Tổ chức Công lý cho Myanmar Justice for Myanmar) cáo buộc một công ty nhà nước của Bộ Quốc phòng Việt Nam trợ giúp chính quyền quân sự Miến Điện theo dõi dân chúng và binh lính đào ngũ.
Tháng 6/2018, Mytel, tên thương hiệu của Telecom International Myanmar – liên doanh giữa Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH) đã chính thức khai trương.
Điều tra mới công bố hôm 14/6 từ các tài liệu rò rỉ cho thấy, Mytel - công ty do quân đội của thống tướng Min Aung Hlaing điều hành, tích cực khuyến khích binh lính sử dụng dịch vụ mạng viễn thông này.
Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có 49% cổ phần trong Mytel.
Theo Công lý cho Myanmar, trong nhiều năm gần đây nhân viên của Mytel tỏa đi các đơn vị quân đội để mua chuộc cấp chỉ huy nhằm buộc lính của các đơn vị này phải mua sim.
Các nhân viên Mytel sẽ thu thập dữ liệu về quân nhân, bao gồm tên, cấp bậc và mã số quân đội, với sự hỗ trợ của các chỉ huy và những lãnh đạo này được nhận các ưu đãi về tài chính để đảm bảo binh lính và sĩ quan của họ thường xuyên nạp tiền vào tài khoản Mytel.
Bên cạnh việc phát triển khách hàng trong quân đội, Mytel cũng lập ra chiến dịch tiếp thị để phát triển khách hàng trong khối dân sự như ngân hàng, doanh nghiệp, nhân viên chính phủ ở các cấp, từ cấp bộ cho tới cấp xã phường.
Theo một phân tích về đề xuất của Ủy ban Đầu tư Myanmar, quân đội Myanmar dự kiến sẽ thu lợi được hơn 700 triệu đô la Mỹ trong 10 năm từ Mytel, để tài trợ cho các tội ác chiến tranh tiếp diễn và tội ác chống lại loài người, báo cáo cho biết.
Trong email trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, Yadanar Maung - phát ngôn nhân của Công lý cho Myanmar cho rằng, công ty Mytel là sản phẩm của hành vi tham nhũng có hệ thống của quân đội bao gồm thống tướng Min Aung Hlaing và giới quân phiệt.
"Để tìm kiếm lợi nhuận, các tướng lĩnh quân đội đã giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quyền truy cập vào các bí mật quân sự, bao gồm dữ liệu nhân sự và quyền truy cập vào các căn cứ quân sự.
Đây là dữ liệu thậm chí không có sẵn cho chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo trước đây hoặc Quốc hội mà quân đội đã cố gắng hạ bệ.
Dữ liệu bao gồm tên tuổi, cấp bậc và mã số quân nhân ở cấp quốc gia, được tổ chức theo căn cứ quân sự và dữ liệu cá nhân của đa số quân nhân Myanmar".
Ngoài ra, tổ chức của nhóm các nhà hoạt động vận động cho công lý và trách nhiệm giải trình cho người dân Myanmar nói thêm rằng, Viettel tiếp tục có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các căn cứ cho tháp điện thoại di động và mạng cáp quang của quân đội Miến Điện.
"Trong khi Việt Nam là đồng minh của chế độ quân phiệt Myanmar, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể sử dụng và lạm dụng dữ liệu này nếu muốn, kể cả vì lợi ích quốc gia của riêng mình.
Các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của quân đội Myanmar được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh của Viettel với tập đoàn quân sự Myanmar Economic Corporation.
Chúng tôi kêu gọi các biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu ngay lập tức đối với Telecom International Myanmar, công ty sở hữu Mytel, cũng như Viettel Global Investment". - email trả lời phỏng vấn của Công lý cho Myanmar nói.
Chúng tôi cũng gửi email tới công ty Viettel để đề nghị họ bình luận về báo cáo này nhưng chưa lập tức nhận được câu trả lời.
Sau cuộc đảo chính quân sự và bắt giam nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm ngoái, nhiều binh lính và cảnh sát đào ngũ cùng tham gia chiến dịch bất tuân dân sự.
