Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Phương Tây đã từng cố gắng một cách tuyệt vọng để coi Trung Quốc là một thế lực có thể hợp tác được, nhưng Bắc Kinh đã làm cho họ không thể duy trì được ảo vọng này".

ciie1

Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai mạc Triển lãm quốc tế xuất nhập khẩu (CIIE) đầu tiên của Trung Quốc ở Thượng Hải ngày 05/11/2018. Johannes Eisele/Pool via Reuters

Theo nhận định của giáo sư về kinh tế chính trị Stein Ringen (King’s College ở Luân Đôn) trên Los Angeles Times, năm 2018 vừa qua không dễ chịu chút nào đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Sau nhiều năm dài đứng nhìn quyền lực nghiêng dần về phương Đông, nay phương Tây đã đáp trả. Hoa Kỳ đứng lên trên tuyến đầu, gây áp lực mạnh mẽ để Trung Quốc phải thay đổi các chính sách bảo hộ mậu dịch và gián điệp kỹ nghệ lâu nay. Chính quyền Donald Trump cảnh cáo là Bắc Kinh hoặc phải thay đổi cung cách hành xử, hoặc phải trả giá đắt. Các cuộc đàm phán về thương mại đang hướng về phía những quy định mới.

Trung Quốc bị cảnh báo từ Hoa Vi cho đến Viện Khổng Tử

Các cơ quan an ninh từ Hoa Kỳ, Canada cho đến Anh, Úc và các nước khác đều đưa ra những lời cảnh báo chống lại công nghệ 5G của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) vì lý do an ninh quốc gia. Trong "chủ nghĩa tư bản do nhà nước chỉ đạo" ở Trung Quốc, các công ty như Hoa Vi có bổn phận phải hợp tác với chính quyền, kể cả việc chia sẻ dữ liệu. Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang bị quản thúc tại gia ở Canada trong khi chờ đợi bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Hồi tháng Giêng, một nhân viên của Hoa Vi đã bị bắt ở Vacxava vì cáo buộc làm gián điệp.

Cũng trong năm ngoái, các tổ chức nghiên cứu uy tín như Mercator Institute ở Berlin, Asia Society ở New York và Royal United Services Institute ở Luân Đôn đã công bố các bản báo cáo, nêu chi tiết về "chính sách gây ảnh hưởng" của Trung Quốc nhắm vào những định chế chính trị và giáo dục, truyền thông cũng như xã hội dân sự tại các quốc gia dân chủ.

Các nhà lập pháp Mỹ đã tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh tài chính để xâm hại những nền tảng của tự do về học thuật. Các trường đại học phương Tây ngần ngại không muốn đón tiếp con ngựa thành Troie là các Viện Khổng Tử, và các viện loại này đã được thiết lập thì đang lần lượt bị đóng cửa. Giọng điệu bình luận của các phương tiện truyền thông phương Tây đã thay đổi. Những người ủng hộ Bắc Kinh im tiếng, và xu hướng hiện nay là một lời cảnh báo.

Chủ tịch trọn đời : Tập Cận Bình lộ mặt thật

Một năm trước đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phạm sai lầm nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi trở thành người lãnh đạo tối cao vào năm 2012. Ông ta hủy bỏ quy định trong Hiến pháp, theo đó chức chủ tịch nước được giới hạn trong hai nhiệm kỳ. Hành động này đã giúp cho thế giới thấy rõ được bộ mặt thật của chế độ. Tập Cận Bình ngoài miệng nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp, nhưng có thể thay đổi cả Hiến pháp trong một cái chớp mắt, nếu thấy có lợi cho mình.

Trong nội bộ, việc kiểm soát đảng Cộng Sản Trung Quốc bị siết chặt chưa từng thấy dưới triều đại ông Tập. Cả một tập thể luật sư bênh vực cho nhân quyền bị chôn vùi : khoảng 200 luật sư bị bắt bớ, tống giam. Việc kiểm soát công dân được tối ưu hóa qua "hệ thống tín nhiệm xã hội" dựa trên một kho dữ liệu khổng lồ, với các biện pháp tưởng thưởng hay trừng phạt trong đời sống hàng ngày, người dân được cho điểm "tín nhiệm" từ thấp đến cao.

Khu "tự trị" Tân Cương, nơi đông đảo người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số theo đạo Hồi khác sinh sống, đã trở thành một nhà nước công an toàn trị, với những vụ bắt bớ hàng loạt và mạng lưới các trại tập trung cải tạo.

Bẫy nợ tàn khốc "Một vành đai, Một con đường"

Đối với thế giới bên ngoài, Bắc Kinh theo đuổi chính sách nhằm thống trị toàn cầu. Công cụ chủ yếu là "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" (Belt and Road Initiative – BRI), trong đó Trung Quốc cho các quốc gia tham gia chương trình này vay tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các món tín dụng của dự án tỏ ra hấp dẫn, nhưng trên thực tế nhằm trói buộc các nước đi vay, trở thành lệ thuộc vào chủ nợ Bắc Kinh.

Phương Tây đã từng cố gắng một cách tuyệt vọng để coi Trung Quốc là một thế lực có thể hợp tác được, nhưng Bắc Kinh đã làm cho họ không thể duy trì được ảo vọng này. Khi Sri Lanka không thể trả nổi các món nợ, Trung Quốc bèn chiếm lấy quyền kiểm soát hải cảng đã cho vay để xây lên, rộng đến 15.000 mẫu Anh (trên 6.000 hecta). Cảng này được nhượng quyền khai thác đến 99 năm, Trung Quốc áp đặt một kiểu như nhượng địa Hồng Kông đối với một nước nhỏ yếu hơn.

Ví dụ khác về các nạn nhân của bẫy nợ Trung Quốc là Zambia, vào cuối năm 2018 đã bị mất quyền kiểm soát phi trường quốc tế lớn nhất nước. Còn Kenya đang có nguy cơ phải giao hải cảng chính ở Mombasa cho Bắc Kinh, vì không thể trả được món nợ đã vay để mở tuyến đường xe lửa từ Mombasa đến Nairobi. Công trình này do Trung Quốc xây dựng, nhưng chẳng mang lại lợi lộc gì.

Giở trò hăm dọa mỗi khi bị phê phán

Để tự làm trầm trọng thêm các vấn đề, khi gặp phải sự phản kháng, Tập Cận Bình và quan chức Bắc Kinh lại giở trò đe dọa. Sau khi New Zealand đứng về phía các nước phương Tây chống lại Hoa Vi, thủ tướng nước này là bà Jacinda Ardern đã không thể tiến hành chuyến viếng thăm Trung Quốc vốn đã được lên kế hoạch từ lâu, và một dự án du lịch đã được xúc tiến rộng rãi bỗng bị hủy bỏ một cách thô bạo.

Cũng tại New Zealand, giáo sư Anne-Marie Brady của trường đại học Canterbury, sau khi cho đăng một bài viết chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc lên đất nước mình, bản thân bà và gia đình đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch hăm dọa mà bà cho là do chính quyền Bắc Kinh tổ chức. Vụ này đã gây xôn xao không ít trong dư luận.

Khi bộ trưởng Quốc Phòng Anh đưa ra những lời phê phán về việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, chuyến viếng thăm của bộ trưởng Tài Chính nước này bị Bắc Kinh hủy bỏ. Na Uy buộc phải ký kết một hiệp ước hữu nghị, trong đó chính phủ nước này xưa nay vốn là tiếng nói bảo vệ nhân quyền, lại phải im lặng trước những lạm dụng của Bắc Kinh.

Nhưng khi phương Tây buộc lòng phản phản ứng, quá trình lập lại thăng bằng về quyền lực rốt cuộc đã bắt đầu khiến cho không gian hành động của Trung Quốc bị thu hẹp lại. Đài Loan là nước được hưởng lợi ngay lập tức trước tình trạng đối địch giữa chủ nghĩa toàn trị và dân chủ. Mối nguy hiểm là ở chỗ Trung Quốc sẽ chà đạp lên tự do, hiện nay vốn đã bị thu hẹp so với một năm trước đó.

Tác giả Stein Ringen nhắc lại, thủ tướng Anh Winston Churchill trong những năm đầu sau Đệ nhị Thế chiến đã nói rằng ông không tin tổng bí thư Liên Xô Josef Stalin muốn chiến tranh, nhưng Stalin chỉ muốn thu được chiến lợi phẩm từ chiến tranh. Có thể phát biểu tương tự về Tập Cận Bình ngày nay. Nhưng giờ đây phương Tây đã tìm được tiếng nói để chống lại sự lạm dụng quyền lực của Trung Quốc, và không ngần ngại lớn giọng trước những hành vi lũng đoạn của Bắc Kinh.

Thụy My

Nguồn : RFI, 18/03/2019

Published in Diễn đàn

Mong muốn tăng trưởng, Việt Nam dựa vào đà tiến của kỹ nghệ với việc sử dụng nhiều nhân công và phát triển địa ốc, nhưng không quan tâm mấy đến hậu quả cho môi trường và đất nông nghiệp. Điều này gây phẫn nộ cho giới nông dân.

nong0

Hàng trăm người dân biểu tình từ nhiều tháng chống lại việc lấy đất cho một dự án địa ốc.

Cưỡng chế đất : Nguồn gốc gây căng thẳng trong xã hội Việt Nam

Tác giả Pierre Daum trên Le Monde Diplomatique dẫn ra một trường hợp độc đáo tại làng Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 4/2017. Hàng trăm người dân biểu tình từ nhiều tháng chống lại việc lấy đất cho một dự án địa ốc. Họ đã dám bắt giữ 38 cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế. Thay vì dùng đến vũ lực, chính quyền Việt Nam đã gởi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thương lượng với những người bắt con tin. Cuối cùng dân làng đã thả các "tù nhân", đổi lấy lời hứa bồi thường thỏa đáng.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại Nam Ô ở miền trung vốn nổi tiếng về nước mắm, nhiều gia đình hiện đang từ chối rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án xây dựng một khu du lịch rất lớn. Khu vực này nuốt trọn diện tích bờ biển, khiến ngư dân không thể ra biển đánh cá cơm, nguyên liệu thiết yếu để làm món nước chấm truyền thống.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam, vùng đất còn xanh cây duy nhất còn tồn tại là Thủ Thiêm, từ 20 năm qua vẫn chống chọi lại nạn bê-tông hóa. Một nhóm nông dân kiên trì liên tục thưa kiện chống lại lệnh trục xuất, vì các thủ tục không được tiến hành theo đúng quy định. Mà thật ra các vụ cưỡng chế tùy tiện diễn ra rất nhiều, do lợi dụng Luật Đất đai.

Những vụ phản kháng chống tịch thu đất nông nghiệp để làm dự án công nghiệp, du lịch hay địa ốc xảy ra như cơm bữa. Theo hai nhà nghiên cứu Marie Gibert và Juliette Segard, đây là "nguồn gốc chủ yếu gây ra căng thẳng xã hội trong một Việt Nam đương đại". Đây cũng là dạng thức phản kháng chính trị duy nhất mà người dân có thể tiến hành được, trong một đất nước do đảng cộng sản cai trị.

