Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ : Giới quan sát bác bỏ cách giải thích của Tổng thống Mỹ

Đổ vỡ bất ngờ của thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội ngày 28/02/2019 tiếp tục được báo chí hôm 01/03 tìm cách lý giải. Việc quy thất bại cho đòi hỏi "dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận" của tổng thống Mỹ bị phê phán. Đa số các nhà phân tích dự đoán thượng đỉnh lẽ ra đã có thể đạt được một thỏa hiệp "tối thiểu". Dân chúng Algeria sôi sục xuống đường chống việc tổng thống Bouteflika, hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 là chủ đề lớn khác của báo Pháp.

dovo1

Nhiều người dân Hà Nội tin tưởng vào thành công của thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. Trong ảnh, một người mang bức tranh sơn dầu vẽ Donald Trump (P) và Kim Jong-un, Hà Nội, 27/02/2019. Reuters/Jorge Silva

Le Monde chạy tựa trang nhất "Donald Trump : Thất bại kép", với nhận định : Tổng thống Mỹ vừa phải hứng chịu sự đổ vỡ của thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, lại vừa bị cựu luật sư trong nước tố cáo là "phân biệt chủng tộc", "gian lận" và "lừa đảo".

Báo kinh tế Les Echos khẳng định : "Trump và Kim : Đà đi tới đã bị bẻ gẫy", hai bên đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm của thất bại. Để giải thích cho kết cục bất ngờ của một thượng đỉnh, mà chính ông Trump dự báo là "có tính quyết định" và "đầy hy vọng", Donald Trump nêu lý do Bắc Triều Tiên đã đòi hỏi "dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận". Ngay sau đó, phía Bắc Triều Tiên đã bác bỏ lập luận của tổng thống Mỹ.

Ngay tối hôm qua, đa số các nhà phân tích đã tỏ ra không tin tưởng vào cách giải thích của ông Trump. Chuyên gia Stephen Nagy, Đại học International Christian University ở Tokyo, cho biết : Đòi hỏi xóa bỏ toàn bộ các trừng phạt rất khó là "chiến lược đàm phán" của Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, ngược với Washington, chế độ Bình Nhưỡng chủ trương "tiến từng bước một", Bắc Triều Tiên hiểu rằng việc dỡ bỏ toàn bộ các trừng phạt về nguyên tắc là không thể thực hiện được trong khuôn khổ đàm phán song phương với Hoa Kỳ, vì đây là chuyện liên quan đến nhiều quốc gia.

Theo Le Figaro, trước thềm thượng đỉnh này, đã hé lộ khả năng Hoa Kỳ sẽ không đòi hỏi "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức" hệ thống vũ khí Bắc Triều Tiên. Và đổi lấy một số nhượng bộ khác của Bình Nhưỡng, như chấp nhận cho thanh tra quốc tế trở lại…, Washington có thể sẽ "tặng" cho Bình Nhưỡng một tuyên bố hòa bình "không chính thức" và giảm nhẹ một số trừng phạt, để giúp Hàn Quốc khởi sự một số hợp tác song phương với miền Bắc.

Đa số dự đoán Trump-Kim đạt "thỏa thuận tối thiểu"

Le Figaro trong bài "Kim-Trump trong ngõ cụt hạt nhân" cũng cho biết đa số các chuyên gia đã dự đoán một "thỏa thuận tối thiểu" sẽ được hai bên đưa ra, để duy trì được đà năng động ngoại giao hiện nay, căn cứ vào "mối quan hệ đặc biệt" Trump-Kim mà tổng thống Mỹ thường quảng bá. Thông báo hủy bỏ Thông cáo chung vào giờ chót đã gây bàng hoàng cho 2.500 phóng viên trên toàn thế giới có mặt tại chỗ.

Theo một số nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán, một lý do chính dẫn đến thất bại là Bình Nhưỡng đã đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ nhiều trừng phạt quan trọng, để đánh đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, đối với Washington, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" của toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Bắc Triều Tiên cũng bác đòi hỏi của Mỹ, cung cấp một danh sách đầy đủ "về các cơ sở quan trọng", được coi là điểm khởi đầu cho một lộ trình phi hạt nhân hóa, cũng như sự trở lại của thanh tra quốc tế.

