Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình : Cơ hội "hòa hoãn chiến thuật" giữa hai đại cường ?

Trọng Thành, RFI, 13/11/2023

Cách nay đúng một năm, ngày 14/11/2022, tổng thống Hoa Kỳ và chủ tịch Trung Quốc hội kiến ở Bali, Indonesia. Cuộc gặp từng mang lại hy vọng đối thoại giữa hai đại cường sau nhiều năm căng thẳng sớm nối lại. Tuy nhiên, Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu, đặc biệt sau "vụ khinh khí cầu gián điệp". Trong lúc nhiều trông đợi đặt vào thượng đỉnh thứ hai Joe Bien –Tập Cận Bình, ngày 15/11, nhiều nhà quan sát cho rằng, với quan hệ Mỹ-Trung đầy bất định, đây trước hết là một "hòa hoãn chiến thuật".

xibiden1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, 14/11/2022. Reuters – KEVIN LAMARQUE

1. "Hòa hoãn chiến thuật" có nghĩa là gì ?

Hiện tại còn rất ít thông tin về cuộc hội kiến Joe Biden – Tập Cận Bình. Theo hãng tin Mỹ AP, tính cho đến ngày thứ Sáu 10/11, vẫn chưa có thông tin về địa điểm cụ thể của cuộc gặp, mà các quan chức an ninh Mỹ chỉ cho biết chung chung là sẽ diễn ra tại vùng Vịnh San Francisco, bên lề Diễn đàn APEC. Hàng loạt câu hỏi còn để ngỏ như không rõ hai bên có ra một tuyên bố chung hay không sau cuộc họp, những nội dung nào sẽ được công khai, chưa kể đến việc từng chi tiết của cuộc hội kiến đặc biệt này đều được coi là hệ trọng với quan hệ song phương, từ việc hai bên sẽ chào hỏi nhau thế nào, có dùng bữa cùng nhau không, cuộc gặp có hoa không, loại hoa nào…

Cho dù còn rất ít thông tin, nhưng theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, cả Bắc Kinh và cả Washington đều muốn tạo một không khí "hòa dịu". Theo ông Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc Viện Brookings, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về Trung Quốc và Đài Loan : "Các quan chức Trung Quốc sẽ muốn cho công chúng trong nước thấy rằng lãnh đạo Tập Cận Bình được tổng thống Biden đón tiếp một cách đàng hoàng và trân trọng". Ông gợi ý nên có "hình ảnh hai nhà lãnh đạo có các tiếp xúc mang tính cá nhân, ngoài nghi thức bắt tay chính thức thông thường trước một dãy quốc kỳ trong phòng họp của khách sạn". Theo Ryan Hass, tiếp xúc đó có thể ở mức đơn giản như "một cuộc đi bộ ngắn cùng nhau" (AP, ngày 12/11/2023 ).

Mỹ - Trung tìm kiếm "hòa hoãn chiến thuật" là một ghi nhận của chuyên gia quan hệ quốc tế Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne về thái độ của Bắc Kinh với Mỹ (trang mạng Radio-Canada , ngày 10/11/2023). Chuyên gia Mathieu Duchâtel cho biết phía Trung Quốc "đã yêu cầu cuộc hội kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California", nơi mùa hè năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc – lúc vừa lên nắm quyền – từng gặp gỡ tổng thống Mỹ Barack Obama trong khi không khí thân mật. Một cuộc tiếp xúc tương tự lần này giữa Joe Biden và Tập Cận Bình có thể cho phép hai bên tránh được những hành động quá đà, vượt tầm kiểm soát, trong bối cảnh "cạnh tranh chiến lược" đang hồi quyết liệt hiện nay.

Đưa ra một hình ảnh hòa dịu trước công chúng, và cố gắng để quan hệ song phương không tồi tệ thêm là ý nghĩa của động thái hòa dịu chiến thuật mà hai bên Trung – Mỹ tìm cách đạt được trong cuộc thượng đỉnh lần thứ hai Biden – Tập Cận Bình. Hòa hoãn về chiến thuật cũng mang lại cơ hội quan trọng cho phép hai bên hiểu rõ hơn các mục tiêu chiến lược thực sự của nhau, để xử lý hiệu quả hơn các căng thẳng trong quan hệ tương lai.

2. "Hòa hoãn chiến thuật" chỉ là biện pháp hòa hoãn bề mặt, hay cho phép hai bên thực sự cải thiện quan hệ về một số mặt ?

Một hồ sơ được nhiều nhà quan sát nhấn mạnh là vấn đề "đối thoại về quân sự" bị gián đoạn kể từ mùa hè năm ngoái, sau chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, với việc Bắc Kinh lần đầu tiên tập trận bao vây đảo Đài Loan. Thế đối đầu quân sự Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt với vụ máy bay hai bên tiếp cận chỉ cách nhau vài mét, tại khu vực Biển Đông mới đây, cho thấy đụng độ có thể bùng phát vượt tầm kiểm soát.

