Hội nghị các nước Mekong-Lan Thương (RFA, 28/06/2019)
Truyền thông Lào và Việt Nam loan tin ngày 28/6 cho biết chủ đề diễn đàn là về phát triển bền vững công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Lãnh đạo 6 nước tham gia diễn đàn Mekong-Lancang về phát triển bền vững và hòa bình trên song Mekong tại Campuchia vào năm 2018 - AFP
Ông Thongsay Xanexaya, Thứ trưởng Bộ Bưu điện và Thông tin liên lạc Lào phát biểu tại diễn đàn hy vọng các nước trong khu vực sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương để khu vực cùng phát triển về lĩnh vực ICT.
Ý tưởng hợp tác Mekong – Lan Thương với sự tham gia của sáu nước ven sông Mekong (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.
Một vấn đề lớn giữa các nước ven sông Mekong là việc xây đập thủy điện trên dòng chính con sông này gây nên tác động bất lợi cho các nước hạ nguồn. Vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết vì các nước vẫn tiếp tục xây dựng đập thủy điện mà công tác tư vấn theo yêu cầu không mấy được tôn trọng. Trung Quốc có chuỗi đập trên dòng chính Mekong nhiều nhất tính đến nay.
Phần sông Mekong chảy qua Trung Quốc được gọi tên Lancang và Bắc Kinh cho hình thành nên cái gọi là Hợp tác Lancang-Mekong và phiên họp lãnh đạo đầu tiên của 6 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam diễn ra vào tháng 3 năm 2016.
*****************
Tổng thống Duterte : ‘Cứ việc luận tội tôi đi, tôi sẽ bỏ tù hết’ (VOA, 29/06/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hăm dọa sẽ bỏ tù các đối thủ chính trị đòi luận tội ông, trong động thái mới nhất mà một giới chức hàng đầu Liên Hiệp Quốc và một nhóm nhà lập pháp Châu Á trong tuần này mô tả là một chuỗi hành vi đàn áp và tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/06/2019.
Ông Duterte trút cơn giận dữ của ông vào chiều tối thứ Năm 27/6 giữa lúc truyền thông đang theo sát những diễn biến và những lời tố cáo rằng ông Duterte đứng về phía Trung Quốc trong vụ một tàu đánh cá Philippines bị đâm chìm ngày 9 tháng 6 bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi của Philippines lặp lại lập luận của Bắc Kinh, cho rằng đó là một tai nạn, không phải là một vụ đâm tàu có chủ ý. Ông còn cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nói rằng ông cho phép sự hiện diện đó vì tình bạn với Trung Quốc.
Một số nhà phê bình được nhiều người biết tiếng, trong đó có một thẩm phán hàng đầu và một cựu bộ trưởng ngoại giao, miêu tả phát biểu của ông Duterte "vi phạm hiến pháp, và là cơ sở để ông Duterte có thể bị mang ra luận tội".
"Luận tội tôi à ? Tôi ? Tôi sẽ tống giam tất cả bọn chúng", ông Duterte nói với các phóng viên. "Cứ thử luận tội tôi đi, tôi sẽ bỏ tù ngay. Đồ chó đẻ !".
Ông thách thức :
"Tôi thách mấy người làm điều đó. Mấy người thực sự muốn buộc tôi phải hành động ? Đuợc. Bọn chó đẻ, hãy thực hiện ý định đi. Hãy luận tội tôi đi. Lập hồ sơ đi !".
Một phúc trình do nhóm Các nhà Lập pháp ASEAN vì Nhân quyền công bố hôm thứ Ba tuần này chỉ trích chính quyền của Tổng thống Duterte về những "lời hăm dọa và ngôn ngữ hung hăng, đi kèm với những cáo buộc phóng đại chống lại các đối thủ chính trị, có thể cấu thành "những hành động cố ý để bịt miệng giới chỉ trích và làm suy yếu các cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực".
Cao ủy Nhân quyền Hoa Kỳ Michelle Bachelet hôm thứ Hai cảnh giác là người Philippines đã lên tiếng về những lời đe dọa công khai của các quan chức nhà nước, đang đối mặt với nguy cơ bạo lực thực sự,
Trong khi mức độ ủng hộ đối với ông Duterte, và quyền hạn mà ông được ủy thác, đã được củng cố trong các cuộc bầu cử giữa kỳ hồi gần đây, vụ tàu Philippines bị đâm chìm đã gây chú ý ở trong nước về những khiếm khuyết trong chính sách đối ngoại mà ông cổ vũ, là không đối đầu với Trung Quốc để đổi lấy các ưu đãi về kinh tế.
********************
Tổng thống Duterte cho phép Trung Quốc khai thác cá trong vùng nước của Phi bất chấp phản đối (RFA, 26/06/2019)
Tổ chức môi trường quốc tế Oceana mới đây lên tiếng cảnh báo nguồn cá của Philippines đang cạn kiện và không kịp hồi phục vì Trung Quốc được phép đánh bắt thoải mái trong vùng nước của Phlippines.
Tàu cá của ngư dân Philippines bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6/2019 - Hình minh họa. AP
Phó chủ tịch của Oceana Philippines Gloria Ramos được trang tin The Star hôm 25/6 trích lời nói rằng việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng nước thuộc chủ quyền của Philippines đang gửi đi một thông điệp rằng bất cứ ai cũng có thể đánh cá trộm mà không phải chịu hậu quả. Bà nói việc Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển của Philippines là một ví dụ của đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), khiến làm giảm nguồn cá.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 24/6 nói rằng sẽ rất khó để chặn Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
"Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ làm vậy. Bởi vì sao ? Bởi vì chúng ta là bạn. Và chúng ta có cùng cách nhìn rằng điều đó (việc đánh bắt cá) không nên dẫn đến bất cứ đối đầu gây đổ máu nào", Tổng thống Duterte nói.