Chỉ là phần nổi của tảng băng…

Báo chí dù bị kiểm soát chặt chẽ cũng đã phản ánh phần nào phong trào chống tịch thu đất, nhất là khi một quan chức đảng đến nơi để thương thảo với người dân. Những thông tin liên quan xuất hiện hàng ngày trên Facebook, vốn có đến 30 triệu người Việt đăng ký sử dụng trên 95 triệu dân. Một nhà báo của đài truyền hình nhà nước VTV nói : "Đó chỉ là một phần của thực tế, nhiều trường hợp người nông dân chống đối không được ai biết đến". Theo nhà báo này, đó là vì đi điều tra khá nguy hiểm. Nhiều người cảnh báo : "Đừng đến làng đó, rất căng thẳng, sẽ bị công an bắt". Trái lại người dân có khi từ chối tiếp xúc với phóng viên.

Chủ đề này lại càng nhạy cảm hơn khi việc cưỡng chế đất đi ngược lại với những tuyên bố cộng sản chủ nghĩa. Danielle Labbé, nhà nghiên cứu về đô thị hóa ở đại học Montréal vốn làm việc từ 15 năm qua về đề tài này tỏ ý tiếc là không thể có được số liệu cụ thể, cho rằng chính quyền không muốn cung cấp.

Tịch thu đất nông nghiệp trở thành vấn đề quan trọng tại Việt Nam do là trung tâm của phương thức phát triển mà đất nước này đã chọn lựa cách đây 30 năm. Hồi năm 1986, tin vào sự thất bại của kinh tế tập trung theo kiểu xô-viết – được áp dụng ở miền Bắc trong thập niên 50 và tại miền Nam sau khi thống nhất đất nước năm 1976 – các nhà lãnh đạo đã đưa ra chính sách Đổi Mới. Những hợp tác xã nông nghiệp dần dà biến mất, doanh nghiệp công phải làm ra lợi nhuận, cho phép thành lập công ty tư nhân và mở cửa cho đầu tư nước ngoài.

Trước nhu cầu khẩn thiết về thực phẩm, các nông trang được giải tán và đất được chia cho nông dân. Kinh tế gia Trần Ngọc Bích từng làm việc cho CNRS cho biết, tác động tích cực lập tức thấy ngay. "Chỉ trong vòng ba năm, nạn khan hiếm lương thực không còn nữa, lượng gạo sản xuất ra nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ". Tuy nhiên việc mở cửa cho kinh tế thị trường không đi kèm theo việc xét lại một số nguyên tắc, như "sở hữu toàn dân" về đất đai. Thế nên chính quyền có thể "thu hồi" đất một cách dễ dàng.

"Sở hữu toàn dân" : Chủ đất chỉ được quyền sử dụng

Cho dù là sở hữu chủ, người nông dân chỉ có được quyền sử dụng cho mục đích nông nghiệp (và chỉ nông nghiệp mà thôi), được ghi trong "sổ đỏ". Họ có thể bán lại quyền sử dụng, và con cái được thừa kế. Tuy nhiên Nhà nước giữ độc quyền việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang công nghiệp hay địa ốc. Dù có thủ tục tham vấn, luật giao cho các quan chức cao cấp quyền thông qua dự án.

Sau khi mở cửa, việc Mỹ bỏ cấm vận năm 1994 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp đã chuyển thành kinh tế công nông nghiệp. Theo ông Vũ Đình Tôn, đại học Nông Nghiệp Hà Nội, nếu năm 1995 nông nghiệp chiếm 80% dân số hoạt động, thì ngày nay chỉ còn 40%. Năm 1988, nông nghiệp chiếm 46% GDB, đến 2017 chỉ còn 15%.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam chủ trương "hiện đại hóa", "phát triển". Nhưng hai phần ba diện tích đất đai là đồi núi, những vùng đất có thể "hiện đại hóa" rất đông dân và được dùng để trồng trọt. Chính quyền bèn chuyển những vùng đất nông nghiệp rộng lớn thành khu đô thị (ở ngoại ô các thành phố), khu công nghiệp (xung quanh thành phố hay trục đường lớn), hoặc khu du lịch (dọc theo 3.000 km bờ biển), bất chấp cuộc sống của hàng triệu gia đình.

Từ 20 năm qua, Luật đất đai cho phép giao đất cho doanh nghiệp, đổi lại nhà kinh doanh phải cam kết tạo việc làm cho những người nông dân mất đất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đầu cơ đất, hậu quả của chính sách địa ốc

Nhà kinh tế Nguyễn Văn Phú của CNRS cho rằng trên giấy tờ, chính sách này có thể chấp nhận được. Le Monde Diplomatique dẫn ra trường hợp một nông dân ở Viêm Đông, Đà Nẵng – một bãi biển ngày nay đã bị bê-tông hóa với những cái tên khách sạn quốc tế : Four Seasons, Hyatt, Pullman, Sheraton…Người này hài lòng khi được giữ lại hai sào đất, khi bán đi đã xây được nhà mới, một người con được vào làm việc ở hãng giày Rieker.

Xung quanh làng, cứ mỗi 100 mét lại thấy một tấm bảng rao bán đất xây biệt thự. Người bán không thể trả lời câu hỏi chừng nào bắt đầu xây dựng, nhưng cho biết đa số người mua để bán lại kiếm lời.

Nạn đầu cơ chính là hệ quả của chính sách tất cả cho xây dựng. Đất hiếm hoi, nên các nhà đầu tư nhanh chóng hiểu rằng chỉ nên thực hiện một phần dự án được cấp phép hoặc không làm gì cả, rồi chia nhỏ đất ra bán lại.

Bà Nhung, một nông dân ở làng Dương Nội, ngoại thành Hà Nội giận dữ cho biết chính quyền chỉ bồi thường với giá rất rẻ, và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất có giá cao gấp 100 lần ! Từ tám năm qua, dân làng liên tục phản đối dự án xây dựng khu biệt thự sang trọng. Một bệnh viện và trường học cũng được dự kiến, trên lý thuyết.

Những chữ ký hái ra tiền

Từ chối nhận tiền đền bù, kiện ra tòa, kiến nghị, tuần hành ở trung tâm thành phố, biểu tình ngồi trước trụ sở ủy ban, tập hợp lại ngăn các xe ủi đất, thông tin trên Facebook : người dân Dương Nội đã làm tất cả để cất lên tiếng nói. Các video trên internet cho thấy hàng trăm công an ập vào đánh đập dân làng, một chiếc xe ủi lao vào đám đông khiến một người biểu tình bị bất tỉnh phải nhập viện.

Cha của bà Nhung đã trên 60 tuổi, cựu chiến binh trong chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979, bị bỏ tù 18 tháng nhận định : "Hồi còn trẻ, việc cầm súng chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc là điều tự nhiên. Nhưng nay thật khủng khiếp là tôi phải chống lại đất nước mình, vì chính quyền thối nát từ bên trong".

Tất cả những người mà nhà báo Pháp gặp được, từ nông dân, giáo sư đại học cho đến nhân viên bình thường đều khẳng định nạn tham nhũng lan tràn cùng với xu hướng đô thị hóa quá trớn. Các quan chức cao cấp chỉ cần một chữ ký, một con dấu đã có được rất nhiều tiền. Nhà nghiên cứu Kimberly Kay Hoang, đại học Chicago thu thập được khoảng 100 lời chứng. Các doanh nghiệp được giao đất phải biết "gõ đúng cửa".

Bị mất đất, người nông dân còn phẫn nộ vì bản thân và con cái không có được việc làm như đã hứa. Ông Đào Thế Anh, Viện Nông Nghiệp Việt Nam nhận định dù sao đi nữa, kỹ nghệ Việt Nam còn yếu, khó thể hấp thu được tất cả những người nông dân thất nghiệp.

Tham nhũng lan tràn, ô nhiễm khắp nơi

Một vấn nạn nữa là ô nhiễm. Tại khu du lịch Sầm Sơn, ngư dân từ lâu vẫn đấu tranh để giữ lại 300 mét chiều dài bờ biển để neo thuyền, trong khi tập đoàn FLC chuẩn bị xây một phức hợp du lịch nhìn ra biển với khách sạn 5 sao, biệt thự, sân gôn. Công trình này đã đi vào hoạt động từ hai năm qua, "nhưng chúng tôi tiếp tục biểu tình trước ủy ban vì họ cho đường cống xả ra biển" - một nhóm ngư dân mà nhà báo Pháp gặp trên bãi biển cho biết. "Ngày nay cá ít hơn, và con nào còn sống cũng nhiễm độc".

Nếu trong hợp đồng, doanh nghiệp cam kết tôn trọng môi trường, thì thực tế để có giấy chứng nhận chỉ cần đưa bao thư cho thanh tra hoặc tặng túi xách Hermès cho vợ sếp – như một trong những nhân chứng nói với Kimberly Kay Hoang. Năm 2016 xảy ra nạn cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung do nhà máy Formosa của Đài Loan xả thải thẳng ra biển, dẫn đến những cuộc biểu tình quy mô trên cả nước.

Bà Liên, một giảng viên đại học về hưu khẳng định : "Người ta nói nhiều lãnh đạo địa phương đã nhận hối lộ. Nhưng tệ hại nhất là sự xâm lăng của Trung Quốc ! Phía sau những công ty lớn Việt Nam là tiền từ Trung Quốc. Họ mua hẳn nhiều đoạn bãi biển của chúng tôi, vốn là những địa điểm chiến lược về quốc phòng. Và nếu chính quyền chẳng nói gì cả, đó là do đã nhận được những phong bì dày cộp". Những lời đồn đãi như thế hiện diện đầy trên mạng xã hội và trong những cuộc nói chuyện riêng tư.

Hậu quả của đô thị hóa bừa bãi, tham nhũng lan tràn, không chỉ là các cuộc nổi dậy của nông dân hay nỗi lo bị Trung Quốc xâm lược từ nhiều đời nay. Nhà địa lý học chuyên về Việt Nam Sylvie Fachette thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển nhắc nhở : "Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều rất sát mực nước biển. Sông Hồng ở Hà Nội nhiều khi tràn bờ. Việc bê-tông hóa mặt đất nhất thiết phải gắn liền với nỗ lực to lớn về thoát nước, nhưng hoàn toàn không có. Một đợt gió mùa tạo thành mưa lớn cũng đủ gây ra thảm họa".

Theo tổ chức phi chính phủ Germanwatch, Việt Nam hiện đứng thứ năm trong danh sách các nước dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu.

Nông dân luôn thiệt thòi khi đấu tranh giành lại đất

Trước sự bất bình của những người nông dân mất đất, chính quyền thường bắt đầu bằng việc thương thảo. Các quan chức cấp trung cố giải thích cho họ là nhân dân cần thông cảm, phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy hiếm khi thuyết phục được người biểu tình, chính quyền vẫn có thể trông cậy vào giai cấp trung lưu đang tăng lên : từ 13% dân số, trong năm năm tới sẽ là 20%.

Một trong những dự án gây ấn tượng nhất là Ecopark, khu dân cư sang trọng mới được xây lên sau nhiều năm kháng cự bất thành của nông dân. Một phụ nữ trẻ giàu có, chủ một chuỗi cửa hàng hoa, có ngôi nhà vườn 190 mét vuông ở Ecopark thổ lộ, có một hôm người giúp việc tiết lộ là ngôi biệt thự này được xây lên ngay chỗ nông trại mà bà đã bị cưỡng chế. Cô chủ trẻ có hơi xấu hổ, nhưng một chủ nhà khác lại cho rằng người nông dân phải chấp nhận thiệt thòi để phát triển.

