Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/03/2019

Điểm báo Pháp - Kết quả Thượng đỉnh Hà Nội : không hẳn là tồi tệ

RFI tiếng Việt

Thượng đỉnh Hà Nội : Kết quả không hẳn là tồi tệ

Phát hành đúng vào thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un lần thứ hai tại Hà Nội đổ vỡ hôm 28/02/2019, trái với nhiều đồng nghiệp khác, tuần báo Anh The Economist đã xem sự kiện hai bên bỏ ngang cuộc họp, không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, không phải là một kết quả tồi tệ.

ketqua1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Thượng đỉnh Hà Nội, ngày 28/02/2019. Saul LOEB / AFP

Trong bài phân tích mang tựa đề "Thượng đỉnh Hà Nội : Trump và Kim bỏ đi", The Economist ghi nhận là "cuộc đàm phán bị gián đoạn mà không có thỏa thuận", nhưng cho rằng "cục diện lẽ ra còn có thể tệ hại hơn nhiều".

Đối với tờ báo Anh, sau những tuyên bố khoa trương sau Thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm ngoái, rằng ông đã ngăn chặn được chiến tranh tại Châu Á và Bắc Triều Tiên "không còn là một hiểm họa hạt nhân", tại hội nghị thứ II ở Hà Nội lần này, ông Trump cần phải đạt được những nhượng bộ cụ thể từ phía ông Kim.

Thế nhưng, tổng thống Mỹ đã bỏ ngang hội nghị, ra về với hai bàn tay trắng, giải thích rằng ông "thà làm tốt hơn là làm nhanh". Tuyên bố này có thể khiến người ta hơi thất vọng. Nhưng nếu mục tiêu là giúp cho thế giới an toàn hơn, thì cách tiếp cận phi truyền thống và ào ạt của ông Trump trong lãnh vực kiểm soát vũ khí gai góc không hẳn là đã thất bại.

Bỏ ngang hội nghị tốt hơn là thỏa thuận không đúng

Theo The Economist, ít ra thì việc bỏ ngang tốt hơn là mở đường cho những khả năng xấu. Ông Trump nói rằng ông Kim đã đòi dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy việc vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đấy quả là một giao dịch tồi tệ vì Bắc Triều Tiên còn nhiều cơ sở khác làm ra chất uranium có thể dùng để làm bom nguyên tử, đó là chưa kể đến các kho đầu đạn và tên lửa.

Quan trọng nhất, theo tuần báo Anh, hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vẫn duy trì được những thành quả có được tại Singapore : Bắc Triều Tiên không còn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, góp phần làm giảm căng thẳng và nguy cơ vô tình leo thang. Ông Kim đã nói với ông Trump rằng điều đó sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu phi hạt nhân hóa thực sự là mục tiêu, thì hố sâu phân cách hai bên không thể lấp đầy. Ngoài ra, thay vì giải trừ, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí của mình. Bên cạnh đó, ông Kim đã không thực hiện các bước thậm chí là thô sơ trong việc thiết lập một tiến trình đàm phán có thể dẫn đến việc giải trừ vũ khí trên quy mô lớn …

Dẫu sao thì theo The Economist, quan điểm cứng rắn không thể tạo thành một nền tảng tốt cho việc giải trừ vũ khí lâu dài và trên bình diện rộng. Tuy nhiên, ít ra là điều đó đã dẫn đến một hình thức kềm chế nào đó.

Đối với tuần báo Anh, vào lúc này, Bắc Triều Tiên như đang mặc nhiên chấp hành một lệnh cấm thử nghiệm, tạm dừng việc hoàn thiện vũ khí, hoặc sử dụng vũ khí để đe dọa hàng xóm. Nếu so sánh với những gì mà những người tiền nhiệm của ông Trump đạt được, thì kết quả đó không quá tệ.

Tình huynh đệ thắm thiết Trump-Kim chưa mang đến thỏa thuận

Cũng về Thượng đỉnh Hà Nội, The Economist có một bài viết thứ hai mang tựa đề "Tình huynh đệ thắm thiết bị tạm gác", ghi nhận việc hai ông Trump và Kim đã thể hiện rất nhiều dấu hiệu thân tình tại cuộc họp Hà Nội, nhưng sau cùng thì đã rời Việt Nam mà không đạt được thỏa thuận nào. Thế nhưng, hai bên vẫn hứa là sẽ tiếp tục thương thuyết.

