Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dưới chính thể cai trị kiểu được cho là "một mình một cõi" hiện nay, các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống Việt Nam dường như "e ngại" sử dùng cụm từ "biểu tình", khi "thấy và biết mười mươi" chuyện người dân đi biểu tình.

bieutinh1

Cảnh sát áp giải các bị cáo trong một phiên tòa hôm 23/7/2018 ở tỉnh Bình Thuận.

Nguyên nhân được viện dẫn, đổ lỗi là chưa có luật biểu tình nên lúng túng trong việc gọi tên chính thức. Việc gọi tên khác đi như "tụ tập đông người", "tập trung đông người", "tụ tập gây rối", thực ra cũng chỉ là một cách gọi, trạng thái, bản chất của nó vẫn là biểu tình mà thôi.

Đặc biệt, nếu bạn quan tâm nền pháp trị hiện tại, những cụm từ ấy bị vo lại trong phạm vi chật hẹp, đầy màu sắc hình sự - tội phạm, hơn là chắt lọc "cốt lõi" những điều, chương tiệm cận văn minh "nhỏ giọt" trong Hiến pháp hiện hành.

Có hay chăng một sự "cố tình quên" rằng biểu tình, ngoài khía cạnh thể hiện phản ứng, phản đối, nó còn có khía cạnh biểu lộ ủng hộ, đồng tình và mang cả giá trị tích cực bên trong ?

Từ lịch sử

Ở Việt Nam, khi tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của biểu tình, dễ dàng nhận thấy những phong trào nổi dậy, những cuộc khởi nghĩa trong lịch sử đấu tranh của dân tộc cũng là một biểu hiện của biểu tình. Đó là dạng thức biểu tình bạo động, có tổ chức hoặc tự phát của một nhóm người.

Trong lịch sử biểu tình ở Việt Nam, dạng thức này được phân tích, nhận diện và điểm danh rất đông đảo, cụ thể và cao trào với cuộc chiến "nghìn năm nô lệ giặc Tàu", "trăm năm đô hộ giặc Tây", thậm chí, ngay cả thời kì "quê hương nội chiến từng ngày".

Do khuôn khổ bài báo, xin phép không liệt kê tỉ mỉ từng sự kiện lịch sử, song tin rằng không có người Việt Nam nào mà không học, không biết những phong trào đó, cuộc khởi nghĩa kia. Dẫu được định danh là cuộc chiến chăng nữa, thì bản chất nó vẫn là dạng thức biểu tình bạo động để nhằm thay đổi một phần hoặc toàn bộ sự vụ hay hiện trạng thực tại.

Tuy vậy trong lịch sử, Việt Nam cũng có dạng thức biểu tình ôn hòa chứ không phải không có, dù rằng hiếm hoi và chưa thu hái thành tựu như mong muốn lúc bấy giờ. Bởi xét cho cùng, dạng thức biểu tình ôn hòa vẫn thuộc vào dạng thức 'đỉnh cao văn hóa, tinh túy của xã hội' khi nhân lên, cộng với nền pháp trị cởi mở, tân tiến thì mới ít nhiều gây dựng niềm hi vọng .

bieutinh2

Khiên mộc của Cảnh sát cơ động Việt Nam bị thấy vứt lại sau một cuộc biểu tình ở Bình Thuận hôm 10/6/2018.

Được biết, Phong trào Đông Du của Hội Duy Tân, của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đầu thế kỉ XX, giờ đây được hậu thế nhìn nhận lại, soi xét và đánh giá công tâm hơn, dẫu chỉ là một cánh én, song hiệu ứng của họ, chủ trương và tầm nhìn của họ, đến nay vẫn còn rất mới mẻ, giá trị và đã thức tỉnh nhiều thế hệ kế thừa dần dần theo năm tháng.

Trong những năm đầu của thế kỉ XX, chúng ta hẳn còn nhớ tên tuổi của hai "linh hồn lớn" của phong trào đấu tranh ôn hòa : Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Mục sư Baptist, Martin Luther King của Mỹ. Hai con người vĩ đại này đã rất kiên trì, nhẫn nại thúc đẩy và góp phần phát triển rực rỡ dạng thức biểu tình ôn hòa trên thế giới. Họ là nguồn cảm hứng vô tận về tính nhân văn, nhân đạo mà những dân tộc còn khó khăn, bất hạnh trong việc truy tầm con đường hạnh phúc thực sự, tự do đích thực và dân chủ sáng rỡ, học tập và hướng đến.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu sơ khởi rằng biểu tình là một phong trào, con đường biểu đạt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của một người, nhóm người trước một vấn đề công việc cụ thể. Phong trào đó, con đường đó tồn tại và biểu hiện dưới hai dạng thức chính, bao gồm bạo động và bất bạo động, cũng có lúc chúng chuyển hóa, biến động qua lại. Tuy thế, biểu hiện cao cấp nhất, tinh hoa nhất nhận được nhiều sự ngưỡng mộ lớn vẫn là biểu tình ở dạng thức ôn hòa.

