Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/06/2018

Ai sẽ hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Việt Nam ?

Phóng viên

Một luật sư đề nghị không nêu tên, đã nói rằng : người hưởng lợi chính là Trung Quốc. "Các thế lực thù địch từ nước ngoài, trong đó không loại trừ Trung Quốc". Một cán bộ an ninh thì cho biết như vậy. Dĩ nhiên là với sự dè dặt và kèm đề nghị không nêu tên nếu "nhà báo muốn viết bài".

ai1

Giáo dân giáo hạt Văn Hạnh, thuộc giáo phận Vinh, Hà Tĩnh biểu tình ngày 17/06/2018 phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ảnh : Facebook

Người viết xin được ký bút danh PV cho bài ghi nhận mang tính ‘chủ quan cá nhân’ này.

Bất ngờ Pouchen Tân Tạo

Mặc dù trên các diễn đàn mạng xã hội trước đó đã ‘ấn định’ ngày biểu tình là sáng Chủ nhật 10/06 để phản đối dự luật đặc khu, song bất ngờ là vào trưa ngày 09/06/2018, gần 50 ngàn công nhân công ty Pouchen – Tân Tạo đã đình công với các khẩu hiệu phản đối chính quyền Việt Nam dự tính cho Trung Quốc thuê đất 99 năm ở dự luật đặc khu.

Cuộc biểu tình kéo dài đến tận chiều tối ngày thứ hai 11/06 với số công nhân tham gia lên tới gần 100 ngàn người. Những nhà quản lý Pouchen Tân Tạo cũng bất ngờ không kém, khi họ tuyên bố sẽ vẫn trả đầy đủ lương cho tất cả số công nhân đã nghỉ việc để tham gia biểu tình. Nôm na, việc đình công để biểu tình phản đối một chính sách của chính phủ Việt Nam đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của ông bà chủ tập đoàn Pouchen.

Hồ sơ doanh nghiệp cho biết Pou Chen Corporation, hay Pou Chen, là công ty sản xuất giày dép tại Đài Loan, và là một trong những nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Trụ sở chính đặt tại thành phố Đài Trung, Đài Loan. Tập đoàn được thành lập năm 1969 tại Phúc Hưng, Chương Hóa bởi gia đình của Tsai. Ngoài việc sản xuất và gia công giày thể thao cho các thương hiệu lớn như Nike, Puma, Adidas... Tập đoàn Pou Chen còn tham gia vào các lĩnh vực như mở cửa hàng kinh doanh các đồ dùng thể thao, bất động sản và khách sạn.

"Doanh nghiệp Đài Loan không ưa Trung Quốc, nên họ để công nhân biểu tình là bình thường. Thế nhưng tôi không tin là người lao động sẳn sàng bỏ chén cơm để biểu tình vì một điều khoản còn xa vời, khi mà dự luật đặc khu đã được tuyên bố dừng. Họ biểu tình về các quyền lợi sát sườn về bảo hiểm, về phí công đoàn sắp tới đây sẽ tăng cao thì còn dễ hiểu, chứ ở đây thì… Tôi tin rằng có một kịch bản soạn sẳn. Chỉ có Pouchen Tân Tạo biểu tình, còn các Pouchen ở Đồng Nai và nhiều tỉnh khác thì không". Vị luật sư ngại nêu tên, nhận xét như vậy. Ông nói rằng mình từng có thời gian làm tư vấn luật cho các ông, bà chủ Đài Loan nên hiểu rõ rằng trong làm ăn, người Hoa… "thâm" và "hiểm" lắm !

Trong chuyện biểu tình mà số lượng người tham gia có thể đếm được chính xác ở Pouchen Tân Tạo, theo vị cán bộ an ninh, không loại trừ chuyện giới Hoa kiều hưởng lợi, khi các nhà đầu tư ngoại quốc khác sẽ e dè một Việt Nam đang đầy lộn xộn, rồi ngần ngại bỏ vốn làm ăn vào đây. Hoa kiều sẽ một mình một chợ. Các dự án bất chấp môi trường như nhiệt điện than vốn Trung Quốc, dự án thép như Formosa Đài Loan là một ví dụ.

Bạo lực Phan Rí Cửa

Trong câu chuyện bạo lực đi cùng biểu tình của người dân Bình Thuận ở những tuần lễ vừa qua, cho thấy một kịch bản dàn dựng không cần giấu diếm của phe nhóm nào đó đàng sau hậu trường chính trị Việt Nam.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã có thừa kinh nghiệm xử lý những vụ bạo động như vậy ngay từ khi bắt đầu nhen nhúm, từ bài học biểu tình diễn ra vào trung tuần tháng 04/2015 tại Tuy Phong về ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc đầu tư.

