Thế giới chao đảo cả vài tháng vừa qua, chỉ vì một con virus nhỏ xíu. Một con virus rất nhỏ nhưng bài học mà nó đem đến lại quá lớn, với cả quần chúng và những trí thức chính trị như chúng ta.
Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất là dịch bệnh Covid 19 này xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng tại sao lại từ Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu ? Nếu không nhờ có sự “giúp đỡ” của việc kiểm duyệt thông tin, bưng bít, che đậy, bịt miệng những y bác sĩ đầu tiên đã phát hiện ra nguy cơ về một thảm họa sắp đến, từ chính quyền Bắc Kinh, thì liệu rằng cái bệnh cúm này có tàn phá thế giới nặng nề như vậy không ? Tôi cam đoan là không. Có lẽ nó đã được kiểm soát tốt hơn và không trở thành một quả bom nổ lớn như hiện tại.
Hàn Quốc, một quốc gia dân chủ đã khống chế thành công virus corona mà không hề giới hạn tự do của người dân.
Chúng ta càng có thêm lý do để tin rằng chỉ có dân chủ mới là chìa khoá để phòng ngừa những cuộc khủng hoảng kiểu như thế này và dân chủ cũng là phương tiện để tiến tới một xã hội hạnh phúc. Cụ thể trong trường hợp này, chỉ có một môi trường dân chủ thì những vấn đề của xã hội mới được đặt ra và bàn thảo một cách lương thiện và đúng đắn, chứ không phải là như cái cách mà Bắc Kinh đã làm.
Một chính quyền minh bạch, lương thiện, có được lòng tin của dân chúng, biết quý trọng con người...tất cả đó mới là chìa khoá để chúng ta đương đầu với khủng hoảng chứ không phải sự lừa dối, bưng bít, kiểm duyệt thông tin hay là sử dụng sự sợ hãi để kiểm soát.
Bài học thứ hai, sâu sắc hơn, đó là ý nghĩa của các hoạt động chính trị. Chính trị là đạo đức ứng dụng, vì vậy không thể gian trá. Con người phải được xem là trọng tâm của xã hội và mọi sự phát triển phải nhằm phục vụ con người. Những giá trị như các quyền căn bản được quy định trong Tuyên ngôn Phổ cập Nhân quyền phải được tôn trọng và xem trọng nhất. Trong các giá trị đó thì trường hợp tại thời điểm này là quyền được sống.
Các chính trị gia không thể cho rằng kinh tế là tất cả để đánh đổi môi trường, y tế, sức khỏe của người dân...rồi đặt đồng tiền lên trên những giá trị đó. Con người đã quá chú trọng vào tiền bạc, sức mạnh vũ trang...để rồi trong cuộc khủng hoảng này mới nhận ra rằng những thứ đó không có giá trị gì với sức khoẻ, môi trường, y tế, giáo dục.
Chính trị không phải là những bài diễn thuyết dân tuý suông, những khẩu hiệu hô hào, những tranh cãi nhảm nhí xoay quanh cái tên của con virus, mà chính trị là làm thế nào để cuộc sống của con người tiến bộ lên, sức khoẻ con người được nâng cao, y bác sĩ được coi trọng…Tóm lại chính trị phải lấy con người làm trung tâm.
Bài học cuối cùng, đó là trong thời đại toàn cầu hoá như thế này, biên giới quốc gia không còn là lá chắn, hay rào cản cho những vấn đề riêng của từng quốc gia. Thế giới đã nhỏ lại, và mọi quốc gia đều phải chơi chung một luật chơi, đó là dân chủ, liên đới và hợp tác. Một vấn đề nảy sinh, nếu không được nhìn nhận đúng đắn, trung thực, thì nó sẽ không còn là vấn đề của riêng một vùng lãnh thổ nữa mà sẽ biến tấu trở thành một bi kịch của toàn thế giới. Dịch bệnh Covid-19 này chính là một ví dụ điển hình như vậy.
Cách phản ứng của chính quyền Trung Quốc chỉ càng chứng tỏ họ đang dần lạc hậu và đi ngược lại với một thế giới dân chủ, văn minh. Thế nhưng họ là một phần của thế giới, mọi sai lầm của họ như đại dịch covid-19 đã không được đánh giá đúng đắn, để rồi nó đã trở thành một vấn nạn của thế giới. Thực tế đã chứng minh điều đó. Không có quốc gia nào thắng hay thua trong cuộc khủng hoảng này. Tất cả chúng ta đều đã thua. Chúng ta thua vì đã thiếu đi những cuộc thảo luận về chính trị, vì chúng ta đã đặt đồng tiền, sự ích kỷ lên cao hơn nhân quyền, sức khỏe, đạo đức, môi trường và liên đới xã hội.
