Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/10/2020

Tạo sao Bắc Kinh muốn gây hấn với Ấn Độ trong lúc này ?

RFI tổng hợp

Xung đột biên giới Ấn-Trung : 1001 lý do để Bắc Kinh gây hấn

RFI, 01/10/2020

Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại mà thủ tướng Narendra Modi theo đuổi từ khi lên cầm quyền năm 2014 là nguyên nhân khơi lại tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại đường biên giới trên bộ, chót vót ở độ cao hơn 4.000 mét trên dãy Himalaya.

antrung1

Quân xa Ấn Độ trên con đường đến Ladakh. Ảnh ngày 18/06/2020.  Reuters - Danish Ismail

Trong bài viết đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng 10/2020 giáo sư Vaiju Naravane trường đại học Ashoka, tại Ấn Độ đã nhận định như trên trong bài phân tích về những nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột đẫm máu trong đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 trên vùng cao nguyên Ladakh.

Tác giả bài báo nhắc lại từ sau cuộc chiến tháng 10-11/1962 đôi bên đã đồng ý về một đường biên giới chung dưới tên gọi "đường kiểm soát thực sự - Line of Actual Control". Có điều đó là một vùng xám và mỗi bên lại có một cách diễn giải khác nhau khiến nhiều "sự cố" đã xảy ra giữa Quân đội hai nước trong các cuộc tuần tra tại đường biên giới không chính thức nói trên, mặc dù New Delhi và Bắc Kinh trong nhiều thập niên đã tạm gác sang một bên những bất đồng về chủ quyền chung quanh đường biên giới. Đôi bên cố gắng giải quyết các tranh chấp bằng kênh ngoại giao và cả quân sự. Những thỏa thuận năm 1988 rồi 1993 và nhất là hiệp định khung 2016 nhằm "giới hạn rủi ro đổ máu" tối đa.

Thêm vào đó Ấn Độ và Trung Quốc đã mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực, văn hóa, giáo dục, đầu tư kinh tế… Vậy đâu là những nguyên nhân đã đẩy quan hệ song phương đột ngột căng thẳng trở lại trong năm nay, nhất là khi Trung Quốc ở thế thượng phong "cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự" ?

Trung Quốc chơi trò đánh phủ đầu để răn đe ?

Trước hết giáo sư Vaiju Naravane nhắc lại, cho dù Bắc Kinh khẳng định "không có ý định gây hấn" nhưng theo các nhà quan sát, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở đường biên giới chung không hơn không kém là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Tập Cận Bình đang "thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh".

Hai chuyên gia, Prem Shakar Jha và Victor Gao (nguyên là thư ký của cố thủ tướng Chu Ân Lai) trong bài tham luận đặng trên trang mạng Thewire.in của Ấn Độ cùng kết luận "Mục tiêu chiến lược mà Quân đội Trung Quốc đang theo đuổi khi chiếm đóng ngọn đồi nhìn xuống hồ Pangong Tso" là để tự vệ, đề phòng bị Ấn Độ tấn công.

Kế tới, vẫn theo hai chuyên gia này, hành động hù dọa của Bắc Kinh nhằm nhắc nhở New Delhi tôn trọng những thỏa thuận mà đôi bên đã ký kết, đồng thời "chính quyền New Delhi cần nhanh chóng xua tan những mối hoài nghi trong đầu giới lãnh đạo Trung Quốc về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ năm 2014", khi thủ tướng Modi lên cầm quyền.

Giết chết từ trong trứng nước tham vọng bá chủ khu vực

Vậy thì thủ tướng Narendra Modi đã làm những gì khiến Bắc Kinh phải lo ngại đến như vậy ?

Tác giả bài viết trên Le Monde Diplomatique báo trước "danh sách sẽ khá dài" : Thứ nhất, chỉ vài tháng khi lên cầm quyền vào mùa xuân 2014 thủ tướng Modi đã đặt bút ký với Washington văn bản mang tên "Tầm Nhìn Chiến Lược Chung về Châu Á Thái Bình Dương và Khu Vực Ấn Độ Dương (Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean Region). Đây là một công cụ cho phép New Delhi bảo đảm quyền tự do giao thông hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai, Ấn Độ được hưởng quy chế "đối tác quốc phòng quan trọng" của Hoa Kỳ. Điểm thứ ba, New Delhi đã tham gia tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông và đã mở vịnh Bengale đón chiến dịch tập trận Malaba với một loạt các bài tập nhằm phong tỏa eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia. Đây là nơi 90 % dầu lửa của Trung Quốc nhập vào phải đi qua và cũng là cửa ngõ đưa 40 % xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài.

