Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi 'đau đớn nhất' (BBC, 13/09/2017)
Bắc Hàn đe dọa Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu "nỗi đau ghê gớm nhất" sau khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bắc Hàn nói nước này đã phát triển và thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch
Phái viên của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc Washington đã chọn "đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự".
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết động thái này chưa là gì so với những gì sẽ xảy ra để đối phó với Bắc Hàn.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là nỗ lực nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung năng lượng cho Bắc Hàn vì các chương trình vũ khí của nước này.
Các lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may được thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và quy mô nhất của Bắc Hàn vào đầu tháng này.
Han Tae Song, Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, nói ông "dứt khoát bác bỏ" cái mà ông gọi là "nghị quyết bất hợp pháp".
"Các biện pháp sắp tới của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ phải hứng chịu sự đau đớn ghê gớm nhất trong lịch sử", ông Song nói tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
"Thay vì đưa ra lựa chọn đúng đắn với phân tích hợp lý, Washington cuối cùng chọn đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự, bị ám ảnh bởi giấc mơ hoang tưởng về việc đảo ngược tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên - vốn đã đến giai đoạn hoàn thiện".
Nghị quyết được nhất trí thông qua sau khi các đồng minh của Bắc Hàn là Nga và Trung Quốc đồng ý áp lệnh trừng phạt nhẹ nhàng hơn so với đề xuất ban đầu của Mỹ.
Văn bản ban đầu bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu hoàn toàn, một biện pháp mà một số nhà phân tích cho là có thể gây bất ổn cho Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt mới được Liên Hiệp Quốc thông qua gồm :
- Hạn chế nhập khẩu dầu thô và mặt hàng dầu. Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, cung cấp hầu hết dầu thô cho Bắc Hàn
- Một lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Bình Nhưỡng trị giá hơn 700 triệu đôla mỗi năm
- Một lệnh cấm thị thực mới cho người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài, theo ước tính của Hoa Kỳ, sẽ cắt giảm 500 triệu đôla thu nhập thuế hàng năm
Đề xuất đóng băng tài sản và một lệnh cấm đi lại đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị bác bỏ.
Phản ứng hôm 12/9, ông Trump nói : "Chúng tôi nghĩ đó chỉ là một bước rất nhỏ, không có gì lớn.
"Tôi không biết liệu nó có ảnh hưởng gì hay không... Nhưng những biện pháp trừng phạt này không có là gì so với những gì cuối cùng sẽ phải xảy ra", ông nói thêm, nhưng không nói thêm chi tiết.
*****************
Trung Quốc có thể bị chế tài thêm vì Triều Tiên (VOA, 13/09/2017)
Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 tuyên bố nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên thì ông sẽ tìm cách áp đặt thêm trừng phạt tài chánh lên Bắc Kinh để cắt việc tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ.
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tại cuộc họp báo ngày 28/8/2017 ở Las Vegas.
Ông Mnuchin nói với một hội nghị được truyền hình trên CNBC là Trung Quốc nhất trí những chế tài "lịch sử" đối với Triều Tiên hôm 11/9 trong một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
"Nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài này, chúng ta sẽ áp đặt thêm những chế tài đối với họ và ngăn không cho nước này tiếp cận hệ thống đô la Mỹ và quốc tế, và điều này sẽ có ảnh hưởng lớn", ông Mnuchin nói.
Trong khi đó, AP loan tin các giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về chiến dịch tăng áp lực chống lại việc phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Cuộc điều trần ngày 12/9 diễn ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt các chế tài mới đối với Triều Tiên về việc nước này thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch. Hội đồng cấm Triều Tiên xuất khẩu vải vóc và hạn chế việc Bình Nhưỡng nhập khẩu dầu thô.
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Tài trợ Khủng bố, Marshall Billingslea, ghi nhận thái độ ủng hộ nghị quyết Liên hiệp quốc của Trung Quốc và Nga, nhưng ông kêu gọi hai nước "phải làm nhiều hơn nữa" để thực thi những chế tài.
(Nguồn Reuters/AP)
***********************
Ngân hàng Trung Quốc lo ngại vì Bắc Hàn (BBC, 12/09/2017)
Các ngân hàng lớn tại Trung Quốc đang âm thầm rút rút khỏi thị trường tiền tệ Bắc Hàn. Điều này không hẳn là do người láng giềng rắc rối của Trung Quốc, mà là sự e sợ trước những tác động tới từ Hoa Kỳ.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu ntrt bị trừng phạt - Ảnh minh họa
Các ngân hàng có chi nhánh gần biên giới Bắc Hàn cho biết họ được yêu cầu không mở tài khoản mới cho các công dân và doanh nghiệp nước này.