Chiều kích rộng sâu hơn, nhìn nhận ở tiến trình phát triển xã hội trong lịch sử loài người, biểu tình là một quyền cơ bản, nhu cầu tất yếu, xu hướng vận động đi lên trong thời đại có nhà nước và giai cấp. Một xã hội không có biểu tình, đó là một sự vận động ngược thế giới văn minh, tiến bộ. Hoặc đó là một xã hội không tưởng, ngoài sức tưởng tượng của nhân loại.

Đến thực tiễn

Tìm hiểu, nghiên cứu về biểu tình ở Việt Nam xét từ thời kỳ chiến tranh Bắc - Nam (1954 -1975) nổ ra đến nay, thấy rằng, miền Bắc trong giai đoạn nội chiến không thấy ghi nhận về biểu tình. Mặc dù, Sự kiện cải cách ruộng đất (1953 - 1957) là vô cùng tang thương và khốc liệt. Thậm chí, cả phong trào Nhân văn Giai phẩm (1955 - 6/1958) chỉ mới biểu đạt tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật cũng bị nâng cao quan điểm chính trị, suy diễn tác phẩm sáng tạo gắt gao, triệt hạ tác giả văn nghệ khác biệt tư tưởng một cách khốc hại.

Ngược lại, ở miền Nam trước 30/4/1975, biểu tình diễn ra liên miên, từ đệ nhất cho chí đệ nhị Cộng hòa, thu hút tầng lớp học sinh sinh viên có, trí thức báo giới có, tôn giáo tín ngưỡng có, v.v… Sau này, nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng : "nhìn chung, không khí chính trị tại Miền Nam Việt Nam là cởi mở, các cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến, nhất là phong trào đô thị. Nhiều cuộc biểu tình là do những người cộng sản Miền Nam Việt Nam cài người tổ chức".

Sau ngày 30/4/1975 cho đến năm 1997, trước sự kiện Thái Bình, dưới chế độ quản lí chặt chẽ của công an, vẫn chưa ghi nhận có cuộc biểu tình lớn, nổi bật nào xảy ra. Dù rằng trước đó nhiều năm, dư luận nhân dân ở Thái Bình đã có những đợt phản ứng nhỏ lẻ, dai dẳng và gay gắt. Vụ biểu tình của người dân Thái Bình năm 1997 là một bước ngoặt về nhận thức, của chính quyền và người dân.

bieutinh3

Người dân Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối dự luật về Ba Đặc Khu hôm 0/6/2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ban đầu, các nhà lãnh đạo Trung ương chỉ thấy được vỏ bọc bên ngoài, đó là tính chất "gây rối", "chống đối"và "bạo loạn", nhưng sau đó, khi Bộ chính trị đưa ông Phạm Thế Duyệt về làm Tổ trưởng tổ công tác xử lí vụ việc, thì mặt tích cực dường như được khơi mở, đưa ra ánh sáng hàng loạt quan tham tha hóa, biến chất, tuy cũng có ý kiến nói đã có những vụ 'bắt bớ', 'đàn áp', 'bỏ tù' kín đáo nhằm xử lý những người đứng đầu phong trào của người dân Thái Bình như là thể hiện của chính sách 'tay nhung, tay sắt'.

Từ sau Sự kiện Thái Bình đến hôm nay, chỉ trong thời gian 20 năm có lẻ, tình hình biểu tình của người dân khắp nơi trên đất nước ngày càng nhiều lên, bình quân 5 năm xảy ra một cuộc biểu tình bạo động. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, thời gian biểu tình ngày càng được rút ngắn lại, số lượng và phạm vi ngày càng lan tỏa biên độ.

Có thể khẳng định nguyên nhân và nguồn gốc căn cơ của tình trạng này, đó là dấu hiệu nền kinh tế mở cửa đang trên đà tăng trưởng, vấn đề thu hồi và đền bù đất đai của dân bất ổn về thời giá và cả sự đe dọa, xâm lấn lãnh thổ ngày càng rõ ràng từ nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Trong khi, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chậm chạp, chưa chịu nhìn nhận và sửa sai kịp thời luật đất đai, thì thực trạng nền kinh tế không vì thế, thôi lớn dậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tỏa ra khắp nơi diễn trình đầy rẫy dự án. Ngỡ rằng nhiều dự án kèm theo nhiều quyết định thu hồi đất số lượng lớn, khiến kinh tế phát triển vượt bậc, song thiết nghĩ, đó chỉ là sự phát triển một bên, số ít trong bối cảnh chung của người dân là còn đói nghèo pha lẫn phẫn uất mất đất, buộc giao đất giá rẻ.

Cộng thêm thái độ "nhượng bộ" vô điều kiện chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi những hành động sai trái đe dọa biên cương lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc lộ ra, lãnh đạo Việt Nam vẫn cố gắng kiểm soát tốt bất đồng từ phía dân chúng. Bên cạnh đó, thái độ thận trọng thái quá, trong việc khởi trình dự thảo luật biểu tình ra Quốc hội, cũng là một cách làm phức tạp thêm tình hình.

