Trọng Nghĩa, RFI, 14/09/2020
Hôm 14/09/2020, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã được bầu làm chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do, bước cần thiết để lên làm thủ tướng Nhật Bản, thay thế ông Shinzo Abe đã từ chức vì lý do sức khỏe.
Là người thân cận với ông Abe, thủ tướng tương lai của Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục những dự án mà người tiền nhiệm đã đề ra, trong đó có một kế hoạch phản công trên bộ khi đất nước bị tấn công, một sáng kiến có thể đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong chủ thuyết quân sự Nhật Bản.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 11/09 vừa qua, vài tháng trước khi tuyên bố từ chức, thủ tướng Shinzo Abe đã khởi động một kế hoạch thay đổi chính sách quốc phòng, lần đầu tiên cho phép quân đội Nhật Bản lên kế hoạch tấn công các mục tiêu trên bộ ở Trung Quốc và các khu vực khác của Châu Á.
Phản công vào các địa điểm của kẻ thù trên đất liền
Cho đến nay, quân đội Nhật chủ yếu lo việc ngăn chặn những cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Thay đổi chính sách mà ông Abe đề nghị sẽ thúc đẩy lực lượng võ trang Nhật Bản tạo ra một học thuyết quân sự mới để hướng mục tiêu phản công vào các địa điểm của kẻ thù trên đất liền.
Nếu được chính phủ kế nhiệm tại Nhật Bản thông qua, chính sách này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chủ thuyết quân sự của Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Điều này phản ánh nỗ lực bền bỉ của ông Abe trong việc trang bị cho Nhật Bản một quân đội mạnh mẽ hơn, trước những mối lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Mọi lựa chọn an ninh của Nhật Bản đều xuất phát từ yếu tố Trung Quốc
Theo Reuters, chính các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp là nguyên do thúc đẩy Nhật Bản thay đổi chủ thuyết quân sự.
Trong một bài phỏng vấn, ông Masahisa Sato, một nghị sĩ thuộc đảng Đảng Dân chủ Tự Do của ông Abe, người từng giữ chức thứ trưởng Quốc Phòng và thứ trưởng Ngoại Giao xác nhận : "Lý do chính thúc đẩy chúng tôi hành động là Trung Quốc. Chúng tôi không nhấn mạnh quá nhiều trên điều đó, nhưng các lựa chọn an ninh mà chúng tôi đưa ra đều là xuất phát từ yếu tố Trung Quốc".
Trên nguyên tắc, Nhật Bản đã từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh sau Thế Chiến Thứ Hai, thành ra mỗi khi nước này gợi lên vấn đề tấn công vào các mục tiêu trên đất liền, tức là tấn công vào nước ngoài, tranh cãi đã lập tức nổi lên với các láng giềng Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Bất chấp điều đó, theo Reuters, vào tháng 6 vừa qua, ông Abe đã yêu cầu giới hoạch định chính sách quốc phòng cao cấp của Nhật Bản thực hiện các đề xuất của đảng cầm quyền trong lãnh vực quân sự, trong đó có học thuyết tấn công trên bộ hay nói rộng ra là oanh kích.
Theo hai người trong cuộc, trong đó có quyền tổng thư ký đảng Dân Chủ Tự Do Tomomi Inada, thì đề xuất kể trên sẽ trở thành chính sách nếu được lồng vào trong một chiến lược quốc phòng sửa đổi.
Trả lời Reuters, ông Inada tỏ vẻ tin tưởng : "Tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều phản đối trong đảng... Hướng đi đó sẽ không thay đổi ngay cả đối với một thủ tướng mới".
Tên lửa hành trình tầm xa : Nhân tố thiết yếu của học thuyết phản công trên bộ
Trong kế hoạch phản công bằng cách tấn công trên bộ, một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết là phải có các loại tên lửa tầm xa như tên lửa hành trình chẳng hạn.
Theo Reuters, sử dụng tên lửa tầm xa không phải là vấn đề. Hiện nay, Quân Đội Nhật Bản đã có quyền sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các chiến hạm của kẻ thù, một khả năng được cho là hợp lý và hợp pháp vì mục tiêu là phá hủy những vũ khí đe dọa Nhật Bản.
Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, ông Itsunori Onodera, đề xuất tấn công trên bộ cũng có thể viện đến những lý do tương tự, và như vậy, những người ủng hộ kế hoạch này cho luật pháp của Nhật Bản sẽ không cần phải sửa đổi.
Hôm thứ Sáu 11/09 vừa qua, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản, vẫn do ông Abe lãnh đạo và bao gồm các quan chức nội các chủ chốt, bao gồm cả ông Suga, đã họp lại và xác nhận trong một thông cáo là sẽ xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm nay.
Trong thông cáo có một câu dự báo cho việc thay đổi chiến lược : "Có một câu hỏi đã được đặt ra là liệu việc ngăn chặn đơn thuần các cuộc tấn công có đủ để bảo vệ hòa bình, cuộc sống và sinh kế của người dân hay không ?".
Mua Tomahawk của Mỹ
Đối với tướng Katsutoshi Kawano, người cho đến năm ngoái là chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhật Bản, để có vũ khí tấn công trên bộ, Nhật Bản có thể mua loại tên lửa hành trình Tomahawk BGM-109 do Mỹ chế tạo.
Tomahawk có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 2.500 km, do đó đặt được hầu hết Trung Quốc và phần lớn vùng Viễn Đông của Nga trong tầm bắn.
Tuy nhiên ông Kawano cũng nói rõ là Nhật Bản chỉ có thể có khả năng tấn công đó trong vòng 5 năm tới, còn để có "một hệ thống tấn công hoàn chỉnh bao gồm các vệ tinh nhắm mục tiêu và các thành phần tác chiến điện tử" thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cần đến hơn 10 năm để có được. Trong khi chờ đợi, Nhật Bản sẽ phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ về tình báo và giám sát.
Để biến học thuyết quân sự mới thành hiện thực, tân chính phủ Nhật Bản sẽ phải hoàn tất kế hoạch mua sắm giữa kỳ cũng như chiến lược quốc phòng sửa đổi vào cuối tháng 12, trước khi Bộ Quốc Phòng đệ trình yêu cầu ngân sách hàng năm.
Các khó khăn tiềm tàng
Điều đó có thể vấp phải sự phản kháng từ đồng minh đang cầm quyền của đảng Dân Chủ Tự Do là đảng Phật Giáo Komeito, vốn lo ngại rằng động thái như vậy sẽ làm mích lòng Trung Quốc và đi ngược lại Hiến Pháp chủ hòa hiện hành.
Ngay cả một thành phần được cho là diều hâu trong nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do, trong đó có đối thủ tranh chức thủ tướng Nhật với ông Suga là cựu bộ trưởng Quốc Phòng Shigeru Ishiba, cũng nhận thấy môt mặt trái tiềm tàng của việc mua tên lửa hành trình tầm xa.
Nhân vật này đã đặt câu hỏi : "Điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ yêu cầu Nhật Bản phóng tên lửa trong lúc chúng ta không muốn ?".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 14/09/2020
**********************
Anh Vũ, RFI, 14/09/2020
Hôm 14/09/2020, đảng cầm quyền Dân chủ Tự Do (LPD) tại Nhật với đại đa số tán thành, đã chỉ định ông Yoshihide Suga, 71 tuổi, làm chủ tịch đảng thay ông Shinzo Abe, vừa từ chức vì lý do sức khỏe sau 8 năm cầm quyền. Vào ngày 16/09 này, ông Yoshihide Suga sẽ chính thức được Quốc Hội giao quyền lãnh đạo chính phủ phần còn lại của nhiệm kỳ này, kết thúc vào mùa thu năm 2021.
Thông tín viên Fréderic Charles từ Tokyo phân tích :
Hoàn toàn không có gì ngạc nhiên, trong chính trường Nhật rất hiếm khi xảy ra những bất ngờ đột biến. Yoshihide Suga không xuất thân từ gia đình làm chính trị lớn ở Nhật. Ông là con trai một nông dân trồng dâu ở miền bắc đất nước, vùng Akita.
Ông đã phải lao động vất vả để chi trả cho những năm học luật tại đại học. Là một nhà chiến thuật khôn khéo, trong chính quyền Shinzo Abe, ông đã biết cách đưa vào khuôn phép những thành phần quan liêu đầy quyền lực, vẫn thường làm lật đổ chính phủ mà họ không hài lòng.
