Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/10/2017

Tập Cận Bình đi vào bất tử như Mao Trạch Đông

Tổng hợp

Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc 19 : Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông (RFI, 24/10/2017)

Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc chính thức kết thúc vào hôm 24/10/2017. Trên 2.300 đại biểu đã bầu ra 205 ủy viên trung ương, và sửa đổi điều lệ để ghi thêm "tư tưởng Tập Cận Bình" vào. Ông Tập rõ ràng đã trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc từ 40 năm qua, ngang hàng với Mao Trạch Đông.

mao1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đại biểu trong một cuộc bầu phiếu lúc bế mạc Đại hội thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh tại Bắc Kinh, ngày 24/10/2017. Reuters/Thomas Peter

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

"Không phản đối", người ta có thể nghe thấy như vậy trong Đại Lễ Đường Nhân Dân rộng mênh mông. Tất cả 2.300 đại biểu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đều nhất loạt giơ tay để bật đèn xanh cho việc ghi tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng.

Nay Tập Cận Bình đã qua mặt hai người tiền nhiệm : cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đều không được khắc ghi tư tưởng của mình vào Điều lệ như thế. Phải quay trở lại thời Mao Trạch Đông, người sáng lập ra chế độ, mới tìm lại được vinh dự tương đương.

Điều này có vẻ chỉ mang tính biểu tượng, nhưng trong thế giới bí mật và mang tính quy tắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc ghi tên tổng bí thư Tập Cận Bình cho thấy rõ quyền lực tuyệt đối của ông Tập trên 89 triệu đảng viên và đối với đất nước. Còn có ai dám thách thức con người nay đã ngồi ngang hàng với Mao Trạch Đông, vẫn luôn được gọi là "Người cầm lái vĩ đại" ?

Bây giờ không còn là lúc để tranh luận mà là tuân phục. Nhiều quan chức cao cấp đã kêu gọi các đảng viên nghiên cứu kỹ lưỡng "chủ nghĩa xã hội của thời kỳ mới". Bộ trưởng giáo dục Trần Bảo Sinh (Chen Baosheng) tỏ ra gương mẫu : ông hứa hẹn tư tưởng mới sẽ nhanh chóng được đưa vào sách giáo khoa, vào các lớp học và trong trí não học sinh.

"Tư tưởng Tập Cận Bình" là gì ? AFP dẫn những nét chính trong bài diễn văn khai mạc của ông Tập, cho thấy trước hết là "đại phục hưng quốc gia". Tập Cận Bình hứa hẹn xây dựng một quân đội "hàng đầu thế giới" từ nay đến 2050, cải thiện phúc lợi xã hội, Nhà nước pháp quyền "xã hội chủ nghĩa", "chung sống hài hòa với thiên nhiên". Nhưng "tất cả đều phải đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, từ chính phủ, quân đội cho đến xã hội dân sự".

Dấu ấn quyền lực của Tập Cận Bình sẽ được xác nhận vào ngày mai, khi tên của bảy ủy viên thường trực Bộ Chính Trị được loan báo. Theo các nhà phân tích, do điều lệ sửa đổi ghi "Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ chỉ đạo cho Đảng", khi nào còn sống thì ông Tập vẫn là người quyết định cuối cùng.

Thụy My

*********************

Ông Tập : 'Lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc' sau ông Mao (BBC, 24/10/2017)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã "nhất trí đồng ý" đưa "Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình" vào Điều lệ Đảng.

mao2

Việc thay đổi điều lệ đảng sẽ đưa ông Tập Cận Bình lên ngang hàng với nhà sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông

Như vậy Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.

Ông Tập đã liên tục tăng dần việc siết chặt quyền lực kể từ khi ông trở thành lãnh đạo hồi 2012.

Tân Hoa Xã nói Đại hội đã thông qua Nghị quyết về "Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi", quyết định đề án sửa đổi này có hiệu lực từ ngày được thông qua.