Phong cách "tài tử" của tỉ phú bất động sản bị phê phán

Tại sao thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội thất bại ? Rõ ràng là có nhiều cách lý giải khác nhau. Đặc biệt đáng đáng chú ý có bài phân tích : "Đối mặt với Kim Jong-un : Phong cách ngoại giao của ông Trump thất bại" của đặc phái viên Le Monde Gilles de Paris và nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia kỳ cựu về Bắc Triều Tiên.

Le Monde lưu ý là trước thềm thượng đỉnh này đã có một số "phương án" được chuẩn bị cho một thỏa thuận tối thiểu. Cụ thể là "một tuyên bố hòa bình" về nguyên tắc, mở đường cho một hiệp định hòa bình trong tương lai. Hai bên cũng có thể mở văn phòng liên lạc tại thủ đô của đối tác, trên thực tế sẽ hoạt động như các sứ quán. Bắc Triều Tiên cũng có thể tuyên bố chính thức ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều đã được thực thi từ đầu 2018 đến nay. Tuy nhiên, đã không có bất cứ phương án nào được "theo đuổi đến cùng".

Hai nhà báo Le Monde nhấn mạnh là "thất bại đau đớn" trong các đàm phán với lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Hà Nội cho thấy "tài năng" thương lượng, mà tỉ phú bất động sản Donald Trump thường xuyên phô trương, rõ ràng là đã không mấy có ích trong các hoạt động chính trị, ngoại giao tầm quốc gia.

Với nhiều bê bối hiện nay trong nước (về nghi án Nga can thiệp bầu cử đang tiếp tục bị tư pháp phanh phui, về thất bại trong việc đòi Quốc Hội giải ngân cho bức tường biên giới với Mexico…), tổng thống Trump khó gây niềm tin cho Kim Jong-un là ông có thể sẽ tái đắc cử năm 2020. Kim Jong-un như vậy cũng khó lòng mạo hiểm để có được một thỏa thuận không lấy gì làm chắc chắn với một tổng thống có thể sẽ không còn ở đó vào năm 2021.

Le Monde kết luận là, nếu như thượng đỉnh Hà Nội gây nhiều hy vọng, thì đổ vỡ bất ngờ này khiến uy tín của tổng thống Mỹ tụt dốc thê thảm tại khu vực. Nguyên nhân của "thất bại cay đắng nhất"của tổng thống Mỹ về mặt ngoại giao, kể từ khi nhậm chức đến nay, chủ yếu là do ông Trump đã quá ưu tiên một phong cách ngoại giao dựa vào cá nhân tổng thống, nhưng lại không hề được chuẩn bị đúng mức.

Đau nhất là Hàn Quốc

Có lẽ bên cảm thấy thua thiệt nhất trong thất bại của thượng đỉnh Hà Nội là Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in đã coi việc xích gần lại với Bắc Triều Tiên là "cốt lõi" trong chính sách của ông. Tuy nhiên, việc hâm nóng quan hệ với miền Bắc lại phụ thuộc chặt chẽ vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Cũng Le Monde có bài cho biết thất bại của thượng đỉnh Hà Nội khiến viễn cảnh dỡ bỏ trừng phạt với Bắc Triều Tiên lùi xa. Nhiều dự án hợp tác hai miền cùng việc phối hợp tổ chức Thế Vận 2032 bị cản trở, do phải được sự cho phép của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Moon Jae-in ngay hôm nay sẽ phải đưa ra các đề xuất mới, cho phép thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh thượng đỉnh Trump-Kim bất thành.