Yoshihide Suga cam kết rằng những công chức cao cấp phải thực thi chính sách của chính phủ. Ngoài ra ông cũng đóng góp vào việc mở thị trường lao động cho người nước ngoài. Giờ đây ông Suga hứa sẽ mang lại niềm tin cho người dân rằng Nhật ngăn chặn đại dịch virus corona tốt hơn ở những nước khác.
Nhưng từ tháng 4 đến tháng 6, GDP của Nhật giảm 28%. Quả là rất lo lắng. Yoshihide muốn quy tụ các nhân vật cải cách để mang lại sức sống mới cho đất nước, trước khi cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn để củng cố quyền lực.
Sự lựa chọn tiếp nối Shinzo Abe
Sau khi tốt nghiệp khoa luật, ông Yoshihide làm trợ lý cho một nghị sĩ của vùng Yokohama. Đó cũng là nơi, năm 1987 khi mới 28 tuổi, ông được bầu vào hội đồng thành phố. 9 năm sau, ông trở thành dân biểu của thành phố lớn nằm ở phía đông Nhật và liên tiếp tái đắc cử tại đây.
Làm một cộng sự thân tín của Shinzo Abe từ khi ông này trở lại nắm quyền năm 2012, Yoshihide Suga được chỉ định làm phát ngôn viên chính phủ và đặc biệt là chức chánh văn phòng nội các, một chức vụ quan trọng nắm bắt được mọi triển khai chính sách của chính phủ. Ông Suga cũng là nhân vật quan trọng trong sách lược kinh tế "Abenomics" nhằm chấn hưng kinh tế Nhật từ sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền.
Nhìn chung theo giới quan sát, Yoshihide Suga là sự lựa chọn tiếp nối chính sách của Shinzo Abe : "Cứng rắn với Trung Quốc đồng thời cố gắng duy trì quan hệ vì lợi ích kinh tế, tuyệt đối giữ liên minh với Hoa Kỳ", theo bà Valérie Niquet, phụ trách mảng Châu Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp. Người Nhật biết không nhiều về Yoshihide Suga, một người rất kín đáo về đời tư.
Anh Vũ
Thắng cử lập pháp giúp thủ tướng Nhật đẩy nhanh sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa (RFI, 23/10/2017)
Trong cuộc bầu cử được tổ chức ngày hôm qua, 22/10/2017, theo các thẩm định của truyền thông Nhật Bản, liên minh giữa đảng bảo thủ Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito (trung hữu) đã dẫn đầu, giành được thắng lợi rõ nét, chiếm hai phần ba số ghế tại Hạ Viện, ít nhất là 310 dân biểu trong tổng số 465 ghế. Thắng lợi này cho phép thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa.
Thủ tướng Shinzo Abe trong buổi họp báo tại Tokyo, ngày 23/10/2017, sau chiến thắng lập pháp. Reuters/Toru Hanai
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles giải thích :
"Shinzo Abe muốn là bản Hiến Pháp chủ hòa, do Mỹ soạn thảo và áp đặt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thừa nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản, một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới và để cho nước này lại được quyền tham chiến. Ông thủ tướng muốn sửa lại điều 9 trong bản Hiến Pháp cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh để giải quyết các xung đột.
Shinzo Abe đã diễn giải lại Hiến Pháp để cho phép quân đội Nhật Bản được tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài, cùng với quân đội Mỹ. Một nửa dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến Pháp chủ hòa, vì theo họ, Hiến Pháp hiện nay giúp ngăn cản giới lãnh đạo tìm cách tiến hành chiến tranh.
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Shinzo Abe muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ, và cũng như Donald Trump, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nếu cần. An ninh của Nhật Bản phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ".
RFI tiếng Việt
*******************
Thủ tướng Nhật Abe tái đắc cử, tiếp tục ‘cứng rắn’ với Triều Tiên (VOA, 23/10/2017)
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 22/10 để mở rộng thời gian cầm quyền và tiếp tục nỗ lực tháo dỡ những hạn chế về quân sự theo hiến pháp chủ hòa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Đây là một chiến thắng rất lớn được trao cho chúng tôi", Thủ tướng Abe nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo hôm thứ Hai 23/10. "Chúng tôi khiên tốn nhận lãnh thắng lợi này"
Ông Abe bày tỏ hy vọng sẽ sử dụng chính sách "ngoại giao mạnh mẽ và kiên quyết" để giải quyết các vấn đề liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Abe nói : "Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên thay đổi lộ trình của họ".