Việt Nam được phương Tây trầm trồ vì tỉ lệ tăng trưởng từ 20 năm qua vẫn là 6 đến 7%. Nhưng việc tịch thu đất vẫn không ngừng lại, giúp quan chức địa phương chóng giàu, và trút vào thị trường lao động hàng trăm ngàn thanh niên nông dân trẻ.

Dù phong trào phản kháng lan rộng, nhưng nông dân thường thua cuộc, và trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể làm chậm lại dự án. Nổi lên rải rác khắp nước, nhưng không có quyền tổ chức phong trào một cách hợp pháp, họ không thể đối phó với chính quyền. Báo chí luôn bị kiểm soát chặt chẽ, chỉ còn Facebook để đoàn kết những tiếng nói. Nhưng từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng buộc các trang web trong vòng 24 giờ phải xóa tất cả những lời bình "đe dọa đến an ninh quốc gia".

Thụy My

Nguồn : RFI, 31/01/2019

Published in Diễn đàn

Washington ngày càng ngăn chặn nhiều vụ Trung Quốc thâu tóm công nghệ và yêu cầu các đồng minh hành động tương tự. Mục tiêu là chiến thắng trong cuộc cách mạnh kỹ nghệ sắp tới : trí thông minh nhân tạo.

hitech1

Ảnh minh họa : Tìm việc tại hội chợ việc làm công nghệ TechFair ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ ngày 26/01/2017. Reuters/Lucy Nicholson /File Photo

Từ công nghệ nhận diện của một start-up…

Eva Chen không cần đến thẻ từ để vào được văn phòng lịch sự trên một tòa tháp bằng thép, đường bệ nhìn xuống khu Bund. Ở cửa vào, một con mắt thủy tinh bí ẩn nhận ra khuôn mặt của cô, và như có phép lạ, cánh cửa trụ sở Yitu mở ra.

Công ty start-up Thượng Hải đã làm nên tên tuổi trên thế giới về công nghệ nhận diện, thậm chí qua mặt cả Thung lũng Silicon. Cô Chen, phụ trách truyền thông của công ty, khoe : "Thuật toán của chúng tôi đứng hàng đầu thế giới, có thể nhận ra khuôn mặt một người trong số một tỉ người khác, chỉ trong vòng một giây đồng hồ".

Ngay cả Mỹ, thông qua cơ quan rất nghiêm túc là National Institute of Standards and Technology (NIST), đã trao cho Yitu giải nhất năm 2017…

Với tỉ lệ chính xác 95%, công nghệ này giúp rút tiền mặt từ máy ATM chỉ bằng một cái nhìn, hay nhận diện tất cả những người gây rối trong một đám đông, bảo đảm an ninh cho ông Tập Cận Bình trong Diễn đàn Bác Ngao gần đây. Phát ngôn viên Yitu cho biết : "Lãnh vực hoạt động chính của chúng tôi là an ninh công cộng, nhưng tôi không thể bình luận gì thêm". Công ty mới thành lập năm 2012 nhưng đã sinh lợi.

Hai nhà sáng lập của Yitu là bạn học cùng trường trung học Phúc Châu (Fuzhou) ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), sau đó sang Mỹ học MIT và đại học California ở Los Angeles (UCLA), trước khi làm giàu ở Thượng Hải và nay quay lại cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

…đến 40 năm đuổi theo Mỹ về công nghệ

Thành công của start-up này là minh chứng cho sự rượt đuổi về công nghệ của Trung Quốc trong 40 năm, kể từ khi Đặng Tiểu Bình cho mở cửa năm 1978. Ngày nay Bắc Kinh thách thức nước Mỹ của ông Donald Trump ngay trong lãnh vực này, với mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị đầu thế giới.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại do tổng thống Donald Trump phát động, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con gái người sáng lập tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại Canada theo yêu cầu của Mỹ, nhắc nhở rằng công nghệ chính là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông do một cựu quân nhân Trung Quốc thành lập, đã bị cấm vào thị trường Mỹ do nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hôm nay Reuters cho biết tổng thống Trump dự định ra sắc lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông do nước ngoài sản xuất : rõ ràng Hoa Vi và ZTE nằm trong tầm ngắm.

Washington cảm thấy phải ra tay ngăn chặn những vụ Bắc Kinh thâu tóm các công ty công nghệ, và các đồng minh Mỹ cũng bắt đầu theo chân.

Mục tiêu Trung Quốc : Hất cẳng toàn bộ các nước phương Tây

Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Natixis tại Hồng Kông phân tích : "Mục tiêu của chiến tranh thương mại, trên thực tế là ngăn chặn việc Trung Quốc leo lên hàng đầu về công nghệ". Đặc biệt là chiến lược "Made in China 2025" do Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2015, với tham vọng trở thành nước đứng đầu thế giới trong các lãnh vực kỹ nghệ chủ chốt.

Theo Council on Foreign Relations, tham vọng này là "mối đe dọa sống còn cho ngôi vị của công nghệ Mỹ". Think tank uy tín có trụ sở tại New York cảnh báo : "Mục đích của Trung Quốc không phải là cùng ngồi ngang hàng với các nước kỹ nghệ phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thay chân tất cả".

Để đạt được điều này, Bắc Kinh trợ cấp ồ ạt cho các tập đoàn quốc doanh, thông qua các ngân hàng nhà nước nhằm đè bẹp những người cạnh tranh trên thế giới, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch thâu tóm những công ty mũi nhọn để rút ngắn khoảng cách về công nghệ.

Tập Cận Bình, sứ thần kiêu hãnh của tư bản đỏ nhà nước, hoàn toàn biết cách thủ lợi từ toàn cầu hóa, chủ trương "tự cung tự cấp". Trận đấu thế kỷ đã bắt đầu, và cũng diễn ra trong các phòng thí nghiệm, tại những "lò ấp start-up" như trên các chiến trường quân sự tương lai. Ngay cả trên trận địa ngày nay cũng đầy những sản phẩm công nghệ.

Sử dụng sức mạnh của chính đối thủ để quật ngã địch

Tuy nhiên chính Hoa Kỳ đã chắp cánh cho đối thủ của mình. Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter lần đầu tiên chấp thuận cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc đến Mỹ nghiên cứu, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Những giảng viên đại học trẻ tuổi đã phải chịu đựng bạo lực của Hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa, sững sờ khám phá các khu đại học phủ xanh cây cỏ ở Mỹ. Một cuộc cách mạng đối với họ !

Năm ấy, Đặng Tiểu Bình với tầm nhìn xa đã lật sang một trang mới, tránh xa khỏi chủ nghĩa mao-ít điên rồ, đã mở ra cánh cửa của một Trung Quốc nghèo khổ cho các nhà đầu tư ngoại quốc, với khẩu hiệu "Hãy làm giàu !". Nhưng đây là việc dùng sức mạnh của địch để quật ngã địch.

Đợt các nhà nghiên cứu đến Mỹ lần đầu này là lớp tiên phong cho cả một đội quân trẻ tuổi khát khao kiến thức, và cả sự tự do. Ngày nay có đến 350.000 trí thức trẻ Trung Quốc đang thưởng thức American way of life, trước khi quay lại Hoa lục, đóng góp vào sự tái sinh của người khổng lồ Trung Hoa. Những con diều hâu ở Nhà Trắng nay đang đe dọa ngưng cấp visa cho sinh viên Trung Quốc để cắt ngang cặp cánh rồng.

Trung Hoa đỏ giàu lên sẽ có dân chủ ?

Vào thời đó, Washington và Bắc Kinh đang trong tuần trăng mật mặn mà, sau hoạt động ngoại giao lịch sử của tổng thống Richard Nixon năm 1972 – liên kết với chế độ cộng sản Trung Quốc để rảnh tay đối phó với địch thủ Liên Xô. Trong những đốm lửa cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh, lợi ích địa chính trị và kinh tế của hai bên phù hợp với nhau, với niềm tin vào toàn cầu hóa. Các tập đoàn Mỹ trước sự cất cánh ngoạn mục của Trung Quốc, cho di dời hàng loạt nhà máy đến "công xưởng thế giới".

Vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn tháng Sáu năm 1989 đã tưới lên một gáo nước lạnh, nhưng không cắt đứt mối quan hệ chiến lược. Họ Đặng siết chặt quyền lực, tái khẳng định sự toàn trị của Đảng cộng sản, nhưng tung ra một giai đoạn mới tự do hóa nền kinh tế, trấn an được thị trường.

Vào thời điểm bước qua thiên niên kỷ mới, nước Mỹ của ông Bush cũng như của ông Clinton tin chắc rằng hồi cuối lịch sử đang đến, sau khi Liên Xô và chế độ Saddam Hussein sụp đổ : Trung Quốc đỏ buộc phải tham gia vào kinh tế thị trường và đến một ngày nào đó, sẽ có được tự do dân chủ, mặc dù vẫn tiếp tục trưng ra ngọn cờ cộng sản.

Không hề hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới

Nhưng giới tinh hoa phương Tây vẫn chưa biết được tham vọng và niềm kiêu hãnh thầm kín của Trung Quốc, không hiểu được lịch sử ngàn năm của nước này. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bộ Chính trị cũng như một người bán hàng trên đường phố Nam Kinh, sự tái sinh của đế quốc Trung Hoa là cần thiết để xóa đi nỗi nhục nhã phải gục đầu trước những khẩu đại bác trong cuộc chiến tranh nha phiến. Trong lúc các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy biểu đồ tăng trưởng, thì đảng muốn gợi lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa.

Đại tá Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu), giảng viên trường đại học Quốc phòng nói : "Giấc mộng Trung Hoa là vượt qua Hoa Kỳ. Chúng tôi không thể tự hài lòng với vị trí thứ nhì thế giới, và sẽ vươn lên hàng đầu trong 20 hoặc 30 năm tới". Ông Lưu là một diều hâu Trung Quốc, với các tác phẩm được gợi hứng từ câu khẩu hiệu của chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2008, Wall Street sụp đổ, phương Tây hoảng hốt. "Cuộc khủng hoảng tài chính là một bước ngoặt lớn : người Trung Quốc hiểu rằng nước Mỹ xuống dốc nhanh hơn dự báo. Tập Cận Bình coi đây là cơ hội ngàn năm một thuở, và đã nắm lấy" - Aaron Friedberg, giáo sư ở Princeton giải thích.

Bành trướng trên Biển Đông

Trước một Obama rụt rè, ông hoàng đỏ Tập dấn mạnh các quân cờ, xây lên bảy đảo nhân tạo tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách đến 90% diện tích bất chấp các nước láng giềng.

Tân hoàng đế quẳng vào sọt rác các lời khuyên của Đặng Tiểu Bình nên thận trọng ẩn mình chờ thời. Tương quan lực lượng quân sự và công nghệ ngày càng nghiêng về Trung Quốc.

Năm 1976, Hải quân Mỹ đã làm mất mặt chủ tịch Giang Trạch Dân khi gởi hàng không mẫu hạm USS Nimitz đến eo biển Đài Loan, trả đũa các vụ thử hỏa tiễn của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc bèn nỗ lực tái vũ trang ồ ạt, ngân sách quốc phòng luôn tăng với hai con số. Hiện nay Bắc Kinh triển khai Đông Phong 26, được khoe là "sát thủ hàng không mẫu hạm", hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có thể cầm chân Hải quân Mỹ tại căn cứ Guam trong trường hợp xung đột.

