Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/10/2020

Hồng Kông sống những ngày đầu dưới gọng kìm Bắc Kinh

RFI tổng hợp

Vòng kim cô Bắc Kinh siết chặt nền giáo dục khai phóng của Hồng Kông

Thụy My, RFI, 03/10/2020

L’Express tuần này có bài viết ghi nhận "Bắc Kinh đặt nhà trường Hồng Kông trong vòng kiểm soát". Theo lệnh Trung Quốc, chính quyền đặc khu buộc các nhà xuất bản gỡ các nội dung bị cho là nhạy cảm khỏi sách giáo khoa, khiến các nhà giáo hết sức lo ngại.

hongkong

Ảnh tư liệu : Sinh viên học sinh Hồng Kông biểu tình phản đối chương trình "giáo dục ái quốc" do Trung Quốc áp đặt, ngày 19/09/2012. AP - Kin Cheung

Thầy Shum khoảng 30 tuổi, chuẩn bị ngày khai giảng vào cuối tháng Chín tại trường trung học ở khu phố thương mại bình dân Sham Shui Po (Thâm Thủy Phụ) một cách thấp thỏm. Không khí kiểm duyệt nặng nề đến nỗi thầy cô giáo không biết nên nói về đề tài nào, nên cho tranh luận những gì. Tất cả đều có thể trở thành "nhạy cảm" dưới mắt chính quyền, và người thầy dạy môn giáo dục công dân lo sợ bị phụ huynh hoặc đồng nghiệp tố cáo vì những lý do không đâu.

Việc ban hành Luật an ninh quốc gia hôm 30/06/2020 do Bắc Kinh soạn ra để đè bẹp tinh thần phản kháng tại cựu thuộc địa Anh - từ hơn một năm qua bị rung chuyển bởi phong trào dân chủ quy mô - đã có những tác động cụ thể lên các cơ sở giáo dục. Các câu khẩu hiệu của phong trào phản kháng bị cấm, sách giáo khoa bị đục bỏ những yếu tố có thể làm Bắc Kinh giận dữ. Giáo viên được bộ Giáo Dục yêu cầu "xem xét lại phương tiện giảng dạy" có liên quan đến bốn loại tội phạm theo luật mới : nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài.

Mới cách đây vài tháng, sự tách biệt quyền hành với Bắc Kinh còn là một trong những niềm hãnh diện của Hồng Kông. Shum thở dài : "Khái niệm này đã bị xóa khỏi sách giáo khoa vào mùa hè, chính quyền Hồng Kông khẳng định chỉ có Bắc Kinh đứng trên tất cả. Nếu tôi nói rằng Hồng Kông có quy chế riêng thì vi phạm luật mới, nhưng nếu nói theo các luận điệu nhà nước, thì tôi đã dối trá về quyền hiến định".

Một số giáo viên thậm chí còn không dám đề cập đến Covid-19 vì sợ phải tự kiểm duyệt phần trách nhiệm của Trung Quốc về đại dịch.

Môn công dân giáo dục bị kiểm duyệt

Đối với Trung Quốc, hệ thống giáo dục Hồng Kông thừa hưởng từ thời Anh khác hẳn với kiểu nhồi sọ ở Hoa lục, là "có vấn đề". Hồi năm 2012, chính quyền Hồng Kông theo lệnh Bắc Kinh đã toan đưa "giáo dục ái quốc" của Hoa lục vào chương trình giảng dạy, nhưng bị người Hồng Kông phản đối kịch liệt. Giờ đây học sinh trung học bị dò xét vì đã tích cực tham gia biểu tình trong những tháng gần đây. Trong số 10.000 người bị bắt từ tháng 6/2019, cứ 6 người lại có 1 em vị thành niên.

Một môn học bị đặc biệt chú ý là "liberal studies", tức môn công dân giáo dục được người Anh đưa vào năm 1992, năm năm trước khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc. Môn này là bắt buộc tại các trường trung học, cổ vũ tinh thần phản biện, nay bị cho là "làm cho một số thanh niên có thái độ bạo lực hoặc trở nên cực đoan".

Một số khái niệm bị báo chí Hoa lục coi là "nọc độc", như "bất tuân dân sự", bị 6 nhà xuất bản – hầu hết có liên hệ với Trung Quốc – gỡ bỏ khỏi giáo trình. Tất cả những gì liên quan đến phong trào đòi quyền tự quyết, hình ảnh các cuộc biểu tình dân chủ mới đây, hay vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đều biến mất.

Giáo viên được chọn các bộ sách để giảng dạy, nhưng họ biết mình bị theo dõi. Năm ngoái, ngay cả khi chưa ra luật an ninh mới, đã có ít nhất 200 cuộc điều tra nhắm vào các thầy cô giáo bị nghi là "xúi giục học sinh nổi dậy". Những giáo viên mới được tuyển dụng bị chất vấn về quan điểm chính trị.