Giám đốc Cơ quan nguồn lợi biển và cá của Philippines, Eduardo Gongona cho biết Philippines có thỏa thuận với các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc, mà theo đó Philippines chỉ đưa các tàu cá xâm phạm lãnh hải ra ngoài khi phát hiện có tàu xâm phạm.
Tháng 9 năm 2017, Hải quân Philippines đã nổ súng khiến 2 ngư dân Việt thiệt mạng khi phía Philippines phát hiện những tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép ở vùng nước của Philippines.
Hôm 9/6, một tàu cá của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Philippines ở Bãi Cỏ Rong ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và bỏ rơi không cứu 22 ngư dân Phi. Bãi Cỏ Rong nằm trong khoảng 200 hải lý vùng EEZ của Philippines.
Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết việc khai thác cá của Trung Quốc đã gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2014, sản lượng đánh bắt cá trung bình của Trung Quốc là khoảng 13 triệu tấn. Năm 2016, con số này là hơn 15 triệu tấn.
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu cá và sản phẩm từ cá lớn nhất thế giới.
Hôm 22/08/2017, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano lại lên tiếng báo động : Trung Quốc đã cho cắm cờ trên một cồn cát gần đảo Loại Ta (Kota Island) do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Đối với dân biểu này, đây là một dấu hiệu cho thấy âm mưu lấn chiếm của Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ chẳng có gì đáng ngại. REUTERS/Ezra Acayan/File Photo
Chính dân biểu này là người trong những ngày gần đây đã liên tiếp cảnh báo chính quyền Manila về sự kiện Bắc Kinh đang cho tàu đến bám trụ tại khu vực bãi Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ trong tay Philippines, xua đuổi ngư dân Philippines, có thể là với âm mưu chiếm cứ luôn khu vực này. Thế nhưng, những lời báo động của ông Alejano và một số nhân vật khác đều bị chính quyền bỏ ngoài tai, làm dấy lên mối lo ngại là để được Trung Quốc giúp đỡ về mặt kinh tế, tổng thống Duterte sẵn sàng nhượng bộ Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông.
Việc Trung Quốc dồn tàu đến khu vực sát đảo Thị Tứ là một thực tế, đã được xác minh qua ảnh vệ tinh Mỹ với những cứ liệu gần như trùng khớp với các thông tin được dân biểu Alejano tiết lộ từ ngày 15/08/2017. Mới đây, cơ quan Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI của Mỹ đã công bố một loạt ảnh vệ tinh chụp ngày 13/8 cho thấy nhiều tàu Trung Quốc trong khu vực, bao gồm ít nhất "9 tàu cá Trung Quốc và hai tàu không rõ là của Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc". Ảnh còn cho thấy một chiếc thuyền đánh cá Philippine neo đậu ở một bãi cát gần đó.
Trước những tuyên bố của chính quyền Duterte được cho là xem nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sự vụ, hôm qua 21/08, đến lượt một nhân vật có uy tín tại Philippines lên tiếng. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines Antonio Carpio, đã tỏ ý lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc "xâm lược" khu vực cồn cát Sandy Cay gần đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Philippines.
Tuyên bố này của thẩm phán Carpio đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phản bác. Trả lời báo chí vào hôm nay, ông Cayetano không ngần ngại cho rằng vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã dựa trên những cứ liệu "sai lạc" để đi đến một nhận định như trên. Nhận định của thẩm phán Carpio cũng bị đích thân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bác bỏ, vào hôm qua, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực chẳng có gì đáng ngại.
Trung thành với kiểu cách nói năng thô bạo, ông Duterte tuyên bố : "Tại sao tôi lại phải bảo vệ một bãi cát và hy sinh người Philippines chỉ vì một cồn cát ?". Theo ông Duterte, tàu Trung Quốc có mặt ở đó để "tuần tra", vì Trung Quốc và Philippines là "bạn bè". Ông còn xác định rằng ông đã gọi cho đại sứ Trung Quốc và được bảo đảm rằng Bắc Kinh "sẽ không xây dựng gì ở đó".
Đối với tạp chí Nhật Bản The Diplomat, tuyên bố của tổng thống Philippines về vụ tàu Trung Quốc ở Sandy Cay đã khiến giới quan sát hết sức hoài nghi. Nếu giữa hai chính quyền Philippines và Trung Quốc đã có bàn bạc, thảo luận về vấn đề này, tại sao vào đầu tuần trước, khi bị dân biểu Alejano chất vấn, cả bộ Ngoại Giao lẫn bộ Quốc Phòng Philippines đều không có lời giải thích rõ ràng ?
Ngoài ra, phải chăng là tổng thống Duterte đã ra lệnh cho lực lượng hải quân Philippine rời khỏi khu vực để cho phép tàu Hải Quân và Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực gần đảo Thị Tứ ? Sau cùng, tổng thống Duterte giải thích ra sao về các thông tin theo đó tàu đánh cá Philippines bị phía Trung Quốc cấm vào các vùng biển liên can nếu thực sự là Bắc Kinh chỉ tuần tra thân hữu mà thôi ?
Đối với The Diplomat, Trung Quốc rất có thể là đang thực sự nhòm ngó Sandy Cay do các lợi ích pháp lý mà họ thu được nếu chiếm đóng được đảo này trong thực tế. Do vậy, thái độ của chính quyền Duterte giảm thiểu mức độ hệ trọng của những gì Trung Quốc đang làm ở khu vực Sandy Cay làm dấy lên câu hỏi là phải chăng chính quyền Philippines đang vì lợi ích kinh tế mà nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí còn tiếp tay cho Bắc Kinh trong toan tính khống chế trọn Biển Đông ?
Trọng Nghĩa