Đối với tổng thống Mỹ, ưu tiên hàng đầu của thượng đỉnh lần này là "nối lại các đường dây liên lạc về quốc phòng". Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trên trang Asialyst chuyên về chính trị Châu Á, nhận định quan hệ Mỹ - Trung năm tới sẽ căng thẳng ngay từ đầu năm, chính quyền Mỹ "rất lo ngại" về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13/01/2024. Tổng thống Biden đã bốn lần khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan, nếu bị Trung Quốc tấn công (cho dù các phát biểu của tổng thống có được Nhà Trắng cải chính sau đó).

Theo một giới chức cao cấp Hoa Kỳ, cho dù phía "Bắc Kinh lưỡng lự", tổng thống Joe Biden "kiên quyết áp lực" với phía Trung Quốc về chủ đề trong cuộc gặp bên lề diễn đàn APEC ở San Francisco. Nối lại các kênh liên lạc về quốc phòng được coi là mục tiêu căn bản, tối thiểu của Nhà Trắng nhắm quản lý quan hệ ngày càng trở nên "đối kháng" với Bắc Kinh, để thế đối đầu không biến thành "xung đột" hay "Chiến tranh lạnh". Nối lại đối thoại quốc phòng là cơ sở cho phép ''hòa hoãn chiến thuật''. Đổi lại việc nối lại đối thoại quốc phòng, chính quyền Biden sẽ phải tái khẳng định không ủng hộ Đài Loan độc lập, không thay đổi chính sách "Một nước Trung Hoa". Trả lời Reuters, tướng Charles Q. Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, việc hai bên đạt thỏa thuận về vấn đề này cũng nằm trong lợi ích của phía Trung Quốc.

Về triển vọng cải thiện quan hệ Trung – Mỹ, trả lời RFI, ông Wang Yiwei, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, tỏ ra không mấy lạc quan, với nhận định khó mà nói đến một xu thế "cải thiện đáng kể" trong quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay. Lãnh đạo viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh đến "điều quan trọng là các xung đột (song phương) diễn ra trong khuôn khổ các cơ chế được xác lập trước, cho phép tránh được các thay đổi đột ngột, do các thay đổi về luật pháp mỗi nước, các chỉ thị của chính quyền hay do các biến động chính trị".

Trong một số hồ sơ được coi là mang tính thứ yếu hơn, hai bên dự kiến cũng có thể đạt được thỏa thuận, như mở lại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (Chengdu), lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, cũng như việc tăng số chuyến bay giữa hai nước, gia tăng lượng trao đổi phóng viên, sinh viên và các nhóm tư vấn có thể trở nên mạnh mẽ hơn. Theo chuyên gia Colleen Cottle, trong một bài viết trên Atlantic Council ("How Biden can make the most of a meeting with Xi / Biden làm gì để có thể thu được nhiều nhất từ cuộc gặp với Tập Cận Bình"), bên cạnh hồ sơ Đài Loan, ưu tiên số một của Trung Quốc sẽ là hóa giải "các hạn chế về công nghệ của Mỹ, bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây nhất được công bố vào tháng trước". 

Tuy nhiên triển vọng cải thiện đáng kể quan hệ song phương nhìn chung là rất khó. Theo ghi nhận của lãnh đạo viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, "sẽ còn rất nhiều việc phải làm, bởi trong số 100 cơ chế đối thoại mà hai bên muốn kích hoạt, hiện tại chỉ mới có 5 cơ chế hiện đã đi vào hoạt động", và tốc độ cải thiện tình hình sẽ không nhiều, trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến, và "không biết rõ là liệu tổng thống Biden có dành được bao nhiêu sự chú ý và năng lượng cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc".

3. Vì sao Mỹ, Trung bắt buộc phải tìm kiếm "hòa hoãn chiến thuật" ? 

Chuyên gia về Trung Quốc Ian Johnson (Council on Foreign Relations), giải thưởng Pulitzer, trong một bài viết hôm 08/11 (Can a Summit Ease U.S.-China Tensions ? / Thượng đỉnh có giúp giảm nhẹ căng thẳng Mỹ - Trung hay không ?), nhận định là cả hai đại cường đều đứng trước tình thế phải tìm cách hòa hoãn chiến thuật. Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc "đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng và tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp cao. Năm ngoái, những lo ngại này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình hiếm hoi trên toàn quốc. Mặc dù những cuộc biểu tình này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không lan rộng, nhưng đã thể hiện sự bất an của người dân đối với các vấn đề tài chính, chẳng hạn như thu nhập, nạn lạm phát và giá nhà đất" sau nhiều năm đóng cửa do chính sách Zero Covid.

