Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dự án Một vành đai, một con đường và các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm làm suy yếu những đối thủ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

bayno1

Người Philippins biểu tình chống Trung Quốc ở Manila.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chịu áp lực trong tuần rồi nhằm bảo vệ một loạt các khoản vay cho cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng nếu không trả nợ được có thể khiến Philippines mất đi các nguồn lực quan trọng.

Đây là một phần của vấn đề có ảnh hưởng lớn hơn đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Trung Quốc tiếp tục cung cấp nguồn tài chính cơ sở hạ tầng khổng lồ trong một phần của kế hoạch Một vành đai Một con đường. Về nguyên tắc, tham vọng của Trung Quốc chỉ đơn giản là giúp phát triển các liên kết tốt hơn giữa các quốc gia nhằm mang lại cơ hội lớn hơn cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hy vọng thắng các yêu sách đối lập đối về Biển Đông vốn quan trọng về mặt chiến lược và lịch sử. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền ở phần lớn vùng có trữ lượng dầu khí khổng lồ nhưng cũng có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với khu vực.

"Biển Đông là một tuyến giao thông hàng hải quan trọng. Trung Quốc hiện có 80% lượng dầu nhập khẩu qua eo biển Malacca và nó cũng chứa các nguồn tài nguyên quan trọng", theo Daniel O'Neill, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thái Bình Dương. "Lý do lớn nhất để tăng cường kiểm soát là để tăng thêm quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc", ông nói với Business Insider.

Biển Đông có trữ lượng khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ khối khí đốt tự nhiên, khoảng 10% nguồn cung cấp hải sản toàn cầu, và khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại được vận chuyển đi qua khu vực này mỗi năm.

Quyết định của Trung Quốc nhằm tăng cường tài chính cho Philippines là một phần trong nỗ lực nhằm tạo ảnh hưởng về vấn đề Biển Đông. Kể từ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào năm 2016, Trung Quốc đã mở một khoản tín dụng trị giá 9 tỷ đô la cho Philippines, phần lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cả đập thủy điện.

Tổng thống Duterte đã buộc phải bảo vệ quyết định ký các khoản vay với Trung Quốc về các điều khoản được cho là không thuận lợi, có thể làm cho Manila bị mất tài sản vì gán nợ, theo Bloomberg.

Ngày 22 tháng 3, Bộ Tư pháp Tối cao Philippines đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát khí đốt trong vùng kinh tế của Philippines ở Biển Đông nếu Philippines không trả được nợ xây đập Chico. Thỏa thuận đó đã được ký vào tháng 4 năm ngoái và được coi là khuôn mẫu cho các khoản vay tiếp theo, theo Bloomberg. Các vấn đề xoay quanh tài nguyên tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc chủ quyền của Philippines.

Do đó, các đảng đối lập ở Philippines yêu cầu tài liệu vay của đập Kaliwa, thỏa thuận mới nhất với Trung Quốc, phải được công bố công khai và Bộ Tài chính đã làm sau đó.

Cây gậy và củ cà rốt 

Cách tiếp cận của Trung Quốc bằng việc cung cấp tài chính ở nhiều nước ASEAN nhằm chia rẽ sự phản đối các động thái của họ ở Biển Đông. ASEAN cần sự nhất trí để thông qua các phán quyết, có nghĩa là Trung Quốc đã có thể loại bỏ từng quốc gia một phản đối phán quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề vùng đặc quyền kinh tế năm 2016 UNCLOS mà Bắc Kinh sau đó bác bỏ. Phán quyết này được lập ra nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc vào vùng biển chiến lược lãnh thổ của các quốc gia khác có liên quan, bao gồm Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines.

"Biển Đông càng rộng thì tầm quan trọng của nó đối với Trung Quốc càng lớn và họ đã áp dụng cách tiếp cận cây gậy cà củ cà rốt để chia rẽ ASEAN, trong đó bao gồm việc sử dụng các khoản vay để gây áp lực cho các thành viên của ASEAN", O'Niell cho biết thêm.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể còn tăng hơn nữa khi họ tiếp tục tài trợ cho các dự án, đã có những phản ứng dữ dội đáng chú ý chống lại Trung Quốc.

Malaysia, một quốc gia khác có tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông, gần đây đã trở nên thận trọng hơn nhiều với Trung Quốc sau cuộc thắng cử bất ngờ của ông Manathir Mohammed 93 tuổi vào năm ngoái.

Nikkei Asian Review đưa tin rằng trước cuộc gặp với Duterte gần đây, Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố trên kênh truyền hình tin tức ABS-CBN rằng "Nếu vay một khoản tiền lớn từ Trung Quốc và không thể trả nợ, ai cũng biết chủ nợ luôn nắm quyền kiểm soát con nợ, vì vậy chúng tôi phải rất cẩn thận cùng với điều đó".