Bản tin Tân Hoa Xã viết : "Đại hội nhất trí đồng ý, đưa Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, cùng với Chủ nghĩa Mác- Lê-nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng "Ba đại diện" và Quan điểm Phát triển khoa học là kim chỉ nam hành động của Đảng".

Theo giới phân tích, trước đây chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có tên trong Điều lệ Đảng.

Hai học thuyết của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã có trong Điều lệ Đảng, nhưng không kèm tên hai người này.

Như vậy, ông Tập Cận Bình nay đã được Đảng cộng sản xem là đứng trên cả hai người tiền nhiệm, Giang và Hồ.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá mới gồm 204 ủy viên Trung ương, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, 172 ủy viên Trung ương dự khuyết.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khoá mới gồm 133 thành viên.

Hơn 2.000 đại biểu đã về dự kỳ họp chính trị quan trọng nhất nước, được tổ chức tại Bắc Kinh.

Đại hội khai mạc hồi cuối tuần trước với bài diễn văn kéo dài ba tiếng đồng hồ của ông Tập, trong đó ông lần đầu tiên nêu ra ý tưởng của mình, "chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới".

Các quan chức hàng đầu và truyền thông nhà nước sau đó bắt đầu nhắc đi nhắc lại ý tưởng này, gọi đó là "Tư tưởng Tập Cận Bình", một chỉ dấu cho thấy ông Tập đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong Đảng.

Biên tập viên chuyên về Trung Quốc của BBC, Carrie Gracie nói việc đề cao "Tư tưởng Tập Cận Bình" trong điều lệ Đảng có nghĩa là các đối thủ của ông nay không thể thách thức nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc mà không bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Một số nhà lãnh đạo trước đây của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã từng được đưa ý tưởng vào Điều lệ Đảng, tuy nhiên trừ Mao Trạch Đông ra thì không có ý tưởng của ai được mô tả là "tư tưởng", tức là mức cao nhất trong thứ bậc ý thức hệ.

Đáng chú ý, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.

Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc được bổ sung vào danh sách các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều, 66 tuổi cũng không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.

mao3

Ủy viên trung ương đảng khóa 18 bị kỷ luật

Vì sao "Tư tưởng Tập Cận Bình" quan trọng ?

Khẩu hiệu mới của Trung Quốc nghe cũng không xuôi tai lắm.

Nhưng từ nay học sinh, sinh viên và công nhân tại các nhà máy quốc doanh sẽ cùng 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc học tập "Tư tưởng Tập Cận Bình" trong thời đại mới của xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc.

Cách nói "thời đại mới" là cách đảng cộng sản nói đây là chương thứ ba trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.

Nếu như chương đầu là Chủ tịch Mao thống nhất một đất nước bị chiến tranh hủy hoại, chương thứ hai là làm giàu dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì thời đại mới còn chú trọng hơn đến đoàn kết và làm giàu, động thời xây dựng Trung Quốc có kỷ cương trong nước và hùng mạnh ở nước ngoài.

Đưa tất cả những ý này dưới cái tên của Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng cộng sản có nghĩa là các đối thủ của ông Tập không thể thách thức ông mà không đe dọa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

"Tư tưởng Tập Cận Bình"là gì ?

Thoạt nhìn qua, "tư tưởng Tập Cận Bình" nghe có vẻ trừu tượng mơ hồ, nhưng thực chất nó mô tả tư tưởng cộng sản mà ông Tập cổ xúy trong suốt thời kỳ ông làm lãnh đạo.

mao4

14 nguyên tắc chính của "tư tưởng Tập Cận Bình" nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo mọi khía cạnh của đất nước. Ngoài ra, tư tưởng này còn :

- Kêu gọi "cải cách toàn diện và sâu sắc" và "các ý tưởng phát triển mới"

- Hứa hẹn "chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên" - đây là lời kêu gọi bảo vệ môi trường tốt hơn, và có thể nói đến mục tiêu đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc qua các nguồn năng lượng tái tạo.