Theo chuyên gia Duchâtel, đầu tư vào Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm trong quý ba vừa qua, lần đầu tiên từ 30 năm nay, là một dấu hiệu đáng lo ngại với Trung Quốc. Điểm gây bất lợi cho chính quyền Tập Cận Bình hiện nay là ấn tượng rộng rãi trong và ngoài nước là Trung Quốc đang quay lưng lại với chính sách "cải cách và mở cửa" của những người tiền nhiệm, và có xu hướng đóng cửa với bên ngoài. Trong bối cảnh này, việc Tập Cận Bình thể hiện là đang quản lý tốt hơn các mối quan hệ với Hoa Kỳ và mở cửa Trung Quốc về mặt thương mại "có thể giúp trấn an nhiều lo ngại trong nước về khả năng Bắc Kinh đang tiến tới chiến tranh".

Về phía nước Mỹ, chính quyền Biden phải đối mặt với cuộc tái tranh cử vào năm tới, và mặc dù các vấn đề đối ngoại "hiếm khi trở thành yếu tố quyết định thắng thua trong cuộc bầu cử tổng thống đối với một tổng thống mãn nhiệm tái cử", nhưng điều quan trọng đối với ông là ngăn chặn có thêm xung đột bùng nổ trong năm bầu cử 2024, chẳng hạn như liên quan đến Đài Loan. Theo một thăm dò dư luận do National Security Action and Foreign Policy for America đặt hàng, 78% người Mỹ coi việc tránh một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là "rất quan trọng".

"Hòa hoãn chiến thuật" Mỹ, Trung cũng quan trọng đối với Washington, tổng thống Mỹ nhân dịp này có thể thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đóng một vai trò hiệu quả hơn" trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas, bao gồm cả việc gây áp lực để ép Iran hạn chế can thiệp vào xung đột này.

Trọng Thành

**************************

Cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Joe Biden nhằm xoa dịu căng thẳng Mỹ-Trung

Chi Phương, RFI, 14/11/2023

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11/2023, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC được tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ, từ ngày 11 đến 18/11/2023. Trang mạng Asialyst có bài phân tích của Pierre-Antoine Donnet đăng ngày 11/11/2023, nêu ra điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung mà cả hai dường như đều muốn xoa dịu.

xibiden2

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. © Alex Brandon / AP

Thượng đỉnh Mỹ-Trung tại vịnh San Francisco lần này là cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai kể từ khi Joe Biden lên làm tổng thống. Phát ngôn của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các nhà lãnh đạo sẽ "thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương Trung – Mỹ, duy trì các kênh liên lạc cởi mở cũng như một loạt các vấn đề trong khu vực và toàn cầu". Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Washington mong muốn cạnh tranh, ganh đua với Bắc Kinh chứ không muốn "xung đột hay chiến tranh lạnh".

Theo Asialyst, đây là thời điểm để Bắc Kinh thể hiện ưu thế trước đối thủ Washington, vào lúc mà Joe Biden đang phải đối mặt với những bất ổn địa chính trị nghiêm trọng, nhất là ở Trung Đông, kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 07/10. Tuy nhiên tình hình của Trung Quốc cũng không mấy khả quan hơn. Kinh tế gặp nhiều khó khăn, giảm phát, … Tăng trưởng GDP dự kiến ​​vào năm 2023 dao động quanh mc 5%, đây là kết qu ti t nht t hơn 40 năm qua do vy Trung Quc vn cn th trường phương Tây.

Cuộc gặp diễn ra 9 tháng sau khi Bắc Kinh bị Washington tố cáo về vụ khinh khí cầu gián điệp. Theo New York Times, cuộc họp giữa hai nguyên thủ sẽ không thể chấm dứt các bế tắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng cho thấy hai bên muốn duy trì quan hệ.

Nối lại đối thoại quân sự, giảm căng thẳng về vấn đề Đài Loan

Đối với Joe Biden, mục đích ưu tiên là làm cho Trung Quốc "từ bỏ thái độ hiếu chiến ở Đông Á", nhất là đối với Đài Loan. Theo Asialyst, đây là điểm gây căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự, đe dọa hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh của mình và có thể giành lại vùng lãnh thổ này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Joe Biden đã 4 lần công khai trấn an bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược hòn đảo, mặt dù Mỹ vẫn khẳng định lập trường không muốn Đài Loan tuyên bố độc lập. Washington bày tỏ không khoan nhượng đối với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Chuyến thăm của cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tháng 08/2022, mà Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích, đánh dấu khởi đầu của một giai đoạn đóng băng trong mối quan hệ vốn đầy biến động giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Làm sao để tránh được những hiểu lầm gây chết người ? Làm sao để tránh các hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, nguy hiểm, có khả năng gây ra khủng hoảng giữa hai nước ? Nối lại đối thoại quân sự giữa hai nước là điều mà Washington mong muốn trong cuộc gặp ngày 15/11. Mục tiêu của Washington là làm sao có thể "quản lý" được cuộc ganh đua, cạnh tranh với Bắc Kinh. Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết, Washington "không quá ảo tưởng về khả năng giảm căng thẳng giữa hai nước do vậy không nên mong đợi có được một danh sách dài các kết quả cụ thể sau cuộc gặp này".