Ngày nay điều quan trọng nhất là chiến thắng trong cuộc cách mạng kỹ nghệ mới, đó là trí tuệ nhân tạo. Ông François Godement, giám đốc ECFR nhận định, đối với Tập Cận Bình, kỹ thuật số mang tính chiến lược. Nó giúp chế độ Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp được dân chúng, đồng thời áp đặt sức mạnh Trung Quốc và các tiêu chí của mình lên toàn cầu. Trước bộ tứ GAFA của Mỹ, chỉ có các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay Baidu mới có tầm cỡ đối mặt.

Và như vậy, sau bốn thập niên hợp tác, bây giờ là thời điểm đối đầu trực diện Mỹ-Trung.

Thụy My

Nguồn : RFI, 27/12/2018

Published in Diễn đàn

Theo tiến sĩ Trương Trí Trình (Chih Cheng Chang) trên The Diplomat, Trung Quốc chèn ép Đài Loan liên tục không chỉ vì không ưa đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn, mà đây là chủ trương nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.

dailoan1

Tổng thống Thái Anh Văn cùng đồng nhiệm Quần đảo Marshall Hilda Heine duyệt hàng quân danh dự tại Đài Bắc ngày 27/07/2018. Đảo quốc có trên 53.000 dân này là một trong 18 nước còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Reuters/Tyrone Siu

Từ khi đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party-DPP, gọi tắt là Dân Tiến) do bà Thái Anh Văn lãnh đạo chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Đài Loan vào tháng Giêng năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các bước để cô lập đảo quốc khỏi cộng đồng quốc tế.

Trong đó có việc dùng tiền bạc chiêu dụ bốn quốc gia có quan hệ ngoại giao lâu dài với Đài Loan là Panama, Sao Tome và Principe, Burkina Faso, Cộng hòa Dominicana để các nước này cắt đứt mối giao tình. Hoặc đẩy Đài Loan ra khỏi ghế quan sát viên tại Diễn đàn Y tế Thế giới.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã đại thắng khi gây áp lực lên 44 công ty hàng không trên toàn thế giới, kể cả các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, buộc họ phải bỏ từ khóa "Đài Loan" ra khỏi hệ thống đặt chỗ. Đồng thời Trung Quốc cũng tước đoạt mất cơ hội của thành phố Đài Trung trở thành chủ nhà trong Đông Á Thanh Niên Vận Hội (East Asian Youth Games) năm 2019, tuy thành phố miền trung Đài Loan đã được giao tổ chức từ năm 2012.

Tại sao Trung Quốc liên tục bức hiếp Đài Loan như vậy ? Nhiều nhà phân tích chỉ đơn giản cho rằng Hoa lục cộng sản đương nhiên không ưa một Đài Loan dân chủ, với tân chính quyền có chính sách độc lập. Nhưng nếu đây là động cơ chính của Trung Quốc, thì chỉ gây phản tác dụng mà thôi.

Các thủ đoạn chống lại đảng Dân Tiến chỉ làm cho Trung Quốc và Quốc Dân Đảng (Kuomintang-KMT) bị người dân Đài Loan ghét bỏ. Một loạt các hành động bức hiếp quá đáng như vụ các hãng hàng không quốc tế và ngày hội thể thao của giới trẻ Đông Á như đã nói ở trên, khiến báo chí Đài Loan và các nhà bình luận dự đoán Quốc Dân Đảng sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tháng 11/2018. Nói cách khác, việc Trung Quốc bắt nạt Đài Loan chỉ gây khó khăn thêm cho Quốc Dân Đảng - vốn đang yếu hơn bao giờ hết - khi ra tranh cử.

Chiến lược làm suy yếu chính phủ Đài Bắc

Tuy nhiên theo The Diplomat, các hành động cưỡng bức gần đây của Trung Quốc nằm trong chiến lược cụ thể của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Logic của chiến lược này không phải là chinh phục cảm tình của người dân Đài Loan, mà chủ yếu để làm suy yếu chính quyền Đài Bắc, do bà Thái Anh Văn phản đối chủ trương "chỉ có một nước Trung Hoa".

Trung Quốc cũng đã từng sử dụng chiến lược trấn áp đối với chính phủ Dân Tiến đầu tiên của Đài Loan, do tổng thống Trần Thủy Biển lãnh đạo từ năm 2000 đến 2008. Trong những năm đầu cầm quyền, ông Trần Thủy Biển từng hy vọng rằng qua chủ trương ôn hòa, ông có thể khởi đầu đối thoại được với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh không chỉ từ chối tiếp xúc, mà còn gia tăng nỗ lực để đẩy Đài Loan ra khỏi thế giới ngoại giao. Sau khi lãnh một loạt những cú đòn, cùng với các xì-căng-đan tham nhũng liên quan đến gia đình, ông Trần Thủy Biển đã đổi hướng, chủ trương Đài Loan độc lập và trở nên cứng rắn hơn.

Sự chuyển hướng này khiến đảng Dân Tiến bị thất bại trong cuộc bầu cử sau đó, và xích mích với chính quyền Bush ở Hoa Kỳ. Việc đảng Dân Tiến nhanh chóng bị mất đi sự ủng hộ của đồng minh quan trọng nhất là Hoa Kỳ, là một trong những thành công lớn nhất trong "wedge strategy" - chiến lược tác động lên công luận - của Trung Quốc trong đầu thế kỷ 21.

Có thể nhận ra rằng Trung Quốc cũng xử sự tương tự với Hồng Kông. Sau thời kỳ "Cách mạng Dù vàng", Bắc Kinh đã đàn áp một cách có tính toán, đặt những nhóm chủ trương độc lập - vốn là một bộ phận nhỏ của phong trào dân chủ Hồng Kông - ra ngoài lề. Kết quả là tên tuổi của các nhóm đòi độc lập triệt để càng nổi bật hơn, phe ôn hòa bị thiệt hại : đa số những người chủ trương dân chủ chỉ ủng hộ một cách miễn cưỡng vì cho rằng phong trào đang bị cực đoan hóa.

Nữ tổng thống Thái Anh Văn rõ ràng ý thức được nhu cầu giữ được lòng tin của Hoa Kỳ, và sự ủng hộ của đa số cử tri Đài Loan ; có nghĩa là giữ khoảng cách với các tư tưởng cực đoan đòi độc lập. Ngay từ khi nhậm chức, bà đã chủ trương duy trì nguyên trạng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, và chưa bao giờ có động thái nào có thể tạo ra nguy cơ xung đột với Hoa lục.

Thế lưỡng nan của tổng thống Đài Loan

Tuy vậy ngay cả với một nhà lãnh đạo Dân Tiến thực dụng, đã tuyên bố không muốn quay lại với chính sách đối đầu trong quá khứ như bà Thái Anh Văn, Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí tăng cường nỗ lực tạo ra không khí bị cô lập và tuyệt vọng trong xã hội Đài Loan. Đây là phương tiện để làm mất lòng tin của dân chúng nơi chính quyền Dân Tiến, buộc bà Thái phải thay đổi quan điểm hoàn toàn. Bắc Kinh đặt bà vào thế lưỡng nan.

Một mặt, nếu bà Thái Anh Văn không tỏ ra cứng rắn hơn so với chính sách hiện nay, các đồng minh chính trị chủ trương độc lập và những người ủng hộ bà có thể bỏ sang các đảng nhỏ khác, có quan điểm triệt để hơn về Đài Loan độc lập. Một trong những đảng đó là Lực Lượng Thời Đại (New Power Party), hiện đang chiếm vị trí thứ ba tại Quốc hội Đài Loan, đang dòm ngó đến lượng cử tri của Dân Tiến.

Mặt khác, nếu bà Thái Anh Văn chiều theo xu hướng đòi độc lập, chính quyền của bà có thể bị mất đi sự ủng hộ không chỉ từ Hoa Kỳ, như trường hợp ông Trần Thủy Biển, mà cả của đa số công dân Đài Loan - mà ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì quan hệ ổn định ở hai đầu eo biển và tiếp tục phát triển kinh tế.

Thế nên thay vì cải thiện hình ảnh của mình ở Đài Loan hay số phận của Quốc Dân Đảng, Trung Quốc đang cố hủy hoại lòng tin của người dân Đài Loan đối với đảng lãnh đạo, buộc bà Thái Anh Văn phải ngưng ngang chính sách thăng bằng tế nhị hiện nay. Nếu hiểu theo cách nào đó, Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược "đôi bên cùng thiệt hại". Tuy nhiên có vẻ như các biện pháp đàn áp của Trung Quốc ngày càng mãnh liệt hơn theo với thời gian.

Theo tiến sĩ Trương Trí Trình, bà Thái Anh Văn chỉ có phạm vi xoay sở rất hẹp. Bà phải cố gắng đoàn kết nhân dân Đài Loan càng nhiều càng tốt để chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, và củng cố lòng tin của họ trong việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan. Tuy nhiên những công dân phẫn nộ nhiều nhất trước các hành động ức hiếp của Trung Quốc có thể bỏ rơi bà tại phòng phiếu.

Như vậy sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế - đặc biệt Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia dân chủ khác - là điểm mấu chốt cho câu hỏi liệu chính phủ Thái Anh Văn có thể duy trì tình trạng ổn định ở hai bên bờ eo biển Đài Loan hay không. Tất cả những dạng thức ủng hộ đều giúp tăng cường tính chính đáng cho quan điểm đối ngoại hiện nay của Đài Bắc, đồng thời hạn chế những mưu toan gây bất ổn của Trung Quốc tại khu vực này.

Thụy My

* Tiến sĩ Trương Trí Trình là giáo sư thỉnh giảng của Fairbank Center for Chinese Studies, trường đại học Havard.

Published in Diễn đàn

Hôm 23/07/2018, vào khoảng 20 giờ (13 giờ GMT), đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại tỉnh Attapeu đã bị sụp đổ, khiến 500 triệu tấn nước đổ ụp xuống bảy ngôi làng. Một khu vực kéo dài hàng mấy chục cây số đã bị nước lũ tràn ngập, thậm chí tràn sang cả nước Cam Bốt láng giềng. Theo loan báo mới nhất vào hôm qua 06/08/2018 tức hai tuần sau thảm họa, chỉ mới tìm được 31 xác, và vẫn còn 130 người mất tích.

lao1

Một bé gái dùng tấm nệm làm phao chống chọi với nước lũ sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu bị vỡ. Ảnh chụp ngày 26/07/2018. Reuters/Soe Zeya Tun

Tuy nhiên theo AFP con số chính xác về các nạn nhân khó thể ước tính được, do nhiều địa điểm hiểm trở không vào được trong mùa mưa, chính phủ Lào thiếu minh bạch, và thiếu vắng báo chí độc lập. Trước đó có viên chức địa phương nói rằng có đến 1.126 người mất tích.

Nếu nhìn sơ bề ngoài thì Trung Quốc, người láng giềng phương bắc của Lào chẳng liên quan gì đến tai nạn này. Các công ty Trung Quốc không dính vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, và ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng nước mình không bị ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên theo The Diplomat, thái độ ứng xử của Bắc Kinh trong vụ này là quan trọng. Có thể ảnh hưởng không chỉ đến hình ảnh của Trung Quốc – tại Lào nói riêng và trong khu vực nói chung - mà cả về tác hại tiềm năng của thảm họa vỡ đập ở Attapeu lên các dự án khác của Trung Quốc.