Thực tế trong vòng 10 năm trở lại đây đã thể hiện rõ nhận định trên. Có thể liệt kê hàng loạt vụ biểu tình bạo động của người dân mất đất dày đặc từ bắc vào nam. Hàng loạt vụ biểu tình đối với hành vi sai trái của Trung Quốc như lập thành phố Tam Sa trong lãnh thổ đất nước, đem giàn khoan thăm dò tài nguyên nước nhà, Formosa Hà Tĩnh gây môi trường ô nhiễm nặng nề, Nhiệt điện Vĩnh Tân - Bình Thuận xin đổ xỉ than khối lượng lớn xuống biển, rồi dự án luật đặc khu cho thuê 99 năm,…

Nhận diện rằng, với tình hình và xu hướng giải quyết vụ việc đơn thuần trừng phạt, chưa chú trọng xây dựng "nhân tâm" sau mỗi bản án, trong tương lai, chắc chắn nhiều vụ việc biểu tình bạo động và ôn hòa có thể còn diễn ra, chứ không phải chấm hết. Mặc dù cách thức xử lí hậu biểu tình của chính quyền là nặng nề, bóp méo thậm chí bóp chết lòng yêu nước của người dân, nhưng có vẻ như nỗi sợ hãi tù tội trong lòng dân chúng không còn như trước nữa.

Và hình phạt

Hình phạt dành cho đông đảo người dân đi biểu tình yêu nước hoặc đơn thân độc mã gây ra biểu tình, phản kháng liên quan đất đai, phần thua thiệt và hậu quả pháp lý áp vào người dân vô cùng thê thảm. Không chỉ tù đày, chính quyền còn tăng tốc tuyên truyền, gán ghép và xem nhẹ trình độ dân trí của họ.

bieutinh4

Một số bị cáo được đưa ra Tòa hôm 23/7/2018, trong phiên xử vụ phản đối có yếu tố bạo lực diễn ra ở tỉnh Bình Thuận hồi tháng Sáu cùng năm

Đối với những phản kháng, nổ súng liên quan đất đai, từ tình huống của cựu tù nhân Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đến tử tù Đặng Văn Hiến, huyện Tuy Đức, Đắk Nông đang nóng bỏng hiện nay, đã có không biết bao nhiêu lá đơn phản ánh, bao nhiêu của cải hoa màu giá trị, bao nhiêu năm tháng khóc lóc than van đã được thể hiện hay được thấy.

Phản kháng đơn lẻ đó, là thể hiện của hiện tượng tâm lý do cả một quá trình tích tụ lâu dài, nào riêng lỗi người nông dân chất phác hiền lành. Xét cho cùng hành vi nổ súng khi bị cướp đất ấy, cũng là một dạng thức của biểu tình có yếu tố bạo động, phản kháng, tự vệ.

Đối với những người dân xuống đường biểu tình yêu nước, ranh giới giữa bạo động và ôn hòa quả thật hết sức mong manh.

Chỉ cần một hình ảnh bạo lực vô tình hay cố ý, khả năng bùng lên ngọn lửa "phá hủy" sẽ trở lại, kích hoạt ngay lập tức, nếu sự kiềm chế của đám đông đã không còn cơ hội và mở ra 'tan hoang'.

Đơn cử, vụ biểu tình ở Bình Thuận ngày 10 và 11/6 vừa qua. Ban đầu là ôn hòa, nhưng khi xảy ra tình huống bắt bớ khoảng 8 người vào trong trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh, thì cảnh đòi người trở nên cao trào bạo động đập phá. Từ Phan Thiết lan sang Phan Rí. Trong bối cảnh biểu tình ôn hòa nổi lên ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhưng hậu biểu tình bạo động, không thấy báo chí chính thống nào dám nhắc đến sự vụ bắt bớ đó từ góc độ đâu là nguyên nhân khởi thủy. Mà họ, báo chí nhà nước bỗng nhiên "mắc lỗi hành vi" khi cố gắng đứng về lăng kính, góc nhìn kẻ mạnh để lên án biểu tình.

Dĩ nhiên, người viết không bao giờ cổ vũ hành vi bạo động, đập phá tài sản và gây thương tích cho cả hai phía.

Có thể rồi đây những bản án "hăng say" nghiệp vụ và tô hồng thành tích sẽ được tuyên ra. Những cá nhân quá khích sẽ hứng lấy hình phạt thích đáng.

Nhưng cái cách "sỉ vả" vào lòng yêu nước của đa số người dân như kiểu tuyên truyền cũ rích : nhận tiền tổ chức phản động, bị giật dây, bị lợi dụng lòng yêu nước, là cần phải tháo bỏ đi.

Chính quyền nên nhớ cho để dẫn đến hành vi xuống đường đông đảo vừa qua, góp phần to lớn chính là cách thức lãnh đạo điều hành còn gây nhiều phiền hà, nhũng nhiễu, không minh bạch của chính quyền trước dân.

Để người dân phản ứng đồng loạt nhiều địa phương trên cả nước như vậy, trước tiên cần xem xét lại chính mình.