Lần này thì chính quyền Bình Thuận có vẻ ngoài cam chịu, không sử dụng vũ lực để trấn áp đoàn người biểu tình, kể cả khi bạo lực bắt đầu bùng nổ. Thời điểm tháng 04/2015, sự kiện biểu tình nơi đây từng được phân tích rằng Ninh Thuận, Bình Thuận và cả miền Trung nối liền được xem là hiền hòa, chịu đựng nhiều nhất so với cả nước. Chính vì điều kiện khó khăn, kiếm cái ăn chật vật, thời tiết thổ nhưỡng cũng khắc nghiệt, nên miền đất này cũng là nơi có nhiều người tha phương cầu thực, bôn tẩu xa xứ nhiều nhất. Lực lượng lao động chính trong gia đình đều đi làm ăn xa, hoặc người còn lại cũng gắng gượng mà chịu đựng mọi khó khăn để nâng đỡ gia đình.

ai2

Biểu tình ở Phan Rí Cửa đã bùng phát thành bạo lực. Ảnh : Zing

Cũng chính vì lẽ ấy mà hầu hết các cuộc đình công, biểu tình phản đối giới chủ hay phản đối nhà cầm quyền đều ít xuất hiện ở các tỉnh nghèo khổ đó. Tuy nhiên, một khi các tỉnh này đứng dậy phản đối những bất công thì nghe có vẻ như cuộc cách mạng lớn đang đến gần.

Ba năm đi qua từ sau cuộc biểu tình của người dân Bình Thuận, tháng 06/2018, biểu tình đi kèm bạo lực từ những người dân. Một số phóng viên báo chí đến tận nơi xảy ra vụ việc để ghi nhận, và điều mà họ có được khác hẳn với thông tin từ cơ quan công an cung cấp cho báo chí, đó là không có những người dân Bình Thuận nào quá khích đến độ tấn công chính con em họ đang trong màu áo cảnh sát, cơ động. Hầu hết những thanh niên tham gia biểu tình đã chuyển sang khiêu khích, bạo động đều đến từ… hướng Thành phố Hồ Chí Minh.

"Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tụi tôi nhận lệnh chỉ trấn áp đoàn người biểu tình nếu họ có sử dụng hung khí, hoặc hành vi quá khích. Cuộc biểu tình khi kéo dài quá 60 phút, thường dẫn tới mệt mỏi nên dễ bị kích động và dễ nhuốm màu bạo lực khi không có luật liên quan quyền biểu tình để mà lực lượng công an biết để mà kìm nén. Ở cuộc biểu tình hôm 17/06, thì chỉ thị ngay từ đầu là không để biểu tình xảy ra, nên…". Vị cán bộ an ninh yêu cầu không nêu tên, cho biết như vậy.

"Ngay trung tâm Sài Gòn mà diễn ra cảnh đánh đập người biểu tình thì thử hỏi nhà đầu tư ngoại quốc nào dám vào để làm ăn, để giao dịch trên sàn chứng khoán xanh, đỏ ? Tôi đồ rằng ai đó ở Bắc Kinh đã len lõi được vào bộ máy công quyền Sài Gòn, và họ đã góp bàn tay ‘thế lực thù địch’ vào những cuộc biểu tình". Vị luật sư nói trên, nhận định như vậy.

Biểu tình chống Trung Quốc thì Trung Quốc hưởng lợi chỗ nào ?

Ông luật sư và vị cán bộ an ninh cùng chung lập luận : Hiến pháp nói biểu tình là một quyền mà người dân được tự do sử dụng. Bộ Luật hình sự cũng nói ai ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình là vi phạm luật hình sự, có thể bị bỏ tù. Việt Nam cũng có các cam kết điều ước quốc tế về việc chống tra tấn…

Vậy đó, song đánh đập, đe dọa người biểu tình vẫn diễn ra công khai ngay tại Sài Gòn. Thử hỏi dân làm ăn nào tin vào pháp luật Việt Nam ? Trung Quốc thì khác. Từ thời chiến tranh đến nay, Hà Nội hoàn toàn lệ thuộc vào Bắc Kinh từ súng ống đến bạc tiền kinh tế trong thời bình.

"Tôi nghĩ rằng cái cần không phải là luật biểu tình sẽ ra sao, luật an ninh mạng phải điều chỉnh thế nào, mà mấu chốt là Việt Nam cần phải thay đổi thể chế sao cho đủ mạnh để không sợ bị Trung Quốc o ép, bắt chẹt. Singapore và Philippines đâu có ngán Bắc Kinh như Hà Nội. Vấn đề là thể chế chính trị thích hợp cuộc chơi chung toàn cầu". Vị luật sư kết luận. Còn vị an ninh thì… im lặng.

Phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 772 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)