Không chần chừ, Bắc Kinh đã hành động ngay. Trên thực tế, đội quân y của Giải phóng quân Trung Quốc đã có mặt ở Lào để "diễn tập chung về cứu trợ y tế nhân đạo" khi con đập bị vỡ.

Tân Hoa Xã loan tin quân đội Trung Quốc đã gởi một đội y bác sĩ 32 người đến hiện trường, là "đội cấp cứu quốc tế trang bị đầy đủ đầu tiên" có mặt tại nơi xảy ra thảm họa. Các bác sĩ trong đội này nói với Tân Hoa Xã là họ phải chữa trị khoảng 100 bệnh nhân một ngày. Quân đội Trung Quốc cũng tặng thiết bị y tế và "các xe y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh" cho Lào sau khi kết thúc cuộc diễn tập.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, chính quyền Bắc Kinh còn cung cấp "viện trợ nhân đạo thiết yếu cho Lào, trong đó có tàu vận tải, lều và thiết bị lọc nước".

Tất nhiên đối với Bắc Kinh, việc hỗ trợ bằng những ngôn từ hoa mỹ chẳng bao giờ thiếu. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng hôm 27/7 tuyên bố : "Là láng giềng thân thiết và hữu hảo với Lào, Trung Quốc hết sức quan tâm đến các nỗ lực cấp cứu liên quan đến thảm họa vỡ đập tại Lào".

Cả chủ tịch Tập Cận Bình lẫn thủ tướng Lý Khắc Cường, ngoại trưởng Vương Nghị đều gởi điện chia buồn đến đối tác Lào. Trung Quốc muốn được coi là một láng giềng tốt bụng, và sự đáp ứng nhanh chóng, có vẻ hào phóng trước tai họa vừa xảy ra là một khởi đầu tốt đẹp. Bắc Kinh đã từng bị tố cáo là bủn xỉn trong các hoạt động cứu trợ.

Đặc biệt là khi siêu bão Haiyan (Hải Yến) tàn phá Philippines làm hàng chục ngàn người thiệt mạng năm 2013 ; trong khi Mỹ, Nhật, Úc, Na Uy…đều hứa viện trợ hàng chục triệu đô la, Trung Quốc chỉ giúp có 100.000 đô la. Bằng đúng số tiền trợ giúp của một nước nghèo và cũng bị thiệt hại bởi trận bão này là Việt Nam ! Tờ Time của Mỹ đã phẫn nộ chạy tựa "Nền kinh tế thứ nhì thế giới tống bớt ít tiền lẻ cho đảo quốc bị bão tàn phá". Các nhà quan sát lên án sự bần tiện này là để trả đũa việc Philippines kiện Bắc Kinh tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.

Trong trường hợp Lào, Trung Quốc chẳng có lợi lộc gì để chơi đòn chính trị và bị quốc tế "ném đá" lần nữa. Vương quốc nhỏ bé này vẫn được coi là một trong những nước Đông Nam Á gần gũi nhất với Bắc Kinh. Cũng theo chế độ độc đảng, Nhà nước cộng sản Lào có mối liên hệ chính trị chặt chẽ, và sự thống trị về kinh tế của Trung Quốc tại nước này đã cung cấp thêm "lớp bảo vệ an ninh thứ hai" cho mối quan hệ.

Tuy nhiên, một bài viết trên tạp chí The Diplomat trước đây cho biết tình cảm chống Trung Quốc đang sôi sục tại Lào, do người dân cảm thấy việc Bắc Kinh đầu tư ồ ạt vào đã biến nhiều vùng của đất nước thành "tỉnh của Trung Quốc". Thế nên một nỗ lực mạnh mẽ, dễ thấy để giúp đỡ Lào ngay sau khi xảy ra tai họa, và hỗ trợ tái thiết về lâu về dài, có thể giúp cho Bắc Kinh tô điểm lại hình ảnh.

Có điều trên thực tế, việc chính quyền Bắc Kinh hy vọng giảm thiểu được thiệt hại từ vụ vỡ đập có một lý do khác : các công ty Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án đập thủy điện ở Lào, nơi Trung Quốc đang là nhà đầu tư hàng đầu.

Như đã đề cập ở trên, các công ty Trung Quốc không tham dự vào dự án đập thủy điện vừa bị vỡ. Đập này do tổ hợp Xe-Pian Xe-Namnoy Power Company’s (PNPC) xây dựng, gồm các đối tác Hàn Quốc, Thái Lan, Lào. Nhưng Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào thủy điện tại Lào (bên cạnh Thái Lan, nước nhập khẩu điện từ những đập này).

Trung Quốc liên quan đến phân nửa tổng số dự án thủy điện tại Lào, cả từ dòng chính của sông Mêkông cho đến trên các phụ lưu của con sông lớn này. Theo số liệu của International Rivers (Tổ chức Sông ngòi Quốc tế), trong số các công trình đập thủy điện của Trung Quốc tại Lào có thể kể : đập Pak Beng trị giá 2,4 tỉ đô la do tập đoàn Đại Đường (China Datang Overseas Investment) đầu tư ; một loạt bảy đập trên sông Nam Ou do tập đoàn Kiến thiết Thủy điện Trung Quốc (Sinohydro Corporation) xây dựng, ba dự án thủy điện trên sông Nam Khan cũng do Sinohydro phụ trách, và đập Nam Beng do China Electrical Equipment Corporation xây dựng.

Vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy có thể khiến chính phủ Lào phải đặt lại vấn đề về ý định muốn trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á", và như vậy các dự án đầu tư kể trên của Trung Quốc sẽ tiêu tùng. Tác hại đối với Bắc Kinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều, nếu thảm kịch vỡ đập tại Lào thúc đẩy các chính phủ khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ lại về chính sách phát triển thủy điện.

Trong tinh thần đó, số tiền để giúp đỡ các làng bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy chỉ là "tiền lẻ", nếu không muốn nói là "của bố thí", nhằm duy trì các dự án thủy điện đã và đang đầu tư rất nhiều tỉ đô la của Trung Quốc tại Lào nói riêng, và trên toàn khu vực nói chung.

Thụy My

Nguồn : RFI, 07/08/2018

Published in Diễn đàn

Mất lòng tin vào chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc : Mồi lửa biểu tình ở Việt Nam

Những cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam hôm 10/06/2018 cho thấy việc đoàn kết công luận và huy động các nhà bất đồng chính kiến dễ dàng như thế nào, khi có được một nhân tố chủ chốt : đó là Trung Quốc !

mat1

Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất, ngày 10/06/2018. Facebook

Các cuộc xuống đường, mà trên lý thuyết là bất hợp pháp, đã diễn ra vào Chủ nhật thứ hai tiếp đó, ngày 17/06/2018. Người dân lo sợ rằng các vùng duyên hải được chọn làm đặc khu kinh tế mời gọi đầu tư nước ngoài, có thể trở thành đầu cầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Chính quyền không đánh giá đúng mức tình cảm chống Trung Quốc

Reuters ghi nhận tuy dự luật không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng người Việt tin chắc như vậy. Các bài viết phổ biến trên Facebook lại càng củng cố sự nghi ngờ đã bám rễ lâu nay, rằng Bắc Kinh dùng lợi lộc để gây ảnh hưởng lên chính sách của Nhà nước.

Trung tâm của vấn đề là một hỗn hợp dễ cháy, pha trộn giữa thực tế bị Trung Quốc bức hiếp qua nhiều thế hệ, và sự thiếu niềm tin vào chính sách của đảng Cộng Sản cầm quyền là có thể làm được điều gì đó về việc này.

Chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nhận định : 

"Chính quyền đã đánh giá quá thấp tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều người Việt thường kín đáo chia sẻ với nhau là chính phủ chưa hành động đúng mức để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước họa xâm lăng từ Trung Quốc".

Mạng xã hội như Facebook, được phân nửa trong 90 triệu dân Việt Nam sử dụng, càng làm cho tình cảm này dễ được hâm nóng và khó kìm nén lại.

Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên nhiều tỉnh thành toàn quốc, Quốc hội Việt Nam tuần qua đã hoãn lại việc bỏ phiếu về Luật Đặc khu cho đến tháng Mười.

An ninh được siết chặt tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật 17/6 để ngăn ngừa biểu tình. Nhưng hàng ngàn người vẫn tuần hành ở Hà Tĩnh, nhiều người cầm theo các biểu ngữ "Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày".

Trung Quốc bức hiếp, dân Việt phẫn nộ

Căng thẳng có nguy cơ kéo dài, cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường (Nhất đới, nhất lộ hay Con đường tơ lụa mới) để đẩy mạnh hoạt động ở các nước, đồng thời có những hành động giương oai diễu võ để áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc tăng tốc xây dựng và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – cũng như tại Trường Sa. Hồi tháng Ba, Bắc Kinh còn gây áp lực khiến Hà Nội phải ngưng việc khoan dầu tại một lô quan trọng. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một năm Trung Quốc có hành động ngang ngược này.

Sự phản kháng của chính quyền Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc khá hạn chế. Hôm thứ Sáu 15/6, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tránh né vấn đề, nói rằng Quốc hội "biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ nhật 17/6 cũng trấn an công chúng về việc Luật Đặc khu dự kiến cho thuê 99 năm, nhưng cũng không nêu tên Trung Quốc. Báo chí nhà nước dẫn lời ông Trọng : 

"Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để vào đây làm rối mình".

Các cuộc biểu tình hôm 10/6 hầu hết là ôn hòa, tuy nhiên đã trở thành bạo động ở Bình Thuận. Tại đây xe cộ ở công sở bị phá hoại, đám đông giận dữ ném đá và tấn công cảnh sát cơ động.

Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải nói rằng tâm trạng phẫn nộ đã được nung nấu từ nhiều năm qua tại Bình Thuận, nơi mà ngư dân bị Trung Quốc tấn công, đất đai bị ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây dựng, và nạn phá rừng do khai thác khoáng sản để xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc.

Theo ông Hải, người dân không chỉ trút cơn giận dữ lên Trung Quốc, mà còn cả với chính quyền địa phương, vẫn bị coi là tham nhũng và mờ mắt trước những mồi nhử lợi lộc của Bắc Kinh. Ông nói : 

"Họ chẳng chịu tìm hiểu vì sao người dân lại tức giận như thế, và cũng không giải quyết những bức xúc của dân. Lòng tin vào chính quyền ở địa phương này đã bị mất đi".

Các nhà phân tích cho rằng số lượng người tham gia đông đảo và có phối hợp trong các cuộc biểu tình, đã làm cho những người dân bình thường thêm bạo dạn. Tuy nhiên đồng thời cũng làm khó khăn thêm cho đảng trong việc giữ được tình trạng thăng bằng hiện nay : vừa làm ngơ cho một số nhà bất đồng chính kiến, lại vừa giữ được họ trong vòng kiểm soát.

Cần biết đối thoại với dân

Reuters cho biết phía Trung Quốc cũng không hề coi các cuộc biểu tình của người Việt là chuyện nhỏ. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam tuần qua đã tổ chức những cuộc họp với các nhóm doanh nhân Trung Quốc, với chính quyền địa phương và báo chí.

Một trong số nhiều bài viết trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc cho biết bà Đoàn Hải Hồng (Yin Haihong) đã "yêu cầu" chính quyền Việt Nam bảo vệ các cơ sở kinh doanh và công dân Trung Quốc. Bà nói rằng đại sứ quán được chính quyền Hà Nội thông báo là những người có "động cơ chưa rõ" đã "cố ý xuyên tạc tình hình và gắn nó với Trung Quốc".