Không "hoàn toàn đổ vỡ"

Một cuộc thượng đỉnh lần thứ ba giữa Mỹ-Bắc Triều Tiên là điều mà nhiều báo tỏ ra không tin tưởng. Tuy nhiên, La Croix có bài "Hà Nội : Một thất bại giữa những người gọi nhau là bạn tốt" tỏ ra lạc quan hơn. La Croix bày tỏ hy vọng là đối thoại vẫn sẽ tiếp tục, nguy cơ căng thẳng trở lại dường như được gạt qua một bên.

Thất bại này cần được coi là "một tai nạn" trong một tiến trình mong manh và rất phức tạp, chứ không phải là một đổ vỡ hoàn toàn. Cũng theo La Croix, ông Donald Trump có lẽ đã phải đưa ra quyết định không ra Tuyên bố chung do áp lực của nhiều cộng sự thân cận, không muốn tổng thống có các "nhân nhượng quá mức" và "bị Kim Jong-un ru ngủ".

Chiến tranh thuế kìm hãm kinh tế Mỹ-Trung

Về kinh tế quốc tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang kìm hãm kinh tế hai nước là tựa chính của phụ trương Le Figaro. Kinh tế Mỹ trong quý 4/2018 giảm tốc, còn chỉ số mua hàng PMI của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 2/2019, lần đầu tiên kể từ 10 năm nay. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng giảm ở mức thấp nhất từ 30 năm nay (6,6%). IMF dự đoán năm 2019, tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại (6,2%) và Hoa Kỳ cũng tương tự (2,5%).

Không chỉ tác động đến hai nước, cuộc chiến thương mại hiện nay tác động đến toàn cầu. Theo CBP (World Trade Monitor), tổng lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới trong hai tháng 11 và 12/2018 sụt giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về triển vọng đàm phán Mỹ-Trung nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, hôm thứ Tư, 27/02, trong lúc đàm phán Trump-Kim đang diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo đàm phán Mỹ Lighthizer thông báo là vẫn còn nhiều trở lực phải vượt qua mới đi đến được thỏa thuận, đặc biệt trong nạn "cưỡng bức chuyển giao công nghệ", mà Bắc Kinh bị Hoa Kỳ cáo buộc.

Tuy nhiên, về kinh tế Mỹ, Le Figaro cho biết cho dù bị chững lại trong quý 4, tính về toàn năm, kinh tế nước này tăng trưởng tổng cộng 2,9%, tức mức cao nhất kể từ 2015.

"Mùa xuân Algeria" ?

Biến động tại Algeria là tâm điểm chú ý của Le Figaro, với tựa trang nhất "Algeria : Cuộc phản kháng chống lại chính quyền gia tăng". Hôm nay, Le Figaro dự kiến sẽ có hàng triệu người dân quốc gia Bắc Phi này xuống đường trên khắp cả nước, để chống lại tổng thống hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, ứng cử lần thứ 5.

Đây là ngày hành động thứ hai, tiếp theo cuộc xuống đường chưa từng có hôm 22/02, kể từ hai thập niên nay. Theo báo chí Algeria, "bức tường sợ hãi" đã sụp đổ. Tại Algeria, đông đảo dân chúng đặt hy vọng vào một "cuộc cách mạng trong hòa bình".

Trong khi đó, La Croix chạy tựa lớn : "Algeria : Nổi dậy". Nhật báo công giáo có bài "Tuần lễ quan trọng đối với chế độ". Các nhà quan sát dự báo nhiều kịch bản có thể xảy ra : tổng thống mãn nhiệm Bouteflika sẽ tiếp tục ứng cử, nhưng có cũng thể rút lại quyết định này, cũng có thể ông sẽ hủy bỏ hoặc hoãn bầu cử.

Châu Âu trong "vùng không khí nhiễu động"

Thời sự Châu Âu cũng là một chủ đề lớn khác của La Croix. Xã luận La Croix mang tựa đề "Vùng không khí nhiễu động", ghi nhận một số trục trặc giữa nhiều chính phủ Châu Âu trong thời gian gần đây làm xấu đi hình ảnh của Liên Hiệp Châu Âu, đúng vào lúc chỉ còn ba tháng nữa là cử tri Châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu Nghị Viện mới. Theo nhật báo công giáo, đây là thời điểm hệ trọng mà chính quyền các nước cần chú ý nỗ lực để tăng cường các quan hệ tin cậy lẫn nhau, nhằm cổ vũ mạnh mẽ cho dự án xây dựng Châu Âu, hiện đang phải đối mặt với sự công phá quyết liệt của các thế lực dân tộc chủ nghĩa.

