Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/03/2019

Bảo vệ Philippines, đảng Thai Raksa Chart, Trung Quốc ép thú tội

Tổng hợp

Mỹ hứa bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công vũ trang tại Biển Đông (RFA, 01/03/2019)

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, vào ngày 1 tháng 3 đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công vũ trang tại khu vực Biển Đông.

asia1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo ở Manila ngày 1/3/2019 - AFP

Cam kết của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra sau cuộc gặp Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo lời Ngoại trưởng Mike Pompeo được AFP dẫn lại là những hành động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á là một mối đe dọa.

Ông Mike Pompeo nhắc lại hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo và những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang đe dọa đến chủ quyền, an ninh và như thế là đe dọa đến sinh kế của những quốc gia trong khu vực và kể cả Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng Biển Đông là một phần Thái Bình Dương, nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm đến lực lượng quân đội, máy bay hay tàu thuyền của Philippines tại Biển Đông đều buộc Hoa Kỳ thực thi cam kết theo Điều 4 của Thỏa ước Phòng Thủ Chung giữa đôi bên.

Phát biểu như vừa nêu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo được ghi nhận là tuyên bố công khai lần đầu tiên về cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công tại khu vực Biển Đông. Manila gọi đây là Biển Tây Philippines, còn Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Thỏa ước Phòng Thủ Chung Hoa Kỳ- Philippines được ký kết năm 1951, theo đó thì trong trường hợp một trong hai phía bị tấn công tại Thái Bình Dương, phía kia có bổn phận bảo vệ cho bên bị tấn công.

Trong thời gian qua, lực lượng quân đội và ngư dân Philippines thường xuyên lên tiếng về việc bị lực lượng an ninh hàng hải Trung Quốc nhũng nhiễu.

Ngay sau khi có cam kết của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bảo vệ đồng minh Philippines như vừa nêu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Lục Khảng, lên tiếng rằng đối với những quốc gia ngoài khu vực như Hoa Kỳ… không nhất thiết phải cố tình kích động hay gây bất ổn trong khu vực.

Theo lời Ông Lục Khảng thì Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông.

Đường đứt khúc 9 đoạn này bị Philipines đưa ra kiện ở tòa án quốc tế, và vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye ra phán quyết đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền là phi pháp, không có căn cứ cả về mặt pháp lý và lịch sử.

Tuy vậy Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa và tiếp tục hoạt động bồi lắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các nơi đó thành những căn cứ tiền tiêu.

*****************

Thái Lan : Biểu tình toàn quốc ủng hộ đảng đối lập Thai Raksa Chart (RFI, 03/03/2019)

Đông đảo người dân Thái Lan ủng hộ đảng Thai Raksa Chart tập hợp trong ba ngày cuối tuần, từ mùng một đến mùng 3 tháng 3/2019 trên toàn quốc, để ủng hộ đảng chính trị này trong cuộc bầu cử Quốc Hội, dự kiến diễn ra vào cuối tháng. Đảng Thai Raksa Chart có nguy cơ bị Tòa Bảo Hiến ra quyết định giải thể.

asia2

Biểu tình ủng hộ đảng đối lập Thai Raksa Chart Party, Bangkok, 01/03/2019. AFP

Đảng Thai Raksa Chart, một trong những đảng ủng hộ phe cánh của gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, có nguy có bị Tòa Bảo Hiến giải thể vào ngày 07/03, sau khi đề cử công chúa Ubolratana Rajakanya, 67 tuổi, vào vị trí thủ tướng Thái Lan.

Theo AFP, các cuộc mít-tinh-do các đảng phái thân cận với gia tộc cựu thủ tướng - diễn ra trên khắp đất nước, trong đó có Chiang Mai, quê hương của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện sống lưu vong. Tại trung tâm lịch sử của thủ đô Bangkok, hàng nghìn người đã tập trung ngay từ tối thứ Sáu 01/03 để ủng hộ đảng Thai Raksa Chart.