Phó chủ tịch nghiệp đoàn giáo chức Hồng Kông (HKPTU) lo ngại âm mưu "tẩy não". Khoảng 1/3 giáo viên cho biết họ nhận được lệnh miệng không nên nói về chính trị trong lớp hay trên mạng xã hội, và 80% khẳng định không còn dám đụng đến những chủ đề "nhạy cảm".

Thụy My

*********************

Quốc Khánh Trung Quốc : Hồng Kông tăng cường an ninh với 6.000 cảnh sát chống bạo động

RFI, 01/10/2020

Khoảng 6.000 cảnh sát chống bạo động được triển khai trên các đường phố Hồng Kông để đề phòng xảy ra biểu tình của những người thuộc phong trào đấu tranh đòi dân chủ nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc 01/10/2020.

hongkong1

Cảnh sát tìm cách giải tán đám đông trong khu vực tổ chức Quốc Khánh Trung Quốc tại Hồng Kông ngày 01/10/2020.  AFP - MAY JAMES

Một nguồn tin cảnh sát cho AFP biết là số cảnh sát được huy động hôm nay cao gấp đôi số cảnh sát chính quyền Hồng Kông thường triển khai mỗi khi có biểu tình. Ngày Quốc Khánh Trung Quốc là dịp để nhiều người dân Hồng Kông thể hiện nỗi tức giận về việc Bắc Kinh thu hẹp quyền tự do của người dân đặc khu. Dịp này năm ngoái, nhiều vụ đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình Hồng Kông và lực lượng an ninh.

Sáng sớm hôm nay, cảnh sát đã bắt đầu khám soát các xe cơ giới tham gia lưu thông trên tuyến đường hầm dẫn vào thành phố. Nhiều trực thăng mang theo quốc kỳ Trung Quốc và cờ Hồng Kông bay lượn trên bầu trời thành phố trong khi lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và các nhà chức trách đại diện của Trung Quốc tham gia vào một buổi lễ chính thức tại Cung triển lãm Hồng Kông. Trong bài phát biểu mừng Quốc Khánh Trung Quốc, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định hòa bình đã trở lại Hồng Kông từ hai tháng qua.

Trên thực tế, chính quyền thành phố đã ra lệnh cấm mọi cuộc biểu tình và các cuộc tập hợp trên 4 người tại nơi công cộng với lý do an ninh và phòng chống dịch bệnh. Để tránh bị bắt giữ, hôm nay các nhà đấu tranh chỉ tổ chức những cuộc tập hợp dưới 4 người. Trên các mạng xã hội, nhiều người thuộc phong trào dân chủ kêu gọi các cuộc tụ tập chớp nhoáng kiểu "flash mob". Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn có thể diễn ra ngoài dự báo.

Thùy Dương

*********************

Hồng Kông : Gia đình 12 người bị Trung Quốc bắt giữ biểu tình trước văn phòng liên lạc của Bắc Kinh

RFI, 30/09/2020

Thân nhân của nhóm 12 người Hồng Kông bị Trung Quốc chận bắt trên biển rồi giam giữ tại Hoa lục lại biểu tình vào hôm nay, 30/09/2020 trước Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc ở đặc khu để đòi Bắc Kinh trả người thân của họ về Hồng Kông.

hongkong2

Thân nhân của nhóm 12 người bị Trung Quốc bắt giữ, biểu tình phản đối trước trụ sở Văn phòng Liên lạc Trung Hoa ở Hồng Kông, ngày 30/09/2020.  AFP - ISAAC LAWRENCE

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, có khoảng năm thân nhân của những người bị Trung Quốc giam cầm đã tập hợp trước cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông để đệ đạt yêu cầu.

Cảnh sát Hồng Kông không giải tán cuộc tụ tập và nhưng cũng không có quan chức nào đến tiếp xúc với người biểu tình.

Thân nhân những người bị bắt báo động rằng những người bị giữ tại Trung Quốc không được tiếp xúc với luật sư mà gia đình họ chỉ định, trong lúc chính quyền không cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về tình trạng sức khỏe của những người bị bắt.

Có người còn cho biết là họ không hề có thông tin về con trai của họ, trong lúc một người khác thì tố cáo chính quyền làm ngơ trước yêu cầu của họ, thậm chí còn cấm họ không được làm phiền chính quyền.

Cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra sau một tuyên bố vào hôm qua (29/09) của Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, cho biết là lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã nộp đơn lên các cơ quan tư pháp để xin lệnh chính thức giam giữ nhóm này về tội vượt biên trái phép.

Nhóm 12 người này đã bị bắt ngoài khơi Hồng Kông ngày 23/08 vừa qua, và bị giam giữ không lý do chính thức trong một trại giam ở vùng Thâm Quyến. Từ đó đến nay, họ vẫn bị cấm gặp các luật sư do gia đình họ lựa chọn.

Theo chính quyền Trung Quốc, những người này phải bị xét xử tại Hoa lục về tội vượt biên trước khi được trả về Hồng Kông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)