Những cuộc biểu tình tương tự trước đó cũng đã diễn ra vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, và kéo dài trong nhiều tháng vào năm 2016 do một thảm họa môi trường từ nhà máy Formosa của Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của hãng tin Anh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng không nhắc đến Trung Quốc, nhưng nói rằng "những người cực đoan" đã "xúc giục biểu tình bất hợp pháp". Bà cũng nói chính sách Việt Nam là phục vụ lợi ích của nhân dân và hỗ trợ đầu tư, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quynh, một luật sư được nhiều người theo dõi trên Facebook, nói rằng rõ ràng các cuộc tập hợp (ở Bình Thuận) là có tổ chức, và bạo động kịch phát do bị xúi giục. Chúng cho thấy có những kế hoạch tỉ mỉ và kiến thức về quy trình làm việc của lực lượng an ninh, và Bình Thuận là một điểm yếu.

Một số cựu đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu đương nhiệm cho rằng bây giờ là lúc để xem xét lại Luật Biểu tình, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần. Hiến Pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, nhưng những cuộc biểu tình thường bị cảnh sát dập tắt, những người tham gia bị tạm giữ do "gây rối trật tự công cộng".

Những người khác thì khuyến cáo nên lắng nghe công luận nhiều hơn.Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó văn phòng Quốc hội nói : 

"Chính quyền cần quan tâm đến những gì mà người dân đang quan tâm". Tương tự, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Lê Đăng Doanh ở Hà Nội : "Điều hết sức quan trọng là chính quyền phải đối thoại với dân nhiều hơn, để giải quyết được vấn đề trước khi trở thành hệ trọng". 

Hãng tin Mỹ cũng trích nhận định của chuyên gia Bernard Lapointe, Viet Dragon Securities JSC ở Thành phố Hồ Chí Minh : 

"Nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam, trong trường hợp bất bình xã hội gia tăng, là vốn đầu tư FDI sẽ bị sụt giảm".

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/06/2018

Published in Diễn đàn

Karx Marx, tác giả cuốn "Tư bản luận", thường được mệnh danh là ông tổ cộng sản, ra đời cách đây đúng hai trăm năm, vào ngày 05/05/1818. Phẫn nộ trước những người vẫn đang ngưỡng mộ lý thuyết gia cộng sản, tác giả Nicolas Lecaussin, trong bài "Karl Marx ? Tôi đã biết quá rõ !" trên Le Figaro, nhận định rằng các tư tưởng của Marx đã bị thực tế phủ nhận.

marx1

Chụp hình với cờ búa liềm trước tượng Karl Marx do Trung Quốc tặng cho thành phố Trier, Đức ngày 05/05/2018. Reuters/Wolfgang Rattay

Là người gốc Romania, tên thật là Bogdan Calinescu, tác giả bài viết trong thời thơ ấu đã từng sống dưới chế độ độc tài của Ceausescu, cha của ông là một nhà trí thức đối lập. Hiện nay Lecaussin lãnh đạo một think tank tự do : Viện nghiên cứu kinh tế và thuế khóa (IREF-Institut de Recherches Économiques et Fiscales) và đã xuất bản nhiều tác phẩm tại Pháp, trong đó có "Chí nguy, bọn chúng muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản", và "Nỗi ám ảnh chống chủ nghĩa tự do ở Pháp".

Chủ nghĩa Mác-Lênin là mầm mống của những thảm họa

Nicolas Lecaussin kể lại :

Tôi còn nhớ rất rõ những buổi học về chủ nghĩa xã hội khoa học tại Romania (cũng như tại các nước "anh em" khác). Chúng tôi bị buộc phải học môn này ở trường trung học và cả khi lên đại học. Quy trình này nằm trong chương trình học chính trị, góp phần tẩy não sinh viên học sinh. Họ dạy cho chúng tôi về chủ thuyết Mác-Lênin.

Vào thời đó, tôi không hề biết rằng tất cả những thứ vô nghĩa như chủ nghĩa duy vật lịch sử, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản hay "chủ nghĩa tư bản giãy chết" ; tuy đã khiến cho nhiều dân tộc đã phải sống trong cảnh khốn khổ và "đần độn hóa" toàn bộ, lại chinh phục được nhiều trí thức phương Tây.

Cần nói cụ thể là những điều ngu xuẩn mà chúng tôi phải học nhiều lần trong tuần, rõ ràng là từ chủ nghĩa Mác-Lênin, được áp dụng rập khuôn tại nước Romania cộng sản. Bởi vì ngược với điều mà những người còn nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản khẳng định sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1989, tình trạng bi thảm và những vụ thảm sát do người cộng sản gây ra không phải là do những tư tưởng sai lệch. Chính lý thuyết Mác-Lênin là mầm mống cho những thảm họa của nền kinh tế kế hoạch, và độc tài cộng sản.

Hơn nữa, khi ra khỏi các bài giảng về chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi có thể nhận ra rất rõ những thành công cụ thể của chủ thuyết này : nạn nghèo đói, thiếu thốn hàng hóa, sự độc tài, đàn áp, vân vân. Xã hội cộng sản đã chứng minh thất bại của chủ nghĩa mác-xít, và Marx đã hoàn toàn sai lầm. Khi áp đặt việc hủy bỏ sở hữu tư nhân và buộc cá nhân phải tan biến trong tập thể, Marx đã đặt ra những nền tảng cho chủ nghĩa toàn trị hiện đại.

Tác giả của "Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản" không che giấu sự ngưỡng mộ khủng bố, và cho rằng việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và con người mới cần phải được áp đặt bằng vũ lực. "Nhờ" chống lại chủ nghĩa tư bản, nạn bần cùng hóa trở thành phổ biến. Marx, con người chưa bao giờ bước vào một nhà máy lại muốn xóa bỏ giai cấp. Độc tài cộng sản được nghiêm chỉnh tuân theo, qua việc "diệt chủng giai cấp" : lưu đày các nông dân khá giả (kulak), giới trí thức, tu sĩ và tất cả "kẻ thù giai cấp" khác.

Giai cấp thống trị mới

Do thực thi chủ nghĩa mác-xít, tuy không còn giai cấp tại Romania, nhưng Lecaussin lại thấy hình thành nên một giai cấp mới. Đó là giới quan lại đỏ thống trị, đặc quyền đặc lợi. Họ được vào những cửa hàng mà dân đen bị cấm đoán, có được căng-tin riêng ở trụ sở Đảng. Chuyên chính vô sản đã chuyển đổi thành độc tài đảng trị và quan chức chuyên quyền.

Việc hình sự hóa chủ nghĩa mác-xít đã được chứng tỏ tại tất cả châu lục, ở những nơi mà chủ thuyết này được áp dụng, vì chỉ có độc tài mới có thể thực hiện được. Hàng mấy chục triệu người đã chết do chủ nghĩa cộng sản, họ là nạn nhân của giải pháp cực đoan mà Marx đã thẳng thừng đề ra.

Chưa hết. Theo Lecaussin, cần phải đọc những tác phẩm của Karl Marx. Ông tổ cộng sản còn muốn trừ khử "những bộ tộc đang hấp hối như người di-gan, người Korinthos (ở Hy Lạp), người Dalmatia (ở Croatia), vân vân". Engels đòi hỏi tiêu diệt người Hungary. Tính thượng đẳng của người da trắng đối với Marx là một sự thật "mang tính khoa học".

Nhà kinh tế người Áo Ludwig Von Mises nhận diện mười biện pháp khẩn cấp do Marx đề ra trong "Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản" cũng nằm trong chương trình hành động của Hitler. Ông viết năm 1944 : "Tám trên mười điểm này đã được bọn quốc xã thực hiện, với mức độ triệt để mà Marx đã rao giảng".

Chủ nghĩa tư bản vẫn chưa thấy "giãy chết"

Tuy vậy, may thay, từ sau khi "Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản" và "Tư bản luận" được xuất bản, lịch sử đã tiến triển theo hướng khác hẳn lời "tiên tri" của Karl Marx. Chủ nghĩa tư bản không hề "giãy chết", và kinh tế thị trường là nền kinh tế duy nhất hoạt động tốt, là chế độ duy nhất đã giải phóng và làm giàu cho "giai cấp vô sản".

Tác giả Nicolas Lecaussin kết luận : Nếu Marx là người chính trực, thì đã nhận ra được điều đó ngay từ hồi ông còn sống. Từ năm 1818 khi Karl Marx được sinh ra, cho đến năm 1883 khi ông qua đời, lương công nhân đã tăng gấp đôi, và tổng sản phẩm nội địa tính trên đầu người tại Anh quốc tăng gấp ba !

Ngày nay, tài sản trung bình của một người dân ở Rheinland (Marx sinh ra ở Trier, tức Trèves theo tiếng Pháp) cao gấp 20 lần so với năm 1818, tuy đã trải qua hai cuộc đại chiến ! Đó là nhờ chủ nghĩa tư bản.

Theo Nicolas Lecaussin, Karl Marx đã hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì mà chủ thuyết của ông để lại, ở những nơi nó được áp dụng, là những trận địa hoang tàn và những xác chết.

Nhà văn Guy Sorman trên Le Point cho rằng sai lầm lớn nhất của Karl Marx là không hình dung ra được chủ nghĩa tư bản sẽ sản sinh ra một tầng lớp trung lưu rộng lớn – không bóc lột ai, cũng không bị bóc lột. Giai cấp trung lưu này chiếm đến 90% dân số, nếu tính tổng cộng các nền kinh tế phát triển, khiến hai thái cực còn lại trở thành thiểu số.

Những nhân vật hậu mác-xít như Lênin cố gắng mở rộng khái niệm đấu tranh giai cấp ở tầm mức toàn cầu, giữa các quốc gia bóc lột và các nước thuộc địa. Tuy nhiên theo Guy Sorman, lý thuyết này đã bị thực tế bác bỏ, vì các nước cựu thuộc địa, thông qua trao đổi quốc tế và phát triển tư bản của chính họ, lại phát sinh giai cấp trung lưu. Chính ở các Nhà nước tự nhận là cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, mà giới quan chức đảng đã bóc lột và đàn áp nhân dân của mình.

Marx sau 200 năm vẫn gây tranh cãi

Tại Đức, quê hương của Karl Marx, các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông diễn ra trong không khí bất đồng. Ở thành phố Trier (Trèves theo tiếng Pháp) nơi nhà triết học sinh ra, bức tượng Marx cao 5,5 mét do Trung Quốc tặng càng gây thêm bất mãn tại một đất nước từng bị chia đôi trong nhiều thập niên, và nạn đàn áp tại Đông Đức cộng sản vẫn còn để lại dấu ấn.

AFP mô tả trong ngày kỷ niệm chính thức 5/5, rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra. Liên minh các nhóm nạn nhân của độc tài cộng sản phản đối việc dựng tượng, đảng cực hữu AfD – mà thành công lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội mới đây chủ yếu nhờ lá phiếu cử tri Đông Đức cũ – hô hào : "Đừng quên các nạn nhân của cộng sản. Hãy lật đổ tượng Marx !". Ngược lại, đảng Cộng Sản Đức và cánh tả xuống đường ủng hộ Marx, kêu gọi "Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại !"

Còn tại Trung Quốc, đất nước mang danh là cộng sản lớn nhất thế giới với 89 triệu đảng viên, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ mác-xít". Ông Tập khuyến khích các đảng viên tập thói quen đọc sách của tác giả cuốn "Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản".