Đối với tuần báo Anh, việc hai bên không ra được một thỏa thuận nào tại Hà Nội quả là một điều đáng ngạc nhiên. Nhiều nhà quan sát đã dự đoán khả năng hai bên đồng ý được trên một thỏa thuận giới hạn, trong đó Bắc Triều Tiên đồng ý cho dỡ bỏ và kiểm tra cơ sở hạt nhân chính của họ tại Yongbyon để đổi lấy những cử chỉ thiện chí của Mỹ, như thành lập văn phòng liên lạc ở cả hai nước và tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã không thành vì bất đồng giữa hai bên quá lớn. Thế nhưng, theo The Economist, cả tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, đều nhấn mạnh rằng đàm phán Mỹ-Triều đã có được "tiến bộ thực sự" tại hội nghị thượng đỉnh, quan hệ với Bắc Triều Tiên tiếp tục có hiệu quả, ông Kim đã hứa sẽ tuân thủ lệnh cấm do chính ông ban hành về thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Cả hai ông Trump và Pompeo đều hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian sắp tới.

Đối với tuần báo Anh, ông Trump và các trợ lý của ông dường như đã kết luận rằng việc bỏ ngang hội nghị sẽ ít gây hại về mặt an ninh cho Mỹ hơn là chấp nhận cho Bắc Triều Tiên những nhượng bộ mà không thu lại được nhiều lợi nhuận. Họ cũng ngầm thừa nhận rằng phi hạt nhân hóa là một quá trình lâu dài chứ không phải là điều có thể đạt được trong một sớm một chiều như ông Trump đã hàm ý trước đó.

Theo The Economist, các nhà phân tích về an ninh và các cơ quan tình báo tuy nhiên đều đã cho rằng mặc dù không còn tiến hành thử nghiệm, ông Kim vẫn đang mở rộng chương trình hạt nhân của mình. Cho dù vậy, đối với tờ báo Anh, khi nhấn mạnh rằng ông không cần phải vội vã để giải giáp Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cho thấy là ông chủ trương một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều so với việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong tay ông Kim. Thỏa thuận đó là "bảo đảm việc không sử dụng" các loại vũ khí đó.

Làm sao xử lý các công dân Châu Âu đã tham gia thánh chiến ?

Trang bìa Courrier International tuần này được dành cho một vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ các nước Châu Âu. Đó là giải quyết như thế nào trường hợp các công dân của mình đã qua Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nay đã bị lực lượng chống Daesh bắt làm tù binh.

Dưới tựa đề "Làm gì với những kẻ thánh chiến của chúng ta ?", tuần báo Pháp cho biết : "Họ gồm vài trăm người đang bị giữ tại các trại ở miền đông Syria, dưới sự kiểm soát của người Kurdistan. Nên xét xử họ tại chỗ hay cho họ hồi hương về Châu Âu ? Với việc Mỹ rút quân ra khỏi khu vực đã được loan báo, chủ đề này đã trở nên quan trọng. Người Châu Âu đang chia rẽ với nhau trên vấn đề này"

Trong bài xã luận mang tựa đề : "Vợ của những phần tử thánh chiến, tình thế khó xử của Châu Âu", Courrier International cho rằng quả là các nước Châu Âu đang bị lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo Courrier International vấn đề đặt ra là "Những người phụ nữ đó không chỉ là "vợ của các chiến binh thánh chiến", một cách gọi hàm nghĩa rằng họ chỉ tình cờ có mặt ở trên chiến trường, trong một chừng mực nào đó là các nạn nhân bị buộc phải theo chồng", mà là những người đã chủ động qua Syria hay Iraq.

Tuần báo Pháp giải thích : "Họ đã rời bỏ cuộc sống thoải mái ở phương Tây để qua sống ở một đất nước có chiến tranh. Họ đã ở bên cạnh những phụ nữ sắc dân Yazidi Kurdistan bị biến thành nô lệ tình dục cho phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Họ đã cho phép con cái của họ, đôi khi còn rất nhỏ, tham gia vào các vụ bạo hành và thấm nhuần ý thức hệ thánh chiến. Họ đã và đôi khi vẫn còn là thành viên tích cực của tổ chức khủng bố".

Trong tình hình đó, Courrier International cho là rất nhiều người chủ trương bỏ mặc những phụ nữ đó ở lại Syria hay Iraq, chứ mang về nước làm gì những kẻ có nguy cơ dụ dỗ người khác đi theo xu hướng Hồi giáo cực đoan ? Lo lắng cho số phận của họ làm gì ?

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các đồng minh người Kurdistan của chúng ta, sắp tới đây sẽ bị người Mỹ bỏ rơi, sẽ có thể cầm giữ những tù nhân đó trong bao lâu nữa. Đối với Courrier International, trách nhiệm của phương Tây là không được cho rằng những gì đang diễn ra ở Syria sẽ vĩnh viễn ở lại Syria.