Thay lời kết

Cũng cần nói thêm, chính sách 'khoan hồng, nhân đạo' hậu biểu tình nên được đem ra áp dụng công bằng, cho chính công dân nước mình nữa, chứ không chỉ dành riêng cho mỗi một trường hợp công dân người nước ngoài.

Bởi cách làm như thế là tạo ra tiền lệ bất bình đẳng, tùy tiện và hệ lụy phức tạp trong những trường hợp đông đảo người nước ngoài xuống đường.

Được biết, trường hợp của công dân người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn, mà trong thời gian xảy ra biểu tình, báo chí chính thống viết về người này như người của 'tổ chức phản động' bên ngoài 'trà trộn' vào, đem 'số lượng tiền lớn' đi 'phát cho người biểu tình', 'cầm đầu xách động' xuống đường,…

Nhưng khi mang ra xét xử, tòa án Thành phố Hồ Chí Minh lại áp dụng hình thức trục xuất ngay lập tức, đồng thời, tòa cũng biện minh rằng bản án như thế, là có áp dụng chính sách khoan hồng bởi vi phạm lần đầu.

Trong khi, đặt giả sử, nếu là người dân trong nước thể hiện hành vi như báo chí đã đưa tin, tuyên truyền đối với Will Nguyễn thì tội trạng chắc chắn khó ít hơn 07 năm tù giam.

Trên báo chí nhà nước, thời gian qua liên tiếp đưa tin về những vụ bắt tạm giam, khởi tố bị can trong các vụ biểu tình trong tháng Sáu vừa qua, mà chính quyền gọi là gây rối hay tập trung đông người trái phép, từ Phan Thiết - Phan Rí đến Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh,… giống như cách thức "đưa tay đụng mặt" Hiến pháp vậy.

Điều người dân quan tâm, mong mỏi bậc nhất vào lúc này, chính là được nhìn thấy dự thảo luật biểu tình được đệ trình và Quốc hội thông qua trong cuộc họp cuối năm nay, hơn là cố gắng bằng mọi thủ tục pháp lý để Luật đặc khu được thông qua, bất chấp dư luận dậy sóng từ phía người dân.

Một xã hội, quốc gia mà nền kinh tế đang hướng đến phát triển mạnh mẽ, không thể thiếu "khuôn vàng thước ngọc" pháp luật trong từng ngành nghề, cũng như khả năng dự phòng, bất trắc hậu quả do chính những khuyết thiếu trầm trọng của chế độ.

Cần dũng cảm gọi tên sự việc hiện tượng một cách thực chất, để xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý chính xác, nhằm ứng xử, điều tiết và đưa ra giải pháp hợp tình hợp lý.

Bởi vì, thiết nghĩ chúng ta đang sống vào thời kì "thế giới phẳng", nhân loại đang vùn vụt hướng vào những giá trị phổ quát của văn minh và tiến bộ.

Nếu cứ "cố chấp", vô minh, tự sướng với 'bản ngã lớn', thì đất nước sẽ buồn bã ở lại vô cùng "lê thê" trong trang sử cũ kĩ, như ai đó từng nói hình như đây là đất nước không muốn lớn lên hay là từ chối sự phát triển và tiến hóa tiến bộ.

Đồng Chuông Tử

Nguồn : BBC, 05/08/2018

Tác giả là một nhà báo tự do, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đang sinh sống ở Bình Thuận, Việt Nam.

Published in Diễn đàn

Một luật sư đề nghị không nêu tên, đã nói rằng : người hưởng lợi chính là Trung Quốc. "Các thế lực thù địch từ nước ngoài, trong đó không loại trừ Trung Quốc". Một cán bộ an ninh thì cho biết như vậy. Dĩ nhiên là với sự dè dặt và kèm đề nghị không nêu tên nếu "nhà báo muốn viết bài".

ai1

Giáo dân giáo hạt Văn Hạnh, thuộc giáo phận Vinh, Hà Tĩnh biểu tình ngày 17/06/2018 phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ảnh : Facebook

Người viết xin được ký bút danh PV cho bài ghi nhận mang tính ‘chủ quan cá nhân’ này.

Bất ngờ Pouchen Tân Tạo

Mặc dù trên các diễn đàn mạng xã hội trước đó đã ‘ấn định’ ngày biểu tình là sáng Chủ nhật 10/06 để phản đối dự luật đặc khu, song bất ngờ là vào trưa ngày 09/06/2018, gần 50 ngàn công nhân công ty Pouchen – Tân Tạo đã đình công với các khẩu hiệu phản đối chính quyền Việt Nam dự tính cho Trung Quốc thuê đất 99 năm ở dự luật đặc khu.

Cuộc biểu tình kéo dài đến tận chiều tối ngày thứ hai 11/06 với số công nhân tham gia lên tới gần 100 ngàn người. Những nhà quản lý Pouchen Tân Tạo cũng bất ngờ không kém, khi họ tuyên bố sẽ vẫn trả đầy đủ lương cho tất cả số công nhân đã nghỉ việc để tham gia biểu tình. Nôm na, việc đình công để biểu tình phản đối một chính sách của chính phủ Việt Nam đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của ông bà chủ tập đoàn Pouchen.