Hãng tin Pháp ghi nhận thêm một nghịch lý : sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc đã quay lưng với tư tưởng mao-ít, chạy theo kinh tế thị trường và nay đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trung Quốc hiện có ít nhất 370 tỉ phú đô la, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và bất bình đẳng ngày đào sâu giữa lớp người giàu có thành thị và "giai cấp" nông dân, thay vì một xã hội không giai cấp như Marx dự đoán.

Thụy My

Nguồn : RFI, 10/05/2018

Published in Diễn đàn

Theo tác giả Bennet Murray trên trang Politico, năm mươi năm sau bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền cộng sản vẫn dập tắt các cuộc tranh luận về những kỷ niệm đau thương này.

tet0

Sài Gòn ngày 31/01/1968 trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ảnh tư liệu AFP

Ngọc Đại là một người lính quân đội nhân dân 23 tuổi, đang chiến đấu chống lại người Mỹ gần căn cứ Khe Sanh bị bao vây, khi đơn vị ông nhận được một mệnh lệnh gây phấn khích. Họ sẽ ra khỏi rừng rậm, "giải phóng" cố đô Huế ở miền Trung và khởi động một cuộc nổi dậy trên toàn quốc.

Đó là ngày 30 tháng Giêng năm 1968, ba năm sau khi tổng thống Lyndon B.Johnson ra lệnh gởi 125.000 quân Mỹ đến Việt Nam để ngăn không cho cộng sản chiếm được miền Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á.

Đại và các đồng chí của mình nhìn sự kiện này theo kiểu khác : với lòng tự hào dân tộc, họ có sứ mệnh thống nhất Việt Nam, tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, mà nay được biết đến với tên cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (Tet Offensive).

Ông Đại, năm nay 73 tuổi, khi trả lời phỏng vấn tại nhà ở Hà Nội vào tháng Giêng đã nói : "Lòng căm thù của người lính miền Bắc là rất lớn. Tất cả các chiến sĩ đều tin rằng chúng tôi sẽ giải phóng được toàn bộ đất nước".

Nguyễn Quý Đức, năm đó mới 9 tuổi, có kỷ niệm khác hẳn về dịp đầu năm 1968. Đức về thăm gia đình nhân dịp Tết nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Cha của anh là một tỉnh trưởng, đang cố gắng duy trì tình hình có vẻ bình thường, tại miền Nam đang bị chiến tranh hoành hành.

Lệnh ngưng bắn đã được thỏa thuận trong dịp Tết, với đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được về phép. Có nghĩa là một tuần lễ được nghỉ xả hơi trong thời chiến. Nhưng khi đang ngủ trong nhà của người ông, Đức bị những tiếng súng nổ đánh thức vào lúc một giờ sáng. Những người lính có nhiệm vụ bảo vệ gia đình đã biến đâu mất, xung quanh là những người đàn ông nói giọng miền Bắc.

"Mẹ tôi ra cửa và nói : "Tôi có hai cháu nhỏ ở đây". Người bộ đội trả lời : "Chúng tôi sẽ bắn bất kỳ ai trông thấy, nếu bà không nói với chúng tôi về tất cả mọi người trong nhà". Đức kể lại như thế, trong một nhà hàng hiện ông đang sở hữu ở Hà Nội. Đức nhìn thấy người cha bị dẫn đi và tin rằng ông sẽ bị sát hại, trong khi những người còn lại trong gia đình chen chúc dưới một căn hầm suốt nhiều ngày, cho đến khi được lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cứu thoát.

Tranh luận ở Mỹ, im lặng tại Việt Nam

Vào dịp kỷ niệm 50 năm, cuộc tiến công Tết Mậu Thân tại Huế và nhiều nơi khác được tranh luận và mổ xẻ trên báo chí, sách vở ; các cuộc hội nghị, chương trình truyền hình và triển lãm được tổ chức trên toàn nước Mỹ, nơi mà sự kiện này đã khiến cho dư luận trở nên chống đối chiến tranh. Nhưng tại Việt Nam, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử - diễn ra trong dịp Tết năm nay vào ngày 16/2 - lại khác, nếu không nói là hoàn toàn khác. Và việc các ông Đại và Đức chấp nhận chia sẻ những kỷ niệm là khá hiếm hoi, trong một đất nước mà sự kiện này hiếm khi được công khai thảo luận.

Mặc cho những cải cách dần dà về thị trường của Hà Nội, và tình hữu nghị đang tăng lên với Hoa Kỳ, những chia rẽ lâu nay giữa miền Bắc và miền Nam còn khá sâu đậm ở Việt Nam. Đối với hàng triệu người miền Nam vẫn coi mình là bên thua cuộc trong chiến tranh, cùng với một số ít người miền Bắc nuối tiếc chế độ cộng sản, dịp kỷ niệm này là lời nhắc nhở đau thương về một quá khứ đau buồn.

Politico nhận định, những ai đã từng sống qua Tết Mậu Thân đều e ngại nói ra, trong một đất nước mà điều luật mơ hồ về tuyên truyền chống Nhà nước có khung hình phạt đến 20 năm tù. Hàng loạt vụ thanh trừng đã xảy ra tại Huế - thành phố nằm trong số những chiến trường đẫm máu nhất - nhưng chính quyền tránh không đề cập đến : chủ đề người Việt giết người Việt quá nhạy cảm.

tet2

Tại Việt Nam, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử diễn ra trong dịp Tết năm nay là lời nhắc nhở đau thương về một quá khứ đau buồn.

Khởi đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm tổng tấn công Tết Mậu Thân, có rất ít dấu hiệu được tuyên truyền rộng rãi. Thay vào đó, các áp-phích ở Hà Nội, vốn là nét đặc trưng trên khắp các đường phố, lại chào mừng 88 năm ngày thành lập Đảng 3/2. Lễ kỷ niệm chính thức Tết Mậu Thân 1968 diễn ra dưới dạng một bữa tiệc linh đình dành cho các cán bộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh, với các màn trình diễn văn nghệ.

Theo ông Nguyễn Quang A, 72 tuổi, một doanh nhân về hưu và cựu đảng viên đã trở thành một nhà ly khai ở Hà Nội, ký ức về Tết Mậu Thân chỉ được công khai nói đến bằng những từ ngữ mơ hồ. "Tôi nghĩ rằng Đảng muốn chôn vùi mọi kỷ niệm cũ, vì nó làm suy yếu tính chính danh của họ".

Còn ông Đức, mà người cha là viên chức dân sự đã bị cầm tù 12 năm và không hề được xét xử, nói rằng thảm kịch không được biết đến rộng rãi này là hết sức đáng đau buồn. "Thật đau khổ khi đi một vòng, gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, mà họ không hề hay biết về những gì đã xảy ra".

Hầu hết những câu chuyện về trận đánh và các vụ thanh trừng ở Huế, chỉ được chia sẻ một cách an toàn bên ngoài Việt Nam. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, tác giả bài viết đã tìm được một ít nhân chứng lớn tuổi, chấp nhận kể lại một cách thẳng thắn. Đặc biệt là họ chưa bao giờ thổ lộ về những kỷ niệm đẫm máu năm 1968.

Trận đánh Huế, rất dữ dội từ ngày 30 tháng Giêng cho đến tận đầu tháng Ba, là trung tâm của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Trong khi những thành phố khác được tái chiếm sau vài ngày, Huế lại bị chiếm đóng hầu như toàn bộ, chỉ có những nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa chống chọi với quân Bắc Việt trong trận chiến khốc liệt kéo dài cả tháng trời.

Huế và khói nhang Mậu Thân

Trong trận tiến công Huế, có 216 quân nhân Mỹ, hầu hết là thủy quân lục chiến, đã bị tử trận khi giành giật từng căn nhà một. Quân cộng sản chiến đấu kịch liệt, theo chiến thuật "nắm thắt lưng địch mà đánh", tức tiến sát phòng tuyến của Mỹ để tránh bị dội pháo. Quân Bắc Việt có 2.400 người chết, còn phía Việt Nam Cộng Hòa có 452 quân nhân tử trận. Dù quân cộng sản buộc phải rút khỏi Huế, nhưng khả năng giữ được thành phố lâu như thế đã ảnh hưởng đến tuyên bố của chính quyền Johnson là chiến thắng sắp đến gần.

Ông Đức nhắc nhở rằng dù nhiều người Huế không hài lòng về sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam, nhưng đã hoan nghênh việc quân Mỹ tham dự vào trận đánh và truy quét quân Bắc Việt, cho đến khi họ quay lại vào năm 1975.

Các vụ quân cộng sản giết hại hàng loạt thường dân Huế bị che giấu tại Việt Nam. Chính quyền chỉ mơ hồ nhìn nhận một số "sai lầm" trong trận chiến, và nhất quyết không chịu công nhận tính chất "thảm sát" như bên ngoài đều gọi. Những tin tức đầu tiên về các vụ sát hại này là từ các nghiên cứu của Mỹ, được tiến hành ngay sau trận chiến. Các hố chôn tập thể được phát hiện xung quanh thành phố. Nhiều người bị trúng đạn hoặc là nạn nhân của những quả bom đã san bằng Huế, những người khác bị trói và bị hành quyết, và một số trường hợp rõ ràng là bị chôn sống. Theo ước tính chính thức của Việt Nam Cộng Hòa, có 4.856 người bị sát hại tùy tiện ; còn theo Douglas Pike, một viên chức ngoại giao Mỹ nghiên cứu về trận đánh Huế, thì con số này là 2.800 người.

Ông Mark Bowden, tác giả cuốn "Huế 1968 : Bước ngoặt cho cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam" xuất bản năm 2017, cho Politico biết ông ước tính khoảng 2.000 người đã bị sát hại trong một kế hoạch "thanh trừng" đã được định sẵn đối với những người làm việc cho chế độ miền Nam, cho dù ông tin rằng con số thực sự sẽ không bao giờ được biết đến. Bowden nói : "Chắc chắn là mỗi người mà tôi phỏng vấn, từ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt cho đến dân sự, không ai chối cãi những gì đã diễn ra. Điểm tranh cãi duy nhất là có bao nhiêu người đã chết".

Ông Trương Văn Quý, một người dân Huế 74 tuổi, sống bằng nghề dạy đàn ghi-ta, là một phóng viên trẻ của báo Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến Tết Mậu Thân. Khi tin tức về vụ tấn công lan ra, ông đã từ Sài Gòn ra Huế, và tận mắt thấy thảm cảnh. Trong khi gia đình ông vốn làm việc cho người Mỹ, đã chạy trốn được an toàn, nhiều người láng giềng không có được cái may mắn ấy. Ông Quý nhớ lại : "Tôi thấy những xác người được đưa ra khỏi hố chôn tập thể, họ đã bị chôn sống".

Ông Đại, người bộ đội miền Bắc, nay là nhà soạn nhạc và nằm trong số tương đối ít các công dân Việt Nam công khai kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng, nhớ lại đã thấy có những người bị bắt và đẩy lên xe. Cấp trên nói với ông là những người này làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, còn những người đi lùng bắt thuộc một "đơn vị bí mật". Đại không biết số phận những người tù này ra sao, nhưng các đồng đội ông được lệnh : "Đưa ra xe, những người này cần phải được đưa đi cải tạo"… "Tôi nghe sơ qua từ những bộ đội khác là họ có nhiệm vụ đào một hố chôn tập thể".