Cuối tháng 9, khi công chúng gia tăng ủng hộ lập trường cứng rắn của ông đối với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, ông Abe đã giải tán Hạ viện, đề nghị tổ chức bầu cử sớm vào Chủ nhật vừa qua, thay vì chờ cho đến khi quốc hội mãn nhiệm vào tháng 12/2018.
Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe (LDP) và đối tác liên minh Đảng Komeito, giành được 312 ghế trong Hạ nghị viện có tổng cộng 465 ghế, còn được gọi là Viện Diet, đạt hơn đa số 2/3, tức 310 ghế. Các đảng đối lập chỉ giành được 143 ghế. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố hôm nay, thứ Hai 23/10.
Những người ủng hộ đảng bảo thủ của Thủ tướng Abe xem chiến thắng này là một cuộc biểu quyết tín nhiệm đối với các chính sách của ông nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.
An ninh quốc gia đã trở thành một mối quan ngại trong công chúng khi Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa của Triều Tiên – quốc gia cộng sản láng giềng mới đây đã bắn hai tên lửa tầm trung bay ngang qua không phận Nhật Bản và đe dọa sẽ "nhấn chìm" nước Nhật xuống biển.
Chính quyền Thủ tướng Abe ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng cho máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa và hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông Abe cũng ủng hộ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng áp lực tối đa, sử dụng chế tài và đe dọa hành động quân sự để buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Các nhà phê bình nói rằng nới lỏng các hạn chế đối với quân đội sẽ tách Nhật Bản ra khỏi các mâu thuẫn đang do Mỹ lãnh đạo. Đe dọa của Tổng thống Trump sẽ dùng vũ lực để tiêu diệt Triều Tiên hoàn toàn, nếu bị tấn công, càng làm tăng mối quan ngại này.
Ông Abe cho biết ông dự định sẽ sớm triệu tập một phiên họp đặc biệt của Viện Diet để thành lập chính phủ mới trước tháng 11, khi Tổng thống Trump thăm Nhật Bản và trước khi ông Abe đi dự hội nghị kinh tế khu vực APEC tại Việt Nam và hội nghị thượng đỉnh về an ninh ASEAN tại Philippines.
*********************
Bình Nhưỡng có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt vũ khí sinh học (RFI, 3/10/2017)
Bắc Triều Tiên có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt nhiều loại vũ khí sinh học tại Viện Công nghệ sinh học Bình Nhưỡng, nơi chuyên nghiên cứu các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
Lãnh đạo Kim Jong-un đang đi thanh tra một nhà máy tại Bình Nhưỡng. Bức ảnh được hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên đăng tải vào ngày 10/08/2016. KCNA/via Reuters
Theo Đài Châu Á Tự Do RFA, hôm 21/10/2017, trích dẫn một báo cáo mới được xuất bản của Trung tâm Belfer, thuộc trường Kennedy (Kennedy School), Đại học Harvard, chính quyền Bình Nhưỡng đã có trong tay các vũ khí sinh học và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp những loại vũ khí sinh học này. Báo cáo này cho rằng Bắc Triều Tiên hiện đang sở hữu khoảng 13 loại tác nhân gây bệnh, trong số đó có vi khuẩn gây ngộ độc thịt, bệnh tiêu chảy, và bệnh dịch hạch. Vi khuẩn gây bệnh than và đậu mùa rất có thể đã được sử dụng.
Theo nhóm tác giả của báo cáo, sự tiến triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được theo dõi dựa trên số vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa thành công, nhưng quá trình nuôi cấy các vi sinh vật gây bệnh là không thể kiểm soát được sau những cánh cửa phòng thí nghiệm đóng kín.
Về phía Washington, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Fox News hôm qua 22/10/2017, tổng thống Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối trước năng lực quốc phòng "gây sốc" của Hoa Kỳ, và tuyên bố, Washington đã "hoàn toàn sẵn sàng" để đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng đề cao hành động "giúp đỡ" của chính quyền Bắc Kinh trong việc gia tăng trừng phạt lên Bắc Triều Tiên.
Hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng luôn là mối bận tâm lớn của Washington, đặc biệt trong vài tháng gần đây, tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục có những màn đấu khẩu căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi này.
Duy Anh