Hồ sơ doanh nghiệp cho biết Pou Chen Corporation, hay Pou Chen, là công ty sản xuất giày dép tại Đài Loan, và là một trong những nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Trụ sở chính đặt tại thành phố Đài Trung, Đài Loan. Tập đoàn được thành lập năm 1969 tại Phúc Hưng, Chương Hóa bởi gia đình của Tsai. Ngoài việc sản xuất và gia công giày thể thao cho các thương hiệu lớn như Nike, Puma, Adidas... Tập đoàn Pou Chen còn tham gia vào các lĩnh vực như mở cửa hàng kinh doanh các đồ dùng thể thao, bất động sản và khách sạn.

"Doanh nghiệp Đài Loan không ưa Trung Quốc, nên họ để công nhân biểu tình là bình thường. Thế nhưng tôi không tin là người lao động sẳn sàng bỏ chén cơm để biểu tình vì một điều khoản còn xa vời, khi mà dự luật đặc khu đã được tuyên bố dừng. Họ biểu tình về các quyền lợi sát sườn về bảo hiểm, về phí công đoàn sắp tới đây sẽ tăng cao thì còn dễ hiểu, chứ ở đây thì… Tôi tin rằng có một kịch bản soạn sẳn. Chỉ có Pouchen Tân Tạo biểu tình, còn các Pouchen ở Đồng Nai và nhiều tỉnh khác thì không". Vị luật sư ngại nêu tên, nhận xét như vậy. Ông nói rằng mình từng có thời gian làm tư vấn luật cho các ông, bà chủ Đài Loan nên hiểu rõ rằng trong làm ăn, người Hoa… "thâm" và "hiểm" lắm !

Trong chuyện biểu tình mà số lượng người tham gia có thể đếm được chính xác ở Pouchen Tân Tạo, theo vị cán bộ an ninh, không loại trừ chuyện giới Hoa kiều hưởng lợi, khi các nhà đầu tư ngoại quốc khác sẽ e dè một Việt Nam đang đầy lộn xộn, rồi ngần ngại bỏ vốn làm ăn vào đây. Hoa kiều sẽ một mình một chợ. Các dự án bất chấp môi trường như nhiệt điện than vốn Trung Quốc, dự án thép như Formosa Đài Loan là một ví dụ.

Bạo lực Phan Rí Cửa

Trong câu chuyện bạo lực đi cùng biểu tình của người dân Bình Thuận ở những tuần lễ vừa qua, cho thấy một kịch bản dàn dựng không cần giấu diếm của phe nhóm nào đó đàng sau hậu trường chính trị Việt Nam.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã có thừa kinh nghiệm xử lý những vụ bạo động như vậy ngay từ khi bắt đầu nhen nhúm, từ bài học biểu tình diễn ra vào trung tuần tháng 04/2015 tại Tuy Phong về ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc đầu tư.

Lần này thì chính quyền Bình Thuận có vẻ ngoài cam chịu, không sử dụng vũ lực để trấn áp đoàn người biểu tình, kể cả khi bạo lực bắt đầu bùng nổ. Thời điểm tháng 04/2015, sự kiện biểu tình nơi đây từng được phân tích rằng Ninh Thuận, Bình Thuận và cả miền Trung nối liền được xem là hiền hòa, chịu đựng nhiều nhất so với cả nước. Chính vì điều kiện khó khăn, kiếm cái ăn chật vật, thời tiết thổ nhưỡng cũng khắc nghiệt, nên miền đất này cũng là nơi có nhiều người tha phương cầu thực, bôn tẩu xa xứ nhiều nhất. Lực lượng lao động chính trong gia đình đều đi làm ăn xa, hoặc người còn lại cũng gắng gượng mà chịu đựng mọi khó khăn để nâng đỡ gia đình.

ai2

Biểu tình ở Phan Rí Cửa đã bùng phát thành bạo lực. Ảnh : Zing

Cũng chính vì lẽ ấy mà hầu hết các cuộc đình công, biểu tình phản đối giới chủ hay phản đối nhà cầm quyền đều ít xuất hiện ở các tỉnh nghèo khổ đó. Tuy nhiên, một khi các tỉnh này đứng dậy phản đối những bất công thì nghe có vẻ như cuộc cách mạng lớn đang đến gần.

Ba năm đi qua từ sau cuộc biểu tình của người dân Bình Thuận, tháng 06/2018, biểu tình đi kèm bạo lực từ những người dân. Một số phóng viên báo chí đến tận nơi xảy ra vụ việc để ghi nhận, và điều mà họ có được khác hẳn với thông tin từ cơ quan công an cung cấp cho báo chí, đó là không có những người dân Bình Thuận nào quá khích đến độ tấn công chính con em họ đang trong màu áo cảnh sát, cơ động. Hầu hết những thanh niên tham gia biểu tình đã chuyển sang khiêu khích, bạo động đều đến từ… hướng Thành phố Hồ Chí Minh.

"Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tụi tôi nhận lệnh chỉ trấn áp đoàn người biểu tình nếu họ có sử dụng hung khí, hoặc hành vi quá khích. Cuộc biểu tình khi kéo dài quá 60 phút, thường dẫn tới mệt mỏi nên dễ bị kích động và dễ nhuốm màu bạo lực khi không có luật liên quan quyền biểu tình để mà lực lượng công an biết để mà kìm nén. Ở cuộc biểu tình hôm 17/06, thì chỉ thị ngay từ đầu là không để biểu tình xảy ra, nên…". Vị cán bộ an ninh yêu cầu không nêu tên, cho biết như vậy.

"Ngay trung tâm Sài Gòn mà diễn ra cảnh đánh đập người biểu tình thì thử hỏi nhà đầu tư ngoại quốc nào dám vào để làm ăn, để giao dịch trên sàn chứng khoán xanh, đỏ ? Tôi đồ rằng ai đó ở Bắc Kinh đã len lõi được vào bộ máy công quyền Sài Gòn, và họ đã góp bàn tay ‘thế lực thù địch’ vào những cuộc biểu tình". Vị luật sư nói trên, nhận định như vậy.

Biểu tình chống Trung Quốc thì Trung Quốc hưởng lợi chỗ nào ?

Ông luật sư và vị cán bộ an ninh cùng chung lập luận : Hiến pháp nói biểu tình là một quyền mà người dân được tự do sử dụng. Bộ Luật hình sự cũng nói ai ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình là vi phạm luật hình sự, có thể bị bỏ tù. Việt Nam cũng có các cam kết điều ước quốc tế về việc chống tra tấn…

Vậy đó, song đánh đập, đe dọa người biểu tình vẫn diễn ra công khai ngay tại Sài Gòn. Thử hỏi dân làm ăn nào tin vào pháp luật Việt Nam ? Trung Quốc thì khác. Từ thời chiến tranh đến nay, Hà Nội hoàn toàn lệ thuộc vào Bắc Kinh từ súng ống đến bạc tiền kinh tế trong thời bình.

"Tôi nghĩ rằng cái cần không phải là luật biểu tình sẽ ra sao, luật an ninh mạng phải điều chỉnh thế nào, mà mấu chốt là Việt Nam cần phải thay đổi thể chế sao cho đủ mạnh để không sợ bị Trung Quốc o ép, bắt chẹt. Singapore và Philippines đâu có ngán Bắc Kinh như Hà Nội. Vấn đề là thể chế chính trị thích hợp cuộc chơi chung toàn cầu". Vị luật sư kết luận. Còn vị an ninh thì… im lặng.

Phóng viên

Published in Diễn đàn

Mất lòng tin vào chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc : Mồi lửa biểu tình ở Việt Nam

Những cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam hôm 10/06/2018 cho thấy việc đoàn kết công luận và huy động các nhà bất đồng chính kiến dễ dàng như thế nào, khi có được một nhân tố chủ chốt : đó là Trung Quốc !

mat1

Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất, ngày 10/06/2018. Facebook

Các cuộc xuống đường, mà trên lý thuyết là bất hợp pháp, đã diễn ra vào Chủ nhật thứ hai tiếp đó, ngày 17/06/2018. Người dân lo sợ rằng các vùng duyên hải được chọn làm đặc khu kinh tế mời gọi đầu tư nước ngoài, có thể trở thành đầu cầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Chính quyền không đánh giá đúng mức tình cảm chống Trung Quốc

Reuters ghi nhận tuy dự luật không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng người Việt tin chắc như vậy. Các bài viết phổ biến trên Facebook lại càng củng cố sự nghi ngờ đã bám rễ lâu nay, rằng Bắc Kinh dùng lợi lộc để gây ảnh hưởng lên chính sách của Nhà nước.

Trung tâm của vấn đề là một hỗn hợp dễ cháy, pha trộn giữa thực tế bị Trung Quốc bức hiếp qua nhiều thế hệ, và sự thiếu niềm tin vào chính sách của đảng Cộng Sản cầm quyền là có thể làm được điều gì đó về việc này.

Chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nhận định : 

"Chính quyền đã đánh giá quá thấp tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều người Việt thường kín đáo chia sẻ với nhau là chính phủ chưa hành động đúng mức để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước họa xâm lăng từ Trung Quốc".

Mạng xã hội như Facebook, được phân nửa trong 90 triệu dân Việt Nam sử dụng, càng làm cho tình cảm này dễ được hâm nóng và khó kìm nén lại.

Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên nhiều tỉnh thành toàn quốc, Quốc hội Việt Nam tuần qua đã hoãn lại việc bỏ phiếu về Luật Đặc khu cho đến tháng Mười.

An ninh được siết chặt tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật 17/6 để ngăn ngừa biểu tình. Nhưng hàng ngàn người vẫn tuần hành ở Hà Tĩnh, nhiều người cầm theo các biểu ngữ "Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày".

