đặt "định mức" và biện pháp trừng phạt cán bộ địa phương nếu không đạt chỉ tiêu, trong vòng vài tháng, hơn nửa triệu người bỏ thôn xóm hay thú chăn nuôi đi học những nghề không giá trị cao để sống ở những thành phố lạ, cho phép suy đoán, chính sách của Trung Quốc hay ít nhất một phần nào đó, mang tính lao động cưỡng bách.

Trump-Biden : Trận đấu quyền anh ?

Trở lại cuộc tranh luận Trump-Biden hôm 29/09/2020, báo chí Pháp đều chỉ trích tổng thống Donald Trump quá hung hăng và điều này khiến người ta quan ngại cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Libération gọi đó là trận đấu quyền anh. Le Figaro khen cựu phó tổng thống Mỹ cứng cỏi. Le Monde cũng nhận định : Donald Trump phá cuộc tranh luận nhưng không khuynh đảo được Joe Biden. Libération lưu ý thái độ của chủ nhân Nhà Trắng dường như không muốn chấp nhận kết quả bầu là dấu hiệu "nền dân chủ bị suy yếu đi".

Le Monde, trong bài xã luận "Cuộc tranh luận đáng ngại cho nền dân chủ" kết luận như sau : Cuộc đối đầu Trump-Biden rất được quốc tế mong chờ, cũng là hình ảnh nước Mỹ của 2020. Năm này bắt đầu với thảm kịch là vụ án truất phế tổng thống, tiếp theo là loạt bạo động ở thành thị rồi đại dịch corona, trong bối cảnh đó, phản ảnh sự phân cực trong xã hội.

Còn hai cuộc tranh luận nữa từ nay đến trước ngày bầu cử nhưng với những gì diễn ra trong đêm thứ Ba vừa qua, không ít nhà bình luận Mỹ tự hỏi có nên ngừng lại hay không ? Bởi vì chúng ta có quyền thắc mắc, với các cuộc đấu khẩu thô bạo như thế, lý trí và dân chủ được gì ?

Thượng Karabakh : Thổ Nhĩ Kỳ thổi lò thuốc súng

Cuộc chiến đẫm máu ở Thượng Karabakh bước qua ngày thứ tư, Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau muốn chiến tranh. Moskva, cung cấp vũ khí cho hai nước, nhưng có căn cứ tại Armenia, bị cáo buộc duy trì tình trạng căng thẳng để bán vũ khí cũng như ảnh hưởng ở khu vực. Còn Ankara, mục đích rõ ràng là giúp Azerbaijan, đồng minh, đồng đạo và bạn hàng vũ khí, chiếm lại vùng cao nguyên Karabakh, theo tuyên bố của tổng thống Erdogan. Le Figaro trong bài "máy bay tự hành của Baku đốt cháy Thượng Karabakh" xác nhận Azerbaijan chiếm thượng phong quân sự.

Le Monde lo ngại, hai nước Trung Á này, với hận thù dai dẳng, Armenia theo Thiên chúa giáo còn Azerbaijan theo đạo Hồi, lại tham gia với Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc thảm sát hàng triệu dân Armenia hồi đầu thế kỷ 20, sẽ khó mà hòa giải. Cả hai đều từ chối đề nghị đàm phán. Nếu chiến tranh lan rộng, chuyện gì sẽ xảy ra một khi Nga và Thổ đối đầu ?

Belarus : Macron khẳng định ủng hộ đối lập

Liên quan đến khủng hoảng Belarus, sự kiện tổng thống Pháp đến Litva và gặp nhà đối lập Belerus, Svetlana Tsikhanovskaia mang ý nghĩa chính trị như thế nào ? Le Monde lý giải : Thông điệp của tổng thống Pháp là tái khẳng định cam kết của nước Pháp vai kề vai với phong trào phản kháng tại Belarus, được huy động rầm rộ từ sau cuộc bầu cử gian lận đầu tháng 8.

Một điểm then chốt trong cuộc hội kiến Emmanuel Macron và Svetlana Tsikhanovskaia mà phe đối lập giữ kín là "nhận định của tổng thống Pháp đối với thái độ của tổng thống Nga Putin".

Emmanuel Macron và Svetlana Tsikhanovskaia đều đồng ý là phải nhờ Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu nhưng Moskva không mặn mà.

Thái độ lập lờ của chủ nhân điện Kremlin không từ chối cũng không chấp thuận để cho Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu làm trung gian hòa giải, tạo giải pháp chính trị, theo Le Monde, là vì từ năm 2000, cơ quan đa quốc gia này, tham gia vào công việc quan sát bầu cử, bị Moskva nghi ngờ che giấu mục tiêu "hỗ trợ cách mạng màu" ở các nước ven biên của Nga.

Big 5

Cuối cùng trong lãnh vực thể thao, Les Echos tìm hiểu nhờ đâu mà bóng đá Pháp trở thành động cơ xuất khẩu cầu thủ. Trong nhóm được gọi là Big 5, cán cân xuất nhập của bốn nước Anh, Ý, Đức và Tây Ban Nha đều âm. Trong khi đó Pháp thặng dư đến 359 triệu euro trong 10 năm gần đây. Nói cách khác, Pháp bán cầu thủ nhiều hơn là mua về.

Một trong những nội lực của Pháp là các trường đạo tạo mầm non.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)