Một liên minh Salvini-Le Pen ?

Riêng L’Obs thì đã mở rộng tầm nhìn sang nước Ý, dưới một khía cạnh đặc thù : khả năng liên minh giữa hai phe cực hữu Ý và Pháp.

Tạp chí Pháp đã dành trang bìa và 10 trang trong nói về Matteo Salvini, lãnh đạo cực hữu đang là bộ trưởng nội vụ Ý, và bên cạnh ảnh của ông ở trang bìa, L'Obs ghi chú : "Chất độc dân túy thôi miên dân Ý và đe dọa Châu Âu".

Theo tạp chí Pháp, Matteo Salvini và lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen thường gặp nhau, giúp đỡ nhau. Câu hỏi của L’Obs là liệu họ có thể, sau cuộc bầu cử Châu Âu, tạo nên một nhóm nghị sĩ dân túy mà họ mơ ước ở Nghị Viện Châu Âu hay không ?

Xã hội Pháp chuyển biến mạnh

Về các đề tài quan trọng được các tuần báo nêu bật, trước hết phải kể đến hồ sơ chính 14 trang của tờ Le Point mang tựa đề "Những xáo trộn lớn tại Pháp" về mặt xã hội.

Về hàng tựa này, phải chăng Le Point có phần nhại lại khái niệm "sự thay thế lớn" mà Renaud Camus đã nói đến vào năm 2010, bị xem là một thuyết âm mưu, tố cáo "dự án chính trị nhằm thay thế một nền văn minh này bằng một nền văn minh khác mà giới ưu tú chính trị, trí thức, truyền thông cố tình tiến hành" thông qua chính sách nhập cư.

Le Point dựa trên quyển sách "Quần đảo Pháp" của Jérôme Fourquet, đã nêu bật những thay đổi tại Pháp dựa trên thống kê. Trong các số liệu mà tạp chí nêu lên, người ta thấy là số lượng trẻ sơ sinh con trai mang tên Ả rập Hồi giáo tăng từ 2,5% năm 1990 lên thành 18,5% vào năm 2015, tức 1/5 trẻ em theo số liệu của cơ quan thống kê Insee.

Le Point cũng nhấn mạnh trên sự gắn bó của rất nhiều thanh niên Pháp xuất thân từ nhập cư với mô hình cộng hòa và tinh thần yêu nước. Trên chiếc hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, có gần 300 người Hồi giáo, tức 10% nhân lực trên tàu.

Jérôme Fourquet cũng nhấn mạnh trên hiện tượng bỏ đạo Thiên Chúa ở Pháp khi cho thấy số lượng cha xứ ở Pháp, từ 25.203 vào năm 1990 xuống chỉ còn 11.908 vào năm 2015.

Nước Pháp của người "Da Trắng thấp bé"

Cũng chú ý đến vấn đề xã hội Pháp, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 15 trang bên trong để nói về "Nước Pháp của những người "Da Trắng thấp bé"".

Tạp chí ghi nhận : "Khi vẽ bức tranh xã hội học tương phản với ‘Nước Pháp của ngày mai’, tức là những người không bằng cấp, không sống tại các thành phố lớn và cũng không ở những ‘khu biệt lập’, không phải là những người di dân mới, thì người ta có một định nghĩa của những người mà hiện được gọi là ‘những người Da Trắng thấp bé’".

Theo giải thích của L’Express, từ ngữ này có hai ý nghĩa : một thời được sử dụng để chỉ những người thuộc vùng quê, kiểu như ‘white trash’ của Mỹ, nhưng hiện giờ được một số người sử dụng như một khẩu hiệu tập hợp.

Tạp chí bảo vệ việc đưa chủ đề này lên trang bìa : "Phải nói là việc sử dụng từ ‘Da Trắng thấp bé’ trên trang bìa không phải là vô tư. Tính phổ quát đặc thù của Pháp bắt buộc là trong nền Cộng Hòa, không có người Da Trắng, cũng không có người Ả Rập, Da Đen hay Do Thái. Tuy nhiên thuyết phổ quát của chúng ta đã ‘bị thương’, và ngày có nhiều người Pháp đòi hỏi có nhãn hiệu của riêng mình (nguồn gốc xã hội, chủng tộc)…".

Theo L'Express : "Phủ nhận, không chịu thấy hiện tượng này ở Pháp là bỏ đi một chẩn đoán có trọng lượng cho những năm tới đây, cho phép hiểu một phần vì sao đảng cực hữu được phiếu và sự tồn tại của phong trào Áo Vàng". Tạp chí đặc biệt chú ý đến hai thành phố Caen và Bordeaux.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)