Trung Quốc bức hiếp, dân Việt phẫn nộ

Căng thẳng có nguy cơ kéo dài, cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường (Nhất đới, nhất lộ hay Con đường tơ lụa mới) để đẩy mạnh hoạt động ở các nước, đồng thời có những hành động giương oai diễu võ để áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc tăng tốc xây dựng và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – cũng như tại Trường Sa. Hồi tháng Ba, Bắc Kinh còn gây áp lực khiến Hà Nội phải ngưng việc khoan dầu tại một lô quan trọng. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một năm Trung Quốc có hành động ngang ngược này.

Sự phản kháng của chính quyền Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc khá hạn chế. Hôm thứ Sáu 15/6, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tránh né vấn đề, nói rằng Quốc hội "biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ nhật 17/6 cũng trấn an công chúng về việc Luật Đặc khu dự kiến cho thuê 99 năm, nhưng cũng không nêu tên Trung Quốc. Báo chí nhà nước dẫn lời ông Trọng : 

"Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để vào đây làm rối mình".

Các cuộc biểu tình hôm 10/6 hầu hết là ôn hòa, tuy nhiên đã trở thành bạo động ở Bình Thuận. Tại đây xe cộ ở công sở bị phá hoại, đám đông giận dữ ném đá và tấn công cảnh sát cơ động.

Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải nói rằng tâm trạng phẫn nộ đã được nung nấu từ nhiều năm qua tại Bình Thuận, nơi mà ngư dân bị Trung Quốc tấn công, đất đai bị ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây dựng, và nạn phá rừng do khai thác khoáng sản để xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc.

Theo ông Hải, người dân không chỉ trút cơn giận dữ lên Trung Quốc, mà còn cả với chính quyền địa phương, vẫn bị coi là tham nhũng và mờ mắt trước những mồi nhử lợi lộc của Bắc Kinh. Ông nói : 

"Họ chẳng chịu tìm hiểu vì sao người dân lại tức giận như thế, và cũng không giải quyết những bức xúc của dân. Lòng tin vào chính quyền ở địa phương này đã bị mất đi".

Các nhà phân tích cho rằng số lượng người tham gia đông đảo và có phối hợp trong các cuộc biểu tình, đã làm cho những người dân bình thường thêm bạo dạn. Tuy nhiên đồng thời cũng làm khó khăn thêm cho đảng trong việc giữ được tình trạng thăng bằng hiện nay : vừa làm ngơ cho một số nhà bất đồng chính kiến, lại vừa giữ được họ trong vòng kiểm soát.

Cần biết đối thoại với dân

Reuters cho biết phía Trung Quốc cũng không hề coi các cuộc biểu tình của người Việt là chuyện nhỏ. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam tuần qua đã tổ chức những cuộc họp với các nhóm doanh nhân Trung Quốc, với chính quyền địa phương và báo chí.

Một trong số nhiều bài viết trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc cho biết bà Đoàn Hải Hồng (Yin Haihong) đã "yêu cầu" chính quyền Việt Nam bảo vệ các cơ sở kinh doanh và công dân Trung Quốc. Bà nói rằng đại sứ quán được chính quyền Hà Nội thông báo là những người có "động cơ chưa rõ" đã "cố ý xuyên tạc tình hình và gắn nó với Trung Quốc".

Những cuộc biểu tình tương tự trước đó cũng đã diễn ra vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, và kéo dài trong nhiều tháng vào năm 2016 do một thảm họa môi trường từ nhà máy Formosa của Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của hãng tin Anh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng không nhắc đến Trung Quốc, nhưng nói rằng "những người cực đoan" đã "xúc giục biểu tình bất hợp pháp". Bà cũng nói chính sách Việt Nam là phục vụ lợi ích của nhân dân và hỗ trợ đầu tư, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quynh, một luật sư được nhiều người theo dõi trên Facebook, nói rằng rõ ràng các cuộc tập hợp (ở Bình Thuận) là có tổ chức, và bạo động kịch phát do bị xúi giục. Chúng cho thấy có những kế hoạch tỉ mỉ và kiến thức về quy trình làm việc của lực lượng an ninh, và Bình Thuận là một điểm yếu.

Một số cựu đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu đương nhiệm cho rằng bây giờ là lúc để xem xét lại Luật Biểu tình, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần. Hiến Pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, nhưng những cuộc biểu tình thường bị cảnh sát dập tắt, những người tham gia bị tạm giữ do "gây rối trật tự công cộng".

Những người khác thì khuyến cáo nên lắng nghe công luận nhiều hơn.Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó văn phòng Quốc hội nói : 

"Chính quyền cần quan tâm đến những gì mà người dân đang quan tâm". Tương tự, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Lê Đăng Doanh ở Hà Nội : "Điều hết sức quan trọng là chính quyền phải đối thoại với dân nhiều hơn, để giải quyết được vấn đề trước khi trở thành hệ trọng". 

