Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/06/2018

Mồi lửa biểu tình ở Việt Nam

Thụy My

Mất lòng tin vào chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc : Mồi lửa biểu tình ở Việt Nam

Những cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam hôm 10/06/2018 cho thấy việc đoàn kết công luận và huy động các nhà bất đồng chính kiến dễ dàng như thế nào, khi có được một nhân tố chủ chốt : đó là Trung Quốc !

mat1

Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất, ngày 10/06/2018. Facebook

Các cuộc xuống đường, mà trên lý thuyết là bất hợp pháp, đã diễn ra vào Chủ nhật thứ hai tiếp đó, ngày 17/06/2018. Người dân lo sợ rằng các vùng duyên hải được chọn làm đặc khu kinh tế mời gọi đầu tư nước ngoài, có thể trở thành đầu cầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Chính quyền không đánh giá đúng mức tình cảm chống Trung Quốc

Reuters ghi nhận tuy dự luật không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng người Việt tin chắc như vậy. Các bài viết phổ biến trên Facebook lại càng củng cố sự nghi ngờ đã bám rễ lâu nay, rằng Bắc Kinh dùng lợi lộc để gây ảnh hưởng lên chính sách của Nhà nước.

Trung tâm của vấn đề là một hỗn hợp dễ cháy, pha trộn giữa thực tế bị Trung Quốc bức hiếp qua nhiều thế hệ, và sự thiếu niềm tin vào chính sách của đảng Cộng Sản cầm quyền là có thể làm được điều gì đó về việc này.

Chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nhận định : 

"Chính quyền đã đánh giá quá thấp tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều người Việt thường kín đáo chia sẻ với nhau là chính phủ chưa hành động đúng mức để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước họa xâm lăng từ Trung Quốc".

Mạng xã hội như Facebook, được phân nửa trong 90 triệu dân Việt Nam sử dụng, càng làm cho tình cảm này dễ được hâm nóng và khó kìm nén lại.

Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên nhiều tỉnh thành toàn quốc, Quốc hội Việt Nam tuần qua đã hoãn lại việc bỏ phiếu về Luật Đặc khu cho đến tháng Mười.

An ninh được siết chặt tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật 17/6 để ngăn ngừa biểu tình. Nhưng hàng ngàn người vẫn tuần hành ở Hà Tĩnh, nhiều người cầm theo các biểu ngữ "Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày".

Trung Quốc bức hiếp, dân Việt phẫn nộ

Căng thẳng có nguy cơ kéo dài, cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường (Nhất đới, nhất lộ hay Con đường tơ lụa mới) để đẩy mạnh hoạt động ở các nước, đồng thời có những hành động giương oai diễu võ để áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc tăng tốc xây dựng và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – cũng như tại Trường Sa. Hồi tháng Ba, Bắc Kinh còn gây áp lực khiến Hà Nội phải ngưng việc khoan dầu tại một lô quan trọng. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một năm Trung Quốc có hành động ngang ngược này.

Sự phản kháng của chính quyền Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc khá hạn chế. Hôm thứ Sáu 15/6, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tránh né vấn đề, nói rằng Quốc hội "biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ nhật 17/6 cũng trấn an công chúng về việc Luật Đặc khu dự kiến cho thuê 99 năm, nhưng cũng không nêu tên Trung Quốc. Báo chí nhà nước dẫn lời ông Trọng : 

"Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để vào đây làm rối mình".

Các cuộc biểu tình hôm 10/6 hầu hết là ôn hòa, tuy nhiên đã trở thành bạo động ở Bình Thuận. Tại đây xe cộ ở công sở bị phá hoại, đám đông giận dữ ném đá và tấn công cảnh sát cơ động.

Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải nói rằng tâm trạng phẫn nộ đã được nung nấu từ nhiều năm qua tại Bình Thuận, nơi mà ngư dân bị Trung Quốc tấn công, đất đai bị ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây dựng, và nạn phá rừng do khai thác khoáng sản để xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc.

Theo ông Hải, người dân không chỉ trút cơn giận dữ lên Trung Quốc, mà còn cả với chính quyền địa phương, vẫn bị coi là tham nhũng và mờ mắt trước những mồi nhử lợi lộc của Bắc Kinh. Ông nói : 

"Họ chẳng chịu tìm hiểu vì sao người dân lại tức giận như thế, và cũng không giải quyết những bức xúc của dân. Lòng tin vào chính quyền ở địa phương này đã bị mất đi".

Các nhà phân tích cho rằng số lượng người tham gia đông đảo và có phối hợp trong các cuộc biểu tình, đã làm cho những người dân bình thường thêm bạo dạn. Tuy nhiên đồng thời cũng làm khó khăn thêm cho đảng trong việc giữ được tình trạng thăng bằng hiện nay : vừa làm ngơ cho một số nhà bất đồng chính kiến, lại vừa giữ được họ trong vòng kiểm soát.

Cần biết đối thoại với dân

Reuters cho biết phía Trung Quốc cũng không hề coi các cuộc biểu tình của người Việt là chuyện nhỏ. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam tuần qua đã tổ chức những cuộc họp với các nhóm doanh nhân Trung Quốc, với chính quyền địa phương và báo chí.

Một trong số nhiều bài viết trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc cho biết bà Đoàn Hải Hồng (Yin Haihong) đã "yêu cầu" chính quyền Việt Nam bảo vệ các cơ sở kinh doanh và công dân Trung Quốc. Bà nói rằng đại sứ quán được chính quyền Hà Nội thông báo là những người có "động cơ chưa rõ" đã "cố ý xuyên tạc tình hình và gắn nó với Trung Quốc".

Những cuộc biểu tình tương tự trước đó cũng đã diễn ra vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, và kéo dài trong nhiều tháng vào năm 2016 do một thảm họa môi trường từ nhà máy Formosa của Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của hãng tin Anh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng không nhắc đến Trung Quốc, nhưng nói rằng "những người cực đoan" đã "xúc giục biểu tình bất hợp pháp". Bà cũng nói chính sách Việt Nam là phục vụ lợi ích của nhân dân và hỗ trợ đầu tư, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quynh, một luật sư được nhiều người theo dõi trên Facebook, nói rằng rõ ràng các cuộc tập hợp (ở Bình Thuận) là có tổ chức, và bạo động kịch phát do bị xúi giục. Chúng cho thấy có những kế hoạch tỉ mỉ và kiến thức về quy trình làm việc của lực lượng an ninh, và Bình Thuận là một điểm yếu.

Một số cựu đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu đương nhiệm cho rằng bây giờ là lúc để xem xét lại Luật Biểu tình, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần. Hiến Pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, nhưng những cuộc biểu tình thường bị cảnh sát dập tắt, những người tham gia bị tạm giữ do "gây rối trật tự công cộng".

Những người khác thì khuyến cáo nên lắng nghe công luận nhiều hơn.Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó văn phòng Quốc hội nói : 

"Chính quyền cần quan tâm đến những gì mà người dân đang quan tâm". Tương tự, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Lê Đăng Doanh ở Hà Nội : "Điều hết sức quan trọng là chính quyền phải đối thoại với dân nhiều hơn, để giải quyết được vấn đề trước khi trở thành hệ trọng". 

Hãng tin Mỹ cũng trích nhận định của chuyên gia Bernard Lapointe, Viet Dragon Securities JSC ở Thành phố Hồ Chí Minh : 

"Nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam, trong trường hợp bất bình xã hội gia tăng, là vốn đầu tư FDI sẽ bị sụt giảm".

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)