Chúng ta thật sự cần phải thức tỉnh sớm!
Việt Thuỷ
(19/04/2020)
Một quan chức cao cấp chỉ trích việc kiểm duyệt Internet (RFI, 04/03/2017)
Một cố vấn cao cấp của chính phủ Trung Quốc cảnh báo là việc kiểm duyệt Internet gây cản trở cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế. Đây là lời chỉ trích công khai hiếm thấy nhắm vào một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc.
Trung Quốc kiểm duyệt internet. Ảnh minh họa. DR
Ngày 04/03/2017, báo chí chính thức của Trung Quốc trích lời phó chủ tịch Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) La Phú Hòa (Luo Fuhe) nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm trước rằng, do Internet bị kiểm duyệt, tốc độ truy cập các trang web nghiên cứu của nước ngoài rất chậm, khiến các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải mua phần mềm để vượt "tường lửa", thậm chí phải ra nước ngoài để tiến hành nghiên cứu. Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng điều này là "không bình thường".
Các công cụ kiểm duyệt Internet rất tinh vi khiến nhiều trang web báo chí và trang mạng xã hội của nước ngoài bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc. Những thảo luận về các chủ đề chính trị và về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng và Đài Loan cũng thường xuyên bị kiểm duyệt.
Ông La Phú Hòa đưa ra tuyên bố nói trên vào lúc các lãnh đạo Trung Quốc và đại biểu Quốc Hội đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị tham dự kỳ họp thường niên sẽ kéo dài 10 ngày. Chính Hiệp, cơ quan cơ quan cố vấn cho Quốc Hội Trung Quốc, thì đã khai mạc cuộc họp thường niên từ hôm 03/03.
Theo hãng tin AP, hiếm khi nào các quan chức Trung Quốc bình luận về chính sách kiểm duyệt Internet và nếu có nói thì thường là chỉ nhấn mạnh đến việc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông La Phú Hòa đã dám phát biểu mạnh dạn như vậy có lẽ vì ông cũng là phó chủ tịch Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến Hội), một trong 8 chính đảng nhỏ mà đảng Cộng Sản cầm quyền cho phép hoạt động để chứng tỏ tính "dân chủ" của thể chế.
Trọng Thành
*************************
Với Tập Cận Bình, đại gia Trung Quốc chóng làm giàu hơn bao giờ hết (RFI, 04/03/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường khai mạc Chính Hiệp tại Bắc Kinh ngày 03/03/2017. Reuters
Kiếm thêm 290 triệu đô la mỗi năm cho một đầu người. Reuters trích dẫn báo cáo được công bố ngày 02/03/2017 của viện khảo sát Hurun, trụ sở tại Thượng Hải, cho thấy tài sản của 100 nhà tỷ phú giàu có nhất trong guồng máy lãnh đạo Trung Quốc đã tăng thêm 64% từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.
Trở thành nhân vật quyền thế nhất tại Bắc Kinh vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng đề ra ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, theo tổ chức chuyên quan sát về tình trạng tài chính của tầng lớp giàu có nhất tại Trung Quốc Hurun.net, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chưa đầy 7% trong năm 2016, thì tài sản của các "đại gia" trong hàng ngũ các lãnh đạo Bắc Kinh đã tăng đến 64% trong 4 năm qua. Tỷ lệ này cao hơn cả tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán Thượng Hải hay mức lương tại nước đông dân nhất hành tinh.
Vào lúc Trung Quốc họp Quốc Hội và Chính Hiệp, Hurun.net tung ra báo cáo với nội dung "nhận diện" một số chính khách của Trung Quốc, mà mỗi người trong thời gian từ 2013 tới nay đã có thu nhập tối thiểu là 2 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 290 triệu đô la.
Cộng lại, khoản thu nhập của 100 đại gia này lên tới gần 3,5 ngàn tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 507 tỷ đô la. Để so sánh, khoản tiền khổng lồ tập trung trong tay 100 đại gia Trung Quốc cao gần bằng tổng sản phẩm nội địa của vương quốc Bỉ. Vẫn theo Hurun.net, hơn một nửa trong số những nhà giàu Trung Quốc đó là các nhà tỷ phú.
Tính trung bình, mỗi năm thu nhập của câu lạc bộ khép kín này tăng 13% trong giai đoạn 2013-2016. Cùng thời điểm, GDP của Trung Quốc tăng 7,2% ; Chỉ số chứng khoán tăng 7% một năm ; Giá nhà đất tăng 5% một năm. Trong suốt thời gian từ 2013 đến 2015, mức lương trung bình tại "công xưởng của thế giới" mới chỉ tăng có 9%.
Thanh Hà