Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/10/2017

Cậy được Trung Quốc giúp đỡ, Hun Sen thách thức Hoa Kỳ

RFA tiếng Việt

Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen tuyên bố không sợ trừng phạt của Mỹ (RFI, 27/10/2017)

Phát biểu trước hội đồng bộ trưởng vào ngày 27/10/2017, thủ tướng Cam Bốt tuyên bố không sợ trừng phạt của phương Tây, sau khi một số thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa áp đặt giới hạn đi lại đối với viên chức cao cấp Cam Bốt, do việc lãnh đạo đối lập bị bắt. Thủ tướng Hun Sen bị tố cáo "phá hủy" nền dân chủ ở Cam Bốt để đảm bảo thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2018 và tiếp tục nắm quyền, sau 32 năm.

campu1

Thủ tướng Hun Sen tại phiên họp toàn thể Quốc hội Cam Bốt, Phnom Penh, ngày 12/10/2017. Reuters/Samrang Pring

Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz cho biết sẽ thúc đẩy việc cấm các viên chức cao cấp chính quyền Cam Bốt vào Mỹ nếu lãnh đạo đối lập Kem Sokha không được trả tự do vào ngày 09/11. Các thượng nghị sĩ John McCain và Dick Durbin cũng kêu gọi việc giới hạn trên nếu đàn áp tiếp diễn tại Cam Bốt.

Phát biểu trong cuộc họp thường kỳ, thủ tướng Cam Bốt cho là trừng phạt của phương Tây không làm ông lo ngại. Theo người phát ngôn của chính phủ, Phay Siphan trả lời Reuters, ông Hun Sen còn nói thêm là ông "không có tài sản ở nước ngoài và ông cũng không có việc gì cần đặt chân lên đất Mỹ".

Ông Kem Sokha bị bắt giữ vào ngày 03/09, bị tố cáo là phản nghịch, muốn chiếm chính quyền với sự trợ giúp của người Mỹ. Chính quyền Phnom Penh còn yêu cầu tòa án giải tán đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc của ông Sokha.

Các quốc gia phương Tây đã lên án vụ bắt giam lãnh đạo đối lập, gia tăng vận động, kêu gọi trả tự do cho ông Kem Sokha.

Ngày 26/10, Nhật Bản đã lên tiếng, qua lời thứ trưởng ngoại giao Iwao Horii, kêu gọi Cam Bốt tổ chức bầu cử tự do và minh bạch.

Trọng Nghĩa

*******************

Thủ tướng Campuchia nói đảng đối lập sẽ bị giải tán (RFA, 23/10/2017)

Ông Hun Sen Thủ tướng Campuchia nói rằng việc đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc bị giải tán là một chuyện đương nhiên.

hun1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới dự lễ khởi công cầu bắc qua sông Tonle Sap, tại làng Russey Keo gần Phnom Penh, Campuchia. Ảnh chụp ngày 23 tháng 10 năm 2017. AP

Ông nói như vậy nhân buổi lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp Định Paris, tái dựng nền dân chủ đa đảng tại đất nước Campuchia vào năm 1991.

Hơn 50 nhóm nhân quyền đã kêu gọi các quốc gia ký Hiệp Định Paris cần phải hành động gấp vì nền dân chủ đang bị đe dọa tại Campuchia.

Hiện nay lãnh tụ của đảng đối lập Kem Sokha đang bị cầm tù với tội danh được cho là âm mưu lật đổ nhà nước với sự giúp đỡ của ngoại bang là Hoa Kỳ.

Nhiều đại biểu quốc hội của đảng này cũng chạy trốn ra nước ngoài vì sợ bị đàn áp.

Ông Hun Sen bị chỉ trích là đang định biến Campuchia trở thành một đất nước độc đảng với đảng Nhân Dân Cách Mạng do ông lãnh đạo.

Vào ngày này năm 1991 nhiều quốc gia với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã ký một hiệp định tại Paris, theo đó quân đội Việt Nam đang chiếm đóng Campuchia phải rút quân về nước, đồng thời Campuchia sẽ trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến với nhiều đảng chính trị cùng tham gia cạnh tranh chính trị.

Ông Hun Sen nói rằng sau Hiệp Định Paris, Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc đem lại hòa bình cho Campuchia, mà nền hòa bình này chỉ có được là do sự thương lượng của ông với lực lượng du kích Khmer đỏ lúc đó mà thôi.

Trước lời kêu gọi của các nhóm nhân quyền, ông Hun Sen nói rằng chuyện kêu gọi các quốc gia đã ký Hiệp Định Paris hành động, là một chuyện lỗi thời và không thể xảy ra, vì một trong những nước ký hiệp định đó là Liên Xô không còn tồn tại nữa.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của đảng cộng sản Trung Quốc, một trong những quốc gia ký hiệp định Paris như vừa nêu thì bình luận rằng nước ngoài không nên can thiệp vào chính trị nội bộ của Campuchia.

Quay lại trang chủ
Read 908 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)