- Nhấn mạnh về "quyền lực tuyệt đối của đảng đối với quân đội nhân dân" - trong bối cảnh các nhà phân tích cho là thay đổi nhân sự lớn nhất trong các quan chức quân đội cao cấp trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của "một nhà nước hai chế độ" và sự thống nhất tổ quốc - nói đến Hong Kong và Đài Loan.

******************

Lãnh đạo Trung Quốc đi lên từ Quý Châu nghèo khó ? (BBC, 24/10/2017)

Một nhà quan sát nước ngoài, ông Andrei Lungu tin rằng Quý Châu tuy nghèo nhưng là 'vườn ươm' lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.

mao5

Lễ hội của người sắc tộc thiểu số ở Quý Châu, vùng Tây Nam Trung Quốc

Trong bài trên Foreign Policy (20/10/2017), ông Lungu từ Viện RISAP đặt ra khả năng nguyên Bí thư Quý Châu, Trần Mẫn Nhĩ, là người được Tập Cận Bình chọn kế nhiệm vào 5 năm tới.

Tỏ ra nghi ngờ giả thuyết rằng ông Tập sẽ làm tất cả để cầm quyền Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, tác giả Andrei Lungu nói ông Trần, sinh năm 1960, là người sẽ vào đúng độ tuổi không thừa, không thiếu để đến năm 2022 lên thay ông Tập.

Nhưng ngoài độ tuổi, ông Trần Mẫn Nhĩ còn có hai yếu tố khác là trung thành và năng lực, để lên kế nhiệm.

Yếu tố địa phương và lòng trung thành

mao6

Trần Mẫn Nhĩ lên làm Phó Chủ tịch Quý Châu và vào Trung ương Đảng năm 47 tuổi

Trần Mẫn Nhĩ từng là người bốn năm liền soạn các bài viết hàng tuần đăng báo cho Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Triết Giang.

Phụ trách công tác khoa giáo ở Tỉnh ủy Triết Giang, ông Trần còn rất mẫn cán trong công tác phổ biến các ý nghĩ, sáng kiến của Bí thư Tập trong toàn tỉnh.

Độ tin cậy cao khiến ông Trần thăng tiến liên tục, cùng bước đường công danh lên cao nữa của Tập Cận Bình, theo Andrei Lungu.

Tháng 3/2007, Tập Cận Bình lên làm Bí thư Thượng Hải, một vị trí chuẩn bị để lên cao hơn thì Trần Mẫn Nhĩ được phong làm Phó Chủ tịch Triết Giang.

Cùng năm, ông Trần vào làm Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng.

Sang tháng 1/2012, Trần Mẫn Nhĩ được cử về làm Phó Bí thư Quý Châu, tỉnh trên 30 triệu dân nhưng chỉ có 60% là người Hán.

Tại Đại hội Đảng 18 cùng năm, Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư, còn Trần Mẫn Nhĩ làm Ủy viên trung ương và Chủ tịch Quý Châu.

Phải qua thử thách ở tỉnh nghèo

Vẫn theo phân tích của Andrei Lungu, Quý Châu là tỉnh nghèo nhưng cũng là địa bàn thử thách của những lãnh đạo được điều tới từ các vùng giàu hơn.

Trong thập niên 1980, Hồ Cẩm Đào từng làm lãnh đạo Đảng ở tỉnh này.

Điều lạ là trong năm nay, chính Tập Cận Bình lại có tư cách đại biểu của Đại hội Đảng từ Quý Châu.

Lý do là ông Tập muốn dùng tỉnh này là nơi chứng minh sự thành công của khẩu hiệu "Ra khỏi đói nghèo" mang tính cách mạng ông nêu ra.

Mấy năm qua, Trần Mẫn Nhĩ đang có thành tích trong công tác này.