Các trục trặc được La Croix chỉ đích danh là sự lưỡng lự của Đức, Ireland, Thụy Điển và Đan Mạch khiến Liên Âu không đạt được thỏa thuận về đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia GAFA, việc một số lãnh đạo Ý ca ngợi phong trào Áo Vàng tại Pháp hay nhục mạ tổng thống Pháp, cũng như các bất đồng Pháp–Hà Lan trong vụ chính quyền Hà Lan đột ngột mua nhiều cổ phần trong tập đoàn hàng không Pháp–Hà Lan Air France-KLM nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Pháp, mà không theo các thể thức thông thường (Paris đã đề nghị Amsterdam giải thích lý do).

Đảng Xanh muốn "chôn vùi" cánh tả

Vẫn về Châu Âu, La Croix bài phỏng vấn lãnh đạo đảng Xanh (EE-LV) của Pháp, ông Yannick Jadot, với tựa đề "Cần cứu Châu Âu để cứu khí hậu". Đảng Xanh Pháp quyết định ra tranh cử Nghị Viện Châu Âu với tư cách độc lập với đảng Xã Hội là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả chạy tựa : "Liệu đảng Xanh có chôn vùi cánh tả ?". Trong bối cảnh, hai đảng lớn dự kiến về đầu trong cuộc bầu cử tới là đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống và đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia, và cánh tả đang tan tác, đảng Xanh từ chối mọi liên minh với các đảng phái cánh tả khác, để khẳng định như một lực lượng chính trị độc lập tiên phong.

Tuy nhiên, xã luận Libération lưu ý là đảng chính trị này đang phải đối mặt với một thách thức lớn. Đó là làm rõ đường lối : Chọn "tăng trưởng xanh" hay chọn "giảm phát triển". Theo Libération, cuộc chiến quyết định giữa cánh tả và đảng Xanh sẽ xoay xung quanh vấn đề này.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Thượng đỉnh Hà Nội : Kết quả không hẳn là tồi tệ

Phát hành đúng vào thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un lần thứ hai tại Hà Nội đổ vỡ hôm 28/02/2019, trái với nhiều đồng nghiệp khác, tuần báo Anh The Economist đã xem sự kiện hai bên bỏ ngang cuộc họp, không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, không phải là một kết quả tồi tệ.

ketqua1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Thượng đỉnh Hà Nội, ngày 28/02/2019. Saul LOEB / AFP

Trong bài phân tích mang tựa đề "Thượng đỉnh Hà Nội : Trump và Kim bỏ đi", The Economist ghi nhận là "cuộc đàm phán bị gián đoạn mà không có thỏa thuận", nhưng cho rằng "cục diện lẽ ra còn có thể tệ hại hơn nhiều".

Đối với tờ báo Anh, sau những tuyên bố khoa trương sau Thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm ngoái, rằng ông đã ngăn chặn được chiến tranh tại Châu Á và Bắc Triều Tiên "không còn là một hiểm họa hạt nhân", tại hội nghị thứ II ở Hà Nội lần này, ông Trump cần phải đạt được những nhượng bộ cụ thể từ phía ông Kim.

Thế nhưng, tổng thống Mỹ đã bỏ ngang hội nghị, ra về với hai bàn tay trắng, giải thích rằng ông "thà làm tốt hơn là làm nhanh". Tuyên bố này có thể khiến người ta hơi thất vọng. Nhưng nếu mục tiêu là giúp cho thế giới an toàn hơn, thì cách tiếp cận phi truyền thống và ào ạt của ông Trump trong lãnh vực kiểm soát vũ khí gai góc không hẳn là đã thất bại.