Đây không phải là một phần của lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
Đây là một nỗ lực đáp trả những động thái của Hoa Kỳ nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc, vốn bị cáo buộc là vẫn liên kết kinh doanh bất chấp các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Bên cạnh những quyết định của Liên Hợp Quốc, Bộ Tài chính Mỹ cũng có những lệnh trừng phạt riêng, đưa vào danh sách đen nhiều tổ chức và cá nhân được cho là đã hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Khi một cá nhân hay tổ chức được đưa vào danh sách cấm vận của Hoa Kỳ, các tổ chức này có thể phải đối mặt với những án phạt nghiêm khắc vì những hành động mình đã gây ra.
"Trung gian"
Các tổ chức tài chính Trung Quốc bị cáo buộc đã hợp thức hóa những khoản đầu tư hỗ trợ Bắc Hàn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân.
Chính phủ tại Bình Nhưỡng được cho là đã chuyển tiền quanh thế giới thông qua các ngân hàng Trung Quốc.
Với lý do này, các quan chức tại Washington DC đe dọa sẽ đưa các ngân hàng lớn tại Trung Quốc vào danh sách đen : các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với những tổ chức lớn này sẽ gây bất ổn cho kinh tế thế giới.
Trong thời gian gần đây, ngân hàng Đan Đông đã bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết : "Ngân hàng Đan Đông là 'trung gian' cho Bắc Hàn tiếp cận với Mỹ và hệ thống tài chính quốc tế, bao gồm hàng triệu đô la cho các công ty liên quan đến các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn".
Mệnh lệnh của ngân hàng nhà nước
Các ngân hàng lớn tại Trung Quốc không thể rơi vào tình trạng tương tự.
Các nhân viên từ ít nhất 7 chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã xác nhận rằng các tài khoản mới của khách hàng Bắc Hàn sẽ không được mở.
Quá trình này đã bắt đầu từ nhiều tháng trước.
Một nhân viên ngân hàng cho biết đây là mệnh lệnh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không trả lời thông tin qua điện thoại hay fax.
Một túi tiền
Tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, một nhân viên Ngân hàng Trung Quốc cho biết, "tất cả các hoạt động ngân hàng liên quan đến Bắc Hàn đều bị phong tỏa vì đây là một nước bị cấm vận".
Tuy nhiên không phải không có cách lách luật.
Một người dân Bắc Hàn có thể mang một túi tiền qua sông Đồ Mồn và nhờ một người Trung Quốc làm trung gian để mở tài khoản ngân hàng.
Cũng không có thông tin rõ ràng về việc các tài khoản hiện tại có tiếp tục được sử dụng hay sẽ có nguy cơ bị đóng.
Sự buông lỏng
Trung Quốc có vẻ lo ngại về những lời đe dọa của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết : "Tôi không để ý về chi tiết nhưng chúng tôi phản đối lệnh cấm vận quốc tế, đặc biệt là việc lạm dụng quyền hạn lên luật nội địa của một số quốc gia".
Một mặt phản đối hành động này của Hoa Kỳ, nhưng mặt khác Trung Quốc thà buông tay với Bắc Hàn để giữ được vị thế kinh tế của mình.
Theo chính phủ Hoa kỳ, thương mại giữa hai nước đạt mức 648,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hỗ trợ kết quả thương mại này nên có lẽ Washington sẽ không muốn mạo hiểm với mối quan hệ này.
Tuy nhiên, nếu không áp dụng cấm vận toàn diện, các quyết định cấm vận ở tầm nhỏ hơn vẫn có thể diễn ra.
Và những tai tiếng đối với các tổ chức tài chính lớn không phải là điều Trung Quốc muốn.
Bắc Kinh sẽ từ bỏ hàng triệu đô la từ Bắc Hàn nếu điều đó có thể giúp giữ lại hàng trăm tỉ đô la từ Mỹ.
Bắc Triều Tiên : Trung Quốc sợ bị gạt ra ngoài lề
Trung Quốc lo sợ sẽ bị cho đứng ngoài lề trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Do không biết được ông Trump thực sự kiên quyết hay chỉ tung hỏa mù, trong hoang mang, Bắc Kinh đành phải cảnh giác. Việc tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đơn phương hành động, cho dù không hoàn toàn chắc chắn, đã gây chuyển động nơi Trung Quốc, sau 25 năm hoàn toàn không động thủ.
