Thắng cử lập pháp giúp thủ tướng Nhật đẩy nhanh sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa (RFI, 23/10/2017)
Trong cuộc bầu cử được tổ chức ngày hôm qua, 22/10/2017, theo các thẩm định của truyền thông Nhật Bản, liên minh giữa đảng bảo thủ Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito (trung hữu) đã dẫn đầu, giành được thắng lợi rõ nét, chiếm hai phần ba số ghế tại Hạ Viện, ít nhất là 310 dân biểu trong tổng số 465 ghế. Thắng lợi này cho phép thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa.
Thủ tướng Shinzo Abe trong buổi họp báo tại Tokyo, ngày 23/10/2017, sau chiến thắng lập pháp. Reuters/Toru Hanai
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles giải thích :
"Shinzo Abe muốn là bản Hiến Pháp chủ hòa, do Mỹ soạn thảo và áp đặt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thừa nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản, một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới và để cho nước này lại được quyền tham chiến. Ông thủ tướng muốn sửa lại điều 9 trong bản Hiến Pháp cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh để giải quyết các xung đột.
Shinzo Abe đã diễn giải lại Hiến Pháp để cho phép quân đội Nhật Bản được tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài, cùng với quân đội Mỹ. Một nửa dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến Pháp chủ hòa, vì theo họ, Hiến Pháp hiện nay giúp ngăn cản giới lãnh đạo tìm cách tiến hành chiến tranh.
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Shinzo Abe muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ, và cũng như Donald Trump, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nếu cần. An ninh của Nhật Bản phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ".
RFI tiếng Việt
*******************
Thủ tướng Nhật Abe tái đắc cử, tiếp tục ‘cứng rắn’ với Triều Tiên (VOA, 23/10/2017)
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 22/10 để mở rộng thời gian cầm quyền và tiếp tục nỗ lực tháo dỡ những hạn chế về quân sự theo hiến pháp chủ hòa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Đây là một chiến thắng rất lớn được trao cho chúng tôi", Thủ tướng Abe nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo hôm thứ Hai 23/10. "Chúng tôi khiên tốn nhận lãnh thắng lợi này"
Ông Abe bày tỏ hy vọng sẽ sử dụng chính sách "ngoại giao mạnh mẽ và kiên quyết" để giải quyết các vấn đề liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Abe nói : "Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên thay đổi lộ trình của họ".
Cuối tháng 9, khi công chúng gia tăng ủng hộ lập trường cứng rắn của ông đối với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, ông Abe đã giải tán Hạ viện, đề nghị tổ chức bầu cử sớm vào Chủ nhật vừa qua, thay vì chờ cho đến khi quốc hội mãn nhiệm vào tháng 12/2018.
Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe (LDP) và đối tác liên minh Đảng Komeito, giành được 312 ghế trong Hạ nghị viện có tổng cộng 465 ghế, còn được gọi là Viện Diet, đạt hơn đa số 2/3, tức 310 ghế. Các đảng đối lập chỉ giành được 143 ghế. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố hôm nay, thứ Hai 23/10.
Những người ủng hộ đảng bảo thủ của Thủ tướng Abe xem chiến thắng này là một cuộc biểu quyết tín nhiệm đối với các chính sách của ông nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.
An ninh quốc gia đã trở thành một mối quan ngại trong công chúng khi Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa của Triều Tiên – quốc gia cộng sản láng giềng mới đây đã bắn hai tên lửa tầm trung bay ngang qua không phận Nhật Bản và đe dọa sẽ "nhấn chìm" nước Nhật xuống biển.
Chính quyền Thủ tướng Abe ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng cho máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa và hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông Abe cũng ủng hộ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng áp lực tối đa, sử dụng chế tài và đe dọa hành động quân sự để buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Các nhà phê bình nói rằng nới lỏng các hạn chế đối với quân đội sẽ tách Nhật Bản ra khỏi các mâu thuẫn đang do Mỹ lãnh đạo. Đe dọa của Tổng thống Trump sẽ dùng vũ lực để tiêu diệt Triều Tiên hoàn toàn, nếu bị tấn công, càng làm tăng mối quan ngại này.
Ông Abe cho biết ông dự định sẽ sớm triệu tập một phiên họp đặc biệt của Viện Diet để thành lập chính phủ mới trước tháng 11, khi Tổng thống Trump thăm Nhật Bản và trước khi ông Abe đi dự hội nghị kinh tế khu vực APEC tại Việt Nam và hội nghị thượng đỉnh về an ninh ASEAN tại Philippines.
*********************
Bình Nhưỡng có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt vũ khí sinh học (RFI, 3/10/2017)
Bắc Triều Tiên có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt nhiều loại vũ khí sinh học tại Viện Công nghệ sinh học Bình Nhưỡng, nơi chuyên nghiên cứu các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
Lãnh đạo Kim Jong-un đang đi thanh tra một nhà máy tại Bình Nhưỡng. Bức ảnh được hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên đăng tải vào ngày 10/08/2016. KCNA/via Reuters
Theo Đài Châu Á Tự Do RFA, hôm 21/10/2017, trích dẫn một báo cáo mới được xuất bản của Trung tâm Belfer, thuộc trường Kennedy (Kennedy School), Đại học Harvard, chính quyền Bình Nhưỡng đã có trong tay các vũ khí sinh học và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp những loại vũ khí sinh học này. Báo cáo này cho rằng Bắc Triều Tiên hiện đang sở hữu khoảng 13 loại tác nhân gây bệnh, trong số đó có vi khuẩn gây ngộ độc thịt, bệnh tiêu chảy, và bệnh dịch hạch. Vi khuẩn gây bệnh than và đậu mùa rất có thể đã được sử dụng.
Theo nhóm tác giả của báo cáo, sự tiến triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được theo dõi dựa trên số vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa thành công, nhưng quá trình nuôi cấy các vi sinh vật gây bệnh là không thể kiểm soát được sau những cánh cửa phòng thí nghiệm đóng kín.
Về phía Washington, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Fox News hôm qua 22/10/2017, tổng thống Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối trước năng lực quốc phòng "gây sốc" của Hoa Kỳ, và tuyên bố, Washington đã "hoàn toàn sẵn sàng" để đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng đề cao hành động "giúp đỡ" của chính quyền Bắc Kinh trong việc gia tăng trừng phạt lên Bắc Triều Tiên.
Hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng luôn là mối bận tâm lớn của Washington, đặc biệt trong vài tháng gần đây, tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục có những màn đấu khẩu căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi này.
Duy Anh