Những người ủng hộ gia tộc Shinawatra cho rằng Tòa Bảo Hiến đang nắm trong tay tương lai của nền dân chủ Thái Lan, vào lúc tập đoàn quân sự quyết tâm trụ lại chính trường, Hiến pháp Thái Lan do tập đoàn quân sự của tướng Prayut Chan-O-Cha thảo ra cho phép giới tướng lãnh chỉ định 250 thành viên Thượng Viện. Tiếng nói của giới quân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn thủ tướng mới. Tướng Prayout Chan-O-Cha có thể tiếp tục đứng đầu một chính quyền mang vỏ bọc dân sự. 

Trong lúc tương lai của đảng Thai Raksa Chart chưa được định đoạt, chính quyền quân sự Thái Lan đang phải đối mặt với một lực lượng chính trị khác là đảng Future Forward của nhà tỉ phú Thanathorn Juangroongruangkit 40 tuổi, người được cử tri độ tuổi 18-25 ủng hộ mạnh mẽ.

Thu Hằng

********************

Trung Quốc : Sinh viên tranh đấu bị công an ép xem video "thú tội" (RFI, 03/03/2019)

Thêm một thủ đoạn đàn áp khác của chính quyền Trung Quốc bị tố cáo trên truyền thông quốc tế. Hôm 02/03/2019, nhiều sinh viên tranh đấu bảo vệ quyền của người lao động cho biết họ đã bị công an buộc phải xem video "thú tội" của các nhà tranh đấu khác, cùng lúc với việc phải chịu nhiều đe dọa.

asia3

Các sinh viên tranh đấu cho quyền lợi công nhân đang chuẩn bị cho việc thành lập công đoàn tại Huệ Châu. Ảnh chụp ngày 23/08/2018. Reuters/Sue-Lin Wong

Một số sinh viên cho hãng thông tấn Pháp AFP hay là trong tuần qua họ đã bị triệu tập lên một số đồn công an ở thủ đô Bắc Kinh, để xem một số đoạn video "thú tội" của 6 nhà tranh đấu cho quyền của người lao động. Sáu người nói trên nằm trong số hàng chục nhà tranh đấu bị mất tích trong những tháng gần đây. Đây là những người đã từng ủng hộ một cuộc bãi công của công nhân tại một xí nghiệp sản xuất máy hàn ở tỉnh Quảng Đông, xảy ra hồi mùa hè năm ngoái.

Các sinh viên cho AFP biết là, cùng với việc bị ép phải xem các video "thú tội", họ đồng thời bị công an đe dọa trục xuất khỏi trường đại học, hoặc bị bỏ tù. Một sinh viên, xin giấu tên, cho hay là công an "muốn làm chúng tôi sợ, buộc chúng tôi chấp nhận việc mình làm là sai trái, và hành động tranh đấu là bất hợp pháp".

Vẫn theo các sinh viên bị triêu đến đồn công an, trong các đoạn video "thú tội", những người từng tranh đấu bảo vệ quyền của người lao động đã tuyên bố là họ nhân danh bảo vệ luật lao động để "lật đổ Nhà nước", cổ vũ bãi công để phục vụ cho "các ý đồ chính trị riêng».

Đây là đợt ép buộc sinh viên phải xem các video thú tội lần thứ hai. Đợt trước diễn ra đầu tháng Giêng 2019. Một sinh viên nhấn mạnh là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là nhằm bôi nhọ phong trào tranh đấu vì quyền công nhân.

Phía công an, Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân Dân, nơi các sinh viên nói trên theo học, không chấp nhận trả lời các câu hỏi của AFP.

Việc các nhà hoạt động nhân quyền hoặc nhiều người bị coi là tội phạm phải thú tội trước công chúng trên truyền hình, để tác động đến dư luận là điều thường xảy ra tại Trung Quốc. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền nước ngoài tố cáo đây là một thủ đoạn phổ biến của chính quyền Trung Quốc, sẵn sàng chà đạp lên công lý, dùng áp lực buộc đương sự phải nhận tội.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)