Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/06/2018

Việt Nam vừa trở thành ‘đồng minh quân sự’ của Mỹ ?

Thiền Lâm

Không phải Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao của Việt Nam, mà tin tức ‘Việt Nam sẽ tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ’ được phát ra bởi trang mạng Stars & Strips dẫn từ thông báo của Hải quân Mỹ.

rimpac1

Tập trận RIMPAC 2017 - Ảnh minh họa : AP

Vào ngày 30/5/2018, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8/2018, trong đó Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC.

Vào thời gian này, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.

Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.

Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật "áo lưỡi bò" của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh – mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh – đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách "Ba không" của Việt Nam hầu như tê liệt

Sự kiện Việt Nam dám tham gia RIMPAC diễn ra chỉ 2 tháng sau một sự kiện có mức độ ‘can đảm’ gần như thế : tháng 3/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam – theo một thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Quyết định tham gia RIMPAC là một bước tiến khá dài của Việt Nam kể từ khi chế độ độc đảng này dám đăng ký để trở thành quan sát viên cho cuộc tập trận mang tên Hổ Mang Vàng do quân đội Mỹ chủ xướng vào đầu năm 2016.

Hẳn là từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.

Gần đây, Việt Nam lại càng có khuynh hướng gần gũi hơn với Mỹ về quân sự và các đồng minh quân sự của Mỹ.

Khuynh hướng trên có nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp.

rimpac2

Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh : VOA

Đầu năm 2017, chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo "sụp đổ tài khóa quốc gia". Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là "khó khăn gấp bội năm 2016" – như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.

Một trong những "khó khăn gấp bội" như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm, phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" của Bộ Tài chính.

Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình" – tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.

Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến độ khai thác dầu để "bảo đảm an ninh năng lượng" như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay.

Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.

Nhưng vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã xảy ra hai vụ chấn động mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : cả hai lần chính quyền Việt Nam đều phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, với bước đi liều lĩnh hơn hẳn khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Hoa Kỳ từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2018. Bằng cách thức này, Việt Nam đã gián tiếp xác nhận bước đi của mình như một đồng minh quân sự của Mỹ, chứ không chỉ là tư cách quan sát viên như hồi 2016.

Thiền Lâm

Nguồn : VNTB, 24/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 786 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)