Một ví dụ về cái gọi là " bẫy nợ ngoại giao" đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với Sri Lanka và Lào trong những năm gần đây. Sri Lanka đã giao cho Trung Quốc thuê một cảng biển chiến lược 99 năm sau khi gặp khó khăn về tài chính với chủ nợ.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông ngày càng nhiều hơn đã dẫn đến việc các quốc gia khác phải xem xét lại và có thể có nhiều kháng cự hơn nữa trong tương lai.

Callum Burroughs

Nguyên tác : China is using debt traps to control the South China Sea, Business Insider, 30/03/2019

Diên Vỹ dịch

Nguồn : VNTB, 02/04/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc dùng bẫy nợ khống chế 16 nước Châu Á Thái Bình Dương (RFI, 14/05/2018)

Bắc Kinh cho vay hàng tỷ đô la để kéo hàng chục nước nhỏ ở Châu Á Thái Bình Dương, những nước nghèo không khả năng chi trả, vào quỹ đạo phục vụ chiến lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 30 năm tới đây. Đó là nội dung bản báo cáo mới của một cơ quan nghiên cứu độc lập dành cho bộ Ngoại Giao Mỹ, được báo chí Úc công bố ngày 14/05/2018.

tq1

Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato (t) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước buổi hội đàm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13/04/2018. Naohiko Hatta / POOL / AFP

Bản báo cáo dày 40 trang cho biết có 16 nước bị Trung Quốc xem là đối tượng của chiến lược "bí kíp ngoại giao nợ" và khống chế. Trong số các nước rơi vào kế hoạch "một vành đai…" có Vanuatu, Philippines, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Tonga và Micronesia.

Theo báo Úc, The Australian Financial Review, một trong những trường hợp điển hình là Papua New Guinea, một quốc đảo nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Úc, nhưng vì nợ nần Trung Quốc không trả được, phải chấp nhận trở thành một địa điểm chiến lược của Bắc Kinh và nhượng tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc khai thác. Trung Quốc cũng đang tiến hành thương lượng sơ bộ với quốc đảo Vanuatu để lập căn cứ hải quân chỉ cách nước Úc có 2000 km.

Trong số các nước Đông Nam Á, Cam Bốt và Lào đã trở thành "chi nhánh 100% của Trung Quốc". Các chuyên gia tác giả bản nghiên cứu lo ngại Trung Quốc sử dụng Cam Bốt, Lào và Phippines như những "lá phiếu phủ quyết ủy nhiệm", làm tê liệt hiệp hội ASEAN trong nỗ lực chống Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền tại Biển Đông, con đường huyết mạch của hàng hải quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí Úc, chuyên gia Sam Parker, đồng tác giả bản báo cáo cho biết Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra "hằng trăm tỷ đô la, cho các nước không có khả năng thanh toán, vay mượn với dụng ý có qua có lại".

Để đối phó với chiến lược bành trướng sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo khuyến khích chiến lược hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm bốn đại cường dân chủ là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tăng cường vai trò của New Delhi và phát huy trật tự dựa trên nền tảng của khu vực.

Theo The Australian Financial Review, bản báo cáo mới dành cho bộ ngoại giao Mỹ có nhiều điểm tương đồng với chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017.

Washington cảnh báo công luận thế giới là Trung Quốc đang thi hành một chính sách "gài bẫy tín dụng" để phục vụ tham vọng bá quyền.

Tú Anh

******************

Quân đội Philippines thề bảo vệ lãnh hải ở biển Đông RFA, 14/05/2018)

Các Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) vào ngày 14 tháng 5 lại lên tiếng cam kết bảo vệ lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự tại biển tranh chấp này.

tq2

Quân đội Phi thề bảo vệ chủ quyền. AFP

Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Phillippines, tướng Carlito Galvez, phát biểu như vừa nêu trong cuộc họp báo diễn ra hôm 14 tháng 5 tại Camp Aguinaldo rằng người dân Philippines hãy yên tâm vì quân đội Phi đang cố hết sức để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.

Người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Philippines lên tiếng như vậy trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng quân sự hóa tại các đảo nhân tạo do Hoa Lục bồi đắp ở Biển Đông. Đặc biệt, Bắc Kinh còn đưa tên lửa ra đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, và nói rằng đây là hành động bảo vệ lãnh thổ ôn hòa mà Trung Quốc cho là cần thiết.

Trong một diễn tiến liên quan, tàu sân bay do chính Bắc Kinh chế tạo vừa bắt đầu chuyến chạy thử nghiệm trên biển. Tin cho hay chiếc tàu chưa được đặt tên rời Cảng Đại Liên vào sáng ngày 13 tháng 5.

Động thái này được giới quan sát cho là Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng hải quân nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của nước này ở Biển Đông.

Published in Châu Á