Tuy nhiên, việc nối lại đối thoại quân sự vẫn khả thi, theo như tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ Charles Q. Brown, khi trả lời Reuters. Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng mong muốn điều tương tự. Tướng Q. Brown cũng nhận định rằng khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan là rất thấp, nhưng "Tập Cận Bình sẽ thử những cách khác để đạt được mục đích".

Tại cuộc gặp lần này, tình hình ở Trung Đông sẽ rất được quan tâm. Hoa Kỳ đã buộc phải triển khai nhiều phương tiện quân sự trong khu vực, và điều này có thể làm giảm đi nguồn lực chiến lược mà Hoa Kỳ bố trí ở Đông Á. Điều này có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc hài lòng và khơi dậy những tham vọng mạo hiểm với Đài Loan.

Trí tuệ nhân tạo, quân sự… những chủ đề chính của cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai siêu cường hạt nhân

Nhật báo South China Morning Post (SCMP) trích dẫn hai nguồn tin, cho biết "sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo" là một trong những chủ đề chính của hội nghị này.

Theo báo Hồng Kông, lãnh đạo hai nước có thể sẽ công bố thỏa thuận song phương về cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các loại vũ khí tự động như drone hay trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Asialyst nhận định rằng, phần lớn tiến bộ của quân đội Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây đều dựa vào trí tuệ nhân tạo. Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu Oriana Skylar Mastro, tại viện Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford, việc sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự ngày càng gia tăng "khiến các cường quốc hạt nhân phải đạt được thỏa thuận để ngăn chặn việc sử dụng AI đặc biệt là trong việc kiểm soát hỏa lực hạt nhân và kiểm soát các hệ thống vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên nhà nghiên cứu Mastro cũng nói thêm, "lãnh đạo hai cường quốc hạt nhân có thể đồng thuận về sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại trong lĩnh vực này nhưng sẽ không thảo luận về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân tại San Francisco". Trung Quốc "rất nhạy cảm về vấn đề này vì kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Hoa Kỳ" và Bắc Kinh không muốn cùng Hoa Kỳ tiến hành kiểm soát loại vũ khí này, và cũng sẽ không thay đổi lập trường.

Ngoài ra, theo SCMP, việc soạn thảo tuyên bố chung vào cuối cuộc gặp thượng đỉnh vẫn đang bế tắc vì các nhà ngoại giao Mỹ - Trung, chưa thống nhất được ngôn ngữ sử dụng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và Israel.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng căng thẳng về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và hậu quả của các hoạt động này đối với các nước láng giềng như Philippines.

Tuy nhiên, hai bên có thể đạt được đồng thuận về một chủ đề ít nhạy cảm hơn, như tăng cường các liên kết hàng không giữa hai nước hoặc áp dụng các biện pháp chống buôn ma túy Fentanyl – loại ma tuý khiến hàng chục ngàn người chết ở Hoa Kỳ. Theo các nguồn tin từ Hoa Kỳ, nơi sản xuất loại ma tuý này chủ yếu được đặt ở Trung Quốc.

Thế khó riêng của hai lãnh đạo

Các nhà phân tích cho rằng kết quả của cuộc gặp lần này sẽ cho thấy ý muốn của Bắc Kinh đứng về phe các "quốc gia bất hảo" hay không, mà dưới con mắt của Hoa Kỳ, đó là các nước như Iran, Nga, Belarus và Bắc Triều Tiên. Nếu như cho đến nay, Trung quốc không cung cấp vũ khí, hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, thì Tập Cận Bình, đã nhiều lần gọi tổng thống Nga Putin là "người bạn thân thiết", trong mối quan hệ được gọi là "không có giới hạn" với Nga. Trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Bắc Kinh không lên án tổ chức Hồi giáo này là khủng bố. Dù Trung Quốc bày tỏ thái độ trung lập, muốn làm bạn với cả Israel và Palestine, các kênh truyền thông Nhà nước truyền tải các nội dung bài Do Thái, đứng về phía Palestine.

Nếu như thông báo cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Joe Biden có thể phản ánh mong muốn của Trung Quốc xoa dịu căng thẳng với Hoa Kỳ, thì Tập Cận Bình khó có thể giữ được thế cân bằng giữa một bên là cần duy trì thái độ cứng rắn, đồng nghĩa với việc không chấp nhận xoa dịu căng thẳng và bên kia là thái độ linh hoạt, rất có thể bị coi là "có tội", tức là sự yếu kém trước các đòi hỏi của Biden.