Hành động thứ tư khiến Bắc Kinh tức giận là sắc lệnh được thủ tướng Modi ban hành vào tháng 8/2019 chấm dứt quy chế tự trị của Jamu và Cachemir, gộp luôn cả lãnh thổ Gilgit do Pakistan kiểm soát và toàn bộ vùng cao nguyên Ladakh vào với bản đồ của Ấn Độ. Cái gai trong mắt Bắc Kinh ở đây là quyết định nói trên của New Delhi bao gồm luôn cả vùng Aksai Chin thuộc cao nguyên Ladakh mà tới nay vẫn do Trung Quốc quản lý.

Lý do thứ năm khiến Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ là New Delhi không ngừng thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, Nhật và gần đây nhất là với Úc, trong khi kênh đối thoại giữa Bắc Kinh với Washington, Tokyo và Canberra đều đang tắc nghẽn

Tính toán lâu dài

Về phần Ấn Độ, giáo sư Naravvane phân tích : chính quyền của thủ tướng Modi đã bị bất ngờ vì mối căng thẳng với nước láng giềng phương bắc này bởi nếu như Bắc Kinh xem chiến lược đối ngoại của New Delhi là những hành động mang tính khiêu khích, thì cũng phải nhìn nhận là Trung Quốc chưa bao giờ có ý tốt với Ấn Độ. Thêm vào đó, ở thời điểm này, vào lúc Trung Quốc đăng cứng giọng trên các hồ sơ từ Đài Loan đến Biển Đông, nhìn qua, tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ "thuộc hàng thứ yếu". Nhưng nếu điểm lại bang giao hai nước trong quá khứ, giáo sư Vaiju Narane, đại học Ashoka, cho là "Trung Quốc luôn theo đuổi một mục tiêu đặt nước láng giềng trong thế bị động thường trực"

Năm 1988 khi hai nước đồng ý chọn giải pháp đối thoại hơn đối đầu, thì Ấn Độ và Trung Quốc có trọng lượng kinh tế tương đương như nhau. Ngân sách quốc phòng của mỗi bên ở khoảng 20 tỷ đô la. Giờ đây GDP của Trung Quốc lớn gấp 5 lần so với Ấn Độ. Vào lúc mà Bắc Kinh chi đến 261 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng, thì Ấn Độ lẹt đẹt ở phía sau với 71 tỷ.

Về tranh chấp lãnh thổ ở đường biên giới chung, đành rằng từ một chục năm qua New Delhi liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Quân đội ở vùng phía bắc và đông bắc, tăng cường sự hiện diện quân sự dọc đường biên giới Ấn –Trung LAC chung quanh hồ PangongTso, nâng cấp căn cứ quân sự ở tiền đồn … Nhưng thực tế vẫn là "Quân đội Ấn Độ thua kém rất nhiều Lực Lượng Giải Phóng Nhân Dân" của Trung Quốc.

Xua tan những mối đe dọa tiềm tàng

Với thế thượng phong không thể chối cãi vậy tại sao Trung Quốc thường xuyên gây hấn với đối phương ? Tác giả bài viết trả lời : Bắc Kinh phải gồng mình vì những lý do "đối ngoại và đối nội". Dưới tác động của dịch Covid-19 kinh tế Trung Quốc bị chựng lại. Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích xử lý kém cỏi để khủng hoảng y tế xuất phát từ Vũ Hán lan rộng ra toàn cầu. Chính quyền của ông Tập Cận Bình cảm thấy "bị đe dọa" trước liên minh giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ trong lúc mà quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang xấu đi hơn bao giờ hết.

Do vậy Trung Quốc muốn "giết chết từ trong trứng nước mọi tham vọng của Ấn Độ trong khu vực" và để đạt đến đích Bắc Kinh sử dụng lại lá bài từng được dùng hồi năm 1962 đó là "làm nhục" New Delhi. Lần này, Trung Quốc dùng đồng tiền để lôi kéo những nước láng giềng của Ấn Độ từ Nepal đến Bangladesh… về phía mình.

Chiến tranh hay đối thoại ?