Bỏ ngang hội nghị tốt hơn là thỏa thuận không đúng

Theo The Economist, ít ra thì việc bỏ ngang tốt hơn là mở đường cho những khả năng xấu. Ông Trump nói rằng ông Kim đã đòi dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy việc vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đấy quả là một giao dịch tồi tệ vì Bắc Triều Tiên còn nhiều cơ sở khác làm ra chất uranium có thể dùng để làm bom nguyên tử, đó là chưa kể đến các kho đầu đạn và tên lửa.

Quan trọng nhất, theo tuần báo Anh, hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vẫn duy trì được những thành quả có được tại Singapore : Bắc Triều Tiên không còn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, góp phần làm giảm căng thẳng và nguy cơ vô tình leo thang. Ông Kim đã nói với ông Trump rằng điều đó sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu phi hạt nhân hóa thực sự là mục tiêu, thì hố sâu phân cách hai bên không thể lấp đầy. Ngoài ra, thay vì giải trừ, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí của mình. Bên cạnh đó, ông Kim đã không thực hiện các bước thậm chí là thô sơ trong việc thiết lập một tiến trình đàm phán có thể dẫn đến việc giải trừ vũ khí trên quy mô lớn …

Dẫu sao thì theo The Economist, quan điểm cứng rắn không thể tạo thành một nền tảng tốt cho việc giải trừ vũ khí lâu dài và trên bình diện rộng. Tuy nhiên, ít ra là điều đó đã dẫn đến một hình thức kềm chế nào đó.

Đối với tuần báo Anh, vào lúc này, Bắc Triều Tiên như đang mặc nhiên chấp hành một lệnh cấm thử nghiệm, tạm dừng việc hoàn thiện vũ khí, hoặc sử dụng vũ khí để đe dọa hàng xóm. Nếu so sánh với những gì mà những người tiền nhiệm của ông Trump đạt được, thì kết quả đó không quá tệ.

Tình huynh đệ thắm thiết Trump-Kim chưa mang đến thỏa thuận

Cũng về Thượng đỉnh Hà Nội, The Economist có một bài viết thứ hai mang tựa đề "Tình huynh đệ thắm thiết bị tạm gác", ghi nhận việc hai ông Trump và Kim đã thể hiện rất nhiều dấu hiệu thân tình tại cuộc họp Hà Nội, nhưng sau cùng thì đã rời Việt Nam mà không đạt được thỏa thuận nào. Thế nhưng, hai bên vẫn hứa là sẽ tiếp tục thương thuyết.

Đối với tuần báo Anh, việc hai bên không ra được một thỏa thuận nào tại Hà Nội quả là một điều đáng ngạc nhiên. Nhiều nhà quan sát đã dự đoán khả năng hai bên đồng ý được trên một thỏa thuận giới hạn, trong đó Bắc Triều Tiên đồng ý cho dỡ bỏ và kiểm tra cơ sở hạt nhân chính của họ tại Yongbyon để đổi lấy những cử chỉ thiện chí của Mỹ, như thành lập văn phòng liên lạc ở cả hai nước và tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã không thành vì bất đồng giữa hai bên quá lớn. Thế nhưng, theo The Economist, cả tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, đều nhấn mạnh rằng đàm phán Mỹ-Triều đã có được "tiến bộ thực sự" tại hội nghị thượng đỉnh, quan hệ với Bắc Triều Tiên tiếp tục có hiệu quả, ông Kim đã hứa sẽ tuân thủ lệnh cấm do chính ông ban hành về thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Cả hai ông Trump và Pompeo đều hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian sắp tới.

Đối với tuần báo Anh, ông Trump và các trợ lý của ông dường như đã kết luận rằng việc bỏ ngang hội nghị sẽ ít gây hại về mặt an ninh cho Mỹ hơn là chấp nhận cho Bắc Triều Tiên những nhượng bộ mà không thu lại được nhiều lợi nhuận. Họ cũng ngầm thừa nhận rằng phi hạt nhân hóa là một quá trình lâu dài chứ không phải là điều có thể đạt được trong một sớm một chiều như ông Trump đã hàm ý trước đó.

