Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi 'đau đớn nhất' (BBC, 13/09/2017)
Bắc Hàn đe dọa Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu "nỗi đau ghê gớm nhất" sau khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Bắc Hàn nói nước này đã phát triển và thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch
Phái viên của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc Washington đã chọn "đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự".
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết động thái này chưa là gì so với những gì sẽ xảy ra để đối phó với Bắc Hàn.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là nỗ lực nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung năng lượng cho Bắc Hàn vì các chương trình vũ khí của nước này.
Các lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may được thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và quy mô nhất của Bắc Hàn vào đầu tháng này.
Han Tae Song, Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, nói ông "dứt khoát bác bỏ" cái mà ông gọi là "nghị quyết bất hợp pháp".
"Các biện pháp sắp tới của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ phải hứng chịu sự đau đớn ghê gớm nhất trong lịch sử", ông Song nói tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
"Thay vì đưa ra lựa chọn đúng đắn với phân tích hợp lý, Washington cuối cùng chọn đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự, bị ám ảnh bởi giấc mơ hoang tưởng về việc đảo ngược tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên - vốn đã đến giai đoạn hoàn thiện".
Nghị quyết được nhất trí thông qua sau khi các đồng minh của Bắc Hàn là Nga và Trung Quốc đồng ý áp lệnh trừng phạt nhẹ nhàng hơn so với đề xuất ban đầu của Mỹ.
Văn bản ban đầu bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu hoàn toàn, một biện pháp mà một số nhà phân tích cho là có thể gây bất ổn cho Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt mới được Liên Hiệp Quốc thông qua gồm :
- Hạn chế nhập khẩu dầu thô và mặt hàng dầu. Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, cung cấp hầu hết dầu thô cho Bắc Hàn
- Một lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Bình Nhưỡng trị giá hơn 700 triệu đôla mỗi năm
- Một lệnh cấm thị thực mới cho người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài, theo ước tính của Hoa Kỳ, sẽ cắt giảm 500 triệu đôla thu nhập thuế hàng năm
Đề xuất đóng băng tài sản và một lệnh cấm đi lại đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị bác bỏ.
Phản ứng hôm 12/9, ông Trump nói : "Chúng tôi nghĩ đó chỉ là một bước rất nhỏ, không có gì lớn.
"Tôi không biết liệu nó có ảnh hưởng gì hay không... Nhưng những biện pháp trừng phạt này không có là gì so với những gì cuối cùng sẽ phải xảy ra", ông nói thêm, nhưng không nói thêm chi tiết.
*****************
Trung Quốc có thể bị chế tài thêm vì Triều Tiên (VOA, 13/09/2017)
Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 tuyên bố nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên thì ông sẽ tìm cách áp đặt thêm trừng phạt tài chánh lên Bắc Kinh để cắt việc tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ.
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tại cuộc họp báo ngày 28/8/2017 ở Las Vegas.
Ông Mnuchin nói với một hội nghị được truyền hình trên CNBC là Trung Quốc nhất trí những chế tài "lịch sử" đối với Triều Tiên hôm 11/9 trong một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
"Nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài này, chúng ta sẽ áp đặt thêm những chế tài đối với họ và ngăn không cho nước này tiếp cận hệ thống đô la Mỹ và quốc tế, và điều này sẽ có ảnh hưởng lớn", ông Mnuchin nói.
Trong khi đó, AP loan tin các giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về chiến dịch tăng áp lực chống lại việc phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Cuộc điều trần ngày 12/9 diễn ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt các chế tài mới đối với Triều Tiên về việc nước này thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch. Hội đồng cấm Triều Tiên xuất khẩu vải vóc và hạn chế việc Bình Nhưỡng nhập khẩu dầu thô.
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Tài trợ Khủng bố, Marshall Billingslea, ghi nhận thái độ ủng hộ nghị quyết Liên hiệp quốc của Trung Quốc và Nga, nhưng ông kêu gọi hai nước "phải làm nhiều hơn nữa" để thực thi những chế tài.