Asialyst kết luận rằng cuộc gặp này cũng không dễ dàng cho Biden, vì cần phải vừa thể hiện là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm trước một thế giới bị chao đảo bởi chiến tranh Israel, nhưng cũng không thể từ bỏ các nguyên tắc của một đất nước muốn duy trì vị thế cường quốc lớn nhất thế giới, trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, hay quân sự.

Chi Phương

*************************

APEC : Mỹ khẳng định tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương bất chấp chiến tranh Ukraine và Gaza

Thu Hằng, RFI, 14/11/2023

Hoa Kỳ tái khẳng định giúp đỡ Ukraine suốt mùa đông, huy động lực lượng ở Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. Nhưng Washington cũng muốn trấn an các đối tác, đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh APEC tại San Francisco từ ngày 15-17/11/2023 là cơ hội để Washington chứng tỏ vẫn đủ tiềm lực để thực hiện những cam kết trong vùng. 

xibiden3

Tấm áp phích về thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2023. AP - Lea Suzuki

Trước tiên, Mỹ muốn trấn an 21 nước tham gia Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khi liên tục tỏ thiện chí hòa dịu với Trung Quốc, với đỉnh điểm là cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Joe Biden dự kiến được tổ chức bên lề APEC. Theo hãng tin Mỹ AP, Nhà Trắng ý thức được rằng các nước thành viên APEC muốn hai cường quốc hàng đầu thế giới đối thoại hiệu quả hơn vì như vậy sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột trong khi Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn được coi là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Một sự kiện khác được chú ý là cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Indonesia. Nhà Trắng trải thảm đỏ đón tổng thống Joko Widodo hôm 13/11 ngay trước thềm thượng đỉnh APEC. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện - tương đương mức cao nhất mà Hoa Kỳ đã thiết lập với Việt Nam vào tháng 09/2023. Một thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (Quỹ ITSI), được thành lập theo Đạo luật CHIPS năm 2022, cũng được ký nhân dịp này để khai thác các khả năng, cơ hội trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn. 

Chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền tổng thống Biden mở rộng hợp tác với các nước trong vùng, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Để dễ thuyết phục các nước trong vùng hơn và tạo cảm giác cho các đối tác tâm lý không phải chọn phe, Hoa Kỳ mở rộng hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực được quan tâm như chống biến đổi khí hậu, kết nối số, năng lượng sạch và an ninh. Đây cũng chính là những điểm được tổng thống Biden và đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo đồng thuận thắt chặt hợp song phương. 

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden thành công trong việc giúp hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc giảm căng thẳng, hợp lực trước mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Philippines thắt chặt trở lại quan hệ quốc phòng với Mỹ trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Một tuần hội nghị cấp cao ở San Francisco là cơ hội để Nhà Trắng chứng tỏ với các nhà lãnh đạo APEC rằng tổng thống Biden vẫn tập trung vào khu vực Thái Bình Dương trong khi vẫn cố ngăn chặn nguy cơ Trung Đông trở thành chảo lửa. Ông Neils Graham, trợ lý giám đốc Trung tâm địa-kinh tế Atlantic Council, nhận định "Mỹ nhắm đến mục tiêu sử dụng APEC làm phương tiện truyền tải cam kết kinh tế bền vững đối với toàn bộ khu vực". 

Tầm quan trọng của APEC được chính quyền tổng thống Mỹ nhấn mạnh khi dự kiến công bố những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch, phát triển những chính sách chống tham nhũng và gian lận thuế. Được thông báo năm 2022 nhằm làm đối trọng với sức mạnh thương mại của Bắc Kinh, chiến lược mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - IPEF tập trung thúc đẩy cam kết của Mỹ ở trong vùng sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP năm 2017, sau được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. 

Một số khía cạnh của IPEF sẽ được các nước thành viên APEC quan tâm, ví dụ nỗ lực tăng cường sức đề kháng của chuỗi cung ứng, phát triển nền kinh tế dựa trên năng lượng xanh nhưng họ cũng muốn tổng thống Biden mở cửa thị trường Mỹ rộng hơn. Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc từng nêu quan ngại này trong cuộc họp với các quan chức Mỹ ở Washington vào tháng 10 này, bởi vì, theo ông, "tiếp cận thị trường có thể là một trong những hồi đáp quan trọng mà các nước trong khu vực mong đợi từ vai trò dẫn dắt của Mỹ". 

Tuy nhiên, khuyến nghị này bị một số dân biểu Mỹ dè chừng vì cho rằng sẽ làm mất đi "công ăn việc làm" tại Hoa Kỳ. Chính sách bảo hộ này sẽ tác động phần nào đến mong muốn trở thành "đầu tầu" tăng trưởng kinh tế bền vững của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. 

Thu Hằng

Published in Châu Á
lundi, 29 mai 2023 23:40

Tại sao Tập ngó lơ Biden ?