Theo The Economist, các nhà phân tích về an ninh và các cơ quan tình báo tuy nhiên đều đã cho rằng mặc dù không còn tiến hành thử nghiệm, ông Kim vẫn đang mở rộng chương trình hạt nhân của mình. Cho dù vậy, đối với tờ báo Anh, khi nhấn mạnh rằng ông không cần phải vội vã để giải giáp Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cho thấy là ông chủ trương một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều so với việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong tay ông Kim. Thỏa thuận đó là "bảo đảm việc không sử dụng" các loại vũ khí đó.

Làm sao xử lý các công dân Châu Âu đã tham gia thánh chiến ?

Trang bìa Courrier International tuần này được dành cho một vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ các nước Châu Âu. Đó là giải quyết như thế nào trường hợp các công dân của mình đã qua Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nay đã bị lực lượng chống Daesh bắt làm tù binh.

Dưới tựa đề "Làm gì với những kẻ thánh chiến của chúng ta ?", tuần báo Pháp cho biết : "Họ gồm vài trăm người đang bị giữ tại các trại ở miền đông Syria, dưới sự kiểm soát của người Kurdistan. Nên xét xử họ tại chỗ hay cho họ hồi hương về Châu Âu ? Với việc Mỹ rút quân ra khỏi khu vực đã được loan báo, chủ đề này đã trở nên quan trọng. Người Châu Âu đang chia rẽ với nhau trên vấn đề này"

Trong bài xã luận mang tựa đề : "Vợ của những phần tử thánh chiến, tình thế khó xử của Châu Âu", Courrier International cho rằng quả là các nước Châu Âu đang bị lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo Courrier International vấn đề đặt ra là "Những người phụ nữ đó không chỉ là "vợ của các chiến binh thánh chiến", một cách gọi hàm nghĩa rằng họ chỉ tình cờ có mặt ở trên chiến trường, trong một chừng mực nào đó là các nạn nhân bị buộc phải theo chồng", mà là những người đã chủ động qua Syria hay Iraq.

Tuần báo Pháp giải thích : "Họ đã rời bỏ cuộc sống thoải mái ở phương Tây để qua sống ở một đất nước có chiến tranh. Họ đã ở bên cạnh những phụ nữ sắc dân Yazidi Kurdistan bị biến thành nô lệ tình dục cho phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Họ đã cho phép con cái của họ, đôi khi còn rất nhỏ, tham gia vào các vụ bạo hành và thấm nhuần ý thức hệ thánh chiến. Họ đã và đôi khi vẫn còn là thành viên tích cực của tổ chức khủng bố".

Trong tình hình đó, Courrier International cho là rất nhiều người chủ trương bỏ mặc những phụ nữ đó ở lại Syria hay Iraq, chứ mang về nước làm gì những kẻ có nguy cơ dụ dỗ người khác đi theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ? Lo lắng cho số phận của họ làm gì ?

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các đồng minh người Kurdistan của chúng ta, sắp tới đây sẽ bị người Mỹ bỏ rơi, sẽ có thể cầm giữ những tù nhân đó trong bao lâu nữa. Đối với Courrier International, trách nhiệm của phương Tây là không được cho rằng những gì đang diễn ra ở Syria sẽ vĩnh viễn ở lại Syria.

Một liên minh Salvini-Le Pen ?

Riêng L’Obs thì đã mở rộng tầm nhìn sang nước Ý, dưới một khía cạnh đặc thù : khả năng liên minh giữa hai phe cực hữu Ý và Pháp.

Tạp chí Pháp đã dành trang bìa và 10 trang trong nói về Matteo Salvini, lãnh đạo cực hữu đang là bộ trưởng nội vụ Ý, và bên cạnh ảnh của ông ở trang bìa, L'Obs ghi chú : "Chất độc dân túy thôi miên dân Ý và đe dọa Châu Âu".