Tuy nhiên, do sử dụng sim điện thoại của Mytel, họ vẫn bị theo dõi bởi chính quyền quân sự. Do vậy tổ chức này kêu gọi dân chúng và những người lính phá huỷ sim Mytel trước khi đào nhiệm.
Đồng thời nói rằng, số tiền kiếm lời của công ty viễn thông này không nên chảy vào túi của phe quân sự để họ sử dụng mua vũ khí hay trang thiết bị chống lại người dân, mà cần được sử dụng để phục vụ cho lợi ích của dân chúng.
Dẫn nguồn từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar, Công lý cho Myanmar nói kể từ khi đảo chính vào tháng hai năm ngoái, hơn 1.900 người kể cả trẻ em đã bị quân đội sát hại, và hơn 11.000 người đang bị giam giữ và thường xuyên bị tra tấn.
Công lý cho Myanmar cho rằng tội ác của quân đội được kích hoạt bởi lợi ích kinh doanh và do vậy, dân chúng cần tẩy chay Mytel ngay lập tức để ngăn chặn dòng tiền cho tập đoàn quân sự.
Hồi tháng 12 năm 2020, tổ chức này cũng công bố tài liệu điều tra cho rằng, Viettel đang hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Myanmar thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật của quân đội.
Và chính vì vậy, "Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người".
Ước tính khoảng 700.000 người ở Myanmar mất truy cập internet sau các cuộc tấn công vào các thiết bị viễn thông do Mytel điều hành, công ty này cho biết, giữa lúc có tin tức cho hay hàng chục cột anten của họ đã bị hư hại.
Một cơ sở viễn thông của Mytel - liên doanh giữa quân đội Myanmar và Viettel của Việt Nam - bị tấn công trong tháng 9/2021.
Mytel là một liên doanh giữa quân đội Myanmar và tập đoàn Viettel thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đã xảy ra các vụ nổ kể từ khi nhóm có tên là Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG) hồi tuần trước tuyên bố tiến hành "chiến tranh phòng ngự toàn dân" chống lại chính quyền của giới quân sự.
NUG là một chính quyền ngầm được thành lập để chống lại cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ, thổi bùng lên sự phẫn nộ trên toàn quốc, cùng với đó là các cuộc đình công, biểu tình và một lực lượng dân quân chống chính quyền đã ra đời.
Tình trạng đổ máu gia tăng ở một số khu vực sau khi nhóm NUG hoạt động ngầm đưa ra tuyên bố nổi dậy và kêu gọi lực lượng dân quân mới, có tên là Lực lượng Dân phòng (PDF) hãy nhắm mục tiêu vào quân đội và tài sản của họ.
Người phát ngôn của Mytel, liên doanh giữa quân đội Myanmar và Viettel thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, phát biểu rằng : "Việc phá hủy cơ sở hạ tầng viễn thông đang tước đi phương tiện truy cập thông tin, giáo dục và các dịch vụ quan trọng trên internet của hàng trăm nghìn người".
Hầu hết các cuộc tấn công diễn ra ở các khu vực nông thôn và hơn 80 cột anten thuộc sở hữu của Mytel đã bị phá hủy, và Lực lượng Dân phòng tuyên bố chịu trách nhiệm về các vụ ở một số khu vực, theo tường thuật trong tuần này của báo độc lập Irrawaddy.
Tuyên bố nổi dậy được đưa ra trong bối cảnh phe đối lập thất vọng vì thiếu sự ủng hộ cụ thể từ khắp nơi trên thế giới dành cho việc họ chống đối chính quyền.
Một vị thứ trưởng của NUG có tên là Maw Htun Aung cho biết trong một thông điệp gửi qua tin nhắn : "Giờ đây, mọi người đã nhận ra rằng chúng ta phải đi đến cuối cùng bất kể có sự trợ giúp của quốc tế hay không".
Trong khi NUG lâu nay nhận được rất nhiều sự ủng hộ trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Myanmar, vẫn chưa rõ tuyên bố của họ sẽ đe dọa ra sao đến đội quân được trang bị tốt của Myanmar.
Theo Reuters