Trung Quốc và Việt Nam nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông (BBC, 15/05/2017)
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo chung Việt-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang duyệt đội danh dự hôm 11/5
Kể từ khi Phillipines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, giảm bớt đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất đồng nhất với Trung Quốc về vấn đề này, hãng tin Reuters bình luận.
Sau những cuộc họp mà phía Trung Quốc nói là "tích cực" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Trần Đại Quang, thông cáo chung nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát các bất đồng.
Thông cáo chung còn nói hai bên đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển" và nhất trí sử dụng cơ chế đàm phán hiện hành về biên giới lãnh thổ để "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Đây không phải là lần đầu tiên hai bên dùng những ngôn từ này.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hồi tháng Giêng, hai bên cũng ra thông cáo với nội dung tương tự.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 90% vùng Biển Đông giàu trữ lượng dầu khí.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở vùng biển có tuyến đường hàng hải tấp nập với lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 ngàn tỷ qua lại mỗi năm.
Năm 2014, quan hệ song phương trở nên vô cùng căng thẳng sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào khu vực biển có tranh chấp, dẫn tới làn sóng biểu tình dữ dội ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Hồi năm ngoái, căng thẳng lại gia tăng sau việc Trung Quốc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không và các máy bay chiến đấu tại căn cứ quân sự mà Bắc Kinh đã xây từ lâu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong tháng 3/2017, một số hình ảnh chụp Đảo Bắc ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc, trong đó có việc dọn mặt bằng và có thể chuẩn bị xây cảng để hỗ trợ cho cái mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ trở thành căn cứ quân sự.
Trung Quốc còn tiến hành bồi đắp đảo và xây dựng các công trình trên một số đảo thuộc Trường Sa, cũng như mở đường bay dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm, nơi có vài ngàn dân thường sinh sống.
Hà Nội gọi hành động trên là sự vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Cũng đã có những hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cải tạo Đá Lát ở Quần đảo Trường Sa hồi tháng 12/2016, điều mà Bắc Kinh nhanh chóng lên tiếng phản đối và gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Thông cáo chung Việt-Trung được đưa ra nhân dịp ông Trần Đại Quang kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Một Vành đai, Một Con đường" tại Bắc Kinh.
Cũng trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời mời tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
*********************
Trung Quốc và Việt Nam chú trọng thương mại, hoãn việc tranh chấp (VOA, 15/05/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai từ phải) bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, tại Bắc Kinh, ngày 14/5/2017.
Hai cựu thù Trung Quốc và Việt Nam đang nhắm tới các thỏa thuận thương mại, đầu tư và chia sẻ tài nguyên biển, mặc dù hai nước có tranh chấp chủ quyền, mà căng thẳng đã từng bùng lên cách đây một năm.
Hai nước Cộng sản láng giềng đang hướng tới những mối quan hệ thương mại và đầu tư mới mà các nhà phân tích nói sẽ giúp củng cố mối quan hệ chung. Một số người tin rằng hai quốc gia sau này có thể tiếp cận các chủ đề khó khăn hơn như việc sử dụng chung vùng biển đang có tranh chấp hoặc đối xử nhân đạo với ngư dân. Hai nước vẫn đang có những tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên ở Biển Đông.
Truyền thông nhà nước từ Hà Nội cho biết tâm điểm trong chuyến thăm Trung Quốc kết thúc hôm thứ Hai của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là các triển vọng hợp tác giữa hai nước. Theo đó, ông đề nghị hai bên bổ sung lợi thế thương mại và đầu tư của nhau, nhằm hướng tới cải thiện quan hệ toàn diện.
Ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Washington cho biết : "Chủ tịch Trần Đại Quang đang ở Trung Quốc, và Trung Quốc đã hứa rất nhiều. Về mặt kinh tế, chắc chắn các triển vọng này là thực tế và có lợi cho Việt Nam khi đạt được một số thỏa thuận, nhưng một lần nữa tôi nghĩ rằng vẫn còn tương đối sớm để nhận định về điều này".
Theo Tân hoa xã Tân Hoa Xã, trong một cuộc họp với ông Quang hôm thứ Năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi mở thêm nhiều khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới và xây dựng cơ sở hạ tầng chung. Ông Sun nói Trung Quốc cam kết giảm thâm hụt mậu dịch với Việt Nam và sẽ gia tăng đầu tư trực tiếp.
Ông Alaistair Chan, một nhà kinh tế chuyên theo dõi các vấn đề Trung Quốc thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường Moody's Analytics cho biết : "Cuộc gặp có lẽ sẽ giúp giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ".
Báo mạng Vietnamnet.vn cho biết chủ tịch nước của Việt Nam đề nghị Trung Quốc hoàn thiện các quy tắc về việc mở cửa thị trường cho nông sản, sữa và hải sản của Việt Nam. Báo này cũng cho biết ông Quang kêu gọi Trung Quốc cấp nhiều "khoản vay ưu đãi" hơn và kêu gọi một nhóm làm việc để phát triển các dự án đầu tư năng lượng tái tạo mà Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Hôm thứ Sáu, các công ty của cả hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về phân phối sữa, du lịch và chế biến gạo.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái là khoảng 72 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam cũng xếp Trung Quốc vào một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu trong nước.
Trung Quốc và Việt Nam đã tăng cường đối thoại sau tháng 7 năm 2016, khi trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90 % biển Đông thiếu cơ sở pháp lý.
Cả hai quốc gia đều đang đặt nền móng phát triển kinh tế nhanh hướng về xuất khẩu. Các công ty Việt Nam bất bình về việc Trung Quốc sử dụng quy mô sản xuất lớn, bán hàng với số lượng lớn và giá tương đối thấp.
Các chuyên gia nói rằng thỏa thuận quản lý các vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ có muộn hơn, nếu hai bên tiếp tục đồng hành.
Ông Carl Thayer, giáo sư của trường Đại học New South Wales, Úc, cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý với một đường trung tuyến" không chính thức "trong vùng biển có tranh chấp chồng lấn. Họ có thể sẽ tiếp tục mở rộng việc thăm dò dầu mỏ dưới đáy biển và một biện pháp để đảm bảo việc đối xử "nhân đạo" với ngư dân.