Việc Bắc Kinh từ chối đối thoại với Washington là một phần trong cuộc chiến nhằm làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ.

xi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 21 tháng 3. Pavel Byrkin/Sputnik/AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngó lơ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thật vậy, đã sáu tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau – Bắc Kinh đổ lỗi rằng lịch trình bận rộn, và thậm chí là vụ khinh khí cầu bay lạc, đã khiến tương tác giữa hai vị lãnh đạo bị trì hoãn. Nhưng trong suốt thời gian đó, Tập lại gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và tiếp đón các phái đoàn ngoại giao cấp cao từ Pháp, Đức, và Brazil. Sau khi sử dụng hết mọi lý do có thể, Trung Quốc gần đây đã thừa nhận rằng họ đơn giản là không muốn nói chuyện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết vào tháng 3, "Việc liên lạc [với Mỹ] không nên được thực hiện chỉ vì [các bên muốn] liên lạc".

Nói cách khác : Đừng gọi cho chúng tôi, và chúng tôi cũng sẽ không gọi cho các vị.

Việc mất liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Sự sụp đổ này đã bắt đầu từ hai năm trước – và chỉ là một triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân, của vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Mỹ-Trung. Thật vậy, quan hệ vẫn sẽ xấu đi chừng nào các chính sách của Nhà Trắng vẫn được xác định dựa trên các khẩu hiệu chính sách đối ngoại kiểu như "cạnh tranh để cùng tồn tại" với Trung Quốc, trong khi rõ ràng Tập Cận Bình đang cạnh tranh để giành chiến thắng. Nếu Washington còn muốn nối lại liên lạc, thì đã đến lúc cân nhắc thay thế những luận điệu hoa mỹ về "cùng tồn tại" và "các hàng rào bảo vệ" bằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà Bắc Kinh thực sự hiểu : có đi có lại.

Đáng tiếc, chính quyền Biden không có một chính sách Trung Quốc duy nhất, mà có một số chính sách mâu thuẫn nhau. Đôi khi cứng rắn, nhưng đôi khi thường mang tính hòa giải, khuôn khổ cạnh tranh thiếu sót của chính quyền Biden đã nhầm lẫn phương tiện với mục đích, hoàn toàn né tránh nhiệm vụ khó khăn là xác định kết quả cuối cùng mà Mỹ mong muốn ở Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là Biden chưa từng có một bài phát biểu nào phác thảo tầm nhìn của chính ông về quan hệ Mỹ-Trung. Thay vào đó, ông đã chuyển việc gửi thông điệp cho nhiều quan chức khác nhau – nổi bật là các bộ trưởng ngoại giao, thương mại, và tài chính – những người đã tiếp cận nó từ địa vị của họ. Kết quả là một quy trình hoạch định chính sách bị rạn nứt, tạo ra những tuyên bố mâu thuẫn nhau, thường góp phần dẫn đến bối rối, chứ không phải sự rõ ràng.

Trường hợp điển hình : Ngoại trưởng Antony Blinken đã tìm kiếm một "sân chơi bình đẳng" và "công bằng" trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ủng hộ việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để duy trì "khoảng cách dẫn trước Bắc Kinh càng lớn càng tốt". Hai mục tiêu này bao hàm hai quan hệ rất khác nhau : Blinken nói về cạnh tranh, Sullivan lại nhắc đến ngăn chặn công nghệ. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gợi ý rằng quan ngại về an ninh quốc gia nên được ưu tiên hơn những cân nhắc về kinh tế trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng bà cũng tuyên bố rằng những hạn chế đó không nhằm mục đích mang lại cho Mỹ "lợi thế cạnh tranh về kinh tế", dù các đồng nghiệp của bà, chẳng hạn như Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, rõ ràng đã đề xuất điều ngược lại.

Tất nhiên, các hành vi cạnh tranh của chính quyền Biden không chỉ giới hạn ở chất bán dẫn và chuỗi cung ứng. Chúng đang ngày càng được sử dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng liên quan đến an ninh và chủ quyền, đáng chú ý nhất là trong vấn đề Đài Loan. Chẳng hạn, sau những câu nói hớ hết lần này đến lần khác của Biden, về việc Mỹ cam kết (hoặc không cam kết) bảo vệ hòn đảo tự trị, cũng như để đối phó với các cuộc khủng hoảng xuyên eo biển khác, Nhà Trắng đã nhắc lại rằng Washington "tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột" với Bắc Kinh – sử dụng loại ngôn từ ngoại giao không rõ ràng. Điều này và các thông điệp không rõ ràng khác về Đài Loan đã thuyết phục Bắc Kinh rằng Washington đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng. Theo đó, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai lực lượng ngày càng gần bờ biển Đài Loan, trong thực tế là thu hẹp vùng đệm và theo đó làm thu hẹp phạm vi được mắc sai lầm đã từng tồn tại trước đây ở Eo biển Đài Loan.

