Kim rời Việt Nam, chúc Đảng giương cao nữa ‘ngọn cờ xã hội chủ nghĩa’ (VOA, 03/03/2019)
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un lên tàu rời Việt Nam vào ngày thứ Bảy sau một chuyến thăm chính thức nước chủ nhà, vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump khép lại tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận nào. Trước đó ông cũng dành những lời tán dương dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam để "giương cao hơn nữa ngọn cờ xã hội chủ nghĩa".
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un lên tàu rời Việt Nam tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, ngày 2 tháng 3, 2019.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Kim kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011 và cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông nội Kim Il Sung của ông đến đây vào năm 1958.
Ông Kim trưa ngày thứ Bảy đã lên tàu rời ga Đồng Đăng ở tỉnh Lạng Sơn gần biên giới Trung Quốc, nơi ông lần đầu tiên đến vào đầu tuần này trong sự chờ đợi và kì vọng trước hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27 và 28 tháng 2, trong đó ông hội đàm với ông Trump về vấn đề giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Trong chuyến thăm chính thức tại Hà Nội, ông hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông cũng đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và viếng Lăng Hồ Chí Minh, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Ông Trọng ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước từ nền tảng hữu nghị truyền thống được Hồ Chí Minh và Kim Il Sung "đích thân xây dựng và dày công vun đắp", và nói thêm rằng chuyến thăm của ông Kim cho thấy rõ mối quan hệ đó sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa.
"Khi đến thăm Triều Tiên năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói : ‘Việt Nam và Triều Tiên, tuy đường xa nhưng lòng rất gần. Tuy cách xa ngàn dặm nhưng gắn bó với nhau như mối tình anh em thân thiết,’" ông Trọng nói trong buổi chiêu đãi tối ngày thứ Sáu.
Ông Kim đáp lại bằng tình cảm tương tự, khẳng định niềm tin của ông về "sức sống và tương lai tốt đẹp" của mối quan hệ hai nước. Ông cũng bày tỏ vui mừng về "những thành tích to lớn" mà Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội.
"Chúng tôi chân thành chúc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời gian tới, nhân dân Việt Nam anh em giương cao hơn nữa ngọn cờ xã hội chủ nghĩa và giành được những thành quả to lớn hơn trong cuộc đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh,’ ông Kim nói trong phát biểu đáp từ tại buổi chiêu đãi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc hội kiến với ông Kim, nói Việt Nam ủng hộ Triều Tiên phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Ông nói thêm rằng Việt Nam "nhất quán ủng hộ" một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ông Kim được nói là đã bày tỏ "ấn tượng sâu sắc" về những thành tựu của Việt Nam và mong muốn hai bên tăng cường giao lưu và hợp tác. Ông cũng cảm ơn "sự tiếp đón trọng thị, thân tình, chu đáo" của Việt Nam và những nỗ lực tích cực của Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Hội nghị sụp đổ hôm thứ Năm tuần này vì không có thỏa thuận nào đạt được hoặc một kế hoạch tức thì nào cho cuộc gặp kế tiếp giữa phái đoàn hay lãnh đạo của hai nước.
Ông Trump nói Triều Tiên muốn toàn bộ chế tài của Mỹ phải được dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng Triều Tiên nói Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần các chế tại để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy địa điểm hạt nhân chính yếu tại Yongbyon.
************************
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm Việt Nam (RFI, 02/03/2019)
Sau bốn ngày lưu lại Hà Nội họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump và thăm chính thức Việt Nam, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã lên tầu về nước, xuất phát từ ga Đồng Đăng lúc 12 giờ 30 trưa ngày 02/03/2019. Giống như chặng đi, ông Kim Jong-un sẽ mất hơn 60 giờ để vượt chặng đường khoảng 4.500 km.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chào đám đông ở Đồng Đăng trước khi lên tàu trở về Bình Nhưỡng. Ảnh ngày 02/03/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Giao thông trên tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Đồng Đăng bị cấm từ 8 giờ đến 17 giờ. An ninh được thắt chặt dọc hành trình và trên nhiều tuyến đường dẫn vào ga Đồng Đăng.
Đến tiễn chủ tịch Kim Jong-un có các ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương và Mai Tiến Dũng, bộ trưởng chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ cùng với nhiều quan chức chính phủ và tỉnh Lạng Sơn và đông đảo người dân địa phương.
Trước khi khởi hành đến ga Đồng Đăng ở biên giới Việt-Trung, vào lúc 9 giờ 50, ông Kim Jong-un đã dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên đến đặt vòng hoa tại tượng đài liệt sĩ và viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi chỉnh lại dải băng ghi"Tưởng nhớ chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng tiếng Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un cúi đầu tưởng niệm trong gần 1 phút.
Theo AFP, đây là sự kiện khác thường đối vì ông Kim chỉ thường cúi đầu mặc niệm trước linh cữu hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông nội Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong Il, được quàn tại Cung Thái Dương ở Bình Nhưỡng.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un đến thăm Việt Nam. Trước đó, chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, đã hai lần đến thăm Việt Nam vào các năm 1958 và 1964.
Thu Hằng
********************
Trump : Triều Tiên không có tương lai kinh tế nếu có vũ khí hạt nhân (VOA, 03/03/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy nói rằng Triều Tiên sẽ có tương lai kinh tế tươi sáng nếu hai nước đạt được thỏa thuận, nhưng không có tương lai kinh tế với vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump ôm cờ Mỹ khi ông đến phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ, ở Oxon Hill, bang Maryland, ngày 2 tháng 3, 2019.
Hội nghị thứ hai giữa ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam bị cắt ngắn sau khi họ không đạt được thỏa thuận về mức độ chế tài mà Triều Tiên phải chịu để đổi lấy việc nước này thực hiện các bước từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
"Triều Tiên có một tương lai kinh tế tươi sáng, tuyệt vời nếu họ đạt được một thỏa thuận, nhưng họ không có tương lai kinh tế nào nếu họ có vũ khí hạt nhân", ông Trump nói tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ.
Ông nói thêm rằng mối quan hệ với Triều Tiên dường như "rất, rất vững mạnh".
Mỹ và Triều Tiên nói họ có ý định tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng chưa cho biết khi nào vòng đàm phán tiếp theo có thể diễn ra.
Dù một số người nói hành động của ông Trump đáng ghi nhận vì ông từ chối để bị cuốn vào một thỏa thuận bất lợi, song ông bị chỉ trích vì ca ngợi sự lãnh đạo của ông Kim và nói rằng ông chấp nhận khẳng định của ông Kim rằng ông ta không biết một sinh viên người Mỹ, tử vong sau 17 tháng bị giam một nhà tù ở Triều Tiên, đã bị đối đãi ra sao.
Hội nghị thượng đỉnh sụp đổ, ông Kim vẫn sở hữu một kho vũ khí bao gồm 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân, theo các nhà phân tích. Những đầu đạn đó, nếu được gắn phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, có thể đe dọa lục địa Mỹ.
Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã tăng cường các chế tài nhắm vào Triều Tiên khi nước này tiến hành nhiều vụ thử phi đạn đạn đạo và hạt nhân trong năm 2017.
Washington đã yêu cầu Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được trước khi các chế tài có thể được dỡ bỏ, một lập trường mà Bình Nhưỡng đã lên án.