Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/05/2018

Trung Quốc dùng bẫy nợ, quân đội Philippines thề bảo vệ lãnh hải

Tổng hợp

Trung Quốc dùng bẫy nợ khống chế 16 nước Châu Á Thái Bình Dương (RFI, 14/05/2018)

Bắc Kinh cho vay hàng tỷ đô la để kéo hàng chục nước nhỏ ở Châu Á Thái Bình Dương, những nước nghèo không khả năng chi trả, vào quỹ đạo phục vụ chiến lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 30 năm tới đây. Đó là nội dung bản báo cáo mới của một cơ quan nghiên cứu độc lập dành cho bộ Ngoại Giao Mỹ, được báo chí Úc công bố ngày 14/05/2018.

tq1

Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato (t) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước buổi hội đàm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13/04/2018. Naohiko Hatta / POOL / AFP

Bản báo cáo dày 40 trang cho biết có 16 nước bị Trung Quốc xem là đối tượng của chiến lược "bí kíp ngoại giao nợ" và khống chế. Trong số các nước rơi vào kế hoạch "một vành đai…" có Vanuatu, Philippines, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Tonga và Micronesia.

Theo báo Úc, The Australian Financial Review, một trong những trường hợp điển hình là Papua New Guinea, một quốc đảo nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Úc, nhưng vì nợ nần Trung Quốc không trả được, phải chấp nhận trở thành một địa điểm chiến lược của Bắc Kinh và nhượng tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc khai thác. Trung Quốc cũng đang tiến hành thương lượng sơ bộ với quốc đảo Vanuatu để lập căn cứ hải quân chỉ cách nước Úc có 2000 km.

Trong số các nước Đông Nam Á, Cam Bốt và Lào đã trở thành "chi nhánh 100% của Trung Quốc". Các chuyên gia tác giả bản nghiên cứu lo ngại Trung Quốc sử dụng Cam Bốt, Lào và Phippines như những "lá phiếu phủ quyết ủy nhiệm", làm tê liệt hiệp hội ASEAN trong nỗ lực chống Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền tại Biển Đông, con đường huyết mạch của hàng hải quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí Úc, chuyên gia Sam Parker, đồng tác giả bản báo cáo cho biết Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra "hằng trăm tỷ đô la, cho các nước không có khả năng thanh toán, vay mượn với dụng ý có qua có lại".

Để đối phó với chiến lược bành trướng sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo khuyến khích chiến lược hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm bốn đại cường dân chủ là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tăng cường vai trò của New Delhi và phát huy trật tự dựa trên nền tảng của khu vực.

Theo The Australian Financial Review, bản báo cáo mới dành cho bộ ngoại giao Mỹ có nhiều điểm tương đồng với chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017.

Washington cảnh báo công luận thế giới là Trung Quốc đang thi hành một chính sách "gài bẫy tín dụng" để phục vụ tham vọng bá quyền.

Tú Anh

******************

Quân đội Philippines thề bảo vệ lãnh hải ở biển Đông RFA, 14/05/2018)

Các Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) vào ngày 14 tháng 5 lại lên tiếng cam kết bảo vệ lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự tại biển tranh chấp này.

tq2

Quân đội Phi thề bảo vệ chủ quyền. AFP

Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Phillippines, tướng Carlito Galvez, phát biểu như vừa nêu trong cuộc họp báo diễn ra hôm 14 tháng 5 tại Camp Aguinaldo rằng người dân Philippines hãy yên tâm vì quân đội Phi đang cố hết sức để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.

Người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Philippines lên tiếng như vậy trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng quân sự hóa tại các đảo nhân tạo do Hoa Lục bồi đắp ở Biển Đông. Đặc biệt, Bắc Kinh còn đưa tên lửa ra đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, và nói rằng đây là hành động bảo vệ lãnh thổ ôn hòa mà Trung Quốc cho là cần thiết.

Trong một diễn tiến liên quan, tàu sân bay do chính Bắc Kinh chế tạo vừa bắt đầu chuyến chạy thử nghiệm trên biển. Tin cho hay chiếc tàu chưa được đặt tên rời Cảng Đại Liên vào sáng ngày 13 tháng 5.

Động thái này được giới quan sát cho là Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng hải quân nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của nước này ở Biển Đông.

Quay lại trang chủ
Read 579 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)