Lực lượng đặc biệt Bắc Triều Tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, 15/04/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Hôm nay nghỉ lễ Phục Sinh, đa số các báo Paris đều vắng bóng, chỉ có tờ Le Figaro xuất hiện trên quầy và Le Monde cuối tuần. "Một lễ Phục Sinh căng thẳng cho người Công giáo Trung Đông", tựa của Le Figaro, còn Le Monde quan tâm đến "Thế lưỡng nan của cử tri cánh tả"trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này.
Liên quan đến Châu Á, trang mạng Libération đăng bài phỏng vấn ông François Godement, giám đốc chương trình Châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nhận định về tình hình leo thang quân sự tại bán đảo Triều Tiên. Bài viết mang tựa đề "Bắc Kinh lo ngại bị đứng ngoài lề trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".
Từ khi lên làm tổng thống cách đây ba tháng, Donald Trump đã kết thúc nhiều thập niên thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Việc ông Trump đe dọa không cần đến Bắc Kinh để chấm dứt những khiêu khích của đồng minh Bình Nhưỡng và gởi hàng không mẫu hạm đến ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, đã làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.
Liệu Bắc Kinh có thay đổi thái độ từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền hay không ?
Chuyên gia François Godement nhận định, trong lúc phương Tây liên tục chỉ trích hay chế nhạo ông Trump, và có thể là đánh giá thấp chính quyền Trump, thì Trung Quốc lại có cái nhìn thận trọng. Bắc Kinh coi đây là chuyện nghiêm túc, nên đã tạm thời dừng tay nghe ngóng động tĩnh và không hành động thái quá. Thái độ của Tập Cận Bình khi gặp gỡ tổng thống Mỹ ở Mar-a-Lago cho thấy rất rõ điều đó.
Trước khi dùng món tráng miệng, ông Trump báo cho ông Tập biết là vừa bắn hỏa tiễn vào Syria. Ông Tập im lặng mất 10 giây, suy nghĩ ít lâu rồi trả lời : "OK, đồng ý", cho dù Trung Quốc hết sức thân thiết với Nga. Từ khi tổng thống Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi không còn trông cậy vào các ông để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng tôi sẽ tự mình hành động", Bắc Kinh lo sợ sẽ bị cho đứng ngoài lề trong hố sơ này. Do không biết được ông Trump thực sự kiên quyết hay chỉ tung hỏa mù, trong hoang mang, Bắc Kinh đành phải cảnh giác.
Như vậy Bắc Kinh đã thay đổi chủ trương về Bắc Triều Tiên ?
Người ta nhận thấy việc Mỹ đe dọa hành động trực tiếp, cho dù không hoàn toàn khả tín, đã có thể gây chuyển động nơi Trung Quốc, sau 25 năm hoàn toàn không nhúc nhích. Cho dù không luôn phản ánh quan điểm của chính quyền, tờ Hoàn cầu Thời báo vốn hung hăng nhất, hôm thứ Tư trước đã hăm dọa cấm vận dầu lửa đối với Bắc Triều Tiên. Hôm trước đó, Reuters đưa tin những chuyến tàu chở than đá từ Bắc Triều Tiên bị Trung Quốc không cho cập cảng. Trong khi loan báo của Bắc Kinh vào tháng Hai ngưng nhập than đá từ nước này, với cái cớ là đã đủ quota, vẫn chưa có tác động.
Bắc Kinh có cảm giác được trấn an thêm khi tổng thống Mỹ rốt cuộc hồi tháng Hai đã chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa. Nhưng sau vụ oanh kích Syria và các tweet của ông Trump về Bắc Triều Tiên, sự lo ngại của Trung Quốc được diễn đạt qua chủ trương cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Có gì mới trong thái độ này ?
Về phía Trung Quốc, họ đã tìm lại ý nghĩa một số ưu tiên : đối tác thương mại chủ chốt, nghiêm chỉnh nhất và nguy hiểm nhất chính là Hoa Kỳ.
Năm 2002, khi Mỹ muốn tấn công Irak, Giang Trạch Dân khi đó sắp trở thành người đứng đầu Trung Quốc, đã đến trang trại của ông George W.Bush. Theo một nhà quan sát thạo tin, thì trước đó ông Giang đã cam đoan với ông Bush là Trung Quốc sẽ không phủ quyết. Lần này, sự thận trọng cũng có vẻ thích hợp.