Ông Đức, đã di tản sang California năm 1975 và nhập quốc tịch Mỹ, trở về Việt Nam năm 2006, cố tránh đến Huế trong những ngày này. Nêu ra thuật ngữ trong văn hóa Việt, vốn tin tưởng sâu sắc vào những hiện tượng siêu nhiên, ông nói rằng các "hồn ma" vẫn vất vưởng trên thành phố. "Bạn đến một góc nào đó trên đường phố, và bạn nhớ ra rằng có một ngôi mộ ở đây vào năm 1968".

Nhà sư Trần Viết Mẫn, 54 tuổi, trụ trì chùa Viên Quang ở Huế nói, những ký ức về Huế vẫn sống động, tục lệ thờ cúng tổ tiên thấm đẫm trong xã hội Việt Nam. Các thành viên trong gia đình của người quá cố hiện vẫn yên lặng cúng bái người thân tại nhà. Ông Mẫn nói rằng người dân Huế đã có được "hòa bình", nhưng vẫn chưa đạt được "thái bình" trong tâm tưởng. "Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa hoàn toàn đến".

Nhà ly khai Nguyễn Quang A so sánh sự e dè của chính quyền Việt Nam trong việc nhìn nhận quá khứ, với thời kỳ hòa giải kéo dài sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh, việc hàn gắn vết thương cần có thời gian, ngay cả trong các xã hội dân chủ "vẫn còn là vấn đề"giữa các tiểu bang miền Bắc và miền Nam nước Mỹ.

Theo Politico, các nỗ lực hòa giải hầu như không hiện hữu tại Việt Nam. Nửa thế kỷ sau tổng tiến công Tết Mậu Thân, đảng cộng sản vẫn khăng khăng là không có nội chiến. Bày tỏ quan điểm khác dễ bị chụp mũ là "phản động", với hậu quả là từ thất nghiệp cho đến những bản án tù lâu dài.

Ông Đức giải thích : " Theo luận điệu tuyên truyền thì đảng đã lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ. Nhưng nói rằng không có nội chiến, là làm ngơ việc ba triệu người Việt đã ngã xuống khi cầm súng bắn lẫn nhau, điều đó làm tôi đau khổ và phẫn nộ".

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/02/2018

Published in Diễn đàn

Facebook ngày 27/11/2017 loan báo triển khai một hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm nhận diện nhanh chóng và kịp thời ngăn cản các thành viên có ý định tự tử.

face1

Ảnh minh họa. Pixabay.com

Công nghệ này tự động tìm kiếm các dấu hiệu từ các bài viết và video phát trực tiếp trên Facebook Live, để nhanh chóng báo động cho các nhân viên của mạng xã hội và các tổ chức chuyên môn hỗ trợ. Trí thông minh nhân tạo sẽ xem xét kỹ các bài viết của những thành viên, và cả các câu trả lời của bạn bè họ.

Facebook đã đưa vào các công cụ giúp người sử dụng có thể báo hiệu nếu một người bạn có dấu hiệu muốn tự tử. Nhưng trí tuệ nhân tạo giúp báo động nhanh hơn, thậm chí còn phát hiện những dấu hiệu mà cư dân mạng không nhận ra.

Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook tuyên bố : "Nhiều sự kiện bi thảm đã diễn ra, trong đó có các vụ tự tử, một số được phát trực tiếp, lẽ ra có thể tránh được nếu có ai đó nhận ra vào báo động sớm. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp sức một cách đắc lực".

Sau khi thử nghiệm tại Hoa Kỳ, Facebook sẽ triển khai hệ thống này sang các nước khác, trừ Liên Hiệp Châu Âu vì vấp phải các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ của Châu lục này.

Thụy My

Nguồn : RFI, 28/11/2017

Published in Văn hóa

Trên diễn đàn của tờ Le Figaro, tác giả Thierry Wolton tố cáo cách gọi "Cách Mạng Tháng Mười năm 1917". Đối với nhà báo lão thành, tác giả khoảng hai mươi cuốn sách chủ yếu nói về chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là bộ sách kinh điển "Lịch sử chủ nghĩa cộng sản thế giới" gồm ba tập, sự kiện giúp Lênin lên nắm quyền chỉ là một cuộc đảo chính, không hơn không kém.

bolse1

Vladimir Lenin, nhà lãnh đạo Bôn-sê-vich. Reuters/Eduard Korniyenko

Thierry Wolton nhận thấy vào dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện tháng 10/1917, người ta vẫn mặc nhiên coi đây là một cuộc cách mạng. Điều này cho thấy ảo ảnh vẫn còn mạnh mẽ hơn thực tế lịch sử. Ông nhấn mạnh, tất cả nhân chứng vào thời đó đều nói về "cuộc đảo chính", bắt đầu là đặc phái viên của tờ báo cộng sản Pháp L’Humanité có mặt tại chỗ. Tờ báo đề ngày 09/10/1917 chạy tựa "Cuộc đảo chính tại Nga". Ngay sau hôm nắm được chính quyền, bản thân Lênin đã nhận định "Còn dễ hơn trở bàn tay".

Tháng 10/1918, nhân kỷ niệm một năm sự kiện, tờ Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của phe bôn-sê-vích cũng nói rõ rằng đây là một cuộc đảo chính. Mãi đến tháng 10/1920, tức là ba năm sau đó, chính quyền mới biến sự kiện này thành một hành động cách mạng, thông qua việc dàn dựng công phu với âm thanh và ánh sáng, diễn tả một đám đông Hồng quân tấn công vào Cung điện Mùa Đông, biểu tượng cho nhân dân đứng lên cầm vũ khí.

Sự kiện giả tưởng này được tái lập trong bộ phim "Tháng Mười" do Eisenstein thực hiện, nhân kỷ niệm 10 năm phe bôn-sê-vích nắm quyền. Rốt cuộc phiên bản dàn dựng này về sự kiện tháng 10/1917 lại được coi là sự thật !

Thực ra chiến hạm Rạng Đông chỉ bắn những phát không đạn, mang tính cảnh báo. Khi pháo đài Pierre-et-Paul nổ súng, đa số là bắn hụt, đạn rơi xuống sông. Vài nhóm quân tiến vào Cung điện Mùa Đông, lúc đó đã trở thành quân y viện, và phe bôn-sê-vích không gặp sự kháng cự nào đáng kể từ đội nữ binh và các sinh viên sĩ quan.

Trong vụ đảo chính này, các chuyến xe điện vẫn chạy bình thường, nhà hát vẫn trình diễn và các tiệm buôn vẫn mở cửa… hầu như đa số người dân Petrograd không nhận ra. Theo nhà sử học Mỹ Richard Pipes, "thiệt hại tổng cộng chỉ có năm người chết và một số người bị thương, hầu hết là do đạn lạc".

Tác giả bài viết nhận định, nếu từ ngữ "cách mạng" được dùng để chỉ những đảo lộn sau khi Lênin lên nắm quyền, tốt nhất hãy xem những gì diễn ra cụ thể sau đó. Tất cả những tờ báo, ngoại trừ tờ của phe bôn-sê-vích, đã bị cấm xuất bản ngay hôm sau vụ đảo chính ; còn hội đồng xô-viết (gồm đại diện công nhân và nông dân) bị ngưng hoạt động mười ngày sau đó. Chính quyền mới quyết định cai trị bằng sắc lệnh.

Một tháng sau, Tchéka, cơ quan mật vụ ra đời (tên đầy đủ là "Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại"). Đến tháng Giêng năm 1918, Quốc hội lập hiến được bầu lên một cách dân chủ bị giải tán, và những trại tập trung đầu tiên được thành lập vào tháng 6/1918. Hoàn toàn không giống một cuộc giải phóng, kể cả đối với giai cấp công nhân mà chế độ mới giao cho vai trò chuyên chính vô sản.

Bốn tháng trước vụ đảo chính, Lênin trong đại hội xô-viết đầu tiên đã cảnh báo : "Người ta nói rằng tại Nga không có đảng nào sẵn sàng nắm trọn quyền. Tôi xin đáp lời : Có chứ ! Chúng tôi mỗi phút mỗi giây đều sẵn lòng nắm hết quyền hành".

Đối với phe bôn-sê-vích, không có chuyện san sẻ quyền lực. Chỉ cần đọc cuốn "Làm gì ?" do nhà lãnh đạo bôn-sê-vích viết năm 1902, trong đó chương trình hành động đã được ghi rõ. Cuốn sách giúp hiểu được chế độ, với mũi nhọn là sự độc tài của đảng nhân danh giai cấp vô sản, dẫn đến việc thành lập một Nhà nước do đảng toàn năng cai trị.

Đây chính là tinh thần của chủ nghĩa toàn trị, mô hình sau đó được tất cả các chế độ cộng sản khác noi theo. Không có tình huống nào, từ cuộc nội chiến với phe Bạch vệ trước đó, cho đến những sự chệch hướng sau này – chủ nghĩa Stalin, sùng bái lãnh tụ, vân vân - đi ngược lại với kế hoạch ban đầu.

Đó là chủ nghĩa cộng sản như Mác và Ăng-ghen đã vạch ra, rồi đến phiên Lênin áp dụng, tại Nga và sau đó là các nước khác, đôi khi với những khác biệt mang tính cực đoan hơn. Chủ nghĩa mao-ít tỏ ra sắt máu hơn chủ nghĩa Stalin, Pôn Pốt của Cam Bốt lại còn mang tính hủy diệt hơn cả mao-ít.

Theo tác giả Thierry Wolton, việc dùng thuật ngữ "Cách Mạng Tháng Mười", vốn mang lại một vầng hào quang cho vụ đảo chính, là giúp cho tiến trình cộng sản hóa một ngày nào đó trong trí não được nâng ngang tầm với những tiến bộ như cuộc cách mạng Pháp 1789.

Không phải vô tình mà bộ máy tuyên truyền của Nhà nước xô-viết tìm cách đồng hóa vụ đảo chính tháng 10/1917 tại Nga với sự kiện lịch sử vang dội của nước Pháp, và vẫn tiếp tục làm công việc này. Chủ nghĩa cộng sản được cho là giai đoạn tiến bộ cuối cùng của nhân loại.

Hy vọng này dựa trên một trong những nhu cầu cổ xưa nhất của con người. Đó là sự bình đẳng, mà đa số các tôn giáo hứa hẹn cho một đời sau, ở một cõi khác, trước khi chủ nghĩa Mác-Lênin cam đoan sẽ thực hiện ngay trên trái đất này và ngay bây giờ, làm nên sự thành công của cộng sản.

Khó thể chôn vùi khát vọng ấy của nhiều người. Người ta cố tách ý thức hệ khỏi thực tế và kết quả thảm hại của nó, chỉ giữ lại tinh thần, vốn luôn mang tính hoang tưởng. Việc giới thiệu sự kiện tháng 10/1917 như một cuộc cách mạng, giúp duy trì khát vọng bình đẳng, vốn rất nhân bản.

Nhân vật số hai của Khmer Đỏ, một hôm đã nói với các thanh niên Cam Bốt : "Chủ nghĩa cộng sản là số không đối với bạn, số không đối với tôi". Tác giả Thierry Wolton cho rằng đây có thể là định nghĩa tốt nhất, tuy các nhà lãnh đạo cộng sản chưa bao giờ tự hài lòng.

Thụy My

Published in Văn hóa