Không có ví dụ nào minh họa rõ cách tiếp cận khó hiểu của chính quyền Biden đối với Trung Quốc hơn là phản ứng của họ đối với vụ khinh khí cầu gián điệp hồi đầu năm nay. Những mâu thuẫn này cho thấy rõ sự thiếu kỷ luật về truyền tải thông điệp, với việc Blinken lên án Trung Quốc vì đã "vi phạm chủ quyền của nước Mỹ" dù rằng Biden đã hạ thấp sự cố, nói rằng nó không phải là một "vi phạm lớn". Mâu thuẫn cũng nằm ở việc Bộ Ngoại giao cố tình ngăn chặn các nỗ lực buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm của các cơ quan khác của Mỹ, bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến nhân quyền nhắm vào các mục tiêu ở Trung Quốc. Các biện pháp như vậy được cho là đã bị gạt sang một bên, để tránh ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương, dù chính Trung Quốc đã coi thường luật pháp quốc tế và từ chối đưa ra lời xin lỗi.

Tệ hơn nữa, trong những tháng sau khi xảy ra vụ khí cầu gián điệp, chính quyền Biden đã nhiều lần đề xuất cử các phái đoàn cấp cao đến Bắc Kinh, có lẽ hy vọng rằng việc cùng nhau tuyên bố ý định hòa bình có thể giải quyết những khác biệt cơ bản giữa hai quốc gia. Những lời đề nghị này – mà Tập đã từ chối – được đưa ra khi chưa có đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi thái độ, chứ chưa nói đến việc đạt được cam kết ngừng xâm phạm bầu trời nước Mỹ. Sau khi đi đến kết luận rằng bản thân ông không thể sai, Tập Cận Bình đã vũ khí hóa những lời kêu gọi liên lạc của chính quyền Biden. Các quan chức Trung Quốc, chẳng hạn như Ngoại trưởng Tần Cương, đã sử dụng đến đòn thao túng chính trị, khi nói bóng gió rằng Washington đã phản ứng thái quá trước vụ xâm nhập táo bạo của Bắc Kinh và rằng "xung đột" là không thể tránh khỏi trừ phi Mỹ – chứ không phải Trung Quốc – chịu thay đổi hướng đi.

Tuy nhiên, lỗ hổng chết người trong chiến lược Trung Quốc còn thiếu sót của Biden không nằm ở việc ông tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng giữa hai siêu cường bằng bất cứ giá nào, hay việc chiến lược này đã dựa trên những khẩu hiệu rỗng tuếch. Thay vào đó, vấn đề là Washington đã đoán sai các mục tiêu địa chính trị của Tập. Cụ thể hơn, Biden cho rằng việc cùng tồn tại lâu dài phù hợp với tầm nhìn của Tập Cận Bình về một trật tự thế giới mới, lấy Trung Quốc làm trung tâm, và rằng các chính sách cực kỳ thận trọng của Mỹ đã giúp ngăn thảm họa xảy ra. Không nhận định nào trong số này là chính xác. Sau cùng, sự kiên định của chính quyền Biden đối với các hàng rào bảo vệ đã dẫn đến động lực hiện tại giữa hai siêu cường, trong đó sự thụ động của Trung Quốc đang khiến Mỹ không thể ra quyết định. Khi xem Trung Quốc là một cường quốc không thể bị kiểm soát, chính quyền Biden đã tiếp cận đàm phán theo cách khác thường, là dung hòa và bình thường hóa hành vi của Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy hoàn toàn trái ngược với chiến lược có đi có lại, trong đó Washington sẽ thể hiện sự kiên quyết, đồng thời báo hiệu sự sẵn sàng hợp tác khi và chỉ khi Trung Quốc chịu hợp tác.

Trong khi đó, tính toán của Tập rất rõ ràng : Can dự với Washington chỉ vì mong muốn can dự sẽ kéo dài thời gian tồn tại còn lại của trật tự thế giới tự do. Khác với những tuyên bố của chính quyền Biden, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa hai hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị hoàn toàn không tương thích này sẽ không thể kết thúc trong bế tắc hoặc cùng tồn tại. Cuộc đấu tranh đó cũng không nhất thiết phải kéo dài. Tập dường như ngày càng tự tin rằng kết quả của cuộc chiến giành ưu thế địa chính trị sẽ được quyết định trong vài năm, chứ không phải vài chục năm tới. Thay vì chấp nhận cạnh tranh để cùng tồn tại và có nguy cơ rơi vào những cái bẫy tương tự như khi Liên Xô bị kiềm chế, Tập Cận Bình đang thực hiện các bước để đảm bảo Trung Quốc sẽ sớm vượt lên dẫn đầu. Tâm lý người dẫn đầu của Tập đã được tiết lộ trong nhận xét gần đây của ông với Putin, rằng "sẽ có những thay đổi địa chính trị – những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua – và chúng ta là những người cùng nhau thúc đẩy những thay đổi đó". Thật vậy, "thế giới hỗn loạn" mới của Tập, một mô hình dựa trên chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua bành trướng liên tục – điều giải thích tại sao Tập lại nỗ lực lôi kéo càng nhiều quốc gia vào quỹ đạo của Trung Quốc càng tốt.