Điều gây ấn tượng nhất trong ba tháng gần đây là sự chừng mực của Bắc Kinh tại Biển Đông : không xây thêm đảo nhân tạo mới, không bồi đắp thêm, và còn áp dụng thỏa thuận cho đánh cá xung quanh bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh có thận trọng tương tự với các láng giềng trong khu vực hay không ?
Đối với Nhật Bản, ngược lại người ta thấy các tàu Trung Quốc lại tiếp tục lảng vảng, kể cả các chiến hạm, xung quanh quần đảo Senkaku, và vô số vụ xâm nhập không phận. Đây là lời cảnh báo cho ông Shinzo Abe, đồng minh hàng đầu của ông Trump, và chứng tỏ sự quan ngại của Trung Quốc. Tương tự đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Hàn Quốc do đã cho triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.
Trung Quốc vừa cố gắng muốn trấn an, đồng thời cố hăm dọa các nước láng giềng yếu hơn đừng nên đi quá xa với chính quyền ông Trump.
Như vậy, bàn cờ đã bị vẽ lại ?
Không thể chối cãi rằng đã có những tiến triển và những hành động mạnh mẽ, cho dù vẫn còn dấu hỏi về tầm nhìn tổng quát của ông Donald Trump. Chính sách của ông, mà người ta chỉ có thể phỏng đoán vì khó thể diễn dịch từ các tweet, có vẻ mang tính thỏa hiệp hơn là khẳng định. Khi ông Trump nói với các lãnh đạo Trung Quốc là "các nhượng bộ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ có ích trong hồ sơ thương mại", là ông muốn mặc cả.
Sự hài hòa trong chiến lược của chính quyền Trump và của tổng thống Donald Trump nói chung và về Châu Á nói riêng, vẫn chưa được chứng tỏ.
Chủ nghĩa "mác-xít cho em bé" của ứng viên cực tả Pháp
Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhà sử học Jean-Louis Margolin trên Le Monde nhấn mạnh đến "chủ nghĩa mác-xít dành cho các em bé" của lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất, ông Jean-Luc Mélanchon.
Đối với ông Margolin, tài hùng biện của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélanchon cần phải xếp sau chương trình ảo tưởng và nguy hiểm của ông này : ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, khỏi khu vực đồng euro và NATO. Như vậy nếu đắc cử, ông Mélenchon sẽ đảo ngược các đồng minh của Pháp.
Chương trình hành động của ông là sự phản ánh trung thành các chủ trương của ngành ngoại giao Nga. NATO bị mô tả là một tổ chức hiếu chiến, còn các nạn nhân của tham vọng Nga như Ukraine, Georgia, các nước vùng Baltic, Moldova bị làm ngơ. Ông còn nhập nhằng khi đòi thiết lập "một liên minh chống toàn cầu hóa với BRICS", trong khi khối này gồm những nước mà bất đồng nhiều hơn đồng thuận (Brazil, Russia, India, China, South Africa).
Còn về nạn khủng bố, Mélenchon thậm chí còn từ chối cả sự thật hiển nhiên là tính chất Hồi giáo. Ông nói : "Tôn giáo chỉ là cái cớ, và nhất thiết không phải là lý do để phản ứng". Theo ông Mélenchon thì phía sau nạn khủng bố là các Nhà nước thèm muốn dầu khí. Cuộc chiến Afghanistan năm 2001 là từ một dự án ống dẫn dầu chứ không phải do vụ tấn công vào tòa Tháp Đôi. Cuộc xung đột Syria phải được giải quyết bằng cách tính đến lợi ích kinh tế của các nước liên quan. Xu hướng kinh tế hóa sự kiện này còn đi kèm với một sự đảo ngược trách nhiệm : các mánh khóe của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ, là nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố !
Nhà sử học Jean-Louis Margolin kết luận, ứng viên cực tả Mélenchon tuy về ngôn ngữ, phong cách ông có tài thu hút người nghe, nhưng nội dung những bài diễn văn của ông là điều mà nhà văn nổi tiếng George Orwell mô tả là một thứ "chủ nghĩa mác-xít dành cho các em bé".
Bóp nghẹt đối lập Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan chiến thắng sát nút
Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro nhận xét "Tổng thống Erdogan có được một chiến thắng sát nút". Cuộc bầu cử hôm qua đã mang lại cho ông Erdogan một chế độ dành cho tổng thống hầu hết quyền hành, mà ông đã mơ từ nhiều năm qua.