Trước thái độ hung hăng đó của Trung Quốc, Ấn Độ phản ứng ra sao ? Tác giả bài viết đăng trên Le Monde Diplomatique, giáo sư Vaiju Naravane khắt khe không kém với thủ tướng Modi. Trước mắt, New Delhi có vẻ chọn giải pháp đối đầu. Với rất nhiều chênh lệch từ về tài chính đến quân sự, mà tất cả các bàn thắng đều nghiêng về phía Trung Quốc, thủ tướng Modi vẫn rất tự tin. Ông tin vào chiến thuật của mình và tiếp tục đưa thêm quân đến hiện trường. Đây là một "tính toán đầy rủi ro". Cho dù các đồng minh thân thiết của Ấn Độ, từ Mỹ đến Úc hay Nhật Bản đều tuyên bố ủng hộ New Delhi nhưng đó chỉ là những tuyên bố bề ngoài. Giáo sư Vaiju Naravane không tin rằng khi tình hình nóng lên thêm nữa các quốc gia này sẽ ra tay cứu giúp Ấn Độ. Về đối nội, uy tín của chính bản thân ông Modi cũng đang sứt mẻ, chính phủ đang bị suy yếu …

Phải chăng do ý thức được điều này và do thận trọng để ngỏ cho mình một lối thoát mà thủ tướng Narendra Modi ngay từ hôm 19/06/2020 tức vài ngày sau xung đột đẫm máu ở đường giới tuyến, đã bất ngờ khẳng định "không một bên nào xâm nhập trái phép lãnh thổ của nước láng giềng". Giới Quân đội và ngoại giao Ấn Độ lúng túng với những lời lẽ trên trong lúc Bắc Kinh thì đã không bỏ lỡ cơ hội để phủi trách nhiệm, gạt bỏ mọi cáo buộc về những ý đồ "xâm chiếm" của Quân đội Trung Quốc.

Bài viết của giáo sư Vaiju Naravane, đại học Ashoka, Ấn Độ được kết thúc bằng một câu hỏi "Liệu rằng hai nước kình địch Châu Á này có sẽ tiếp tục các đòn đánh qua, đánh lại, thậm chí là lao vào một cuộc chiến thực thụ hay không ? Hay cuối cùng đôi bên nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán ?"

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 01/10/2020

***********************

Chỉ huy Không quân Ấn Độ : Sẵn sàng trước mọi cuộc tấn công từ phương Bắc

Trọng Thành, RFI, 29/09/2020

New Delhi sẵn sàng trước mọi đòn tấn công từ Trung Quốc. Đây là thông điệp của chỉ huy Không quân Ấn Độ hôm nay, 29/10/2020.

antrung2

Lễ bàn giao máy bay Rafale Pháp cho Ấn Độ tại căn cứ Không quân Ambala, ngày 10/09/2020. AFP – Prakash Singh

Theo báo chí Ấn Độ, lãnh đạo Không quân Ấn Độ, thống chế RKS Bhadauria, khẳng định, với các phương tiện hiện có, Quân đội Ấn Độ có khả năng giành chiến thắng trong "mọi xung đột trong tương lai". Không trực tiếp nhắc đến đe dọa từ Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Không quân Ấn Độ nói rõ tình hình đặc biệt đáng lo ngại "tại suốt dọc vùng biên giới phía bắc, nơi không hẳn là chiến tranh, nhưng cũng không phải là hòa bình". Thống chế Bhadauria nhấn mạnh là, với các chiến đấu cơ tân tiến vừa nhập khẩu như máy bay tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, và các đội phi cơ chiến đấu có sẵn, Quân đội Ấn Độ đã cải thiện đáng kể năng lực tác chiến.

Hôm qua, 28/09, Không quân Ấn Độ đã thông báo triển khai nhiều tên lửa siêu thanh Nirbhay, có tầm bắn 800 km, cũng như các tên lửa hành trình Brahmos có tầm bắn đến 450 km và hỏa tiễn đất đối không Akash.

Đàm phán Ấn – Trung giảm căng thẳng tại biên giới vẫn tiếp tục, nhưng New Delhi đặc biệt lo ngại Bắc Kinh bất ngờ mở các cuộc tấn công tại vùng biên giới vào mùa đông năm nay, khi thời tiết tại khu vực chân Himalaya hết sức khắc nghiệt. Thống chế Bhadauria nhấn mạnh là ưu thế của Không quân và hỏa lực trên không có ý nghĩa quan trọng.

Hiện tại khoảng ít nhất 50.000 binh sĩ hai bên đối mặt tại vùng biên giới, với một lực lượng thiết giáp hùng hậu. Quân đội Ấn Độ đã triển khai nhiều tăng T/90 và T-72, cùng các xe thiết giáp BMP-2 dùng để chở quân, có khả năng hoạt động trong thời tiết âm 40°C.

Ấn Độ thông báo sẽ tập trận Hải quân với Mỹ, Nhật và Úc, ba quốc gia khác trong Bộ Tứ (QUAD). Theo Times Now, Hải quân bốn quốc gia thành viên Bộ Tứ sẽ có một cuộc tập trận lớn vào tháng 11 tới tại vùng biển Ấn Độ Dương. 

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 29/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)