Với suy nghĩ đó, Tập đã bắt đầu tích cực thúc đẩy một cấu trúc quốc tế thay thế, tránh xa các giá trị phổ quát, đồng thời tìm cách loại trừ Mỹ. Cấu trúc mới nổi này – được thể hiện qua các sáng kiến Văn minh Toàn cầu, Phát triển Toàn cầu, và An ninh Toàn cầu của Trung Quốc – đã chuyển từ hệ thống luật lệ toàn cầu do phương Tây thống trị sang hệ thống do chính phủ các quốc gia tự định hình. Thay vì để các quốc gia "áp đặt các giá trị hoặc mô hình của nước họ lên các nước khác", hệ thống của Tập nhấn mạnh sự tôn trọng đối với các giá trị dân tộc và truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia – được thể hiện thông qua hình ảnh chính phủ. Mô hình này, vốn được Bắc Kinh thử nghiệm suốt 20 năm qua tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà độc tài, từ các nước phương Nam, và cả từ một số đối tác của Mỹ, như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả sau cùng sẽ là thay thế hệ thống hiệp ước của Liên Hiệp Quốc bằng một hệ thống chắp vá về ý thức hệ, phản ánh các giá trị và lợi ích của Trung Quốc. Rõ ràng là những nỗ lực này cấu thành một cuộc chiến ngoại giao nhằm tiêu hao ảnh hưởng của Washington.

Tương tự, Tập Cận Bình đã đẩy nhanh các kế hoạch cố tình phân tách khỏi Mỹ – chiến lược được ông đưa ra lần đầu tiên vào năm 2012, khi ông cảnh báo rằng người Mỹ đã khống chế nền kinh tế Trung Quốc. Theo chính sách tự lực cánh sinh, Tập gần đây đã trao quyền giám sát chưa từng có cho các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc để nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp nước ngoài và thu giữ tài sản trí tuệ của họ, mở đường cho một loạt các cuộc đột kích bất ngờ vào các công ty phương Tây. Tập cũng cắt đứt quyền truy cập của nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu khác nhau liên quan đến thông tin đăng ký công ty, bằng sáng chế, tạp chí học thuật, và thậm chí cả niên giám thống kê chính thức. Những biện pháp này đã dựng lên một bức tường xung quanh nền kinh tế Trung Quốc cùng với những biện pháp vốn đã tạo ra một môi trường nhiều rủi ro, thiếu thân thiện cho các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Trung Quốc. Về bản chất, Tập đang đóng cửa đất nước của mình trước ảnh hưởng của Mỹ, bất chấp những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Giờ đây, Bắc Kinh đang có hành động cân bằng tối thiểu. Tập sẽ chỉ cho phép đối thoại song phương giới hạn trong các lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với Bắc Kinh, nhưng từ chối hợp tác có ý nghĩa trong hầu hết các vấn đề quan trọng đối với Washington. Canh bạc của Tập giả định rằng chính quyền Biden, vốn gắn liền với chính sách hòa dịu và mong muốn tiếp xúc, sẽ chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc mà không khiến họ phải trả bất kỳ cái giá nào. Xét trên nhiều khía cạnh, chiến lược của Tập dường như đã mang lại thành quả. Các quan chức Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, đã bắt đầu cầu xin Bắc Kinh "hãy thỏa hiệp với chúng tôi" – điều mà Tập sẽ không có ý định làm trừ khi Washington báo hiệu kế hoạch cắt đứt liên lạc về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển ngắn hạn của Trung Quốc, chẳng hạn như cho phép Trung Quốc tiếp tục tiếp cận thị trường vốn Mỹ.

Công bằng mà nói, Tập sẽ không thể tránh mặt Biden mãi mãi, sớm muộn gì hai nhà lãnh đạo cũng sẽ phải liên lạc với nhau. Nhưng chừng nào những can dự mở này vẫn được kết hợp với chính sách cùng tồn tại hơn là chính sách có đi có lại, thì càng có nhiều khả năng chúng dẫn đến sự đổ vỡ mà chính quyền Biden đang cố tránh. Nhằm tối đa hóa đòn bẩy của mình, Washington nên nói ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, với Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là nên ngừng đối thoại về các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm nhất, để buộc Tập trở lại bàn đàm phán và thảo luận về các vấn đề khác.

Craig Singleton

Nguyên tác : "Why Xi Is Ghosting Biden", Foreign Policy, 17/05/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/05/2023

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) và từng là nhà ngoại giao của Mỹ.

Published in Diễn đàn