Theo tạp chí Pháp, Matteo Salvini và lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen thường gặp nhau, giúp đỡ nhau. Câu hỏi của L’Obs là liệu họ có thể, sau cuộc bầu cử Châu Âu, tạo nên một nhóm nghị sĩ dân túy mà họ mơ ước ở Nghị Viện Châu Âu hay không ?

Xã hội Pháp chuyển biến mạnh

Về các đề tài quan trọng được các tuần báo nêu bật, trước hết phải kể đến hồ sơ chính 14 trang của tờ Le Point mang tựa đề "Những xáo trộn lớn tại Pháp" về mặt xã hội.

Về hàng tựa này, phải chăng Le Point có phần nhại lại khái niệm "sự thay thế lớn" mà Renaud Camus đã nói đến vào năm 2010, bị xem là một thuyết âm mưu, tố cáo "dự án chính trị nhằm thay thế một nền văn minh này bằng một nền văn minh khác mà giới ưu tú chính trị, trí thức, truyền thông cố tình tiến hành" thông qua chính sách nhập cư.

Le Point dựa trên quyển sách "Quần đảo Pháp" của Jérôme Fourquet, đã nêu bật những thay đổi tại Pháp dựa trên thống kê. Trong các số liệu mà tạp chí nêu lên, người ta thấy là số lượng trẻ sơ sinh con trai mang tên Ả rập Hồi giáo tăng từ 2,5% năm 1990 lên thành 18,5% vào năm 2015, tức 1/5 trẻ em theo số liệu của cơ quan thống kê Insee.

Le Point cũng nhấn mạnh trên sự gắn bó của rất nhiều thanh niên Pháp xuất thân từ nhập cư với mô hình cộng hòa và tinh thần yêu nước. Trên chiếc hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, có gần 300 người Hồi giáo, tức 10% nhân lực trên tàu.

Jérôme Fourquet cũng nhấn mạnh trên hiện tượng bỏ đạo Thiên Chúa ở Pháp khi cho thấy số lượng cha xứ ở Pháp, từ 25.203 vào năm 1990 xuống chỉ còn 11.908 vào năm 2015.

Nước Pháp của người "Da Trắng thấp bé"

Cũng chú ý đến vấn đề xã hội Pháp, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 15 trang bên trong để nói về "Nước Pháp của những người "Da Trắng thấp bé"".

Tạp chí ghi nhận : "Khi vẽ bức tranh xã hội học tương phản với ‘Nước Pháp của ngày mai’, tức là những người không bằng cấp, không sống tại các thành phố lớn và cũng không ở những ‘khu biệt lập’, không phải là những người di dân mới, thì người ta có một định nghĩa của những người mà hiện được gọi là ‘những người Da Trắng thấp bé’".

Theo giải thích của L’Express, từ ngữ này có hai ý nghĩa : một thời được sử dụng để chỉ những người thuộc vùng quê, kiểu như ‘white trash’ của Mỹ, nhưng hiện giờ được một số người sử dụng như một khẩu hiệu tập hợp.

Tạp chí bảo vệ việc đưa chủ đề này lên trang bìa : "Phải nói là việc sử dụng từ ‘Da Trắng thấp bé’ trên trang bìa không phải là vô tư. Tính phổ quát đặc thù của Pháp bắt buộc là trong nền Cộng Hòa, không có người Da Trắng, cũng không có người Ả Rập, Da Đen hay Do Thái. Tuy nhiên thuyết phổ quát của chúng ta đã ‘bị thương’, và ngày có nhiều người Pháp đòi hỏi có nhãn hiệu của riêng mình (nguồn gốc xã hội, chủng tộc)…".

Theo L'Express : "Phủ nhận, không chịu thấy hiện tượng này ở Pháp là bỏ đi một chẩn đoán có trọng lượng cho những năm tới đây, cho phép hiểu một phần vì sao đảng cực hữu được phiếu và sự tồn tại của phong trào Áo Vàng". Tạp chí đặc biệt chú ý đến hai thành phố Caen và Bordeaux.

Mai Vân

Published in Châu Á