(Nguồn Reuters/AP)
***********************
Ngân hàng Trung Quốc lo ngại vì Bắc Hàn (BBC, 12/09/2017)
Các ngân hàng lớn tại Trung Quốc đang âm thầm rút rút khỏi thị trường tiền tệ Bắc Hàn. Điều này không hẳn là do người láng giềng rắc rối của Trung Quốc, mà là sự e sợ trước những tác động tới từ Hoa Kỳ.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu ntrt bị trừng phạt - Ảnh minh họa
Các ngân hàng có chi nhánh gần biên giới Bắc Hàn cho biết họ được yêu cầu không mở tài khoản mới cho các công dân và doanh nghiệp nước này.
Đây không phải là một phần của lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.
Đây là một nỗ lực đáp trả những động thái của Hoa Kỳ nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc, vốn bị cáo buộc là vẫn liên kết kinh doanh bất chấp các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Bên cạnh những quyết định của Liên Hợp Quốc, Bộ Tài chính Mỹ cũng có những lệnh trừng phạt riêng, đưa vào danh sách đen nhiều tổ chức và cá nhân được cho là đã hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Khi một cá nhân hay tổ chức được đưa vào danh sách cấm vận của Hoa Kỳ, các tổ chức này có thể phải đối mặt với những án phạt nghiêm khắc vì những hành động mình đã gây ra.
"Trung gian"
Các tổ chức tài chính Trung Quốc bị cáo buộc đã hợp thức hóa những khoản đầu tư hỗ trợ Bắc Hàn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân.
Chính phủ tại Bình Nhưỡng được cho là đã chuyển tiền quanh thế giới thông qua các ngân hàng Trung Quốc.
Với lý do này, các quan chức tại Washington DC đe dọa sẽ đưa các ngân hàng lớn tại Trung Quốc vào danh sách đen : các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với những tổ chức lớn này sẽ gây bất ổn cho kinh tế thế giới.
Trong thời gian gần đây, ngân hàng Đan Đông đã bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết : "Ngân hàng Đan Đông là 'trung gian' cho Bắc Hàn tiếp cận với Mỹ và hệ thống tài chính quốc tế, bao gồm hàng triệu đô la cho các công ty liên quan đến các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn".
Mệnh lệnh của ngân hàng nhà nước
Các ngân hàng lớn tại Trung Quốc không thể rơi vào tình trạng tương tự.
Các nhân viên từ ít nhất 7 chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã xác nhận rằng các tài khoản mới của khách hàng Bắc Hàn sẽ không được mở.
Quá trình này đã bắt đầu từ nhiều tháng trước.
Một nhân viên ngân hàng cho biết đây là mệnh lệnh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không trả lời thông tin qua điện thoại hay fax.
Một túi tiền
Tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, một nhân viên Ngân hàng Trung Quốc cho biết, "tất cả các hoạt động ngân hàng liên quan đến Bắc Hàn đều bị phong tỏa vì đây là một nước bị cấm vận".
Tuy nhiên không phải không có cách lách luật.
Một người dân Bắc Hàn có thể mang một túi tiền qua sông Đồ Mồn và nhờ một người Trung Quốc làm trung gian để mở tài khoản ngân hàng.
Cũng không có thông tin rõ ràng về việc các tài khoản hiện tại có tiếp tục được sử dụng hay sẽ có nguy cơ bị đóng.
Sự buông lỏng
Trung Quốc có vẻ lo ngại về những lời đe dọa của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết : "Tôi không để ý về chi tiết nhưng chúng tôi phản đối lệnh cấm vận quốc tế, đặc biệt là việc lạm dụng quyền hạn lên luật nội địa của một số quốc gia".
Một mặt phản đối hành động này của Hoa Kỳ, nhưng mặt khác Trung Quốc thà buông tay với Bắc Hàn để giữ được vị thế kinh tế của mình.
Theo chính phủ Hoa kỳ, thương mại giữa hai nước đạt mức 648,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hỗ trợ kết quả thương mại này nên có lẽ Washington sẽ không muốn mạo hiểm với mối quan hệ này.
Tuy nhiên, nếu không áp dụng cấm vận toàn diện, các quyết định cấm vận ở tầm nhỏ hơn vẫn có thể diễn ra.
Và những tai tiếng đối với các tổ chức tài chính lớn không phải là điều Trung Quốc muốn.
Bắc Kinh sẽ từ bỏ hàng triệu đô la từ Bắc Hàn nếu điều đó có thể giúp giữ lại hàng trăm tỉ đô la từ Mỹ.