Kết quả suýt soát trên 51% đạt được là nhờ thành trì bảo thủ ở Anadolu và Hắc Hải, trong khi cử tri các thành phố lớn như Istanbul, Ankara và Izmir đều nói không. Trước khi công bố chính thức, Hội đồng bầu cử (YSK) còn phải xem xét hàng trăm trường hợp mà phe đối lập báo là gian lận, nhất là về quyết định vào giờ chót, chấp nhận nhiều lá phiếu không có đóng dấu.
Đối lập không chịu công nhận thất bại, vì trong suốt chiến dịch, xu hướng bỏ phiếu bác bỏ việc sửa đổi Hiến pháp vẫn cao hơn xu hướng chấp nhận. Bị các phương tiện truyền thông lớn làm ngơ - kể cả các đài truyền hình nhà nước ; không có nguồn tài trợ công ; bị quy là khủng bố, ly khai hay đảo chính ; trở nên vô hình dưới nhiều kilomet biểu ngữ ủng hộ bao vây không gian công cộng ; những người phản đối – tức là tất cả các đảng phái chính trị, ngoại trừ đảng AKP của ông Erdogan và đồng minh dân tộc chủ nghĩa cực đoan MHP – lâu nay vẫn tin rằng họ sẽ chiến thắng.
Đã hẳn là con số trên đây thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 60% mà ông Erdogan hy vọng, nhưng điều này chẳng quan trọng với ông. Trong khi chờ đợi việc cải cách này có hiệu lực, Recep Tayyip Erdogan tiếp tục tận dụng mọi quyền hành mà ông đang có trong tay. Một giai đoạn mới đang mở ra giữa Châu Âu và Ankara : gần đây ông đã đe dọa Châu Âu "phải trả giá". Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều hồ sơ, từ Syria, khủng hoảng di dân cho đến thương lượng hòa bình về đảo Chyprus.
Não bộ quyết định trọng lượng con người
Về mặt sức khỏe, Le Figaro cho biết theo một nhà sinh thái thần kinh Mỹ, thì bộ óc quyết định trọng lượng của con người chứ không phải do ý muốn của chúng ta. Vì vậy các chế độ ăn kiêng không thể giúp giảm béo một cách lâu dài.
Nhà nghiên cứu Sandra Aamodt trong cuốn sách "Vì sao các chế độ ăn kiêng lại làm cho mập ra" ghi nhận ba điểm chính. Đó là con người không tự quyết định được trọng lượng của mình, ăn kiêng chỉ dẫn đến thất bại, và tốt nhất nên có hoạt động thể dục thể thao hàng ngày.
Bà giải thích, bộ óc ấn định trọng lượng cơ thể trên cơ sở di truyền và kinh nghiệm sống. Cũng giống như cơ thể cần một số giờ ngủ nhất định, bộ óc lưu giữ một số thông số trọng lượng ưu tiên. Hệ thống điều chỉnh này nằm tại "vùng dưới đồi" (hypothalamus), liên quan đến nhiều chức năng như phản ứng với nhiệt, cảm giác đói… Vùng này ghi nhận các dấu hiệu về lượng lipid tồn trữ, tỉ lệ đường trong máu, calori và phản ứng để duy trì một trọng lượng ổn định. Trọng lượng này dao động trong khoảng 5 kilogam.
Overbook : Delta Air Lines hào phóng hơn đối thủ United Airlines
Liên quan đến overbook hay surbooking, tức số vé bán ra nhiều hơn số chỗ trên máy bay, mà trường hợp một hành khách gốc Việt là ông David Dao (Đào Duy Anh) bị thô bạo lôi ra khỏi máy bay của United Airlines đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới tuần qua ; phụ trang kinh tế của Le Figaro ghi nhận trong trường hợp này, hãng cạnh tranh là Delta Air Lines tỏ ra hào phóng hơn.
Những hành khách nào không gấp gáp có thể được bồi thường đến 10.000 đô la nếu chịu nhường chỗ khi bị overbook (trước đây Delta Air Lines chỉ đề nghị 1.350 đô la). Công ty hàng không mà cổ đông chính là tỉ phú Mỹ Warren Buffett hy vọng sẽ qua mặt đối thủ cạnh tranh United Airlines. Tuy nhiên tờ báo ghi chú là trong trường hợp chuyến bay Delta bị quá chỗ, tốt nhất nên thương lượng với người có trách nhiệm kiểm tra thẻ lên tàu, còn nhân viên mặt đất chỉ có thể thỏa thuận cao nhất là 2.000 đô la.
Thụy My