Nhờ thu hút khoản đầu tư của Apple, ông đã biến Quý Châu thành địa bàn có GDP tăng 10,5% trong năm 2016, cao thứ ba trên cả nước.

Image captionCông an và quân đội Trung Quốc trong Ngày Liệt sĩ ở Quý Châu, nơi ông Tập muốn đề cao 'tinh thần cách mạng'

Ngay trước Đại hội 19, ông Trần Mẫn Nhĩ được cử rời khỏi Quý Châu về Trùng Khánh, thay chức Bí thư của Tôn Chính Tài, người bị hạ bệ đột ngột.

Ban đầu, một trong những "tội danh" mà Đảng cộng sản gán cho ông Tôn là "chưa làm đủ để tẩy sạch Trùng Khánh khỏi ảnh hưởng còn lại của Bạc Hy Lai.

Sau đó người ta chuyển sang buộc tội ông Tôn có "âm mưu soán quyền".

Việc đưa Trần Mẫn Nhĩ về Trùng Khánh để chấn chỉnh đô thị giàu có trên 30 triệu dân nhưng ở vùng xa, dễ rơi ra ngoài vòng cương tỏa của trung ương lại là một dấu hiệu nữa cho thấy ông được Tập Cận Bình tin tưởng tuyệt đối.

Vì thế, và khả năng lên cao nữa của ông Trần, là hoàn toàn rộng mở.

*********************

Người "mất tích" cuối cùng vì làm sách về đời tư lãnh đạo Trung Quốc được thả (RFI, 24/10/2017)

Chính quyền Thụy Điển hôm nay 24/10/2017 thông báo Bắc Kinh đã trả tự do cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển gốc Hoa làm việc cho một nhà xuất bản chuyên in những cuốn sách nói về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc, là một trong năm người "mất tích" trước đây. Tuy nhiên gia đình cho biết không hề có tin tức gì về ông.

mao7

Năm người làm việc cho nhà xuất bản Mighty Current ở Hồng Kông lần lượt bị mất tích một cách khó hiểu trong năm 2015. Reuters/Tyrone Siu

Bà Sofia Karlberg, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thụy Điển cho biết đã nhận được thông báo của Bắc Kinh về việc phóng thích ông Quế Dân Hải, nhưng không cho biết ngày tháng và lý do cụ thể.

Tuy nhiên con gái ông là Angela Gui tỏ ra nghi ngờ, vì chưa có được thông tin nào. Bà nói rằng khi các nhà ngoại giao Thụy Điển đến nơi hôm 17/10, phía Trung Quốc tuyên bố ông Quế "đã được thả vào nửa đêm, và hiện không biết ông ở đâu". Chưa có bất cứ thành viên nào trong gia đình được ông liên lạc.

Ngược lại tổng lãnh sự Thụy Điển tại Thượng Hải hôm qua nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là Quế Dân Hải, nói tiếng Thụy Điển, cho biết muốn xin hộ chiếu trong hai tháng tới, nhưng hiện muốn dành thời gian chăm sóc người mẹ đang bị bệnh. Tuy nhiên bà Angela Gui nói rằng bà nội không bệnh hoạn gì.

Ông Quế Dân Hải, 53 tuổi, bị bắt cóc vào năm 2015, khi ông đang đi nghỉ tại Thái Lan. Trong năm đó, có tổng cộng năm người làm việc cho nhà xuất bản "Mighty Current" ở Hồng Kông đã bị mất tích, và sau đó xuất hiện tại Hoa lục, bị các nhân viên an ninh Trung Quốc kèm sát. Bốn người "mất tích" nay đã được trở về Hồng Kông, ông Quế Dân Hải là người cuối cùng còn bị giam giữ.

 "Mighty Current" chuyên xuất bản những cuốn sách nói về hậu trường chính trị Hoa lục, và đời tư các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả Tập Cận Bình. Những sách này bị cấm, nhưng khách Trung Quốc đến Hồng Kông thường lùng mua.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 768 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)