Hãng tin Mỹ cũng trích nhận định của chuyên gia Bernard Lapointe, Viet Dragon Securities JSC ở Thành phố Hồ Chí Minh : 

"Nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam, trong trường hợp bất bình xã hội gia tăng, là vốn đầu tư FDI sẽ bị sụt giảm".

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/06/2018

Published in Diễn đàn

Trong ba ngày qua, người Việt Nam đã thấy một hiện tượng khá hiếm trong lịch sử của đất nước mình, khi có những cuộc biểu tình với nhiều quy mô khác nhau đã xãy ra trên phạm vi cả nước.

suyngam0

Hình chụp ở Hà Nội ngày 10/6/2018

Những cuộc biểu tình trên rất khó để đánh giá ý nghĩa của nó, vì đa số người dân tập trung vào những điều đang diễn ra trên mặt đường phố.

Điều đó dễ hiểu. Ở nước nào cũng vậy.

Song, người Việt Nam phải tìm cách để xem và hiểu những sự kiện này từ nhiều góc độ và cũng phải tìm các gốc của vấn đề để phân tích và giải thích nó.

Nhìn chung, việc biểu tỉnh ở Việt Nam ngày nay - dù dữ dội đến mức độ nào - là không bất ngờ lắm. Dư luận Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng, nhiều người đang rất búc xức về nhiều vấn đề, trong đó có hai tranh luận chính là về chuyện Đặc Khu/99 năm và chuyện Dự Luật An ninh mạng.

Sáng thứ hai, Quốc Hội Việt Nam đã một lần nữa thông báo lùi việc thông qua mấy điều luật đang gây tranh cãi này vào một dịp khác. Liệu số phận của Luật An ninh mạng sẽ được lùi đến bao giờ cũng chưa rõ ?

Là một người quan sát và quan tâm về sự phát triển chính trị xã hội và kinh tế của Việt Nam, hy vọng của tôi là những gì đang tiếp diễn có thể tạo điều kiện cho người Việt Nam suy ngẫm về nguồn gốc của sự căng thẳng mà chúng ta đang thấy.

Tất nhiên có nhiều quan điểm khác nhau. Đến nay, quan điểm chính của Nhà nước Việt Nam có vẻ là những căng thẳng mà chúng ta đang thấy chủ yếu là ở chỗ có quá nhiều người hiểu lầm về nội dung và mục đích của những chính sách dẫn đến lòng yêu nước của nhiều người bị lợi dụng, làm cho họ xuống đường.

Quan điểm này thấy rõ trong những bài báo mà báo chí nhà nước đã cho đăng. Theo quan điểm này, việc hỗn loạn như thế xảy ra là một trong những lý do để có Luật An ninh mạng. Dù quan điểm rất dễ hiểu, tôi lo quan điểm này trái ngược với Hiến pháp của Việt Nam về quyền con người, và ngược với lòng dân Việt Nam.

Vậy, tôi đề nghị gì ?

Trước hết tôi đề nghị những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam thấy rõ quá trình làm ra những dự luật, quyết định lớn của Việt Nam, dù vốn đã được 'lịch sử giao cho Đảng bộ,' hiện nay phải thừa nhận là có vấn đề.

Dù có quan điểm như thế nào, chúng ta không nên bỏ qua một thực tế rất rõ : khi những quyết định lớn mà ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội Việt Nam một cách thiếu minh bạch thì người dân không dễ gì chấp nhận nó. Những quyết đinh lớn phải được thảo luận và phân tích một cách cởi mở mới dành được sự ủng hộ đích thực của xã hội.

Vậy, trong lúc căng thẳng chúng ta phải bình tĩnh. Phải xem đâu là vấn đề sơ bộ, đâu là gốc rễ của vấn đề.

Sau hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam tôi thấy người dân Việt Nam muốn đất nước của mình phát triển mạnh mẽ một cách bền vững hơn. Họ muốn sống trong một xã hội minh bạch hơn, có một trật tự xã hội công bằng và an toàn, xứng đáng với giá trị dân xã của đất nước.

Tôi lo cứ bảo "những quyết định nhà nước là làm theo đúng quy trình" là chưa đủ. Có vẻ cả quy trình phải được cải cách chứ ? Việc cải cách quy trình đó thế nào là câu hỏi lớn và chỉ cho người Việt Nam quyết định.

Cho đến cuối ngày thứ hai (ngày 11 tháng 6 năm 2018) lúc mà tôi viết mấy dòng này, Việt Nam vẫn còn căng thẳng. Biểu tình vẫn còn. Cả nước Việt Nam và thậm chí toàn thế giới đang quan tâm. Tôi cũng quan tâm và mong người Việt Nam sáng suốt, cẩn thận, và an toàn….

Là một nhà nghiên cứu, tôi mong đóng góp một cách xây dựng cho sự phát triển của Việt Nam, xin đề nghị cũng không vội thông qua Luật An ninh mạng. Làm thế cũng có thể hiểu lầm gốc của những vấn đề đang gây căng thẳng ở Việt Nam trong những ngày qua.

Published in Diễn đàn